Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

X. PHÁ HOÀ HIỆP TĂNG *

Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[32] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, ta vì Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, muốn phá hoại hòa hợp tăng, tiến hành phá hoại hòa hợp tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp tăng, kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo-ni kia nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‹Đại tỷ chớ phá hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hiệp tăng, chớ chấp chặt phá hoại hòa hợp Tăng kiên trì không bỏ. Đại tỷ, nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.› Tỳ-kheo-ni ấy khi được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.[33]
 

XI.TÙY THUẬN PHÁ TĂNG *

Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[34] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, có bè đảng từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số. Các tỳ-kheo-ni bè đảng ấy nói với các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Đại tỷ, chớ can gián tỳ-kheo-ni ấy. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như pháp. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như luật. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói chúng tôi chấp nhận.› Chúng tỳ-kheo-ni nên nói với tỳ-kheo-ni bè đảng ấy rằng: ‹Đại tỷ chớ nói như vầy: ‹Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như pháp. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như luật. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói là chúng tôi chấp nhận.› Tại sao vậy? Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói là phi pháp, là phi luật. Đại tỷ, chớ phá hoại hòa hợp Tăng. Các cô nên hoan hỷ hòa hợp Tăng. Đại tỷ cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng học một thầy, hòa hợp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có tăng ích an lạc.› Các tỳ-kheo-ni bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ. Chúng tỳ-kheo-ni kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
 

XII. Ô THA GIA *

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[35] tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, nương tựa nơi làng xóm hoặc nơi thành ấp mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; [723a1] hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô làm hoen ô nhà người, có hành vi xấu, sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Đại tỷ, cô làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lìa xóm làng này, không nên ở nơi đây nữa.›

Tỳ-kheo-ni ấy nói với tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, các tỳ-kheo-ni có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi.›

Các Tỳ-kheo-ni nên trả lời tỳ-kheo-ni ấy rằng: ‹Đại tỷ, cô chớ nói: ‹Các tỳ-kheo-ni có thiên vi, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi. Tại sao vậy? Các tỳ-kheo-ni không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy, không có người bị đuổi, không có người không bị đuổi, mà vì đại tỷ, là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni này nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
 

XIII. ÁC TÁNH BẤT THỌ GIÁN NGỮ *

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này[36] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, có tánh ngoan cố không nghe lời người khuyên, đã được các tỳ-kheo-ni khuyên can như pháp về những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: ‹Các đại tỷ, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt, hoặc xấu, tôi cũng không nói với các đại tỷ điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại tỷ hãy thôi, chớ can gián tôi.› Các tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại tỷ, hãy tự thân nhận lời can gián. Đại tỷ như pháp can gián các tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo-ni cũng sẽ như pháp can gián đại tỷ. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích lần lượt can gián lẫn nhau, lần lượt chỉ bảo cho nhau, lần lượt phát lồ với nhau.› Khi tỳ-kheo-ni này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
 

XIV. TƯƠNG THÂN TƯƠNG TRỢ ÁC HÀNH[37]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có hai Tỳ-kheo-ni, một tên là Tô-ma, một tên là Bà-phả-di, cùng sống gần gũi với nhau, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, hỗ tương cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Các Tỳ-kheo-ni nói rằng:

«Đại tỷ, hai vị chớ nên gần gũi nhau, cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Hai vị, nếu không gần gũi ăn ở với nhau, làm các việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau, thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.»

Nhưng họ vẫn cố chấp, không chịu cải hối.

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý cơ hiềm tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di: «Tại sao hai cô cùng nhau gần gũi, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau? Các tỳ-kheo-ni đã khuyên rằng, ‹Đại tỷ, hai vị chớ nên gần gũi nhau, cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Hai vị, nếu không gần gũi ăn ở với nhau, làm các việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau, thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.› Nhưng các vị vẫn cố chấp không chịu cải hối!»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di:

«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao hai cô cùng nhau gần gũi, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau? Các tỳ-kheo-ni đã khuyên rằng, ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên gần gũi nhau, cùng làm điều ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không gần gũi nhau, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, cùng nhau che dấu tội lỗi nhau thì ở trong Phật pháp có tăng ích, sống an lạc.› Nhưng cả hai vẫn cố chấp không chịu cải hối. Thế là sao?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma.»

