Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. 

Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng

Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng

PHẦN HAI
 THUYẾT MINH GIÁO PHÁP TỲ-KHEO-NI

CHƯƠNG II
TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA
[1]


I. MAI MỐI *

Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế tôn dùng nhơn duyên này[2] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, làm mai mối đem lời người nam nói với người nữ; đem lời người nữ nói với người nam; hoặc để thành việc vợ chồng, hoặc vì việc tư thông, cho đến chỉ trong chốc lát. Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, nên xả, tăng-già-bà-thi-sa.[3]
 

II. VÔ CĂN BẮNG *

Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế tôn dùng nhơn duyên này[4] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, [5]vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị kia. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, Tỳ-kheo-ni này nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
 

III. GIẢ CĂN BÁNG *

Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này[6] tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, dựa vào tiểu tiết trong phần sự khác, đối với tỳ-kheo-ni không phải là ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không có căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy, về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, tỳ-kheo-ni này tự nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
 

IV. TỐ TỤNG[7]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni sống ở nơi a-lan-nhã. Nơi đó, có một cư sĩ cất tinh xá, cúng dường cho Tăng tỳ-kheo-ni ở.

Sau đó một thời gian, có việc xấu xảy ra cho tỳ-kheo-ni nơi trú xứ a-lan-nhã. Các tỳ-kheo-ni bỏ tịnh xá này đi. Khi cư sĩ qua đời, người con của cư sĩ đến cày đất nơi tịnh xá. Các tỳ-kheo-ni thấy, nói:

«Đất này của chúng Tăng, đừng cày.»

Con của cư sĩ trả lời:

«Đúng vậy! Khi cha tôi còn sinh tiền, làm tịnh xá này cúng cho Tăng tỳ-kheo-ni. Tăng Tỳ-kheo-ni bỏ đi. Cha tôi qua đời. Nay tôi cày để trồng trọt, chứ để bỏ đất không hay sao?»

Con của cư sĩ nói như vậy rồi cứ tiếp tục cày. Tỳ-kheo-ni đến quan đoán sự thưa kiện.

Bấy giờ, các quan đoán sự liền kêu con của cư sĩ đến. Y theo pháp luật quyết đoán, tịch thâu tài sản của con cư sĩ nhập vào nhà quan.

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tỳ-kheo-ni sao lại đến nhà quan thưa kiện con của cư sĩ, khiến cho nhà quan tịch thâu tài sản của họ?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại đến cửa quan kiện thưa?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, thưa kiện người, hoặc cư sĩ, con cư sĩ, hoặc kẻ tôi tớ, người làm thuê, hoặc ngày, hoặc đêm, hay trong một niệm, trong khảy móng tay, hay trong chốc lát. Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.

Thế tôn, vì tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, có người vợ nhỏ của vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, làm một tinh xá cúng cho tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni kia nhận rồi ở một thời gian, sau đó bỏ đi du hành trong nhân gian. Vợ nhỏ của vua, nghe tỳ-kheo-ni bỏ tịnh xá, du hành trong nhơn gian, vội đem tịnh xá này chuyển cúng cho nữ Phạm chí. Tỳ-kheo-ni kia nghe nghĩ rằng: «Ta vừa đi vắng, vội đem tịnh xá của ta cúng cho người khác.» Tỳ-kheo-ni liền trở về lại tịnh xá, nói với nữ Phạm chí:

«Cô dọn đi! Tại sao ở tịnh xá của tôi?»

Nữ Phạm chí kia nói:

«Tinh xá này vốn là của cô thật! Thí chủ đã xây cất cho cô, nhưng cô bỏ đi du hành trong nhơn gian, thí chủ đó đã đem cúng cho tôi rồi. Bây giờ tôi không thể bỏ đi.»

Tỳ-kheo-ni kia giận, xô kéo, bảo nữ Phạm chí ra.

[719a1]Bấy giờ, nữ Phạm chí đến quan đoán sự thưa. Các quan đoán sự kêu tỳ-kheo-ni đến. Tỳ-kheo-ni nghi, không dám đến, tự nghĩ: «Thế tôn chế giới, không được đến cửa quan kiện tụng.»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, nếu có quan kêu thì phải đến.»

