Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

Tạo ra từ công đức chúng sanh nói chung và dân Tây Tạng nói riêng, hóa thân ảo huyễn của Văn Thù Sư Lợi xuất hiện như Trisong Deutsen, Bồ tát và Pháp vương. Để thỉnh cầu xây dựng ngôi chùa có tên là Samye, “Sựï Hoàn Thành Tự Nhiên của các Ước Nguyện Vô Biên,” và với ý định truyền bá Phật pháp vào Tây Tạng, vua mời Bồ tát Lotpošn, và phát tâm Bồ Đề để biểu lộ sự cần yếu phải được thúc đẩy bởi thái độ giác ngộ của tâm Bồ Đề. Để biểu lộ sự chín mùi và giải thoát của tâm Bồ Đề, vua mời Padmasambhava, đại đạo sư của Uddhiyana, để ban cho các quán đảnh và để đem tiếp cận và thành tựu đến giới hạn của sự toàn thiện. Để biểu lộ sự cần thiết phải mở rộng và làm cho nó nở rộ, vua mời pháp sư Vimalamitra đến để chuyển bánh xe Pháp của các thừa nhân và thừa quả. Để biểu lộ sự viên mãn rốt ráo và thành tựu tự nhiên của các giáo lý về thân, lời, và tâm giác ngộ, nhà vua xây dựng chùa Samye vinh quang và cử hành các buổi lễ thụ phong. Như thế vua quảng bá Phật pháp ở Tây Tạng ; và làm cho lời dạy và sự thực hành của Giáo thừa và Mật thừa chiếu sáng như mặt trời mọc.

Đặc biệt, vị vidyadhara vĩ đại có tên là Padmasambhava, một lưu xuất nhiệm màu của ba thân, đến Tây Tạng bởi thần lực của các nguyện vọng và đại bi của ngài. Trong thời gian lâu ở lại đó, Padmasambhava đã ban cho đức vua, các đệ tử chính khác và những người có phước, vô số giáo huấn rộng rãi và sâu xa cho sự trưởng thành và giải thoát của tâm thức. Trong nhiều lời dạy ngài ban cho tôi, Tsogyal họ Kharchen, tôi chép lại ở đây một sưu tập mọi lời dạy về ý nghĩa hữu ích như là một khuyến khích đối với thực hành tâm linh. MAHAKARUKINA SAMATI AH.

Đạo sư Padma nói : Tsogyal, chúng ta phải thực hành một giáo lý đem lại giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta không làm được điều đó, thì sẽ cực kỳ khó khăn có được một thân người với tự do và sung túc như thế này.

Có một thân người như vầy khó khăn đến thế nào ? Nó cũng khó như tìm kiếm một hạt đậu khi con ném nó thẳng vào bức tường, như một con rùa ngóc đầu lồng vào một khung gỗ nổi dật dờ trên biển cả, như ném hạt cải qua một lỗ kim.

Lý do khó khăn ấy là sáu loài chúng sanh cũng giống như một đống hạt. Các chúng sanh địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh giống như nửa ở đáy, các loài một-nửa-chư thiên là phần trên, và chư thiên và loài người chỉ giống như chóp đỉnh, so sánh với các loài chúng sanh khác, hầu như không thể có một thân người. Tsogyal, hãy thử đếm số chúng sanh của sáu loài !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, dầu cho có khó khăn ấy, con đã có được một thân người qua phước đức quá khứ, nhưng cũng còn khó khăn để thực hành Pháp thiêng liêng nếu như con không có đầy đủ giác quan, như điếc, đui hay câm. Nếu con tái sanh giữa những người sơ khai hay hoang dã, cũng không có cơ hội thực hành Pháp. Nếu con sinh ra trong một gia đình với tà kiến hư vô của ngoại đạo cực đoan, con cũng sẽ không đi vào giáo pháp của Phật.

Bây giờ chúng ta được sinh ra trên Nam Thiệm Bộ Châu, trong một đất nước văn minh nơi đó có Phật pháp. Chúng ta đã đạt được cái khó đạt là môït thân người quý giá, và khi giác quan chúng ta còn toàn vẹn, chúng ta có thể gặp các bậc thầy cao cả, có quyền chọn lựa điều gì chúng ta muốn làm, có thể đi vào Phật pháp, thực hành Pháp thiêng liêng, và cộng trú với Tăng chúng. Nếu vào lúc này chúng ta không áp dụng giáo lý đưa đến giải thoát và giác ngộ, thân thể quý báu này sẽ vô cùng lãng phí.

Chớ trở về trắng tay khi đã đến đảo châu báu ; chớ lần lữa trong sự đói nghèo khi đã gặp kho tàng vô tận ! Chúng ta phải vượt qua đại dương khi chúng ta có thuyền bè ; chớ để cho chiếc thuyền thân người này tuột mất !

Bây giờ là lúc để phân cách sanh tử khỏi Niết Bàn, hãy vui vẻ nỗ lực trong thực hành ! Bây giờ là điểm phân chia giữa hạnh phúc và khốn khổ ; chớ thu xếp cho tai họa của chính mình ! Bây giờ là lúc khi những con đường đi lên và đi xuống phân chia ; chớ có nhảy vào vực thẳm của các cõi thấp !

Bây giờ là lúc để chỉ ra sự khác biệt giữa trí và ngu ; chớ ấp úng hay nhìn sững ! Bây giờ là lúc để có được công đức ; chớ bận rộn và tiếp tục tay không ! Bây giờ là lúc để thấy ai là người vĩ đại hay ngu ngốc ; chớ tìm kiếm giác ngộ vì lợi danh !

Bây giờ là lúc để thấy ai là người tốt hoặc xấu ; hãy vất bỏ các theo đuổi thế gian ! Thời điểm bây giờ được ví như chỉ một bữa ăn trong một trăm ngày ; chớ làm như con có đầy đủ thời gian ! Bây giờ là lúc sự tai hại của một phút giây lười biếng sẽ có hậu quả lâu dài ; hãy vui vẻ nỗ lực trong tu hành ! Bây giờ là lúc chỉ một năm kiên trì sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi đời sắp tới ; hãy ở thường trực trong thực hành Pháp !

Ta luôn thương xót cho những ai rời bỏ cuộc đời này với hai bàn tay trắng !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, chúng ta không biết khi nào cái thân người này, có được với bao nhiêu khó khăn, sẽ chết ngày mai hay ngày kia, thế nên chớ lo toan cho mình như mình sẽ sống mãi mãi ! Chúng ta không chắc khi nào thân xác mượn từ bốn đại này sẽ ngã xuống, thế nên chớ quý báu, si mê nó !

Sanh ra không dẫn đến cái gì khác hơn là chết ; hãy tu hành trong bản tánh vô sanh như là định mệnh của con ! Gặp gỡ không dẫn đến cái gì khác hơn là chia lìa ; hãy cắt đứt sự gắn bó vào những người sống chung ! Thu góp không dẫn đến cái gì hơn là cạn kiệt ; hãy rộng lượng mà không bám níu ! Xây dựng không dẫn đến cái gì khác hơn là hoại diệt ; hãy giữ các chốn ẩn cư trong hang và núi !

Ham muốn và tham vọng không dẫn đến gì khác hơn là đau khổ ; hãy buông bỏ lòng khát vọng của con ! Kinh nghiệm mê lầm không dẫn đến cái gì khác hơn là vô minh ; hãy hủy hoại tri giác nhị nguyên ! Làm như thế con sẽ luôn luôn hạnh phúc, nhưng chỉ với ai biết nghe lời khuyên nhủ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, ta đã nói điều ấy cho mọi người, nhưng không ai nghe. Khi nào Thần Chết nắm bắt con, lúc ấy không còn cơ may để giải thoát. Người nào không thực hành Pháp sẽ hối tiếc điều này khi cái chết đến.

Năm, tháng và ngày trôi qua không chần chờ ngay cả một giây. Cuộc đời này qua đi không dừng nghỉ dầu cho một giờ hay một phút, và rồi chúng ta chết. Các mùa tiếp tục, nhưng cuộc đời chúng ta chấm dứt và không chờ đợi.

