Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Bài Giảng Thứ Nhất

NHÌN VÀO PHẬT GIÁO


Lật ra bất cứ một quyển sách nào xuất bản trong thời hiện đại nói về nguồn gốc của tôn giáo, chúng ta thấy rằng có một điểm mà tất cả các tác giả đều đồng ý: Họ cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ sợ hãi. Những người thuộc các bộ lạc sơ khai sống trong rừng sợ sấm sét, bóng tối, bão tố và những thứ xung quanh mà họ không thể hiểu và không thể khống chế. Để tránh mối nguy hiểm mà họ nhận thấy trong những hiện tượng này, người sơ khai chỉ có cách bày tỏ sự khuất phục hoặc tôn kính, tùy theo cảm nghĩ mà họ thấy thích ứng.

Sau này, khi kiến thức và sự hiểu biết của loài người phát triển, sự sợ hãi đối với những sức mạnh của thiên nhiên chuyển sang sự sợ hãi đối với những hiện tượng khó hiểu hơn. Những tôn giáo đặt căn bản trên sự tôn kính đối với các thứ đáng sợ - như các hiện tượng thiên nhiên hoặc quỉ thần - bị coi là không hợp lý và nực cười. Rồi về sau sự sợ hãi của con người trở thành tế nhị hơn, và họ sợ sự đau khổ - loại đau khổ mà họ không thể làm giảm bằng bất cứ phương tiện vật chất nào. Lúc đó, con người thấy sợ sự đau khổ bẩm sanh trong “sanh, lão, bệnh, tử,” trong nỗi thất vọng và tuyệt vọng do tham sân si sanh ra; và không có thứ quyền lực hoặc giầu sang nào có thể giải trừ được những nỗi khổ đau này. Ngày xưa ở Ấn Độ - nơi có nhiều nhà tư tưởng và nhà nghiên cứu - những người có trí tuệ bác bỏ tất cả những nỗi sợ đối với các hiện tượng siêu nhiên hoặc sự tôn thờ quỉ thần, và họ bắt đầu tìm cách khắc phục sanh lão bệnh tử, nghĩa là diệt trừ tham, sân, si. Phật giáo đã phát sinh từ cuộc tìm kiếm đó. Đây là một tôn giáo có trình độ cao hơn, đặt căn bản trên trí tuệ, là con đường khắc phục sanh lão bệnh tử, và là phương pháp diệt trừ phiền não. Có thể nói rằng đạo Phật bắt nguồn từ sự sợ hãi thuộc loại sau cùng nói trên, giống như các tôn giáo khác đặt căn bản trên trí tuệ. Đức Phật đã tìm ra cách khắc phục triệt để những gì mà con người sợ hãi: Ngài đã tìm ra một phương pháp thực tiễn để diệt trừ đau khổ, ngày nay phương pháp đó được gọi là Phật pháp hay Phật giáo.

“Phật giáo” có nghĩa là “giáo lý của Người Khai Ngộ.” Một vị Phật là một cá nhân đã khai ngộ, một bậc hiểu biết chân lý về vạn sự vạn vật, một người biết rõ “chân như” và do đó có thể ứng xử đúng cách đối với vạn vật. Phật giáo là một tôn giáo đặt căn bản trên trí tuệ, khoa học, kiến thức, và mục tiêu của nó là diệt trừ đau khổ và nguồn gốc của đau khổ. Sùng bái thần linh bằng những nghi thức, dâng lễ vật, hoặc cầu nguyện, không phải là Phật giáo. Đức Phật coi những hành động đó là ngu muội, hoang đường và sai lầm. Ngài cũng bác bỏ những tin tưởng của một số giáo phái đương thời cho rằng các thần linh trên cõi trời, ngự trị trên các ngôi sao, là tạo hóa của vạn vật. Vì vậy Ngài nói:

“Kiến thức, kỹ thuật và năng lực dẫn tới thành công và lợi ích, và chúng là những triệu chứng đáng mừng, tự chúng đã tốt lành, bất kể các thiên thể vận chuyển như thế nào. Với những phúc lợi đạt được nhờ những đức tính nói trên, một người nào đó có thể vượt xa những kẻ mê muội chỉ biết ngồi giải đoán chiêm tinh.”

