Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

LXXXI. THÂM NHẬP VƯƠNG CUNG. [425]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, trong thành Xá-vệ có một bà-la-môn thuộc dòng họ lớn, tên là Da-nhã-đạt,[426] có nhiều của cải quý báu, sanh nghiệp không lường, ruộng đất, gạo lúa không thể kể xiết, vàng bạc, xa cừ, mã não chơn châu, hổ phách thủy tinh, lưu ly, voi ngựa, tôi tớ, kho tàng đầy đủ dư dật; oai tướng đầy đủ. Da-nhã-đạt có một tớ gái tên là Hoàng Đầu ,[427] thường trông coi vườn Mạt-lợi.[428] Đứa tớ gái kia thường ưu sầu nói: «Đến khi nào ta mới thoát khỏi kiếp sống tôi tớ?»

Một sớm mai nọ, đứa tớ gái kia nhận phần cơm khô của mình, mang vào trong vườn. Vào lúc đó, giờ khất thực đã đến, đức Thế tôn mặc y bưng bát vào thành khất thực. Người tớ gái Hoàng Đầu từ xa trông thấy đức Như Lai, tâm tự nghĩ rằng: «Nay ta nên đem phần cơm khô này dâng cúng cho Sa-môn kia, may ra, ta có thể thoát khỏi kiếp tôi đòi.» Nghĩ xong, Hoàng Đầu liền đem phần cơm dâng cúng đức Như Lai.

Đức Thế tôn dũ lòng thương nhận sự cúng dường rồi trở về tịnh xá. Người tớ gái Hoàng Đầu tiếp tục trên đường đến vườn Mạt-lợi.

Lúc bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc, điểm bốn binh chủng du ngoạn săn bắn. Đoàn tùy tùng phân tán ra đuổi theo bầy hươu. Lúc này thời tiết đang nóng bức, nhà Vua mệt mỏi. Từ xa Vua trông thấy vườn Mạt-lợi gần đó, liền cho lệnh quay xe đến. Để xe bên ngoài, nhà Vua đi bộ vào trong vườn.

Bấy giờ, Hoàng Đầu từ xa thấy Vua Ba-tư-nặc đến, liền khởi sanh ý nghĩ: «Người đang tiến đến với dáng bộ cử chỉ, chẳng phải là người thường.» Liền tiến đến trước mặt để nghinh đón, với lời kính cẩn chào hỏi: 

«Chào Đại nhơn mới đến! Mời ngài đến ngồi trên chỗ ngồi này.» 

Hoàng Đầu liền cởi áo trải ra, mời nhà Vua ngồi. Hoàng Đầu thưa hỏi:

«Ngài cần nước rửa chân hay không?»

Nhà Vua nói:

«Cần.»

Hoàng Đầu liền lấy lá sen múc nước đem đến cho nhà Vua. Nhà Vua tự dùng nước rửa. Hoàng Đầu chà, kỳ chân cho nhà Vua và thưa:

«Ngài có cần nước để rửa mặt không?»

Nhà Vua nói:

«Cần.»

Hoàng Đầu lại lấy lá sen múc đầy nước đem đến để nhà Vua rửa mặt.

Hoàng Đầu thưa tiếp:

«Ngài cần nước để uống hay không?»

Nha Vua nói:

«Muốn uống.»

Hoàng Đầu liền đến nơi ao; rửa tay sạch sẽ, rồi lấy lá sen tốt, múc đầy nước đem đến cho nhà Vua uống. Hoàng Đầu lại thưa Vua rằng:

«Không biết, Ngài có cần nghỉ một chút hay không?»

Nhà Vua nói:

«Cần yên nghỉ một chút.»

Hoàng Đầu lại liền cởi một chiếc áo trải ra, mời Vua nằm nghỉ. Khi nhà Vua nằm xong, Hoàng Đầu đến một bên quỳ thẳng gối xoa bóp cơ thể để giải tỏa mỏi mệt cho nhà Vua. Thân của Hoàng Đầu mềm mại dịu dàng như thân của thiên nữ. Khi nhà Vua được xoa bóp êm dịu, khởi ý nghĩ: «Chưa từng có một người nữ nào thông minh như thế này. Ta không bảo mà làm tất cả việc theo ý muốn của ta.» Nhà Vua liền hỏi:

«Người là con gái nhà ai?»

Hoàng Đầu trả lời:

«Tôi là người ở của gia đình Da-nhã-đạt. Chủ tôi sai tôi giữ vườn Mạt-lợi này.»

Trong khi nhà Vua hỏi Hoàng Đầu như vậy thì Đại thần của Vua Ba-tư-nặc tìm theo dấu vết của xe, đến nơi vườn Mạt-lợi, quỳ lạy dưới chân Vua xong, đứng qua một bên. Nhà Vua ra lệnh cho một người:

«Người hãy đến kêu Bà-la-môn Da-nhã-đạt đến chỗ Vua.»

Người nhận lệnh nhà Vua liền đến kêu bà-la-môn. Bà-la-môn đến quỳ lạy dưới chân nhà Vua xong, đứng qua một bên.

Nhà Vua hỏi:

«Người nữ này là tôi tớ của ngươi phải không?»

Bà-la-môn trả lời:

«Đúng như vậy.»

Nhà Vua nói:

«Nay ta muốn lấy người này làm vợ, ý ngươi thế nào?»

Người bà-la-môn tâu:

«Người này là tôi đòi, làm sao làm vợ của nhà Vua được?»

Nhà Vua khẳng định:

«Điều đó không can gì. Ngươi chỉ cho biết là phải trả giá bao nhiêu mà thôi.»

Người bà-la-môn tâu:

«Dù là giá đáng trăm ngàn lượng vàng; tôi đâu dám nhận. Tôi xin dâng hiến lên Đại vương.»

Nhà Vua nói:

«Không thể được. Nay ta lấy làm vợ, tại sao lại không tính giá?»

