Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục
CHƯƠNG 3
TRÌ TỤNG VÀ THIỀN QUÁN VỀ BỔN SƯ NHƯ ĐỨC KIM CANG TÁT ĐỎA (Vajrasattva) ĐỂ TỊNH HÓA TẤT CẢ CHƯỚNG NGẠI 172

Đã vượt khỏi hai chướng ngại ô nhiễm,*
Ngài vẫn giả như đang tịnh hóa chúng.
Chắc chắn đã đạt tới Đạo Quả cuối cùng của con đường cao cả,
Ngài vẫn tự nhận là đang học hỏi.
Đã vượt khỏi hai cực đoan đắm nhiễm Sinh Tử và Niết bàn,
Ngài vẫn hoạt hiện trong vòng quay luân hồi.
Bậc Thầy Vô Song, con xin đảnh lễ dưới chân Ngài.

Hãy lắng nghe chương này với thái độ tương tự như ở các chương trước.

I. LÀM THẾ NÀO TỊNH HOÁ CHƯỚNG NGẠI NƯƠNG VÀO PHÁP SÁM HỐI

Ác hạnh, chướng nghiệp và tập khí** là các chướng ngại chính yếu ngăn trở sự hiển lộ của tất cả những kinh nghiệm và chứng ngộ phi thường trên con đường đạo thâm sâu. Giống như mặt gương phải lau sạch mới soi rõ, chướng nghiệp phải được diệt trừ thì chứng ngộ mới có thể xuất hiện, giống như sự phản chiếu trên tấm gương Tạng Thức.***Để đạt được mục đích này thì Đức Phật đã dạy vô vàn phương pháp tịnh hóa, nhưng phương pháp tốt nhất vẫn là pháp trì tụng và thiền quán vị Bổn Sư của mình như là đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva)173 .

* Những chướng ngại của các cảm xúc tiêu cực và các chướng ngại thuộc ý niệm (phiền não chướng và sở tri chướng). “Những chướng ngại” có nghĩa là những yếu tố trùm lấp và ngăn che Phật tánh của ta (xem Thuật ngữ). ** Các tập khí được tạo nên bởi những hành động quen thuộc trong quá khứ.
*** Phạn. Alaya [A Lại Da Thức]. Thức tiềm ẩn, trong đó những dấu vết của nghiệp được tàng trữ. Xem thuật ngữ.

Không có ác hạnh nào mà không thể tịnh hóa được nhờ vào sám hối. Các bậc Thầy vĩ đại xưa kia đã khẳng định rằng:

Không có gì là tốt đẹp trong các ác hạnh – trừ việc ác hạnh có thể được tịnh hóa nhờ vào pháp sám hối.

Trong tất cả các ác hạnh – dù là các vi phạm bên ngoài liên quan đến các giới Biệt Giải Thóat - Ba La Đề Mộc Xoa (Pratimoksa), hay các vi phạm bên trong của Bồ Đề Tâm, hoặc những vi phạm bí mật của các thệ nguyện của Mật thừa (tantric samayas) – thì không có ác hạnh nào dù trầm trọng tới đâu mà không thể tịnh hóa được nương vào pháp sám hối.

Trong Kinh điển, Đức Phật đã kể lại vài câu chuyện để minh chứng cho điều này. Ví dụ, có câu chuyện về người Bà la môn Atapa, được gọi là Angulimala, “Xâu Chuỗi Ngón Tay.” Angulimala giết chết chín trăm chín mươi chín người,174 nhưng về sau đã tự thanh tẩy được những ác hạnh đó nhờ pháp sám hối, và đã đạt được quả vị A La Hán ngay chính trong đời đó. Ngoài ra còn có câu chuyện của Vua A Xà Thế (Ajatasatru); Ngài giết hại cha mình, nhưng về sau đã chuộc lại tội lỗi của mình bằng pháp sám hối và đã đạt được giải thoát. Trước khi được giải thoát, nhà vua chỉ phải kinh qua những đau khổ của địa ngục trong thời gian dài bằng một trái banh nẩy lên một lần mà thôi. Đấng hộ pháp Long Tọï (Nagarjuna) đã nói rằng:

Những kẻ đã hành động buông thả
Nhưng về sau trở nên nghiêm cẩn và chú tâm
Thì tươi đẹp như vầng trăng sáng nhô lên từ những đám mây,
Như Nanda, Angulimala, Darsaka và Sankara. 175

Tuy nhiên, nghiệp chướng chỉ được tịnh hóa nếu ta chân thành sám hối một cách đúng đắn, sử dụng bốn lực tịnh hoá nghiệp (tứ lực tịnh nghiệp) làm pháp đối trị. Quá trình tịnh hóa sẽ không bao giờ thực hiện được nếu ta để mắt và miệng sao lãng vào việc khác, hoặc nếu ta chỉ đọc to những từ như “Con thú nhận.. Con sám hối...” trong khi tâm thì bận theo đuổi những niệm tưởng khác. Còn khi sám hối, nếu nghĩ rằng: “Trong tương lai, cho dù mình có làm điều quấy quá cũng không sao vì sau đó mình có thể sám hối được hết,” thì suy nghĩ đó sẽ làm cho nghiệp chướng không thể thanh tịnh hóa được, cho dù có phát lồ sám hối đi chăng nữa.

Ngài Jetsun Mila đã nói rằng:

Con có thể nghi ngờ rằng sám hối không thể thực sự tịnh hoá các ác hạnh,
Nhưng nếu tâm thức của con trở nên thuần thiện, thì con đã được tịnh hoá rồi.

Điều tuyệt đối căn bản của bất cứ pháp sám hối nào là cần phải dựa trên tất cả bốn ‘lực’ tịnh hoá nghiệp như là phương pháp đối trị.

II. TỨ LỰC TỊNH HOÁ NGHIỆP(Bốn Lực Tịnh Hoá Nghiệp)

Tứ lực tịnh hoá nghiệp bao gồm (1) lực hỗ trợ (nương vào quy y và phát tâm Bồ Đề), (2) lực ân hận đã hành ác hạnh, (3) lực quyết chí chuyển tâm và (4) lực quyết chí hành thiện hạnh. Tứ lực tịnh hoá nghiệp này là các phương pháp đối trị.

1. Lực Hỗ Trợ

Trong trường hợp này, lực hỗ trợ có được là nhờ ta phát tâm quy y Đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) và phát Bồ Đề Tâm cùng với việc thực hành các hạnh Bồ Tát. Trong các trường hợp khác, sức mạnh hỗ trợ có thể đến từ đối tượng đặc biệt mà ta phát lộ sám hối với. Ví dụ như khi ta trì tụng bài sám hối trong Tam Tụ Kinh (Đại Thừa Sám Hối Tam Tụ Kinh), sức mạnh hỗ trợ đến từ Ba Mươi Lăm vị Phật. Lực gia hộ đó cũng có thể đến từ một vị Thầy, hoặc một biểu tượng cho thân, khẩu và ý của chư Phật – nói tóm lại, có thể là bất kỳ ai hay đối tượng nào mà trước sự hiện diện các vị ấy hay các biểu tượng ấy, ta phát lồ sám hối.176

Trước khi thực hiện bất kỳ sự sám hối nào, việc phát khởi Bồ Đề Tâm và thực hành các hạnh Bồ Tát là việc không thể thiếu được. Đức Phật đã dạy rằng khi sám hối các ác hạnh và các giới đã phạm mà không phát khởi tâm Bồ Đề, thì cho dù có áp dụng bốn lực tịnh hoá nghiệp, nghiệp chướng chỉ có thể giảm thiểu, nhưng không thể được tịnh hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu tâm Bồ Đề được khởi phát một cách chân thành, thì tự bản thân việc ấy sẽ tịnh hóa được tất cả các ác nghiệp trong quá khứ, cho dù nghiệp tội có nặng đến đâu.177 Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Santideva nói về Bồ Đêà Tâm như sau:

Họ đi qua hiểm nguy như được anh hùng che chở,
Ngay cả những kẻ bị trọng tội khủng khiếp đè trĩu
Sẽ lập tức được giải thoát nhờ có Bồ Đề Tâm.
Như thế ai không đặt niềm tin nơi đóù ?
Như các cơn bão lửa cuối thời đại,
Bồ Đề Tâm sẽ hoàn toàn thiêu hủy trọng tội.

