Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

CÂU 1

Nguyên nhân của rối loạn và không hài lòng
trong đời sống

Nguyên nhân của sự không hài lòng, những khuyết điểm, những bất hạnh và những lo âu của chúng ta không phải ở bên ngoài. Nó phải được tìm thấy ở bên trong. Sự rối loạn của xung đột xúc cảm do những thất thường làm méo mó của tâm là chướng ngại chính yếu để hiểu Sanh tử là Niết bàn. Kỷ luật của tâm, tập trung nó trên mỗi khoảnh khắc của tri giác dẫn đến quán chiếu vào bản tánh và vận hành của nó. Như vậy, rối loạn xúc cảm được loại bỏ.

Chân lý của khổ được diễn tả trong sự nhận biết sự không thỏa mãn, không thực hiện được sự toàn thiện bẩm sinh của chúng ta, và những khó khăn gặp phải trong đời sống. Chân lý nguyên nhân của khổ được biểu lộ trong sự nhận biết bản chất che ám của phiền não và tiến trình tâm thức làm nó sanh khởi. Chân lý của diệt dứt khổ được khám phá ở cuối con đường, con đường này bắt đầu với pháp môn tịnh hóa do khảo sát và chiêm nghiệm của tâm và dẫn đến chánh niệm.

Tấm màn phiền não ngăn che sự trong sáng của tâm. Danh từ phiền não cần được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Nó ám chỉ những lực lượng xúc tình nhuộm màu cái tâm bằng một sức nặng tối tăm của mê mờ rối loạn. Nó sản sanh ra một cái nhìn cay đắng. Nó luôn luôn đi cùng với đau đớn tâm trí. Truyền thống phân biệt sáu âm sắc phiền não, mỗi cái do một xúc cảm riêng biệt ngự trị. Cái thứ nhất là ngu ngơ, một trạng thái rối loạn, mê mờ và vô minh. Cái thứ hai là tham, từ lạc thú hấp dẫn cho đến dục vọng thể xác mãnh liệt. Cái thứ ba là ghét, ác cảm với những đối tượng đe dọa, sợ hãi và điên cuồng hoang tưởng. Cái thứ tư là kiêu căng ích kỷ, hạn hẹp quy ngã và hiếu chiến. Cái thứ năm là lập lờ khiến không xác quyết, tạo ra nghi ngờ và sợ hãi. Cái thứ sáu là tạo tác ý niệm trừu tượng không dính dáng gì với tri giác trực tiếp. Những nhánh nhóc của sáu cái này biểu thị toàn bộ cung bậc của phiền não, ngăn chặn sự khai triển của lý tưởng Bồ tát.

Phiền não tham dục, nó là sự biểu lộ của bản năng thú vật muốn giao hợp và nó muốn sản sinh ra cái gì từ sự thất vọng cay đắng đến một ảo tưởng của xuất thần, chỉ là một hình thức phiền não mà bản văn ám chỉ. Như những âm sắc cảm nhận khác của phiền não, nó có đặc trưng là một xung động bốc cao nhằm đạt được một trạng thái không hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại. Bất kỳ sự đứt đoạn nào trong hành động giao phối đều có khả năng gây ra tức giận dữ dội. Xúc tình là một nỗ lực trọn vẹn đạt đến cái đang không hiện hữu. Sự không thỏa mãn với trạng thái tâm như nó đang là, là điều kiện cần thiết có trước cho tham dục. Ghen ghét, thù hận, kiêu mạn – tất cả những phối hợp và dạng hình vô số của xúc tình tràn ngập trong năng lực của chúng. Khi dưới tác động của một trong những cái này, thì khó mà hiểu cái xấu là gì, nó đến từ đâu và như sao nó sanh khởi. Phiền não là sức mạnh của xúc tình, nó hủy hoại trong sáng và yên tĩnh. Mọi hình thức phiền não gắn kết trong thân tâm và là những dấu vết của những tính khí thuộc về một hình thức thấp hơn của thức. Bị cái nào trong chúng chế ngự, vẻ đẹp kỳ diệu và quý báu của kinh nghiệm trực tiếp bị sai lạc, và sự thấu hiểu con đường, dẫn từ sanh đến tái sanh và cuối cùng ra khỏi chu kỳ trở thành, bị bỏ mất.

Tấm màn của hiểu sai lầm là nền tảng của phiền não. Những quan kiến hạn hẹp về bản tánh của vũ trụ và thực thể của con người mình gây ra sự xung đột giữa cái hiện hữu thực và cái người ta muốn nó hiện hữu. Bao giờ người ta còn bận rộn với sự khác biệt bề ngoài giữa thực tại và giấc mộng, bấy giờ không thể có sự hài hòa giữa cái bên ngoài và bên trong, cái thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Những thành kiến ngăn chặn hành động vô tư tự phát. Không có một hiểu biết trọn vẹn về thực thể chính mình gây ra thất bại thường trực không lợi dụng được những cơ hội và khiến cho dòng chảy chảy qua một bên – hơn là xuyên qua – tâm. Như một cái tháp dựng bằng những quân bài, thành kiến sụp đổ dưới căng thẳng tinh thần (stress) để lại một khoảng không đáng sợ cần phải lấp đầy bằng bất cứ phản ứng thói quen nhiễm độc nào. Lại tạo thành quan niệm mới, mà không hiểu cái gì thật cái gì không, mơ mộng những chuyện đâu đâu tưởng tượng, suy nghĩ ước ao lại kết thành thất vọng kèm với rối loạn. Như vậy vòng đi vòng lại từ tái sanh này qua tái sanh khác, không bao giờ tìm thấy sự khuây khỏa của trong sáng yên bình, tuyệt vọng dấn sâu với nắm bắt điên cuồng những cọng rơm trong gió, chỉ có sự đau khổ mà thôi.

Những khuôn khổ phản ứng thói quen thì khó phá vỡ. Sự khó thay đổi những phản ứng vi tế và thâm căn cố đế của tâm thì lớn hơn nhiều so với phá vỡ những thói quen thô của thân như hút thuốc chẳng hạn. Dù người ta âm thầm biết rằng những thành kiến và thiên kiến nhuộm màu phản ứng và phán đoán, trừ phi thực hành hay lúc một khoảnh khắc sáng tỏ bừng sáng, còn không thì chỉ niềm tin lờ mờ có cái gì méo mó trong tâm là giữ cho nguyện vọng giải thoát được tồn tại. Sự thực hành thường xuyên những phương diện khác của thái độ lý tưởng sẽ tháo lỏng tâm khỏi những trói buộc nặng nề hơn. Với sự hiểu lớn dần về luật Nghiệp, nhân quả trong đời sống chúng ta, sương mù tan khỏi quang cảnh của tâm đủ cho một thoáng thấy vị trí của con đường. Thiền định này đặt người cầu đạo chắc chắn trên con đường.

PHƯƠNG PHÁP THIỀN ĐỊNH

CÂU 2–5

Tưởng tượng một hình ảnh trước mắt mình

Sự tìm kiếm bản tánh của thực tại bắt đầu với sự quán tưởng đối tượng hấp dẫn nhất của tham muốn dục tình. Đàn ông cần lấy một người đàn bà làm đối tượng của thiền định, đàn bà cần lấy một người đàn ông, và những người đồng tính luyến ái lấy một người cùng giống với họ. Tình huống này cần được chia thành năm nhóm cấu tạo nên thân tâm (năm uẩn). Đối tượng của tâm thức được cố định bởi khả năng của tâm có khuynh hướng kềm chặt vào một quán sát giác quan, trong khi khả năng suy lý của tâm (tầm tứ) khảo sát nó một cách triệt để. Sự tìm tòi vừa đối với căn cứ đối tượng bên ngoài của tham muốn dục tình vừa đối với cái gì có bản chất hay tự hữu trong thế giới của những sự vật hữu vi, những đại (nguyên tố) tạo thành hợp thể thân tâm.

Đối với người đàn ông, một phụ nữ được dùng như đối tượng khảo sát bởi vì cô ấy gây ra sự đáp ứng xúc tình mạnh mẽ nhất trong tâm. Cô là người cho sự no đủ về tình dục, cô là người an ủi, người mẹ, cô là nguồn gốc của nhiều năng lượng. Đặc biệt lúc thanh niên, tham muốn tự nhiên đối với một bạn tình, một người nữ để sinh sản, là bản năng nổi trội. Đàn bà được dùng như cái biểu thị cho ham muốn, sự dính bám mạnh nhất của tâm trong dục giới từ đó thiền định này sẽ tiến hành.