[690a1] Nhà Vua liền ra lệnh xuất trăm ngàn lượng vàng giao cho người bà-la-môn. Giao xong, nhà Vua liền sai người về cung, lấy các thứ anh lạc, áo xiêm đồ phục sức. Sau khi tắm gội, trang điểm thân mình, rồi ngồi chung xe với Vua trở về cung, cùng với các Đại thần hộ vệ tháp tùng.

Bấy giờ, Hoàng Đầu mới nghĩ: «Người này không phải là ai khác mà chính là Vua Ba-tư-nặc.» Hoàng Đầu được đưa vào ở trong cung, tập học các thứ kỹ thuật thơ toán, in, họa các thứ hình tượng, ca vũ hý nhạc, không bộ môn nào không biết. Vì từ trong vườn Mạt-lợi đem về, nên bà được đặt tên Mạt-lợi phu nhân. Cho đến khi tuổi lớn, Vua càng ái kính. Sau đó một thời gian, trong số năm trăm người nữ, Mạt-lợi được nhà Vua lập làm Đệ nhất Phu nhân.

Khi ở trên điện cao, Mạt-lợi Phu nhân tự nghĩ rằng: «Do nhơn duyên nghiệp báo gì mà ta được thoát khỏi kiếp tôi đòi, nay được sống khoái lạc thế này?» Rồi nghĩ tiếp: «Phải chăng, do trước đây ta đã dùng phần ăn của ta là cơm khô trộn với mật, dâng cúng sa-môn; vì nhơn duyên ấy mà nay ta được thoát khỏi thân tôi đòi, thọ sự khoái lạc thế này?» Mạt-lợi phu nhân liền hỏi người hầu cận:

«Trong thành Xá-vệ có sa-môn hình mạo như vậy chăng?»

Người hầu cận thưa:

«Có. Đó chính là đức Như Lai Vô sở trước, Chí chơn Đẳng chánh giác.» 

Phu nhân nghe rồi, lấy làm hoan hỷ, liền muốn đến chỗ đức Phật, nên đến thưa với Vua Ba-tư-nặc:

«Tâu đại vương! Tôi muốn đến yết kiến và lễ bái thăm hỏi đức Phật.»

Nhà Vua nói:

«Nên biết là đúng thời.»

Mạt-lợi phu nhân liền sửa soạn xe ngựa đến năm trăm chiếc, cùng năm trăm thể nữ thị tùng, ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến tịnh xá Kỳ-hoàn. Đến nơi, Mạt-lợi xuống xe, đi bộ vào. Từ xa thấy đức Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịnh định, thành tựu vô thượng điều phục, như voi chúa đã được điều phục, như hố thẳm trong lặng, thanh tịnh không nhớp. Phu nhân thấy vậy liền sanh hoan hỷ, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

«Do nhân duyên nào, thọ thân người nữ, nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải thiếu thốn, không có oai lực? Do nhân duyên nào nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải không thiếu, không có oai lực lớn? Do nhân duyên nào nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải không thiếu, có oai lực lớn? Do nhơn duyên nào, nhan sắc xinh đẹp, người thấy hoan hỷ, của cải không thiếu, có oai lực lớn?»

Bấy giờ, đức Thế tôn mới giảng cho Mạt-lợi phu nhân nghe:

«Hoặc có người nữ, lòng nhiều sân nhuế, đối với người ưa gây não hại cho người. Hoặc vì ít lời mà nổi thịnh nộ. Hoặc vì nhiều lời nên sân nhuế cũng nhiều. Cũng không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô quả bần cùng, mỗi khi họ đến cầu xin, y phục, ẩm thực voi ngựa xe cộ, hương hoa anh lạc, phòng xá ngọa cụ, đèn đuốc. Tất cả đều không bố thí. Thấy người khác được lợi dưỡng sanh tâm tật đố. Cho nên, này Mạt-lợi nữ nhơn, do nhiều sân nhuế nên tướng mạo xấu xí, người thấy không ưa. Do không bố thí nên của cải thiếu thốn. Do thấy người được lợi dưỡng sanh tâm tật đố, nên không có oai lực.

«Này Mạt-lợi Phu nhơn! Người nữ mà tâm nhiều sân nhuế, đối với người ưa gây phiền não. Hoặc vì ít lời mà nổi thịnh nộ. Hoặc vì nhiều lời nên sân nhuế cũng nhiều. Nhưng hay bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô quả, bần cùng, mỗi khi họ đến cầu xin, y phục ẩm thực, voi ngựa xe cộ, hương hoa anh lạc, phòng xá ngọa cụ đều cung cấp cho họ. Nhưng thấy người khác được lợi dưỡng sanh tâm tật đố. Cho nên, người nữ đó, do nhiều sân nhuế mà tướng mạo xấu xí; nhờ bố thí nên của cải không thiếu; và do tâm tật đố nên không có oai lực.

«Này Mạt-lợi Phu nhơn! Người nữ mà tâm nhiều sân nhuế, ưa gây não hại cho người, nói ít hiện sân nhuế nhiều, nói nhiều cũng hiện sân nhuế nhiều, mà hay bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô đơn, bần cùng, khi họ đến cầu xin, y phục, ẩm thực, hoa hương anh lạc, cho đến phòng xá ngọa cụ, đèn đuốc, đều cung cấp cho họ; thấy người được lợi dưỡng, tâm không sanh tật đố. Cho nên, người nữ này, do sân nhuế nên tướng mạo xấu xí; nhờ bố thí nên của cải không thiếu, và do thấy người được tài lợi không sanh tật đố nên có oai lực lớn.

«Này Mạt-lợi! Người nữ mà không có sân nhuế, không gây não hại chi người; nói ít, nói nhiều cũng không hiện sân nhuế; hay bố thí Sa-môn, Bà-la-môn, người cô quả, già nua, bần cùng, khi họ đến xin voi ngựa xe cộ, y phục ẩm thực, cho đến đèn đuốc đều cung cấp cho họ; thấy người được lợi dưỡng không sanh tật đố. Này, Mạt-lợi nữa nhơn! Vì không sân nhuế nên nhan sắc đoan chánh, vì bố thí nên của cải không thiếu và vì không tật đố nên có oai lực lớn.