2. Lực Ân Hận Đã Hành Ác Hạnh

Lực ân hận đã hành ác hạnh có được khi ta ăn năn hối hận về các việc lầm ác đã làm trong quá khứ. Không thể tịnh hóa được nếu ta không thấy ra rằng các ác hạnh của mình là sai lầm, và phát tâm sám hối với lòng ân hận sâu xa, không che đậy giấu giếm bất cứ điều gì.178 Trong Tam Tụ Kinh (Đại Thừa Sám Hối Tam Tụ Kinh), chúng ta trì tụng như sau:

Con xin sám hối tất cả (các ác nghiệp), không giấu giếm hay che đậy bất cứ điều gì.

Bậc thiện tri thức và thành tựu giả Karma Chagme đã có nói:

Ác nghiệp của quá khứ giống như một độc tố tiềm tàng,
Nếu sám hối mà không hối hận thì không thể tịnh hóa được.
Vì thế các con hãy sám hối với sự hổ thẹn, sợ hãi và lòng ân hận sâu xa.

3. Lực Quyết Chí Chuyển Tâm

Lực quyết chí chuyển tâm có được khi ta nhớ lại các lỗi lầm đã phạm phải và quyết tâm từ giờ trở đi không sẽ bao giờ tái phạm một lần nữa, cho dù có phải trả giá bằng mạng sống quí báu của mình. Trong Tam Tụ Kinh (Đại Thừa Sám Hối Tam Tụ Kinh), chúng ta tụng như sau:

Từ giờ về sau, con nguyện quyết chấm dứt phạm ác hạnh.

Và trong Bài Nguyện Vãng Sanh Vào Cõi Cực Lạc có viết rằng:

Nếu không lập thệ nguyện từ nay đến mãi về sau, thì không có tịnh hóa,
Vì thế con lập lời thệ nguyện này, quyết từ nay cho đến mãi về sau
Dù phải trả giá bằng mạng sống của mình, con quyết không phạm điều bất thiện.

4. Lực Quyết Chí Hành Thiện Hạnh

Lực tịnh hoá nghiệp này đòi hỏi phải hoàn thành thật nhiều điều thiện, như liều thuốc để giải các ác nghiệp trong quá khứ. Lực này đặc biệt bao gồm các hạnh như lễ lạy chư Phật và Bồ Tát, hoan hỉ trước công đức của người khác, hồi hướng các công đức trong tương lai của mình để đạt được Giác Ngộ, nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm và hành các hạnh Bồ Tát, cũng như an trụ trong trạng thái như nhiên bất biến [của chân tâm].

Một ngày kia, có một thiền giả là đệ tử của Ngài Dagpo Rinpoche vô song, nói với thầy mình rằng, ông cảm thấy rất ân hận mỗi khi nhớ lại việc mình đã kiếm sống bằng cách bán các Kinh điển.

“Vậy hãy đi in sách,” Đạo Sư bảo ông ta.179

Thế là ông lao vào việc in sách, nhưng rồi ông nhận ra rằng công việc này khiến ông bị phân tâm rất nhiều. Thất vọng, ông trở lại gặp thầy mình.

“Việc in ấn kinh sách này làm con bị phân tâm quá nhiều,” ông nói. “Không có phương pháp sám hối nào sâu xa hơn việc an trụ trong chân tánh*, điều này không đúng sao ?”

* Sự an trụ trong trạng thái nhận biết bản tánh của tâm.

Ngài Dagpo Rinpoche rất vui mừng và nói rằng ông hoàn toàn đúng. “Cho dù con phạm vào các ác hạnh khổng lồ như Núi Tu Di,” Ngài nói, “chúng sẽ được tịnh hóa ngay khi con nhận ra được chân tánh đó.”

Quả thực, để tẩy sạch các ác hạnh quá khứ thì không có cách thức nào sâu sắc hơn sự thiền định về Bồ Đề Tâm và giữ cho tâm an trụ trong bản tánh như nhiên bất biến. Hai điều này phải được ghi rõ trong tâm khảm khi thực hành các chi tiết thiền quán về đức Kim Cang Tát Đoả (Vajrasattva), chẳng hạn như khi [quán tưởng là mình đang được tịnh hoá bằng] giòng suối cam lộ, hay khi trì tụng bách tự minh chú, vân vân. Để thực hành chính pháp thiền quán và trì tụng, hãy noi theo các chỉ dẫn dưới đây, trong lòng luôn luôn ghi nhớ những ý nghĩa thuần tịnh đặc biệt180 của mỗi một chi tiết trong khung cảnh của bốn lực tịnh hoá nghiệp.

III. PHÁP THIỀN QUÁN KIM CANG TÁT ĐỎA (Vajrsattva)

Trong những phần quán tưởng sau đây, hãy quán bản thân mình trong thân tướng bình thường.181 Lơ lửng giữa không gian cách chừng một mũi tên trên đỉnh đầu, hãy quán tưởng một toà sen trắng ngàn cánh mở lớn và ở trên toà sen là một đài trăng tròn đầy. Khi nói “đài trăng tròn đầy”, điều đó không có nghĩa là đài trăng phải lớn cỡ nào, mà chỉ để biểu thị rằng nó tròn trịa, đều đặn thật toàn hảo và giống như mặt trăng tròn đầy vào ngày rằm âm lịch. Trên đài trăng, hãy quán tưởng một chữ hum** màu trắng sáng chói. Theo các truyền thống khác thì chữ hum này phóng toả ánh sáng rồi lại thu nhiếp ánh sáng ấy trở lại, nhưng theo phương pháp quán tưởng ở đây thì không phải quán như vậy.

** Chữ hūm Tây Tạng được tìm thấy ở Chương Ba, Phần III.

Trong giây khắc, chữ hum chuyển hóa thành vị Bổn Sư vinh quang, là nguồn bi mẫn vô song; tự bản chất, Ngài chính là chân tánh của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hội tụ lại. Ngài xuất hiện trong thân tướng của Báo Thân Phật,182 là đức Kim Cang Tát Đoả, mang sắc trắng, sáng chói như đỉnh núi phủ tuyết được trăm ngàn mặt trời chiếu sáng.

Ngài có một mặt và hai tay. Ở trước ngực, tay phải Ngài cầm chùy Kim Cang năm ngặc, tượng trưng cho giác tánh và tánh Không. Dựa bên hông trái, tay trái Ngài cầm chuông, tượng trưng cho sắc tướng và tánh Không.183 Hai chân Ngài bắt chéo trong thế kiết già; Ngài đeo mười ba châu báu trang sức của Báo Thân – năm trang phục bằng lụa và tám món châu báu.

