Nghiệp của những hành vi đức hạnh phối hợp với những đức hạnh giải thoát dẫn người ta đến giác ngộ. Longchen Rabjam giải thích trong tác phẩm Shingta Chenpo (Cỗ Xe Ngựa Chiến Lớn), một tự bình giảng về Simnyid Nyalso (Thư giãn trong tâm Tự Nhiên) sự hiện diện của hai “dòng” Phật tánh (Như Lai Tạng) trong tất cả chúng sanh, nhờ nó chúng ta có tiềm năng trở thành những vị Phật nếu chúng ta tu hành những nghiệp đức hạnh dẫn đến Phật quả. Dòng (Rigs) thứ nhất là “Dòng hiện diện tự nhiên”, nó là phương diện của dòng hay của tinh túy, hiện diện một cách bổn nguyên như là bản tánh tối hậu của chúng sanh. Dòng hay tinh túy thứ hai là “dòng phát triển”, nó là phương diện tinh túy được phát triển bằng cách xóa tan những che đậy nhiễm ô. Ngài giải thích người ta cần đánh thức “dòng” và bằng phương tiện nào, hay khác đi người ta sẽ đi lạc vào sanh tử như thế nào nếu người ta không chứng ngộ, thấu hiểu “dòng”, và quan trọng là tu hành những đức hạnh giải thoát như thế nào để chứng ngộ “dòng”.
TỔNG QUÁT VỀ NGHIỆP ĐỨC HẠNH GIẢI THOÁT
Những nghiệp đức hạnh vượt khỏi cả hai những đức hạnh tạo công đức và những hành vi xấu và giải thoát mọi vết dơ là những nguyên nhân làm tái sanh trong sanh tử chính là những nghiệp, những nguyên nhân của giải thoát. Trong những nghiệp đó, những đức hạnh với những ý niệm, như là mười nghiệp thiện và năm ba la mật đầu của sự tích tập công đức, là những hành vi của cấp độ chân lý tương đối. Những đức hạnh không ý niệm, trí huệ thoát khỏi hai cực đoan, là sự tích tập trí huệ bổn nguyên (chân lý tuyệt đối). Sự hợp nhất của hai sự tích tập này, hiện thân trong những giai đoạn của năm con đường, dẫn người ta đến Phật quả. Thế nên nó siêu vượt những đức hạnh thuộc sanh tử. Chúng sanh sanh tử tri giác những hành vi đức hạnh là có bản chất và có những đặc tính. Nhưng đối với những đức hạnh giải thoát, từ lúc khởi đầu của sự tu hành không có tri giác về chúng như là có bản chất hay có những đặc tính. Chúng thoát khỏi ý niệm công đức hay không công đức, và chúng có tinh túy là tánh không và đại bi….
Bố thí…., năm ba la mật đầu là cho sự tích tập công đức, và trí huệ là cho sự tích tập trí huệ bổn nguyên. Qua sự tu hành phối hợp hai cái này, người ta đạt được hai thân (Pháp thân và Sắc thân) của chư Phật.
NHỮNG ĐỨC HẠNH, NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA GIẢI THOÁT
Những đức hạnh giải thoát thực sự thuộc về “chân lý của con đường”, nguyên nhân của dừng dứt khỏi khổ. Dù chúng đặt trên nền tảng phổ quát của những tập khí, thì kết quả – bản thân sự dừng dứt – được hoàn thành nhờ nguyên nhân của dừng dứt khổ đau và sanh tử, được đặt nền trên “dòng” (Rigs) hay tinh túy (Phật tánh). Đó là tại sao những đức hạnh trở thành nguyên nhân của giải thoát tối thượng bất biến. Trong bản văn gốc có nói :
Căn bản của những đức hạnh là “dòng”.
Đó là trạng thái tự nhiên sáng rỡ của tâm,
Bản tánh vô nhiễm, và nó là “dòng hiện diện tự nhiên”.
Phương diện xuất hiện của bản tánh là hai thân,
Chúng đặc trưng bởi chín thí dụ.
Đó là bản tánh của lòng bi hiện diện một cách bổn nguyên, và
Nó là “dòng phát triển”. Điều này do Như Lai nói ra….
Những kinh điển của lần chuyển bánh xe Pháp thứ ba khai thị nghĩa quyết định và chỉ ra bí mật vĩ đại của tất cả chư Phật. Những kinh điển đó là :
Arya-dharanesvaraja-pariprccha sutra.
Arya-srimaladevi-simhadana-pariprccha sutra.
Bu-Mo Rin-Ch’en Gyis Zhus Pa’i mDo.
Vimaladevi pariprccha.
Arya-angulimala sutra.
Arya-mahaparinirvana sutra.
Arya maitreya pariprccha sutra.
Arya tathagatagarbha sutra v.v….
Trong những kinh này có cho những giải thích về bản tánh hay trạng thái tự nhiên của tâm thức, nó vốn hiện diện trong tất cả chúng sanh, và là Phật tánh. Nó hiện diện từ nguyên thủy và bất biến. Trong bản tánh này vốn hiện diện sự thành tựu tự nhiên của phương diện xuất hiện của nó như là nguồn của những tướng chánh và tướng phụ của các sắc thân và phương diện tánh không của nó như là sự tự do của thân tối hậu (Pháp thân) vượt khỏi mọi cực đoan tạo tác. Bản tánh này được giải thích bằng những ví dụ : “Sự thành tựu tự nhiên của những đức hạnh như viên ngọc như ý, sự bất biến như hư không, và hiện diện toàn khắp trong tất cả chúng sanh như nước trong suốt. Trong Uttara-tantra có nói : “Như một viên ngọc như ý, hư không và nước, Phật tánh luôn luôn thoát khỏi những ô nhiễm.”
Trong tinh túy của nó, không có ô nhiễm từ khoảnh khắc ban đầu bởi sự che ám của những vết dơ, và nó vẫn thanh tịnh như nó vốn là. Trong Kinh Arya-astasahasrika prajnaparamita có nói : “Trong tâm không có tâm, vì bản tánh của tâm là quang minh sáng rỡ.”
Nó là bản tánh hay “dòng” của chư Phật và nó hiện diện trong mỗi chúng sanh. Uttaratantra nói : “Bởi vì chúng sanh là không thể phân lìa khỏi tánh Như, và bởi vì họ sở hữu “dòng”, chúng sanh luôn luôn sở hữu Phật tánh.”
Dòng cũng được gọi là “bản tánh đức hạnh tối hậu vô thủy”, bởi vì nó là Phật từ nền tảng bổn nguyên. Trong Manjusrinama-samgiti có nói : “Phật không có bắt đầu cũng không có chấm dứt, là cái bổn nguyên không thiên chấp.”
Trong Hevajradvikalpa-tantra có nói : “Những chúng sanh đích thị là Phật. Bất kể họ có bị che ám bởi những ô nhiễm ngẫu sanh, khi những che ám tan sạch, họ đích thị là Phật.”