«Này Mạt-lợi! Do những nhơn duyên này cho nên người nữ tướng mạo xấu xí, của cải thiếu thốn, không có oai lực. Do những nhơn duyên này, người nữ tướng mạo xấu xí; nhưng của cải không thiếu, mà lại không có oai lực. Do những nhơn duyên này, người nữ tướng mạo xấu xí; nhưng của cải không thiếu, có oai lực lớn. Do nhơn duyên này, người nữ tướng mạo đoan chánh, của cải không thiếu, có oai lực lớn.»

Lúc bấy giờ, Mạt-lợi phu nhơn, lại bạch đức Phật:

«Kính bạch Đại đức! Đời trước con nhiều sân nhuế, ưa gây não hại cho người, nói ít mà hiện nhiều sân nhuế, nói nhiều cũng hiện nhiều sân nhuế. Tại sao vậy? Vì đời này, con thọ thân hình xấu xí, người không ưa thích. Nhờ vậy cho nên biết được.

«Bạch Đại đức! Đời trước con hay làm việc bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô đơn bần cùng. Khi họ đến cầu xin, y phục ẩm thực, cho đến đèn đuốc, đều cung cấp cho họ, cho nên ngày nay của cải không thiếu.

«Bạch Đại Đức! Đời trước con thấy người khác được lợi dưỡng, không sanh tâm tật đố, cho nên ngày nay có oai lực lớn. Trong cung của Vua Ba-tư-nặc có năm trăm người nữ, đều là dòng họ Sát-lợi, mà con là người được tôn quý tự tại trong đó.

«Kính bạch Đại đức! Từ nay về sau, con không sân nhuế, không gây não hại cho người, không dựa vào nói ít nói nhiều mà hiện sân nhuế; thường bố thí Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô quả bần cùng; khi họ đến cầu xin y phục, voi ngựa, xe cộ, cho đến đèn đuốc, con đều cung cấp cho họ. Nếu thấy người được lợi dưỡng thì tâm con không sanh tật đố.

«Kính bạch đức Thế tôn! Từ nay về sau, trọn đời con nguyện quy y Phật Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tư. Từ nay về sau, con nguyện thọ trì không sát sanh, cho đến không uống rượu.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì Mạt-lợi phu nhân dùng vô số phương tiện nói pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Những pháp ấy là bố thí, trì giới, và sanh thiên. Nói dục là tội lỗi, dục là bất tịnh, là hữu lậu ô nhiễm, là trói buộc. Khen ngợi sự ích lợi của xuất ly, giải thoát. Mạt-lợi liền từ nơi chỗ ngồi mà sạch hết các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt, thấy pháp, đắc pháp, được chứng quả. Rồi Phu nhơn lại bạch đức Phật:

«Nay con, lần thứ hai, lần thứ ba, quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tư, từ nay về sau trọn đời con không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Mạt-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh kính lễ dưới chân đức Phật, nhiễu Phật ba vòng rồi cáo lui.

Khi về đến cung, Mạt-lợi khuyến dụ Vua Ba-tư-nặc, khiến nhà Vua tin ưa Phật pháp. Sau khi Vua đã có tín tâm, Vua cho phép các tỳ-kheo ra vào trong cung, các, không trở ngại.

Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di, đến giờ, mặc y, bưng bát vào hoàng cung của Vua Ba-tư-nặc. Trong lúc ấy, nhà Vua và phu nhơn còn đang ngủ ngày. Phu nhơn từ xa thấy Ca-lưu-đà-di đến, liền đứng dậy mặc áo vào. Rồi lấy chiếc áo rất quý lau chỗ ngồi để mời Ca-lưu ngồi. Phu nhơn để tuột y, [691a1] rớt xuống đất, lộ hình, nên xấu hổ, ngồi xuống. Ca-lưu-đà-di thấy, xoay mình ra khỏi hoàng cung. Nhà Vua liền hỏi phu nhân:

«Vừa rồi, tỳ-kheo thấy hình của khanh?»

Phu nhân thưa với nhà Vua:

«Tuy thấy, nhưng như anh chị em chứ không chi khác. Việc ấy không bận tâm.»

Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di trở về lại trong Tăng-già-lam; rồi đem nói với tỳ-kheo: «Đệ nhất bảo của Vua Ba-tư-nặc, nay tôi được thấy rõ.»

Tỳ-kheo hỏi:

«Thầy được thấy bảo vật gì?»

Ca-lưu-đà-di nói:

«Tôi thấy Mạt-lợi phu nhân lộ hình. Tôi thấy tất cả!»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao lại vào trong cung, đến chỗ ở của thể nữ?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài cố hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Sự thật ông có vào trong vương cung, đến chỗ ở của thể nữ không?»

Ca-lưu-đà-di thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, sự thật có như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện, quở trách Ca-lưu-đà-di:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông vào trong cung nội, chỗ ở của thể nữ?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, khi nhà Vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi[429] chưa ra khỏi, bảo vật chưa được thu cất mà vào; nếu quá khỏi ngạch cửa cung, phạm ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi:[430] lấy nước trong bốn đại hải, lấy cái sừng bên hữu con bò trắng, thu thập tất cả hạt giống, đựng đầy bên trong, để trên chiếc xe của nhà Vua, khiến các Tiểu vương khiêng. Nhà Vua cùng Đệ nhất Phu nhân ngồi trên xe. Đại Bà-la-môn dùng nước rưới trên đảnh của Vua. Nếu là dòng Sát-lợi, khi làm phép rưới nước trên đầu tức là lập vương vị. Do vậy, gọi là Vua quán đảnh dòng Sát-lợi. Nếu là dòng bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà-la được làm phép lấy nước rưới lên đầu để lập vương vị, nhà Vua ấy cũng gọi là Vua quán đảnh dòng Sát-lợi.