Năm trang phục bằng lụa là: 1/ dải buộc đầu, 2/ thượng y, 3/ khăn choàng dài, 4/ dây lưng và 5/ hạ y.

Tám món châu báu là: 1/ vương miện, 2/ hai hoa tai, 3/ một chuỗi hạt ngắn, 4/ hai vòng đeo ở hai cánh tay, 5/ hai chuỗi hạt dài, một cái dài hơn cái kia,184 6/ hai vòng ở hai cổ tay, 7/ hai chiếc nhẫn ở hai bàn tay và 8/ hai vòng đeo ở hai cổ chân.

Đức Kim Cang Tát Đoả ngự trên đầu ta, quay mặt cùng hướng với ta. Ngài ôm vị phối thân Vajratopa cũng sắc màu trắng, trong sự hợp nhất bất khả phân.185 Thân tướng các Ngài là sự hoạt hiện từ tánh Không, tuy hiện diện sống động nhưng phi vật chất, giống như ánh trăng phản chiếu trong nước hay hình sắc phản chiếu trên gương.

Quán tưởng như vậy đem lại cho ta lực hỗ trợï. Hình ảnh quán tưởng này không bằng phẳng như một bức hoạ Phật (tangka) hay như một tranh bích họa. Hình ảnh này không bất động vàø vô hồn như một bức tượng đấùt sét hay vàng, những vật thể mang tính chất đặc rắn và cụ thể. Mỗi một chi tiết xuất hiện rõ ràng và sống động, kể cả con ngươi và lòng trắng của mắt. Tuy thế hình ảnh (của đức Kim Cang Tát Đỏa) lại là mang tánh Không: không mang thể đặc rắn, không thịt, không máu, không các cơ quan nội tạng. Hình ảnh quán tưởng ấy giống như cầu vồng hiển hiện trong không trung hay giống như một cái bình pha lê trong suốt. Và hình ảnh ấy thấm đẫm trí tuệ: đức Kim Cang Tát Đoả mang bản chất đồng nhất với vị Bổn Sư bi mẫn của ta, và tâm của Ngài trải tới ta và tất cả chúng sinh với lòng từ bi vô hạn.

Nói về lực ân hận đã hành ác hạnh thì trước sự hiện diện của Ngài, hãy tưởng nghĩ đến tất cả những ác hạnh mà bạn cóù thể nhớ được, những ác hạnh mà bạn đã tích tụ từ đời đời kiếp kiếp vô thỉ cho đến ngày nay: mười ác hạnh của thân, khẩu và ý, năm trọng tội với quả báo tức thời, bốn trọng tội, tám hành động lầm lỗi, tất cả những vi phạm các giới Biệt Giải Thoát thuộc về bên ngoài, các giới luật Bồ Tát bên trong, hay các thệ nguyện Mật Thừa của các bậc Trì Minh Vương (Vidyadhara), cùng tất cả các lời hứa thông thường mà bạn không giữ được, tất cả mọi điều dối trá mà bạn đã nói và tất cả mọi điều đáng hổ thẹn và ô nhục mà bạn đã làm. Hãy nghĩ rằng mình đang sám hối tất cả những lỗi lầm ấy trước sự hiện diện của vị tôn sư Kim Cang Tát Đỏa, toàn thân bạn nổ tung, da sởn gai ốc, vì xấu hổ, sợ hãi và ân hận. Bạn có thể tin chắc rằng, trải qua vô lượng kiếp trong luân hồi, bạn đã từng phạm nhiều ác hạnh không thể nhớ hết, vì thế hãy sám hối tất cả và nói rằng:

“Con không giữ điều gì bí mật, con không che dấu điều gì hết. Con xin thành tâm sám hối và xin được lượng thứ. Xin Ngài hãy thương xót con! Ngay giờ đây, ngay lúc này và chính nơi đây, xin hãy tẩy sạch và tịnh hóa con khỏi mọi ác nghiệp và khỏi mọi che chướng của con, khiến không còn sót lại bất kỳ một điều ác nào!”

Đối với lực quyết chí chuyển tâm thì hãy nghĩ rằng: “Bởi sự vô minh và mê lầm của con, cho tới lúc này đây, con đã tích lũy tất cả các ác hạnh đó. Nhưng giờ đây, nhờ lòng bi mẫn của bậc Bổn Sư từ ái của con, con đã hiểu ra được đâu là điều lợi lạc và đâu là điều ác hại. Con sẽ không bao giờ tái phạm ác hạnh nữa, cho dù phải trả giá bằng mạng sống của con.”

Ghi nhớ trong tâm ý nghĩa thanh tịnh của phương cách quán tưởng,180 rồi hãy trì tụng bản văn gốc, bắt đầu từ câu:

Ah! Con đang ở trong thân tướng bình thường của con, và trên đỉnh đầu con

xuống tới những chữ sau đây:

..Xin hãy tịnh hóa con cho tới khi không còn sót lại bất kỳ một điều ác nào!

Tiếp theo, nơi trái tim của đức Kim Cang Tát Đỏa khi ấy đang hợp nhất bất khả phân với vị phối thân của Ngài, hãy quán tưởng một đài trăng phăúng lì, kích cỡ không lớn hơn một hột giống mù tạc, và trên đài trăng đó là một chữ hum trắng, cực kỳ mảnh, như thể chữ ấy được vẽ bằng một sợi tóc vậy. Trong khi đọc bài bách tự minh chú “Om Vajrasattva Samaya...”, hãy quán tưởng các ký tự của minh chúù được xếp quanh chữ hum theo vòng tròn. Không có chữ nào chạm và
o nhau, như những sừng trâu khi chúng đứng sát liền nhau.* Sau đó hãy trì tụng bài bách tự minh chú để cầu nguyện, đồng thời hãy tưởng tượng rằng nước cam lộ đại bi đại giác đang nhỏ xuống từ mỗi kýù tự, từng giọt từng giọt lấp lánh, giống như nước nhỏ xuống từ băng đá khi nó tan chảy gần lửa vậy. Ào chảy qua thân của đức Kim Cang Tát Đoả, nước cam lộ thoát ra từ điểm hợp nhất của Ngài với vị phối thân, và xuyên qua đỉnh đầu bạn, chảy vào bạn và cũng chảy vào tất cả chúng sinh khác.
* Đó là, sát liền nhau không bị vướng

Như bụi đất được gội sạch bởi giòng suối ồ ạt, mọi bệnh tật của thân thể ta được trục ra trong hình thức của máu mủ hôi thối. Mọi tà lực đều bị trục xuất trong hình thức của những con nhện, bọ cạp, cóc, cá, rắn, nòng nọc, chấy rận và những sinh vật cùng loại. Mọi ác hạnh và nghiệp chướng được thải ra dưới dạng của chất lỏng, bụi đất, khói, mây và hơi nước màu đen. Tất cả các chất thải này bị dòng thủy triều cam lồ cuốn đi không thể cưỡng lại được và chảy tràn ra ngoài thân thể bạn như một trận mưa rào màu đen qua các lỗ phía dưới (cửa mình và hậu môn), qua gót chân và mọi lỗ chân lông trên da ban. Mặt đất dưới chân bạn mở ra và tận đáy sâu, Thần Chết - hiện thân của các hành nghiệp của bạn trong quá khứ ¬xuất hiện. Chung quanh Thần Chết là tất cả các chúng sinh nam nữ mà bạn mắc nợ nghiệp, và tất cả những chúng sinh này đang cố đòi bạn món nợ máu. Khi trì tụng bách tự minh chú, hãy quán tưởng tất cả những chất bất tịnh đó trút xuống những cái miệng đang mở ra của những chúng sinh kia, và xuống các bàn tay và cánh tay mong đợi của họ đang giang về phía bạn.

