Bài Giảng Thứ Tám
HUẤN LUYỆN CÓ TỔ CHỨC ĐỂ ĐẠT QUÁN HUỆ
Bây giờ chúng ta sẽ bàn tới những hệ thống huấn luyện quán huệ có tổ chức mà Đức Phật không nói tới, nhưng sau này đã do các vị đại sư khai triển. Loại phương pháp tu hành này thích hợp với những người còn ở trong giai đoạn tương đối chưa phát triển, họ vẫn chưa thể nhận thức được tận mắt một cách tự nhiên về sự bất thỏa mãn (khổ) của sự sinh tồn trên thế gian. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng những kết quả đạt được bằng các hệ thống này có những đặc tính mà phương pháp tự nhiên không thể đạt được – vì khi khảo cứu Tam Tạng Kinh một cách kỹ lưỡng chúng ta thấy rằng trong đó chỉ nói tới phương pháp tự nhiên. Nhưng có một số cho rằng chỉ có những người đại thiện hoặc căn cơ chín mùi mới thích hợp để tu tập quán huệ tự nhiên; đối với họ, triệt để thấu hiểu vạn pháp là chuyện dễ như trò chơi của trẻ con. Vậy một người chưa trở thành đại thiện và không có căn cơ thích hợp thì họ phải làm gì? Đối với những người này, các vị tổ sư đã thiết kế những hệ thống tu tập có thứ tự, những bài học bắt đầu từ đơn giản nhất, và phải tuân thủ từ đầu chí cuối một cách có hệ thống.
Nhưng hệ thống tu tập để phát triển quán huệ ngày nay được gọi bằng thuật ngữ “Vi Pát Sa Na” (Quán) (Vipassana-dhura); đây là phương pháp tu tập tương phản với “Giáo” (Ganthadhura); ngày nay hai phương pháp này được coi là hai phương diện bổ khuyết cho nhau của việc huấn luyện quán huệ. Vi Pát Sa Na Quán (gọi vắn tắt là “Quán”) là phương pháp nghiên cứu nội tâm, hoàn toàn là huấn luyện tâm lý, không liên hệ gì tới các sách giáo khoa. Trong Tam Tạng Kinh không hề nói tới hai chữ “Giáo” và “Quán”, cả hai chỉ xuất hiện trong những kinh sách về sau này. Nhưng dù sao Quán đích thực là một pháp môn tu hành của Phật giáo, được thiết kế cho những người có ý muốn diệt trừ đau khổ. Nó được căn cứ trực tiếp vào sự nội tĩnh thiền định. Để giải thích Quán, các vị đại sư thời xưa đã đưa ra những câu hỏi sau đây:
- Cơ sở, nền tảng của Quán là gì?
- Chúng ta căn cứ vào những đặc tính gì để biết rằng điều này điều nọ là Quán?
- Hành động gọi là “Quán” thực sự là gì?
- Điều gì nên coi là kết quả tối hậu của Quán?
Khi được hỏi điều gì là cơ sở, nền tảng của Quán? Chúng ta trả lời Giới và Định. Ý nghĩa của Quán là “trí huệ trong suốt,” và cũng có nghĩa là nhãn quan trong sáng phát sanh khi tâm trí chúng ta tràn đầy hoan lạc và tuyệt nhiên không có bất cứ phiền não gì. Hoan lạc phát sanh khi có sự Thanh Khiết Tinh Thần; giới hạnh là điều kiện tiên quyết. Điều này được nói tới trong kinh sách (“Trung Bộ Nhị Thập Tứ Kinh”), trong đó sự tu tập được mô tả như là một chuỗi những giai đoạn gọi là “Bảy Giai Đoạn Thanh Lọc”, và lên tới tột đỉnh trong Đạo và Quả. Các bậc tổ sư coi sự đạt tới “Thanh Khiết Giới Hạnh” (người Trung Hoa dịch là “Giới Thanh Tịnh”) như là giai đoạn đầu tiên của bảy Giai Đoạn Thanh Lọc. Nó bao gồm cách ứng xử hoàn toàn không có gì lầm lỗi, và là điều kiện tiên quyết của “Thanh Khiết Tâm Trí” (“Tâm Thanh Tịnh”). Sự thanh khiết của tâm trí - đạt tới khi tâm trí không còn chút gì ô nhiễm - dẫn tới “Thanh Khiết Kiến Niệm” (“Kiến Thanh Tịnh”) tức là không còn hiểu lầm điều gì, điều này dẫn tới “Không Còn Nghi Ngờ Điều Gì” (“Độ Nghi Thanh Tịnh”) và điều này dẫn tới “Biết và Thấy Điều Gì Là Đạo Chân Chánh Để Đi Theo và Biết Điều Gì Không Phải Là Đạo” (“Đạo Phi Đạo Trí Kiến Thanh Tịnh”). Điều đó dẫn tới “Thanh Khiết Nhờ Tri và Kiến về Sự Tiến Triển Trên Đường Hành Đạo” (“Hành Đạo Trí Kiến Thanh Tịnh”). Sau cùng điều đó dẫn tới giai đoạn cuối cùng là “Quán Huệ hay là Sự Thanh Khiết của Tri và Kiến” (“Trí Kiến Thanh Tịnh”), đây chính là đạt tới Đạo Cao Cả. Vì Quả của Đạo tự nhiên sẽ sanh ra, một khi Đạo đã viên mãn, cho nên sự đạt Đạo được coi là tột đỉnh của việc tu hành.