Chưa ra khỏi: tức là nhà Vua chưa ra khỏi, thể nữ chưa trở về chỗ cũ.

Chưa giấu bảo vật: vàng bạc chơn châu, xa cừ mã não, thủy tinh lưu ly, bối ngọc.[431] Tất cả các vật báu anh lạc chưa đem cất.

Tỳ-kheo nào, khi dòng Vua Sát-lợi quán đảnh, chưa ra khỏi, chưa cất của quý, mà vào ngạch cửa của vương cung, ba-dật-đề. Một chân ngoài, một chân trong, ý muốn đi, hoặc cùng hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Trừ dòng Vua Sát-lợi, nếu vào các nhà Túc tán tiểu vương,[432] trưởng giả hào quý, bước qua ngạch cửa đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nhà Vua đã ra khỏi, thể nữ về chỗ cũ; bảo vật, anh lạc đã cất; hoặc có việc cần đến tâu với nhà Vua; hoặc bị gọi đến, hoặc bị thế lực bắt đi; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; tất cả đều không phạm. 

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXII. CẦM NẮM BẢO VẬT[433]
A. DUYÊN KHỞI 
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, có cư sĩ đệ tử của ngoại đạo, ở nước Câu-tát-la, trên đường đi, ghé nghỉ một bên đường, bỏ quên một cái đãy, trong đó đựng một ngàn lượng vàng. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo cũng đi trên đường này, sau đó cũng dừng nghỉ bên đường, nơi chỗ người cư sĩ nghỉ. Các tỳ-kheo thấy chiếc đãy đựng vàng để nơi đất, cùng bảo nhau rằng: «Ta nên mang đi. Nếu có người chủ nào biết, sẽ trả lại cho họ.» Nói xong, liền mang đi theo.

Người cư sĩ quên gói vàng kia đi chừng vài dặm, nhớ lại, liền gấp gáp đi trở lui.

Các tỳ-kheo từ xa thấy, nói với nhau: 

«Người vội vàng đi ngược chiều đó chắc là người chủ vàng.» 

Khi đến, các tỳ-kheo hỏi:

«Ông muốn đi đâu?»

Người cư sĩ nói:

«Các ông cứ đi. Chuyện gì phải hỏi việc của tôi?»

Các tỳ-kheo nói:

«Chúng tôi muốn ông khỏi phải phiền đến chỗ đó.»

Người cư sĩ ngạc nhiên nói:

«Tôi vừa nghỉ nơi chỗ đó, bỏ quên túi vàng, nên bây giờ trở lại để lấy.» 

Các tỳ-kheo liền lấy túi vàng đưa ra và hỏi:

«Vật này không phải của ông à?»

Người cư sĩ nói:

«Chính là đãy của tôi đây. Mà sao vật đựng bên trong thiếu?»

Các tỳ-kheo nói:

«Thật sự chúng tôi chỉ lượm được cái gói như vậy mà thôi»

Người cư sĩ liền đến nhà quan khiếu nại.

Khi ấy, Vua Ba-tư-nặc đích thân ngồi ghế đoán sự. Nhà Vua cho mời các tỳ-kheo đến hỏi:

«Này Đại đức! Việc này thế nào? Theo lời người kia nói như vậy có đúng hay không?»

Các tỳ-kheo thưa với nhà Vua:

«Chúng tôi chỉ lượm được cái túi như vậy thôi chứ không thấy gì khác.»

Người cư sĩ nói:

«Số vàng của tôi chừng ấy lượng.»

Nhà Vua liền sai người mang đủ số vàng như người cư sĩ nói và bảo người ấy bỏ vào cái đãy đó, nhưng cái đãy lại chứa không hết. Nhà Vua liền nói với người cư sĩ:

«Như vậy, đây không phải là vật của ngươi, ngươi đi tìm nơi khác.»

Nhà Vua liền trị tội vu khống và tịch biên tài sản, tất cả số vàng đều nhập vào kho nhà quan.

Bấy giờ, có các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo:

«Sao tự tay cầm lấy vàng bạc để khiến cho cư sĩ phải bị nhà quan trị tội, lại bị tịch biên tài sản, tất cả sự nghiệp đều vào kho nhà quan?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo ấy rằng:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông tự tay cầm vàng bạc, khiến cho nhà Vua trị phạt cư sĩ, tịch biên tài sản?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, hoặc vật báu, hoặc cầm đồ trang sức quý báu tự tay cầm nắm, hay sai người cầm nắm, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ trong thành Xá-vệ, theo pháp thường của thế tục, ngày lễ hội của phụ nữ, Tỳ-xá-khư Mẫu [434] tự trang điểm anh lạc, đi ngang qua tịnh xá Kỳ-hoàn. Lòng kính tin của bà phát khởi, bà nghĩ: «Ta cần gì đến nơi lễ hội của người nữ. Nay ta nên đến chỗ đức Thế tôn để lễ bái thăm hỏi Ngài.»

Tỳ-xá-khư Mẫu liền quay trở lại, vào tịnh xá Kỳ-hoàn. Bà lại tự nghĩ: «Ta không nên mang những đồ trang sức bằng anh lạc này đến gặp đức Thế tôn. Nay ta nên cởi ra, sau đó mới đến lễ bái Ngài.»

Bấy giờ, bà đem đến nơi gốc cây cởi y báu và chuổi anh lạc, gom lại thành một đống lớn. Rồi bà đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, và đứng qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn phương tiện nói pháp, khai hóa hoan hỷ. Tỳ-xá-khư Mẫu nghe đức Như Lai nói pháp rồi sanh lòng hoan hỷ kính lễ dưới chân Phật, rồi nhiễu quanh [692a1] và cáo lui.

