Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

Tarthang Tulku và tôi đã gặp nhau ở Ấn Độ hơn mười năm trước đây. Vào lúc đó tôi đảm nhận Ban Triết học Phật giáo và Nghiên cứu Tây Tạng ở Đại học Sanskrit tại  Varanasi.

Chính phủ Ấn Độ đã cấp những học bổng cho những sinh viên Tây Tạng có triển vọng để trở thành những lama và những học giả uyên bác, và giao cho tôi phát triển một chương trình không chỉ mới mẻ lúc bấy giờ mà chưa từng có loại nào tương tự trong lãnh vực nghiên cứu Tây Tạng. 

Tarthang Tulku thuộc về ‘Truyền thống Cổ’ (Nyingma), và khi chúng tôi gặp nhau, tôi đang tìm kiếm một vị đại diện cho truyền thống này sẵn sàng chia xẻ hiểu biết với những ai nhiệt thành muốn học thêm nữa hơn là chỉ bằng lòng với một ít mảnh vụn vào lúc đó. Và như vậy, khi Tarthang Tulku trở thành một nhà nghiên cứu ở Đại học Sanskrit theo lời yêu cầu của tôi, một thời gian hợp tác lợi ích nhất đã xảy ra, vì Tarthang Tulku nhiệt thành muốn cho truyền thống của ông được biết đến và sống động, trong khi tôi thì quan tâm vào điều mà ‘tinh thần sống động’ của Phật giáo này cần nói cho con người hiện đại. Trong lịch sử tư tưởng Phật giáo, thiền định luôn luôn đóng một vai trò chính yếu. Như chúng ta thường hiểu từ này, nó hàm ý một sự nhắm đến hay tập chú chắc chắn của tư tưởng, và đặc biệt, nó gợi ý một nỗ lực để hiểu sự vật được xem xét trong mọi phương diện, liên hệ và giá trị của sự vật ấy. Nó không nhất thiết là một nỗ lực để tìm ra một vấn đề xác quyết. Trong bối cảnh tôn giáo, thiền định được xem là một nâng cấp cho sức mạnh của đời sống, và để làm được điều này, những thử nghiệm đã được làm để đè nén hoàn toàn cái thức, hoặc bằng đủ loại thuốc, khổ hạnh hay những phương thức khác thường không thể phân biệt được, nếu không nói là đồng với sự loạn trí. Chung cho mọi thử nghiệm như vậy là cái cảm nhận ngấm ngầm lan khắp của sự quan trọng của tự ngã, dù sự tự cho là quan trọng này là một trường hợp hoang tưởng đơn giản – ‘thế giới không thể êm xuôi nếu không có tôi’ – hay một tự hạ giá trị – ‘tôi chỉ là một thứ của giả cao cấp nào đó’. Trong cả hai trường hợp, có một sự tưởng tượng thống trị, và như những bản văn Phật giáo thường khẳng định, dù người ta bị ràng buộc bởi một sợi rơm bện hay một sợi xích bằng vàng, thì cũng như nhau. Sự kiện vẫn là chúng ta bị ràng buộc, bị nô lệ và chúng ta không thực là chính chúng ta. Sự tưởng tượng ra một tự ngã hay Đại Ngã là một định đề được nâng lên thành một nguyên lý siêu hình học ; nó có gốc rễ của nó trong ‘vô minh’, sự bất lực không thể hiểu biết sự kiện rằng từ ‘Tôi’ chỉ là một âm thanh đến từ một người nói và không thể đại diện cho vật gì hay người nào, ở đây những văn bản Phật giáo lại khá rõ ràng. Thiền định Phật giáo không quan tâm đến tự ngã, dù là một siêu ngã hay sự tưởng tượng nào khác, mà đúng ra là phá vỡ sự kìm hãm của cái tưởng tượng này và để cho thật tướng của con người hiển lộ. Thiền định như vậy nhắm đến một kinh nghiệm thật tướng trong đó mọi hình thức của một hình ảnh tự ngã chỉ là một sự méo mó và trò nhại. Do bản chất của mỗi hình ảnh tự ngã khiến nó chỉ có thể thấy thế giới như một sự mở rộng của hình ảnh này. Nếu một người là cầu thủ bóng đá, nó sẽ chơi để chứng tỏ khả năng của nó, để gây ấn tượng cho những người khác và để kiếm tiền ; nếu tự tin mình là một tình nhân vĩ đại nó sẽ làm tình với một phụ nữ để chứng tỏ nam tính hùng mạnh của mình. Một người như vậy chỉ sống vô vị trong một thế giới của những ý niệm, những sự trừu tượng hóa, những niềm tin và những bản sao, chúng ít quan hệ gì với thế giới thực. Một người như vậy, nói cách khác, không có chiều sâu, không có hiện hữu đích thực ; nó chỉ là một hiện tượng bề mặt nổi trôi từ một tưởng tượng này đến một cái khác và luôn luôn sản xuất những tưởng tượng mới cũng ‘hỏng chân’ như những cái cũ.