Khi một người là chúng sanh, trong tánh Như của tự tâm, người ấy đã vốn có sự toàn thiện của những đức hạnh của sắc thân Phật trong phương diện xuất hiện hình tướng và những đức hạnh của Pháp thân trong phương diện tánh Không. Nhưng Phật tánh bị che ám bởi những ô nhiễm và những đức hạnh trở thành không trong sáng, không rõ ràng trong sự biểu lộ. Thế nên nó được gọi là bản tánh hay dòng (Rigs).
Khi thành Phật, người ta sẽ thoát khỏi mọi che ám. Thế nên gọi là sáng suốt, giác ngộ. Sự khác biệt chỉ là năng lực của bản tánh của tâm có được hiển lộ hoàn toàn hay không. Chúng ta không chấp nhận rằng đó là một sự phát triển của của một đức hạnh mới nó không hiện hữu khi còn là một chúng sanh bình thường, bởi vì bản tánh thì bất biến.
Kinh sNying-Po Rab-Tu brTan-Pa nói :
Cõi giới tối hậu của thời gian vô thủy.
Là chỗ ở của tất cả những hiện hữu hiện tượng.
Bởi vì sự thường trụ của nó, tất cả chúng sanh
Có thể đạt được niết bàn.
Tánh Như thì bất biến.
Nó đã là và sẽ là y như nó đang là.
Bản tánh quang minh sáng rỡ của tánh Như của tâm không bao giờ bị nhiễm ô bởi những che ám phiền não. Uttaratantra nói :
Bản tánh của tâm, nó là sáng rỡ,
Thì bất biến như hư không.
Tham, sân và các thứ phiền não, đến từ những ý niệm nhiễm ô,
Những che ám ngẫu sanh đó không nhiễm ô được nó.
SỰ PHÂN CHIA DÒNG
Có hai phân chia (trong “dòng”) : (a) Dòng hiện diện tự nhiên, nó hiện hữu một cách bổn nguyên ; và (b) dòng phát triển, nó được phát sanh dựa vào sự tẩy sạch những nhiễm ô ngẫu sanh.
(1) Trong dòng hiện diện tự nhiên có hai phương diện : (a) Dòng hiện diện tự nhiên của bản tánh tối hậu của hiện tượng, nó là rỗng không, thoát khỏi mọi tạo tác, là Tâm và là nguyên nhân của sự tự do của thân tinh túy (Pháp thân). (b) Dòng hiện diện tự nhiên của những hiện hữu hiện tượng, nó là nguyên nhân của sự tự do của những sắc thân. Những sắc thân trụ như những hiện tượng và bản tánh của chúng vốn từ thời gian bổn nguyên. Trong Kinh Mahaparinirvana (Đại Bát Niết Bàn) có nói :
Thiện nam tử ! Bản tánh của tâm, nó là tinh túy tự nhiên quang minh và tự nhiên không hiện hữu, thì không tách lìa khỏi những hình tướng xuất hiện, những thuộc tính sáng ngời của những tướng chánh và tướng phụ của những thân Phật của tâm tự nhiên thanh tịnh. Trong mọi trường hợp, chúng được sắp xếp bằng sự đặt tên là hình tướng và tánh không.
(2) Dòng phát triển : qua sự tu hành phát triển Bồ đề tâm và vân vân, phương tiện thiện xảo và trí huệ của “con đường tu hành” và sự tích tập hai phần công đức và trí huệ bổn nguyên, làm hoàn thiện người ta vào trong dòng hiện diện tự nhiên. Kinh Gandavyuha (Hoa Nghiêm) nói :
Thiện nam tử của bậc chiến thắng ! Cái được biết như là dòng giác ngộ là sự chứng đắc cõi giới tối hậu bằng cách chứng ngộ sự bao la như hư không và quang minh tự nhiên và bằng sự tu hành những đại tích tập công đức và trí huệ bổn nguyên.
Trong Uttaratantra nói :
Như một kho tàng và như trái của một cây
Hai dòng cần được biết.
Chúng là (a) dòng hiện diện tự nhiên hiện hữu một cách bổn nguyên và (b) Dòng tuyệt hảo khởi lên bởi phát triển –
Từ hai dòng này Ba Thân
Của chư Phật sẽ đạt được.
Từ dòng thứ nhất người ta đắc cái đầu tiên (Pháp thân, thân tinh túy).
Từ dòng thứ hai người ta đắc hai cái sau (hai Sắc thân).
Vẻ đẹp của Pháp thân cần được hiểu như một viên ngọc,
Bởi vì nó (Pháp thân) là tự nhiên không do tạo thành,
Và là kho tàng của những đức hạnh.
Bởi vì có sự vĩ đại chúa tể của những hiện tượng,
Báo thân thì giống như vua của vũ trụ.
Vì bản chất là sự phản chiếu của Báo thân,
Thân biểu lộ (Hóa thân) thì giống như một hình ảnh bằng vàng.
Pháp thân (thân tinh túy), dòng hiện diện tự nhiên của Tâm vốn đã thành tựu tự nhiên như một viên ngọc. Từ căn bản này (thân tinh túy) khởi lên sự phản chiếu của dòng hiện diện tự nhiên thành những hiện tượng, tức là Báo thân, chúa tể của vũ trụ, và Hóa thân cho chúng sanh. Nhưng những thân đã thành vô hình và bị che ám bởi những nhiễm ô khi còn là chúng sanh. Như thế sự tích tập công đức qua phát triển Bồ đề tâm v.v…. tẩy sạch những che ám đối với các sắc thân, và sự tích tập trí huệ qua thiền định về tánh không v.v…. tẩy sạch những che ám đối với tánh như, thân tinh túy. Hai dòng là hiện diện một cách bổn nguyên, như là căn cứ và cái được đặt nền lên căn cứ. Dòng hiện diện tự nhiên là căn cứ, như nước trong. Dòng phát triển là cái đặt nền trên đó, ví như sự khởi lên của những phản chiếu khác nhau trên mặt nước….
Dòng hiện diện tự nhiên của bản tánh của những hiện tượng và dòng hiện diện tự nhiên của hiện tượng cả hai hiện hữu như là nguyên nhân của tự do nhưng không như là kết quả, bản thân tự do. Dòng phát triển, nó tịnh hóa những nhiễm ô, hoạt động như những đối trị nhưng không phải là những nguyên nhân thực của hai thân, như nhân và quả của một người sáng tạo và vật được tạo ra. Mahayanasutralamkara nói :
Người ta cần hiểu rằng dòng tự nhiên và dòng phát triển
Là căn cứ và cái đặt nền trên căn cứ.
Dòng tự nhiên hiện hữu như nguyên nhân nhưng không là kết quả.
Qua những đức hạnh người ta đạt giải thoát.
MINH HỌA SỰ HIỆN DIỆN CỦA PHẬT TÁNH TRONG
CHÚNG SANH BẰNG CHÍN THÍ DỤ
Phật tánh đầy khắp trong tất cả chúng sanh. Chín thí dụ chỉ ra nó hiện diện như thế nào ở giữa những nhiễm ô phiền não….
