b’ Rèn luyện dựa trên các giảng dạy từ đứa con của các đấng chiến thắng, ngài Tịch Thiên
1’ Quán chiếu về những lợi lạc của việc hoán đổi giữa bản thân và người khác {hoán chuyển ngã-tha} và sai sót của việc không hoán đổi như vậy
2’ Khả năng hoán chuyển ngã-tha nếu quý vị làm quen với ý nghĩ về việc làm như vậy
3’ Các giai đoạn của thiền định về làm sao hoán chuyển ngã-tha
iii) Phương pháp tạo ra tinh thần giác ngộ
–––––––––\–––––––––
b’ Rèn luyện dựa trên các giảng dạy từ đứa con của các đấng chiến thắng, ngài Tịch Thiên
Rèn luyện dựa trên các giảng dạy của đứa con của các đấng chiến thắng, ngài Tịch Thiên bao gồm ba phần:
1. Quán chiếu về những lợi lạc của việc hoán chuyển ngã-tha và lỗi lầm của việc không hoán chuyển như vậy.
2. Khả năng hoán chuyển ngã-tha nếu quý vị làm quen với ý nghĩ về việc làm như vậy.
3. Các giai đoạn của thiền định về làm sao hoán đổi giữa bản thân và người khác.
1’ Quán chiếu về những lợi lạc của việc hoán chuyển ngã-tha và lỗi lầm của việc không hoán chuyển như vậy
Nhập Bồ-đề Hành Luận có viết[1]:
Ai mong ước nhanh chóng bảo vệ
Bản thân mình và cả tha nhân
Cần hoán đổi bản thân và người khác
Thực hành điều bí mật tuyệt vời này.
Và:
Niềm vui thế tục nào sánh được
Khởi lên từ mong ước vì hạnh phúc cho người
Khổ đau thế tục nào hơn được
Khởi lên từ mong ước hạnh phúc cho mình
Cần phải nói thêm điều chi nữa?
Hãy nhìn vào khác biệt giữa hai điều:
Người bình thường hành động cho bản thân;
Bậc hiền triết xử sự vì người khác.
Nếu ngươi không thực sự chuyển đổi
Hạnh phúc của chính mình thay cho khổ đau của tha nhân
Ngươi sẽ không đạt thành Phật quả
Và thậm chí ở trong luân hồi, ngươi sẽ chẳng có niềm vui.
Hãy xem xét làm sao việc tự cho mình là trung tâm lại là cánh cửa cho mọi khổ đau và việc cho người khác là trung tâm lại là nền tảng của mọi sự tuyệt vời.
2’ Khả năng để hoán chuyển ngã-tha nếu quý vị làm quen với ý nghĩ về việc làm như vậy
Lấy ví dụ về kẻ thù trở thành một người bạn. Đầu tiên, khi quý vị nghe thấy tên của kẻ thù, sự sợ hãi nổi lên. Sau đó quý vị hòa giải và trở thành những người quý vị thân đến mức khi người bạn mới này vắng mặt, quý vị sẽ thấy rất buồn. Sự đảo ngược này đến từ việc quý vị đã làm cho mình quen với một thái độ mới. Giống như vậy, vì thế nếu quý vị làm quen với cái nhìn dành chính mình như là quý vị hiện đang có cái nhìn dành người khác hiện tại [với thái độ thờ ơ] và các quan điểm dành người khác như quý vị đang dùng các quan điểm đó dành chính bản thân quý vị [với một thái độ chăm nom], quý vị sẽ hoán đổi được bản thân và người khác. Nhập Bồ-đề Hành Luận có viết:[2]
Đừng quay lưng lại với khó khăn này
Dù ngươi đã sợ hãi khi nghe tên ai đó
Giờ đây, nhờ sức mạnh của việc tạo duyên
Ngươi không thích sự vắng mặt của người đó.
Và cũng viết:
Không hề khó khăn khi xem xét thân tôi
Với cách nhìn mà tôi hướng về thân người khác.
Vấn: Bởi vì thân thể người khác không phải thân thể quý vị, làm sao quý vị có thể phát triển một thái độ tương đồng mà quý vị có với chính mình?
