Bài Giảng Thứ Tư
BÁM VÍU VÀO SỰ VẬT
Tất cả đều là vô thường, khổ, và vô ngã; vậy thì chúng ta có biện pháp nào để xa lìa và hoàn toàn giải thoát khỏi chúng hay không? Câu trả lời là chúng ta phải tìm ra nguyên nhân gây ra sự ham muốn những thứ đó và bám víu vào chúng. Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, chúng ta có thể hoàn toàn diệt trừ chấp thủ. Phật giáo nhận thấy có bốn loại chấp thủ khác nhau:
1/ Dục Thủ (Kamupadana): là chấp thủ những món vật mà các giác quan thấy hấp dẫn và ham muốn. Đây là loại chấp thủ mà chúng ta tự nhiên khởi tâm nắm giữ, bám víu đối với những thứ mà chúng ta ưa thích và vừa ý: gồm mầu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi vị, những thứ cụ thể hoặc những hình ảnh gợi ra trong trí, những vật quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai, hiện ra trong trí, có thể phù hợp với những vật ngoại giới, hoặc trong thân thể, hoặc chỉ là những hình ảnh tưởng tượng. Do bản năng, chúng ta thấy khoái cảm, say mê, vui thú, đối với những vật thuộc cảm giác nói trên. Chúng gợi ra vui thú và say mê trong tâm trí của người tiếp xúc với chúng.
Con người một khi ra đời là bắt đầu nếm những loại cảm giác này và bám víu vào chúng; rồi càng ngày người ta càng bị ràng buộc vào chúng một cách chặt chẽ hơn. Những người bình thường không có khả năng tách rời khỏi chúng, vì vậy chúng biến thành một trở ngại lớn. Chúng ta cần phải có kiến thức thích đáng và hiểu biết những loại cảm giác này và hành động một cách thích đáng đối với chúng, nếu bám víu vào chúng thì sẽ sa vào sự sa đọa hoàn toàn. Nếu khảo sát trường hợp của bất cứ người nào đã sa đọa, chúng ta luôn luôn thấy rằng nguyên nhân là vì người đó bám víu chặt chẽ vào một thứ quyến rũ nào đó. Sự thật là bất cứ điều gì nhân loại làm đều bắt nguồn từ sự khao khát của cảm giác. Dù chúng yêu thích, hoặc giận dữ, chán ghét, ganh tị, mưu sát, hoặc tự sát, nguyên nhân tối hậu phải xuất phát từ vật dục nào đó. Nếu chúng ta khảo sát xem điều gì thúc đẩy con người làm việc hăng hái, hoặc làm bất cứ điều gì, chúng ta đều thấy rằng nguyên nhân là từ dục vọng, sự ham muốn được chấp thủ cái này cái nọ. Người ta phấn đấu, học hành và kiếm tiền, kế đó đi tìm khoái cảm, trong những hình thức của “lục trần,” gồm “sắc, thanh, hương, vị, và xúc” (mầu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi thơm, vị ngon, và vật hấp dẫn xúc giác), những thứ này thúc đẩy người ta tiếp tục cố gắng trong sinh hoạt hàng ngày. Ngay cả những việc công đức để mong được lên thiên đàng cũng bắt nguồn từ sự mong ước đặt căn bản trên dục vọng của giác quan. Có thể nói rằng tất cả những rắc rối và hỗn loạn trên thế giới này đều bắt nguồn từ dục vọng của giác quan.