Con có tuyệt vọng không, khi nhìn cái chết đến gần với năm, tháng, ngày lần lượt ra đi ? Làm sao con có thể cảm thấy hài lòng khi người nào cũng chết, không hy vọng và bất ngờ ? Làm sao con có thể cảm thấy hài lòng với con cháu và sự sung túc khi chúng chẳng dùng được gì vào lúc chết ? Làm sao con có thể cảm thấy tự tin khi đi theo con không có gì ngoài nghiệp tốt và xấu ?

Những người nào không cắt đứt sự trói buộc của họ vào hình tướng cụ thể và cái thấy trường tồn là những kẻ điên rồ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, không có cách gì có được thân người khi ở trong các trạng thái không tự do, bởi thế lúc ấy có đề cập đến tu hành và giải thoát cũng là vô ích !(33)

Ngay lúc này chúng ta có quyền chọn lựa điều gì chúng ta muốn làm, tuy nhiên người ta nói rằng không thể áp dụng Phật pháp. Có được thân người với tự do và sung túc, họ nói là không có thì giờ cho thực hành tâm linh. Hoàn toàn có thể thường xuyên làm nô lệ cho thực phẩm và áo quần, họ nói rằng không thể thực hành Pháp thiêng liêng dầu chỉ một năm. Không mệt mỏi trong bận rộn sanh tử, họ nói không thể chịu đựng dầu chỉ một khó nhọc nhỏ nhất trong việc liên quan đến Pháp. Trong khi có thể chịu đựng khổ đau không ngừng nghỉ, họ nói không thể để dành ngay chỉ một mùa hè hay mùa đông cho hạnh phúc của thực hành tâm linh.

Người không chú ý đến Pháp hình như không muốn hạnh phúc !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, điều quan trọng nhất là nỗ lực trong tu hành khi con còn trẻ. Khi con đã già con có thể muốn nghe giáo pháp nhưng lỗ tai con lại không muốn nghe. Con có thể muốn học hỏi nhưng sự chú tâm của con thì nặng đục và trí nhớ con thất thoát. Con có thể muốn đến với Pháp, nhưng thân con không thể đi hay ngồi. Con có thể muốn thực hành, nhưng sức mạnh của các đại đã tàn và con không thể tập trung. Con có thể muốn cho đi tài sản vật chất của con nhưng chúng đã bị người khác kiểm soát và con không còn đảm đương chúng. Con có thể muốn chịu khó nhọc nhưng hệ thống của con không chịu nổi sức ép. Làm cho thầy con và các bạn Pháp không vui, khi tuổi già đến, con có thể muốn thực hành nhưng không thể. Con sẽ ước ao “Phải gì tôi đã có ý chí và nguyện vọng khi tôi còn trẻ,” nhưng điều đó sẽ không giúp gì nữa cả. Đã quá trễ để hối tiếc là không thực hành Pháp gì khi con còn có thể.

Người không cảm thấy có quan tâm nào đến sự thực hành Pháp khi trẻ thì không hơn gì kẻ ngu đần !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, khi thực hành Pháp giải thoát, cưới vợ cưới chồng và dìu dắt một đời sống gia đình thì cũng giống như bị kềm giữ trong xiềng xích chặt chẽ không có tự do. Con có thể muốn chạy thoát, nhưng con đã bị nhốt trong ngục tối của sanh tử không lối thoát. Con có thể hối tiếc về sau, nhưng con đã chìm trong vũng lầy của tình cảm, không chỗ ra. Nếu con có con cái, chúng có thể dễ thương nhưng chúng là cây cọc côït con trong sanh tử. Nếu không có con, sự lo lắng rằng gia đình con sẽ chết đi thì còn lớn hơn nữa. Nếu con có tài sản, giữa lâu đài và ruộng vườn, chẳng có rỗi rảnh nào để thực hành Pháp. Nếu con không có, sự cực khổ và tranh đấu khi không có miếng ăn còn lớn lao hơn. Nếu con có người hầu hạ và người làm, rốt cuộc con bị bận rộn vì làm một người nô lệ cho sự quản lý. Nếu không có, sự thiếu quyền hành làm cho con bị người khác kiểm soát, thì không có tự do để thực hành Pháp. Theo cách đó cả cuộc đời hiện tại và tương lai của con bị phá hủy.

Trong bất cứ trường hợp nào, người kết hôn và trở thành chủ gia đình chìm đắm trong đầm lầy của sự khốn khổ không có dịp may để giải thoát.

Đại sư Padma lại nói : Tsogyal, các niềm vui của thế gian này cực kỳ thoáng qua, nhưng nếu con có thể thực hành giáo pháp thiêng liêng, hạnh phúc của con sẽ kéo dài lâu xa. Sự thịnh vượng của thế giới này là vô thường và trôi mất, nhưng nếu con có thể thường trực gom góp các tích tập, con thực sự là giàu có. Người nào dấn mình vào những hành động xấu là điên rồ, nhưng người nào làm điều tốt thì nhạy cảm và khôn ngoan. Người nào cam kết mình vào các giáo lý có ý nghĩa là đáng kính, nhưng người nào theo đuổi lợi danh vô nghĩa là không thận trọng và không có đạo đức. Danh lợi vật chất thế gian là chủ nhân của sự khốn khổ ; cao quý là người đạt đến Phật tánh trong chỉ một đời.

Những ai bám vào thế gian này không bao giờ tìm thấy dịp may thoát khỏi sanh tử !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, phiền não khởi ra do hoàn cảnh, thế nên hãy thoát khỏi cõi đất của thương và ghét. Chướng ngại được khởi dẫn do phóng dật, thế nên hãy giữ mối liên hệ với một bậc thầy cao cả như với một y sĩ. Nghèo khó và buồn phiền trong đời này có hệ quả từ các hành động trước kia, thế nên hãy sống những nơi ẩn cư không có người. Hành động sai lầm được tạo bởi hoàn cảnh, thế nên hãy tránh cộng đồng xấu như với thuốc độc. Cạm bẫy xảy ra là do tà kiến, thế nên hãy học hỏi và tư duy phóng khoáng. Tiến lên hay sa đọa xảy ra với bất kỳ ai, người sống lẫn người chết, thế nên chớ phê phán người khác. Bất kỳ niềm vui và hạnh phúc nào xảy ra với con, nó là do các phước đức riêng của con, thế nên chớ kiêu hãnh. Hãy cố gắng đạt đến giác ngộ khi con có năng lực để tránh đi vào các cõi thấp của luân hồi.

Người nào sống trong hạnh xấu sẽ chịu đựng lâu dài !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nói chung, cái chết của con không có thời gian xác định ; nó đã đi chung với con từ khi sanh ra. Hoàn cảnh mà do đó con chết cũng không chắc chắn ; con chết cả khi không có ý định. Cái chết không bao giờ từ bỏ con, và con có thể gom góp mọi sự giàu có của tất cả thế giới nhưng vẫn phải bỏ chúng lại phía sau.

Sanh tử không biến mất khi con chết ; con lại sẽ đi lang thang qua ba cõi. Không có hạnh phúc trong cuộc sanh tử ; con không bao giờ vượt qua khổ đau dầu con có sinh ra chỗ nào trong sáu loại chúng sanh. Con đã lang thang biết bao nhiêu trong quá khứ, chịu đựng đau đớn không nói hết ! Và con sẽ tiếp tục lang thang qua sanh tử, lắc lư theo những ngọn sóng khổ đau. Tốt hơn là thực hành Pháp và cắt đứt sự trói buộc của con vào đau khổ. Trừ phi con đến đất liền, con không thể nào dẫn người khác ra khỏi sanh tử. Nhưng hình như tất cả hành giả vẫn gắn liền với sự vui chơi của thế gian và lại tự ném mình trở lại sanh tử.

Với sự giúp đỡ của tự do và sung túc, con phải cắt đứt sự trói buộc vào sanh tử ngay bây giờ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, trừ phi con đạt đến giải thoát bây giờ, con chỉ chìm thêm vào cuôïc khổ đau, chưa tính đến con sẽ sinh ra chỗ nào. Trừ phi con sống trong núi non, còn không con chỉ sống trong ngục tù của sanh tử, bất kể con ở chỗ nào. Trừ phi con dấn thân vào thực hành tâm linh, nếu không con chỉ tạo thêm nghiệp xấu cho sanh tử, bất kể con làm gì.