Đáp: Thân thể của quý vị được sinh ra từ tinh cha và huyết mẹ.[3] Mặc dù nó được tạo ra bởi các phần của thân thể người khác, quý vị vẫn cứ tin nó là của mình bởi sự ảnh hưởng của các điều kiện trước đây. [313] Tương tự vậy, nếu quý vị trở nên quen với việc chăm nom người khác như quý vị làm với chính mình, quý vị sẽ nhìn nó theo quan điểm mà quý vị có với chính mình. Nhập Bồ-đề Hành Luận có viết:[4]
Bởi vậy như khi ngươi quan niệm “tôi”
Với liên hệ đến những giọt tinh cha
Và huyết người khác, nên ngươi có thể tạo duyên
Cho việc chăm nom người khác như thể chính mình.
Quán chiếu một cách xuyên suốt về những lợi lạc của việc đặt người khác làm trung tâm và những lỗi lầm của việc tự đặt mình làm trung tâm. Bằng cách đó quý vị sẽ tạo ra được một niềm vui lớn lao từ sâu thẳm trái tim khi thiền định về sự hoán đổi giữa bản thân và người khác. Sau đó hãy nhận ra rằng quý vị có thể thực sự tạo ra nó khi quý vị trở nên quen với nó.
3’ Các giai đoạn thiền định về làm sao hoán chuyển ngã-tha
Các cụm từ “hoán đổi giữa bản thân và người khác” và “biến quý vị thành người khác và người khác thành quý vị” không chỉ ra một sự rèn luyện trong thái độ mà nghĩ rằng: “tôi là người khác” hay “mắt của người khác là của tôi”. Chúng cho thấy một sự thay đổi trong định hướng giữa hai trạng thái của tâm rằng tự chăm nom bản thân và thờ ơ kẻ khác, trong khi quý vị phát triển thái độ chăm nom người khác như quý vị đang làm với chính bản thân mình và thờ ơ bản thân như quý vị đang làm với người khác.
Vì thế, ngài Tịch Thiên có dạy trong câu trên rằng quý vị phải “hoán đổi những hạnh phúc của bản thân bằng khổ đau của người khác” nghĩa là coi việc chăm chút cho mình như kẻ thù và sau đó ngưng đi việc nhấn mạnh hạnh phúc cá nhân. Thêm vào đó, quý vị phải coi việc chăm nom người khác là phẩm tánh tốt, ngưng đi việc thờ ơ những khổ đau của người, và thay vào đó nhấn mạnh việc xóa đi khổ đau của họ. Nói tóm lại, lời khẳng định này nghĩa là quý vị cần xua tan những khổ đau của người khác trong khi không quan tâm đến hạnh phúc của chính mình.
Có hai chướng ngại trong sự rèn luyện thái độ hoán chuyển ngã-tha này:
1. Quý vị có sự phân biệt thứ bậc giữa người vốn hạnh phúc hay khổ đau – giữa mình và người khác – phân biệt họ như là sự khác biệt giữa xanh hay vàng. Sau đó, quý vị đạt được hạnh phúc và xua tan những khổ đau của bản thân bởi vì quý vị nghĩ họ như là “của mình”, và thờ ơ hạnh phúc và khổ đau của người khác vì quý vị nghĩ rằng chúng “thuộc về người khác”.
Bởi vậy, phương thuốc cho vấn đề này là đừng tạo ra sự phân biệt giữa mình và người như là khác nhau một cách cốt lõi. Thay vào đó, hiểu rằng mình và người khác là phụ thuộc lẫn nhau như khi quý vị nhận biết về mình, quý vị biết về người; và khi quý vị biết về người khác, quý vị cũng biết về mình. Nó giống như khi nhận biết về ngọn núi gần và ngọn núi xa. Một cách tương đối với vị trí của quý vị ở đây, quý vị nghĩ rằng một ngọn núi ở đó thì xa, tuy nhiên khi quý vị đi đến ngọn núi ở xa này, quý vị sẽ nghĩ rằng nó ở gần. [314] Bởi vậy việc nhận biết về mình và về người khác không giống như nhận thức về màu sắc, vì, bất kể màu sắc liên quan đến cái gì, quý vị nhận biết đó chỉ là màu xanh và không biết đến vài màu khác. Hơn thế nữa, trong Bồ-tát Học Luận của ngài Tịch Thiên có viết:[5]
Bằng cách trở nên quen với sự bình đẳng giữa ta và người,
Tâm giác ngộ sẽ trở nên bền vững.