Tham dục, không nên lầm lẫn với tình dục, được so sánh trước hết với một lưỡi dao cạo dính mật mà người ngu dại không biết luật nhân quả lấy lưỡi liếm. Thứ hai, nó được so sánh với quả táo độc xem thì hồng tươi và ăn được nhưng nó là nguyên nhân gây ra cơn bệnh đau đớn. Người đàn ông hay người đàn bà khi lưỡi đã bị thương thì có khả năng kiềm chế thử nếm mật một lần thứ hai, nhưng người bất hạnh ăn táo độc không có cách xác định được nguồn độc, và không có sự cảnh giác như với lưỡi dao cạo dính mật, có khả năng đầm mình trong nước ngọt trái cây của đam mê phiền não của nó trong nhiều đời.

Để thực hành thiền định này, một người cầu đạo lành mạnh cần thoát khỏi những trói buộc của bám luyến do tham dục và ham muốn gây ra. Bất cứ ai không thoát khỏi mê mờ với lý tưởng lãng mạn tình ái mà văn hóa đời thường đã gieo trồng từ xa xưa thì bắt buộc phải lang thang trong dục giới cho đến khi sự trưởng thành đem lại ngán sợ. Sự vỡ mộng có thể xảy ra nhờ một kinh nghiệm đau đớn không đạt được sự bằng lòng trường cửu mà bám luyến tình ái hay tình dục hứa hẹn. Nguyện vọng hướng đến tự do, ngoài là một mong muốn ra khỏi sự đau đớn ấy, cũng có thể là một mong muốn ở lại thường trực trong trạng thái siêu xuất của tỉnh giác thuần túy đã được kinh nghiệm ở một khoảnh khắc đỉnh cao với hay không có một phối ngẫu tình dục.

Truyền thống đã dùng năm nhóm hợp thể thân tâm như là tất cả yếu tố của cuộc đời. Những phạm trù ấy là sắc, thọ (cảm nhận), tưởng (tạo tác ý niệm), hành (những phối hợp phản ứng) và thức.

Những giáo huấn ở trên chỉ ra làm thế nào phân tích thân thể được ham mê theo nhóm thứ nhất là sắc. Trước hết người ta chia xẻ thân thể thành những phần của nó. Điều này phát lộ ‘thịt, máu, xương…’ v.v… như bản văn liệt kê. Người ta cần cẩn thận hình dung mỗi phần thân riêng rẽ và quan sát có tham muốn khởi lên với những phần đó hay không.

Sự phân tích tiếp tục bằng cách phá nhỏ những phần thân thể này thành những phần tử cấu thành của chúng. Ở đây, chúng ta đi đến những bản chất vật chất của tự nhiên vật lý. Triết học Phật giáo bắt đầu, như khoa học hiện đại, bằng cách quan niệm những vật thể là làm bằng những phần tử nguyên tử (vi trần). Bảng liệt kê theo truyền thống Phật giáo đúng ra là một hệ thống phức tạp những phối hợp của bốn loại nguyên tử căn bản. Đó là đất, không khí, lửa và nước, tiêu biểu những phẩm tính đặc, chuyển động, nhiệt độ và sự cố kết. Điểm thiết yếu cần ghi nhận trong thiền quán hay thiền định phân tích là những vật thể được hợp thành bởi nhiều loại hạt nhỏ. Như ở trước, người ta cần quan sát có hay không tham muốn nào đối với các hạt này.

Đến mức sự phân tích phát hiện ra rằng những vật bên ngoài, khi tư tưởng nghĩ đến như là vật lý và có hình thể, thì được tìm thấy là hợp tạo bằng những phần và những phần đó giảm thành những hạt nguyên tử. Bây giờ chúng ta xoay sự phân tích đến bản chất hợp tạo của cảm giác và kinh nghiệm tâm thức của cá nhân về đối tượng. Người ta cần nhớ lại năm loại kinh nghiệm giác quan khi nghĩ đến mỗi cái như được tạo thành bằng ba yếu tố – cơ quan của tri giác (căn), trường tri giác (trần) và thức tương ứng với đối tượng (thức). Bảng sau đây biểu thị điều này :

CĂN                     TRẦN                       THỨC

1.  mắt                 hình và sắc               nhãn thức

2.  tai                    âm thanh                  nhĩ thức

3.  mũi                  hương                      tỷ thức

4.  lưỡi                 vị                               thiệt thức

5.  thân                 xúc chạm                 thân thức

Như vậy, kinh nghiệm giác quan được phân thành năm giác quan, năm trường giác quan và năm loại ấn tượng tâm thức tương ứng. Hoạt động tâm thức như thế có ba phần này. Năm giác quan là khả năng cho tâm thức hoạt động. Môi trường có những dữ liệu do năm giác quan đưa tới và mọi sự kiện tâm thức khác (trí nhớ, cảm nhận, ý niệm và vân vân). Tâm thức chọn lựa và tổng hợp những dữ kiện giác quan và những liên kết tồn đọng tạo ra định hướng của chúng ta đối với hoàn cảnh.

Theo cách này, chúng ta cần phân tích kinh nghiệm về thân thể được ham muốn. Kinh nghiệm này gồm 18 yếu tố, ba yếu tố cho mỗi cái giác quan và ba yếu tố cho tâm. Là một đối vật được tri giác, thân thể ấy đi vào năm trường giác quan. Nó cần được khảo sát theo một trong năm đường lối của giác quan. Mỗi một cái của năm giác quan cần được tư duy là một phối hợp của ba yếu tố (căn, trần, thức) như đã nói ở trên. Người ta cần ghi nhận rằng kinh nghiệm của chúng ta về đối vật thì hoàn toàn tùy thuộc vào sự vận hành thích hợp của năm giác quan và vào sự hiện diện của tâm nhận biết. Tiếp theo, người ta cần nhớ lại dữ kiện giác quan nguyên sơ được tâm chế biến gia công như thế nào. Nhiều nhân tố (như trí nhớ, chú ý v.v…) thường xuyên tác động, chọn lựa dữ kiện và đánh giá. Những nhân tố này được bàn đến kỹ hơn trong phần tiếp theo khi quy chiếu với bốn nhóm khác của hợp thể thân tâm.

Kết quả của sự khảo sát này là hiểu ngộ rằng không có gì đáng ham muốn trong bản thân thân thể của người ta. Mọi bản sắc có vẻ đáng ưa được tìm thấy là chẳng đáng ưa khi chia nhỏ thành những phần hợp thể. Nhưng quan trọng hơn là sự khám phá rằng đối vật bên ngoài kia, một thân thể, là một cấu trúc hợp tạo có được là do tùy thuộc vào những giác quan và tâm. Cần thiết trau dồi cái hiểu mọi đối tượng “bên ngoài” là nương dựa và tùy thuộc năm giác quan và tâm. Ảo tưởng về những thực thể độc lập hiện hữu ngoài tiến trình tri giác phải bị hủy hoại. Sau những đối tượng bên ngoài khác và thân thể của chính mình được khảo sát, vũ trụ vật chất sẽ được thấy là hợp tạo và đa nguyên. Theo cách này chúng ta bắt đầu thấu hiểu bản chất hợp tạo hữu vi của tất cả những sự vật, cái đầu tiên trong Bốn Tướng.

CÂU 6–8

Khi dòng thiền quán này dừng dứt

Đối diện với sự không tìm ra được cái gì có bản chất và thỏa mãn thường xuyên trong sự hấp dẫn yêu thích nhất ở bên ngoài, sự tìm tòi xoay vào trong với một khảo sát về tâm. Trong tâm, có thể khám phá nguyên nhân của quan niệm sai lầm về người được ham muốn và có hay không bản chất nền tảng nào để có thể nương dựa vào cho một hài lòng liên tục. Trường tâm thức này, nó là kết quả của sự hợp tác giữa tâm và những vận hành của nó tạo thành nhận thức những đối tượng tâm thức, là cái thứ sáu trong những bộ ba những yếu tố (năm cái kia là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Tất cả cái gì là hữu hạn trong tâm có thể được gom vào những phần của trường tâm thức này. Truyền thống công nhận nhiều giai đoạn trong tiến trình tri giác. Trước hết là cảm nhận sanh khởi, ấn tượng tâm thức hay khái niệm, có những phối hợp của phản ứng đi theo sau, tất cả không tách lìa khỏi thức nhận biết.