Tỳ-kheo-ni liền đến chỗ quan đoán sự. Các quan đoán sự hỏi:

«A-di! Sự việc ấy thế nào? Cứ nói rõ ràng.»

Tỳ-kheo-ni kia trả lời:

«Tất cả đất đai đều thuộc về nhà vua. Gia sự thuộc về cư sĩ. Phòng xá thuộc thí chủ. Giường ghế, ngọa cụ cũng vậy. Sửa sang phòng xá làm chỗ cơ ngơi cho chúng Tăng được nhiều phước. Tại sao vậy? Do thí chủ cúng, tôi được cư trú.»

Các quan đoán sự vặn nói:

«Như A-di nói, ‹Tất cả đất đai đều thuộc về nhà vua. Gia sự thuộc về cư sĩ. Phòng xá thuộc thí chủ. Giường ghế, ngọa cụ cũng vậy. Sửa sang phòng xá làm chỗ cơ ngơi cho chúng Tăng được nhiều phước. Tại sao vậy? Do thí chủ cúng, tôi được cư trú.› Nay tịnh xá này nên giao cho nữ Phạm chí ở.»

Các Tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni này không khéo nói. Quan đoán sự cũng không khéo giải quyết. Tại sao vậy? Lần thí trước là như pháp, lần thí sau là phi pháp. Vua Ba-tư-nặc nghe Tỳ-kheo-ni nói như vậy, các quan đoán sự giải quyết như vậy, đức Thế tôn giảng như vậy. Nhà vua phạt, tịch thu tất cả tài sản nhập của quan đoán sự vào nhà công khố.

Các tỳ-kheo nghe, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau, nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, đến quan thưa kiện cư sĩ, con cư sĩ, kẻ tôi tớ, người làm thuê,[8] hoặc ngày hoặc đêm, hay trong khoảnh khắc, trong cái búng ngón tay, hay trong chốc lát.[9] Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Kiện tụng nhau:[10] Đến cửa quan cùng nhau tranh cãi ngay, gian.

Cư sĩ: là người không xuất gia.

Con: là do cư sĩ sanh ra.

Tôi tớ: hoặc thuê mướn hay do trong nhà sanh ra.

Người làm thuê: trả tiền bảo họ làm.

Nữ Phạm chí: Kẻ nữ xuất gia ngoài pháp này.

Nếu tỳ-kheo-ni kiện thưa người khác, hoặc cư sĩ, hoặc con cư sĩ, hoặc tôi tớ, hoặc người làm thuê, hoặc ngày đêm, hoặc trong khoảnh khắc, hay trong cái búng ngón tay, hoặc trong chốc lát. Như nữ Phạm chí đến cửa quan trình bày sự việc này. Quan đoán sự hạ thủ phê án, ni phạm tăng-già-bà-thi-sa. Chỉ nói miệng mà không ghi thành danh tự, ni phạm thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc bị kêu; hoặc có việc cần đến tâu; hoặc bị cường lực bắt đi, hoặc bị cột dẫn đến, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; tuy miệng nói mà không báo cáo với quan thì không phạm.

Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
 

V. ĐỘ NỮ TẶC[11]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn ở trên lầu các bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, những người phụ nữ dòng Ly-xa ra ngoài dạo chơi. Trong đám đông đó có nữ tặc trà trộn cùng đi; đợi lúc vui đùa, trộm lấy của cải rồi tẩu thoát.

Bấy giờ, các phụ nữ sai người đến báo cáo với Ly-xa, «ở đây có bọn tặc nữ lấy của cải của chúng tôi đào thóat, yêu cầu vì chúng tôi tầm nã.» Các Ly-xa sai người tầm nã, nếu bắt được thì giết liền.

Bấy giờ, tặc nữ nghe tin sai người tìm được thì giết liền, nên liền bỏ Tỳ-xá-ly trốn thoát đến thành Vương-xá, vào trong Tăng-già-lam nơi ni chúng ở, thưa với các ni rằng:

«Con có lòng tin, muốn xuất gia.»

Chư ni nghe vậy, liền độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc.