Trừ phi con gom góp hai sự tích lũy, bất cứ thứ gì khác con góp nhặt chỉ trở thành trò gian lận của Ma. Trừ phi con theo một vị thầy tâm linh, người nào khác con theo chỉ là một người hướng dẫn vào thêm trong sanh tử. Trừ phi con nghe lời dạy của thầy con, người nào khác con nghe chỉ là một cố vấn làm con sa đọa.

Trừ phi các phẩm chất tâm linh nảy sanh trong dòng sống của con, bất cứ đồng hành nào cũng chỉ là một sự trợ giúp cho tà nghiệp. Trừ phi con thấu rõ tự tánh của tâm con, bất kỳ tư tưởng nào chỉ là suy nghĩ ý niệm danh tướng. Trừ phi con có thể điều khiển tâm con, bất cứ điều gì con làm chỉ kéo dài hư vọng. Trừ phi con chán ngán sanh tử, bất cứ điều gì con làm chỉ là những hột giống cho các cõi thấp.

Người nào không nhàm chán sanh tử sẽ đau khổ không ngừng nghỉ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, không có cái gì khác giúp đỡ được con khi đối diện với cái chết, thế nên hãy làm như vầy. Tìm một vị thầy ngài là hiện thân của các giáo lý Đại thừa. Nhận những lời chỉ dạy chúng là hiện thân của sự chứng ngộ chân thật về bản tánh của tâm.

Tìm kiếm và duy trì một chốn ẩn cư an lành nơi ấy có đủ những nhu cầu. Thực hành với một sự chuyên cần không ngừng nghỉ. Làm đầy kho tàng của con không chần chừ uể oải.(34)

Giữ mối liên lạc với người nào có đức tin, kiên trì, và thông minh. Hãy thực hành các giáo lý đưa con đến giải thoát. Lánh xa như thuốc độc các việc xấu dẫn con đến các cõi thấp. An trụ tràn đầy bởi tâm bi, gốc của Đại thừa. Vì mục đích ban đầu của con, hãy tu hành tánh Không vô niệm. Trừ phi con vất bỏ các phóng tâm, sẽ khó khăn để thành tựu bất kỳ cái gì qua thực hành tâm linh !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, con có nghe rằng ông bà và tổ tiên con đã chết ? Con có thấy những người cỡ tuổi con và xóm giềng đã chết ? Con không chú ý rằng các bà con của con đã chết, dù họ trẻ hay già ? Con không bao giờ thấy một thi thể được đem ra nghĩa địa sao ? Làm sao con không nhớ được rằng cái chết sẽ đến với con ? Nếu con ở yên không làm gì cả, thời gian đạt đến giải thoát sẽ không bao giờ đến !

Căn nguyên chính của các đức tính là đem tính vô thường ghi nhớ trong lòng, thế nên chớ bao giờ quên nỗi sợ chết. Trong tất cả quan niệm, vô thường là cái trổi vượt nhất, thế nên chớ bao giờ lìa xa nó. Thái độ tin tưởng rằng mọi vật thường còn chính là căn nguyên của mọi việc làm sai lầm, thế nên hãy vất bỏ nó đi ! Trừ phi trong tâm con thành thực có thái độ này (về vô thường), ác hạnh sẽ chất đầy như núi.

Để điều đó rõ hơn : người bình thường không tìm kiếm giải thoát ; người có danh phận thì kiêu hãnh và bám vào sự tự đánh giá phô trương ; người giàu có thì bị cùm kẹp trong tính hà tiện ; người ngu sưởi ấm trong các việc xấu ; người lười biếng sống trong lãnh đạm ; người thực hành mà quay trở lại với thế gian ; vị thầy dạy Pháp lạc vào tám mối quan tâm thế gian ; và thiền giả, mất đức tin và chuyên cần, theo đuổi các mục tiêu của đời này. Tất cả các điều này là do không nhớ vô thường trong lòng.

Một khi ý nghĩ về vô thường thật sự hòa trộn vào dòng sống của con, mọi phẩm chất của con đường giải thoát sẽ chất đầy như núi. Thế nên hãy hình thành thái độ rằng các mục tiêu thế tục là phù phiếm, vô ích ! Hãy vất bỏ đi tính vô nghĩa của thế gian !

Hãy lên đường giải thoát với sự dũng mãnh. Chớ bám víu vào sự vật ! Chớ trụ vào năm uẩn cho là chính mình ! Hãy hiểu rằng sự đi trệch chính là Ma ! Hãy hiểu rằng các đối tượng thích thú của giác quan là sự lừa bịp ! Chớ bao giờ rời lìa cảm giác khẩn cấp !

Hãy nhìn công việc của cuộc đời này như kẻ thù ! Hãy tìm một chân sư ! Hãy chạy trốn các đồng bạn xấu. Hãy thoát vào sự cô tịch của các chốn ẩn cư núi non ! Chớ trì hỗn việc tu hành tâm linh của con ! Hãy tuân thủ các lời nguyện và samaya của con ! Hãy hòa tâm con với Pháp !

Nếu con làm như thế, bổn tôn sẽ ban cho con các thành tựu, các dakini sẽ ban phước cho con, chư Phật sẽ hộ trì con, và con sẽ sớm đạt đến giác ngộ – tất cả những kết quả này đều từ việc ghi nhớ vô thường ở trong lòng.

Từ quá khứ cho đến ngày hôm nay, tất cả chư Phật và con cái của các ngài, và mọi vidyadhara và siddha được thoát khỏi sanh tử bởi ghi nhớ điều này ở trong lòng.

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal ! con rơi vào các cõi thấp do mười nghiệp xấu, thế nên hãy sám hối và nguyện tránh dầu chỉ một điều xấu nhỏ nhất. Đức hạnh với tâm trụ tướng không trở thành con đường giải thoát, thế nên hãy ôm lấy bất cứ thực hành tâm linh nào con làm với trạng thái vô tâm ! Công đức tạo được qua vô số kiếp còn có thể bị tiêu tan bởi một giây phút thù ghét, thế nên hãy tu hành tâm từ, tâm bi, và trong khuôn khổ giác ngộ của tâm. Con có thể đã hiểu được tánh Không, nhưng nó sẽ xoay về chủ nghĩa hư vô (chấp đoạn) trừ phi con có thể bi mẫn, thế nên hãy cân bằng tâm Bi và tánh Không !

Trong bất cứ trường hợp nào, không gì có giá trị trừ phi con bỏ sự bám chấp vào các vật như là cụ thể, có thật, thế nên chớ nhìn kinh nghiệm hư vọng của mình là thực thể cứng đặc và có thật !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal ! Trừ phi con tức khắc ném sanh tử lại đàng sau, nghiệp và phiền não của con là nguyên nhân, chắc chắn sẽ làm con tái sanh trong một thân xác bị chi phối bởi điều kiện, đó là kết quả. Khi con sanh lại như thế, thân thể này có bản chất là đau khổ. Sau khi sinh ra, già và chết theo liền không thể tránh. Và khi cái chết xảy ra, chắc chắn không có chỗ đến nào ngoài sáu đường sanh tử.

Sanh lại theo hình thức như thế, tham muốn và khổ đau tự động hiện hữu ; không có sự thoát khỏi biển cả khổ đau của ác nghiệp qua năm độc. Kết quả tất yếu do không thể thoát ra là con quay cuồng không ngừng trong sanh tử luân hồi. Để thoát nó con phải chứng ngộ tánh vô sanh của tâm con. Trừ phi con thấu triệt điều đó, không thể nào giải thoát khỏi sanh tử !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, đại để, sanh tử là không có khởi đầu, cũng không có chấm dứt, nhưng với tư cách là một cá nhân con phải kinh nghiệm sự bắt đầu và chấm dứt của nó ! Con có thể có quyền lực và giàu có trong đời này, nhưng chẳng có giá trị gì bởi vì con phải ra đi. Sức mạnh, quyền lực và các khả năng của con có thể lớn lao, nhưng chúng không thắng nổi Ma Chết.

