Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Những người quan niệm Tự ngã tồn tại (của học phái Thắng Luận và học phái Chính Lý) lập luận như thế này:

  Tự ngã hẳn nhiên tồn tại (chủ trương),

 Vì nó là chủ thể của nhận thức (luận cứ),

 Tức là, nếu trong thân xác không tồn tại Tự ngã, thì giống như cái cửa sổ, chỉ tồn tại những cơ năng cảm giác mà không hề có được nhận thức về những đối tượng bên ngoài (đồng tỉ dụ). Mặt khác, Tự ngã, như là cái gì tồn tại dị biệt với những cơ năng cảm giác, nên nó có thể nhận thức được những đối tượng bên ngoài (dị tỉ dụ).

 Cái chủ thể của nhận thức ấy, không là cái gì khác hơn Tự ngã (liên kết luận lý).

 Vì vậy, Tự ngã hẳn phải tồn tại (qui kết)*13.

 

Tuy nhiên, lập luận này không chuẩn xác. Đây là lập luận của học phái Thắng Luận và Niyaya, chứ không phải là của chúng ta (Trung Quán). giữa mệnh đề chủ trương của suy luận thức này "Tự ngã hẳn nhiên tồn tại" và luận cứ "vì nó là chủ thể của nhận thức" trong đó tương quan tất nhiên giữa Tự ngã và thân xác chưa được minh chứng. Nếu như đổi mệnh đề chủ truơng lại thành "Trong thân xác có chứa Tự ngã", thì có thể né tránh được sai lầm của luận cứ.

 

Học phái Chính Lý cho rằng: "Cái mà mắt phải nhìn thấy, thì mắt trái tái nhận", hay là: "Những gì kinh nghiệm được thì được ký ức lưu giữ lại", hay là: "Quá trình tích lũy những tạo tác (Nghiệp) được ghi nhận lại trong kết quả gặt hái (Báo)", như là căn cứ để minh chứng cho sự tồn tại chủ thể nhận thức thường hằng, là Tự ngã, thì đã được chúng ta phê phán như trên (ở 1. và 2.) rồi. Xa hơn nữa, những người tri thức (của học phái Thắng Luận) cho rằng:

 Luận chứng A:

 "Khi thông qua thân xác để gọi là "cái tôi-Tự ngã" (Àtman), thì tên gọi "Tự ngã" này đáp ứng với một đối tượng trên thực tế không phải là thân xác." (Mệnh đề chủ trương)

 "Vì nó đang giả thiết về một cái khác đang tồn tại" (Luận cứ)

 "Ví dụ như: Giả thuyết rằng các trẻ em bà-la-môn là những con sư tử, thì từ "những con sư tử" là những tồn tại khác (đối với "những trẻ em bà-la-môn"), với râu và bờm của chính sư tử tự nó được xem như là những cái thực sự kinh nghiệm được". (Tỉ dụ)

 "Tên gọi "Tự ngã" cũng giống như thế, tuy là cái được giả thiết cho thân xác và những cơ năng cảm giác và nói chung là nhận thức, nhưng đó là cái được giả thiết dựa trên cơ sở thực tế, là một tồn tại khác (với thân xác, cảm giác, nhận thức...) đáp ứng với thực tại đó, đó chính là Tự ngã tự nó. (Liên kết luận lý)

 "Vì vậy, Tự ngã là một cái gì tự nó (chứ không phải là giả thiết) tồn tại. (Qui kết)

Hoặc giả, họ lập luận như thế này:

 Luận chứng B:

 "Những tri thức mà chúng ta có thể biết được về Tự ngã, là những tri thức có thể biết được về một đối tượng thực sự tồn tại". (Mệnh đề chủ trương)

 "Bởi vì rằng: Những cái khác nó thì chúng ta biết là không phải nó" (Luận cứ)

 "Ví dụ như: Cái biết phân định về một người và một gốc cây. (Tỉ dụ)

 "Cũng giống như thế: Chúng ta có thể phân định những tri thức mà con người ta có thể biết được về Tự ngã (như là nguyên nhân của sự tụ hội những thực thể đất, nước, gió, lửa, để thành ra kết quả là thân xác và tâm thức), với những cái biết sai lầm về Tự ngã. Theo đó cái mà chúng ta có thể biết được về Tự Ngã là tri thức đáp ứng với một cái gì thực sự tồn tại. (Liên kết luận lý)

 "Vì vậy, Tự ngã thực sự tồn tại". (Qui kết)

 