Mỗi tri giác có một cảm nhận tức thì vui, khổ hay trung tính đi kèm. Sự đáp ứng xúc cảm này (vedanaskandha, thọ uẩn) có chức năng làm một người gác cửa. Bất cứ cái gì thích thú có khuynh hướng được chấp nhận và cái gì khó chịu bị từ khước. Sự đánh giá tốt và xấu được tạo thành vào lúc bắt đầu tiến trình tâm thức. Sự phán xét được xác định bởi những kinh nghiệm trước kia, bởi sự bị điều kiện hóa, những hành động của những đời trước. Đôi khi đó là một đánh giá có ích, chẳng hạn khi một cảm giác khó chịu của sức nóng báo cho bị bỏng, nhưng vì trong đời quá khứ có nhiều vô minh, những phản ứng không thích đáng đã mọc rễ sâu xa. Thân thể quyến rũ chỉ là một “đống đồ linh tinh, đất đá tạp nhạp và mủ” nhưng sự phản ứng với nó là hấp dẫn tràn trề. Lầm lẫn cái gì có tiềm năng thỏa mãn giới hạn mà cho là giải đáp cho mọi vấn nạn của đời sống thì giống như lầm lẫn một sợi thừng cho là con rắn. Qua khảo sát sắc thái của một tri giác cảm nhận như vậy cho thấy con rắn là sợi dây thừng với một sắc thái được gán lên nó. Sự thản nhiên đối với mọi tri giác bèn cho phép khám phá ra những tính cách không bị ô nhiễm của mọi tình huống.

Nhóm những khái niệm và những vận hành của chúng (samjnaskandha, thức uẩn) ám chỉ sự gom góp dữ kiện giác quan như một ý tưởng về đối tượng tri giác. Cái này không trừu tượng mà đúng ra là một ấn tượng cảm giác hỗn hợp, một ý tưởng về đối tượng theo màu sắc, hình dáng và những phẩm tính của nó. Phải hiểu rằng cái này là một kết cấu của nhiều tri giác khác nhau và không phải là một hình ảnh trực cảm nhất thể. Bằng cách đặt tên cho những phần tử và hiểu trường tri giác trong đó chúng phát sanh thì sẽ không thể có lầm lẫn về đối tượng được phản chiếu vào bên trong như là một toàn thể đáng mong ước. Nếu không có tấm màn của cảm nhận (thọ) lọc bớt cường độ của tri giác trực tiếp, chức năng này của tâm sẽ cho kinh nghiệm cảm giác thuần túy.

Nhóm những phối hợp phản ứng (samskara-skandha, hành uẩn) ám chỉ những ấn tượng hạt giống ở trong tâm như là một kết quả của kinh nghiệm trước kia và được vào cuộc bởi những phối hợp của chúng với tri giác trực tiếp. Những phối hợp này hình thành quanh dữ kiện cảm giác và nhuộm màu nó. Đây là giai đoạn ở đó đối tượng trở nên méo mó do những phối hợp chủ quan của nó có xu hướng chuyển hóa một sợi dây thừng thành con rắn. Do những khuynh hướng cá nhân này, cùng một đối tượng của tri giác có thể được thấy bởi những người khác nhau như là đáng yêu hay đe dọa, đẹp hay xấu, trắng hay đen. Truyền thống liệt kê mười một phối hợp sanh ra một trạng thái tích cực của tâm và sáu phối hợp gốc và hai mươi phối hợp phái sinh sanh ra một trạng thái tiêu cực của tâm.

Mười một phẩm tính sanh ra một thái độ dẫn đến sự đạt được Phật quả là : đức tin, một mong muốn có niềm tin đạt được giải thoát khỏi vòng sanh tử ; suy xét đúng đắn, sự phân biệt dẫn đến một nhận rõ Sanh tử và Niết bàn ; giới luật, sự cấm chỉ làm hủy hoại con đường đi đến những cõi thấp ; bình thản, sự an định giữ được trong mọi biến cố ; hổ thẹn, sự khiêm tốn trước những khuyết điểm của chính mình ; chán ghét, một hổ thẹn cảm thông đối với những người khác ; không bám luyến, thoát khỏi ham muốn, phẫn hận và xao lảng ; không ác cảm ; một sự chấp nhận kiên nhẫn những tình huống chúng ta không thể kiểm soát ; chánh niệm ; tỉnh giác ; không hiếu chiến ; không làm hại và lòng bi ; và những nỗ lực kiên trì trong mọi phương diện của đời sống và thực hành.

Sáu tính cách từ đó mọi lo âu phát sinh và chúng tạo ra những chướng ngại cho sự hoàn thành lời Nguyện Bồ Tát là : mê lầm, vô minh về luật nhân quả và về Tam Bảo ; tham muốn, sự khổ do bám luyến vào những cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc ; thù hận, sự dằn vặt của khổ đau ; kiêu mạn, tự phụ do thành công trong chiến thắng sợ hãi và không tôn trọng những người khác ; mơ hồ, sự không chắc chắn cái gì đúng cái gì là không ; và cố chấp, tin vào một khuôn khổ khái niệm chật hẹp là phổ quát.

Hai mươi biểu lộ khởi từ sáu phối hợp gốc lầm lỗi : bạo lực, ác tâm và thù oán, nói năng giận dữ, ghen ghét, đạo đức giả, lừa dối, buông lung không hổ thẹn, khoan dung cho sự buông lung của người khác một cách không hổ thẹn, đè nén tham muốn, vô minh, tiếc, đe dọa và hiếu chiến, tham lam, tự phụ, không tin và không nguyện vọng, lười biếng, không thận trọng bừa bãi, hay quên, không có tỉnh giác, ù lì, lừ đừ, và không an nghỉ.

Bất cứ cái nào của những yếu tố ấy được phối hợp với đối tượng của tri giác do hành động quá khứ, những kinh nghiệm quá khứ và những khuynh hướng bẩm sinh của tâm, xác định tính chất của hình ảnh hỗn hợp sau cùng được trình ra với thức.

Nhóm thức (vijnanaskandha, thức uẩn) ám chỉ sáu loại thức soi sáng sáu trường giác quan và hội nhập hình ảnh hỗn hợp do những cảm nhận (thọ), những ý tưởng và những phối hợp phản ứng chế biến thành.

Sự khảo sát này cuối cùng đưa đến sự diệt dứt niềm tin rằng thực tại không là gì ngoài một tiến trình phức tạp của những yếu tố tác động lẫn nhau, nó hủy hoại khuynh hướng bám nắm bất kỳ phần nào của một đối tượng, hy vọng nhờ đó sẽ đạt được thuốc trường sanh của đời sống. Nó cho phép tâm buông thả, thư giãn trong sự hưởng thụ không căng thẳng. Sau khi khảo sát phân tích và xếp loại đã xác định bản chất của thân tâm là một hợp thể không có bản chất, vô tự tánh, tâm chỉ cần tham thiền, quan sát những vận hành của chính nó để tri giác tánh Không vi diệu của tất cả những hiện tượng. Thiền Định Chân Chánh, giai đoạn cuối cùng của Con Đường Cao Cả Tám Phần (Bát Chánh Đạo), nhờ đó mà hoàn thành.

CÂU 9–13

Trông xem những chế tạo không căn cứ này

Dù với tư duy phản tỉnh, người ta thấy rõ ràng rằng không có cái gì là thường còn, rằng mọi sự đi mất trong từng khoảnh khắc, mọi sự hữu vi thì vô thường, nhưng đôi khi lại thích thú hơn tự lừa dối mình mà nghĩ rằng một hoàn cảnh tình huống sẽ kéo dài như vậy mãi. Như vậy, chân lý vô thường bị quên. Cái cần làm hôm nay được trì hoãn đến ngày mai. Khi biết rằng một số hành động nào dẫn đến bất hạnh và nghĩ rằng việc thay đổi thói quen có thực hiện về sau, cơ hội khác để tiến bộ thêm bị bỏ qua. Không sẵn sàng chấp nhận rằng đời sống có thể chấm dứt vào giây phút sau, không có cố gắng để làm cho khoảnh khắc hoàn hảo như nó có thể. Biết sự quan trọng của thiền định và làm theo những lời dạy bảo của thầy, tuy nhiên vẫn xao lảng thực hành và tấm gương tâm vẫn bị che phủ. Âm thầm biết rằng có một cái vô tận để kinh nghiệm trong mỗi khoảnh khắc, vẫn không có nỗ lực nào để chứng ngộ nó. Tham thiền về mọi sự, những hiện tượng bên ngoài, hợp thể thân tâm, những ảo ảnh của tâm và mọi thứ, đem lại sự nhận biết thường trực dịp may duy nhất được ban cho để đạt được chứng ngộ Phật tánh ngay bây giờ.

Sự nhận biết và nhớ thường xuyên khoảnh khắc hiện tại này trong một trạng thái tỉnh giác thường trực cần được thành tựu bằng cách xem thấy sự sanh khởi và hoại diệt của những tri giác và thuyết phục mình tin vào sự đi qua của thế giới bên ngoài. Sự thực hành thứ nhất được diễn tả trong câu kệ thứ nhất và là cách nhanh nhất để tin được chân lý vô thường. Sau khi thực hành liên tục, sẽ có một thấu hiểu rằng không có cái gì có thể được nói là hiện hữu mà không được giữ trên tấm màn của tâm. Một cái cây đổ giữa rừng sâu không người ở có gây ra một tiếng động ? Đức Phật Gautama cảnh báo cho những đệ tử chớ tạo ra những giả định, chúng không phải là những tác động của kinh nghiệm trực tiếp, vì những thành kiến tiên kiến đủ loại là những thứ ngăn chặn trên con đường. Trong phân tích trước về những hợp thể của kinh nghiệm, đã khám phá rằng đối tượng của tri giác là một hỗn hợp của nhiều kích thích giác quan và bởi thế, khi mỗi tri giác là khác nhau, đối tượng được tái sáng tạo trong mỗi khoảnh khắc. Mỗi hình ảnh khi khởi sanh trong tâm thì được thấy là một tia chớp sáng trống không trong bản chất.