Ta và người đều phụ thuộc lẫn nhau
Như bờ này và bờ kia của một con sông, chúng đều là sai.
Bờ bên kia không tự nó là “kia”
Với một ai khác, nó lại là “bờ này”
Tương tự vậy, “ta” không tồn tại tự riêng mình nó
Với ai kia, nó lại là “người khác”.
Bởi vậy, ngài Tịch Thiên có chỉ ra rằng ta và người chỉ được thừa nhận trong một tham chiếu cụ thể và không tồn tại một cách bản chất.
2. Quý vị cần loại bỏ chướng ngại về ý nghĩ rằng: “Tôi sẽ không cố gắng để xua tan những khổ đau của người khác bởi vì khổ đau của người khác không gây hại cho tôi”. Nó sẽ giống như không tích lũy tài sản khi quý vị còn trẻ vì chẳng sợ hãi tuổi già vì quý vị nghĩ khổ đau khi già sẽ không làm hại quý vị trong tuổi trẻ. Hoặc, như được nói trong Nhập Bồ-đề Hành Luận,[6] nó sẽ giống như là không làm dịu vết đau ở chân của quý vị bằng bàn tay, vì chân của quý vị là “khác”. Già và trẻ (hay tương tự là, kiếp trước và kiếp sau) chỉ là các minh họa; nguyên lý này cũng áp dụng cho buổi sáng và tối, ngày trước và sau và vv....
Vấn: Nhưng tuổi già và tuổi trẻ là một dòng tiếp nối, còn chân và tay là một uẩn[7], vậy chúng đâu có tương đồng với bản thân và người khác?
Đáp: “dòng tiếp nối” và “uẩn” được chỉ ra trong nhiều thời điểm và trong nhiều bộ phận; chúng không có một bản ngã đầy đủ. “Bản ngã” của chính quý vị và “bản ngã” của người khác phải phải được khẳng định với một uẩn và một dòng tiếp nối, nên ta và người không được xác lập theo phương cách của một bản chất vốn có thể được khẳng định một cách độc lập.
Tuy nhiên, từ thời vô thủy, quý vị đã thấy những khổ đau của chính mình là không thể chịu đựng nổi bởi vì quý vị đã được tạo duyên bởi việc tự chăm nom mình. Vì thế, nếu quý vị trở nên được tạo duyên với việc chăm nom người khác, quý vị sẽ khởi lên được thái độ về việc thấy khổ đau của người khác là không thể chịu đựng nổi.
Sau khi quý vị loại bỏ những chướng ngại để hoán đổi bản thân và người khác theo cách này, con đường thực sự để thiền định là như sau. [315] Vượt ra ngoài bám chấp vào bản thân, thái độ yêu thương chính mình sẽ tạo ra nhiều điều không mong muốn từ suốt thời vô thủy đến nay. Mặc dù quý vị muốn làm điều gì đó hoàn hảo cho mình, quý vị nhấn mạnh vào phúc lợi của mình và xác tiến các phương thức không đúng đắn. Quý vị đã giành vô số kiếp để làm điều này, nhưng chưa hề đạt được chút mục đích nào cho mục đích của mình và cho người. Không những không đạt được những điều này, quý vị còn bị dày vò bởi khổ đau. Nếu quý vị thay thế những bận tâm về hạnh phúc cá nhân bằng hạnh phúc của người khác, quý vị chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật từ rất lâu rồi, và đã hoàn thành các mục tiêu của mình cũng như của tha nhân một cách hoàn bị và toàn hảo. Bởi vì quý vị đã không làm điều này, quý vị đã sử dụng thời gian một cách vô ích và vất vả.
Hãy quyết định chắc chắn bằng cách nghĩ rằng, “Bây giờ tôi hiểu những lỗi lầm của việc yêu thương chính bản thân và lợi ích của việc yêu thương người khác. Với rất nhiều nỗ lực, nương tựa vào chánh niệm và tỉnh giác, tôi sẽ không yêu thương bản thân nữa, kẻ thù lớn nhất của tôi, và tôi sẽ không cho phép những yêu thương tự ngã tiềm tàng khởi lên”. Theo cách này, hãy liên tục dừng việc yêu thương tự thân. Nhập Bồ-đề Hành Luận có nói:[8]
Tự yêu thương bản thân tất đã hại tôi
Vô số đời trong cõi luân hồi
Ngươi! Ôi cái tâm, mặc dù ngươi đã giành vô số kiếp
Muốn hoàn tất phúc lợi cho riêng mình,
Qua khó khăn vô cùng như thế
Ngươi chỉ nhận về sự khổ đau.