Ngài còn nói: “Nếu nước sông (như Hằng Hà) có thể rửa sạch tội lỗi và đau khổ thì các loài rùa, cá, tôm, các thủy tộc sống trong những dòng sông linh thiêng đó bây giờ cũng đã diệt trừ được tội lỗi và đau khổ của chúng rồi.”

Ngài cũng dạy: “Nếu con người có thể diệt trừ đau khổ bằng cách sùng bái, dâng lễ vật, và cầu nguyện, thì trên đời không còn ai đau khổ nữa; bởi vì bất cứ người nào cũng có thể sùng bái và cầu nguyện. Nhưng khi con người vẫn còn đau khổ, ngay cả trong lúc đang qui phục, sùng bái, và cử hành nghi lễ, cho nên hiển nhiên rằng những thứ đó không phải là con đường giải thoát.”

Để đạt tới giải thoát, đầu tiên chúng ta phải khảo sát sự vật một cách cẩn thận để có thể hiểu biết bản chất đích thực của chúng. Kế tiếp, chúng ta phải ứng xử thích hợp với bản chất đích thực đó. Điều này là giáo lý của đạo Phật và chúng ta cần phải ghi nhớ trong lòng. Phật giáo không cần biết tới hành động quì lạy và qui phục những thứ đáng sợ. Phật giáo không bao gồm những nghi lễ như vẩy nước thánh hoặc bất cứ thực thể ngoại tại nào, thí dụ như thần linh. Ngược lại, Phật giáo tùy thuộc vào lý trí và trí tuệ. Phật giáo không đòi hỏi sự suy đoán hoặc giả thuyết: Nó đòi hỏi rằng chúng ta cần hành động tùy theo những gì mà trí tuệ của mình phát kiến, chứ không phải là nghe theo lời người khác nói về bất cứ chuyện gì. Nếu có người chạy đến nói với chúng ta về một chuyện nào đó, chúng ta đừng tin ngay vào lời người đó. Chúng ta cần phải lắng nghe xem người đó nói gì và phải khảo sát lời nói đó. Nếu thấy rằng lời nói đó có lý, thì tạm thời tin vào nó, rồi cố gắng tự chứng nghiệm xem có đúng hay không. Đây là một đặc điểm chính yếu của đạo Phật, khác hẳn với các tôn giáo khác trên thế giới.

Một tôn giáo có rất nhiều phương diện. Khi nhìn từ một góc cạnh thì người ta thấy nó có một bề mặt nào đó; khi nhìn từ một góc cạnh khác thì nó lại có một bề mặt khác. Nhiều người nhìn vào tôn giáo từ một góc cạnh sai, và Phật giáo cũng không tránh khỏi điều này. Các cá nhân khác nhau nhìn vào Phật giáo bằng những thái độ tinh thần khác nhau, thì đương nhiên họ phải có những quan điểm khác nhau. Vì mỗi cá nhân chúng ta thường tự tin vào những ý kiến của mình, cho nên chân lý của mỗi người phù hợp với sự hiểu biết và quan điểm của người đó. Do đó, “Chân Lý” chẳng phải là thứ giống nhau đối với những con người khác nhau. Họ đào bới những câu hỏi tới những chiều sâu khác nhau, bằng những phương pháp khác nhau, và bằng những trình độ thông minh khác nhau. Khi người ta gặp bất cứ điều gì vượt khỏi trình độ thông minh, kiến thức và sự hiểu biết của họ thì người ta không nhận thấy điều đó là sự thật. Dù rằng ngoài mặt một người có thể phụ họa theo những ý kiến của người khác và coi như đó là chân lý, nhưng trong lòng người đó biết rằng nó không giống thứ chân lý như chính họ thấy. Quan niệm về chân lý của mỗi người có thể thay đổi và phát triển tùy theo sự tăng trưởng từng ngày của trí thông minh kiến thức và sự hiểu biết của họ, cho tới khi người đó đạt tới chân lý tối cao. Và mỗi cá nhân chúng ta có những cách khác nhau để kiểm chứng trước khi tin tưởng. Vì vậy, nếu Phật giáo được nhìn bằng những trình độ thông minh khác nhau thì người ta phải thấy những bức tranh khác nhau về nó – lý do đơn giản là vì Phật giáo có thể được nhìn từ bất cứ góc cạnh nào.