Con có thể có sự sung túc, xa hoa nhưng chúng không thể lừa được Tử Thần một khi con đang ở trong móng vuốt của nó. Các quân đoàn và sự thịnh vượng của con có thể ghê gớm, nhưng chúng sẽ không chở con tiến lên phía trước cũng không theo sau con được. Con cháu, người hầu hạ, quyến thuộc có thể nhiều, nhưng họ không thể theo con qua cuộc đời tới. Con có thể được bao bọc bởi các đội quân của thế giới, nhưng chúng không thể đánh lui sanh, già, bệnh, chết.

Trừ phi con bảo đảm ngay bây giờ sự tốt đẹp của các đời tương lai, nếu không, ai có thể chịu đựng sự khổ đau rớt vào địa ngục ? Đói và khát của ngạ quỷ thì không nương tay ! Sự nô lệ của súc sanh thì đáng sợ ! Sự đổi thay của đời người hầu hết là khổ đau ! Sự xung đột đánh nhau của các loài bán-Thần (Atula) thì không thể chịu nổi ! Sự đọa rớt của chư thiên thì nhức nhối ! Tất cả quay cuồng trong vòng luẩn quẩn này. Sóng gió của sanh tử thì khó thoát !

Mọi thứ đều vô ích trừ phi con băng qua được vực thẳm của sáu đường sanh tử luân hồi. Để vượt qua được nó, con phải phát triển sức mạnh của trí huệ bất nhị !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nếu con muốn giải thoát khỏi sanh tử, hãy làm như thế này.

Ưa và ghét bình thường của con là tư tưởng sai lầm, hư vọng : hãy cắt tư tưởng trong chính nó. Tin vào một cái ta là gốc rễ và nền tảng của sanh tử : hãy nhổ nó lên ! Đồng bạn và họ hàng là sợi dây kéo con xuống : hãy tháo trói buộc ấy ! Tư tuởng về kẻ thù và ma quỷ là một sự hành hạ cho tâm con : hãy dẹp nó đi !

Lãnh đạm cắt đứt sinh lực của giải thoát : hãy để lại nó đằng sau. Dối gạt và lừa đảo là gánh nặng : hãy vất bỏ nó ! Tham lam và ghen ghét là trận mưa đá hủy hoại mọi điều tốt : hãy trừ khử lỗi lầm ấy ! Quê nhà con là ngục tù ma quỷ : hãy tránh nó như thuốc độc !

Các đối tượng đáng ưa của giác quan là các sợi dây ràng buộc con : hãy cắt sự nô lệ ấy ! Lời nặng nề là một vũ khí tẩm độc : hãy giữ gìn lưỡi con ! Ngu dốt là sự ô nhiễm đen tối nhất : hãy thắp lên ngọn đèn của học hỏi và tư duy ! Người yêu, người hôn phối và con cái là mưu mẹo của Ma : hãy cắt đứt sự gắn bó của con ! Bất cứ điều gì con kinh nghiệm đều là hư vọng : hãy để nó được giải thoát trong chính nó !

Nếu con làm như thế, con sẽ quay xa khỏi sanh tử.

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, khi con hiểu những lỗi lầm của sanh tử, không có vị thầy nào phải tìm ngoài điều ấy. Khi con nhớ vô thường trong lòng, không có sự khuyến khích nào phải cần đến ngoài điều ấy. Khi con chứng ngộ tất cả những gì xuất hiện và hiện hữu là tâm của con, không có con đường giác ngộ nào ngoài điều ấy.

Khi con có lòng sùng mộ vững chắc vào vị thầy của con, không có Phật nào phải tìm ngoài điều ấy. Khi con làm cho mọi chúng sanh được an vui, không có Tam Bảo nào phải thờ phụng ngoài điều ấy. Khi con cắt đứt nền tảng và gốc rễ của tư tưởng, không có tự tánh nào để thiền định về ngoài điều ấy. Khi sanh tử vốn tự giải thoát, vốn là tự do trong chính nó, không có trạng thái giác ngộ nào phải hoàn thành ngoài điều ấy. Một khi con thấu suốt điều này, sanh tử và Niết bàn là không hai.

Ngoài ra, tuổi trẻ thì ngắn trong khi xáo động lại nhiều. Quên thì mạnh khi các phương thuốc thì yếu. Cảm hứng thì yếu khi sự giải trí thì nhiều. Chuyên cần thì hiếm hoi khi lười nhác đầy dẫy. Công việc thế gian thì vô số khi hoạt động về Pháp thì ít ỏi. Tư tưởng xấu là tối đa khi thông tuệ là tối thiểu.

Ôi, bao nhiêu người của thời đại đen tối sẽ hối tiếc nơi ngưỡng cửa của cái chết ! Tsogyal, con phải nhận các lời truyền dạy sâu xa !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, để thoát khỏi cuộc sanh tử con phải có niềm tin vào con đường giải thoát. Đó là niềm tin sanh khởi qua nhân và duyên mà không khởi sanh trên chính nó. Niềm tin sanh khởi khi nhân và duyên trùng hợp và con đem tính vô thường vào trong lòng. Niềm tin khởi sanh khi nhớ lại nhân quả.

Niềm tin khởi sanh khi đọc các Kinh và Tantra sâu xa. Niềm tin khởi sanh khi sống chung với các đồng bạn có đức tin. Niềm tin khởi sanh khi theo một đạo sư và một vị thầy tâm linh. Niềm tin khởi sanh khi ở trong những khó khăn khổ sở.

Niềm tin khởi sanh khi dâng cúng trước một bàn thờ đặc biệt. Niềm tin khởi sanh khi gặp một hành vi sâu xa. Niềm tin khởi sanh khi nghe những gương mẫu cuộc đời của chư Tổ. Niềm tin khởi sanh khi nghe các bài ca kim cương chứng ngộ.

Niềm tin khởi sanh khi thấy sự đau khổ của người khác. Niềm tin khởi sanh khi chiêm nghiệm các khuyết điểm của sanh tử. Niềm tin khởi sanh khi đọc các giáo lý thiêng liêng hợp khuynh hướng của con. Niềm tin khởi sanh khi chú tâm ghi nhận những phẩm chất của các vị cao cả. Niềm tin khởi sanh khi nhận các ban phước từ thầy con. Niềm tin khởi sanh khi gom góp những tích lũy đặc biệt.

Lời khuyên của ta là không bao giờ rời những nguyên nhân làm cho niềm tin sanh khởi.

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nếu con có niềm tin trong lòng con, con phải làm cho nó trường tồn. Nếu không có, con phải làm cho nó sanh khởi.

Thiếu niềm tin cũng giống như làm cho than thành ra trắng : con bị cắt lìa khỏi các công đức của con đường giải thoát. Thiếu niềm tin thì giống như một viên đá quý ở đáy đại dương : con bị chìm dưới bề sâu của sanh tử. Thiếu niềm tin thì giống như một con thuyền không có mái chèo : con không thể vượt qua biển cả. Thiếu niềm tin thì giống như gieo hạt trên đất khô chưa được cày bừa mặc dù đất tốt : không có một công đức nào sống sót.

Thiếu niềm tin giống như một hạt giống bị lửa cháy xém : mầm giác ngộ không thể mọc. Thiếu niềm tin thì giống như du hành qua những vùng đáng sợ mà không có hộ tống : con sẽ không vượt thắng được kẻ thù phiền não. Thiếu niềm tin cũng giống như một kẻ lang thang bị đưa vào tù : con không thoát khỏi được các cõi thấp. Thiếu niềm tin thì như một người cụt tay cố gắng leo núi : con rớt vào vực thẳm của sáu loài chúng sanh.

Thiếu niềm tin thì giống như một con hươu bị thợ săn bắt : con sẽ bị xử tử bởi Thần Chết. Thiếu niềm tin thì giống như một người mù nhìn chòng chọc vào một điện thờ : con không thấy được đối tượng của trí huệ. Thiếu niềm tin thì giống như một người ngu đến một đảo vàng ròng : con không biết cái gì con đã tìm thấy.

Người không có niềm tin không thể đạt đến giải thoát hay giác ngộ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, để đạt đến giác ngộ, có niềm tin là đã hoàn thành một nửa sự thực hành Pháp.