Đối với những luận chứng này, chúng ta (Trung Quán) trả lời rằng: Nếu dựa trên cơ sở định thuyết của học phái này, thì vẫn không thể xác đinh được tự tính (như là bản chất) của Tự ngã, mà nếu cứ theo cách hiểu thông tục của thế gian, trong một ý nghĩa chung chung, để chủ trương rằng Tự ngã (àtman) tồn tại như là cái "chính mình", cái "tôi", thì nó cũng chẳng chứng minh được điều gì hơn được cả, ngoài những gì người ta ai cũng biết rồi. Không kể trường hợp trong kinh điển gọi "Àtman" trong ý nghĩa như là một tâm thức chân thực vốn có, thì ngoài ra chỉ là những trường hợp của giả thuyết, hay phỏng đoán có tính cách cá nhân. Điều này chẳng khác gì như nói những bộ phận của cái xe họp lại thì cứ cho là cái xe, những yếu tố của thân và tâm họp lại thì cứ cho là một cái gì hữu tình hữu lý, là được. Vả lại, trong ý nghĩa rằng tâm thức là một cái gì có thể tái sinh khởi liên tục và tồn tại, thì nó được gọi cái "chính mình", cái "tôi" (àtman) trong ý nghĩa thông dụng của khái niệm này (và với ý nghĩa thông dụng như thế thì chúng ta cũng không cần gì phải phủ định cả).

Tuy nhiên, nếu cho rằng: Tâm thức là cũng chính là cái mà ngôn ngữ đang nói đến (pardàrtha) như là "Tự ngã", thì cũng phải biết rằng: Tự ngã không phải là đối tượng mà tri thức có thể "biết" được. Bởi vì rằng: "" (cái tương ứng với tâm thức và "chủ thể" của nhận thức), một mặt được xem như là cái gì do nhân tạo tác và điều kiện tạo tác mà hình thành cũng giống như thân xác, mặt khác. nó lại được quan niệm như là một thực thể thường hằng bất biến và không có giới hạn (như là "Tự ngã"). Trong trường hợp này, cho dù người đối luận có quan niệm như thế nào đi nữa, dù cho tâm thức là cái mà khái niệm ngôn ngữ đang nói đến như là "Tự ngã" đi nữa, thì việc chủ trương rằng Tự ngã không phải là đối tượng có thể tri thức được, cũng chẳng khác gì hơn là chứng minh cho một việc mà ai cũng đã biết rồi. Còn chúng ta thì trong bất kỳ trường hợp nào, cũng đều phủ định những kiến giải cho rằng Tự ngã tồn tại.

Vả lại, nếu chỉ theo như thói thường mặc nhiên công nhận của thế gian, thì luận chứng trên (của người đối luận) cũng không chính xác. Bởi vì rằng, cả ngôn ngữ và giả thiết, và cả đối tuợng đó ("Tự ngã tự nó"), mà học phái ấy và các học phái khác công nhận là thỏa đáng, thì khi mới vừa tiền đề, họ cũng đã mặc nhiên công nhận theo thói thường của thế gian, (tuy nhiên, trong mặc định như thế, suy luận thức trên của họ thiếu đi một điều kiện cần thiết, là xác định tâm thức như là một thực thể biệt lập).

Nếu nhìn từ điểm nhìn chân thật tối hậu, thì khái niệm "Tự ngã" của ngôn ngữ không đáp ứng với cái mà nó nói đến trong thực tại (như là "Tự ngã tự nó"). Ngay cả khái niệm "sư tử" được nêu ra trong tỉ dụ của luận chứng A, với tính cách là khái niệm thuộc về thực tại ngôn ngữ, và với tính cách như là giả thiết chứ không phải là cái đang thực sự tồn tại (con sư tử trong thực tế), nên chỉ có thể là một phản tỉ dụ. Theo đó, ngay cả khái niệm ngôn ngữ về "con sư tử", cũng tự nó không nói lên tính chân, thực của thực tại mà nó đang nói đến. Nói một cách khác chuẩn xác hơn:

 a. Mệnh đề chủ trương: Đối với một khái niệm ngôn ngữ giả thiết về một thực tại, thì phải hiểu rằng nó tương ứng với một tổng thể mà nó nói đến.

 b. Luận cứ: Bởi vì, nó đang giả thiết về tổng thể của cái đó.

 c. Tỉ dụ: Như khái niệm về "con sư tử".