Nên can gián như vầy: Trong ni chúng, sai một vị có thể tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:

«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe. Tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di nầy sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp, hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Các tỳ-kheo-ni khác đã can gián rằng: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Nhưng họ vẫn cố chấp không chịu cải hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Đây là lời tác bạch.

«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di này cùng nhau gần gũi cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng nhau che dấu tội lỗi. Các tỳ-kheo-ni khác đã nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Nhưng họ vẫn cố chấp không chịu cải hối. Nay, Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can ngăn cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yất-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).

«Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp nhận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»

Tăng tác pháp can gián bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo, đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:

Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như các tỳ-kheo-ni này thì Tăng tỳ-kheo-ni cũng sẽ trao cho pháp quở trách can gián bạch tứ yết-ma như vậy.

«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, gần gũi sống chung, [724a1] cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che giấu tội lỗi cho nhau. Các tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, các cô chớ gần gũi sống chung, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng nhau che tội. Nếu các cô không gần gũi sống chung thì trong Phật pháp được tăng ích, sống an lạc.› Khi tỳ-kheo-ni này can gián, tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo-ni này nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni kia phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Gần gũi: thường cùng nhau vui đùa, thường cùng nhau giỡn cợt, thường cùng nhau nói chuyện.

Hạnh ác: tự mình trồng bông, trồng cây, dạy người trồng. Tự mình tưới nước, dạy người tưới. Tự mình hái hoa, dạy người hái hoa. Tự mình làm tràng hoa, dạy người làm. Tự mình dùng chỉ xâu, dạy người xâu. Tự mình mang đi, dạy người mang đi. Tự mình cầm tràng hoa đi, dạy người cầm đi. Tự mình lấy chỉ xâu cầm đi, dạy người lấy chỉ xâu cầm đi. Hoặc ở trong thôn cùng người, cùng nam tử đứng ngồi chung chạ, ăn uống chung một đồ đựng, nói cười, vui đùa, tự mình ca múa hát xướng, hoặc người khác làm mình xướng họa, hoặc nói lối, hoặc đánh trống, thổi ống tiêu, làm tiếng kêu của con chim tước, hay các loài chim, hoặc nhảy, hoặc đi khập khểnh, hoặc thổi địch, hoặc tự uốn éo thân hình, hoặc thọ nhận sự ngắm nghía giỡn chơi…

Tiếng ác: tức lời nói xấu đồn khắp bốn phương, không chỗ nào không nghe.

Tội: che dấu các tội khác, trừ tám pháp ba-la-di.

Nếu tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm ác, tiếng ác đồn khắp, cùng nhau che tội lỗi. Các tỳ-kheo-ni khác nên can gián tỳ-kheo-ni này: «Các đại tỷ! Các cô chớ nên cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm ác, tiếng ác vang khắp, cùng nhau che tội cho nhau. Nếu, các cô không cùng nhau gần gũi cùng nhau làm ác, tiếng ác đồn khắp, thì ở trong Phật pháp được tăng ích, sống an lạc. Các cô nên chấm dứt việc này, đừng để cho Tăng phải quở trách can gián mà phạm tội trọng.»

Nếu họ nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Này cô, tôi đã tác bạch rồi, còn các pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe theo lời thì tốt, bằng không nghe theo lời thì nên tác pháp sơ yết-ma. Tác pháp sơ yết-ma rồi, nên nói lại: «Nầy cô, tôi đã tác bạch và sơ yết-ma rồi, còn hai yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián, mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe theo lời thì tốt, bằng không nghe theo thì tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, lại nên nói: «Nầy cô, tôi đã tác bạch và yết-ma hai lần rồi, còn lại một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián mà phạm trọng tội.»

Nếu họ nghe theo thời tốt, bằng không nghe theo, yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác bạch xong, hai yết-ma, rồi bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá.