Niềm tin là miếng đất màu mỡ : bất cứ lời dạy nào được trồng sẽ lớn lên. Niềm tin cũng giống như viên ngọc như ý : nó đem lại các phước lành để hoàn thành bất cứ thứ gì người ta theo đuổi. Niềm tin giống như một nhà cai trị thế giới : nó nắm giữ vương quốc của Pháp. Niềm tin thì giống như một lâu đài vững chắc : nó vững vàng trước những phiền não của mình và người khác.

Niềm tin thì giống như cầu hay thuyền : nó cho con vượt qua đại dương sanh tử. Niềm tin cũng giống một sợi thừng đong đưa trong vực thẳm : nó sẽ kéo con ra khỏi các cõi thấp. Niềm tin thì giống như thầy thuốc chữa bệnh : nó sẽ trục xuất căn bệnh kinh niên của năm độc. Niềm tin giống như một đoàn hộ tống mạnh mẽ : nó dẫn con an toàn qua hiểm nguy của sanh tử luân hồi.

Niềm tin giống như một người bảo vệ : nó cứu con khỏi bốn Ma quỷ quyệt. Niềm tin thì giống như trăng càng ngày càng tròn : nó đưa công đức tăng trưởng dần. Niềm tin giống như một món hối lộ để tránh khỏi bị tù : nó đánh lừa Thần Chết ma quái. Niềm tin giống như một con đường đi lên : nó dẫn con đến thành phố văn minh.

Niềm tin thì giống như một mỏ báu vô tận : nó cung cấp mọi nhu cầu và sở thích. Niềm tin giống như đôi bàn tay người : nó gom góp các thiện căn. Niềm tin giống như con ngựa phi nhanh : nó chở con đến điểm giải thoát. Niềm tin giống như một con voi chở vật nặng : nó đưa con càng ngày càng cao. Niềm tin giống như một cội nguồn lấp lánh : nó làm hiển lộ tánh Giác bổn nhiên.

Một khi niềm tin đã hiện lên từ trong sâu thẳm của con, mọi phẩm chất đức hạnh đều đến chất cao như núi !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, cội gốc của mọi đức hạnh của Phật tánh nằm ở nơi lòng tin, thế nên hãy để cho một niềm tin bất biến khởi sanh từ trong sâu thẳm của con. Nó ngăn ngừa những cảnh giới mất tự do và kiếm được tự do và sung túc. Nó gỡ con khỏi đống bạn xấu và khiến con theo một vị thầy đích thực. Nó đóng cửa các cõi thấp và chỉ bày con đường giải thoát.

Nó trục xuất nghi ngờ, do dự và dẫn con vượt khỏi các nẻo của Ma. Nó ngăn cấm kiêu mạn, ganh ghét và làm cho con hoàn thành các tự do và sung túc. Nó giải thoát con khỏi các tội lỗi của hành nghiệp xấu và cho con đạt đến mọi thứ tốt đẹp. Nó làm cho con vượt khỏi các đối tượng tham đắm và có được đức tin để hoàn toàn tùy thuận.

Nó làm cho con bỏ các tà kiến, tà hạnh và có được đức tin vào các lời dạy của các bậc Điều Ngự. Nó rốt cuộc trục xuất các phiền não và để cho con khám phá các đức hạnh vốn sẵn. Nó làm cho con vượt qua được đại dương của đời sống và trở thành một người hướng dẫn thực sự. Nó làm giảm hạnh xấu và tăng trưởng mọi đức hạnh. Nó thải bỏ lời khuyên sai lầm và làm cho con thành tựu yếu tính tối hậu.

So sánh với việc phụng sự chúng sanh nhiều như bụi trong cõi Phật mười phương, các Tantra dạy rằng niềm tin vào giáo lý Đại thừa là công đức lớn hơn !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nếu người ta sẽ nghe, đây là lời dạy họ nên thực hành !

Đủ rồi sự tranh đấu trong quá khứ với những hoạt động vô ích : bây giờ hãy hoàn thành công việc quan trọng ! Đủ rồi sự nô lệ mệt mỏi và vô vọng cho người khác : giờ đây hãy hoàn thành lợi lạc cần thiết cho chính con ! Đủ rồi với những lời và hành động phung phí do năm độc làm ra : giờ đây con hãy chỉ huy thân thể và lời nói hướng về Pháp ! Đủ rồi sự tự mãn lãng đãng của con : giờ đây hãy phát sanh sự chuyên cần vui vẻ trong thực hành !

Đủ rồi sự phục tùng của con với những người thân thuộc : hãy làm sụp đổ bức tường sợ hãi ! Đủ rồi lòng thù ghét đối với kẻ thù và ma quỷ : giờ đây hãy tu hành từ bi !

Đủ rồi với sự bị bắt giam trong sáu đối tượng giác quan : giờ đây hãy nhìn vào trạng thái tự nhiên của tâm !(35) Đủ rồi với sự tạo tác các nghiệp xấu : giờ đây hãy vứt bỏ các việc xấu và tà hạnh !

Đủ rồi sự khốn khổ của con trong sanh tử : giờ đây hãy thoát vào cảnh giới của đại lạc ! Đủ rồi sự kết bè kết bạn : giờ đây hãy sống trong đơn độc ! Đủ rồi với các lời nói xấu xa : giờ đây hãy yên lặng và làm bạn với chân lý ! Đủ rồi với ý nghĩ và tính toán hư vọng : giờ đây hãy nhận ra Pháp thân, khuôn mặt xưa nay của con !

Bây giờ là lúc thống nhất niềm tin và sự chuyên cần để thành tựu trạng thái giác ngộ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, cho đến khi con đạt đến giác ngộ, con cần một vị Thầy, thế nên hãy giữ liên hệ với một vị thầy tâm linh chính thống. Cho đến khi chứng ngộ trạng thái bổn nhiên, con cần phải học, thế nên hãy nhận lãnh các lời dạy sâu xa. Con không giác ngộ bằng sự thấu hiểu đơn thuần của tri thức, thế nên hãy chuyên cần trong thực hành, như thắp một ngọn lửa. Cho đến khi con đạt đến sự an trụ trong tự tánh, con vẫn còn làm mồi cho các chướng ngại, thế nên hãy vất bỏ các công việc làm cho phóng tâm.

Cho đến khi con tới đích đến cuối cùng, con cần phải tăng cường các phẩm tính tốt đẹp, thế nên hãy tu hành tuần tự sự làm mạnh thêm trí huệ.

Hãy tránh bất cứ cái gì làm hại tư tưởng, lời nói và hành vi của con, và luôn luôn buông xả. Tránh nhóm người nào gây ra phiền não và hướng về các bạn bè khuyến trợ con đến đức hạnh. Vào buổi sáng, tối hãy tính đếm các hành vi tốt và xấu và đặt tâm trong sự cảnh giác. Con có thể có được những lời chỉ dạy nhưng mục đích của chúng sẽ bị lãng phí trừ phi con đem chúng thực hành, thế nên hãy thực hành bất cứ điều gì con hiểu.

Các kết quả sẽ tự động theo sau sự thực hành bất cứ điều gì thầy con dạy, thế nên hãy lắng nghe Pháp thiêng liêng !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, thực phẩm và quần áo sẽ tự động xuất hiện khi con thành tâm thực hành Pháp.

Như uống nước muối, tham muốn thì không làm hết khát, thế nên hãy biết đủ ! Hãy trừ khử sự tự cao tự đại, và giản dị hòa nhã và tự chế ! Danh dự và tôn trọng là cái bẫy của Ma, thế nên hãy dẹp nó đi như các tảng đá trên bờ sông ! Lạc thú và tiếng tốt chỉ thoáng qua, thế nên hãy bỏ lại các công việc của cuộc đời ở đàng sau hoàn toàn không ngó tới. Các đời sau sẽ kéo dài hơn đời này, thế nên hãy tự cung cấp lương thực dự trữ tốt nhất !

Chúng ta sẽ phải bỏ đời này một mình không bạn hữu, thế nên hãy tìm sự hộ tống của vô úy ! Chớ khinh miệt người khiêm tốn dễ bảo ; chớ phân biệt cao thấp ! Chớ có ghen với người có phẩm chất ; hãy tự mình có được các phẩm chất ấy ! Chớ có so lường khuyết điểm của người khác ; hãy vất bỏ lỗi lầm của chính con một cách cẩn thận như lượm tóc trên mặt ! Chớ có quan tâm đến sự tốt đẹp cho mình ; hãy lo cho hạnh phúc của những người khác và hãy tốt với tất cả.