Phật tánh hiện diện ở giữa bốn nhiễm ô trong người thường chưa vào con đường giác ngộ và người đã vào con đường tích tập và con đường áp dụng : (a) Phật tánh hiện diện ở giữa tham muốn im lìm như một vị Phật trong một búp hoa không hấp dẫn, (b) giữa sân giận im lìm như mật ong ở giữa những con ong, (c) ở giữa vô minh (si) im lìm như hạt trong vỏ trấu, và (d) ở giữa sự khởi lên của tham sân si mạnh mẽ, những phiền não biểu lộ như vàng trong một hố bẩn. (e) Phật tánh hiện diện ở giữa những tập khí vô minh của A La Hán, Thanh Văn và Độc Giác Phật như là kho tàng trong đất. Có hai thí dụ minh họa sự hiện diện của Phật tánh ở giữa những cái phải đoạn trừ trong con đường quán chiếu của Bồ tát : (f) Nó giống như một trái xoài (có tiềm năng cho trái) và (g) như một hình tượng Phật làm từ ngọc bọc trong giẻ rách. Có hai thí dụ minh họa sự hiện diện của Phật tánh ở giữa những cái phải đoạn trừ trong con đường thiền định của Bồ tát : (h) Nó giống như bào thai của một con vua trong bụng một người đàn bà nghèo và xấu, và (i) như một mảnh vàng trong bùn.
NHỮNG TRÍCH DẪN TỪ KINH ĐIỂN HIỂN BÀY PHẬT TÁNH
Kinh Arya-atyayjnana nói :
Nước ở trong đất
Vẫn trong sạch nguyên vẹn.
Trong những nhiễm ô phiền não, trí huệ bổn nguyên
Vẫn không nhiễm ô cũng như thế.
Guhyagarbha (mayajala tantra) nói :
Trong bốn thời và mười phương
Không nơi nào tìm thấy giác ngộ
Ngoại trừ trong tâm, nó là trạng thái toàn giác.
Chớ tìm Phật trong những nguồn nào khác.
Nếu không thế thì ngay cả (chính) đức Phật có tìm kiếm,
Nó cũng sẽ không bao giờ được tìm thấy.
Tóm tắt, người ta cần hiểu rằng trong tất cả chúng sanh, những thân và những trí huệ của chư Phật đang hiện diện không một chút tách lìa, một cách bổn nguyên, như mặt trời và những tia sáng của nó. Phật tánh thì luôn luôn và tự nhiên thanh tịnh, tinh túy của nó là bất biến, và những nhiễm ô của nó là biến đổi, ngẫu sanh và hư vọng.
NHỮNG ĐỨC HẠNH CỦA PHẬT TÁNH
Phật tánh là thanh tịnh vì không bao giờ có vết dơ nào trên đó. Nó là tự-thiêng liêng vì nó không biến đổi. Nó là vĩnh cửu vì nó hiện diện ở tất cả mọi thời. Nó là sự hoàn thiện của lạc (siêu việt cái lạc thế gian) bởi vì nó không bị khổ đau hàng phục dù cho người ta có rơi vào (tái sanh) trong sanh tử hoàn toàn khổ đau. Trong Uttaratantra có nói : “Thanh tịnh, tự tại, an lạc và vĩnh cửu – Sự toàn thiện của những cái ấy là kết quả.”
Phật tánh thì toàn khắp. Mahayanasutralamkara nói, “Người ta chấp nhận rằng hư không luôn luôn tràn khắp. Như hư không tràn khắp mọi hình tướng, Phật tánh cũng tràn khắp tất cả chúng sanh.”
Như thế, chỉ Phật tánh tạm thời bị che ám bởi những nhiễm ô phiền não, nó vốn tự vô nhiễm như mặt trời trong mây. Cái tinh túy này vẫn không thể hư hoại từ thời gian bổn nguyên cho đến giác ngộ.
AI CHỨNG NGỘ PHẬT TÁNH ?
Ai chứng ngộ (hay đạt được) “dòng” Phật tánh ấy ? Người chưa chứng ngộ trạng thái tự nhiên nhưng được hướng dẫn bởi một vị thầy đức hạnh, những Thanh Văn, Độc Giác Phật, có cảm kích đối với Đại thừa, và những Bồ tát đã đạt đến những địa (trước Thập địa) có thể có một hiểu biết tổng quát về nó. Những Bồ tát trong mười địa có một chứng ngộ từng phần về nó. Nhưng ngoài chư Phật không có ai khác chứng ngộ hoàn toàn Phật tánh như nó vốn là….
Phật tánh hay tinh túy Phật thường trụ như bánh xe thịnh vượng của Tự Tâm mình trong những cõi Phật với ba thân và những trí huệ bổn nguyên. Nếu người ta chứng ngộ nó, đó là giác ngộ…. Người còn trong con đường tu hành có một hiểu biết tổng quát về Phật tánh nhờ đức tin. Uttaratantra nói :
Chân lý tối hậu, cái tự nhiên hiện hữu,
Chỉ được chứng ngộ bằng đức tin,
Như sự sáng chói của dĩa mặt trời
Không thể thấy nếu không có mắt.
Kinh Buddhagarbha nói :
Người thường (phàm phu), Thanh Văn, Độc Giác Phật và Bồ tát không chứng ngộ Phật tánh như nó là. Chẳng hạn một người mù hỏi những người khác, “Màu của bơ giống cái gì ?” Một người trả lời “Nó giống như tuyết.” Người mù sờ tuyết và cảm thấy lạnh, và anh ta cho rằng màu của bơ là lạnh. Một người khác trả lời “Nó giống như cánh của một con thiên nga.” Anh ta nghe tiếng vỗ cánh của thiên nga và cho rằng màu của nó là “oo-oo.” Một người khác trả lời “Màu của bơ giống như một cái tù và.” Anh ta cảm thấy sự trơn láng của cái tù và và cho là màu của bơ là trơn láng. Như người mù không thể biết màu sắc là gì, Phật tánh cũng rất khó chứng ngộ với người chưa đủ trí huệ.
Những khó khăn của người thường trong việc chứng ngộ Phật tánh được minh họa rõ trong cùng bản văn (Buddhagarbha) :
Một ông vua tập họp nhiều người mù lại và hỏi họ diễn tả hình dáng của một con voi. Người sờ vào vòi diễn tả voi như một khúc cong, người sờ vào mắt diễn tả voi như một cái chén, người sờ vào tai diễn tả voi như một cái sàng, người sờ vào lưng, diễn tả voi như một ngọn đồi, và người sờ vào đuôi diễn tả voi như cây roi. Những miêu tả của họ không phải là không tương ứng với con voi, nhưng họ không có cái hiểu toàn diện. Cũng thế, Phật tánh sẽ không được hiểu bởi những giải thích khác nhau, như “tánh không” “như huyễn” và “sáng rỡ”.