Nếu có thể, hãy quán tưởng tất cả các chi tiết của toàn bộ pháp tu này cùng một lúc. Nếu không thì có thể quán tưởng một cách tuần tự [từng chi tiết một]. Khi trì tụng bài minh chú, có thể khi thì tập trung nơi sắc tướng của đức Kim Cang Tát Đỏa, nơi khuôn mặt, đôi bàn tay Ngài và v.v.., khi thì tập trung trên các món châu báu trang sức và y phục của Ngài; hay trên dòng cam lồ đang tịnh hóa các bệnh tật, các tà lực, các ác hạnh và che chướng; hoặc tập trung vào cảm xúc hối hận về những gì bạn đã từng làm và quyết tâm không bao giờ lặp lại những việc đó nữa.

Sau cùng, hãy tưởng tượng rằng Thần Chết – hiện thân của các ác hạnh trong quá khứ, và các chúng sinh dưới mặt đất – tất cả các oan gia này, và những kẻ đang cố gắng đòi bạn trả món nợ máu, đều được mãn nguyện. Các vết tích quá khứ được thanh toán, nợ nần được trang trải và hận thù được tẩy sạch. Bạn được thanh lọc, mọi hành động bất thiện trong quá khứ và các che chướng được tẩy tịnh. Thần Chết khép miệng cùng hai tay lại và hạ hai tay xuống. Mặt đất cũng khép lại.

Hãy tưởng tượng rằng giờ đây bên trong và bên ngoài thân thể bạn trở nên trong suốt, và thân bạn là thân ánh sáng. Hãy quán tưởng đường kinh mạch trung ương chạy thẳng trong thân bạn, ở bốn điểm dọc theo bề dài của đường kinh mạch này là bốn luân xa**-- nơi bốn luân xa này, các kinh mạch (phụ)186 tỏa ra hết cỡ như những nan của một cái dù. Ở ngang rốn bạn là luân xa hiển lộ, với sáu mươi tư đường kinh mạch tỏa ra hướng lên trên. Ở ngang tim bạn là luân xa Pháp, với tám kinh mạch tỏa ra hướng xuống dưới. Trong cổ họng bạn là luân xa hỉ lạc, với mười sáu kinh mạch tỏa ra hướng lên trên. Trên đỉnh đầu bạn là luân xa đại lạc, với ba mươi hai kinh mạch tỏa ra hướng xuống dưới.
** Phạn. Cakra

Sau đo, chất cam lồ lại bắt đầu chảy xuống như trước. Bắt đầu với luân xa đại lạc trên đỉnh đầu bạn, nước cam lồ làm ngập đầy kinh mạch trung ương và ngập đầy mỗi một trong bốn luân xa rồi tràn ra ngoài, đầy ngập toàn thân bạn cho tới đầu các ngón tay và bàn chân bạn. Tràn ngập chất cam lồ trắng, bạn giống như một cái bình pha lê đựng đầy sữa.

Hãy quán tưởng rằng bạn đang nhận lãnh bốn nghi thức quán đảnh hay gia trì:187 gia trì tịnh bình (hay gia trì thân) (vase empowerment), gia trì ẩn mật, gia trì trí tuệ và gia trì ngôn từ quí báu. Bạn cũng tịnh hóa được bốn loại chướng ngại: các chướng ngại về nghiệp (nghiệp chướng), các chướng ngại thuộc về những cảm thọ tiêu cực (phiền não chướng), các chướng ngại thuộc về ý niệm (sở tri chướng) và các chướng ngại thuộc về tập khí (khuynh hướng quen thuộc). Trí tuệ của bốn trạng thái hỉ lạc xuất hiện trong bạn: hỉ lạc, hỉ lạc tối thượng, hỉ lạc phi thường và hỉ lạc nguyên sơ. Bốn Thân Phật, trong các quả vị chứng đắc khác nhau, được an lập trong bạn: Hóa Thân, Báo Thân, Pháp Thân và Tự Tánh Thân.

Sau đó hãy trì tụng bài cầu nguyện, bắt đầu bằng câu:

Ôi Bậc Hộ Trì, trong vô minh và mê lầm..

và chấm dứt ở câu:

...Con khẩn nguyện Ngài, xin tẩy sạch và tịnh hóa con!

Hãy tưởng tượng rằng vào giây phút bạn trì tụng những giòng này, đấng Đạo Sư Kim Cang Tát Đoả vui lòng, mỉm cười, và ban cho sự cầu nguyện của bạn những lời sau đây:

Hỡi kẻ may mắn, tất cả mọi ác hạnh, chướng ngại, phá rối và vi phạm của con đã được tịnh hoá.

Rồi Ngài tan ra thành ánh sáng và tan hòa vào bạn, khiến cho bây giờ bản thân bạn được chuyển hóa thành đức Kim Cang Tát Đỏa, giống như bạn đã quán tưởng Ngài trước đây.

Hãy quán tưởng ở trong tim của Ngài một đài trăng, kích cỡ chỉ bằng một hột giống mù tạc đập dẹp . Ở giữa đài trăng là một chữ hum màu xanh dương. Phía trước chữ hum là chữ om màu trắng; bên trái là chữ vajra màu vàng; phía sau là chữ sa màu đỏ; và bên phải là chữ tva màu xanh lá cây.

sa
tva hum vajra
om

Khi bạn trì tụng “Om Vajra Sattva Hum,” năm tia sáng trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây, và xanh dương phát ra từ những chữ tương ứng theo một hướng đi lên. Tận cùng các tia sáng này là Thiên Nữ Nhan Sắc và các thiên nữ đang cúng dường khác. Từ bàn tay của họ hiện ra vô số phẩm vật cúng dường, như tám món biểu tượng tốt lành và bảy báu vật tượng cho trưng vương quyền, những cánh dù có diềm xung quanh, những tràng phan chiến thắng, màn trướng, luân xa ngàn nan hoa nạm vàng, các vỏ ốc xà cừ màu trắng xoắn về bên phải và v.v... Các phẩm vật cúng dường này làm vui lòng tất cả chư Phật và Bồ Tát trong hằng hà sa số các cảnh giới thanh tịnh không thể nghĩ bàn ở khắp mười phương, giúp bạn hoàn tất việc tích lũy công phu cúng dường vàø tịnh hóa những chướng nghiệp của mình. Lòng đại bi và sự gia trì của tất cả chư Phật phóng toả ngược lại về bạn dưới hình thức của các tia sáng nhiều màu khác nhau và những ánh sáng này hoà tan vào bạn. Nương vào đó, kết quả là bạn đạt được các thành tựu siêu việt và các thành tựu thông thường; đạt được bốn cấp bậc của Trì Minh Vương có liên hệ đến con đường tu, và kết quả cuối cùng là quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác (kết hợp giữa Pháp Thân và Sắc Thân).188 Sự quán tưởng này tạo những giềng mối để giúp bạn chứng đắc Pháp Thân và đem lại lợi lạc cho chính mình.