Như vậy, thì có thể phủ định luôn cả cái khái niệm về "Tự ngã" (theo như họ quan niệm là một cái gì "tồn tại biệt lập" với thân xác và những điều kiện nhận thức). Theo đó, mệnh đê chủ trương ở suy luận thức A của họ đã giả thiết "Tự ngã" như là một thực thể biệt lập không phải là thân xác, đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa của luận cứ: đó là giả thiết về một tổng thể (của một cái và của một cái khác không phải là nó), vậy thì, chủ trương mệnh đề này tự phủ định bởi tính cách mâu thuẩn giữa nhân tố đồng loại (Pháp sai biệt tương dị nhân).

Đối với mệnh đề chủ trương của suy luận thức B của họ, thì chúng ta cũng có thể phê phán như ở suy luận thức A.

 

Những người của học phái Số Luận thì lập luận như sau:

 "Linh ngã là bản chất tinh yếu của cá nhân, và là cái mà tất cả mọi người đều có thể thừa nhận. Chúng ta không phải luận bàn gì thêm về sự tồn tại của nó nữa, mà tốt hơn là chỉ nên luận bàn về tính cách thụ nhận những đặc tính của nó". Có lẽ những tín đồ Phật giáo sẽ phản luận lại rằng: "Cái gọi là Linh ngã cũng chỉ đồng dạng với tâm thức và tâm thức thì cũng chỉ là tri năng (buddhi). Theo đó thì không thể nói Linh ngã là cái gì tinh yếu như là bản chất của con người được". Tuy nhiên, điều này không được (học phái Số Luận) đồng ý, với lý do:

 "Tri năng không phải là Linh ngã. (mệnh đề chủ trương)

 Bởi vì, đó là cái gì có sinh khởi. (luận cứ)

 Cũng giống như cái bình". (tỉ dụ)

Cũng giống như thế, đường thô có thể thanh lọc những chất tạp nhiễm để trở thành cái hữu ich được sử dụng (với công năng tính và thực dụng tính), tri tính con người không phải là Linh ngã, bản chất tinh yếu của con người. Nhìn từ góc độ của lập luận này thì Linh ngã (mà họ quan niệm) không phụ thuộc vào trong thân xác, là đối tượng thụ nhận của nó, mà là chủ thể của vật thụ nhận (thân xác). Chính xác hơn thì trong ý nghĩa này, "Linh ngã" đồng ngữ nghĩa với "Tự ngã", là cái tri giác được thân xác; và cũng theo quan niệm của họ, thì nó thường hằng, không có giới hạn, và bàng quan đối với những gì đang diễn ra của thân xác như là một tồn tại biệt lập.

 

Về vấn đề này thì đã có luận chứng phủ định về tính cách Linh ngã của Tự ngã, tính thường hằng vô hạn của nó, tính thụ nhận...(như ở phần 1 và 2). Còn sót lại vấn đề: Tri năng không phải là Linh Ngã_điều này có ý nghĩa như thế nào? Rằng tri năng (buddhi) tự nó có, hay không có tri tính? Hoặc giả, tri năng cũng chỉ là một khả năng nào đó của Linh ngã (điều mà các tín đồ Phật giáo đã phản đối)? Học phái Số Luận muốn cho rằng trí năng vốn là cái chân tri (cetanà) của Linh ngã (một cái "biết" minh mẫn, ở ngoài những điều kiện thụ cảm của giác quan và thân xác). Tuy nhiên, khi cho rằng cái chân tri ấy là một cái gì biệt lập, thì cái thực thể biệt lập ấy chưa được chứng minh. Như vậy, bởi vì cái mà họ quan niệm như là "chân tri" thuộc về Linh ngã là cái chưa được minh chứng, nên chủ từ của mệnh đề chủ trương mà họ đưa ra bị phạm vào lỗi sai lầm, là không có căn cứ luận chứng ("Sở Y Bất Thành", àsrayàsiddhi).

Vả lại, luận cứ "Bởi vì đó là cái gì có sinh khởi" có ý nghĩa như thế nào? Nếu là ý nghĩa "sinh ra từ chỗ không tồn tại thành ra tồn tại", thì luận cứ mà học phái Số Luận đưa ra phản lại chính cơ sở học thuyết của họ (dựa trên Nhân-trung-hữu-Quả luận, rằng trong vạn hữu có tiềm tại nguyên nhân tối sơ-prakrti và nó ứng hiện ra trong mọi tồn tại). Tuy nhiên họ có thể phản bác như sau:

 "Cho dù rằng không thành lập được căn cứ cho luận chứng, thì cũng vẫn có thể nói lên ý nghĩa muốn nói của mình (Chủ trương). Bởi vì, căn cứ đó có thể hình thành trong tương quan đối lập với các học thuyết khác (Luận cứ). Cũng giống như căn cứ của luận chứng hình thành trong tương quan đối lập của người lập luận và người đối luận (Tỉ dụ)".