Mối nguy hiểm của dục vọng giác quan nằm trong sức mạnh của sự bám víu của giác quan. Vì lý do này Đức Phật cho rằng sự bám víu vào dục vọng giác quan chính là hình thức chấp thủ cơ bản nhất. Đây đích thực là một vấn nạn của thế giới. Cái thế giới này phải chăng sẽ hoàn toàn hủy diệt, hoặc bất cứ nó sẽ diễn biến như thế nào, đều nhất định tùy thuộc vào chính sự chấp thủ cảm giác này. Vì vậy chúng ta cần phải tự kiểm thảo để tìm hiểu xem chúng ta bị trói buộc vào dục vọng cảm giác như thế nào, và sự trói buộc này chặt chẽ như thế nào, và liệu chúng ta có đủ năng lực để từ bỏ nó hay không. Nếu nói theo những ý nghĩa trần tục thì sự chấp thủ vào dục vọng giác quan là một điều rất tốt; bởi vì nó dẫn tới tình yêu gia đình, tới sự chuyên cần và hăng hái để đi tìm sự giầu có và danh vọng, v.v. Nhưng nếu nhìn từ quan điểm tinh thần thì nó là ngõ vào bí ẩn tới đau khổ và trầm luân. Trên phương diện tinh thần, sự ràng buộc vào dục vọng giác quan là điều cần phải khống chế. Nếu muốn diệt trừ tất cả đau khổ, chúng ta cần phải hoàn toàn diệt trừ dục vọng giác quan.
2/ Kiến Thủ (Ditthupadana): Chúng ta dễ nhận ra sự bám víu vào những quan điểm và ý kiến, nếu chúng ta chịu khó nhìn vào nội tâm một chút. Ngay từ khi sanh ra đời, chúng ta bắt đầu tiếp nhận sự dẫn dắt và huấn luyện, những thứ này đưa tới những quan niệm và ý kiến. Nói tới ý kiến ở đây, chúng ta muốn ám chỉ loại ý tưởng mà người ta bám víu vào và không chịu buông ra. Một con người chấp thủ quan niệm và ý kiến của mình là điều rất tự nhiên, thường thường không đáng bị chê trách hoặc phủ nhận. Nhưng sự chấp thủ này cũng trầm trọng và nguy hiểm không kém gì bám víu vào những sự vật quyến rũ và đáng ham muốn. Tuy nhiên, người ta có thể hủy diệt những thành kiến và quan niệm mà họ đã luôn luôn bám víu vào. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục tu chính những quan điểm của mình, để khiến chúng càng ngày càng chính xác hơn, tốt hơn, và cao hơn, cần phải sửa đổi những quan điểm sai lầm để khiến chúng càng ngày càng trở thành những quan điểm tiến gần tới chân lý hơn, và tối hậu biến chúng thành loại quan điểm trong đó bao gồm Tứ Diệu Đế.
Những quan điểm cố chấp và bướng bỉnh có nhiều nguồn gốc khác nhau, những điểm chính yếu là vì chúng bị ràng buộc vào những tập quán, truyền thống, nghi thức, và những giáo điều tôn giáo. Những tín niệm cá nhân cố chấp là một vấn đề không mấy quan trọng. Kể về số lượng thì chúng rất ít, so với những tín niệm phát sinh từ những nghi thức và những truyền thống đã bắt rễ lâu đời. Sự bám víu vào những quan điểm là do ngu dốt mà sinh ra. Vì thiếu trí huệ, chúng ta nẩy sinh ra những quan điểm riêng của mình đối với sự vật, căn cứ vào sự ngu muội nguyên thủy của mình. Chẳng hạn như chúng ta tin rằng sự vật đáng để chúng ta ham muốn và bám víu vào, rằng chúng thật sự trường cửu, có giá trị, và có tự ngã; thay vì nhận thức được rằng chúng chỉ là hư ảo, giả tạo, phù du, vô giá trị, và không có bản ngã. Một khi đã có quan niệm đối với sự vật nào đó, sau này tự nhiên chúng ta không thích nhìn nhận rằng mình đã sai lầm. Cho dù đôi khi chúng ta nhận thấy mình sai, nhưng chúng ta vẫn không chịu nhìn nhận rằng mình sai. Loại cố chấp này là một chướng ngại vật chính yếu đối với sự tiến bộ; nó khiến cho chúng ta không làm sao cải thiện để trở thành tốt hơn, không làm sao tu chính những tín niệm tôn giáo sai lầm và những điều mà chúng đã tin tưởng từ lâu. Điều này thường là một nan đề đối với những người đã tin tưởng vào những giáo điều khờ khạo. Cho dù sau này họ có thể nhận thấy chúng khờ khạo, nhưng họ vẫn không chịu thay đổi, chỉ vì cha mẹ, ông bà và tổ tiên họ đã tin tưởng như vậy. Hoặc nếu họ không quan tâm tới việc sửa sai và cải thiện chính mình, họ thường gạt bỏ bất cứ luận điệu nào chống lại những quan niệm cố hữu của họ, và nói rằng xưa nay họ luôn luôn tin tưởng như vậy. Vì những lý do này, “kiến thủ” (bám víu vào những ý kiến) bị coi là loại ô nhiễm nguy hiểm, một mối nguy trọng đại cần phải diệt trừ, nếu chúng ta muốn cải thiện bản thân.