Bấy giờ, tâm bà còn để nơi pháp, đi thẳng ra khỏi cửa Kỳ-hoàn, quên đến lấy những đồ trang sức y báu và chuỗi anh lạc. Về đến nhà, bà mới nhớ, bèn nghĩ: «Nếu ta sai người đến lấy, sợ không có thì có thể làm nhục các tỳ-kheo.» Do vậy bà không sai sứ đến lấy.

Có một tỳ-kheo thấy Tỳ-xá-khư Mẫu khi vào Kỳ-hoàn thì đến nơi gốc cây, nhưng khi bà ra về thì không đến nơi chỗ đó. Vị tỳ-kheo kia liền đến chỗ gốc cây, thấy những đồ trang sức, chuỗi anh lạc, y báu tập trung một chỗ, tâm sanh nghi, không dám lấy, bèn nghĩ: «Đức Thế tôn chế giới: tỳ-kheo nào tự cầm nắm vật báu, hoặc đồ trang sức quý báu, hay bảo người khác cầm nắm, Ba-dật-đề.» Tỳ-kheo kia đến bạch Phật, đức Phật bảo: 

«Từ này về sau, cho phép trong Tăng-già-lam , thấy có vật bỏ quên, để khỏi mất, phải lấy cất.»

Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, tự cầm nắm kim bảo, hoặc đồ trang sức quý báu,[435] hay bảo người cầm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong tăng-già-lam.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Khi ấy, có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi, ghé vào một thôn không có trú xứ, hỏi thăm rằng:

«Nơi đây chỗ nào có phòng xá trống, có thể tạm nghỉ lại đêm?» 

Những người ở đó nói:

«Nơi đây có nhà người thợ kim hoàn,[436] có phòng xá trống. Có thể đến đó nghỉ được.»

Các tỳ-kheo đến nơi nhà thợ kim hoàn, nói rằng:

«Chúng tôi muốn xin nghỉ nhờ một đêm, có được không?»

Thợ kim hoàn trả lời:

«Được.»

Các tỳ-kheo vào nhà trải nệm cỏ an tọa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Hôm ấy, người thợ kim hoàn có những thứ vàng đã chế biến, có vàng chưa chế biến, có thứ đồ vàng mới chế biến một phần; có đồ bằng bạc đã chế biến, có thứ bạc chưa chế biến, có đồ bạc chế biến chưa thành, để trong nhà đó. Tối đó, các tỳ-kheo vì bảo vệ những thứ đó nên suốt đêm không ngủ, vì sợ kẻ trộm đến lấy. Sáng ngày, thợ kim hoàn đi vào nhà, hỏi thăm các tỳ-kheo:

«Thưa quý Ngài, đêm qua, ngủ có được ngon giấc không?»

Các tỳ-kheo trả lời:

«Ngủ không được.»

Ông thợ vàng liền hỏi:

«Sao ngủ không được?»

Các tỳ-kheo trả lời:

«Ông để một số vật quý ở trong nhà. Chúng tôi suốt đêm lo giữ hộ nên không ngủ được.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch, đức Thế tôn bảo rằng: 

«Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo, khi tạm nghỉ đêm nơi nhà người khác, trong nhà đó, nếu có vật quý, để khỏi mất, nên lấy cất.» 

Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, tự mình cầm lấy bảo vật, hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong tăng-già-lam, hay chỗ ký túc. Nếu trong tăng-già-lam, hoặc chỗ ký túc, mà tự mình cầm nắm bảo vật, hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm, nên nghĩ như vầy: ‹Nếu sở hữu chủ nhận ra, sẽ nhận lại.› Chỉ với nhân duyên như vậy chứ không gì khác.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Vật váu: vàng, bạc, chơn châu hỗ phách, xa cừ, mã não, lưu ly, bối ngọc sanh tượng.

Trang sức, bằng bảo vật: Đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp; dùng các vật quí báu làm đồ trang sức.

Nếu tỳ-kheo ở trong Tăng-già-lam, hoặc trong nhà, đối với những vật báu, đồ trang sức bằng vật báu, tự tay mình cầm hay bảo người khác cầm, nên phải biết tướng trạng của cái đãy, nên biết tướng trạng của mặt trong, nên biết tướng của cách cột, nên mở đãy ra xem, để biết bao nhiêu cái dính liền với nhau, bao nhiêu cái rời ra, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái cũ, bao nhiêu cái mới. Nếu có người tìm hỏi thì nên hỏi họ: Vật của ngươi giống như cái gì? Nếu họ nói đúng thì trả lời cho họ. Nếu họ nói không đúng thì nên nói với họ rằng: «Tôi không thấy cái vật như vậy.» Nếu có hai người đều đến tìm hỏi thì nên hỏi: «Vật của ông hình trạng của nó như thế nào?» Nếu họ nói đúng thì nên trả lại. Nếu họ nói không đúng thì nên nói với họ rằng: «Tôi không thấy vật như vậy.» Nếu cả hai người đều nói đúng thì đem vật ấy ra trước mặt họ và nói: «Đây là vật của các người. Lấy đi.»

Nếu tỳ-kheo ở trong Tăng-già-lam hoặc trong nhà, đối với vật báu, hay đồ trang sức bằng vật báu tự tay mình cầm, hay bảo người khác cầm, hoặc không biết hình tướng của cái đãy, hình tướng của cái gói, hình tướng cách cột, thì phạm đột-kiết-la. Nếu không mở ra xem để biết bao nhiêu cái dính liền nhau, bao nhiêu cái không dính chùm với nhau, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái cũ, thì tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu đến trong Tăng-già-lam, hoặc chỗ nghỉ đêm, đối với vật báu, đồ trang sức bằng vật báu, tự tay mình cầm, hay bảo người khác cầm; biết tướng của cái đãy, tướng của mặt trong, tướng của cách cột, mở gói ra xem, biết bao nhiêu cái dính liền với nhau bao nhiêu cái chưa dính liền với nhau, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái cũ. Nếu hai người đều đến hỏi, thì nên hỏi: «Vật của người tình trạng thế nào?» Họ nói đúng trả lại. Nếu họ nói không đúng, nói với họ: «Tôi không thấy vật như vậy.» Nếu hai người đều nói đúng, đem vật ấy ra trước họ, nói: «Vật của các người đó. Lấy đi.» Nếu đó là các phẩm vật trang nghiêm cúng dường tháp, chùa, để giữ lâu bền, nên thu cất. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [437] 