“Thanh Khiết Giới Hạnh” là cách ứng xử hoàn hảo của thân nghiệp và khẩu nghiệp. Cho tới khi nào vẫn còn bất cứ điều gì bất hoàn hảo trong thân nghiệp và khẩu nghiệp thì vẫn còn thiếu giới hạnh chân chính. Khi giới hạnh đã trở thành hoàn hảo, nghĩa là khi đã đạt tới sự thanh tịnh trong những hành động của thân xác và trong lời nói, thì tất nhiên sẽ dẫn đến “tâm thanh tịnh”; và điều này sẽ dẫn tới những giai đoạn xa hơn của sự thanh lọc: không còn hiểu lầm điều gì – không còn nghi ngờ điều gì - biết và thấy điều gì là đạo chân chánh để đi theo và biết điều gì không phải là đạo – tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo – và cuối cùng là “quán huệ hoàn hảo”. Năm giai đoạn sau cùng này tạo thành “Quán” đích thực. “Giới thanh tịnh” và “tâm thanh tịnh” chẳng qua chỉ là “Quán” nhập môn mà thôi.
BẢY GIAI ĐOẠN THANH LỌC,
NĂM GIAI ĐOẠN TRONG “QUÁN”,
VÀ CHÍN BƯỚC CỦA TRI THỨC HOÀN HẢO
1. Thanh khiết giới hạnh (Giới thanh tịnh).
2. Thanh khiết tâm trí (Tâm thanh tịnh).
3. Không còn hiểu lầm điều gì (Kiến thanh tịnh).
4. Không còn nghi ngờ điều gì (Độ nghi thanh tịnh).
5. Biết và thấy điều gì là đạo chân chánh (Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh).
6. Tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo (Hành đạo trí kiến thanh tịnh).a. Hiểu biết về sanh và diệt
b. Hiểu biết về diệt.
c. Ý thức về sự sợ hãi.
d. Ý thức về sự nguy hiểm.
e. Tỉnh ngộ.
f. Dục vọng mong được giải thoát.
g. Cố gắng giải thoát.
h. Thanh tịnh.
i. Ý thức về Tứ Diệu Đế.7. Quán huệ hoàn hảo (Trí kiến thanh tịnh).
Giai đoạn thanh lọc thứ ba “không còn hiểu lầm điều gì” tức là đã diệt trừ tất cả những kiến giải sai lầm, gồm cả những kiến thức sai lầm đã học được. Nó bao hàm rất rộng, từ “tín ngưỡng phi lý tin tưởng vào những phép thần thông” cho tới “nhận thức sai lầm về bản chất đích thực của sự vật, chẳng hạn như coi thân-và-tâm như là cái gì thường hằng, như là có giá trị, như là tự ngã; coi nó là thú vật, con người, hoặc thần thánh, hoặc như điều gì thần thông hoặc thiêng liêng; không biết rằng nó chỉ bao gồm bốn nguyên tố (“tứ đại”); hoặc chỉ là thân xác cộng với tâm trí mà thôi; nhưng lại coi nó là tự ngã; như là nó có một linh hồn có thể nhập vào và ra khỏi thân xác; không biết rằng nó chỉ bao gồm ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không biết rằng nó chỉ là một tổng hợp những cảm quan qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Kiến giải sai lầm dẫn tới mê tín tin vào phép thần thông và những đối tượng thiêng liêng, vì vậy mà sanh ra sợ sệt. Rồi người ta làm những nghi thức lễ bái để hóa giải sợ sệt, và hậu quả sau cùng là sự bám chặt vào những nghi thức và lễ bái – chung qui chỉ vì những kiến giải sai lầm. Từ bỏ những kiến giải sai lầm tức là đạt tới giai đoạn thanh lọc thứ ba nói trên, và là điều mà các vị đại sư sau này coi là giai đoạn thứ nhất của “Quán”.