3/ Chấp Thủ Những Tập Tục (Silabbatupadana): Đây là loại bám víu vào những tập tục truyền thống vô nghĩa đã được truyền từ đời này sang đời kia một cách vô ý thức, những tập tục mà người ta coi là linh thiêng và không chịu từ bỏ trong bất cứ tình huống nào. Ở Thái Lan, những tập tục này cũng nhiều không kém gì những nơi khác; gồm những tin tưởng vào bùa chú, vào những vật linh thiêng, và đủ thứ phép tắc bí mật. Chẳng hạn như có những người tin rằng sáng sớm thức dậy cần phải niệm chú đối với nước trước khi rửa mặt bằng nước đó; trước khi đại tiện tiểu tiện cần phải quay mặt về phương hướng nào đó; và trước khi đi ăn hoặc đi ngủ cần phải có những nghi thức nào đó. Có những người tin tưởng vào quỉ thần, vào những cây cổ thụ linh thiêng, và đủ thứ vật thần kỳ khác. Loại tín ngưỡng này hoàn toàn phi lý. Người ta không chịu suy nghĩ một cách hợp lý; họ chỉ bám víu vào những mô thức cố hữu. Họ cứ tiếp tục làm như vậy và không chịu sửa đổi. Nhiều người tự xưng là Phật tử cũng vẫn bám víu vào những tín ngưỡng này và thực hành lẫn lộn với nhau; và trong số đó có cả những người tự xưng là tì-kheo, môn đồ của Đức Phật! Những tín điều tôn giáo đặt căn bản trên sự tin tưởng vào Thượng Đế, thiên sứ, và những vật linh thiêng thường hay ngả về những quan điểm loại này. Phật tử chúng ta cần phải hoàn toàn thoát ra khỏi những mê tín loại này.
Sở dĩ chúng ta cần phải trừ khử những quan điểm đó là vì nếu tu tập Phật Pháp mà không biết mục đích nguyên thủy của nó, không ý thức được cơ sở lý luận của nó, thì kết quả sẽ dẫn tới sự tin tưởng ngu muội và khờ khạo rằng Phật Pháp là điều gì thần thánh. Vì vậy, có những người sở dĩ trì giới hoặc tu trì Phật Pháp chỉ vì muốn phù hợp với mô thức mà người xung quanh đã chấp nhận, và những nghi thức truyền thống, để noi theo tấm gương mà tổ tiên họ đã truyền lại. Họ không hiểu gì về nguyên do của những tập tục đó, họ chỉ thực hành chúng do sự thúc đẩy của tập quán. Loại chấp thủ cố hữu chặt chẽ này khó có thể sửa sai. Điều này có nghĩa là “chấp thủ những tập tục truyền thống mà không suy nghĩ gì cả.” Ngày nay nhiều người tu tập những phương pháp mà không có kiến thức gì về quá trình, lý do và những mục đích chân chính của nó, thì nhất định sự thực hành của họ là do sự thúc đẩy của chấp thủ, nhất định họ sẽ đi sai đường, cuối cùng vẫn là một loại ngu muội. Ngay cả sự trì giới, dù là ngũ giới, bát giới, thập giới, hoặc bao nhiêu giới chăng nữa, nếu thực hành với sự tin tưởng rằng hành giả sẽ nhờ đó mà trở thành một cá nhân thần thông, siêu nhiên, có những sức lực thần bí, thì cuối cùng vẫn đi sai đường và bị thúc đẩy bởi sự chấp thủ những tập tục và nghi thức.