Bấy giờ, các Ly-xa nghe tặc nữ trốn thoát đến thành Vương-xá, liền đến báo cáo với Bình-Sa vương nước Ma-kiệt:

«Có tặc nữ lấy của cải của phụ nữ tôi trốn thoát đến đây, yêu cầu vua vì tôi tầm nã cho.»

Bấy giờ, Bình-sa vương liền ra lệnh cho tả hữu truy nã bao vây tìm kiếm. Các quan tả hữu tâu với nhà vua:

«Có một tặc nữ đang ở trong Tăng-già-lam của ni, xuất gia học đạo.»

Khi Bình-sa vương nghe, có một tặc nữ đến đây, và tỳ-kheo-ni đã độ cho xuất gia học đạo, liền sai người tin cho Ly-xa rằng:

«Tôi nghe có một nữ tặc đang ở trong Tăng-già-lam của ni, nhưng đã xuất gia học đạo. Tôi không thể nói được.»

Bấy giờ, các Ly-xa cùng nhau cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Họ đều là tặc nữ. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Tại sao tặc nữ, có tội đáng chết, mọi người đều biết, mà họ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Như vậy có gì là Chánh pháp?»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô độ tặc nữ xuất gia hành đạo?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết là tặc nữ mà độ cho xuất gia thọ giới cụ túc?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo ni nào, nữ gian tặc phạm tội đáng chết, mọi người đều biết, mà độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc; tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.

Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có người làm giặc trong thành rồi ra ngoài thôn. Ngoài thôn làm giặc rồi vào trong thành. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni không biết họ là giặc hay không phải giặc, tội đáng chết hay không đáng chết, người biết hay không biết. Sau mới biết họ là giặc phạm tội đáng chết, có người biết, nên nói là phạm tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy:

«Không biết thì không phạm.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, đã biết là gái gian tặc, tội đáng chết nhiều người biết,[12] mà không hỏi đại thần của vua, không hỏi dòng họ,[13] lại độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Giặc (cướp):[14] trộm năm tiền hoặc trên năm tiền.

Đáng chết: tức bị xử vào tội chết.

Nhiều người biết:[15] Vua biết, đại thần biết, nhân dân biết.

Vua: không nương vào người để có ăn.

Đại thần: Nhận địa vị quan trọng của nhà vua, giúp quản lý việc nước.

Dòng họ:[16] Xá-di, Câu-ly-di-ninh, Bạt-kỳ, Mãn-la, Tô-ma.

Tỳ-kheo-ni kia biết tặc nữ, tội đáng chết, nhiều người biết, không hỏi[17] đại thần của vua, họ hàng liền độ cho học đạo, ba phen yết-ma xong, Hòa-thượng ni phạm tăng-già-bà-thi-sa; hai phen yết-ma xong, phạm ba thâu-lan-giá; yết-ma lần đầu xong, phạm hai thâu-lan-giá; bạch xong, phạm một thâu-lan-giá; nếu bạch chưa xong, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, nếu có cạo tóc, hoặc cho xuất gia, cho thọ giới, tập hợp chúng Tăng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, đủ chúng cũng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, phạm đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, [720a1] sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu không biết; hoặc có tâu với vua, đại thần, họ hàng. Hoặc tội đáng chết, vua cho xuất gia. Hoặc có tội, cho xuất gia. Hoặc trong trường hợp giam cầm rồi phóng thích cho đi xuất gia. Hoặc cầu cứu khiến được thoát khỏi. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
 

VI. TỰ Ý GIẢI TỘI[18]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ[19] bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà cô ấy không thuận theo, có tội mà không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho cọng trú, mà tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà không bạch với ni Tăng, ni Tăng không sai khiến, vội tự ý ra ngoài giới tác pháp yết-ma giải tội cho Uỷ-thứ.

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rằng: «Tại sao, ni Tăng như pháp, như luật, như lời Phật dạy, cử tội tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ, mà cô không thuận theo, có tội không sám hối, Tăng chưa tác pháp cọng trú, ni Tăng không sai khiến, mà cô vội tự ý ra ngoài cương giới, giải tội cho cô ấy?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thâu-la-nan-đà, tại sao, ni Tăng như pháp, như luật, như lời Phật dạy cử tội tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ, cô ấy không thuận theo, có tội không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho phép cọng trú; ni Tăng không sai khiến, mà cô vội tự ý ra ngoài cương giới tác pháp yết-ma giải tội cho cô ấy?»

Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, biết tỳ-kheo-ni kia bị Tăng cử tội,[20] như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận theo, chưa sám hối, Tăng chưa cho tác pháp yết ma ở chung; vì thương nhau,[21] không hỏi Tăng, Tăng không sai bảo, ra ngoài giới tác yết ma giải tội. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Tăng: nghĩa cũng như trên.

Cử tội: Tăng bạch tứ yết-ma để cử.

Pháp: như pháp, như luật, như lời Phật dạy.

Không thuận tùng: không tuân hành theo pháp trị tội do Phật chế.

Không sám hối: có tội mà không hướng đến người nói lên sự ăn năn.

Chưa tác pháp cho phép cọng trú: bị Tăng cử tội, chưa được giải tội.

Vì thương nhau nên không hỏi Tăng, Tăng không sai khiến, ra ngoài giới tác yết-ma giải tội, ba phen yết-ma xong, tăng-già-bà-thi-sa; bạch nhị yết-ma xong, ba thâu-lan-giá; bạch nhất yết-ma xong, hai thâu-lan-giá; bạch xong, một thâu-lan-giá; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: có bạch với chúng Tăng, hoặc được Tăng sai khiến; hoặc phạm nhơn hạ ý sám bổn tội. Hoặc Tăng vì giận hờn nên không giải tội cho người kia, thì giải mà không phạm. Hoặc trước đó Tăng tác pháp yết-ma rồi, Tăng này di chuyển, hoặc chết, đi xa, thôi tu, hay bị giặc bắt dẫn đi, hoặc bị nước cuốn trôi; bấy giờ giải tội cho, không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
 

VII. ĐỘC HÀNH[22]
A. DUYÊN KHỞI

1. Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni một mình vén cao y lội qua sông, từ bờ bên này đến bờ bên kia. Tỳ-kheo-ni này lại có nhan sắc xinh đẹp.

Bấy giờ, có một kẻ giặc để ý, chờ cô ni kia lội qua sông xong, liền ôm lấy và quấy rối. Các cư sĩ thấy, cùng nhau cơ hiềm rằng: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, hành pháp bất tịnh. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Một mình vén y cao, lội qua sông như dâm nữ không khác. Như vậy có gì là chánh pháp?»

2. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Sai-ma có nhiều đệ tử. Cách Tăng-già-lam không xa, có một thôn xóm quen biết. Vì việc cần, nên bỏ chúng, một mình vào thôn. Các cư sĩ thấy, bảo nhau: «Tỳ-kheo-ni Sai-ma này một mình đi vào thôn là muốn kiếm đàn ông.»

3. Tỳ-kheo-ni kia một mình nghỉ đêm lại nơi thôn, không trở về. Các cư sĩ lại nói: «Sở dĩ cô ni ngủ lại thôn một mình, chính là cần đàn ông.»

4. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà cùng số đông tỳ-kheo-ni trên con đường giữa Câu-tát-la và Khoáng dã. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà thường một mình đi sau chót. Các tỳ-kheo-ni thấy nói:

«Này các cô! Tại sao các cô không cùng với chúng tôi đi, mà cứ đi sau. Nhóm sáu ni trả lời:

«Các cô cứ đi theo đường của các cô. Chuyện gì các cô can dự đến việc của chúng tôi?»

Ni chúng liền nói:

«Các cô không nghe đức Phật kiết giới, nên cùng bạn đồng đi hay chăng?»

Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà trả lời:

«Các cô không biết tôi chăng?»

Chư ni nói:

«Không biết.»