Giai đoạn Thanh Lọc gọi là “không còn nghi ngờ điều gì” được thực hiện bằng nội tĩnh để hiểu biết các nhân duyên. Khi không còn nghi ngờ điều gì, người ta sẽ tự thấy mình chỉ là thân xác cộng với tâm trí. Khi không còn nghi ngờ điều gì, người ta nhận thức được bản chất của nhân duyên dẫn tới sự hiện hữu của thân-và-tâm. Tới giai đoạn này hành giả nhìn thấu triệt và thấy cả những chi tiết vi tế về sự cấu thành và tương tác của vô minh, dục vọng, chấp thủ, nghiệp, những sanh khởi, v.v., để hình thành thân-và-tâm. “Không còn nghi ngờ điều gì” chỉ là kết quả của tri thức sáng suốt trên đây về những nhân duyên của mọi sự mọi vật. Trong hệ thống của “Quán”, các vị đại sư nhận thấy có 20 hoặc 30 loại nghi ngờ, nhưng tổng hợp lại chúng chỉ là những hoài nghi về chuyện tự ngã có hiện hữu hay không, trước khi sanh ra đời người ta có tự ngã hay không, sau khi chết tự ngã của người ta có tiếp tục tồn tại hay không, và nếu vẫn còn tồn tại thì trong hình thức nào? Đường lối duy nhất để hoàn toàn trừ khử nghi ngờ là ý thức rằng không có cái “ta”, mà chỉ có những nguyên tố, những uẩn kết hợp lại, gồm một hệ thống thần kinh cùng với những nhân duyên như vô minh, dục vọng, nghiệp, v.v., mà thôi, chẳng hề thực sự có cái “ta”. Vì vậy khi đạt tới giai đoạn thanh lọc này người ta bắt đầu từ bỏ quan niệm mù quáng: “Ta là, ta đã là, ta sẽ là”. Diệt trừ hoàn toàn nghi ngờ tức là đã hoàn thành giai đoạn thứ nhì của “Quán”. Nhưng điều này không có nghĩa là người ta đã vĩnh viễn từ bỏ hoàn toàn quan niệm về cái “ta”, bởi vì vẫn còn lại những vết tích vi tế của nó. Nhờ hiểu biết về sự tương tác của nhân duyên nên người ta đoạn trừ được nghi ngờ và có thể từ bỏ quan niệm về cái “ta”.
Khi đã vượt khỏi nghi ngờ, người ta sẽ có thể tiến tới giai đoạn thanh lọc gồm kiến thức hoàn hảo để biết điều gì là đạo chân chánh để đi theo và điều gì không phải là đạo. Nhưng có vài chướng ngại vật để tiến triển trong giai đoạn này, đây là điều thường xảy ra trong khi người ta thực hành “Quán”. Trong khi tâm trí ở trạng thái thiền định thường sanh ra một số hiện tượng khác thường khiến cho hành giả có thể kinh ngạc, chẳng hạn như tâm nhãn (lúc này cặp mắt thể xác đã nhắm lại) có thể trông thấy ánh hào quang kỳ diệu. Nếu hành giả cố ý khuyến khích những hiệu ứng này, chúng sẽ phát triển cao độ; và nếu người thực hành thiền định vội vàng kết luận rằng “đây là Quả của sự thực hành Quán”, hoặc tự chúc mừng mình và nói “đây là điều gì siêu nhiên; điều này sẽ có nhiều lợi ích cho ta”, v.v., thì sự xuất hiện những hiện tượng này sẽ gây cản trở trên con đường dẫn tới Đạo chân chính và Quả chân chính. Vì vậy các vị đại sư coi chúng như là “khúc rẽ đưa vào ngõ cụt”. Một thí dụ khác là sự xuất hiện những cảm giác hoan lạc và thỏa mãn tràn ngập vào tâm trí hành giả, đến nỗi họ không thể nào tiến thêm bước nữa để làm công phu nội tĩnh, hoặc họ có thể vội vàng kết luận “đây chính là Niết Bàn, ngay nơi này và ngay lúc này”, khiến cho con đường tu tập của họ bị chận đứng và không thể tiến xa hơn nữa”. Các vị đại sư nói thêm rằng thậm