Vì vậy, chúng ta cần phải rất thận trọng. Tu tập Phật Pháp cần phải lấy chánh tri chánh kiến làm nền tảng vững chắc, lấy sự diệt trừ vô minh làm mục tiêu. Nếu không, sự tu tập sẽ chỉ là hành vi ngu muội, sẽ đi sai đường, vô nghĩa lý, và chỉ uổng phí thời giờ mà thôi.
4/ Chấp Thủ Quan Niệm Về Bản Ngã (Attavadupadanal), gọi tắt là “chấp ngã”: Sự tin tưởng vào bản ngã là loại chấp thủ quan trọng và cũng là điều hết sức tiềm tàng. Bất cứ sinh vật nào cũng đều có quan niệm sai lầm về “ta” và “của ta” . Đây là bản năng sơ đẳng nhất của các sinh vật và là căn bản của tất cả các bản năng khác. Thí dụ như bản năng tìm kiếm thực phẩm để ăn, bản năng tránh sự nguy hiểm, bản năng truyền giống, v.v. đều bắt nguồn từ ý thức sơ đẳng và sự tin tưởng của sinh vật rằng chúng có bản ngã. Bởi vì tin rằng chúng có bản ngã cho nên các nhà sinh vật tự nhiên muốn tránh cái chết, tìm kiếm thực phẩm để nuôi dưỡng thân thể, đi tìm sự an toàn, và sinh con để tiếp nối nòi giống. Cho nên, sự tin tưởng vào bản ngã là điều phổ quát đối với tất cả mọi sinh vật; nếu không, chúng sẽ không thể tiếp tục sinh tồn. Tuy nhiên, sự tin tưởng này cũng chính là điều gây ra đau khổ trong hành động tìm kiếm thực phẩm và nơi trú thân, và trong hành động lưu truyền nòi giống, hoặc bất cứ sinh hoạt nào khác. Đây là một lý do tại sao Đức Phật dạy rằng “chấp ngã” là nguyên nhân căn bản của tất cả mọi đau khổ. Ngài tóm tắt một cách đơn giản khi nói: “Vạn pháp - nếu bám víu vào chúng – là đau khổ hoặc là nguồn gốc của đau khổ”. Loại chấp thủ này là cội nguồn và cơ sở của đời sống, đồng thời nó cũng là cội nguồn và cơ sở của khổ đau trong mọi hình thức. Khi Đức Phật dạy rằng “đời sống là đau khổ, đau khổ là đời sống” chính là ngài muốn nói đến sự kiện này, có nghĩa là sự chấp thủ thân và tâm (ngũ uẩn) gây ra đau khổ. Kiến thức hiểu rõ cội nguồn và cơ sở của đời sống và của đau khổ phải được coi là kiến thức uyên thâm nhất và thấu triệt nhất, vì nó đặt chúng ta vào một vị trí để diệt trừ hoàn toàn đau khổ. Có thể nói rằng đây là kiến thức độc đáo của Phật giáo. Người ta không tìm thấy nó trong bất cứ tôn giáo nào khác trên thế giới.