Thâu-la-nan-đà nói:

«Sở dĩ, chúng tôi đi sau là muốn gặp đàn ông.»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách những tỳ-kheo-ni kia rằng: «Sao tỳ-kheo-ni lại vén cao y một mình lội qua sông? Vào trong thôn một mình? Ngủ lại đêm một mình? Cùng với bạn đi mà lại một mình đi sau?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo dùng vô số phương tiện quở trách những tỳ-kheo-ni kia rằng:

«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo-ni lại một mình vén cao y lội qua sông? Một mình đi vào thôn xóm? Một mình ngủ lại đêm? Cùng với bạn đi sau một mình?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách những tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, lội qua nước một mình, vào xóm một mình, ngủ đêm một mình, đi sau một mình.[23] Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Nước: nước sông, một mình không nên lội qua.

1. Tỳ-kheo-ni kia nên tìm tỳ-kheo-ni cùng lội. Tỳ-kheo-ni nên từ từ vén y khi vào nước, đợi bạn. Tỳ-kheo-ni đi trước vội vàng vào trong nước, khiến cho bạn không đi kịp, tăng-già-bà-thi-sa. Khi xuống nước, tùy theo mức nước sâu cạn mà vén y lên, đợi bạn đi sau. Nếu vội vàng xuống nước, không đợi bạn đi sau, phạm thâu-lan-giá. Đến bờ bên kia, từ từ xổ y xuống, đợi bạn đi sau; nếu vội vàng đi, không từ từ xổ y xuống; lên bờ không đợi bạn đi sau, phạm thâu-lan-giá.

2. Tỳ-kheo-ni kia nên tìm một tỳ-kheo-ni cùng đi vào xóm. Nếu tỳ-kheo-ni một mình đi vào xóm, tùy theo chỗ đến, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu đi qua vùng đồng trống một mình, quá một khoảng cách, đánh một tiếng trống không nghe, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Một mình, đi chưa đến nơi xóm, phạm thâu-lan-giá. Dưới tầm không nghe một tiếng trống, phạm thâu-lan-giá. Một mình đi vào trong xóm, cùng một cương giới, phạm đột-kiết-la. Tìm phương tiện muốn đi mà không đi; hoặc kết bạn muốn đi mà không đi; tất cả đều phạm đột-kiết-la.

3. Tỳ-kheo-ni kia cùng ngủ, nên nằm trong tầm tay duỗi ra đụng nhau. Tỳ-kheo-ni kia ngủ một mình, khi hông chạm đất phạm tăng-già-bà-thi-sa. Mỗi lần nghiêng mình qua lại, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tỳ-kheo-ni cùng ở trong xóm khi nằm ngủ, phải nằm trong tầm duỗi cánh tay đụng nhau. Nếu duỗi cánh tay không đụng nhau, mỗi lần nghiêng mình là phạm một tăng-già-bà-thi-sa.

4. Tỳ-kheo-ni kia cùng đi trên một đường, không được cách xa (đồng bạn) nơi thấy nghe. Nếu tỳ-kheo-ni cùng đi trên một đường mà ở ngoài tầm nghe và thấy (của đồng bạn), phạm tăng-già-bà-thi-sa. Ngoài chỗ thấy mà không ngoài tầm nghe, phạm thâu-lan-giá. Cách chỗ nghe, không cách chỗ thấy, phạm thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm:

1. Hai tỳ-kheo-ni cùng lội qua nước, khi xuống nước, tùy theo mức nước sâu cạn mà từ từ vén y, đợi bạn đi sau; khi vào nước không đi nhanh, đợi bạn, khi lên bờ từ từ xổ y, đợi bạn; hoặc vượt qua bằng thần túc, bằng xe cộ, hay bằng thuyền, bằng cầu. Hoặc tỳ-kheo-ni đồng hành qua đời, hay thôi tu, đi sau, hoặc bị giặc dẫn đi, mạng nạn, phạm hạnh nạn, nạn ác thú. Hoặc bị cường lực bắt, bị trói dẫn đi. Hoặc bị nước cuốn trôi. Thảy đều không phạm.

2. Nếu, hai tỳ-kheo-ni vào xóm, mà khi đang ở trong xóm có một tỳ-kheo-ni đồng bạn qua đời, hoặc thôi tu, hoặc đi xa, hoặc bị giặc dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi, như trên, thì không phạm.