chí quán huệ hiểu rõ bản chất của thân-tâm đôi khi cũng có thể dẫn tới sự tự mãn và ảo tưởng rằng hành giả có một trình độ đáng kể về huệ quán, vì vậy họ sẽ trở thành quá tự tin, và vọng tưởng, cho rằng mình đã chứng được quán huệ. Đây cũng là một chướng ngại vật đối với sự tiến bộ của Quán. Đôi khi hành giả có thể lợi dụng tâm lực – mà họ đã đạt được - để khiến cho thân thể trở thành cứng ngắc, với hậu quả là họ mất ý thức, nên không thể làm công phu nội tĩnh xa hơn nữa. Đây là một chướng ngại vật bướng bĩnh trên con đường, vậy mà những người thực hành thiền định thường chấp nhận nó, coi nó như là một năng lực siêu nhiên, hoặc thậm chí cho rằng nó chính là Đạo Quả. Bất cứ ai trở thành tự mãn và mê thích đường lối thiền định thâm sâu, bằng cách tọa thiền với thân thể cứng ngắc và mất hết cảm giác đó, đến nỗi họ không thể tiến bộ thêm nữa trong sự thực hành Quán, thì họ sa vào tình cảnh đáng thương nhất.
Một tình huống khác rất dễ xảy ra là hành giả có thể cảm thấy một trạng thái tinh thần tuyệt diệu mà trước đó họ chưa bao giờ gặp. Một khi nó đã đến, cảm giác “đại hỉ đại lạc” khiến cho hành giả có thể thấy nó kỳ diệu và trở thành tự mãn một cách sai lầm. Trong khi cảm giác tuyệt diệu này kéo dài, thân và tâm vô cùng khoan khoái và mọi vấn đề của hành giả đều tan biến. Những điều ưa thích hay chán ghét, khi hiện ra trong tâm trí hành giả sẽ không còn là ưa thích hay chán ghét nữa. Những chuyện mà trước kia hành giả sợ sệt, lo lắng, nóng nẩy, lúc này không còn tạo ra những phản ứng như vậy nữa, vì vậy hành giả có thể hiểu sai rằng họ đã đạt tới giải thoát khỏi tất cả những phiền não; bởi vì khi ở trong trạng thái đó hành giả có tất cả những đặc tính của một cá nhân thực sự hoàn hảo. Nếu hành giả tự mãn với trạng thái này, nó sẽ là một chướng ngại vật khiến họ không thể tiến xa hơn nữa trong việc tu tập “Quán”. Lâu dần trạng thái đó sẽ mờ nhạt, và những điều trước đây ưa thích hoặc chán ghét lại sẽ được ưa thích hay chán ghét như trước, thậm chí có thể còn hơn trước nữa.
Còn một loại chướng ngại vật khác liên quan tới đức tin. Đức tin hoặc lòng tin tưởng mà trước đây hành giả chưa bao giờ cảm thấy bây giờ trở thành kiên cố, chẳng hạn như sự tin tưởng vào Tam Bảo gồm Phật, Pháp, Tăng, hoặc tin tưởng vào những lý thuyết mà chính hành giả tự nghĩ ra. Hành giả có thể thấy vô cùng thỏa mãn với Phật Pháp. Trạng thái kiên định không lay chuyển trở thành vững mạnh đến nỗi hành giả có thể sanh ra ảo tưởng và tin rằng mình đã đạt tới Đạo Quả và Niết Bàn. Những điều này là một trở ngại lớn đối với bất cứ ai gặp chúng lần đầu tiên. Như các bạn đã thấy, chúng sẽ tạo một chướng ngại trên con đường tu tập “Quán”. Tuy nhiên, có thể hành giả sẽ coi chúng là thứ rất đáng đạt được, cho tới khhi họ phát triển kiến thức sáng suốt để thấy rằng những thứ đó kỳ thực chỉ là những chướng ngại vật, rồi từ đó đoạn trừ hoàn toàn những vô minh vi tế này. Kiến thức để “biết và thấy điều gì là đạo chân chánh và điều gì không phải là đạo” tạo thành giai đoạn thứ ba của Quán và là giai đoạn Thanh Lọc thứ năm.