Chánh niệm về vô thường được trợ giúp bằng một khảo sát suy lý những hiện tượng bên ngoài theo cảm thức thông thường. Những bờ đá sụp đổ, những ngọn núi bị xói mòn, những hòn đá rơi đổ, đất trôi mất, đều là sự hiển nhiên của vô thường nơi cảnh vật. Những nhà thiên văn tin rằng mỗi hệ thống mặt trời và thiên hà có một chu kỳ sống và nhiều vũ trụ đã có trước vũ trụ này. Những chu kỳ thiên nhiên là những đối tượng quan trọng để tham thiền chiêm nghiệm. Những mùa đổi thay, ngày chuyển qua đêm, mặt trăng có những giai kỳ của nó, những mùa đi kèm với những chu kỳ thực vật và động vật.

Như với thân thể con người, những thành tựu và những giá trị cũng vậy. Không có gì kéo dài. Ít người sống hơn hai hay thậm chí một trăm năm ; không có anh hùng, tiên tri, tu sĩ hay nhà vua nào có thể trốn khỏi cái chết. Những cổ vật của những nền văn minh nhắc đến những giống người và văn hóa trong quá khứ, chúng đã tiêu hoại trên bước đi của thời gian. Văn hóa, tập tục và những giá trị thay đổi từ năm này sang năm khác. Tài sản đổi chủ mà không có nguyên nhân rõ ràng, và không thể làm chậm lại tiến trình thay đổi địa vị kinh tế bằng cần kiệm. Không có cái gì trong lãnh vực kinh nghiệm con người mà không thay đổi. Những trạng thái xúc cảm hoàn toàn thất thường, tùy vào sự kích thích và dòng nghiệp chuyển biến. Những thái độ, tính khí của những người khác biến đổi mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Biết rằng mọi sự sẽ tàn tạ và cuối cùng biến mất, quan trọng là cái thấu hiểu rằng thời gian của cái chết thì không biết được. Không ai biết thời gian mình chết, hoặc sẽ sống đến già, hay sẽ bỏ lại vợ góa con côi, hay sẽ chết trong giấc ngủ đêm nay, hay sẽ bị giết trên đường chiều nay, hay thậm chí không sống để hít vào một hơi thở khác. Không bao giờ có chắc chắn nào. Tốt là nhớ đến sự đe dọa bao giờ cũng có mặt của những vũ khí hủy diệt đông người nằm trong tay những người không biết luật nhân quả và Thệ Nguyện Bồ Tát. Không chắc chắn cái chết sẽ đến như thế nào và khi nào nó đến. Cái chết có thể đến bởi nước, đất, lửa hay không khí. Xem xét những cách con người đã chết, quán chiếu vào tính cách không chắc chắn của đời tiếp theo càng mạnh mẽ.

Với cái hiểu được khai triển về biến đổi và hoại diệt, sự nối kết với khổ trở nên rõ ràng. Sự đau đớn tinh thần do sự không chắc chắn của cuộc đời là nỗi sợ chết cắm rễ sâu trong tâm. Sau khi thấy sự liên kết của khổ và vô thường, tương quan lẫn nhau của Bốn Tướng của hiện hữu hữu vi có thể thấy biết được. Thấu hiểu một tướng là hiểu cả bốn tướng. Sự nghiên cứu trước kia về mọi yếu tố của kinh nghiệm nhấn mạnh vào sự không có bản chất, vô tự tánh của các hiện tượng hữu vi hợp tạo, và vô thường có thể luận ra từ sự tương tác tất yếu cố hữu trong tạo thành và phân rã.

Thấu hiểu đầy đủ một trong các tướng này của hiện hữu hữu vi tạo ra một phản ứng sợ hãi sâu xa. Thiền định phải phơi mở những đường hầm dấu kín của sự bất toại nguyện, vì quán chiếu vào bản tánh của thực tại bao gồm một tiến trình đau đớn của sự tự khám phá. Nếu những chướng ngại trên con đường trở nên quá lớn và có sự nguy hiểm từ chối phương tiện thiền định, bấy giờ lời chỉ dạy của một thiền sư lão luyện là cần thiết. Mất đi những vọng tưởng được yêu chuộng, thất bại của những cơ cấu đề kháng thâm căn cố đế, và đối mặt với thực tại đích thực trần trụi của hiện hữu con người là những giai đoạn sơ bộ trên con đường làm chủ mọi tình huống để phục vụ cả chính mình lẫn người khác.

CÂU 14–16

Bấy giờ, trong cái đa thù phức tạp của
trở thành (hữu)

Truyền thống chiến thắng dạy về cách để giải thoát tâm khỏi sự ràng buộc của cả hai cực của kinh nghiệm. Cả hai lạc thú và đau đớn đều là những hình thức của khổ đau đối với người đang nỗ lực tự giải thoát khỏi vòng sanh và chết. Một lạc thú được bám níu và gắn bó vào là nguyên nhân của khổ đau xảy ra sau đó. Mọi cái vui rời bỏ lạc thú giác quan nếu nó được khao khát rồi bám níu và gắn bó. Trừ phi có sự không bám dính thì không thể nào có hạnh phúc. Chân lý của khổ là cái thấy thấu suốt thứ nhất mà đức Phật Gautama đã chia xẻ với những người bạn đạo của Ngài ở Sarnath sau khi Ngài đã giác ngộ dưới cây Bồ đề đạo tràng. Ngài hiểu rằng mắc vào sự cong vẹo lệch lạc của thương ghét thế gian không thể thoát khỏi khổ. Thương và ghét đều là nguyên nhân của khổ. Những đam mê nảy sanh từ những phản ứng căn bản của hấp dẫn và ác cảm cũng là nguyên nhân của khổ đau.

Sự mê lầm của thân tâm được đánh dấu bởi sự đớn đau lúc trong thai. Sau khi bị ép chặt khổ sở trong bụng vài tháng, phản ứng thứ nhất của sự sanh ra là khóc thét. Những đau đớn của lớn lên được đánh dấu bằng bệnh tật của thân tâm và bệnh tật theo người ta cho đến lúc chết. Rồi sau thời trưởng thành của thân tâm, tàn hoại càng lúc càng nhiều với sự hư hỏng các giác quan và óc lão suy cho đến lúc tim không thể làm việc nữa, và đến cơn đau tối hậu của cái chết. Đây là sự đau dớn của thân phận con người : sự nhập thân. Thân tâm là hình thức của sự nhập thân. Sự trong sạch và hoan hỷ vô cùng vốn ở trong cơ cấu bị quy định này bị bỏ quên trong sự thắng thế của đau đớn.

Được cái không muốn là khổ ; không được cái mình muốn là khổ. Mất cái mình thích là khổ và giữ cái mình không thích là khổ. Thậm chí được cái mình muốn vẫn là khổ khi sự xúc động của sở hữu chuyển thành tiếc nuối. Một khi biết được thần lực và sự vinh quang của một vị trời, sự giảm dần lạc thú đó là rất đau đớn. Sự kiêu hãnh của sức mạnh tình dục không thể tránh khỏi sẽ trở thành sự thất vọng của yếu đuối bất lực do sự khô kiệt của tuổi già. Thân tâm có một cơ cấu được tạo thành bảo đảm cho sự khổ đau liên tục của nó.

Không biết (vô minh) về nguyên nhân của khổ và sự chuyển động không đổi hướng được đã tạo thành khổ. Lầm lẫn giàu sang là cái đối trị cho cái khổ của nghèo thì chỉ là thay thế một sự khổ này bằng một cái khổ khác. Cái khổ của có được, của keo kiệt, của sợ phải mất có thể tạo ra một rối rắm lớn hơn và đau khổ lớn hơn nhiều so với tình trạng ban đầu. Không có sự giải thoát bằng cách thay thế một trạng thái tâm thức bằng một trạng thái khác, một đam mê phiền não bằng một đam mê phiền não khác, một người đàn bà bằng một người đàn bà khác, một gia đình bằng một gia đình khác hay một cuộc đời bằng một cuộc đời khác. Thay đổi trong tự thân nó là một nguyên nhân của khổ. Niềm tin rằng có nhiều bằng lòng hơn có thể tìm thấy bởi loại thay đổi nào đó, là một mê lầm tiềm ẩn.