MỤC ĐÍCH CỦA LỜI DẠY VỀ PHẬT TÁNH
Thế thì ích lợi gì khi dạy về Phật tánh, nó quá tinh vi và khó khăn để phân tích, bởi vì nó không được người thường chứng ngộ ? Có năm công đức trong sự chỉ ra sự hiện diện của Phật tánh : (1) Sợ hãi sẽ được gỡ bỏ trong tâm một người và (nó) sẽ trở nên nhiệt thành để hoàn thành giải thoát, biết rằng nó không khó khăn để chứng ngộ, (2) sự coi thường những chúng sanh khác sẽ được gỡ bỏ và nó trở nên tôn trọng tất cả, những chúng sanh đó bình đẳng với chư Phật, bình đẳng với bổn sư Thích Ca của chúng ta, (3) vô minh về sự hiện diện của nghĩa tuyệt đối, những thị kiến về những thân và những trí huệ, sẽ được gỡ bỏ khỏi tâm chúng ta, và trí huệ chứng ngộ cõi giới tối hậu sẽ khởi lên, (4) do hiểu bản tánh theo cách này, người ta gỡ bỏ những thổi phồng và những giảm trừ về có và không, thường và đoạn, và trí huệ bổn nguyên chứng ngộ nghĩa toàn hảo sẽ khởi lên, (5) và cảm thức về sự quan trọng của bản ngã và sự chấp ngã sẽ được gỡ bỏ, người ta sẽ thấy ta và người bình đẳng, và sẽ khai triển đại từ đại bi với những chúng sanh khác.
SỰ PHÂN BIỆT GIỮA PHẬT TÁNH CỦA DUY THỨC TÔNG (YOGACARYA) VÀ TỰ NGÃ CỦA MỘT SỐ HỌC PHÁI KHÁC
Kiến giải về tự ngã trong những học phái lầm đường không tương tự với Phật tánh. Họ quy về một tự ngã mà không có hiểu biết nào về nó. Theo họ cái tự ngã này không hiện hữu trong trạng thái tự nhiên của nó. Họ quy định những giới hạn cho nó và không chấp nhận nó có những đức hạnh của những thân Phật và những trí huệ bổn nguyên. Kiến giải (Trung Đạo) của anh bám chấp vào vô ngã và cái không như chỉ là một đối trị với kiến giải tự ngã và không phải cái không, nhưng đó không phải là nghĩa tuyệt đối. Bởi thế, kinh Mahaparinirvana (Đại Bát Niết Bàn) nói : (dịch rút ngắn
Một đứa con còn bú sữa của một người đàn bà bị bệnh và bà mẹ lo lắng mời một thầy thuốc. Thầy thuốc trộn thuốc với sữa và đường mật, cho đứa bé uống, nói rằng, “Tôi đã cho đứa bé uống thuốc. Cho đến khi nào thuốc đã được tiêu hóa, chớ có cho đứa bé bú sữa.” Người đàn bà bôi mật đắng vào vú để đứa bé không dám uống sữa, và bà nói với đứa bé, “Con không có sữa vì mẹ đã bôi thuốc độc vào vú.” Đứa bé cố gắng kiếm tìm sữa nhưng nó không thể chịu nổi vị đắng của mật. Khi nó đã tiêu hóa xong thuốc bệnh, bà mẹ rửa vú và nói với đứa con, “Đến đây, có sữa đây.” Đứa bé đang chịu đựng cơn khát nhưng không muốn có sữa dù được mời, bởi vì vị đắng hồi nãy. Bà mẹ lại nài nỉ, giải thích những chi tiết, và chỉ bấy giờ đứa bé mới cởi mở và đến dùng sữa. Thế đấy, thiện nam tử ! Đức Phật cũng như vậy, vì giải thoát cho tất cả chúng sanh, đã nhấn mạnh những giáo lý vô ngã với tất cả chúng sanh. Do sự nhấn mạnh đó, tư tưởng về tự ngãù sẽ không còn (với người tu hành) và họ sẽ đạt được sự dừng dứt phiền não (Parinirvana, Đại Bát Niết Bàn). Thế nên xua tan những tà kiến của Lokayata (hư vô luận, đoạn kiến) và để dạy sự chuyển hóa thành một thân toàn hảo nhờ thiền định về tánh không, Phật dạy rằng mọi hiện hữu hiện tượng không có tự ngã và ngài dạy những đệ tử thiền định về tánh không. Phật nói điều ấy cũng như người đàn bà xoa mật vào vú vì đứa bé con của bà. Như người đàn bà lau rửa vú mình và kêu con lại dùng sữa, ta, đức Phật, dạy cho các con Phật tánh. Hỡi các Tỳ kheo ! chớ có sợ hãi, như bà mẹ gọi con và để cho nó dùng sữa, các Tỳ kheo, các ông cũng cần xem mình như đứa bé kia. Phật tánh không phải là không hiện hữu. Các ông nên hiểu rằng trong quá khứ ta đã dạy mọi hiện tượng đều Không trong những giáo lý Bát nhã ba la mật và rằng điều đó chỉ có nghĩa là dạy sự không hiện hữu của những hiện tượng trong bản tánh của chúng (các hiện tượng không có tự tánh). Nếu khác đi, thiền định về tánh không của cái không có gì cả, thì những thân và những trí huệ Phật sẽ không phát triển, bởi vì những kết quả là do những nguyên nhân.
Tánh không là tánh không của những sự ý niệm hóa trong việc tri giác những hiện tượng từ ngay khoảnh khắc xuất hiện của chúng như một hay nhiều, và nó là tánh không trong tinh túy của chính chúng, như một phản chiếu trong một tấm gương. Nhưng nó không có nghĩa rằng rốt ráo sẽ không có cái gì cả cũng như đã và đang không có cái gì cả trong quá khứ và hiện tại mà chỉ là những hình tướng huyễn ảo. Prajnaparamitahrdaya (Bát Nhã Tâm Kinh) nói :
Sắc tức là không
Không tức là sắc,
Sắc không khác không,
Không cũng không khác sắc.
Cũng như vậy, thọ, tưởng, hành và thức là Không….
Uttaratantra nói :
Trong Phật tánh này không có cái gì để từ bỏ,
Không có cái gì để giữ gìn.
Nếu con thực sự nhìn thấy cái toàn thiện (bản tánh)
Và nếu con chứng ngộ nó, đó là giải thoát.
Phật tánh là cái trống không mọi đặc tính
Cái trống không mọi nhiễm ô ngoại sanh với những phân biệt,
Nhưng nó không là cái trống không của những thuộc tính tối thượng (của Phật quả)
Chúng có những tính cách khác biệt….
Hai thân của chư Phật là hiện diện một cách bổn nguyên và những che ám (trong chúng) được xóa tan bằng hai sự tích tập, nhưng hai sự tích tập và hai thân không là nguyên nhân và kết quả của một người tạo và sự tạo ra. Nếu khác đi thì thân tối hậu (Pháp thân) và báo thân sẽ trở thành hỗn hợp, và như thế chúng là vô thường. Vì tính không biến đổi của Pháp thân, Madhyamakavatara nói :
Thân bình an (được bình lặng khỏi sự ý niệm hóa) là trong trẻo như một viên ngọc như ý,
Như một viên ngọc như ý nó không ý niệm hóa (cái gì).
