Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Như đã đề cập ở trước, có hai chứng đắc tối thượng về thân thể của những đạo sư Đại Toàn Thiện thành tựu cao nhất. Cái thứ nhất là sự chứng đắc Đại Chuyển Hóa (Pho-Ba Ch’en-Po) thành tựu bởi rất ít những vị lỗi lạc được biết đến như Vimalamitra, Padmasambhava, và Chetsun Senge Wangchug, những vị đã chuyển hóa thân xác thành thân ánh sáng vi tế và sống chứ không chết, xuất hiện bất cứ khi nào thích hợp. Cái thứ hai là sự chứng đắc Thân Thể Cầu Vồng (Ja-lus) của nhiều thiền giả Đại Toàn Thiện suốt thời đại của pháp Đại Toàn Thiện ở Ấn Độ và ở Tây Tạng cho đến giữa thế kỷ hai mươi. Khi chết những thiền sư này, do đã đạt được bản tánh tối hậu qua thực hành Đại Toàn Thiện, làm tan biến thân xác với một sự phô diễn những ánh sáng và chỉ để lại móng tay chân và tóc. Thiền giả sau cùng đạt được Thân Thể Cầu Vồng có sự chứng kiến rõ ràng gây nhiều chú ý vào năm 1952. Ngài là Sodnam Namgyal (1874?-1952) thuộc bộ tộc Tag-rong trong thung lũng Yidlhung ở Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là cha của Lama quá cố Gyurtrag (mất 1975), một bạn Pháp thân thiết của tôi. Sau đây là biến cố được Lama Gyurtrag kể lại cho tôi, và cũng có vài thông tin rút từ những lời cầu nguyện cho cha bởi Lama Gyurtrag :

Cha tôi là một người thợ săn vào thời tuổi trẻ. Nhưng về sau ông trở nên rất tín ngưỡng và có thực hành nhiều. Nhưng chúng tôi không biết ông là một thiền giả Đại Toàn Thiện đã thành tựu. Ông dấu rất kín về việc thiền định của ông. Ông đã làm tròn 100.000 thực hành Sơ Bộ Năm Phần trong mười ba lần. Ông đã nhận những giáo huấn thiền định Đại Toàn Thiện từ thiền sư Jinpa Zangpo, một đệ tử của Khyentse Yeshe Dorje (1800-?). Hầu hết cuộc đời mình, cha tôi dùng thời gian để tạc những hình tượng, những thần chú và kinh điển vào đá ở nhiều nơi, chủ yếu ở Mani Kedgo trong thung lũng Yidl-hung. Ngài rất tầm thường và không ai mong đợi ngài thành một người đặc biệt, như một yogi chân thật phải như vậy. Một lần tôi đang nhập thất. Anh tôi đến và nói với tôi : “Cha hơi bệnh. Anh thấy không có gì trầm trọng, nhưng ông bảo ông sắp chết.” Rồi sau hai ngày, vào chiều tối ngày bảy tháng tư năm con Rồng Thủy (1952) Cha chết vào lúc 79 tuổi. Một lama đã khuyên anh tôi rằng họ cần chăm sóc đặc biệt thân xác cha tôi khi ông chết, nhưng những bà con của tôi không hiểu điều đó có nghĩa là gì. Thế nên, sau cái chết của người, họ vội sắp xếp cho cái xác theo cách đối với người thường. Nhưng họ bắt đầu nhận thấy những ánh sáng cầu vồng và những màn cầu vồng chung quanh chỗ họ, và cái xác bắt đầu giảm kích thước. Bấy giờ họ hiểu rằng cha họ đã đạt giác ngộ trong bản tánh tối hậu nhờ thiền định Đại Toàn Thiện và rằng thân thể thô của người đang tan biến vào cái thường được biết như là “Sự Tan Biến Vào Thân Thể Cầu Vồng.” Sau hai ngày (Tôi không nhớ anh ấy nói với tôi bao nhiêu ngày), toàn bộ xác chết đã tan biến. Tôi vội vã chấm dứt kỳ nhập thất và về nhà. Bấy giờ mọi thứ đã biến mất và chỉ còn hai mươi móng tay chân và tóc còn để lại trên chỗ đặt xác trước kia. Chúng tôi thu góp những cái còn lại này và chỉ trừ vài mảnh nhỏ mà chúng tôi giữ cho riêng chúng tôi, chúng tôi cúng tất cả móng tay chân và tóc cho Jamyang Khyentse Chokyi Lotro (1893-1959), vì ngài muốn có chúng. Mọi người trong thung lũng đều nói về cái chết của cha tôi. Nếu một Lama nổi tiếng chết theo kiểu ấy, sẽ không gây ngạc nhiên, nhưng khi một người cư sĩ tầm thường bày lộ một thành tựu lớn lao như vậy, tất cả chúng tôi đều sửng sốt. Thật ra, dĩ nhiên là một đời sống tầm thường là một hỗ trợ lớn lao cho thiền định và thành tựu. Tên tuổi, danh tiếng và giàu có có thể dễ dàng trở thành những chướng ngại. Tầm thường khiêm hạ là một ưu thế lớn lao cho một thiền giả Đại Toàn Thiện, nhưng người bình thường không thấy sự việc theo cách đó. Họ chỉ bị hấp dẫn và tin vào những tên tuổi trống rỗng, sự giàu có lừa gạt và những lý luận trí thức kiêu ngạo.

Lama Gyurtrag có một mảnh nhỏ móng chân của cha mình như là một di vật và ông đã cho tôi một phần rất nhỏ của cái đó. 

Xem mục lục