Phương thức hữu hiệu nhất để đối phó với chấp thủ là hãy nhận ra nó khi nó hiện diện ở bất cứ nơi nào. Điều này cần phải đặc biệt áp dụng đối với sự chấp thủ quan niệm về bản ngã (chấp ngã) – nó chính là căn bản của đời sống. Chấp ngã là thứ tự nó sinh ra rồi tự thiết lập bên trong chúng ta và chúng ta không cần phải học về nó. Nó hiện diện như là bản năng nơi các trẻ thơ và con của những loài vật ngay từ khi chúng vừa sinh ra. Loài vật sơ sinh, chẳng hạn như những con mèo con, tự chúng biết cách đề kháng, như chúng ta thấy khi tiến lại gần chúng. Trong tâm trí chúng ta luôn luôn có cái gì đó mà chúng ta coi là “bản ngã” và hậu quả đương nhiên dẫn tới sự “chấp ngã.” Đối sách duy nhất là chúng ta phải tận lực lèo lái nó, cho đến khi trí huệ đã tiến bộ thật cao; nói cách khác, hãy sử dụng Phật Pháp cho tới khi cái bản năng này đã bị chế ngự và hoàn toàn bị diệt trừ. Cho tới khi nào chúng ta vẫn còn là một con người phàm tục tầm thường thì bản năng này vẫn còn chưa bị khắc phục. Chỉ có các vị A La Hán là những cá nhân đã khắc phục được chấp ngã. Chúng ta phải nhìn nhận rằng đây là một vấn đề rất quan trọng; một vấn nạn lớn và thông thường đối với tất cả sinh vật. Nếu chúng ta muốn là Phật tử chân chính, nếu chúng ta muốn gặt hái được toàn bộ lợi ích của Phật Pháp, thì cần phải phát nguyện khắc phục cái quan niệm sai lầm này. Như vậy những đau khổ mà chúng ta phải gánh chịu sẽ dần dần tiêu tan.
Hiểu được chân lý về bốn loại chấp thủ nói trên – chính là những điều liên can tới chúng ta hàng ngày – là một trong những ân huệ lớn nhất, một trong những tài năng lớn nhất. Cần nên suy nghĩ về vấn đề của bốn loại chấp thủ, hãy ghi nhớ rằng trên thế gian này không có thứ gì đáng để bám víu vào, rằng theo như bản chấp của vạn pháp thì chúng không đáng để chúng ta chấp thủ hoặc mưu cầu. Sở dĩ chúng ta trở thành nô lệ của ngoại vật là chỉ vì hậu quả của bốn loại chấp thủ này. Chúng ta phải tự mình khảo sát và hiểu tường tận cái bản chất rất nguy hiểm và độc hại của vạn pháp. Bản chất độc hại của chúng không hiển nhiên như một ngọn lửa, như các loại vũ khí, hoặc độc dược. Chúng ngụy trang rất khéo như là những thứ ngọt ngào, có mùi vị thơm ngon, những vật hấp dẫn, đẹp đẽ, và có âm thanh du dương, vì vậy chúng ta rất khó nhận diện để mà đối phó. Cho nên chúng ta phải sử dụng kiến thức mà Đức Phật đã truyền lại. Chúng ta phải kiểm soát sự chấp thủ khờ dại này và khống chế nó bằng sức mạnh của trí huệ. Làm như vậy chúng ta sẽ có thể tổ chức cuộc đời mình theo cách nào để nó thoát khỏi đau khổ, thậm chí một dấu vết đau khổ nhỏ nhất cũng không còn nữa. Chúng ta sẽ có thể làm việc và sinh sống một cách an bình trên thế giới, và chúng ta sẽ là những con người không ô nhiễm, giác ngộ và trầm tĩnh.
Chúng ta hãy đúc kết những điểm trên đây. Bốn hình thức chấp thủ này là vấn nạn quan trọng nhất mà các Phật tử, hoặc những người muốn tìm hiểu Phật giáo, cần phải hiểu. Mục tiêu của một người muốn sống một cuộc đời đạo hạnh (Brahmacariya) theo như Phật Giáo là phải khiến cho tâm trí từ bỏ sự chấp thủ mê lầm. Bạn có thể tìm thấy giáo lý này trong mọi bài thuyết giảng trong các kinh điển nói về sự đạt tới quả vị A La Hán. Nó nằm trong câu nói đầy ý nghĩa: “Tâm thoát khỏi chấp thủ.” Đây là cảnh giới cao nhất. Khi tâm không còn chấp thủ, thì không còn thứ gì để trói buộc nó và khiến nó làm kẻ nô lệ của thế gian. Không còn điều gì để khiến nó phải tiếp tục quay trong vòng luân hồi sanh tử; nghĩa là cái tiến trình đó phải đứng lại, hoặc có thể nói rằng nó trở thành siêu việt lên trên thế gian, thoát khỏi thế gian. Vì vậy, từ bỏ chấp thủ mê lầm chính là chiếc chìa khóa đối với việc tu hành của Phật giáo.