Bạch xong, một yết-ma rồi bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong rồi bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Chưa bạch xong, bỏ thì phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn đãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo tùy theo đó mà phạm. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: khi mới bắt đầu nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật phi Phật dạy bảo mà quở trách, hoặc tất cả không quở trách can gián. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
 

XV. TÁN TRỢ ÁC HÀNH[38]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, hai tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di bị Tăng quở trách can gián rồi, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà bảo họ rằng: «Hai cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp quở trách can gián rồi, tại sao các cô bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn.

Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà:

«Tăng đã vì tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di tác pháp quở trách can gián, tại sao các cô lại bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo:

Cho phép Tăng tỳ-kheo-ni trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma. Nên can gián như vầy: Trong ni chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tac bạch:

«Đại tỷ tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián quở trách mà họ lại bảo rằng: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách, cho bỏ việc này, nói: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’› Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu, tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc. Đây là lời tác bạch.

«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di phép can gián mà họ lại bảo: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách cho bỏ việc này, bảo: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, [725a1] tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’ Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp có Tăng ích, sống an lạc.›

«Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni  và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà  tác pháp quở trách can gián cho bỏ việc này thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» (yết-ma lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).

«Tăng đã chấp thuận quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni  và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà  khiến cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Tăng đã vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp can gián quở trách bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy:

«Nếu có tỳ-kheo-ni nào như vậy, Tăng cũng sẽ tác pháp quở trách cho bỏ việc ấy bằng bạch tứ yết-ma như vậy.

«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, khi Tăng tỳ-kheo-ni vì họ tác pháp quở trách, mà tỳ-kheo-ni khác dạy họ như vầy: ‹Các cô đừng sống riêng, nên sống chung với nhau. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni khác không sống riêng; cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni khác rằng: ‘Các cô đừng sống riêng. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni sống với nhau làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.’ Nay chỉ có hai tỳ-kheo-ni này, cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau, chớ không có cô nào nữa. Nếu các tỳ-kheo-ni này sống riêng thì ở trong Phật pháp mới tăng ích, sống an lạc.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ, thì các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, khiến cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Tăng: cũng như trên.

Khi Tỳ-kheo-ni nào bị Tăng tác pháp quở trách, các tỳ-kheo-ni khác bảo: «Các cô đừng ở riêng, nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Các cô đừng ở riêng nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.› Nay, chỉ có hai tỳ-kheo-ni này chớ không có cô nào nữa. Các cô cùng nhau gần gũi, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Nếu tỳ-kheo-ni này ở riêng thì có tăng ích, sống an lạc trong Phật pháp. Nay, các cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe theo thì tốt, bằng không nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Đại tỷ! Tôi đã tác bạch rồi. Còn có các yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này.»

Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma lần đầu. Tác pháp yết-ma lần đầu nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần đầu rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.»

Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, thì tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong, nên nói: «Này cô! Tôi đã tác bạch yết-ma lần thứ hai rồi, chỉ còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, tác bạch yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, dạy rằng: «Các cô đừng ở riêng. Tôi cũng thấy tỳ-kheo-ni khác cùng ở chung, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy, khi Tăng trao pháp can gián. Có tỳ-kheo bảo: «Đừng bỏ!» Lúc quở trách, phạm thâu-lan-giá; lúc chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «Đừng bỏ!» Khi quở trách, phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật, phi Phật dạy bảo mà quở trách; tất cả không thành quở trách. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
 

XVI. DỌA BỎ ĐẠO[39]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, chỉ vì một việc nhỏ giận hờn không vui, liền nói như vầy: «Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ có sa-môn Thích tử mà còn có sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các Sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.›?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:

«Tại sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.›?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo:

Cho phép Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma. Nên quở trách như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:

«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này, chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không [726a1] vui, liền vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, bỏ việc này, nên nói: ‹Này cô! Chớ nên vì một việc nhỏ giận hờn không vui, liền nói ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ có sa-môn Thích tử, mà còn có sa-môn bà-la-môn khác cũng tu phạm hạnh, chúng tôi có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Đây là lời tác bạch.

«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni này pháp quở trách, bỏ việc ấy. Nói rằng, ‹Đại tỷ, chớ nên vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, liền vội nói: ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng tác pháp quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).