 

LXXXIII. PHI THỜI VÀO XÓM[438]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích Tử vào thôn lúc phi thời, cùng các cư sĩ đánh cờ.[439] Tỳ-kheo thắng, các cư sĩ thua nên không bằng lòng, ghét nói: 

«Tỳ-kheo buổi sáng vào thôn vì khất thực. Còn phi thời vào thôn, có việc gì?»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích Tử: «Sao lại vào thôn lúc phi thời, cùng đánh cờ chơi với các cư sĩ ?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích Tử:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà Thích Tử, sao ông lại vào thôn lúc phi thời, cùng đánh cờ chơi với các cư sĩ?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử rồi bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, vào thôn lúc phi thời, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo hoặc vì việc của Tăng, hoặc vì việc của tháp, của chùa, hoặc vì nuôi bệnh, không biết phải làm sao? Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo có duyên sự thì phải dặn lại rồi vào tụ [693a1] lạc.» 

Các tỳ-kheo không biết dặn lại ai. Đức Phật dạy:

«Nên dặn lại tỳ-kheo. Nếu ở riêng một phòng thì dặn lại tỳ-kheo ở phòng gần.» 

Từ nay về sau nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào,[440] phi thời vào tụ lạc mà không báo cho tỳ-kheo khác,[441] ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thời: lúc bình minh xuất hiện cho đến giữa trưa.

Phi thời: từ quá giữa trưa cho đến lúc bình minh hôm sau chưa xuất hiện.

Thôn tụ lạc:[442] có bốn loại thôn như đã nói trên.

Có tỳ-kheo: người đồng ở hay khách mới đến.

Nếu tỳ-kheo vào xóm lúc phi thời, có tỳ-kheo mà không báo lại, bắt đầu bước chân vào cửa ngõ thôn, phạm ba-dật-đề. Một chân trong cửa thôn, một chân ngoài cửa thôn, phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. 

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: tỳ-kheo lo việc của chúng Tăng, việc chùa tháp, việc nuôi bệnh, có báo lại tỳ-kheo khác; hoặc trên đường đi qua thôn; hoặc có việc cần nói; hoặc bị gọi; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói buộc dẫn đi; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXIV. GIƯỜNG CAO QUÁ LƯỢNG[443]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bây giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di đoán biết đức Thế tôn sẽ đi qua con đường này,[444] liền trải dọn giường chõng cao đẹp ngay giữa đường. Ca-lưu-đà-di từ xa trông thấy đức Thế tôn đến, bạch Phật rằng:

«Thế tôn xem giường chõng của con đây! Thiện Thệ xem giường chõng của con đây!»

Đức Thế tôn dạy:

«Nên biết, kẻ ngu si này trong lòng chứa đầy điều xấu ác.»

Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo rằng:

«Ca-lưu-đà-di ngu si này trải dọn giường cao rộng lớn chỉ vì mình.» 

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, làm giường dây hay giường gỗ, chân giường chỉ cao bằng tám ngón tay của đức Như lai,[445] đã trừ phần từ lỗ mộng để ráp thanh giường trở lên. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Giường: có năm thứ giường như trên đã nói.[446]

Nếu tỳ-kheo tự làm giường dây, giường cây, bề cao của chân giường cắt rồi bằng 8 ngón tay của đức Như Lai, nếu quá, ba-dật-đề. Làm mà không thành phạm đột-kiết-la. Sai người làm, cắt xong quá tám ngón tay, ba-dật-đề, làm mà không thành phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành không thành, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Làm với chiều cao bằng tám ngón tay hoặc thấp hơn tám ngón tay; người khác làm thành đem cho; cắt bỏ khúc dư rồi dùng; hoặc tháo chân bỏ thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXV. ĐỆM BÔNG[447]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đem nệm lớn, nệm nhỏ giường cây, giường dây, độn đâu-la-miên [448] vào trong. Các cư sĩ thấy đều cùng nhau cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, không có lòng thương, đoạn mạng sống của chúng sanh. Bên ngoài tự xưng rằng tôi tu chánh pháp mà độn đâu-la-miên vào trong giường cây, giường dây, nệm lớn, nệm nhỏ, giống như quốc vương, như Đại thần. Như vậy có gì là Chánh pháp?»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm tách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao độn đâu-la-miên vào trong giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao độn đâu-la-miên vào trong giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, khiến cho cư sĩ cơ hiềm?»

Quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, dùng bông đâu-la, dồn làm đệm lớn, đệm nhỏ, giường dây, giường cây, đã dồn thành, ba-dật-đề.[449]

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Đâu-la: bông cây bạch dương, bông cây dương liễu, bông bồ đài.

Giường cây: có năm thứ như trên.

Giường dây: cũng có năm thứ như đã giải ở trước.

Nệm lớn: dùng để nằm.

Nệm nhỏ: dùng để ngồi.

Nếu tỳ-kheo dùng đâu-la-miên dồn vào trong giường cây, giường dây, nệm lớn, nệm nhỏ, tự mình làm mà thành ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người làm mà thành thì phạm ba-dật-đề, không thành phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đôt-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc cỏ cưu-la-da, cỏ văn nhã, cỏ ta-bà[450] hoặc dùng lông chim, kiếp bối, giẻ rách các thứ, hoặc dùng làm vật lót vai, làm gối để trên xe thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXVI. ỐNG ĐỰNG KIM[451]
A. DUYÊN KHỞI 
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt. Bấy giờ, có người thợ [452] tin ưa Phật pháp. Vì làm ống đựng kim cho tỳ-kheo bằng các loại xương, răng, sừng… khiến cho người thợ này bỏ phế công ăn việc làm của nhà, của cải bị khánh tận, không đủ cơm ăn áo mặc.