Như đã nói, Phật giáo là phương pháp thực tiễn để tự giải thoát khỏi đau khổ bằng cách nhận thức - giống như chính đức Phật đã làm - bản chất đích thực của vạn vật. Bất cứ kinh điển tôn giáo nào cũng có thể bao gồm những phần do người đời sau thêm vào, và bộ Tam Tạng Kinh của Phật giáo cũng không tránh khỏi chuyện đó. Người đời sau căn cứ vào những tư tưởng đương thời để viết thêm những phần khác, hoặc giả là vì muốn tăng cường lòng tin của người đời, hoặc giả là vì sự cuồng nhiệt tôn giáo. Đáng tiếc rằng những nghi thức mà người đời sau thêm vào đã dần dà được người ta coi là thuộc Phật giáo. Thật ra, những hình thức bắt chước theo hình thức trai tăng, dâng cúng bánh ngọt và trái cây, gọi là để cung dưỡng “linh hồn” Đức Phật, không phù hợp với nguyên tắc Phật giáo.

Khi những nghi thức loại này tràn lan, chúng bôi đen bộ mặt thật và tinh thần Phật giáo. Hãy lấy thí dụ về việc truyền thọ tỳ-kheo giới ngày nay (ở Thái Lan), trong đó có nghi thức cung dưỡng các tỳ-kheo mới đi tu. Các tân khác nhận lời mời, mang theo thực phẩm và lễ vật tới dự và chất thành đống. Những người đi tu đoản kỳ, sau khi thọ giới được ít lâu thì trở về nhà. Lúc đó họ có thể mất cảm tình với các chùa chiền vì đã chứng kiến những hành vi sai trái. Xin hãy nhớ rằng vào thời đại của Đức Phật không có những chuyện như vậy, chúng do người đời sau bày đặt ra. Vào thời của Đức Phật, khi thọ tỳ-kheo giới tức là người đó xuất gia tu hành, sau khi được cha mẹ đồng ý. Họ là người có khả năng xa lìa đời sống phàm tục, gia nhập tăng đoàn và đi theo Đức Phật để tu hành. Khi thấy thích ứng, họ xuất gia thọ giới, có thể suốt cả đời không có dịp gặp lại cha mẹ và thân nhân. Tuy nhiên, khi một số tỳ-kheo gặp trường hợp thích đáng, họ có thể về thăm cha mẹ, nhưng những trường hợp này ít khi xảy ra. Ngày nay (ở Thái Lan) có giới điều cho phép các tỳ-kheo về nhà khi có lý do, nhưng trong thời của Đức Phật, không giống như vậy. Thời xưa, khi một người thọ giới tỳ-kheo, cha mẹ họ không tới dự buổi lễ, và không coi đó là một chuyện đại sự để chúc mừng; và sau khi xuất gia, nếu cảm thấy không thích hợp, người đi tu cũng có thể hoàn tục, giống như thời nay.

Nếu chúng ta coi hành động tặng lễ vật cho người đi tu – và mọi thứ nghi thức chúc mừng khác – là Phật giáo, thì thật là vô minh! Chẳng những không biết rằng mình sai lầm, người ta còn đắc ý về những hành động như vậy. Họ hãnh diện khi đem tới tặng cả ngàn vàng mà không biết rằng mình phung phí tiền bạc của mình và của người khác. Ngày nay loại “Phật giáo mới” này rất thịnh hành, ở hầu hết khắp nơi, Phật pháp – giáo lý chí cao vô thượng – đã bị các nghi thức che khuất, khiến cho những mục tiêu tốt đẹp của Phật giáo trở thành mơ hồ không rõ rệt, thậm chí còn bị giải thích sai và sửa đổi. Thí dụ như hành động thọ giới đã biến thành vấn đề thể diện của giới thanh niên (Thái Lan), khi những người chưa trải qua nghi thức thọ giới (đoản kỳ) thường bị chê cười. Việc thọ giới cũng biến thành một điều kiện có lợi để tìm vợ, bởi vì người đã từng đi tu được coi là tượng trưng cho sự chín muồi. Ngoài ra, việc thọ giới còn có động cơ tiềm ẩn khác. Tại một số địa phương, thọ giới là một cơ hội quyên tiền để làm giầu. Vậy mà họ vẫn tự xưng là Phật giáo! Nhưng nếu người nào chỉ trích những hành vi giả dối đó thì bị coi là chống lại Phật giáo.