«Tăng đã chấp thuận trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Tăng tác pháp quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma như vậy rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy. Tăng cũng sẽ trao cho pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma như vậy.

«Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, bèn vội nói: ‹tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, đừng chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, bèn vội nói: ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Các tỳ-kheo-ni khi can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ; các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Nếu tỳ-kheo-ni chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui bèn vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng vì một việc nhỏ giận hờn không vui, vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác cũng tu phạm hạnh, chúng tôi có thể đến đó tu phạm hạnh.› Cô nên bỏ việc này đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch rồi, nên nói: «Tôi đã bạch rồi, còn các pháp yết-ma nữa, cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe theo thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma thứ nhất. Tác pháp yết-ma lần thứ nhất rồi, nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác yết-ma lần thứ nhất rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»

Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, cũng nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác hai pháp yết-ma rồi, còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.»

Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Tác yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, vì một việc nhỏ giận hờn, không vui, bèn vội nói: «Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh;» tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Hoặc phi pháp biệt chúng quở trách, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng quở trách. Phi luật phi Phật dạy bảo quở trách. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
 

XVII. VU TĂNG THIÊN VỊ[40]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiệm-di. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni tên Hắc,[41] ưa gây gổ. Sau khi không khéo ghi nhớ tránh sự,[42] bèn giận hờn nói: «Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Hắc: «Tại sao cô ưa gây gổ; khi không khéo ghi nhớ tránh sự, bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›?»

Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Hắc:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao cô ưa gây gổ; khi không khéo ghi nhớ tránh sự, bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, cho phép Tăng vì tỳ-kheo-ni Hắc tác pháp quở trách cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma. Theo sự việc trên tác bạch:

«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Hắc này, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni (Hắc)… pháp quở trách cho bỏ việc này. Nói rằng, ‹Đại tỷ! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ [727a1] Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Đây là lời tác bạch:

«Đại tỷ Tăng nghe cho! Tỳ-kheo-ni Hắc này ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni (Hắc)… pháp quở trách cho bỏ việc này. ‹Này cô! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Các đại tỷ nào chấp nhận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni pháp quở trách cho bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hia, lần thứ ba cũng nói như vậy).

«Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo-ni Hắc pháp quở trách cho bỏ việc này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»

Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Hắc pháp quở trách, bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, bạch với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo dùng nhơn duyên này bạch lên đức Phật, đức Phật dạy:

«Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như thế này, Tăng tỳ-kheo ni cũng sẽ trao cho pháp bạch tứ yết-ma quở trách như vậy.

«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như sau:

Tỳ-kheo-ni nào, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: ‹Này cô! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›

Khi các tỳ-kheo-ni can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni ấy phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Gây gổ:[43] có bốn loại: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, và sự tránh.

Tăng: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới.

Tỳ-kheo-ni ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ, gây gổ xong lại giận hờn nói: Tăng có ái có nhuế có bố có si. Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô chớ nên ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn, nói ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh.› Mà sự thật, Tăng không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Này cô, nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»

Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch xong, nên nói: «Tôi đã tác bạch xong, còn các pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»

Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác pháp yết-ma lần thứ nhất. Yết-ma lần thứ nhất xong, nên nói: «Tôi đã tác yết-ma lần thứ nhất rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»

Nếu cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai xong, cũng phải nói: «Tôi đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn lại một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»

Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó lại giận hờn, nói: ‹Tăng có ái có nhuế có bố có si,› tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Nếu tỳ-kheo-ni ưa đấu tranh, khi Tăng trao cho pháp yết-ma quở trách, tỳ-kheo bảo: ‹Đừng bỏ!› Nếu Tăng đã tác pháp quở trách, (tỳ-kheo ấy) phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ!» Tăng quở trách rồi, (tỳ-kheo-ni ấy) phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, dạy người khác bảo: «đừng bỏ!» Tất cả đều đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Khi mới nói liền bỏ. Hoặc quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hiệp chúng, phi pháp phi luật phi Phật dạy bảo. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách thì không phạm.

Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.

Xem mục lục