Hãy hưng vận bốn tâm vô lượng và nuôi dưỡng tất cả chúng sanh như con mình. Cân nhắc kỹ lưỡng Kinh và Tantra như hàng len, và thâu hóa kinh điển vào trong dòng sống của con ! Hãy khuấy tung các vương quốc như con khuấy bơ, và hãy tìm kiếm các lời chỉ dạy sâu xa nhất ! Mọi sự đều được kinh nghiệm do bởi nghiệp thức tạo từ trước kia và không phải do bởi thèm muốn, thế nên hãy để cho tâm con thoải mái !

Bị khinh chê bởi các bậc thầy cao cả thì còn tệ hơn cả cái chết, thế nên hãy thật thà và thoát khỏi mọi lừa dối. Những rắc rối của đời này là do nghiệp trước kia, thế nên chớ trách cứ người khác ! Tốt đẹp, hạnh phúc là những sự ban phước của thầy con, thế nên hãy để ý trả ơn lòng tốt của ngài. Không điều phục được chính mình, con không thể ảnh hưởng đến người khác, thế nên trước tiên hãy điều phục chính mình ! Không có các tri giác cao cấp con không thể hoàn thành lợi lạc cho chúng sanh, thế nên hãy chuyên cần tu tập.

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nếu người ta biết chăm lo cho chính họ, họ nên nghe các lời dạy của ta.

Chúng ta phải bỏ lại đằng sau mọi của cải tích lũy, thế nên chớ có làm điều xấu đểà cho giàu có ! Sự chín muồi của nghiệp từ hành động tốt và xấu không biến mất dù bao nhiêu kiếp, thế nên hãy cẩn thận ngay cả với hình thức vi tế nhất của nhân quả ! Tài sản vô thường không có bản chất, thế nên hãy dùng chúng cho hành động công đức là bố thí. Đức hạnh tạo ra trong hiện tại con sẽ cần đến trong tương lai, thế nên hãy tuân thủ giới luật thanh tịnh !

Thù ghét thì lan tràn trong thời kỳ đen tối, thế nên hãy mặc giáp nhẫn nhục ! Bởi lười biếng con sẽ lại lạc đường vào sanh tử, thế nên hãy phát sanh sự chuyên cần không phóng dật ! Cuộc đời con đi mất trên con đường giải đãi, thế nên hãy tu hành trong thiền định và tự tánh ! Vô minh hành hạ con trong sanh tử, thế nên hãy thắp lên ngọn đèn trí huệ !

Không có hạnh phúc trong đầm lầy nhơ bẩn này, thế nên hãy tiến đến vùng đất khô ráo của giải thoát. Tu hành đúng đắn giáo huấn sâu xa và cắt đứt mạng lưới của sanh tử. Hãy bỏ quê hương, ở xa thân thuộc, và sống trong chốn ẩn cư trên núi. Hãy vất bỏ các trò tiêu khiển trong tư tưởng, lời nói, hành vi, và nhìn vào bản tánh vốn sẵn vô hạn của con !

Hãy ngồi chỗ thấp nhất, mặc áo quần rách rưới và duy trì kinh nghiệm của con ! Ăn thực phẩm đơn giản, lang thang như những con sông ở Ấn Độ, và hãy khai quật kho tàng trong tâm như những bậc cao cả ! Con không tìm ra chúng sanh nào không khuyết điểm, thế nên chớ bám vào lỗi của thầy con hay của các bạn Pháp !

Cuộc đời này tất cả chỉ là hình tướng bên ngoài : chớ đắm mình trong hy vọng và sợ hãi, mà tu hành theo ‘mọi sự là như huyễn !’ Để làm lợi lạc cho chúng sanh trong tương lai, con phải trau dồi quyết định của Bồ tát. Hai sự che ám làm các phẩm tính tốt đẹp không khởi sanh, thế nên hãy nhanh chóng tịnh trừ chúng !

Nếu con sợ trạng thái sanh tử này nó giống như một ngôi nhà đang cháy, con phải chú ý các lời dạy này của Padma !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nếu con muốn thường xuyên ở trong thực hành, thì hãy cắt ngay các dính bám của con.

Khi các đạo quân gây cản trở của các thần thông kéo đến, hãy bao bọc mình bằng thành lũy sắt thép của sự nhìn thấy chúng như là huyễn ảo !(36) Khi con tức giận vì một lời nói không thân thiện, hãy tìm nguồn gốc của tiếng vang đó ! Để phát triển tỉnh giác chính niệm của quán vipashyana, hãy dùng cảnh-tượng và âm thanh như là các phương tiện. Nếu con muốn hoàn thiện sức mạnh của kinh nghiệm, hãy phát triển sự khéo léo của con qua các thực hành nâng cấp !

Để đi qua những giai đoạn của con đường thánh nhân, hãy nhìn vào cái thấy về phương tiện và trí huệ. Nếu con muốn có sự thịnh vượng không vơi cạn, hãy gom góp tài sản của hai sự tích lũy. Nếu con muốn vượt qua những chốn hiểm nghèo của các cái thấy sai lầm, hãy giải phóng tâm con khỏi những giới hạn của tri giác nhị nguyên. Nếu con muốn trí huệ của đại lạc phát triển trong dòng sống của con, hãy nhận lãnh các chỉ dạy trực tiếp về con đường của phương tiện.

Nếu con muốn luôn luôn hạnh phúc, hãy thoát khỏi ngục tù khốn khổ này ! Nếu con muốn chứng ngộ yếu tính không căn nguyên của tâm, hãy cắt sự bám níu vào kinh nghiệm thiền định. Nếu con muốn thấm đẫm trong cơn mưa đều đặn của phước lành, hãy cầu nguyện với sự sùng mộ ! Nếu con muốn vượt qua vực thẳm của sáu nẻo luân hồi, hãy trừ tà ma của bản ngã ! Nếu con muốn hoàn thành nguyện vọng cao quý về Phật pháp, hãy cởi gỡ các mối dây cột con vào kinh nghiệm hiện thời của con !

Nếu con muốn tu hành sự tỉnh giác của Quán, hãy chớ bỏ trí huệ bất nhị trên ngưỡng cửa của sự bất định ! Nếu con muốn hòa trộn tâm con với Pháp, chớ để cho sự thực hành của con bị tê cóng và không còn cảm giác ! Nếu con muốn hoàn thành công việc của con trong một đời này thôi, chớ để cho giai đoạn Quả chỉ là một nguyện vọng ! Nếu con muốn kinh nghiệm những cái gì xuất hiện và hiện hữu như là chính tánh Giác bổn nhiên, hãy nhìn vào trạng thái “tự nhiên như vậy” của tâm con !

Tsogyal, hình như không có mấy ai thực hành đúng Pháp !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, để làm lợi lạc cho các thế hệ tương lai, hãy cho họ các giới luật hợp với khả năng họ ; hãy cho họ các lời dạy hợp với tầm mức thông minh của họ ; hãy cho những thực hành hợp với mức độ chuyên cần của họ.

Hãy hiểu điều trên và dạy những gì mà tự thân con tin tưởng. Ngược lại, người thông tuệ được dạy cái không gây thích thú sẽ không thỏa mãn, nó sẽ làm giảm lòng tin của họ và rồi gây ra nghiệp xấu vì làm mất niềm tin của người khác.

Người kém thông tuệ được dạy thực nghĩa cao hơn sẽ không hiểu nó. Dầu cho có hiểu, vài người có thể cảm thấy sợ hãi và nói xấu giáo lý. Vài người sẽ chỉ bám lấy ngôn từ mà không hiểu nghĩa và sẽ gặt hái nhiều trở ngại hơn là lợi lạc.(37)

Như những vị đạo sư khuyên bảo, một đệ tử bình thường kém thông tuệ được dạy các giáo lý tối hậu và tối thượng sẽ không tiếp cận được với thực Pháp, mà cảm thấy tự tin do chỉ nắm được ngôn từ, sẽ thoái bộ và không hiểu.