Nó luôn luôn hiện diện cho đến khi mọi chúng sanh được giải thoát.
Nó xuất hiện cho những Bồ tát đã thoát khỏi sự ý niệm hóa….
Người ta cần hiểu ý nghĩa của vô ngã, không và bất nhị…. như sau :
Kinh Arya-mahaparinirvana nói :
Ta dạy các con rằng bản tánh hoàn toàn thanh tịnh của Phật, tinh túy bí mật của Như Lai là không biến đổi và không dứt tận. Nhưng nếu ta nói rằng nó hiện hữu, sẽ không đúng vì người có học và khôn lanh sẽ bám chấp vào nó (sự hiện hữu của nó). Nếu ta nói rằng nó không hiện hữu, bấy giờ ta không nói chân lý, và người không chịu học sẽ truyền bá hư vô luận và sẽ không biết tinh túy bí mật của Như Lai. Nếu ta nói về khổ, họ sẽ không biết sự hiện hữu của bản tánh phúc lạc của thân thể. Người ngu mê xem thân thể giống như cái bình đất sét chưa nung, nghĩ rằng, “Mọi thân thể là vô thường.” Người trí có biết phân biệt, và họ không nói rằng tất cả tất nhiên là vô thường. Tại sao ? Bởi vì trong thân thể người ta có hiện diện hạt giống, Phật tánh. Người ngu mê cho là những thuộc tính của Phật là vô ngã. Kiến giải của người trí là từ vô ngã chỉ thuần là một diễn tả quy ước và nó “không chân thật”. Do hiểu như vậy họ không có nghi ngờ nào (về Phật tánh). Nếu ta nói Phật tánh là tánh không, khi người ngu mê nghe được, họ sẽ phát triển quan điểm hư vô luận hay không hiện hữu. Người trí sẽ xác quyết rằng Phật tánh là không biến đổi và không dứt tận. Nếu ta nói giải thoát giống như huyễn hóa, người ngu mê sẽ cho giải thoát là giáo lý của Ma vương. Người trí biện biệt rằng giữa loài người, như một sư tử (giữa loài thú), độc chỉ Như Lai là vĩnh cửu, hiện tiền, bất biến và bất tận. Nếu ta nói rằng bởi vì không giác ngộ (vô minh), những yếu tố hợp tạo khởi lên, người ngu nghe như thế bèn phân biệt giác ngộ và không giác ngộ (vô minh). Người trí và có học hiểu được sự bất nhị (của giác ngộ và vô minh) ; và cái gì là bất nhị, cái đó là toàn thiện…. Nếu ta nói rằng những hiện hữu hiện tượng không có ngã và ngay cả Phật tánh cũng không có tự ngã, người ngu mê sẽ thấy có ra sự nhị nguyên (của ngã và vô ngã). Người trí và người có học hiểu được rằng chúng là bất nhị một cách tự nhiên. Cả hai ngã và vô ngã trong bản tánh của chúng không hiện hữu như là nhị nguyên. Tất cả chư Phật toàn giác tán thán nghĩa của Phật tánh như là không thể nghĩ bàn, vô lượng, vô cùng và ta cũng thuyết tỉ mỉ về những đức hạnh của nó trong tất cả các kinh.
DẤU HIỆU CỦA SỰ THỨC GIẤC CỦA NHỮNG DÒNG
Có hai dấu hiệu của sự thức giấc của những dòng : Thứ nhất là sự thức giấc của dòng tự nhiên, pháp thân. Madhyamakavatara nói :
Dù đang còn là một người thường, khi nghe về tánh không
Hoan hỷ vô bờ phát sanh trong người ta trở đi trở lại.
Nước mắt vui sướng ướt đẵm đôi mắt.
Tóc lông dựng đứng từ lỗ chân lông. Đó là vì
Trong người ta hiện diện hạt giống trí huệ của Phật.
Người ta là một bình chứa tiềm năng để nhận lãnh những giáo lý về nó (tánh không).
Thế nên người ta cần được ban cho những giáo lý về chân lý tuyệt đối tối thượng.
Thứ hai là sự thức giấc của dòng những phẩm tính hiện tượng (dòng phát triển), những sắc thân. Mahayanasutralamkara nói :
Dù trước khi đi vào sự tu hành để phát khởi lòng bi,
Sự sùng mộ, nhẫn nhục và
Hiến mình thực sự cho những đức hạnh
Được nói là những dấu hiệu xác định của sự sở hữu dòng.
NHỮNG ĐỨC HẠNH CỦA SỰ THỨC GIẤC CỦA NHỮNG DÒNG
Về những đức hạnh của sự thức giấc của dòng, Mahayana-sutralamkara nói :
Sau một thời gian dài, dù người ta phải tái sanh trong một cõi thấp,
Người ta sẽ nhanh chóng được giải thoát.
(Dù trong cõi thấp người ta) sẽ kinh nghiệm ít khổ đau
Và sẽ phát triển sự chán sợ và giúp đỡ cho những chúng sanh khác trưởng thành.
Sau khi dòng đã được đánh thức, dù nếu người ta có phải tái sanh trong những cõi lưu lạc thấp kém, người ta sẽ được giải thoát nhanh như sự xúc chạm một quả banh lụa. Sẽ có ít khổ đau, trong người ta sẽ khởi lên chán sợ mạnh mẽ, và người ta sẽ giúp đỡ những chúng sanh khác trưởng thành trong con đường chánh đạo. Nếu chúng sanh không có một dòng như vậy, họ sẽ không chán sợ khổ đau và không muốn lìa bỏ sanh tử và đạt đến Niết bàn, và không thể có ý muốn giải thoát khởi lên trong họ. Thế nên sự phát triển lòng bi đối với người khác đang khổ đau mà không cần ai dạy bảo, và phát triển chán sợ do kinh nghiệm khổ đau…. những điều ấy xảy ra là nhờ năng lực có được “bản tánh đức hạnh tối hậu vô thủy” (tức là Phật tánh). Uttaratantra nói :
Nếu không có Phật tánh,
Sẽ không có sự chán sợ khổ đau ;
Người ta sẽ không mong muốn niết bàn,
Không có những nguyện vọng với nó cũng không tìm kiếm nó.
Nhận ra khổ đau và hạnh phúc, những đức hạnh và những lỗi lầm của sanh tử và niết bàn
Là một kết quả của việc có được dòng.
Vì nếu người ta không có dòng, họ sẽ không có những khả năng ấy.
CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ VÌ
KHÔNG NHẬN BIẾT DÒNG
Dù mỗi người đều có dòng bản tánh ấy, họ lang thang trong sanh tử. Tại sao thế ? Những nguyên nhân khiến chúng sanh lang thang trong sanh tử là vì họ không thấu hiểu sự hiện diện của Phật tánh trong bản thân họ và họ nắm bắt tự ngã một cách vô lý ; và những duyên là những nhiễm ô phiền não tương tục, những ảnh hưởng của bạn xấu, sự nghèo nàn và sự tác động bên ngoài. Mahayanasutralamkara nói :
Những kinh nghiệm của nhiễm ô phiền não, sức mạnh của những bạn xấu,
Nghèo nàn và tác động bên ngoài –
Tóm tắt đó là bốn lỗi lầm che ám dòng
Mà con cần phải hiểu.
Od-Rim nói :
Không nhận rõ trí huệ bổn nguyên sáng rỡ,
Tri giác tâm như là “tôi” và bám luyến vào ngã tánh,
Tri giác những đối tượng như là “những cái khác” và bám nắm ngã tánh của chúng,
Bởi vì hai điều này, chúng sanh lang thang trong sanh tử
Và kinh nghiệm đủ thứ hạnh phúc và khổ đau.
SỰ LANG THANG TRONG SANH TỬ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO
Tâm bổn nguyên vốn là quang minh, tánh không, sự sáng tỏ và trí huệ tự-khởi. Tinh túy của nó là trống không như bầu trời, bản tánh của nó là sự sáng tỏ như mặt trời mặt trăng, sự tỏa chiếu lòng bi của nó là sự khởi lên không dứt như mặt một tấm gương không vết bẩn. Nó là Phật tánh, bản tánh của pháp thân, báo thân và hóa thân, và nó tự do không rơi vào sự nghiêng lệch của sanh tử và niết bàn. Dù vậy, trong trạng thái vốn sẵn đó, những mê lầm phát triển (như sau, bởi vì không thể nghiệm trí huệ tánh giác khởi lên tự nhiên như nó vốn là và những hình tướng xuất hiện như năng lực biểu lộ của trí huệ đó) : Phương diện tinh túy trống không (tánh không) mở rỗng rang cho cửa (hay cơ hội) của sự khởi lên ; từ phương diện của bản tánh sáng tỏ xuất hiện năm ánh sáng tự-khởi như là những đối tượng (do vì không thấu hiểu những ánh sáng là năng lực của trí huệ tánh giác) ; và phương diện trí huệ tánh giác đại bi khởi lên như nhận thức phân tích. Guhyagarbhamayajalatantra nói :
“Lạ lùng thay ! Từ chính trong Phật tánh, những chúng sanh bị mê lầm bởi những ý niệm và nghiệp.”
HAI CÁI KHÔNG GIÁC NGỘ
Vào lúc phóng dật vào những mê lầm, phương diện không thể nghiệm trí huệ (vốn ở nơi mình) được gọi là không giác ngộ bẩm sinh (vô minh câu sanh). Phương diện tri giác những cái tự-được tri giác như là những cái khác được gọi là không giác ngộ tưởng tượng (vọng tưởng). Do không thấu hiểu những tự-xuất hiện của trí huệ khởi lên từ trạng thái tự nhiên, và do bám chấp vào ngã tánh của những cái được tri giác như là những đối tượng, chúng sanh bị mê lầm bởi chúng như là có thế giới bên ngoài và có chúng sanh bên trong với những thân thể cá biệt, từ đó tạo ra sự chín muồi của nghiệp và những thói quen tập khí, và tâm thức với năm độc….
Gốc rễ của mê lầm là không giác ngộ, vô minh. Prajna-paramitasancayagatha nói : “Tất cả chúng sanh trí năng thấp, vừa và cao đều khởi lên từ không giác ngộ, vô minh. Đức Phật nói như vậy.”
Về sự nắm bắt nhị nguyên, điều kiện của mê lầm, Prajna-paramita-astasahasrika nói : “Do nắm bắt “tôi” và “cái của tôi”, chúng sanh lang thang trong sanh tử.”
CHÚNG SANH ĐANG LANG THANG TRONG SANH TỬ NHƯ THẾ NÀO
Chúng sanh đang lang thang trong sanh tử qua mười hai mắt xích nhân duyên. Từ hai cái không giác ngộ khởi lên sự hình thành (tiến trình cuộc sống) trong sanh tử, từ đó khởi lên tiếp nối thức, sanh sắc v.v…. và họ lang thang mãi trong sanh tử vì mười hai nhân duyên tiếp nối nhau không dứt.
TẠI SAO CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ
Nếu nghĩ rằng không thể có được khi sự lang thang trong sanh tử lại xảy ra từ Phật tánh, trạng thái bổn nguyên trong đó không hề có sanh tử, như thế là lầm. Dù nước trong sáng, không dơ bẩn, không chướng ngại lại trở thành băng, cứng như đá, do gió mùa đông. Cũng thế, vì sự khởi lên của cái được nắm bắt và người nắm bắt, từ trạng thái bổn nguyên vô sanh những xuất hiện hình tướng như huyễn xuất hiện theo đủ thứ hình dạng như là cứng đặc. Dohakosa-nama-caryagiti nói :
Bị gió thổi và kích động,
Dù nước mềm mại trở thành cứng như đá.
Bị kích động bởi những tư tưởng, những hình tướng không hiện hữu, như mộng huyễn
Trở thành rất cứng đặc và kiên cố.
Trong Tâm có hiện diện trạng thái của Pháp thân, nó là tinh túy thanh tịnh bổn nguyên, được gọi là “nền tảng phổ quát tối hậu của sự hợp nhất”, với những thuộc tính của các sắc thân, những cõi Phật và những trí huệ. Nhưng khi người ta phóng dật khỏi Phật tánh, những thuộc tính này của Phật tánh sẽ bị che ám bởi vì vô minh mê lầm thấy chúng như là cái được nắm bắt và người nắm bắt, bởi thế mà gieo trồng những hạt giống của những thói quen khác nhau như huyễn từ thời vô thủy trong nền tảng phổ quát của tập khí. Sau đó, dựa vào sức mạnh của những thói quen khác nhau, chúng sanh sẽ kinh nghiệm những cõi hạnh phúc hay thấp kém…. Khi lang thang trong sanh tử như trong một giấc mộng, họ nắm bắt những tri giác như là “tôi” và “tự ngã”, trở thành tham dự vào ghét và muốn và năm độc và tích tập nghiệp và những thói quen. Họ trở nên mê lầm không có lý do nào cả và buông lung trong đủ loại bám luyến cho chúng là thật, và họ lang thang liên tục trong vòng những xuất hiện huyễn ảo, ngày đêm không khoảnh khắc nào ngừng. Nhưng sự tương tục chạy đuổi theo sanh tử này không có căn cứ, nền tảng. Thế nên dù họ có vẻ phóng dật khỏi cái vốn tự giải thoát là Phật tánh, họ cũng lang thang với sướng khổ như sự mê lầm của một giấc mộng. Chẳng hạn khi một hoàng tử lang thang trong đường phố, chịu sự mất mát trạng thái làm hoàng tử của mình, dù nó tự nhiên vốn có gia tài được thừa kế của nhà vua, nó cũng tạm thời khốn khổ…. Cũng thế, ngay lúc người ta lang thang vô vọng trong sanh tử, Phật tánh vẫn hiện diện trong tất cả chúng sanh.