Và:
Nếu ban đầu ngươi đã hành xử vì hạnh phúc người khác
Điều kiện này vốn thiếu đi
Hạnh phúc hoàn hảo của Phật quả
Đã không thể xảy ra
Vì thế, đừng tự cho mình là trung tâm cũng đừng ủng hộ cho xu hướng này. Quý vị cần rèn luyện nhiều nữa trong thái độ sẵn sàng bố thí cho tất cả chúng sinh thân thể, nguồn tài lực và gốc rễ của đức hạnh của mình; và quý vị phải làm việc vì phúc lợi của những người mà quý vị cho đi những thứ này. Thật là sai lầm khi làm ngược lại, bởi vậy đừng có thái độ nhìn thân thể, nguồn tài lực và mọi gốc rễ của thiện đức của mình như là cho các mục đích riêng quý vị thôi. Nhập Bồ-đề Hành Luận nói:[9]
“Tôi bị kiềm chế bởi tha nhân”;
Ngươi! Ôi cái tâm, hãy biết chắc chắn điều này
Bây giờ đừng nghĩ đến điều chi khác
Ngoài hạnh phúc của tất thảy chúng sinh. [316]
Thật là sai khi đạt mục đích riêng mình
Nhãn, nhĩ, … tôi, chịu kiềm chế từ người khác
Bởi vậy, không đúng khi làm điều sai với tha nhân
Nhãn, nhĩ, … tôi, đều vì hạnh phúc của họ.
Nếu quý vị đánh mất ý nghĩ rằng thân thể và những thứ khác của quý vị đều là vì hạnh phúc của người khác và nghĩ rằng chúng là vì hạnh phúc riêng quý vị, hoặc nếu quý vị thấy chúng là các tác nhân về thân, khẩu và ý gây hại cho người khác, thì hãy dừng lại việc nghĩ như thế bằng cách quán chiếu về cách nào mà điều này trước đây đem lại cho quý vị sự gây hại vô lường và cách nào mà quý vị vẫn mắc lỗi lầm trong khuôn khổ sự trình hiện hữu ích của nó, vốn là sai lạc. Nếu quý vị bị kiểm soát bởi cách nghĩ sai lầm này, nó sẽ chỉ tạo ra những khổ đau không thể chịu đựng nổi. Nhập Bồ-đề Hành Luận có viết:[10]
Khi ngươi [yêu chính bản thân mình] tàn phá ta trước kia,
Đó là một lần nữa.
Bây giờ, ta nhận ra ngươi; ngươi sẽ đi đâu?
Xua tan ý tưởng,
“Ta vẫn có phúc lợi riêng mình”.
Ta đã bán ngươi [tâm ta] cho kẻ khác.
Đừng chán nản, hãy cho đi năng lượng của ngươi.
Nếu ta trở nên bất cẩn
Và không đem ngươi cho chúng sinh
Ngươi chắc chắn đem ta qua
Với người giữ địa ngục.
Bởi vậy ngươi đã cho ta
Một thời gian dài khổ đau
Giờ ta nhớ lại những hận thù
Ta sẽ phá hủy ý tưởng ích kỷ của ngươi.