Sau đó, hãy quán tưởng rằng hằng hà sa số các tia sáng muôn màu phóng toả từ năm ký tự, chạm tới tất cả chúng sinh đang cư trú trong sáu cõi của tam giới, và tịnh hóa mọi ác hạnh, mọi che chướng, đau khổ và mọi tập khí, giống như ánh sáng mặt trời rạng đông xua tan bóng tối. Toàn thể thế giới trở thành Điều Hỷ Quốc (Abhirati - Cõi Tịnh Độ của Bất Động Phật Akshobhya). Mọi chúng sinh trong đó được chuyển hóa thành các đức Kim Cang Tát Đoả màu trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây và xanh dương. 189 Hãy trì tụng minh chú và quán tưởng rằng tất cả chúng sinh cũng đang tuyên đọc minh chú “Om Vajra Sattva Hum” với âm thanh rền vang xa rộng. Sự quán tưởng này tạo những giềng mối giúp bạn đạt được Rupakaya*(Sắc thân) và làm lợi lạc những người khác.
* Rupakaya, gzugs sku: Sắc thân (xem Thuật ngữ)

Về cách thức quán tưởng này, trong Pháp Hành Trì Giải Thoát Tức Thời Các Tập Khí Bám Chấp có nói rằng:

Khi đem lại lợi lạc cho chính mình và những chúng sinh khác bằng cách phóng tỏa và thu nhiếp lại ánh sáng, ta được tẩy tịnh khỏi các sở tri chướng.

Khi áp dụng pháp quán tưởng như thế, các phương tiện thiện xảo của Kim Cương Thừa giúp ta tích lũy, trong khoảnh khắc, một số lượng công đức và trí tuệ không thể nghĩ bàn, và đồng thời lại làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh khắp các cõi.

Hãy trì tụng bài minh chú càng nhiều lần càng tốt, và khi kết thúc thời khóa, hãy quán tưởng toàn thể thế giới mà bạn cảm nhận chính là cõi Phật Điều Hỷ Quốc hòa tan vào các chúng sinh đang cư trú trong đó – các chúng sinh này (thể hiện trong sắc tướng của) đức Kim Cang Tát Đoả thuộc năm Phật Bộ. Rồi các vị Hộ Phật này (trong sắc tướng của Kim Cang Tát Đoả) từ từ tan thành ánh sáng và tan hòa vào bạn. Sau đó bản thân bạn tan thành ánh sáng từ ngoài vào trong, và ánh sáng đó hòa tan thành chữ om trong tâm điểm của bạn. Chữ om hòa tan thành chữ vajra, vajra tan thành sa, sa tan thành tva, tva tan thành shapkyu của chữ hum, shapkyu tan thành a nhỏ, a nhỏ tan thành thân của ha, thân tan vào đầu, đầu tan vào mặt trăng lưỡi liềm, trăng lưỡi liềm tan vào (giọt) bindu và bindu tan vào (dấu móc) nada.

Sau đó (dấu móc) nada, giống như một chiếc cầu vồng tan vào không gian, tan hoà thành một (trạng thái) đơn thuần, không đắm nhiễm bất kỳ ý niệm hay sự tạo tác nào. Hãy an trụ trong trạng thái đó trong một khoảng thời gian.

Khi các niệm tưởng bắt đầu xuất hiện, hãy quán tưởng rõ ràng rằng toàn thể thế giới và chúng sinh trong đó như là Cõi Tịnh Độ của đức Kim Cang Tát Đoả.

Sau hãy hồi hướng công đức bằng những lời tụng như sau:

Nhờ công đức của công phu hành trì này, xin cho con mau chóng đạt được quả vị của đức Kim Cang Tát Đỏa.

và v.v... và tụng đọc những lời cầu nguyện thiết tha khác.

Trong khi thực hành bất kỳ pháp thiền định và trì tụng nào, kể cả việc thực hành và trì tụng Kim Cang Tát Đoả, không bao giờ được để tâm sao lãng khỏi pháp hành trì, và không được gián đoạn việc trì tụng bằng việc sử dụng ngôn ngữ bình thường. Trong các Mật điển có nói rằng:

Trì tụng mà không chú tâm
Thì giống như ngâm một hòn đá tận cùng đáy sâu của đại dương;
Cho dù cả một đại kiếp cũng chẳng mang lại kết quả.*

và:

Thanh tịnh thì một ngàn lần tốt hơn bất tịnh,190
Chú tâm thì trăm ngàn lần tốt hơn không chú tâm.

* Dù hòn đá nằm ở đó bao lâu chăng nữa, nước sẽ chẳng bao giờ thấm vào nó.

Vàng hay bạc, dù chỉ chứa chút xíu đồng thau hay đồng đỏ, cũng bị coi là “không phải vàng thật” hoặc “bạc giả”. Cũng như vậy, nếu trộn lẫn chuyện tầm phào phàm tục khi đang trì tụng các câu minh chú hoặc khi đang thực hành thì sẽ làm cho minh chú trở thành bất tịnh. Đó là lý do tại sao Đại Đạo Sư xứ Oddiyana có nói:

Một tháng trì tụng không pha lẫn ngôn từ nào khác
Thì tốt hơn một năm trì tụng mà bị ô nhễm.

Tương tự như vậy, đối với những người cử hành các nghi lễ trong các ngôi làng thì trong khi đang trì tụng những lời cầu nguyện và minh chú thì quan trọng nhất là cần kiềm chế, không nói chuyện phiếm trong vòng những người của hội chúng. Nếu những câu trì tụng như vậy bị trộn lẫn với ngôn ngữ bình thường, lời trì tụng sẽ mất đi mọi ý nghĩa. Đặc biệt

hơn nữa, khi một buổi lễ được cử hành cho một người đã chết thì kẻ đó, trong nỗi khiếp sợ và đau khổ của trạng thái trung ấm, sẽ chạy xô tới vị mạnh thường quân, tới các nhà sư đã được thỉnh mời và các Lạt Ma đang hành lễ, hy vọng tìm được sự cứu giúp. Chúng sinh trong trạng thái trung ấm biết rõ những gì đang xảy ra trong tâm người khác. Nếu những người hành lễ không tập trung cao độ, nếu họ không giữ các giới nguyện và mật nguyện, hoặc nếu những điều họ nói và nghĩ xuất phát từ sự ham muốn và thù hận, thì chúng sinh trong trạng thái trung ấm sẽ cảm thấy giận ghét họ, hoặc có cái nhìn không tốt về họ, và kết cục là sẽ rơi vào những cảnh giới thấp. Các chúng sinh sẽ thanh thản hơn khi không có sự giúp đỡ của những loại người như thế.

Trong các nghi lễ hay Mật Pháp của Mật Tông Kim Cương Thừa có nói rằng: “Trì tụng các nghi quỹ quán tưởng của giai đoạn phát triển (generation phase) là phương pháp sử dụng ngôn từ để tiếp cận.” Các ngôn từ dùng trong nghi quỹ quán tưởng là nhằm mục đích giúp cho tâm ta hồi nhớ lại các chi tiết của giai đoạn phát khởi.191 Tuy nhiên đối với nhiều người cử hành các buổi lễ như vậy thì mục đích thực sự của việc quán tưởng, vốn là ý nghĩa của giai đoạn phát triển và thành tựu, lại chẳng mảy may xuất hiện trong tâm trí họ. Họ chỉ thốt ra những ngôn từ của các nghi lễ một cách vô tâm, như “quán tưởng,” “thiền định,” và “chú tâm,” sử dụng mọi loại ngôn từ hoa mỹ, thổi kèn trum-pét, đánh các xập xõa và trống. Cuối cùng, đến thời điểm quan trọng nhất, giai đoạn thực hành khi mà họ cần phải trì tụng minh chú, thì vào lúc đó, họ lại cảm thấy như vừa thoát xong trách nhiệm của mình. Họ không còn cố gắng nữa dù chỉ để ngồi thẳng lưng. Họ bắt đầu hút thuốc lá, nguồn gốc của hàng trăm hành động sai trái,192 và tuôn ra một kho đầy ắp những lời huyên thuyên vô ích, bàn cãi không dứt mọi chuyện ở địa phương từ các đỉnh núi tới đáy thung lũng, từ các đường đèo tới những vùng đất trũng. Trong khi huyên thuyên, họ dùng thì giờ lần chuỗi bằng các ngón tay với tốc độ cao nhất, như thể họ đang làm xúc xích. Về chiều, liếc nhìn bầu trời và ngó chừng vị trí mặt trời, họ bắt đầu hát cùng với tiếng loảng xoảng huyên náo của các xập xõa “Vajra puspe dhupe...”193 và v.v… Hành lễ như vậy không phải là hành lễ đúng đắn, thậm chí không cả được là sự phản chiếu của một sự phản chiếu của một buổi lễ. Thật không có gì phải nghi ngờ rằng việc trì tụng chỉ một lần Kinh Sám Hối hoặc bài Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tán, với tâm nguyện hoàn toàn thanh tịnh, còn có lợi lạc hơn nhiều [so với những nghi lễ được cử hành không đúng đắn].