Bấy giờ, người đời đều nói: «Người thợ này khi chưa cúng dường sa-môn Thích tử thì của cải dồi dào. Từ khi cúng dường sa-môn Thích tử đến nay, nhà bị nghèo khốn, cơm không có để ăn. Sở dĩ cúng dường, hy vọng là được phước, mà lại gặp phải tai ương!»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo: «Sao các thầy khiến ông thợ làm ống đựng kim bằng xương, ngà, sừng, đến độ họ bỏ công việc làm, của cải bị khánh tận?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này các tỳ-kheo, sao các ông lại khiến người thợ công nghiệp làm ống đựng kim bằng xương, ngà, sừng, đến độ tài sản của họ khánh tận?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, dùng xương, răng,[453] sừng, làm ống đựng kim, đục khoét, và làm thành, phạm ba-dật-đề.[454]

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Nếu tỳ-kheo tự mình đục khoét xương, ngà, sừng để làm ống đựng kim mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành phạm đột-kiết-la. Nếu dạy người khác làm mà thành, [694a1] ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu làm bằng sắt, bằng đồng, bằng chì, bằng thiếc, bạch lạp, tre, cây, trúc hoặc cỏ xá-la… thì không phạm. Hoặc làm chóp bịt đầu tích trượng, hoặc làm chóp bịt cán lọng, hoặc làm chóp bịt cán vá, hoặc làm móc để móc, hoặc làm dao cạo bẩn, làm cái như ý, làm khoen nút, thìa, cán gáo, câu móc y, đồ để nhỏ thuốc con mắt, đồ nạo lưỡi, cây xỉa răng, đồ móc tai, thiền trấn,[455] ống xông lỗ mũi. Làm các vật dụng linh tinh trên đều không phạm. 

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXVII. NI-SƯ-ĐÀN QUÁ LƯỢNG[456]
A. DUYÊN KHỞI 
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Ngày hôm ấy, đức Thế tôn không đi thọ thỉnh, đàn-việt đem thức ăn đến dâng.

Như thường pháp của chư Phật, ngày nào không đi thọ thỉnh Phật đi xem các phòng xá. Hôm ấy, đức Phật đến các phòng xá, thấy nhiều chỗ khác nhau ngọa cụ của chúng Tăng trải trên đất bị dính dơ bởi bất tịnh. Lúc ấy, trời sắp mưa lớn. Đức Thế tôn liền dùng thần lực khiến cho các ngọa cụ của chúng Tăng khỏi bị thấm ướt bởi nước mưa. Khi các tỳ-kheo trở về, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, nói:

«Vừa rồi, Ta có đi xem các phòng xá, thấy nhiều chỗ khác nhau, ngoạ cụ của chúng Tăng trải trên đất bị dính dơ bởi sự bất tịnh. Lúc ấy trời sắp mưa, Ta dùng thần lực khiến cho ngọa cụ khỏi bị thấm ướt bởi nước mưa. Các ông nên biết, sự nhơ nhớp này là của người có dục, chẳng phải là người không có dục; là người sân nhuế, chẳng phải là kẻ không sân nhuế, là người si, chẳng phải là người không si. Những người ly dục, tiên nhân ngoại đạo ly dục còn không có việc này, huống chi là A-la-hán. Nếu tỳ-kheo chánh niệm không tán loạn thì ngủ cũng không có việc này, huống chi là A-la-hán. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, vì để ngăn che thân, ngăn che y, ngăn che ngọa cụ, cho sắm ni-sư-đàn.»

Khi đức Thế tôn cho phép sắm ni-sư-đàn, nhóm sáu tỳ-kheo liền sắm nhiều ni-sư-đàn, vừa rộng, vừa dài. Các tỳ-kheo thấy hỏi: 

«Đức Thế tôn chế giới cho phép chứa ba y, không được dư, đây là y của ai?» 

Nhóm sáu tỳ-kheo nói:

«Đó là ni-sư-đàn của chúng tôi.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại sắm nhiều ni-sư-đàn, vừa rộng vừa dài?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông may ni-sư-đàn vừa rộng vừa lớn?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo xong, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy: 

Tỳ-kheo nào, làm ni-sư-đàn, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang tay, và rộng một gang tay rưỡi của Phật. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Khi ấy tôn giả Ca-lưu-đà-di thân hình thì lớn, ni-sư-đàn lại nhỏ; không đủ để ngồi. Tôn giả biết đức Thế tôn sẽ đi qua con đường đó, bèn đứng bên đường, lấy tay kéo ni-sư-đàn ra, muốn cho nó dài rộng thêm. Đức Thế tôn thấy Ca-lưu-đà-di lấy tay kéo ni-sư-đàn ra; biết mà Phật vẫn cố hỏi:

«Vì sao kéo ni-sư-đàn như vậy.»

Tôn giả thưa:

«Con muốn khiến cho nó dài rộng thêm, cho nên kéo như vậy.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn nhơn việc này, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, khen ngợi hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, an lạc của sự xuất ly, và bảo các tỳ-kheo: 

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo may ni-sư-đàn dài rộng thêm, mỗi bên nửa gang tay.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, làm ni-sư-đàn, cần phải làm cho đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang, rộng một gang tay rưỡi Phật;[457] lại thêm một bên nửa gang tay nữa làm lề. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Ni-sư-đàn:[458] đồ trải xuống để ngồi. Nếu tỳ-kheo làm ni-sư-đàn, chiều dài quá mức định, chiều rộng không quá; hoặc chiều rộng quá, chiều dài không quá; hay là chiều rộng cũng như chiều dài đều quá, tự mình may mà thành, ba-dật-đề. Không thành, phạm đột-kiết-la. Bảo người khác may mà thành, ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Vì người khác may, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: may đúng lượng, hoặc giảm hơn; hoặc từ người khác nhận được vật đã làm thành, cắt bỏ đúng mức định; hoặc may xấp lại thành hai lớp thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXVIII. PHÚ SANG Y [459]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh ghẻ nhọt. Các loại ghẻ phát sinh, máu mủ chảy ra nhớp thân, nhớp y, nhớp ngọa cụ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chứa y che ghẻ .[460]»