SỰ CHỨNG ĐẮC GIẢI THOÁT DO ĐÁNH THỨC DÒNG
Tâm, trí huệ của chư Phật, nó là tinh túy vốn thanh tịnh và bất nhiễm, thì hiện diện một cách bổn nguyên. Qua phương diện biểu lộ của bản tánh quang minh sáng rỡ của tâm (Phật tánh), những thuộc tính của những sắc thân của Phật đã tự nhiên thành tựu. Điều này được giải thích bởi chín thí dụ (trong phần trước). Phương diện tánh không (của tâm quang minh) là những thuộc tính của Pháp thân, nó được giải thích bằng thí dụ hư không trong mọi tantra và kinh. Sự không thể phân (của những xuất hiện hình tướng và tánh không) là “những đức hạnh của bản tánh tối hậu vô thủy” của tất cả mọi hiện tượng. Dù nó được gọi là “dòng hiện diện tự nhiên” bởi vì nó bất biến, và dòng cũng được gọi là “dòng phát triển” bởi vì nó biểu lộ sự phát triển của những đức hạnh do tịnh hóa những nhiễm ô, nguồn gốc của nó là bản thân trí huệ tánh giác tự hữu sáng rỡ. Khi do hoàn thành hai sự tích tập, người ta đánh thức hai dòng, những che ám hai dòng được xóa tan và những đức hạnh của chúng có thể biểu lộ, và cuối cùng người ta có được hai thân với những đức hạnh của chúng. Sáu ba la mật được bao hàm trong hai sự tích tập, vì chúng cũng là hai giai đoạn phát triển và thành tựu…. Ba quán đảnh, cái bình, bí mật và trí huệ, là cho sự hoàn thiện “giai đoạn phát triển”. Thế nên chúng thuộc về sự tích tập công đức, bao gồm quán tưởng những mạn đà la của bổn tôn v.v…. mọi tu hành tâm linh phối hợp với sự ý niệm hóa. Quán đảnh “ngữ” quý báu là cho sự hoàn thiện “giai đoạn thành tựu”. Thế nên nó thuộc về sự tích tập trí huệ, bao gồm tất cả những tham thiền về quang minh sáng ngời và mọi tu hành phối hợp với sự thoát khỏi ý niệm hóa. Bằng cách tu hành hai tích tập này, người ta tịnh hóa những che ám các dòng, và từ dạ con của sự che ám, Phật tánh ở trong chính mình khởi lên như mặt trời từ giữa những đám mây.
SỰ HOÀN THIỆN CỦA HAI TÍCH TẬP ĐƯỢC PHỐI HỢP
Mười hành vi đức hạnh và những tham thiền nhập định (của những cõi sắc) và tham thiền của những cõi vô sắc thuộc về những đức hạnh tạo công đức (mà không phải những đức hạnh giải thoát). Nhưng nếu một người có thể áp dụng Bồ đề tâm qua phương tiện thiện xảo và trí huệ, bấy giờ mười hành vi đức hạnh và những thiền của cõi sắc và vô sắc…. sẽ trở thành đức hạnh giải thoát. Trong Bát Nhã ba la mật nói :
Tu Bồ Đề ! Khi người ta phát triển Bồ đề tâm tuyệt hảo, bấy giờ thậm chí mười hành vi đức hạnh, bốn thiền (của cõi sắc) và bốn định (của cõi vô sắc), những thực hành của một người thường, sẽ trở thành (sự tu hành phối hợp với) những đức hạnh giải thoát. Thế nên, nó sẽ trở thành nguyên nhân của toàn trí….
SIÊU VƯỢT CẢ HAI CỰC ĐOAN SANH TỬ VÀ BÌNH AN
Nếu bạn nghĩ rằng bởi vì những đức hạnh tạo công đức gây ra sự lang thang trong sanh tử, thì những đức hạnh giải thoát cũng gây ra sanh tử, câu trả lời là không phải thế. Tu hành sự thấu hiểu bản chất không thực của nghiệp đưa người ta đến giải thoát, và điều này đã được giải thích bằng những thí dụ. Đó là một phương pháp đạt được giải thoát khỏi sanh tử mà không làm phát sanh nó. Bởi vì đại bi, dù người ta ở lại trong sanh tử để bảo hộ cho những người khác thì người ta sẽ không bị nhiễm ô bởi những lỗi lầm của sanh tử bởi vì sự thấu hiểu rằng tất cả mọi hiện tượng là vô sanh, và người ta cũng không rơi vào sự thiên chấp bình an (hay niết bàn cho chính mình) bởi vì thiện xảo của đại bi. Abhisamayalamkara nói : “Bởi vì chứng ngộ người ta không ở lại trong sanh tử, bởi vì lòng bi người ta không ở lại trong bình an.”
BỐN KẾT QUẢ CỦA NHỮNG ĐỨC HẠNH GIẢI THOÁT
Có một hậu quả chính và ba hậu quả phụ : (a) Hậu Quả Chín Muồi : Những đức hạnh giải thoát sẽ không bao giờ cạn kiệt, khác với những đức hạnh tạo ra công đức. Trong lúc này người ta sẽ kinh nghiệm hạnh phúc trong cõi người hay cõi trời và cuối cùng người ta sẽ đạt giác ngộ. Prajnaparamita-astasahasrika nói :
Trưởng lão Xá Lợi Phất ! Nhờ những đức hạnh gốc như vậy, sau khi sanh vào những cõi trời và người, họ (những người hoàn thiện hai sự tích tập) đạt được giác ngộ tối thượng. Tại sao ? Bởi vì mười hành vi đức hạnh, bốn thiền, bốn định của những cõi vô sắc và sáu ba la mật, chúng được phát sanh với Bồ đề tâm tối thượng, sẽ không bao giờ cạn kiệt giữa đường (cho đến khi đạt được mục đích).
(b) Hậu Quả Tương Hợp : Kinh Dasakusalanirdesa nói :
Người ta sẽ giữ sự hăng hái trong mười hành vi đức hạnh và những hậu quả của những đức hạnh sẽ được tăng trưởng. Họ sẽ sống thọ, sung túc lớn lao, vợ con hòa mục, không có người chống đối, không ai vu khống, tất cả mọi người đều vui thích thấy họ, những lời nói họ được kính trọng, êm ái thu hút mọi người, tâm hồn toại nguyện, thương yêu lẫn nhau và chánh kiến.