Trước khi phát triển giai đoạn “biết và thấy điều gì là đạo chân chánh”, hành giả phải luôn luôn tránh xa những lối rẽ đưa vào ngõ bế tắc. Tuy nhiên, một khi giai đoạn này đã ổn định, những kiến thức đến sau đó sẽ tự động phát triển đúng đường lối. Chúng sẽ tiến triển từng bước, để sẽ triệt để hiểu rõ thực tướng của chư pháp và tối hậu sẽ đem lại giải thoát hoàn toàn, không còn ràng buộc gì tới mọi sự vật. Tâm trí – khi đã có kiến thức chính xác này – sẽ sẵn sàng để liễu ngộ Tứ Diệu Đế, và được coi là đã đạt tới “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”. Đây tức là giai đoạn thứ tư của “Quán” và là giai đoạn Thanh Lọc thứ sáu. Trong Tam Tạng Kinh không giải thích chi tiết về những bước nhỏ trong giai đoạn “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”, nhưng các vị đại sư sau này đã nhận thấy trong đó có chín bước như sau:
(a) “Hiểu biết về sanh và diệt.”
Quán huệ đã tiến triển đúng cách, và những chuyện sanh, lão, bệnh, tử của các hiện tượng đã được khảo sát triệt để. Sự sanh và diệt của các hiện tượng đã được nhận thức rõ ràng. Mọi sự hiện hữu của các hiện tượng được coi như chỉ gồm một tiến trình bất tận của sanh và diệt, giống như ánh hào quang chói lọi trên mặt biển, hoặc giống như sự hình thành và tan rã của những ngọn sóng đầy bọt. Đây là “sự hiểu biết về sanh và diệt”. Hành giả đạt được điều này nhờ công phu nội tĩnh chú tâm rõ ràng và kéo dài lâu tới độ sự hiểu biết của họ trở thành kiên cố - giống như chất thuốc nhuộm đã thẩm thấu vào tâm trí, vì vậy nó trở thành đủ mạnh để khiến cho hành giả trở thành lãnh đạm đối với sự vật và không còn bám víu vào chúng nữa. Đây là bước thứ nhất của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(b) “Hiểu biết về diệt.”
Sanh và diệt, nếu xét cùng một lúc thì chúng ta không thể nhận biết rõ ràng như là nếu chúng ta khảo sát chúng riêng rẽ. Ở giai đoạn này người thực hành thiền quán từ bỏ sự quan sát về “sanh” và chỉ chú tâm khảo sát “diệt”. Điều này giúp họ nhìn thấy tiến trình của sự tan rã và tàn lụi một cách thâm thúy tới độ họ sẽ liễu ngộ được rằng sự tan rã và tàn lụi là hiện tượng phổ quát của thế gian này, bất cứ nơi đâu cũng vậy. Một tâm trí đã có kiến thức này thì được coi là đã “hiểu biết về diệt”. Đây là bước thứ nhì của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(c) “Ý thức về sự sợ hãi.”
Sau khi đã phát triển đầy đủ “sự hiểu biết về diệt”, hành giả đạt tới bước kế tiếp để nhận thức rằng tất cả mọi sự vật đều đáng sợ. Tất cả hiện tượng, dù là thuộc địa hạt cảm quan, địa hạt hình thể, hoặc vô hình thể, đều có bản chất đáng sợ. Mọi lãnh vực của sự sinh tồn đều được coi là đáng sợ, bởi vì mỗi thời khắc mà chúng ta thức tỉnh chúng ta nhận thấy sự tan rã và tàn lụi của tất cả các hiện tượng. Vì vậy, những người có tri kiến này sẽ nẩy sinh trong tâm trí ý thức sợ hãi đối với sự vật một cách mãnh liệt. Loại tri kiến này chỉ trông thấy toàn những thứ đáng sợ; như chất độc, hoặc những vũ khí giết người, hoặc những tên cướp hung ác có vũ khí, và chúng hoàn toàn tràn ngập ba lãnh vực (tam giới) của những hiện tượng sinh tồn - chẳng có gì khác ngoài sự đáng sợ. “Ý thức về sự đáng sợ” đối với mọi hiện tượng sinh tồn là bước thứ ba của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(d) “Ý thức về sự nguy hiểm.”