Dạy rằng không cần học hỏi và tư duy chỉ làm giảm đi mức độ trí huệ đã thấp sẵn và làm tăng thêm vô minh đã có sẵn. Dạy rằng Pháp không có gì để tu sẽ làm giảm sự chuyên cần đã yếu sẵn và tăng thêm sự lười biếng đã có sẵn. Dạy rằng không có nhân và quả sẽ làm yếu sự tích tập công đức vốn đã ít ỏi và tăng cường sự hiểu biết cạn cợt bề mặt đã có sẵn.

Dạy rằng không có thiện và ác, tốt và xấu, sẽ làm què quặt chút sùng mộ nhỏ nhoi người ta đã có và làm nở lớn thêm sự kiêu căng đã có sẵn. Dạy rằng không có sanh không có tử sẽ xói mòn niềm tin vốn đã yếu và nâng cấp cho số các tà kiến thấy sai vốn đã rộng lớn. Dạy rằng không có sanh tử lẫn Niết Bàn sẽ làm cạn kiệt mối quan tâm đạt đến Quả đã sẵn yếu ớt và làm mạnh thêm tám sự quan tâm thuộc thế gian vốn đã lẫy lừng.

Những điều ấy tạo thêm cái thấy sai lầm hơn là lợi lạc !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, trừ phi con nhàm chán khổ đau, con sẽ không từ chối việc đời, ngay dù con có chiêm nghiệm những lỗi lầm của sanh tử. Trừ phi vô thường thật sự mọc rễ trong tâm con, con sẽ không cắt nổi sự bám níu vào hình tướng, dầu cho con có thấy sự biến đổi của các vật do duyên sanh. Trừ phi con làm bạn với sự bất định của cái chết, con không thể đem các lời dạy sâu xa vào trong lòng, ngay dù con có được dạy về chúng.

Trừ phi con khẳng định tính không có thực tại của kinh nghiệm hư vọng, nếu không con sẽ không hàng phục được sự bám chấp vào hình tướng, dù cho con có hiểu rằng đó chỉ là sự quyến rũ của ảo ảnh. Trừ phi con từ bỏ công việc thế gian, con không thể tách lìa sanh tử và Niết bàn, ngay dù con có đầy ắp các lời dạy sâu xa. Trừ phi con nắm lấy pháo đài cõi Phật ngay bây giờ, không rõ ràng khi nào nghiệp xấu sẽ trùm lên con, dù cho con có thể đã làm một số các nghiệp tốt cho tương lai.

Trừ phi con thành thật từ bỏ sự phấn đấu cho sanh tử, con sẽ không đạt đến được sự kết thúc của thực hành thiền định, dầu con có thể cảm thấy niềm tin một đôi khi. Trừ phi con từ bỏ đời sống gia đình và sự gắn bó với quê hương, con sẽ không vươn lên đầm lầy sanh tử, ngay dù con có nỗ lực một cách cương quyết. Trừ phi con gỡ rối cho chính con khỏi các đối tượng của chấp ngã, con sẽ không bít lấp được dòng sông dẫn con về sáu loại chúng sanh, ngay dù con có hiểu ba cõi là không thực chất.

Trừ phi con hòa nhập tâm con với con đường giải thoát, con sẽ không thể ban phước cho kinh nghiệm của người khác, dầu con có thể học hết năm chủ đề của kiến thức. Trừ phi con nhổ gốc các lỗi lầm của chính con, các xác chết ghê tởm của phiền não sẽ sống lại, ngay dù con có thoáng thấy trạng thái phúc lạc và trong trẻo của tánh Giác. Trừ phi con cắt đứt sự trói buộc của lòng khao khát, con sẽ mãi mãi trở lại, dầu con có từ bỏ các đối tượng của thích và không thích.

Nếu công việc thế tục của con quá nhiều, con sẽ không tìm ra cơ hội để đạt đến trạng thái giác ngộ, ngay dù con đã có những lời dạy miệng của một đạo sư. Con có thể học hỏi và tư duy liên tục, nhưng trừ phi sự sợ hãi của sanh và chết hằn lên lòng con, mọi giáo huấn sẽ không gì hơn là câu, chữ. Con có thể đạt đến sự thành thạo trong bốn hoạt động, nhưng trừ phi con làm việc cho sự lợi lạc của chúng sanh, quyết định Bồ tát của con sẽ thừa thãi vô ích.

Áo giáp giới luật của con có thể đầy ấn tượng, nhưng trừ phi con đạt được sự chấp nhận tự tánh xưa nay, nó sẽ không đứng vững với các lời thô bạo. Con có thể được học các giáo lý ngoại và nội, nhưng trừ phi con nỗ lực thực hành, tâm con cũng không vượt hơn tâm một người bình thường. Thầy của con có thể có nhiều công đức như lớp lớp mây, nhưng trừ phi con, người đệ tử, có cánh đồng của sự sùng mộ, trận mưa ban phước sẽ không rơi xuống.

Là một hành giả, con có thể đã nhận được các sự ban phước và lời dạy, nhưng trừ phi con có tâm Bi vô lượng, nó sẽ không làm lợi lạc cho chúng sanh. Con có thể có được một tòa lâu đài trong thế giới con người, nhưng trừ phi con nắm lấy pháo đài vô sanh của vương quốc Phật, con sẽ lang thang hỗn loạn trong cõi trung ấm. Trừ phi con kết bạn với sự chứng ngộ bất hoại, dầu bạn bè thân thuộc của con có nhiều, nhưng con cũng sẽ chết, bỏ lại họ đàng sau.

Con có thể đã thành tựu mọi nghệ thuật chiến đấu của lòng dũng cảm, nhưng trừ phi con hoàn thiện sức mạnh của thiền định khi đang ở trong thân này, con sẽ không chống nổi các đạo quân của Thần Chết. Sự hùng biện của con có thể làm xiêu lòng, nhưng trừ phi con quyết định toàn tâm ý đạt đến giải thoát, nó sẽ không lay động gì Thần Chết. Trừ phi con cày bừa cánh đồng của những giá trị vĩnh cửu ngay bây giờ, con chỉ tiêu phí toàn bộ đời con để góp nhặt sung túc, nhưng sẽ tới lúc con không thể mang nổi một hạt gạo.

Nhiều hoàn cảnh trợ giúp phải trùng hợp để đạt đến Phật tánh trong chỉ một đời, và điều ấy thì khó khăn !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, hình như rằng hầu hết các hành giả Tây Tạng chắc chắn không đem giáo lý vào lòng ! Nếu họ có, họ không thể lười biếng và lơ là như vậy. Họ chắc chắn không hiểu bản chất của sanh tử ; nếu hiểu, họ không có thể gắn bó với hình tướng thô đặc như vậy. Họ chắc chắn không hề chiêm nghiệm các thứ khó tìm là tự do và sung túc ; nếu họ có, họ đã không dấn mình vào các việc vô ích như vậy.

Họ chắc chắn không hiểu luật nhân quả ; nếu họ hiểu, họ sẽ cực kỳ cẩn thận để tránh hành vi xấu. Họ không thể thấy những phẩm chất tốt của thiện nghiệp ; nếu họ thấy, họ sẽ thu góp hai thứ tích tập không mệt mỏi. Họ phải không có kinh nghiệm nào về bản tánh bổn hữu sâu xa ; nếu họ có, họ sẽ không dám lìa khỏi thực hành.

Họ không có thể đến sát được chỗ phát khởi quyết định Đại thừa ; nếu có thể, họ sẽ hoàn toàn không màng đến các mục tiêu vị ngã và sẽ làm việc vì sự lợi lạc cho người khác.(38) Họ phải không hướng tâm họ về tự tánh ; nếu có, chắc chắn họ đã thoát khỏi tật đố và kiêu mạn. Họ đã không thể học hỏi hay tư duy về chín thừa thứ lớp ; nếu có thể, họ đã hiểu sự khác biệt giữa các giáo lý cao và thấp.