Tương tự vậy, khi quý vị quán chiếu nhiều lần về lợi ích của việc yêu thương người khác, quý vị sẽ tạo ra được sự tha thiết lớn lao từ sâu thẳm trong tim. Hãy dừng thái độ hiện tại không quan tâm đến người khác và giữ không để điều này khởi lên. Thông qua trìu mến coi người khác là đáng yêu nhiều như quý vị có thể, phát triển thái độ mà yêu thương người khác đến mức mà quý vị yêu thương bản thân trước kia – “Yêu thương người khác như quý vị làm với chính bản thân mình”.[11]’
Để tạo ra được thái độ yêu thương chúng sinh theo cách này, quý vị cần nhớ về lòng tốt của họ hay nhận ra rằng họ giúp quý vị. Ví dụ một khi người nông dân thấy rằng, thông qua việc gieo trồng các hạt giống khỏe mạnh, họ sẽ thu hoạch một vụ mùa tốt tươi, họ sẽ đánh giá cao đất màu mỡ. [317] Giống như vậy, một khi quý vị chắc chắn rằng quý vị sẽ đạt được tất cả các hoàn thiện tạm thời và tối hậu thông việc gieo trồng các hạt giống bố thí, và vv... trên cánh đồng chúng sinh, quý vị sẽ yêu thương người khác. Hãy quán chiếu về điều này. Nhập Bồ-đề Hành Luận có viết:[12]
Chúng sinh và các Như Lai là tương tự –
Từ họ ngươi đạt những phẩm tánh Phật-đà
Sao ngươi lại không kính trọng cả chúng sinh
Như ngươi đã kính các đấng chiến thắng?
Liên quan đến điều này, việc giết hại chúng sinh dẫn quý vị xuống ba cõi khổ đau. Nếu quý vị cứu chúng sinh thoát chết, quý vị sẽ sinh về một cõi hạnh phúc và sống rất lâu ở đó. Tương tự như vậy, trộm cắp hay cho đi nguồn tài lực của quý vị, thù ghét hay vun bồi tình yêu thương và lòng bi mẫn, sẽ tạo ra những kết quả lần lượt là tái sinh vào những cõi khổ đau hay là những cõi hạnh phúc. Quán chiếu cụ thể rằng quý vị cần tập trung lên các chúng sinh như khi quý vị phát triển tâm giác ngộ, và bằng cách đạt được tâm Bồ-đề vì lợi ích của tất thảy chúng sinh, quý vị sẽ đạt đến Phật quả - vì thế điều này phụ thuộc vào chúng sinh. Hãy quán chiếu về việc làm cho bố thí, và các đức hạnh khác đến mức toàn thiện trong sự phụ thuộc vào chúng sinh như được dạy trong các chương về sự cần thiết làm cho chúng sinh hạnh phúc. Bồ-đề Tâm Luận của ngài Long Thọ có đoạn:[13]
Những hậu quả mong và không mong muốn có –
Một cuộc đời trong cõi phúc hay khổ trong giới Ta-bà
Khởi lên qua các ích lợi và hiểm nguy
Mà ngươi làm với cả thảy chúng sinh.
Nếu ngươi đạt Phật quả vô song
Trong sự phụ thuộc vào các chúng sinh,
Sao lại ngạc nhiên rằng trong ba cõi
Nguồn gốc của mọi chư thiên và người.
Đều dựa vào Phạm Thiên, Đế Thích, Hắc Thiên
Và các vị hộ pháp của cả thế gian
Cũng đều phát khởi lên qua cách
Chỉ giúp đỡ các chúng sinh?
Tất cả mọi khổ đau
Mà chúng sinh đang nếm trải
Như súc sinh, quỷ đói, và địa ngục
Đều đến từ sự làm hại chúng sinh.
Các khổ đau của thiếu ăn
Khát uống, bạo lực và tra tấn
Vốn khó mà đảo ngược và cạn khô
Là kết quả của làm hại chúng sinh. [318]
Mục đích của Thanh Văn thừa thì thấp hơn bởi vì họ không nhấn mạnh vào hạnh phúc của người khác, trong khi Phật đạt đến kết quả cuối cùng bởi vì ngài nhấn mạnh vào hạnh phúc của người khác. Người ta nói rằng khi quán chiếu theo nguyên tắc này, quý vị không nên ngay cả tham chấp vào phúc lợi riêng của bản thân dù chỉ trong một chốc lát. Bồ-đề Tâm Luận có viết:[14]
Với những nỗ lực xua tan như một liều thuốc độc
Việc thiếu đi quan tâm đến chúng sinh của ngươi
Phải chăng Thanh Văn không đạt được sự giác ngộ thấp hơn
Bởi vì họ thiếu đi sự quan tâm?
Bằng cách không từ bỏ chúng sinh
Chư Phật toàn hảo đạt thành giác ngộ.
Một khi các Bồ-tát xác minh các kết quả
Khởi lên từ việc giúp đỡ và không giúp đỡ
Làm sao các ngài có thể trong một chốc lát
tham chấp vào hạnh phúc của bản thân?