(c) Những Hậu Quả Nổi Trội : Nhờ không giết, người ta sẽ sanh vào một xứ sở tuyệt hảo và đáng ưa ; không lấy của không cho, người ta sẽ sanh vào một xứ sở có thức ăn đồ uống bổ dưỡng và ngon và những cây thuốc hiệu nghiệm ; không tà dâm, người ta sẽ sanh vào một xứ sở sạch sẽ với cây thuốc tỏa hương ; không nói dối, người ta sẽ sanh vào một xứ sở không có lừa gạt và nguy hiểm từ những kẻ thù, không có trộm cướp v.v…. ; không nói lời chia rẽ, người ta sẽ sanh vào một xứ sở ít sỏi đá và gai góc nơi dân chúng sống hòa hợp ; không nói lời thô ác, người ta sẽ sanh vào một xứ sở nơi bốn mùa điều độ và ngũ cốc trái cây chín đúng thời ; không nói lời vô nghĩa, người ta sẽ sanh vào một xứ sở bằng phẳng trang hoàng với hồ và ao ; không tham lam, người ta sẽ sanh vào một xứ sở nơi người ta sẽ chứng kiến những vụ mùa tốt nhất, trái và hoa ; không ác ý, người ta sẽ sanh vào một xứ sở tài nguyên lớn lao về ngũ cốc và ngọc, dồi dào sự che chở và sức mạnh….
(d) Hậu Quả Lũy Tích. Lalitavistara nói :
Người ta sẽ nhiệt thành với những đức hạnh, sẽ tăng trưởng sự tích tập công đức, và
Sẽ sở hữu sự tích tập giác ngộ tuyệt hảo.
NGHIỆP VÀ NHỮNG NHIỄM Ô PHIỀN NÃO XUẤT HIỆN
NHƯ THẾ NÀO
Dù nghiệp và những nhiễm ô không hiện hữu trong thật tánh của chúng, sự xuất hiện của chúng là không dứt. Nghiệp và những nhiễm ô cắm rễ trong vô minh, chúng khởi lên do những duyên gián tiếp của những đối tượng, và liên hệ với nhân, là ba độc ; kinh Arya-sadharmasmrtyupasthana nói :
Căn bản của nghiệp là vô minh, bởi vì nếu người ta biết, người ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi nghiệp. Nghiệp sản sanh ra đủ thứ sáng tạo như một họa sĩ. Duyên gián tiếp của nó là sự ý niệm hóa những đối tượng. Nghiệp hoạt động nhiều kiểu như một con khỉ, và nó ở trong biển cả sanh tử như một con cá. Nó tích tập nhiều loại thói quen như một người chủ gia đình và xuất hiện dù không hiện hữu như một ảo ảnh. Nghiệp theo chúng sanh như một cái bóng. Nó không chuyển tiếp nhau như khổ đau và hạnh phúc. Nghiệp khó trở ngược lại, như dòng chảy của một con sông, và nó độc tài với những kinh nghiệm sướng khổ như một ông vua. Nghiệp là bao la như không gian và những hậu quả không thể thay thế lẫn nhau như những hoa sen xanh và hoa súng trắng.
NGHIỆP NHƯ LÀ KẾT QUẢ CỦA DUYÊN SANH
Cho dù người ta có tìm kiếm nghiệp và những nhiễm ô ở bên trong hay trong những hiện tượng bên ngoài bằng tư tưởng và phân tích, cũng không thể tìm ra chúng. Bodhicaryavatara nói :
Những nhiễm ô không hiện hữu trong những đối tượng, trong các căn hay ở giữa
Cũng không trong chỗ nào khác. Thế chúng ở đâu và làm hại tất cả chúng sanh ?
Đấy như một ảo ảnh, thế nên người ta nên cố gắng hiểu làm sao để hết sợ chúng.
Dù nghiệp không hiện hữu trong thật tánh của nó, trong chân lý tương đối như mộng, những hành vi đức hạnh và không đức hạnh tạo ra hạnh phúc và khổ đau riêng biệt.
CHỐNG LẠI SỰ COI THƯỜNG NHÂN QUẢ CỦA HÀNH VI
Một số kẻ ngu mê và kiêu mạn không hiểu nhiều nghĩa khác nhau của Pháp nói, “Không có nghiệp và những hậu quả của nghiệp. Trong tánh Như không có gì cả. Nó như hư không”, và họ từ bỏ hạnh tốt và buông tuồng trong hạnh xấu. Họ nói, “Những chúng sanh là tự-xuất hiện như một giấc mộng. Họ không hiện hữu như một yếu tố bên ngoài. Thế nên giết không phải là một hành vi xấu, vì họ giống như một khúc củi.” Những người như vậy là những kẻ hư vô chủ nghĩa và không phải là người theo Pháp. Kinh Subahu nói :
Một số người nói, “Không có nghiệp và hậu quả của nghiệp. Định luật nhân quả nghiệp báo được đức Phật dạy để dẫn dắt những người trí óc giản đơn,” và họ sống với mớ hành vi bất thiện. Các con phải biết rằng họ không phải là những người theo Pháp mà chỉ là những kẻ ba hoa. Họ đặt nền móng trên con đường vô thần và bị những ma lừa gạt.
BÁC BỎ HƯ VÔ CHỦ NGHĨA (ĐOẠN KIẾN)
Có một số người nói :
Nhân và quả, lòng bi và công đức
Là Pháp cho người bình thường, không dẫn đến giác ngộ.
Hỡi những đại thiền giả ! Các ông cần thiền định
Về nghĩa tối hậu, không có nỗ lực như hư không
Những loại nhận định ấy là :
Những kiến giải của hư vô chủ nghĩa tột bậc.
Họ đã đi vào con đường thấp kém nhất.
Thật lạ lùng khi trông chờ quả mà lại bỏ nhân.
CHỐNG LẠI TÂM THỨC ĐỈNH CAO CỦA THẾ GIỚI
Thiền định của bạn như hư không chăng ? Nếu thế, bấy giờ không cần phải thiền định về nó bởi vì nó đã được thiết lập như hư không. Nếu không, bấy giờ dù người ta có thiền định về nó cũng vô ích, bởi vì người ta không thể tạo ra cái gì không có, như hư không, trống không và bất biến. Vậy thì nó ích lợi gì ? Nếu bạn nói rằng nó để đạt đến giải thoát, tự do khỏi những nhiễm ô, bạn đã hình dung tánh như là kết quả của một nguyên nhân. Thế thì sao bạn lại nói không có nhân và quả. Nếu bạn đạt giải thoát bằng cách thiền định về không hiện hữu, bấy giờ những người bài bác nhân quả chấp không cũng sẽ đạt đến giải thoát vì cùng một lý do. Vì vậy, Doha nói : “Người Bắn Cung (Saraha) nói : đối với người tâm hư không, không có giải thoát nào cả.”
CÁI THẤY ĐÚNG VỀ NHÂN QUẢ CỦA HÀNH VI
Giác ngộ được thành tựu qua hai tích tập như huyễn, chúng xuất hiện nhưng không hiện hữu trong thật tánh của chúng. Kinh Bhadramayakara-pariprccha nói :
Bằng cách có được sự tích tập như huyễn,
Người ta đạt giác ngộ như huyễn.
Vì chúng sanh như huyễn
Người ta thực hiện những phụng sự như huyễn.