Một thí dụ khác là nghi thức tặng vải may áo cà sa cho các tỳ-kheo. Chủ ý của Đức Phật là Ngài muốn cả một tập thể tỳ-kheo được tặng chung một số vải may áo cà sa để họ có thể cùng nhau khâu áo với thời gian nhanh chóng nhất. Nếu chỉ may được một chiếc áo, thì nó sẽ được tặng cho một tỳ-kheo nào đó mà tăng đoàn xét rằng đáng được tặng hoặc cần có chiếc áo đó, người được tặng không nhất thiết phải là vị tỳ kheo ở địa vị cao nhất hoặc lớn tuổi nhất. Chủ ý của Đức Phật là để tránh cho các tỳ-kheo khỏi có ý tưởng tự tôn. Vào ngày làm lễ, mọi người – không phân biệt cấp bậc - đều phải khiêm tốn tụ họp trong đám đông. Vào ngày tặng vải, mỗi người đều phải tiếp tay cắt vải và may áo, và làm bất cứ chuyện gì để hoàn thành những chiếc áo cà sa trong cùng một ngày. Công việc biến vải thành những chiếc áo là một hành động cộng tác. Đức Phật muốn như vậy; một công việc không cần tới sự tiếp tay của các Phật tử tại gia. Nhưng ngày nay (ở Thái Lan) hành động này đã biến thành lễ hội, có cả những trò giải trí vui chơi và kiếm tiền. Nó đã trở thành một dịp cắm trại để vui chơi ngoài trời và không còn mang những ý nghĩa nguyên thủy.

Tệ trạng loại này giống như cái bướu ung thư đã tăng trưởng trong Phật giáo và lớn mạnh. Cái bướu mang hành trăm hình thức khác nhau, không thể kể ra hết. Đây là thứ bướu tăng trưởng ác tính nguy hiểm, đã đến mức nghiêm trọng, che phủ, làm lu mờ và làm méo mó những gì tốt đẹp, những gì là chân nghĩa của Phật giáo. Một trong những hậu quả của điều này là nhiều tông phái lớn nhỏ khác nhau đã mọc ra như nấm sau cơn mưa, phát sinh từ Phật giáo nguyên thủy. Thậm chí có những tông phái theo đuổi những ham muốn của ngũ quan. Điều cần thiết là chúng ta phải luôn luôn mở to mắt để phân biệt và nhận ra đâu là Phật giáo chân chính. Chúng ta không được hồ đồ chấp nhận cái vỏ ngoài hoặc coi trọng các loại nghi thức đến nỗi bỏ quên mục tiêu đích thực của Phật giáo. Việc tu trì Phật giáo một cách chân chính là cần phải thanh lọc thân nghiệp và khẩu nghiệp trước tiên, rồi tới thanh lọc ý nghiệp, điều này dẫn tới trí huệ và chánh tri chánh kiến. Đừng nên nghĩ rằng điều này điều nọ là Phật giáo vì mọi người đã nghĩ như vậy. Cái bướu đã tiếp tục lan tràn bốn phương tám hướng, kể từ khi Đức Phật nhập diệt, cho tới ngày nay nó đã trở thành rất lớn. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng cái bướu trên lưng Phật giáo là chính Phật giáo. Những người thuộc các tôn giáo khác cũng sai lầm khi họ chỉ trỏ vào những cái bướu đáng hổ thẹn đó và coi chúng chính là Phật giáo. Làm như vậy là bất công, bởi vì những thứ đó không phải là Phật giáo mà chỉ là những u bướu bệnh hoạn. Những ai trong chúng ta, nếu có chí hoằng dương Phật pháp, dù là để tự hành hay là để hóa đạo cho tha nhân, đều cần phải biết cách nắm vững bản chất chân chính của Phật giáo, và không được nắm lấy một cái bướu vô giá trị nào đó.