CÂU 17–18

Với quán chiếu sau cùng vào khổ

Chứng ngộ tính cách chính yếu thứ tư này đã được hoàn thành phần nào trong sự tìm tòi cái gì có bản chất trong những nhóm hợp thể của thân tâm trong đó mọi yếu tố của hiện hữu được xếp loại và trong sự tìm kiếm cái gì thường còn. Nếu không có cái gì có bản chất hay thường còn được tìm thấy, bấy giờ bản sắc trở thành cái gì cực kỳ không thể nắm bắt. Nếu không có cái gì suy nghĩ được tìm thấy ngoại trừ tư tưởng và nếu không có cái gì đang làm hay nói năng ngoại trừ hành động hay âm thanh và nếu không có cái gì thường xuyên còn lại ngoại trừ sự thay đổi, thì không có gì để bảo vệ và không có gì để sợ hãi. Lập lại những thực tập là quan trọng bởi vì rất dễ thuyết phục mình một cách trí thức về chân lý vô ngã, nhưng rất khó khăn để kinh nghiệm kết quả của một chứng ngộ toàn triệt.

Có hai giai đoạn trong sự khai triển quán chiếu hay cái thấy thấu suốt này. Thứ nhất là tin rằng thế giới bên ngoài là một thế giới của dao động chỉ được biết bởi năm giác quan và không có một căn cứ chất thể nào cả. Giả sử có năm người mù tìm thấy một con bò. Sờ chạm vào những phần khác nhau của thân nó, mỗi người nghĩ rằng nó đã tìm ra con bò thật. Cắt từng phần ra, nấu và ăn, con bò thật trở thành cái gì ? Thế giới bên ngoài của tri giác tùy thuộc vào năm giác quan, phạm vi chúng rất giới hạn. Cái thấy thế giới như một dòng chảy lập lòe của màu sắc và hình thể là kết quả của sự phá vỡ niềm tin vào sự có bản chất của những đối tượng do những giác quan ghi nhận.

Giai đoạn thứ hai là quán chiếu vào sự không có bản chất của chính mình. Sau khảo sát ban đầu về thân thể, thất vọng khi đồng hóa với một đống bộ phận chẳng đáng ưa, nhưng cũng không có cái gì trong tâm được tìm thấy là hiện hữu kéo dài hơn một tri giác cảm nhận. Bấy giờ “tôi” là cái gì ? Với sự chắc thật tăng dần về vô ngã của mình, sợ hãi cái không mà người ta phải đối mặt, có nhiều sự chống cự lại việc chấp nhận rốt ráo thực tại sẽ sanh khởi. Mỗi sự kháng cự lại cần được khảo sát riêng rẽ và phá tan. Sự bành trướng tiệm tiến của sự nhìn thấy từ cái thế giới là một tập hợp những thực thể tự hữu một cách độc lập đến một trường những dao động không có bản chất và tương thuộc thì có thể gây đau đớn và cần được cẩn thận thực hành.

Quán chiếu vào bản tánh của thực tại như là không nền tảng, không bản chất, vô tự tánh là cái đi trước cần thiết để thấu hiểu tánh không, cái Không này được chứng ngộ bởi sự thực hành hơn nữa.

Sự quán chiếu rốt ráo vào khổ được đề cập trong bản văn ám chỉ một sự nhìn thấy trước cái chết. Kinh nghiệm thứ ba đức Phật Thích Ca trải qua khiến ngài xoay tâm ngài khỏi gia đình, danh vọng, giàu sang và thành công là hiểu biết cái chết tất yếu phải đến. Tư duy về sự khổ đau của thân phận con người dẫn đến ý tưởng con đường tối hậu là rút lui tâm thức khỏi thân thể. Kết quả của việc không tìm thấy một bản ngã thúc đẩy tiến trình ấy và mọi cái chết nhỏ hơn phải được trải qua giữa sự sanh ra và sự ra đi sau chót. Sau khi tự ngã luôn luôn nắm bắt bị hủy diệt trong thiền định, không thể có bám luyến nào khi sự tiêu tan sau cùng xảy ra. Không thể có nắm bắt bất cứ đối tượng gì đi mất và không có nắm bắt bất cứ đối tượng gì hiện đến. Sẽ không có miễn cưỡng khi bỏ thân này và không tìm cách mang lấy thân khác. Theo cách này thiền định là một thực hành cho cái chết.

CÂU 19–21

Khi cái thấu hiểu này tan đi

Sau mỗi thời thực hành cái nào trong bốn phần kiểm tra này của tâm, một chắc thật sanh khởi với một xúc cảm của niềm vui và có đặc tính là sự trong sáng của cái nhìn thấy thực tại theo những thí dụ tương tự. Dòng thấu hiểu này phải được liên tục và điều đó là do sự lập lại những thực tập. Sự phân tích những yếu tố của kinh nghiệm cần được thực hành trên bất kỳ đối tượng bám luyến nào, không chỉ tham, mà còn giận ghét, ghen tỵ, kiêu mạn, và vô minh. Theo cách này sẽ có một tấn công trực tiếp vào mọi phiền não căn bản. Đồng thời, hiểu tiến trình nhận thức sẽ loại bỏ những che chướng và thắt gút trong con đường ấy.

Không cần thiết thực hành bốn tướng theo cùng một thứ tự như trên. Sau khi mỗi cái được thực hành một số thời gian đủ để nổi rõ như là cái dễ hoàn thành nhất, hãy chủ yếu tập trung vào cái khác. Thấu hiểu đầy đủ một trong Bốn Tướng của Hiện Hữu Hữu Vi đem lại sự thấu hiểu đầy đủ cả bốn cái. Hoàn thành cái nào trong những thực hành này sẽ dẫn đến yên tĩnh và trong sáng sau sự khảo sát suy lý đã chấm dứt.

Khi để cho dòng những hình ảnh của tâm thức trôi chảy, đôi khi sự chú ý sẽ lang thang đến các đối tượng bên ngoài, đôi khi đến người khác và đôi khi đến chính thân tâm mình. Bất cứ đối tượng tri giác nào, vẫn một sự tìm tòi bản chất của nó được áp dụng. Bất cứ âm sắc xúc cảm nào đi theo tri giác đều cần được khảo sát đến tận nguồn. Không có tư tưởng nào khác sanh khởi ngoại trừ những tư tưởng về bản chất hợp tạo, vô thường, khổ tiềm ẩn trong đó và vô tự tánh của đối tượng tri giác.

CÂU 22–27

Hướng ánh sáng trong suốt của hiểu ngộ

Sự thẩm tra đã trở thành một áp dụng ánh sáng của thức với bất kỳ cái gì đi vào tâm. Khi tri giác trong sáng về những tính chất của những hiện tượng trở nên sâu xa, sự phân tích chi tiết những hình ảnh thành ra không cần thiết nữa và tâm bắt đầu vận hành một cách tự động để hủy hoại những mê lầm vọng tưởng trước đây vẫn che ám bản tánh của thực tại.

Những đời quá khứ là những khoảng đời thoáng chốc của những biến cố tâm thức trước kia, những chu kỳ in dấu với một trạng thái đặc biệt của tâm, và sự trải dài của thời gian từ sanh tới chết của phức hợp thân tâm.

Chánh niệm thường trực giữ gìn những cửa sáu giác quan là điều kiện thiết yếu để đi vào trạng thái bình an. Sự thực hành này đưa đến kết quả là giải thoát khỏi những ràng buộc của cõi dục, trong đó những khuynh hướng bám chấp của tâm làm tối tăm và méo mó. Chánh niệm sanh khởi trên nền tảng của quán chiếu do sự tìm tòi một thực thể có bản chất và thường còn và do sự tham thiền về bản tánh của phức hợp thân tâm.

Cũng như khổ và vô minh tự tích tập thành lúc tâm không có phương hướng, bây giờ khi thức đã có một phương hướng chủ định thì sự trong sáng tăng trưởng như một ngọn lửa nóng cháy. Những thói quen của những đời kiếp bị tiêu hủy trong ngọn lửa hừng hực này. Cái “tôi” từng phản ứng với tri giác ích kỷ và méo mó theo thói quen do chỉ thấy điều nó thích, che ám thực tại bởi tri giác được thêm thắt bằng những hoang tưởng và những phối hợp không dính dáng gì đến thực tế, và làm tâm phân tán trong những tạo tác ý niệm không thật và những giấc mơ ban ngày kỳ quái, cái “tôi” ấy bị tiêu hoại bởi cường độ của sự chú tâm liên tục của ánh sáng trong suốt của hiểu ngộ.