Bởi vậy, sau khi các đứa con của các đấng chiến thắng hiểu rằng hoàn toàn tập trung đến lợi ích tha nhân và mục đích của giác ngộ khởi lên từ cây mầm của Bồ-đề tâm, và sau khi các ngài đã thấy gốc rễ của nó là lòng từ bi, thì các ngài sẽ chỉ tập trung nhiều vào việc vun bồi lòng từ bi này. Các ngài trở nên có duyên đầy đủ với nó sao cho lòng từ bi và tâm Bồ-đề của các ngài trở nên vững chắc. Do đó, các ngài không thể giúp ngoại trừ việc tiến hành các hoạt động đòi hỏi khó khăn thử thách lớn lao. Bồ-đề Tâm Luận cũng viết:[15]
Kết quả của giác ngộ chỉ vì lợi ích tha nhân
Lớn lên từ mầm non của tâm giác ngộ
Đều có nền tảng là lòng từ bi vững chắc
Đây là việc chư Bồ-tát luôn vun bồi
Người ổn định điều này qua việc tạo duyên
Dù ban đầu sợ hãi bởi khổ đau của người khác
Sau đó bỏ cả hạnh phúc của hỷ lạc trong thiền định
Và nhập vào Địa ngục Vô Gián.
Thật là ngạc nhiên! Thật đáng tán dương!
Đó là con đường tối cao của các chúng sinh siêu việt.
Bây giờ hãy phát triển sự chắc chắn về những phương pháp này qua giá trị về các câu nói của các đấng siêu việt, như sau:
Ngài Atiśa nói rằng: “Tây tạng nhận biết ‘các vị Bồ-tát’ nào mà không biết cách rèn luyện trong tình yêu thương và lòng bi mẫn”. Một người hỏi: “Vậy thì làm sao mà các vị Bồ-tát thực hành?” Ngài đáp, “Họ phải rèn luyện theo từng giai đoạn ngay từ đầu”. [319]
Lang-ri-tang-ba (Glang-ri-thang-pa) nói: “Sha-bo-ba (Shva-bo-pa) và ta có mười tám kỹ năng thuộc về con người và một kỹ năng về con ngựa, tổng cộng là mười chín.[16] Các kỹ năng của con người chỉ đơn giản là phát triển tâm Bồ-đề cao nhất và sau đó học để làm bất cứ điều gì vì lợi ích của chúng sinh. Kỹ năng về con ngựa là: bởi vì yêu thương chính bản thân mình sẽ làm cho tinh thần giác ngộ không thể khởi lên, làm mất ổn định tâm Bồ-đề đã phát khởi và ngăn cản sự tăng trưởng của nó, hãy rèn luyện bằng cách tránh xa việc yêu thương bản thân và làm điều gì quý vị có thể để gây hại cho tâm Bồ-đề đó. Yêu thương chúng sinh và làm bất cứ điều gì quý vị có thể để giúp đỡ họ”.
Nal-jor-ba-chen-po (rNal-‘byor-pa-chen-po) đã giải thích cho Geshe Drom-don-pa rằng ngài đã có điều này và rằng việc định từ thiền mà ở đó năng lượng cân bằng thẩm thấu, và vv.... Geshe đáp rằng, “Thậm chí nếu ngươi đã thiền định bị phân tâm bởi tiếng trống lớn bên tai, nếu ngươi không có tình yêu thương, lòng từ bi và tâm giác ngộ, ngươi sẽ sinh vào một nơi mà để tránh nơi đó ngươi phải sám hối ngày đêm”. Drom-don-pa nghĩ rằng Nal-jor-ba-chen-po đang xúc tiến để khiến tái sinh trong một trạng thái không có sự nhàn nhã, như là tái sinh làm một chúng sinh bình phàm trong cõi vô sắc hay tương tự.
Kam-lung-pa (Kham-lung-ba) nói rằng, “Thông qua việc không ưa thích chúng sinh của chúng ta, tức là điều quan trọng nhất, thì chúng sinh sẽ làm tương tự [ví dụ, không mang đến những ích lợi của các đức hạnh] lên chúng ta”.