Khi “ý thức về bản chất đáng sợ của mọi hiện tượng sinh tồn” đã phát triển đầy đủ, tiếp theo đó sẽ sanh ra sự nhận thức rằng tất cả mọi sự vật đều bẩm sinh nguy hiểm. Chúng ta không an toàn khi liên can tới sự vật. Chúng giống như một khu rừng đầy dẫy những dã thú nguy hiểm, và bất cứ ai đi tìm thú vui trong khu rừng đó sẽ chẳng thấy điều gì thích thú. Ý thức về sự nguy hiểm sẵn có trong tất cả mọi hiện tượng là bước thứ tư của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(e) “Tỉnh ngộ.”
Khi hành giả thấy rằng tất cả mọi sự vật đều nguy hiểm, chúng sẽ khiến họ tỉnh ngộ. Chúng giống như một ngôi nhà bị thiêu rụi, không còn lại thứ gì ngoài tro tàn, một bộ xương, tuyệt nhiên chẳng có gì hấp dẫn. Sự tỉnh ngộ để không còn bị ràng buộc vào sự vật là bước thứ năm của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(f) “Dục vọng mong được giải thoát.”
Khi đã đích thực tỉnh ngộ, sẽ sanh ra dục vọng mong được thực sự giải thoát khỏi những sự vật đó. Điều này không giống như dục vọng bình thường của chúng ta mong được tự do; loại dục vọng bình thường này thiếu sức mạnh của thiền định hoặc quán huệ để hỗ trợ cho nó, cho nên nó không đích thực là sự mong muốn được giải thoát.
Sự tỉnh ngộ sanh ra từ quán huệ liên quan tới toàn thể tâm trí; và sự mong cầu giải thoát cũng lớn lao như sự tỉnh ngộ; vì vậy nó rất khẩn thiết. Dục vọng mong được thoát khỏi sự bất thỏa mãn (khổ) của hiện tượng giới cũng lớn lao như sự mong cầu của một con nhái cố gắng thoát ra khỏi hàm một con rắn, hoặc sự mong cầu của con nai hay con chim cố gắng thoát ra khỏi một cái bẫy. Dục vọng mong thoát khỏi khổ là bước thứ sáu của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(g) “Cố gắng giải thoát.”
Sau khi đã phát triển đầy đủ dục vọng mong được giải thoát, sẽ phát sanh ra ý muốn tranh đấu mãnh liệt để tìm lối thoát. Hành giả thường xuyên cảm thấy cần phải thoát ra khỏi hiện tượng giới. Qua nội tĩnh, hành giả nhận ra sự chấp thủ, nhận ra những vô minh khiến cho tâm trí bị nô lệ, chúng là sợi dây xích trói buộc tâm trí. Vì vậy hành giả tìm cách làm suy yếu những vô minh. Khi thấy chúng đã suy yếu, hành giả bắt đầu tiêu diệt chúng hoàn toàn.
Hành động làm suy yếu vô minh này có thể minh họa qua câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Một người đi đến cái rọ bắt cá và lôi ra một con rắn mà y tưởng là con cá. Khi người ta bảo cho y biết đó là con rắn thì y không tin, cho đến khi y gặp một hiền giả thông thái và nhân từ, vị này hướng dẫn và dạy bảo cho y để y nhận ra rằng đó đích thực là một con rắn. Người kia trở thành sợ sệt và tìm cách giết con rắn. Y nắm lấy cổ rắn, đưa cao lên khỏi đầu, quay vòng tròn cho tới khi con rắn kiệt sức và rơi xuống đất mà chết. Câu chuyện ngụ ngôn này minh họa sự phát sanh kiến thức để nhìn thấy rõ những vô minh như là nguyên nhân gây ra sự trói buộc của con người vào một tình trạng thật là đáng sợ.