CÂU 28

Trong chừng mực sự bất toàn được hiểu ra

Cái Bên Kia Vĩ Đại là sự bình an khi chấm dứt khổ – Niết Bàn. Hơn là trốn thoát khỏi sự khó nhọc của thế gian, Phật pháp dạy một sự chấp nhận nó, một nhận ra sự khiếm khuyết của con người trong đó nguồn gốc siêu vượt khỏi những khuyết điểm được khám phá. Chỉ thực hành tập trung mà không có quán chiếu đi kèm sẽ dẫn đến một trạng thái nhập định trong đó những vận hành tâm thức sản sanh ra khổ đau được ngừng lại. Nhưng những thói quen sản xuất độc hại này của tâm lại tiếp tục hoạt động tai hại của chúng khi tâm trở lại từ sự thu hút vào chính nó (nhập định) để vào trong thế giới giác quan, cho đến khi nào nhập định và hoạt động trong thế giới hiện tượng được phát hiện là đồng nhất bởi quán chiếu thấu suốt.

TIẾN BỘ THEO CON ĐƯỜNG

CÂU 29–32

Nhận ra qua thiền định thường trực

Nhận ra Bốn Tướng của mọi hiện tượng là nền tảng của thành tựu tập trung và hiểu ngộ. Thiền định này đưa người cầu đạo đến giai đoạn nơi đó xung đột xúc tình và chuỗi tư tưởng quấy nhiễu bị loại bỏ trong một trạng thái tập trung gọi là “yên tĩnh bình an”. Sự nhìn thấy ảo ảnh là cái thức duyên theo những hiện tượng như là những xuất hiện lung linh và không có bản chất. Không có ảo tưởng ở giai đoạn này. Trong thể trạng yên tĩnh và bình an này không có cái gì quấy nhiễu sự thản nhiên đến từ ngoài hay bên trong. Đó là một trạng thái không xao động bởi tham dục hay ghê tởm. Thiếu thốn, không có thức ăn hay áo mặc, và sự trái nghịch của bất cứ loại gì đều không gây ấn tượng lên tâm. Đồng thời sự quán chiếu phát sanh từ định nhất tâm cho phép cái nhìn thấy trong sáng tự tâm và bản tánh của sự vật chung quanh. Không có vọng tưởng, không có dự kiến tương lai, không có những mơ tưởng hảo huyền, chỉ có tập trung ở đây và bây giờ.

Đây là một sự vào dòng, giống như một khe lạch trên núi, cuối cùng sẽ chảy vào đại dương. Sự yên tĩnh và bình an của thể trạng này tương phản lớn lao với kinh nghiệm trước, nhưng người ta có thể trở nên bám lấy cái “yên tĩnh và bình an” này. Như thể một trần nhà bị rỉ dột cuối cùng đã được bít, nhưng sự ẩm ướt bên trong vẫn còn. Những dấu vết vi tế của thích muốn và ác cảm thuộc về cõi sắc và vô sắc vẫn còn để cần phải trừ diệt. Tập trung và quán chiếu cắt đứt những bám luyến vào cõi dục, và sự yên tĩnh và bình an do thoát khỏi trạng thái này được cảm thấy sau khi thực hành thiền định này. Nhưng đây chỉ là sự bắt đầu của hiểu ngộ trọn vẹn về chính mình, cũng như sự khéo léo (thiện xảo) trong việc sử dụng bất cứ phương tiện có được nào.

Bám dính xúc tình trong cõi dục là nguyên nhân của ghen tỵ, ngăn cản tình bạn ; kiêu mạn, duy trì sự tách biệt, cách ly ; tham lam, luôn luôn đi ra ngoài cái hiện tiền ; giận ghét đốt cháy và làm hư hỏng tâm ; và sự ngu si thô phác trong lười biếng khoái lạc. Những khuynh hướng tâm trí nặng nề này một khi được loại bỏ thì cõi dục được vượt khỏi. Phương tiện mà truyền thống đề xuất là khảo sát và rồi tập trung và quán chiếu.

Ba thừa bản văn đề cập là Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa và Bồ Tát thừa. Bậc Thanh Văn là đệ tử chuyên cần dập tắt những xúc tình của mình, nhưng vì không hiểu bản tánh của thực tại, vẫn còn vướng mắc vào sanh tử và niết bàn. Chướng ngại lớn nhất của vị ấy là nghi mình. Bậc Độc Giác rút lui vào cô độc mong muốn tự hiểu mình. Đã điều phục bản chất đam mê phiền não của mình, vị ấy giải thoát mình khỏi mê lầm rằng không có cái gì bên ngoài đáng làm. Cả hai bậc Thanh Văn và Độc Giác đều thiếu động cơ vô ngã, cái làm các vị khác với bậc Bồ Tát. Để dâng hiến chính mình cho đời sống chúng sanh, trầm mình trong thế giới cho sự hài hòa của vũ trụ, Bồ Tát đã khám phá tánh không nền tảng của mọi hiện hữu hữu vi trong khắp ba cõi. Cả hai Tiểu thừa và Đại thừa đều đề xuất thiền định tập trung và quán chiếu như là sự thực hành ban đầu trên con đường. Trong Kim Cương thừa chỉ một trong vô số phương pháp được vị đệ tử lão luyện sử dụng.

Nên nhớ lại một so sánh người Ấn Độ ưa dùng. Tâm thì như một đại dương – sâu thẳm, trong sáng và không giới hạn một cách tự nhiên. Khi những dòng phiền não khuấy động những chiều sâu và mặt nước xao động bởi những làn sóng tư tưởng, lúc ấy không có trong sáng và không bình an. Chỉ có sự khuấy động che phủ của nước và không có cái gì khác được thấy. Sự an bình tự nhiên của tâm chỉ đạt được nếu xung đột xúc tình và tư tưởng quấy nhiễu được lắng dịu.

Sau sự thực hành thiền định khảo sát, khi những tưởng tượng và những phiền não không làm phiền tâm nữa và có sự quân bình, chín cấp độ của thiền định được đi qua để đến yên tĩnh và trong sáng trọn vẹn. Không nên có khoảng hở trong thực hành từ khảo sát đến trụ vào. Trụ vào cái gì ? Sự khảo sát tự nó tiêu tan khi tâm trở nên đứng lặng và tập trung vào bản tánh của chính nó. Cấp độ thứ nhất của thiền định khởi lên khi khuynh hướng của tâm thay đổi từ một chiều hướng dạo chơi bên ngoài thành một chiều hướng đứng lặng (gtod.pa.’jog.pa). Cấp độ thứ hai là một khuynh hướng tăng dần một cách vững chắc để ở yên, trụ trong tập trung khi những tư tưởng, dù còn sanh khởi, có ít năng lực hấp dẫn (rgyun.du.’jog.pa). Cấp độ thứ ba là một sự dễ dàng tức thời đem tâm trở lại trạng thái tập trung khi nó có khuynh hướng lang thang trong tưởng tượng hay kiểm điểm (blan.te.’jog.pa). Rồi, trạng thái thứ tư là một chú ý miên mật vào bản tánh của tâm trong đó dù những xao lảng có thể phá vỡ, nhưng chỉ có chu vi vòng ngoài là bị tác động (nye.ba.j’og.pa).

Với trạng thái thứ năm của thiền định, có một hưởng thụ dễ chịu sự hoàn thành của tập trung. Cùng lúc đó, dần dần có ít bám nắm, tâm trở nên buông lỏng hơn và ít sở hữu hơn. Sự thư giãn này cho phép chức năng thấy trước tương lai và đọc quá khứ được biểu lộ. Đây là sự hoàn thành của giới (‘dul.bar.byed.pa). Mong muốn mở rộng và làm mạnh kinh nghiệm này dẫn vào trạng thái thứ sáu của thiền định trong đó những xúc tình xung đột được giải tan trong bình an. Bất cứ cái gì sanh khởi trong trạng thái tiềm năng để sản xuất ra mê lầm đều tức thì được giải tan bằng năng lực của cái đối trị là sự thanh tĩnh. Khởi lên kinh sợ đối với những lẩn trốn của tưởng tượng, suy luận vô bổ và những nhiễm ô từ thế giới bên ngoài và sức mạnh tiêu cực này có thể thúc đẩy vào tập trung sâu thẳm (zhi.bar.byed.pa). Thấy rằng có thể thoát khỏi sự lo toan và rộn ràng không ngừng của cuộc đời thế tục, những động lực mạnh mẽ sanh khởi đối với sự bình an này nhiều hơn nữa và người ta đi vào trạng thái thứ bảy của thiền định. Trong trạng thái tập trung này, mong muốn đối với cái không có, cùng với cảm giác thất vọng đi theo, bị loại bỏ. Từ đây không có thất vọng do không đạt được cái mong muốn cũng không có mong muốn gì đối với cái chưa sở hữu. Những dấu vết của những khó khăn về tính khí được tiêu tan do cái đối trị của sự thanh tịnh dịu dàng (rnam.par.zhi.bar.byed.ba). Rồi trong trạng thái thứ tám của thiền định, nhất tâm được hoàn thành và ở đây không có khuynh hướng trở lại với thế giới bên ngoài (rtse.gcig.tu.byed.pa). Trạng thái thứ chín và cuối cùng của thiền định là một trở lại từ tập trung nhất tâm qua suốt nền móng toàn khắp của hiện hữu về lại hiện hữu hữu vi mà bây giờ nó đã được hoàn toàn soi sáng. Bất cứ cái gì khởi lên trong tâm thì giống như những sóng gợn trên mặt của đại dương yên tĩnh, trong sáng và sâu thẳm (mnyam.par.hjog.par.byed.pa).