3. Nếu cùng hai tỳ-kheo-ni ngủ lại đêm, duỗi cánh tay ra phải đụng nhau; hoặc một tỳ-kheo-ni đi ra ngoài đại tiểu tiện, hoặc thọ kinh, tụng kinh; hoặc ưa ở chỗ vắng một mình khi đi kinh hành; hoặc vì tỳ-kheo-ni bị bệnh, nấu canh, cháo, cơm; hoặc qua đời, thôi tu, đi xa, hoặc bị giặc dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi cũng như trên, thì không phạm.

4. Hai tỳ-kheo-ni cùng đi không cách nhau chỗ thấy chỗ nghe thì không phạm; hoặc một tỳ-kheo-ni đi ra ngoài đại tiểu tiện, hoặc mạng chung, thôi tu, hoặc bị giặc bắt dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi, như trên, thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[24]
 

VIII. NHẬN CỦA NAM NHIỄM TÂM[25]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, giá lúa gạo nhảy vọt lên, trở thành kham hiếm, khất thực khó được. Có tỳ-kheo-ni vào thành khất thực, mang bát về không. Cùng lúc ấy, tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà đến giờ, đắp y bưng bát, vào thành khất thực, tuần tự đến nhà một người buôn, đứng im lặng. Tỳ-kheo-ni Đề-xá là người có nhan sắc xinh đẹp, nên người buôn thấy, liền để ý cô, và đến trước mặt hỏi:

«A-di cần gì?»

Đề-xá trả lời:

«Tôi muốn khất thực.»

Nhà buôn bảo:

«Cô đưa bát đây.»

Đề-xá trao bát. Nhà buôn lấy cơm canh đựng đầy bát, rồi trao lại cho tỳ-kheo-ni Đề-xá.

Sau đó, thường xuyên Đề-xá cũng mặc y bưng bát đến đó, im lặng đứng. Nhà buôn cũng lại hỏi:

«A-di cần thứ gì?»

«Tôi cần khất thực.»

Nhà buôn cũng lại lấy bát đựng đầy cơm canh rồi trao lại cho Đề-xá.

Các tỳ-kheo-ni thấy vậy hỏi:

«Hiện nay ngũ cốc khan hiếm, khất thực khó được. Hầu hết chúng tôi mang bát vào thành khất thực, trở về bát không. Hằng ngày cô đi khất thực, khi trở về đều được đầy bát. Lý do nào cô được như vậy?»

Đề-xá trả lời:

«Các cô khất, cũng có thể được vậy.»

Lại một ngày khác, Tỳ-kheo-ni Đề-xá cũng mặc y bưng bát đến nhà người buôn đó. Người kia từ xa trông thấy Tỳ-kheo-ni đến, liền tự tính nhẩm: Từ trước đến nay ta đã cho cô ni này ăn, tính theo giá có thể đủ 500 tiền vàng, bằng với giá mua một người nữ. Vừa nghĩ như vậy xong, ông ta liền đến trước ôm cô tỳ-kheo-ni, muốn hành dâm. Tỳ-kheo-ni kia liền kêu la:

«Đừng làm vậy, đừng làm vậy!»

Người lân cận liền hỏi:

«Vừa rồi, sao cô la lớn thế?»

Đề-xá trả lời:

«Người này bắt tôi.»

Người kia hỏi:

«Sao ông bắt tỳ-kheo-ni?»

Đáp:

«Tôi trước sau cho tỳ-kheo-ni này ăn, tính ra giá trị bằng 500 tiền vàng. Đủ để mua một cô gái. Nếu tỳ-kheo-ni này không ham thích tôi, sao lại nhận đồ ăn của tôi.»

Người kia hỏi:

«Có thật vậy không cô?»

Cô trả lời:

«Có thật vậy.»

Người kia hỏi:

«Cô biết ý người ta cho cô ăn không?»

Đáp:

«Biết.»

Người kia nói:

«Cô đã biết rồi. Sao còn kêu la?»

Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe biết. Trong đó có người thiểu dục, tri túc, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà: «Tại sao tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô nhận thức ăn của người cho có tâm nhiễm ô?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao đem tâm nhiễm ô thọ nhận thức ăn của người có tâm nhiễm ô?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, có tâm nhiễm ô,[26] đến người nam cũng có tâm nhiễm ô nhận, thứ có thể ăn, thức ăn và các vật khác. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni không biết người ấy có tâm nhiễm ô hay không, sau mới biết họ có tâm nhiễm ô, nên nói mình phạm Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy:

«Không biết thì không phạm.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, với tâm nhiẽm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô[27] mà đến người ấy nhận, thứ có thể ăn, thức ăn và các vật khác. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Tâm nhiễm ô: tâm nhiễm trước dục.

Người nam có tâm nhiễm ô: nam tử có tâm nhiễm đắm trước dục.

Thứ có thể ăn: Thức ăn bằng gốc (củ), thức ăn bằng cọng, thức ăn bằng lá, thức ăn bằng bông, thức ăn bằng trái, thức ăn bằng dầu, thức ăn bằng hồ ma, thức ăn bằng hắc thạch mật, thức ăn bằng tế mạt.[28]

Thức ăn: cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt.[29]

Các vật khác: vàng, bạc, trân, bảo, ma ni, chơn châu, tỳ lưu ly, kha bối, bích ngọc, san hô, hoặc tiền sanh tượng kim.

Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô, [722a1] đến người đó nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật dụng khác. Người (nam) kia đưa; (tỳ-kheo-ni) này nhận, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Người (nam) này đưa; (tỳ-kheo-ni) không nhận, thâu-lan-giá. Phương tiện muốn cho mà không cho, hoặc cùng hẹn, hoặc (tỳ-kheo-ni) ăn năn rồi trả lại; tất cả đều thâu-lan-giá.

Con trai của chư Thiên, con trai của A-tu-la, con trai Càn-thát-bà, con trai Dạ-xoa, con trai ngạ quỉ, súc sanh đực có thể biến hình; (tỳ-kheo-ni) đến nơi chúng mà nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật khác; kẻ kia đưa, (tỳ-kheo-ni) này nhận, thâu-lan-giá. Với loài không thể biến hình, (tỳ-kheo-ni) phạm đột-kiết-la.

Đến nơi người nữ có tâm nhiễm nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật khác, đột-kiết-la.

Tâm nhiễm ô tưởng là tâm nhiễm ô, tăng-già-bà-thi-sa. Tâm nhiễm ô, thâu-lan-giá. Tâm không nhiễm ô, tưởng là tâm nhiểm ô, thâu-lan-giá. Tâm không nhiễm ô, nghi, thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Trước không biết, hoặc mình không có tâm nhiễm ô, người kia cũng không có tâm nhiễm ô, thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
 

IX. TÁN TRỢ NI KHẤT THỰC BẤT CHÍNH[30]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, giá lúa gạo nhảy vọt, khất cầu khó được, các tỳ-kheo-ni vào thành khất thực, mang bát không về. Tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà vào thành khất thực cũng mang bát không về.

Các tỳ-kheo-ni hỏi tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà rằng:

«Thường khi cô khất thực mang về đầy bát, tại sao nay mang bát không về, khất thực khó được chăng?»

Đề-xá trả lời:

«Thật vậy.»

Chư ni hỏi:

«Tại sao vậy?»

Đề-xá nói:

«Này, các cô! Trước đây tôi thường đến nơi nhà người thương gia xin, nên dễ dàng được. Nay tôi không đến đó, nên xin khó được.»

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, Thâu-la-nan-đà và mẹ của tỳ-kheo-ni Đề-xá nói với tỳ-kheo-ni Đề-xá rằng:

«Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, Thâu-la-nan-đà và mẹ của ni Đề-xá rằng: «Sao các cô nói với ni Đề-xá, ‹Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?›»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn.

Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần, Thâu-la-nan-đà và mẹ của tỳ-kheo-ni Đề-xá.

«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô nói với ni Đề-xá, ‹Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?›»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần, Thâu-la-nan-đà và mẹ của ni Đề-xá rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những tỳ-kheo-ni này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, dạy tỳ-kheo-ni nói như vầy: ‹Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận.› Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.[31]
B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo-ni kia nói với tỳ-kheo-ni: «Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận.» Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc nói vui chơi, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hay muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.

Xem mục lục