Ngay cả Phật giáo chân chính cũng có nhiều khía cạnh khác nhau, đây là một sự kiện có thể dẫn tới sự ngộ nhận ý nghĩa đích thực của nó. Chẳng hạn như nếu nhìn từ một quan điểm triết lý đạo đức thì Phật giáo có thể được xem là một tôn giáo của đạo đức; bởi vì Phật giáo giảng về thiện ác, thị phi, chân thật, biết ơn, hài hòa, khoan dung, đại lượng, v.v. Trong Tam Tạng Kinh có đầy dẫy những chỗ giảng về đạo đức. Nhiều người mới học hỏi về Phật giáo đến với nó từ khía cạnh này, do đó họ chú trọng vào phương diện này.

Từ một quan điểm thâm sâu hơn thì Phật giáo là tôn giáo về chân lý, thứ chân lý ẩn tàng bên dưới bề mặt mà cặp mắt thế tục khó trông thấy. Nhìn ra chân lý này có nghĩa là lãnh hội được “không tánh” của vạn vật vô thường, vô ngã trong thế gian; lãnh hội được bản chất của đau khổ, và cách diệt trừ đau khổ tận gốc rễ. Chứng ngộ được những chân lý này là đạt tới chân lý tuyệt đối. Đây tức là coi Phật giáo như chân lý.

Nếu nhìn Phật giáo từ khía cạnh tôn giáo thì nó là một hệ thống tu hành đặt căn bản trên giới, định, huệ, với chủ đích đạt tới giải thoát. Nếu thực hành hệ thống tu tập này tới khi đắc đạo, chúng ta sẽ giải trừ được đau khổ. Đây tức là coi Phật giáo như tôn giáo.

Kế đó là nhìn Phật giáo trên phương diện tâm lý, như được trình bày trong phần “luận” của Tam Tạng Kinh, trong đó mô tả chi tiết về bản chất của tâm trí. Cho tới ngày nay, những vấn đề tâm lý học mà Phật giáo giải thích vẫn còn làm say mê và gây ngạc nhiên cho những người nghiên cứu về trí tuệ. Nó chứa đựng đầy đủ chi tiết và thâm sâu hơn là những kiến thức về tâm lý ngày nay.

Một phương diện khác của Phật giáo là triết lý . Kiến thức triết học có thể nhìn thấy rõ ràng qua những chứng cớ luận lý, nhưng không thể chứng minh bằng cách thực nghiệm. Kiến thức triết học tương phản với kiến thức khoa học – là thứ kiến thức do kết quả từ quan sát sự vật một cách rõ ràng bằng cặp mắt hoặc bằng thí nghiệm vật lý, hoặc bằng “nội nhãn” của trực giác. Đối với một người chưa thể đi sâu vào chân lý, họ coi loại kiến thức thâm sâu - chẳng hạn như về “không tánh” - của Phật giáo chỉ là triết lý. Nhưng đối với một người đã chứng ngộ được vô thượng chánh đẳng chánh giác thì đó là khoa học. Nhiều phương diện của Phật giáo, đặc biệt là Tứ Diệu Đế, rất phù hợp với khoa học, vì chúng có thể minh xác bằng những chứng cớ thực nghiệm nội tâm. Bất cứ ai có tri thức và muốn nghiên cứu, thì họ sẽ thấy sự liên hệ nhân quả rõ ràng giống như trong khoa học. Phật giáo không phải là những đóa hoa mờ ảo trong sương mù, cũng chẳng phải là triết học, mà là những chủ đề thuộc về nhân loại.

Một số người coi Phật giáo như là văn hóa . Bất cứ ai coi trọng văn hóa sẽ thấy nhiều khía cạnh của Phật giáo có những điểm tương đồng với tất cả các nền văn hóa, đồng thời cũng có những điểm đặc thù vượt cao hơn bất cứ điểm nào trong các văn hóa khác.