Con người kinh nghiệm thực tại của thế giới bằng thân thể của nó theo nghĩa thân thể là tiêu điểm qua đó nó đáp ứng với những cảm tưởng nó nhận được và nhờ vậy có một thế giới đối với nó. Cách nó quan niệm thân thể nó có thể làm dễ dàng hoặc gây trở ngại cho hoạt động của nó. Thường thì con người đánh giá quá cao hay quá thấp thân thể của nó. Sự phân tích thân thể mà theo bản dịch ở đây tức là bắt đầu thiền định, thì không có nghĩa coi rẻ thân thể, nhưng đưa nó vào viễn cảnh thích đáng. Bằng cách hiểu thân thể như một hình ảnh hay một bộ hình ảnh, chúng ta giải thoát mình khỏi sự thống trị của những hình ảnh này. Bấy giờ, theo một nghĩa nào, thân thể hiện hữu và không hiện hữu. Nó hiện hữu trong chừng mực nó nhiều đáp ứng hơn và nó không hiện hữu trong chừng mực nó không còn là một định đề bắt buộc trong khuôn khổ của một lý thuyết về nó. Thân thể càng sống động và càng ít là một vật ‘chết’, con người càng có thể tri giác và hân thưởng một cách sống động thực tại như nó là và đáp ứng với nó một cách tự nhiên không có những thành kiến. Thế nên, cái thoạt đầu có vẻ là một sự chê bai lại là một phương cách rất hiệu quả để phá tan sự ám ảnh về thân thể như là cái gì có thể và phải được thi thiết cho những mục tiêu ích kỷ, và chính bằng cách phá tan sự ám ảnh cố chấp này mà chúng ta học cách thấy với một sự trực tiếp gần gũi khiến cho những sự vật xuất hiện trong một ‘hào quang’ kỳ diệu, như là thế, mà không phải làm giảm giá trị hiện hữu vốn có của chúng. 

Cũng một phân tích như vậy được áp dụng cho cái gọi là ‘tâm’. Hầu hết những kinh nghiệm của chúng ta được lọc qua một hệ thống những phạm trù, những tạo dựng, những tưởng tượng và những chuyên mục, luôn luôn quy ngã trên giả định rằng thế giới chỉ có thể được thấy từ điểm lợi thế của những thích thú hay đòi hỏi của người tri giác. Cái tri giác đòi hỏi như vậy thực sự làm méo mó bất cứ cái gì được tri giác ; nó luôn luôn là một cố gắng bắt buộc những sự vật phải là điều chúng không bao giờ có thể là và là cuộc chiến đấu tự chuốc lấy thất bại chống lại một đáp ứng tự nhiên với những sự vật bằng cách chỉ để cho chúng là vậy. Để cho những sự vật hiện hữu là cách nói khác của việc đưa những sự vật vào viễn cảnh thích đáng. Ngược với sự bận rộn trước kia với những tưởng tượng tạo tác và ép buộc của mình lên sự hiện hữu thật sự của những sự vật, có vẻ như là tâm đã trở nên ‘trống không’. Không may là ngôn ngữ của chúng ta phải dùng cái từ dễ dẫn đến hiểu lầm này đối với một từ nguyên gốc chẳng có gì là phủ định trong nó cả. Điều đã xảy ra không phải là tâm đã mất đi trong một sa mạc hay một vùng đất hoang vu vắng vẻ nào, mà nó được phong phú giàu có quá đỗi và sự giàu có này thách thức mọi so sánh với những nội dung nhỏ mọn của tri giác bình thường. Theo cùng cách với thân thể không bị từ khước hay khinh miệt bằng cách đem nó đối kháng với một tâm thức cao cấp và giả định nào đó, cũng thế tâm không bị áp bức, đè nén cho một cái ‘tâm linh’ được quảng cáo một cách rầm rộ nào đó. Cái chúng ta gọi là ‘thân’ và ‘tâm’ chỉ là những sự trừu tượng hóa từ một kinh nghiệm thực tướng không thể bị giản lược thành một sự trừu tượng hóa này hay một cái khác, cũng không thể giả thuyết thành một loại sự vật mà không giả tạo hóa hiện hữu chân thực của nó. Như vậy thiền định Phật giáo khác với những hình thức khác khi giúp cho con người hiện hữu, hơn là làm cho nó quy thuộc một cái gì hoặc xóa bỏ nó bằng cách đòi hỏi cái không thể. Bằng cách tái phục hồi hiện thể của con người, nó là chữa lành trong nghĩa tốt nhất của từ này.

Bản văn mà Tarthang Tulku cùng với những đệ tử của ông đã dịch ở đây dưới tiêu đề Yên Tĩnh và Trong Sáng có tác giả nổi tiếng là Mipham Jam-dbyangs rnam-rgyal rgya-mtsho (1846-1914), được xếp vào hàng những Terton, những vị thầy của ‘Những Giáo Lý được Che Dấu’ (terma). Từ này nói lên sự kiện rằng những bản văn của Truyền Thống Cũ không ăn khớp với Phật giáo chính thống vốn đã được truyền một cách mạnh mẽ bởi những người Ấn Độ vào Tây Tạng, mà được che dấu vào thời của những vị vua Trisong Detsen (755-787) và Langdarma (836-842). Về sau, những ‘giáo lý được che dấu’ này được cho là của Padmasambhava và sự nối kết này được những người của cánh Phật giáo Ấn Độ chấp nhận. Hơn nữa, có nói rằng chúng còn sẽ được tái khám phá trong tương lai. Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng những bản văn này không phải là những tác phẩm được cất dấu theo nghĩa đen rồi được đào lên tìm thấy lại, mà là chúng được tiếp tục trình bày ‘tinh thần sống động’ của Phật giáo. Thực ra, những tư tưởng có gốc rễ trong quá khứ (‘che dấu’) nhưng trổ quả ‘trong tương lai’, bởi vì chính trong ánh sáng của kinh nghiệm hiện tại của chúng ta (‘khám phá’) mà chúng ta dự phóng những thái độ tương lai của chúng ta, hành động dự phóng này xảy ra ở đây và bây giờ.

Tôi thành thật hy vọng rằng công trình của Tarthang Tulku – ông cũng thuộc về dòng những Terton, moi từ quá khứ nhưng nhìn về phía trước – sẽ phổ biến rộng và giúp cho những người tìm kiếm.

Xem mục lục