Khi trì tụng một cách bất tịnh và cử hành các nghi lễ một cách bôi bác thì các Lạt Ma này khiến cho người chết bị tái sinh vào những cõi thấp kém hơn. Tương tự như vậy, đối với người sống, họ cũng sẽ chỉ làm hại nhiều hơn là đem lại lợi ích với cách thức hành lễ của họ. Hơn nữa, việc lạm dụng các cúng dường của người khác theo cách này hoàn toàn giống như “nuốt những viên kim khí nóng đỏ.”194

Các Lạt Ma và nhà sư hưởng lợi lạc từ những cúng dường của thí chủ và từ những tài sản của người đã chết, cho nên việc hành trì của họ, từ trong tâm khảm, phải mang một ý nghĩa nào nhiều hơn là chỉ đơn thuần lượng định về khối lượng thịt, về độ dày của miếng phó mát, và về chất lượng của các phẩm vật cúng dường mà họ nhận được. Dù họ cử hành nghi lễ cho người đang bệnh hay người đã mất, thì đối với những chúng sinh này, những giây phút hành lễ này thật là vô cùng quan trọng. Đối với những người đã chết không biết nương tựa nơi đâu, để thoát khỏi đau khổ, họ cần được quan tâm và bảo vệ bằng lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, cùng ước nguyện chân thành của vị Lạt Ma hành lễ muốn cứu giúp họ. Một cách chân thành và không sao lãng, các vị Lạt Ma phải cố gắng hết sức để thực hành bất kỳ pháp nào mà họ biết về giai đoạn phát khởi và thành tựu. Nếu họ không biết chút gì về các pháp này thì họ chỉ nên cố gắng tập trung tư tưởng vào ý nghĩa của các ngôn từ mà họ đang trì tụng. Và ít nhất, họ nên tập trung toàn thể thân, khẩu, ý họ vào lòng từ và bi đối với các chúng sinh đang đau khổ, và tập trung lòng tin của họ vào năng lực không thể nghĩ bàn của Tam Bảo. Nếu họ cũng có thể đảm bảo được rằng họ thực hiện nghi lễ một cách đúng đắn nhờ vào việc đã trì tụng các văn bản và các câu minh chú khác nhau một cách chính xác, thì chắc chắn rằng nhờ vào lòng bi mẫn của Tam Bảo, nhờ năng lực không thể nghĩ bàn của các quả thiện hạnh và nhờ lợi lạc vô biên của Bồ Đề Tâm, họ thực sự có thể giúp đỡ được người bệnh hoặc người chết. Đó là tất cả những gì các Lạt Ma nên cố gắng thực hiện. Như trong câu nói “làm tan biến các chướng ngại của riêng mình trên nệm ngồi của người khác,”* họ sẽ đồng thời hoàn tất hai phần tích lũy công đức cho chính họ và cho những người khác. Họ cũng gia hộ tất cả những ai có liên hệ với họ đến với con đường giải thoát.
* Điều này có nghĩa là bất kỳ cơng phu hành trì nào được thực hiện với động cơ giúp đỡ người khác sẽ làm lợi lạc không chỉ người đó mà cả cho người đang hành trì công phu.

Ngày nay, có những Lạt Ma và nhà sư được coi là ít nhiều giỏi hơn những người khác, và là những người hiểu biết nguyên lý nhân quả, đã quá sợ hãi các ô nhiễm liên quan đến các phẩm vật cúng dường đến nỗi họ từ chối ngay cả việc phải gia trì hay hồi hướng cho những chúng sinh đau khổ đang bệnh tật hoặc đang sắp chết. Hành động như vậy thì họ đã chặt đứt gốc rễ từ và bi của Bồ Đề Tâm.

Nhưng đa số đều cực kỳ ích kỷ. Họ tham dự vào các buổi lễ theo lời thỉnh cầu của những thí chủ. Nhưng thay vì trì tụng điều gì mà gia đình hữu sự câàn, thì họ lôi những kinh sách cầu nguyện của riêng mình ra, đây là những kinh sách cáu bẩn và sờn rách vì đã sử dụng lâu ngày, và như là một cách bào chữa, các Lạt Ma này nói rằng không ai được làm gián đoạn sự liên tục trong công phu hành trì riêng của các Lạt Ma ấy. Rồi họ trì tụng kinh sách của riêng họ trong khi những người khác thì lại đang đọc các bài cầu nguyện.195 Bất kỳ lúc nào, cho dù họ đọc các bài nguyện ngắn nhất để cầu xin cho bản thân mình được tốt lành, thì họ cũng vô cùng thận trọng, và tuyên bố rằng họ đang tịnh hóa các chướng ngại của riêng mình hay tịnh hoá việc họ đã lạm dụng các vật cúng dường. Nhưng họ lại coi việc cầu nguyện trong những hội chúng đông đảo vì lợi lạc của những thí chủ là những việc vặt vãnh làm họ mệt nhọc. Họ luôn nhìn vơ vẩn, muốn gì nói nấy vàø thậm chí chẳng màng tưởng nghĩ gì đến người đã chết hay người còn đang sống mà họ có nhiệm vụ phải che chở gia hộ. Những việc làm này chặt đứt tận gốc rễ lòng từ bi của Bồ Đề Tâm. Sau này, cho dù họ có nỗ lực tự tịnh hóa sự lạm dụng các vật cúng dường đi nữa, thì thái độ xấu xa và ích kỷ của họ sẽ khiến việc tịnh hoá của họ rất khó thành công.

Thay vào đó, ngay từ đầu hãy lấy lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm làm nền tảng căn bản. Đừng bao giờ từ bỏ ước nguyện giúp đỡ người khác. Hãy nỗ lực chân thành để tận tụy áp dụng mọi hiểu biết của mình về hai giai đoạn phát khởi và thành tựu. Như vậy, việc thiền định về giai đoạn phát khởi và thành tựu, cùng việc trì tụng minh chú ở nhà người khác sẽ không có gì khác biệt với việc công phu hành trì tại nhà mình. Trong cả hai trường hợp, việc gạt bỏ các tư tưởng ích kỷ và việc quan tâm giúp đỡ người khác đều cần thiết như nhau. Ta cần phải có cả hai thái độ này.