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đưa ra lý luận ngược lại: Nếu chỉ có thể đưa ra căn cứ của luận chứng thông qua tương quan đối lập với người đối luận, thì không thể minh chứng được cho nội dung của cái mà mình muốn chứng minh (Chủ trương). Bởi vì, cũng có trường hợp ý nghĩa của người lập luận không hình thành được (Luận cứ). Cũng giống như trường hợp ý nghĩa của người đối luận không thành lập được (thì luận cứ hình thành từ cái không thể thành lập được ấy, cũng không hữu hiệu) (Tỉ dụ). Bởi lẽ ấy, điều mà họ lập luận, "tri năng không phải là Linh ngã", bị loại bỏ như là một suy lý không đủ điều kiện luận lý. Theo đó, điều mà chúng ta phê phán là nó không có căn cứ luận chứng, vẫn thỏa đáng.

Ngược lại, nếu ý nghĩa của luận cứ "Bởi vì đó là cái gì có sinh khởi" có ý nghĩa như là "sự chuyển biến ứng hiện (qua tương tác của Linh ngã và những nguyên nhân tối sơ-prakrti, theo quan niệm của Số luận)", thì lý luận về sự chuyển biến-vyakti, cũng đã bị phủ định, nên luận cứ không thành lập được. Hơn nữa, tỉ dụ (cái bình) được đưa ra để thực chứng cho luận cứ (là cái có sinh khởi, chuyển biến ứng hiện) thì không có tính cách đó.

 

"Những người không rành luận lý" (theo cách tự gọi một cách khiêm cung và tự ngụy trang của trường phái luận lý học Chính Lý, chuyên về lý luận) thì cho rằng: "Năm điều kiện nhận thức (tính chất của vật chất, cảm thụ của giác quan, biểu tượng về sự vật, tác vi của tâm thức và thức biệt), và thân xác với những cơ năng cảm giác của nó, không phải là nguyên nhân khiến cho Tự ngã nhận thức được. Và lập trường của Trung Quán vì ngay từ đầu không thừa nhận sự tồn tại của Tự ngã, nên cũng không thể thành lập được luận chứng tiếp theo liên quan đến những thuộc tính của nó. Vì vậy, những người theo lập trường Trung Quán, vốn có địch ý với Tự ngã, họ không muốn thừa nhận những gì trái với chủ trương Vô Ngã của họ".

 

Về điểm này, thì chúng ta (với lập trường của Trung Quán), cũng đã trình bày như phần trên, rằng: Vì các học phái khác thừa nhận theo thói thường của thế gian về Àtman-cái "chính mình", cái "tôi" như là "Tự ngã". Dựa trên cơ sở đó, họ cũng ngộ nhận và gán cho nó những thuộc tính như là: "thường hằng", "không có giới hạn", "là chủ thể của hành vì và nhận thức", "là chủ thể thụ nhận những xúc cảm, những thành quả (Báo) của quá trình tạo tác (Nghiệp)"...Và lập trường Trung quán chúng ta phủ định tính cách ngộ nhận (Vọng Tưởng) này. Trong thế giới quan mà con người thế gian quan niệm, thì cái "tôi"-Tự ngã mặc nhiên được thừa nhận như là cái gì có tính chất cụ thể và hình tướng hẳn hoi, nhưng nếu nhìn từ điểm nhìn của Thực Tại tối hậu, thì cái "Tự ngã" ấy vốn không tồn tại, và cả những tính chất tương đối của vạn hữu trong tương quan tương tác cũng không tồn tại. Theo đó thì lập trường Trung Quán phủ định tất cả mọi thuộc tính mà theo thói thường của thế gian ngộ nhận và gán cho cái "tôi"-Tự ngã, trên cơ sở lấy Thực Tại tối hậu làm chuẩn cứ. Điều này không có nghĩa là Trung Quán chủ trương Vô Ngã (như là một định thuyết về nguồn gốc của tồn tại) hay điều gì như thế cả. Vì thế, sự công kích trên chỉ là công kích vào khoảng không (chỗ Trung Quán không hề chủ trương).

 

Những người phản luận có thể cho rằng:

 "Tự ngã hẳn phải tồn tại, (mệnh đề chủ trương)

 Bởi vì, chỉ có thể phủ định nó ở một chỗ nào đó thôi, (luận cứ)

 Ví dụ như phủ định: cái giếng này không có nước, thì chỉ có thể phủ định là không có nước trong cái giếng này, nhưng có thể biết được nước tồn tại ở những nơi khác" (tỉ dụ).