Đối với tất cả những phương diện khác nhau này, điểm mà một Phật tử chân chính cần phải coi trọng là xem Phật giáo như là tôn giáo. Chúng ta cần phải coi Phật giáo như là con đường hữu hiệu để đạt tới nhận thức về bản chất đích thực của vạn vật; nhận thức này giúp chúng ta có thể từ bỏ mọi hình thức của tham sân si, và trở thành hoàn toàn không lệ thuộc vào sự vật ngoại tại. Thực hành điều đó tức là nhập vào bản chất của Phật giáo. Khi nhìn Phật giáo trên phương diện này, nó hữu ích hơn là coi Phật giáo như lời dạy về đạo đức hoặc về chân lý, vì chân lý chỉ là kiến thức thâm sâu không thực sự hữu ích trong đời sống; và nó cũng hữu ích hơn là coi Phật giáo như loại triết học chỉ dùng để suy đoán và lý luận, nhưng không giúp giải thoát phiền não; và chắc chắn có ích hơn là xem Phật giáo như một nền văn hóa đáng chú ý trên phương diện xã hội học.

Nếu không coi trọng phương diện tôn giáo thì ít nhất chúng ta phải coi Phật giáo như Nghệ Thuật , nghĩa là “nghệ thuật sống,” là sự khôn ngoan để sống như một con người, sống một cách gương mẫu và đáng khen, khiến cho người khác muốn theo gương. Điều chúng ta nên làm là hãy bồi dưỡng “Tam Quang” (ba điểm sáng), đầu tiên là phát huy giới hạnh thanh tịnh, rồi tới tu tâm nhập định để tâm trí có đầy đủ khả năng, và sau cùng là phát huy đại trí huệ để có thể nhìn thấy thực tướng của vạn vật một cách rõ ràng đến độ chúng không còn có thể gây ra đau khổ và phiền não. Khi cuộc đời của bất cứ người nào có tam quang này, người đó có thể được coi như đã làm chủ được nghệ thuật sống. Người Tây phương hết sức quan tâm tới phương diện nghệ thuật sống của Phật giáo, và họ bàn luận về điểm này nhiều hơn bất cứ phương diện nào khác. Nếu có thể nắm vững bản chất đích thực của Phật giáo để dùng làm kim chỉ nam cho đời sống, tinh thần chúng ta sẽ hoan hỉ sung mãn, xa lìa phiền não và ảo tưởng. Nó cũng sẽ giúp giải trừ những nỗi e ngại, chẳng hạn như e ngại rằng sau khi đã giải trừ hoàn toàn những vô minh thì đời sống sẽ trở thành khô khan và vô vị; hoặc e ngại rằng sau khi đã diệt hết tham niệm thì chúng ta sẽ không còn muốn suy nghĩ hay hành động gì nữa. Nhưng thật ra, khi một người tổ chức cuộc đời họ phù hợp với Nghệ Thuật Sống Phật Giáo thì người đó đã khắc phục được mọi sự mọi vật chung quanh mình. Bất kể những sự vật đó là thú vật, con người, vật sở hữu, hoặc bất cứ thứ gì khác; và bất kể những thứ này đi vào ý thức của người đó qua lục căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý, thì chúng sẽ đều bị khắc phục, không thể làm mê hoặc, làm ô nhiễm, hoặc quấy nhiễu người đó được. Khi một người chiến thắng được mọi vật xung quanh, người đó sẽ hưởng cực lạc chân chính.

Khi một người hiểu biết Phật pháp, người đó sẽ được an lạc cát tường. Chúng ta cũng có thể coi Phật pháp như một hình thức dinh dưỡng không thể thiếu. Công nhận rằng khi một người vẫn còn có những vô minh thì người đó còn tiếp tục ham muốn những thứ dinh dưỡng qua nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân, và sẽ tiếp tục đi tìm chúng; nhưng còn có một phần khác sâu kín của người đó không đòi hỏi loại dinh dưỡng thấp kém. Đây là thành phần tự do và thanh khiết trong tâm trí người đó. Nó mong muốn được hưởng niềm vui của dinh dưỡng tinh thần, khởi đầu bằng niềm vui do kết quả của giới hạnh thanh tịnh. Đó là nguồn vui của những người đã giác ngộ, tâm trí họ thanh tịnh tới độ những sự vô minh không thể quấy nhiễu họ; những người này cũng thấy rõ thực tướng của vạn vật, và không có tham vọng gì đối với chúng. Họ là những người có thể ngồi yên và không cần phải chạy lăng xăng như những kẻ mà Đức Phật ví như “ban đêm là khói, ban ngày là lửa.”