Nếu giữ cho tâm không sao lãng và không trộn lẫn những câu trì tụng với ngôn ngữ tầm thường, thì chắc chắn rằng, việc tụng đọc không gián đoạn bài bách tự minh chú một trăm lẻ tám lần sẽ tịnh hóa tất cả các ác hạnh, tất cả các chướng ngại cùng tất cả các bội tín và các vi phạm giới nguyện và vi phạm mật nguyện. Hứa nguyện của Kim Cang Tát Đoả là như vậy. Trong Diệt Tội Trang Nghiêm Sám Hối Mật Điển có nói:

Bách tự minh chú là tinh túy của tâm Giác Ngộ của tất cả các Đấng Thiện Thệ. Bài minh chú này tịnh hóa mọi sự phá giới, mọi vi phạm, mọi chướng ngại thuộc ý niệm (sở tri chướng).

Bách tự minh chú là pháp sám hối siêu việt, và việc trì tụng bài minh chú này một trăm lẻ tám lần không gián đoạn sẽ chữa lành được mọi sự phá giới, vi phạm, và sẽ cứu ta khỏi bị đoạ vào ba cõi thấp.

Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai sẽ nhìn kẻ hành giả trì tụng bài minh chú này trong công phu hằng ngày như là đứa con xuất sắc nhất của các Ngài, ngay cả trong chính đời này, và sẽ che chở và gia hộ kẻ ấy.

Vào lúc chết, chắc chắn người ấy sẽ trở thành người xuất chúng nhất trong những bậc trưởng tử của tất cả chư Phật.

Đối với sự bội ước hay vi phạm mật nguyện nào mà ta có thể mắc phải sau khi đã bắt đầu bước trên con đường Kim Cương Thừa, thì việc trì tụng mỗi ngày hai mươi mốt biến bách tự minh chú trong khi thiền quán về đức Kim Cang Tát Đoả sẽ tạo nên nhiều lợi lạc gọi là “năng lực gia trì cho những sa ngã.” Trì tụng như vậy hằng ngày sẽ ngăn cản không để cho hậu quả của những sa ngã này phát triển hoặc tăng trưởng. Trì tụng một trăm ngàn lần bài ấy sẽ hoàn toàn tịnh hóa mọi sa ngã. Trong Bảo Trang Tối Yếu có nói:

Trì tụng đúng đắn hai mươi mốt biến bách tự minh chú,
Trong khi quán tưởng rõ ràng đức Kim Cang Tát Đoả
Ngự trên toà sen trắng và đài trăng,
Tạo thành năng lực gia trì nâng ta khỏi sa ngã,
Can ngăn không cho sa ngã tăng trưởng.
Các Đại Thành Tựu Giả đã dạy như thế.
Vì thế, hãy luôn luôn hành trì pháp môn này.
Nếu trì tụng bách tự minh chú một trăm ngàn lần,
Con sẽ trở thành hiện thân đích thực của sự cực kỳ thuần tịnh.

Ngày nay ở Tây Tạng không có một Lạt Ma, một vị sư, cư sĩ nam hay nữ nào mà chưa từng thọ nhận một lễ quán đảnh và vì thế không ai không hành trì Mật Tông. Giờ đây, một khi ta đã đi vào Mật Thừa, nếu không giữ các mật nguyện thì ta sẽ đi xuống địa ngục, và nếu trì giữ mật nguyện thì ta sẽ đạt được Phật Quả viên mãn. Không có con đường thứ ba. Giống như đối với một con rắn bò theo bề dài trong thân cây tre, có thể nói rằng chỉ có hai cách để chui ra – thẳng lên hoặc thẳng xuống. Trong Kho Báu Thiện Đức có nói:

Một khi đã ở trong Mật Thừa, con chỉ có thể hoặc đi xuống các cõi thấp,
Hoặc đạt tới Phật Quả; không có hướng thứ ba.

Các mật nguyện trong Kim Cương Thừa thì sâu sắc, rất nhiều và khó giữ. Ngay cả đại đạo sư như Ngài Atisa đã nói rằng sau khi bắt đầu tu tập trên con đường Kim Cương Thừa, ngài đã liên tục mắc phạm hết lỗi lầm này đến lỗi lầm khác. Đối với chúng ta ngày nay có rất ít cách đối trị. Sự tỉnh giác của ta thì yếu ớt và ta lại không có sự cẩn mật. Thậm chí chúng ta không thực sự hiểu rõ các loại sa ngã khác nhau là gì. Bởi vì những sa ngã của chúng ta chắc chắn lúc nào cũng nhiều như mưa rơi trút xuống đầu nên điều tối quan trọng để chữa trị làø ta cần thực hành thiền quán và trì tụng Kim Cang Tát Đỏa hằng ngày, hoặc ít ra nhất định phải trì tụng bài bách tự minh chú hai mươi mốt lần mỗi ngày.

Ngay cả đối với người đã nắm vững được những điểm tinh yếu của hai giai đoạn phát khởi vàø thành tựu, vốn là những người, nương vào sự tỉnh giác, tính cẩn mật và v.v... đã tránh không vi phạm các mật nguyện, thì việc sám hối và tịnh hóa vẫn là điều cần thiết. Bởi vì trên thực tế, bất kỳ tiếp xúc nào qua lời nói hoặc hành động với một người đã từng phá vỡ các mật nguyện gốc (root samayas) – cho dù ta chỉ uống nước trong cùng một thung lũng với người phạm lỗi đó thì cũng đủ để tạo thành các lỗi lầm được gọi là “sự vi phạm qua giao tiếp” hoặc “sự vi phạm ngẫu nhiên”. Các Mật điển có nói:

Khi kết giao với những người vi phạm mật nguyện hay đáp ứng các ước muốn của họ,
Khi giảng Pháp cho họ hoặc cho những người không thích hợp để nghe,
Khi không tránh được tất cả những kẻ vi phạm giới nguyện, chúng con biết chúng con cũng bị ô nhiễm
Bởi các chướng ngại của những vi phạm đó,
Sẽ đem lại nghịch cảnh trong đời này và các chướng ngại trong đời sau,
Tràn đầy hối hận, chúng con xin bày tỏ và sám hối tất cả những lồi lầm này.

Nếu chỉ một người trong đại chúng vi phạm mật nguyện, thì một trăm hay một ngàn người khác đã giữ các thệ nguyện riêng của họ sẽ bị ô nhiễm tới mức họ sẽ không nhận được sự lợi lạc từ công phu hành trì của họ. Cái đó cũng giống như chỉ một giọt sữa chua biến toàn thể hũ sữa tươi thành chua, hoặc một con ếch bị đau làm rầu cả bầy ếch. Như có câu nói rằng:

Một giọt sữa chua
Làm cả bầu sữa thành chua.
Một hành giả suy đồi
Làm hư hại tất cả các hành giả du già khác.

Hơn nữa, không có vị Thầy nào, dù là đại Đạo Sư hay thành tựu giảû, có thể thoát khỏi ô nhiễm do những vi phạm mật nguyện này. Câu chuyện của đại Đạo Sư Lingje Repa minh chứng điều này. Khi Ngài đang ở trong thánh địa Tsari, Thiên Nữ Shingkyong bắt đầu gây các chướng ngại cho Ngài. Vào buổi trưa, bà đem xuống một bóng tối dày đặc đến nỗi các vì sao xuất hiện và sáng rực trên bầu trời. Tuy thế không gì có thể ngăn cản việc Ngài đi tới bờ Hồ Máu Đỏ Sẫm, ở đó Ngài múa hát một bài ca Kim Cương, và để lại các dấu chân trên tảng đá mà ngày nay vẫn còn có thể thấy được. Tuy nhiên, về sau trong cuộc đời Ngài, khi một đệ tử đã phá vỡ mật nguyện đến thăm Ngài – thì ngay cả một Đạo Sư đã thành tựu như Ngài vẫn có thể bị ô nhiễm. Ngài trở nên cuồng giận và bị cấm khẩu.