 Cũng giống như thế, khi phủ định Tự ngã không tồn tại ở thân xác và những cơ năng cảm giác, và nhận thức, thì chỉ có thể phủ định ở những chỗ đó, ngoài những chỗ ấy ra thì Tự ngã vẫn tồn tại, (liên kết luận lý)

 Vì vậy, Tự ngã hẳn phải tồn tại". (qui kết)

 

Đáp lại điều này: Về những cơ quan cảm giác của con người, thì cho dù có phủ định rằng Chủ Thể Sáng Tạo ra chúng như thần Tự Tại Thiên tối cao của các vị thần không tồn tại, hay phủ định nguyên nhân tối sơ-prakrti của chúng không tồn tại, hay phủ định tất cả những đại loại như thế đều không tồn tại, đi chăng nữa, thì cũng không có nghĩa là ở "những chỗ khác" nào đó, những cơ quan cảm giác ấy tồn tại. Vì vậy, luận cứ "tồn tại ở những chỗ khác" này không thể dẫn đến kết luận được. Hơn thế nữa, nhìn cho rốt ráo vấn đề, thì cũng không có nghĩa là "cái gì khác với nước cũng tồn tại" (như bản chất của vấn đề giả thiết: "Tự ngã tồn tại như là cái gì khác với thân xác"), nên cả tỉ dụ để thực chứng cũng không thành lập được. Tóm lại, đây không phải là một luận chứng đúng đắn.

 

Vả lại, có nguời trong học phái Số Luận chỉ trích luận chứng phủ định Tự ngã của chúng ta, rằng: "Cũng giống như cái trụ, không thể là nhân tố tạo tác nên nhận thức; thân xác với những cơ năng cảm giác cũng không thể là nhân tố tạo tác nên nhận thức của Tự ngã", như sau:

 "Những hành giả phái Du già (Yoga) có thể chuyển tâm thức của mình vào thân xác của người khác, khi họ tập luyện đến mức độ có thể không tri giác thân xác của mình, thì họ cũng có thể chuyển tâm thức sang một thân xác khác, khi thân xác này biến hoại. Đối với những hành giả có thể chuyển dịch thân xác (như đổi một cái bình) như thế, thì một cái binh hay những gì có thể biến hoại như thân xác, cũng có thể làm nhân tố tạo tác nên nhận thức (được quan niệm như là "Linh ngã"). Trường hợp này, thì tỉ dụ của luận chứng trên không hiệu nghiệm nữa. Vả lại, ở chung cuộc của mọi sự khi chúng băng hoại, hoàn nguyên thành những thực thể tối sơ (đất, nước, gió, lửa) và lại kết hợp để thành một "cuộc sống khác" có thể hoàn bị những cơ năng cảm giác (như của con người), thì lúc ấy, những nguyên tố tối sơ ấy lại đóng vai trò nhân tố tạo tác nên nhận thức".

 

Tuy nhiên, đây không phải là nghị luận chính đáng. Vì rằng:

 a. Mệnh đề chủ trương: Cái bình, hay một cái gì đại loại như thế, không thể là nhân tố tạo tác nên nhận thức của một hành giả đã thể nghiệm chân lý của sinh tồn.

 b. Luận cứ: Bởi vì, nó chỉ là đối tượng của những cơ năng cảm giác (như thính giác, thị giác...) để bắt đâu hình thành nên những cảm giác về nó.

 c. Tỉ dụ: Ví dụ như, Cái gì được nghe (đối tượng của thính giác) bởi một người khác với hành giả nọ (thì chưa chắc hành giả đó có thể nghe được, hay nhận thức được).

Vả lại, chúng ta cũng đã đưa ra tỉ dụ về cái bình, như là cái gì không phải là nhân tố tạo tác nên nhận thức, nên chúng ta không phạm vào chỗ sai lầm mà họ đã chỉ trích.

 

Học phái Số Luận cho rằng: "Vạn hữu đều hình thành qua tương giao của những thực thể tối sơ và Linh ngã, trong ý nghĩa này, thì trong cái bình cũng tiềm tại những tính năng cảm giác và nhận thức (mà Linh ngã có thể)". Tuy nhiên, với cái "tiềm tại" tính như thế, cũng không thể nói được rằng tỉ dụ cho luận cứ và chủ trương của chúng ta không thành lập được. Vì thế, bản chất của chỉ trích này là không có ý nghĩa.

Xem mục lục