Nếu không biết phương pháp để dần dần mỗi ngày giảm thiểu sức lực của những vô minh, thì không thể hoàn toàn diệt trừ chúng. Sức mạnh của chúng vượt xa hơn gấp bội cái kiến thức vẫn còn nông cạn mà hành giả dùng để tiêu diệt chúng; vì vậy, cần phải phát triển và tăng cường kiến thức, và sự đau khổ do vô minh sanh ra sẽ đồng thời giảm thiểu. Nếu luôn luôn duy trì và phát triển sự hiểu biết rằng mọi sự vật là vô thường, vô giá trị, và không có tự ngã, rằng chúng không đáng mưu cầu hoặc trở thành, chúng ta sẽ cắt đứt nguồn cung cấp “thực phẩm” của những vô minh, khiến cho chúng càng ngày càng yếu dần. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tự trau dồi, phát triển, trở thành khôn khéo hơn và giầu sáng kiến hơn. Bằng cách này, chúng ta có thể chinh phục những vô minh to lớn như dãy núi, dù rằng chúng ta nhỏ bé. Hoàn cảnh của chúng ta có thể so sánh với hoàn cảnh của một con chuột nhắt có nhiệm vụ phải giết vài con cọp. Chúng ta cần phải kiên trì và luôn luôn nhìn xung quanh mong tìm kiếm những phương tiện thích nghi với một con chuột nhắt. Nếu chúng ta không thể tiến tới, chúng ta phải dùng tất cả mọi loại sách lược và kỹ thuật để khiến cho lũ cọp ngày càng yếu dần, thay vì cố gắng giết chúng ngay lập tức. Hành động cố gắng tìm cách giải thoát này là bước thứ bảy của “tri kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(h) “Thanh tịnh.”
Sự suy yếu của những vô minh giúp chúng ta dần dần ngày càng độc lập hơn đối với ngoại vật. Vì vậy bước kế tiếp để phát triển chánh tri, để dẫn tới “thanh tịnh” đối với mọi sự mọi vật, là phải nhìn thấy rằng tất cả mọi hiện tượng đều trống rỗng không có thực thể, không có những “địa vị” như “thú vật” hay “con người”, không có thực chất hoặc tính cách thường hằng, không có giá trị gì vì chúng hoàn toàn là bất thỏa mãn, không có gì là hấp dẫn bởi vì chúng chỉ hoàn toàn là mộng ảo. Cuối cùng, tâm trí trở thành độc lập đối với bất cứ lãnh vực sinh tồn nào và không thể bị chúng quấy nhiễu. Những thứ trước kia được coi là đáng ưa thích, đáng ham muốn và say mê, nay coi như chỉ là những tảng đá và đất cát.
Điều này cũng đã được giảng giải bằng cách dùng một câu chuyện ẩn dụ: Một người đàn ông luôn luôn thương yêu vợ, nhưng một ngày kia y có thể thay đổi và không yêu người vợ nữa, nếu nàng ngoại tình. Một khi đã ly dị, y được tự do muốn sống ra sao tùy ý; tâm trí y có lẽ được thảnh thơi, không bị quấy nhiễu.
Giống như câu chuyện trên đây, ở trình độ tri thức này các điều kiện, cho tới bây giờ đều tốt, đều được nhận ra là không có thực chất, vì vậy chúng ta có thể độc lập với chúng và không còn bị chúng quấy nhiễu bất cứ trong hoàn cảnh nào, giống như người đàn ông đã trở thành độc lập sau khi ly dị vợ. Đây tức là sự thanh tịnh hoặc lãnh đạm đối với tất cả mọi hiện tượng, và được coi là bước thứ tám của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
(i) “Ý thức về Tứ Diệu Đế.”
Khi tâm trở thành độc lập và không còn chịu ảnh hưởng đối với tất cả mọi hiện tượng, nó sẳn sàng để liễu Đạo và thấu hiểu Tứ Diệu Đế. Ở giai đoạn này, hành giả sẳn sàng khắc phục những vô minh, để phá vỡ xiềng xích trói buộc họ với thế gian, và trở thành bậc thánh nhân ở cấp độ nào đó. Đây là bước thứ chín của “tri và kiến về sự tiến triển trên đường hành đạo”.
Khi sự khai triển từng bước của kiến thức - từ bước thứ nhất là “hiểu biết về sanh và diệt” cho tới bước thứ chín là “sẳn sàng ý thức về Tứ Diệu Đế” – đã được tu tập viên mãn, hành giả được coi là đã đạt tới giai đoạn thứ tư của “Quán” (Vipassana), tức là giai đoạn Thanh Lọc thứ sáu. Kiến thức thanh khiết và hoàn hảo mà nó sanh ra giúp cho hành giả nhìn thấy con đường mà họ đã trải qua và có thể tiếp tục dẫn dắt họ đạt được quán huệ hoàn hảo để diệt trừ những vô minh.
Quán huệ hoàn hảo, hay Sự Tinh Khiết của Tri và Kiến – giai đoạn Thanh Lọc thứ bảy – là quán huệ phát sanh từ Đạo viên mãn. Nó là mục tiêu, là Quả của sự tu tập “Quán”. Quán huệ phát sanh từ Đạo viên mãn là giai đoạn thứ năm và cuối cùng của “Quán” (Vipassana).