Tương tự như vậy, chúng ta thấy trong các bài ca Kim Cương của Thành Tựu Giả Urgyenpa hát rằng:

Ta, Rinchen Pel, kẻ hành khất từ Xứ Tuyết,
Bị đánh bại không bởi kẻ thù nào khác ngoài sự ô nhiễm của việc vi phạm mật nguyện,
Và đã được che chở không bởi bằng hữu nào khác ngoài vị Thầy của ta.

Vi phạm các giới mật của Kim Cương Thừa là một lỗi lầm lớn lao, và trì giữ các giới ấy thì cực kỳ khó khăn. Khi ta không tự kiểm soát một cách thận trọng mà cho rằng mình đang trung thành trì giữ các giới nguyện và cảm thấy tự hào về điều này thì đây cũng là một điều sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Các Mật điển đã từng giảng dạy rằng chỉ lãng quên trong giây lát sự hợp nhất [thân, khẩu, ý của ta với] thân, khẩu, và ý của ba mạn đà la196 đã là một vi phạm các giới mật của Kim Cương Thừa rồi. Vì thế việc trì giữ các mật giới thì thật khó khăn. Nói một các tường tận hơn, có tới một trăm ngàn mật nguyện khác nhau – một con số hết sức lớn. Theo các Mật điển, việc vi phạm các giới nguyện này sẽ đem đến cho chúng ta các bất hạnh như sau:

Yêu quái Kim Cương sẽ uống tâm huyết 197 của con,
Đời sống sẽ ngắn ngủi và bệnh hoạn, tài sản sẽ tan biến, kẻ thù sẽ khủng bố,
Trong Địa Ngục A Tìø cực kỳ kinh khiếp
Con sẽ trải qua những đau khổ dằng dặc và không thể chịu đựng nổi.

Vì thế, để cứu chữa tất cả mọi vi phạm, lỗi lầm, và các sa ngã chìm nổi, hãy luôn luôn làm tất cả những gì mình có thể làm được để hành trì pháp môn thiền quán và trì tụng Kim Cang Tát Đoả, cùng sám hối tất cả các lỗi lầm đó bằng bài bách tự minh chú. Như các bậc Thầy vĩ đại ngày xưa thường nói:

Trước hết, tốt nhất la giữ cho không bị nhơ bẩn bởi các ác hạnh, nhưng một khi ác hạnh đã xảy ra, thì điều quan trọng là phải sám hối.

Việc vi phạm các mật nguyện Kim Cương Thừa thì dễ sửa chữa, bởi lẽ chúng có thể được tịnh hóa bằng pháp sám hối. Trong truyền thống Thanh Văn, mắc phạm một tội của giới Ba La Đề Mộc Xoa198 thì giống như đập vỡ một cái bình bằng đất nung: đơn giản là không có cách để vá sửa được nữa. Còn làm vỡ bể các giới nguyện Bồ Tát thì giống như làm bể một đồ vật bằng kim loại quí. Một đồ vật như thế có thể được vá lành nếu giao được cho một thợ vàng khéo léo. Tương tự như vậy, việc các vi phạm giới nguyện có thể được tịnh hóa với sự trợ giúp của một bậc thiện tri thức. Đối với các giới nguyện Kim Cương Thừa, việc mắc phạm vào các sa ngã thì giống như việc làm mẻ một vật bằng kim khí quí báu. Ta có thể hoàn toàn tự tịnh hóa việc sai phạm đó, chỉ đơn giản bằng cách sám hối, dựa vào sự hỗ trợ của Bổn Tôn, câu minh chúù, và định. Nếu lỗi lầm được sám hối ngay lập tức thì việc tịnh hóa thật dễ dàng. Nếu trì hỗn càng lâu dài thì lỗi lầm càng lớn, và sự sám hối càng thêm khó khăn. Nếu trì hỗn hơn ba năm, thì không sám hối được sa ngã đó. Ngay cả nếu có sám hối thì cũng không tịnh hoá được.

Một số người có khả năng thiên phú, có thể sử dụng năng lực và phước báu của lời nói của mình để làm lợi lạc cho họ lẫn những người khác bằng cách che chở [cho mình và cho người], như chặn đứng sương giá, ngăn ngừa mưa đá, chấm dứt dịch hạch, chữa lành bẹânh người lớn và trẻ em và v.v.. Ngay cả những người như thế, để có thể duy trì khả năng và các phước báu đo,ù cũng cần tịnh hóa các chướng ngại của ngôn ngữø. Để làm điều đó, không có phương tiện nào tốt hơn việc trì tụng bách tự minh chú. Khi trì tụng minh chú thì phải cần trì tụng một cách chân thành và liên tục.

Bổn Sư đáng kính của tôi thường nói đùa rằng những kẻ có thể che chở những người khác và sử dụng các vật cúng dường chắc chắn cần phải bắt đầu tịnh hóa các chướng ngại thuộc về ngôn ngữ (khẩu) bằng cách hoàn tất việc trì tụng mười triệu lần bài bách tự minh chú. Trong thực tế, nhiều đệ tử của Ngài đã thực sự trì tụng bài bách tự minh chú mười hoặc thậm chí hai mươi triệu lần, và không có một ai trong số họ không hoàn tất ít nhất hai hoặc ba trăm ngàn lần trì tụng.

Đạo Sư Kim Cang Tát Đoả là hiện thân một trăm vị Phật. Ngài được gọi là “Kim Cang Tát Đoả - Vajrasattva, Vị Hộ Phật Duy Nhất Của Đại Ẩn Mật.” Trong toàn thể hằng hà sa số không thể nghĩ bàn của các Bổn Tôn (yidam) an bình và phẫn nộ, không có vị nào mà Ngài không ứng thân vào. Khi thiền định về Ngài, hãy xem Ngài là một với bản tánh của Bổn Sư gốc của mình. Đây là phương thức thực hành pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga) “theo phương cách của viên ngọc quý bao gồm tất cả.”199 Đây làø phương pháp tối hậu, thâm diệu nhất trong tất cả các pháp tu. Bởi lẽ, như tôi đã nói, bách tự minh chú là minh chú siêu vượt, cần phải hiểu rõ rằng không có pháp hành trì nào vi diệu hơn pháp hành trì này.

Con từng nghe giáo huấn lợi lạc, nhưng đã bỏ mặc qua bên như những ngôn từ.
Con từng hành trì chút ít, nhưng đã bị tật sao lãng phỉnh lừa.
Xin từ bi gia hộ cho con và tất cả chúng sinh quỷ quái như con,
Để chúng con có thể rút tỉa được tinh yếu của hai giai đoạn phát triển và thành tựu.


Mạn Đà La của Vũ Trụ

Đây là một biểu tượng ba chiều trình bày toàn thể thế giới theo vũ trụ quan của Ấn Độ cổ, được quán tưởng trong một mạn đà la cúng dường. Ngọn núi Tu Di vuông vức, bề ngang chóp núi rộng hơn chân núi, ở trên cùng được điểm bằng cung điện của Vua Trời Đế Thích (Indra), chung quanh bao gồm bốn trung châu và các tiểu trung châu. Trên cao hơn nữa là những cõi Trời thuộc sắc giới và vô sắc giới. 

Xem mục lục