Chắc chắn họ không tiến đến cái thấy của Mật thừa ; nếu có, họ phải biết sự chấp nhận và từ chối liên quan đến sanh tử và Niết Bàn. Họ phải chưa chứng ngộ cái thấy chân thật về trạng thái bổn nhiên ; nếu đã chứng, chắc chắn họ đã không xử sự trong một nền tảng và những đường lối thiên kiến như vậy. Họ không thể có ý muốn giác ngộ nào ; nếu có, họ đã từ bỏ các công việc vô ích của cuộc đời này.

Có nhiều người không có lưu tâm chút xíu nào đến giáo pháp !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, ta có lời dạy nếu con muốn hòa hợp tâm con với Pháp.

Các Kinh và Tantra là chứng cớ không sai lầm ; thế nên hãy tương ưng với các lời dạy trong bất cứ điều gì con làm. Lời khuyên bảo của thầy là chỉ dẫn cuối cùng, thế nên hãy tuân theo lời nói của những bậc cao cả. Bổn tôn của con là sự chống đỡ cho thành tựu, thế nên hãy thực hành không xao động. Các chướng ngại của con được dời đi bởi các vị hộ pháp, thế nên hãy nương dựa vào các dakini và hộ pháp.

Công việc của con là dấn thân vào các thực hành tâm linh, thế nên chớ bao giờ lìa khỏi sự thực hành Pháp trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Cái con đang kinh nghiệm là tri giác hư vọng, thế nên hãy xem bất cứ thứ gì xuất hiện là không thực. Cái mà con phải điều phục là chấp ngã, thế nên hãy trục xuất con ma quỷ xấu xa là bản ngã. Cái con phải cho tặng là hạnh phúc của người khác, thế nên hãy che chở chúng sanh như với con của mình.

Cái con phải thấu rõ là cái thấy, thế nên hãy nhận ra rằng sanh tử và Niết Bàn là bản tánh bổn nhiên. Cái mà con cần làm cho tan biến là những chướng ngại, thế nên hãy biết rằng đối thủ là một người giúp đỡ. Cái mà con phải đạt đến là Phật tánh, thế nên hãy thực hiện ba thân. Tâm con được hòa hợp với Pháp khi con có mọi thứ ấy, nhưng hầu hết mọi người không hoàn thành con đường giải thoát.

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, khi sự kết thúc của thời đại (của Phật pháp) đến gần, sẽ có nhiều người ở Tây Tạng này muốn đạt đến giác ngộ, nhưng bởi vì họ cần phải biết thực hành Pháp thế nào cho đúng, nên chỉ một số ít thành công. Nếu vào lúc ấy họ sẽ nghe lời khuyên bảo thiện ý này, họ có cách đạt đến hạnh phúc.

Con xin ngài cho chúng con lời khuyên bảo ấy, bà nói.

Đạo sư trả lời : Con có thể chịu khó nỗ lực, nhưng con sẽ không thoát khỏi con ma các chướng ngại khi nào con còn sống trong thành phố, thế nên nếu con muốn nhanh chóng đạt đến thành tựu, hãy sống trong những chốn ẩn cư nơi núi non. Con có thể phát khởi quyết định Đại thừa, nhưng sẽ căng thẳng khi làm việc cho lợi lạc của người khác mà chưa đạt đến sự trưởng thành của chính con, thế nên hãy đem sự thực hành vào trong kinh nghiệm cá nhân. Con có thể có cái thấy thực nghĩa, nhưng trừ phi con thiện xảo trong hoạt động hàng ngày, con sẽ trợt vào trong năm độc của một người bình thường, thế nên hãy từ chối công việc thế gian.

Con có thể theo đuổi các thực hành tâm linh, nhưng nếu con mất quyết định của Bồ tát, con sẽ lạc vào các lối của một người thế gian, thế nên hãy vất bỏ tám mối quan tâm thuộc về thế gian. Con có thể được chấp nhận bởi lòng bi của thầy, nhưng trừ phi con vất bỏ các mối quan tâm thuộc về thế gian, con sẽ không cắt đứt được các trói buộc của bạn và thù, thế nên hãy buông bỏ sự bám níu vào tính nhị nguyên của ta và người. Con có thể nhận những giáo huấn sâu xa, nhưng chỉ điều đó không trừ bỏ nổi những chướng ngại nếu con không kiên trì, thế nên hãy dùng các phương tiện thiện xảo cho sự tiến bộ.

Con có thể được định tâm trong trạng thái thiền định, nhưng trừ phi con đưa được đối thủ chướng ngại vào con đường, nó sẽ không cắt được dòng chảy mạnh mẽ của tập khí, thế nên hãy kinh nghiệm tự tánh của con trong suốt sự hiểu biết tiếp theo (của trạng thái sau định). Sự thực hành tâm linh với ý niệm của con có thể không ngừng, nhưng nó sẽ lại trở vào hy vọng và sợ hãi liên quan đến quả, trừ phi con có thể giải thoát tham vọng của con vào trong trạng thái không ý niệm, thế nên hãy cởi cái nút của sự trụ tướng nhị nguyên.

Sự hiểu biết của con về các kinh và các tantra có thể rộng rãi, nhưng trừ phi con chứng ngộ trạng thái tự nhiên của tâm, con sẽ vẫn là một người bình thường khi tâm con lìa bỏ thân thể, thế nên hãy nhận biết bản tánh chân thật của sự thực hành. Con có thể nhắm đến thành tựu, nhưng trừ phi con là một bình chứa xứng đáng cho những samaya, con sẽ biểu lộ một sự ưu tiên cho một yidam đặc biệt, thế nên hãy giữ các samaya của con được thanh tịnh.

Trong bất cứ trường hợp nào, những người nào đi vào Phật pháp nhưng không hành động tương ứng với Kinh và Tantra và lời thầy mình sẽ không tìm thấy an lạc ! Nhưng nếu họ nghe lời khuyên bảo của đạo sư Liên Hoa Sanh của Uddiyana, họ sẽ được an lạc trong đời này và hoan hỷ sau đó.

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, trong mùa đông đáng sợ của thời cuối, người ta sẽ chịu đựng như vầy : pháp luật của vua sẽ suy thoái như mặt trời lặn, và những nguyên tắc tôn giáo của thần dân sẽ bị phá vỡ như một nút lụa. Sự học hỏi và dạy Pháp trên toàn thể thế giới sẽ biến mất như bông tuyết rơi trên nước ; người tư duy và thiền định hiếm hoi hơn sao lúc mặt trời mọc ; các vị thầy có phẩm chất nhắm đến lợi lạc cho người sẽ biến mất như một hòn đá ném vào giếng ; và mọi loại thú vật bị hạ sát như lúa vào mùa gặt và giống như những chuyện cổ tích của thời quá khứ. Những bậc thầy tâm linh như thuyền và cầu sẽ biến mất trong biển cả của sự trói buộc lớn lao ; người có phẩm chất tốt sẽ biến mất như cỏ và bụi cây bị thổi tung bởi ngọn gió vũ trụ, và những lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ nhạt nhòa như những chiếc bóng lúc hoàng hôn.

Khi thời ấy đến, những lời nói tốt đẹp của con sẽ được nghe như những lời chỉ trích và khiển trách. Khi nói cho người khác thực hành Pháp, họ sẽ trả lời “Ông tự làm lấy đi !” Khi dạy về Tâm Phật họ sẽ giả vờ hiểu trong khi đã lạc mất chủ đề. Khi dạy tin vào luật nghiệp quả, họ sẽ nói “Nó không có thật, nó sai !”

Vào thời đó người ta sẽ giết chóc như là cách sống ; trong buôn bán họ giả dối ; mặc áo quần để bành trướng tự phụ, họ sẽ giết người vì giải thưởng và say sưa trong suy đồi tình dục. Lấy lợi và của cải làm mục tiêu chính, họ sẽ giết chúng sanh như một hành động tôn giáo và tiệc tùng ăn nhậu. Thời sẽ tới là như vậy.

Vào thời đó, những người nào thực hành lời khuyên bảo của ta sẽ làm lợi lạc cả chính họ lẫn người khác có duyên của các thế hệ tương lai. Bởi thế, Tsogyal họ Kharchen, vì người đời sau hãy viết lại lời khuyên này và cất dấu nó như kho tàng Terma.

Như thế Padmasambhava đã nói.

Xem mục lục