Chín cấp độ hay giai đoạn này là một khuôn khổ lý tưởng cho hành giả có thể đánh giá tiến bộ của mình đối với sự trọn vẹn của con đường Samatha và Vipẳyan. Tiến trình lý tưởng này hữu ích như một hướng dẫn, nhưng, do những khác biệt tính khí cá nhân, nó sẽ hiếm phù hợp với tiến bộ thực tế. Có một nguy cơ là thiền giả sẽ không thích rời bỏ trạng thái Samadhi (Định, tam muội) hay tập trung nhất tâm ở cấp độ thứ tám. Điều này giống như bỏ nhà để đi tìm một vận may và quên mục đích của cuộc kiếm tìm, trở nên bị mê hoặc bởi những nơi chốn và con người trên đường. Quán chiếu hay cái thấy thấu suốt đem lại sự trong sáng và giải thoát khỏi sự méo mó và sức nặng của ngu si phiền não chỉ có khi trở lại tập trung sâu xa. Thệ Nguyện của Bồ tát không thể hoàn thành trong một trạng thái rút lui toàn triệt.

Sự đạt được trạng thái thứ chín của thiền định là một dẫn nhập vào con đường. Trước sự nhập môn này thì cũng giống như chờ đợi một cú sét ái tình – không hề biết nó có xảy ra không, khi nào xảy ra, hay bản chất của nó là gì. Hoặc giống như chờ đợi trước sân điện của một vị vua, khát khao được phép cho vào nhưng không có đẳng cấp cũng không có giàu sang hay quyền lực để vào, biết rằng sự trả lời cho mọi vấn đề nằm ở trong đó nhưng không biết cái gì sẽ được tìm thấy.

CÂU 33–36

Sanh khởi tùy thuộc lẫn nhau, được thấy như
ảo ảnh huyễn thuật

Sự diễn tả phương pháp thiền định này đã được nói trong những cấp độ và những đối tượng để khảo sát. Bây giờ trong phần thứ ba này, cái nhìn thấy thực tại bởi tâm đã thanh tịnh được phát lộ, khi chỉ ra có thể đạt đến qua thấu hiểu trọn vẹn do thực hành triệt để những lời dạy. Những câu đầu tiên này diễn tả trạng thái của Phật quả theo cả Đại thừa và Kim Cương thừa. Những từ được dùng ở đây là chính xác để tỏ bày cái không thể diễn tả. Đó là một sự nhìn thấy có tính cách thi ca cố gắng mô tả cái vượt khỏi giới hạn, hay hơn nữa, đó là cố gắng tối hậu của ngôn ngữ để tự vượt khỏi chính nó. Thực tại được tiếp cận theo bốn cách. Trong câu thứ nhất thực tại được thấy như là một trường liên hệ của ánh sáng chớp nhoáng trong một trạng thái thường trực đổi thay. Trong câu thứ hai thực tại được thấy như là nguồn gốc và sự tịch diệt tỏa khắp, siêu việt của tất cả mọi sự. Trong câu thứ ba thực tại được thấy như là nhất thể của nền tảng vốn là thanh tịnh và sự chói lọi lưu xuất ra những sắc tướng. Trong câu thứ tư thực tại được thấy như là tỉnh giác tự nhiên về cái trực tiếp hiện tiền.

Tùy thuộc lẫn nhau nghĩa là không có cái gì sanh khởi mà không có một liên hệ nguyên nhân với mỗi yếu tố của tình huống trước đó và có một nối kết điều kiện (duyên) với mỗi yếu tố của tình huống hiện tại. Vũ trụ có một nhất thể toàn bộ mà sự khác biệt bên ngoài của nó làm cho nhầm lẫn. Do bám chấp vào một quan điểm giới hạn vào một thời điểm, sự tương quan liên hệ tất yếu với cái toàn thể bị che ám. Ảo ảnh huyễn thuật được dùng như một thí dụ so sánh, không phải vì nó là cái gì được sản sanh ra không từ đâu cả như một trò lừa bịp của một nhà ảo thuật, mà bởi vì thực tại lung linh trong tính cách không có bản chất của nó. Huyễn thuật nằm trong sự tươi mới bao giờ cũng hiện tại, kinh nghiệm đầy kinh ngạc của tri giác khoảnh khắc hiện tại, và ảo ảnh nằm trong bản chất không thể nắm bắt, không có chất thể và vô thường của kinh nghiệm.

Mọi sự hiện hữu trong cả thân và tâm, trong và ngoài, có cùng bản tánh không sanh một cách bổn nguyên. Bổn nguyên không có nghĩa ‘trong lúc bắt đầu của thời gian’ mà là ‘ở cội rễ của khoảnh khắc, cái tinh túy, con đường và nguồn gốc nền tảng của tình huống’. Cái bản tánh nhất như này được diễn tả là Trống Không bởi vì nó không có những đặc tính và không có phẩm tính. Nó là không thể quan niệm được và không có bến bờ. Nó không thể gọi là vô hạn và chắc chắn nó không hữu hạn. Nó không vĩnh cửu cũng chẳng tạm thời, không nguồn gốc và không cuối cùng. Thế nên nó được nói là không sanh (vô sanh) và Trống Không. Tánh Không này được hiểu trước hết bằng sự quán chiếu vào tính chất không có bản chất của mọi yếu tố của kinh nghiệm, cả bản tánh không có bản chất của những hiện tượng bên ngoài và sự không có tự ngã của thân tâm. Khai triển quán chiếu này, nhiều mức độ của tánh Không được khám phá, dẫn đến Thực Tại Tối Hậu trong đó không có phân biệt nhị nguyên để quấy nhiễu trạng thái an lạc toàn hảo.

Cái nhìn thấy này thì vượt khỏi những đặt tên của triết học. Kinh nghiệm không thể nói được là một hay nhiều, nhất thể hay đa thù. Không có tâm lang thang để trở nên bị ám ảnh bởi sự gán tên trừu tượng trong cường độ của tri giác trực tiếp. Bản tánh của thực tại không thể định nghĩa bởi bất kỳ cực đoan nào. Nếu cái một được xem là tuyệt đối thì bấy giờ thiếu một sự phân biệt những chủng loại và sự phong phú trọn vẹn của kinh nghiệm sẽ không phơi bày. Nếu cái nhiều được xem là tuyệt đối thì bấy giờ tâm sẽ bị phân mảnh và lắc lư vì không tìm thấy cái nhất thể toàn bộ, đồng thời ở trong nguy cơ đồng hóa với một kinh nghiệm giới hạn, tạo ra sợ hãi hoặc kiêu mạn.

Câu thứ nhất mô tả kinh nghiệm bước đầu của cái Nhìn Thấy Trung Đạo, cái thấy này sanh khởi trong một tâm yên tĩnh và trong sáng. Khi khai triển cái nhìn thấy, hình tướng huyễn thuật và cái nền tảng Trống Không của nó trở thành Thai Tạng của An Lạc của Phật. Như Lai tạng là hạt giống của Phật quả trong mọi đời sống hữu tình, là sự toàn thiện tiềm ẩn và nó là hiện thực được chứng ngộ của Phật tánh. Nó là một nền tảng tỏa khắp và một biểu lộ đồng thời của toàn thiện. Nó siêu vượt khỏi sự rối loạn mê lầm của kinh nghiệm giữa sanh ra và chết, khổ đau của Bánh Xe Sanh Tử, và nó vượt khỏi sự an bình của tịch diệt nằm ở lúc chấm dứt của thực hành thiền định. Nó được gọi là Đại Niết Bàn hay sự Siêu Việt Vĩ Đại của khổ đau. Sự thực hành dẫn đến chứng ngộ này là sự nhận biết bản tánh của mọi sự trong cùng một không gian tự do.