Các tỳ-kheo sắm y che ghẻ bằng loại vải thô, nên nhiều lông dính vào mụt ghẻ, lúc gỡ ra bị đau. Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo dùng thứ vải cao giá, mềm mịn, làm y che ghẻ; rồi khoác niết-bàn-tăng lên.[461] Nếu khi đến nhà bạch y, được mời ngồi, thì nói: «Tôi có nhọt.» Nếu người chủ nói: «Thầy cứ ngồi.» Thì vén niết-bàn-tăng lên, dùng y này phủ lên trên mụt ghẻ rồi ngồi.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép may y che ghẻ bèn may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi:

«Đức Thế tôn chế giới, chỉ cho chứa ba y, không được quá. Vậy y này của ai?»

Nhóm sáu tỳ-kheo nói:

«Y che ghẻ của chúng tôi đấy!»

Các tỳ-kheo nghe, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng thế?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, làm y che ghẻ, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài bốn gang, rộng hai gang tay Phật, sau khi đã cắt. Nếu quá, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Y che ghẻ: y dùng phủ lên thân khi có các loại ghẻ.

Nếu chiều dài [695a1] đúng lượng, chiều rộng không đúng lượng; hay chiều dài không đúng lượng, chiều rộng đúng lượng; hoặc cả chiều dài và chiều rộng đều không đúng lượng, tự mình may mà thành, ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Bảo người may mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu vì người mà (may) thành không hay thành đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: may đúng lượng hoặc giảm hơn; hoặc nhận được từ người khác mà cắt may đúng lượng; hay may xấp thành hai lớp; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXXIX. ÁO TẮM MƯA [462]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Mẫu [463] nghe đức Như Lai cho phép các tỳ-kheo may áo tắm mưa,[464] liền may một số áo tắm mưa rất nhiều, sai người mang đến trong Tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận xong liền đem phân chia. 

Đức Phật dạy:

«Loại y này không nên phân chia như vậy. Từ nay về sau, nếu nhận được y tắm mưa, theo thứ bậc Thượng tọa mà trao. Nếu không đủ thì ghi nhớ. Khi nhận được lần kế tiếp, theo thứ tự đó mà trao cho đủ.»

 Sau đó, được y quý giá, theo thứ tự trao. Đức Phật dạy:

«Không nên như vậy. Nên đổi cho bậc Thượng tọa. Rồi lấy y mà Thượng tọa đã nhận trước kia, chuyển đến vị thứ tọa. Nếu không đủ hết, thì nên lấy y vật có thể phân của Tăng, đem trao cho đủ hết.»

Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Như Lai chế giới cho phép các tỳ-kheo may y tắm mưa, liền tự mình may nhiều y tắm mưa, vừa dài vừa rộng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: «Đức Như Lai chế giới, cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được quá. Vậy y này là y của ai?»

Nhóm sáu tỳ-kheo nói:

«Đó là y tắm mưa của chúng tôi.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại may nhiều tắm mưa vừa dài vừa rộng thế?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông may nhiều y tắm mưa vừa dài vừa rộng?»

Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, may áo tắm mưa phải may đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài sáu gang rộng hai gang rưỡi tay Phật, sau khi đã cắt. Nếu quá, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Áo tắm mưa: áo dùng để các tỳ-kheo mặc tắm khi trời mưa.

Nếu tỳ-kheo may áo tắm mưa bề dài không đúng lượng, bề rộng đúng lượng, hoặc bề rộng không đúng lượng, bề dài đúng lượng; hay cả bề dài và bề rộng đều không đúng lượng, tự tay mình may mà thành, ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người may mà thành, ba-dật-đề, không thành đột-kiết-la. Nếu vì người may, thành không thành đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: may đúng lượng hoặc giảm hơn; hay là nhận được từ người khác, cắt may đúng như pháp; hoặc may xấp lại thành hai lớp; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XC. LƯỢNG Y NHƯ LAI[465]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-loại, Thích-súy-sấu.[466] Bấy giờ, chiều cao của Tôn giả Nan-đà  thấp hơn đức Phật chỉ bốn ngón tay. Các tỳ-kheo từ xa thấy Nan-đà đến đều tưởng nhầm là đức Phật đến, nên liền đứng dậy để nghinh đón. Khi đến nơi mới biết là Nan-đà.[467] Các tỳ-kheo đều ôm lòng xấu hổ, Nan-đà cũng xấu hổ.

Các tỳ-kheo đem việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, quy định tỳ-kheo Nan-đà mặc y màu đen [468].»

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo may y bằng hay quá với mức lượng của đức Phật.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy may y bằng của y đức Phật hay quá mức lượng?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông may y bằng hay quá mức lượng y của Như Lai?»

Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, may bằng lượng y của Như Lai, hoặc may quá lượng đó, ba-dật-đề. Trong đây lượng y của Như Lai là dài mười gang và rộng sáu gang tay Phật. Đó gọi là lượng y của Như Lai.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Y: có mười loại như đã nói ở trên.

Nếu tỳ-kheo may y, bằng lượng y của đức Như Lai, trong đó dài không đúng lượng, rộng đúng lượng, hoặc rộng không đúng lượng, dài lại đúng lượng, hay là cả dài và rộng đều không đúng lượng, tự mình may mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu bảo người may mà thành thì phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu vì người khác may, thành hay không thành cũng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nhận từ người khác, vật đã may thành; cắt may như pháp. Hoặc không cắt bỏ mà xấp lại may thành hai lớp. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.

Xem mục lục