Ở giữa giai đoạn “sẳn sàng ý thức về Tứ Diệu Đế” và quán huệ hoàn hảo này còn có “tri thức chuyển tiếp”, tức là điểm chuyển tiếp từ một cá nhân còn vô minh thành một người thánh thiện. Nhưng tri thức chuyển tiếp này chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc. Nó là tột đỉnh của sự viên mãn tiệm tiến của kiến thức, và vẫn còn ở trình độ thiện nghiệp, vẫn còn ở trong lãnh vực của cảm quan.
Tóm lại, “Quán” lấy giới và định làm cơ sở. Chúng ta khảo sát những điều gì? Câu trả lời là: Chúng ta khảo sát tất cả vạn pháp, nói cách khác, chúng ta khảo sát thế giới này, hay hiện tượng giới, hay sự vật tùy thuộc nhân duyên, hay ngũ uẩn, bởi vì tất cả hiện tượng giới chẳng qua chỉ là sự tổng hợp của ngũ uẩn. Chúng ta nhắm vào mục tiêu gì khi làm công việc khảo sát này? Câu trả lời là chúng ta nhắm vào việc chứng tỏ rằng mọi sự mọi vật trên thế gian bẩm sanh đều là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và không có tự ngã. Chúng ta nhận thấy chúng sanh ra, rồi tồn tại, và diệt; cho tới khi chúng ta nhận thức rằng chúng đáng sợ và cần phải xa lánh, và nhận thức rằng chẳng có gì đáng mưu cầu hoặc đáng để trở thành. Đây là những tình trạng ắt sẽ phát sanh khi tu tập “Quán”. Mục tiêu của “Quán” là gì? Mục tiêu trực tiếp của “Quán” (Vipassana) là “trí kiến sáng suốt.” Quả của “Quán” là gì ? Quả của nó là sự phát sanh ra trí huệ sáng suốt, để hiểu thấu thực tướng của chư pháp, sự thấu hiểu này sẽ giúp diệt trừ vô minh cho tới khi hết sạch. Khi đã hết vô minh thì chỉ còn lại sự toàn hảo, giác ngộ, bình an. Không còn lại thứ gì để trói buộc tâm trí vào bất cứ tình huống nào của thế gian. Kết quả là sẽ đạt tới giải thoát khỏi thế gian, nơi chỉ là nô lệ của dục vọng. Lúc bấy giờ tâm được giải thoát khỏi đau khổ, vì nó đã hoàn toàn thoát khỏi tất cả mọi dục vọng. Đức Phật gọi cảnh giới này là đạt tới sự chấm dứt đau khổ, đạt tới Quả của Đạo, hay Niết Bàn. Thực hiện được điều này tức là đã hoàn thành viên mãn nhiệm vụ mà Đạo Phật đã đề ra cho chúng ta.
Điều này vạch ra cho chúng ta thấy con đường của quán huệ mà người hành đạo phải đi. Pháp môn quán huệ bao gồm bảy giai đoạn Thanh Lọc, và trong tiến trình phát triển kiến thức về thế gian có chín bước đi; tổng hợp lại thì gọi là “Vi Pát Sa Na Quán” (hoặc gọi tắt là “Quán”). Trong kinh điển Phật giáo “Quán” được lập thành một hệ thống có thứ tự. Chúng ta có thể tìm thấy những chi tiết tỉ mỉ hơn trong những cuốn sách do các vị đại sư đời sau viết. Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhận thức ra để tránh hiểu lầm. Thậm chí trong địa hạt thực hành Phật Pháp – phương diện cao nhất của Phật giáo – cũng có những người bị dẫn đi lầm đường. Hiện nay có nhiều người đã nắm được những thứ chẳng phải là pháp môn “Quán”, nhưng họ đem chúng ra dạy cho người khác như thể chúng chính là pháp môn “Quán” thứ thiệt. Họ xem việc tu tập pháp môn “Quán” như là phương tiện để mưu sinh. Họ chiêu dụ những người cả tin để tụ tập thành những lớp học, rồi sau đó chứng nhận rằng những học viên đó đã chứng ngộ đạo quả, theo đường lối của thời đại mới… Đây thực là chuyện đáng khinh bỉ nhất và đáng tiếc nhất của thiên hạ.