Với sự tiếp tục an trụ trong Thai Tạng của An Lạc của Phật, sự thanh tịnh và hạnh phúc thanh thản sản sanh ra đức hạnh hay thuộc tính của Phật, nó được xem là biểu lộ trọn vẹn của những rung động siêu việt của bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới, thiền định và trí huệ. Bậc Đại Ngã là người chứng ngộ, làm việc cho lợi lạc và giải thoát của tất cả chúng sanh. Đại Vô Duyên (vô duyên : không bị điều kiện hóa) không phải là sự vắng mặt của những đặc trưng thuộc hiện tượng và đắm mình trong tĩnh lặng và yên nghỉ không dính dấp ; đó là sự hòa đồng với thanh tịnh của mọi sự và là kinh nghiệm mọi sự như là an lạc, dù đồng thời không tách lìa với tánh Không. Một khi sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng đã bị tiêu hủy, sự diễn tả của cái nhìn thấy nhất thiết là trong những từ ngữ nghịch lý.

Trong câu cuối của bốn câu kệ này, Kim Cương thừa, cái nhìn thấy tối hậu về thực tại, được diễn tả theo tính tự nhiên trực tiếp mà không hề cách lìa trí huệ ba la mật vốn sẵn. Maha Yoga, Anu Yoga và Ati Yoga là nền tảng, con đường và sự hoàn thành cuối cùng. Ở đây cái nhìn thấy của những Tantra cao nhất được hoàn hảo. Không có cái gì trong đời sống hay cái chết phá hủy được sức mạnh của tập trung, nó thấu hiểu bản tánh của mọi tình huống và kinh nghiệm. Mỗi tình huống được nhận lấy ngay khi nó sanh khởi và được chuyển hóa thành cam lồ làm dịu bớt và thỏa mãn sự đau khổ của những ai cần đến. Sắc tướng được thấy là thân thể của Guru, và tư tưởng là tuyệt đối tự do thoát khỏi ý niệm. Có sự làm chủ trọn vẹn trong nhất thể của bản chất và biểu lộ, của trí huệ thấy biết và sắc tướng của sự thấy biết. Ở đây những nguyên lý dương và âm được dùng để tiêu biểu cái hai trong cái một, thực tại tối hậu không thể diễn tả.

CÂU 37–40

Theo giáo huấn của một Lama Phật

Con đường dẫn đến kinh nghiệm của những cái nhìn thấy mô tả trong bốn câu vừa rồi bắt đầu bằng sự thực hành một khảo sát tâm và sự khám phá Bốn Đặc Tính của Tất Cả Kinh Nghiệm. Vị thầy của người ta cần phải là một người mà những thành tựu biểu lộ rõ ràng. Một vị thầy để lại nghi ngờ về khả năng và chứng đắc thì không phải là một phương tiện chuyên chở thích hợp cho lòng tin của người cầu đạo, vì người này sẽ có khả năng trở nên sợ hãi và không ổn định vào lúc nào đó trong khi thiền định. Một vị thầy cần rộng lượng hơn là quá tiết kiệm, kiên nhẫn hơn là làm đại khái, đạo đức trong việc tuân theo những quy ước xã hội hơn là lười biếng và thụ động. Vị ấy cần tuân thủ thực hành thiền định và thủ tục nghi thức chính thức đều đặn, và cần có năng lực của tỉnh giác tạo một thấm nhiễm của lòng bi. Một vị thầy như vậy là một đạo sư của Dzogchen, Đại Toàn Thiện.

Đại Toàn Thiện vừa là tên của một tông phái thiền định vừa là đỉnh điểm của thực hành Tantrayoga. Nó là cái cao nhất của những pháp môn Nyingma và là cái thanh tịnh nhất trong những dòng đương thời của truyền thống Tantra. Phong trào phục hưng Ris-med vùng Kham miền đông Tây Tạng giữa thế kỷ 19, được dẫn đạo bởi Terton Jamyang Khyentse Wangpo phát xuất từ truyền thống Dzogchen. Thế giới Tây phương may mắn có khả năng tiếp xúc trực tiếp với những Lama từ vùng Kham đi qua Ấn Độ, vào năm 1959. Atiyoga là sự thực hành Đại Toàn Thiện, nó là sự hoàn thành hay trọn vẹn tối hậu. Một vị thầy Dzogchen là một vị Phật và bởi thế là người tốt nhất trong tất cả những vị thầy.

Tâm rút khỏi sự mê lầm của những bận rộn kích thích thần kinh trong thiền định phân tích ở trước. Rồi, khi thúc đẩy phiền não không sanh khởi nữa và tham muốn đối với hiện tượng và bản thể đã dừng, cái đối trị với khổ là chất kích thích ban đầu để thực hành, sự phân tích suy lý và khảo sát tâm cũng tan biến. Đây là nền cho sự phát hiện trực tiếp Đại Toàn Thiện. Trước khi Phật tâm có thể đem lại hiểu ngộ liên tục và mạnh mẽ, những thực tập thiền định phải từ khước mọi cái ngăn chặn dòng tỉnh giác trí huệ. Cắt đứt và tịnh hóa là những giai đoạn thứ nhất của con đường. Sự phát hiện trực tiếp này thay thế cho tiến trình dài lâu tinh lọc về đạo đức, cái này là đặc trưng của những thừa thấp, và đem Dzogchen đến gần hơn và mật thiết hơn với Thiền tông của Trung Hoa và Zen của Nhật Bản.

Những câu này tóm tắt sự khai triển của thực hành, kết thúc với hình ảnh một con chim trong bầu trời. Con chim này lướt qua bầu trời với một cánh của phương tiện thiện xảo bao gồm năm Ba la mật đầu và cánh kia của quán chiếu ám chỉ Bát nhã ba la mật, sự hoàn thiện của trí huệ phân biệt. Con chim này là chim Bồ đề, mà chỉ chư Phật và chư Bồ tát biết được.

CÂU 41–43

Trong giáo lý của Truyền Thống Cao Cả

Ba thừa nhấn mạnh cách thức thiền định này là Thanh Văn thừa, Độc Giác Phật thừa và Đại thừa. Suốt khắp thế giới của Phật pháp, bây giờ và trong quá khứ, thiền quán chiếu khảo sát vipẳyan này là nền tảng của thực hành. Những phương pháp trình bày thì khác biệt cũng như những mục tiêu quan điểm, nhưng thực hành căn bản thì như nhau. Mipham Rinpoche đã cho những giáo huấn chính xác làm sao thiền định trong bối cảnh tổng quát của sự khai triển của Bồ tát. Cả Thanh Văn thừa và Độc Giác Phật thừa chỉ trình bày một quan điểm phần hạn do viễn cảnh thấp của các vị. Bậc Thanh Văn nhắm đến hủy diệt nguyên nhân của nhiễu phiền não và sự thất vọng thế gian của mình, không biết yoga tinh tế hơn của việc khám phá bản tánh của Thực Tại Tối Hậu. Độc Giác Phật nỗ lực loại bỏ cả phiền não và vô minh khỏi tâm mình nhưng giữ an lạc cho chính mình. Trong Đại thừa tất cả thực hành khai triển với toàn thể chúng sanh hữu tình trong tâm.

Hình ảnh tinh luyện vàng thường có trong những kinh điển về thiền định để diễn tả sự tinh tế của tiến trình chuyển hóa và trau dồi tâm cho đến tiềm năng cao nhất của nó. Thiền định phải không bị ép buộc hay, như con khỉ tham lam thọc tay vào bình đậu phộng cố gắng lấy ra cho nhiều để ăn, nhưng không thể nào kéo ra với nắm tay. Nhưng cũng như lửa thiêu cháy những chất dơ ra khỏi vàng phải thường trực ở nhiệt độ cao, sức mạnh của tập trung trên những đối tượng của tâm cần được giữ thường trực trong khi thiền định. Vàng ròng có thể được đúc thành bất cứ hình nào mình muốn cũng như tâm có thể đáp ứng cho những nhu cầu của những người khác, mang lấy hình dáng và sanh ra rung động cần thiết để đem lại hòa hợp.

CÂU 44–45

Trong những Kinh có nói rằng

Chân lý bốn phần của Đại thừa ám chỉ cùng những tính cách của những hiện tượng – phức thể hợp tạo, vô thường, nguồn gốc của khổ và vốn không có bản chất. Dù có nói nhiều về bản tánh của thực tại vượt khỏi một nhận định về bốn tính chất này, ít cái trong sự lắm lời ấy giúp được gì cho chân lý của đề mục. Thế nên có nói rằng ý nghĩa của mọi chủ đề đã được viết ra trong những kinh điển và giải thích, học hỏi trong giai đoạn đầu của việc học Pháp thay vì kinh nghiệm Pháp, thì có thể so sánh với ý nghĩa của giáo huấn này.

Nếu ý nghĩa của giải thích và giáo huấn này được cảm nhận, bấy giờ cấp bách là hạt giống cần được tưới, cây con cần được chăm sóc và cuối cùng quả được hái từ những cây đã trưởng thành. Phẩm chất của quả tùy thuộc vào một nối kết vững chắc với sự thực hành.

Mangalam

Nguyện tất cả chúng sanh được hạnh phúc !

Xem mục lục