“Ban đêm là khói” ám chỉ sự mất ngủ và trằn trọc. Người mắc chứng này suốt đêm nằm vắt tay lên trán, tính toán theo đuổi chuyện nọ chuyện kia, nghĩ cách làm giàu nhanh chóng và làm cách nào để nắm trong tay nhiều vật sở hữu. Tâm trí người đó chứa đầy “khói”, trằn trọc không sao ngủ được, chờ tới sáng để ra khỏi giường và xông ra ngoài để tuân theo những ước muốn của “khói” mà hắn ta nghĩ tới suốt đêm. Hành động này Đức Phật ví như “ban ngày là lửa.” Đó là những triệu chứng của một tâm trí chưa đạt tới thanh tịnh, một tâm trí thiếu thốn sự dinh dưỡng tinh thần. Đó là loại đó khát bệnh hoạn phát sinh từ lòng tham. Suốt đêm kẻ mắc bệnh hoạn cứ phải đè nán khói và sức nóng, những thứ này biến thành lửa vào buổi sáng, và thiêu đốt trong lòng người đó suốt cả ngày. Nếu một người suốt đời cứ phải đè nén khói vào ban đêm, và ban ngày nó trở thành lửa, thì làm sao kẻ đó có thể tìm được sự thanh tịnh và an lạc? Chúng ta hãy hình dung ra hoàn cảnh của người đó: Suốt đời hắn ta phải chịu đau khổ và dằn vặt, từ lúc sanh ra cho tới khi chết, chỉ vì thiếu trí huệ để có thể hoàn toàn dập tắt lửa và khói. Phương pháp chữa trị chứng bệnh đó là dùng giáo lý của Đức Phật. Khói và lửa giảm đi nhiều hay ít là tùy theo trình độ hiểu biết về thực tướng của vạn vật.

Như trên đây đã nói, Phật giáo có nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau. Giống như khi nhìn cùng một ngọn núi từ phương hướng khác nhau thì sẽ thấy hình thái khác nhau; vì vậy chúng ta sẽ được hưởng những lợi ích khác nhau từ Phật giáo, tùy theo cách mà chúng ta nhìn nó. Ngay chính Phật giáo cũng bắt nguồn tư nỗi lo sợ, nhưng không phải là thứ lo sợ mù quáng của một kẻ ngu si quì lạy và tôn thờ những thần tượng hoặc những hiện tượng khác thường, mà là một loại lo sợ cao hơn, tức là sợ rằng mình sẽ không đạt tới sự giải thoát ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử, khỏi những hình thức đau khổ khác nhau mà chúng ta từng trải qua. Phật giáo chân chính không nằm trong những cuốn sách, không phải là lập lại từng chữ từ Tam Tạng Kinh, cũng không phải là những nghi thức hành lễ. Phật giáo chân chính là tu hành, qua thân, khẩu và ý để diệt trừ những ô uế, một cách hoàn toàn hoặc phần nào. Chúng ta có thể không cần đọc sách. Chúng ta không nên trông cậy vào những nghi nghi lễ, hoặc bất cứ cái gì ở bên ngoài, kể cả các thần linh. Thay vào đó, chúng ta phải trực tiếp lưu tâm tới thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, nghĩa là phải kiên trì trong những nỗ lực của mình để kiểm soát và diệt trừ những ô uế để cho trí huệ có thể khai mở. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tự nhiên hành động một cách thích đáng, và kể từ đó chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi đau khổ.

Đó là Phật giáo chân chính. Xin đại chúng hãy hiểu như vậy. Chúng ta đừng hồ đồ nắm lấy cái bướu đang làm lu mờ Phật giáo và tưởng rằng nó chính là Phật giáo.

Xem mục lục