Dù quý vị có cấy trồng các cội rễ của Đại thừa hay không, dù quý vị có bước chân vào Đại thừa một cách chân thành hay không, tất cả đều dựa trên những điều này [tình yêu thương, lòng từ bi, chăm nom người khác và những điều như thế]. Bởi vậy, hãy luôn xem xét rằng quý vị nên làm gì để phát triển chúng. Thật là tuyệt vời nếu quý vị có phát triển chúng; nếu không, đừng để ở nguyên như vậy. Luôn nương tựa vào vị thầy, người ban loại chỉ dạy này. Luôn liên kết với bạn bè người đang rèn luyện tâm theo cách này. Thường xuyên đọc các kinh điển và các luận giải miêu tả chúng. Tích lũy những nguyên nhân cho những điều này. Dọn sạch những chướng ngại ngăn cản điều này. Hơn thế nữa, nếu quý vị rèn luyện tâm theo cách này, quý vị chắc chắn sẽ đạt được tất cả các hạt giống cho việc phát triển các điều này, bởi vậy công việc là không quá lớn lao; hãy hoan hỷ trong nó. Đức Trưởng Lão [Atiśa] nói rằng:[17]
Ai mong muốn bước vào cánh cửa các giáo pháp Đại thừa
Nên phát triển thông qua nỗ lực vượt các đại kiếp
Tinh thần giác ngộ, tựa như mặt trời xua tan bóng tối
Và mặt trăng làm dịu sự dày vò của sức nóng. [320]
iii) Phương pháp tạo ra tâm giác ngộ[18]
Hãy hiểu phương pháp tạo ra tâm giác ngộ như đã giải thích trước đây.[19]
[1]BA62 BCA: 8.120, 8.129-131.
[2]BA63 BCA: 8.119, 8.112cd.
[3]BA64 Về một trình bày về quá trình tái sinh, xem Đại Luận tập 1.
[4]BA65 BCA: 8.111.
[5]Uẩn (skt. skandha) là các yếu tố kết thành con người bao gồm 5 uẩn: (1) sắc hay lục căn (skt. rūpa) – các giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; (2) thọ (skt. Vedanā) – các loại cảm xúc; (3) tưởng (skt. saṃjñā) các tri giác nhận biết gồm màu sắc, âm thanh, mùi, vị, cảm giác, và ý thức; (4) hành (skt. saṃskāra) những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác … ; (5) thức (skt. Vijñāna) sáu thức nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Ngũ uẩn. Wikipedia.org. Truy cập 26/12/2011. <http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C5%A9_u%E1%BA%A9n>.
[6]BA67 BCA: 8.99, 101.
[7]BA66 śikṣā-samuccaya, Vaidya 1961b: 191; D3940: Khi 192a4-5.
[8]BA68 BCA: 8.154 cd, 8.155, 8.157.
[9]BA69 BCA: 8.137-138.
[10]BA70 BCA: 8.169-172.
[11]BA71 BCA: 8.136d.
[12]BA72 BCA: 6.113.
[13]BA73 Bodhicitta-vivaraṇa: 77-80, Lindtner 1986: 206-208; D1801: Nya 41a5-b1.
[14]BA74 Ibid: 82cd-84, Lindtner 1986: 208; D1801: Nya 41b1-3.
[15]BA75 Ibid: 85-87ab, Lindtner 1986: 208-210; D1801: Nya 41b3-4.
[16]BA76 Ngag-dbang-rab-brtan (mChan: 612.3-5) giải thích rằng các kỹ năng của con người là để duy trì bạn bè, còn của con ngựa là để vượt qua kẻ thù. Mười tám điều không cần được liệt kê bởi vì nguyên nhân của tinh thần giác ngộ là chúng sinh – tức bạn bè của chúng ta – và vì thế mười tám điều ám chỉ đến chúng rất nhiều hay bao quát. Ngụ ý của kỹ năng của con ngựa ý nói kẻ thù của chúng ta chỉ có một – tức là việc tự yêu thương bản thân.
[17]BA77 Mahāyāna-patha-sādhana-varṇa-saṃgraha, D3964: Khi 300a6-7.
[18]BA78 Đầu đề này không được lặp lại trong bản văn tiếng Tạng ở đây, (LRCM: 320) nhưng được thêm vào vì sự nhất quán. Nó đã được đưa ra trước đây tại LRCM: 289.8.
[19]BA79 LRCM: 308.