Đức Phật thuyết 3 loại giáo pháp. Giáo pháp thứ nhất thuộc về giáo lý Tứ Diệu Đế được Ngài thuyết giảng tại Ba La Nại (Sarnath), Ấn Độ và trở thành cơ sở nền tảng cho trường phái Thượng Tọa Bộ (Theravadin). Giáo pháp thứ hai thuộc hệ Tính Không được Ngài thuyết tại Linh Thứu (Rajagriha) và trở thành cơ sở cho Đại Thừa Phật giáo. Giáo pháp thứ ba thuộc hệ Kim Cương Thừa (vajrayana) được Phật nói ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Ba La Đề Mộc Xoa (pratimoksa) (Thực ra có đến tám loại giới ba la đề mộc xoa (pratimoksa). Các tu sĩ mới thọ giới cụ túc là thọ tỳ khưu (bhiksu) giới, và bên ni là thọ tỳ khưu ni (bhiksuni) giới, khoảng trên mấy trăm giới. Kế đến là giới cho các tăng mới xuất gia (sramanera) và các ni mới xuất gia (sramanerika) và các ni trong giai đoạn "tu học" (siksamana). Kế đến là năm giới dành cho các cư sĩ nam (upasaka) và các cư sĩ nữ (upasika). Và sau cùng hết là giới vào các ngày trai (upavasatha) mà bất cứ ai cũng thọ được) hiện vẫn đang được thực hành tại các xứ Miến Điện, Tích Lan và Thái Lan. Ở Đại Hàn và Trung Hoa nơi mà giáo lý Đại Thừa hoàn toàn chiếm ưu thế trên phương diện tu tập, thì ba la đề mộc xoa c?ng được thực hành, song bồ đề tâm giới vẫn là điểm được nhấn mạnh h?n. Ở Tây Tạng cả ba cấp bực giới luật đều được thực hành : Ba la đề mộc xoa, Bồ đề tâm (bodhicitta) và Luật nghi của Kim cương thừa (vajrayana). Bên ngoài nhìn vào, vấn đề giới luật đối với tăng ni Tây Tạng có vẻ hơi bị thả lỏng. Các tu sĩ thuộc thượng tọa bộ hay đại thừa đôi khi cho rằng tu sĩ Tây Tạng quá thả lỏng đến mức như họ không còn giữ giới nữa. Đìều này không đúng. Ở Ấn Độ, người tu có thể đi khất thực vào buổi sáng và trở về vào buổi trưa. Nhưng ở Tây Tạng không có các thành phố lớn và các làng mạc Tây Tạng lại cách xa và rải rác. Thế nên nếu các tu sĩ lên đường đi khất thực vào bốn giờ sáng, thì phải tận đến chiều tối họ mới trở về đến và do đó không thể tu tập và học hỏi gì được nữa. Vì vậy, các bậc pandita và siddha Tây Tạng trong quá khứ đã quyết định thay vì bỏ cả ngày ra để đi khất thực, thì tốt hơn là để cho các tăng ni dành thì giờ ấy mà tu học. Thế nên tu sĩ Tây Tạng không đi khất thực. Tu sĩ Tây Tạng cũng ăn sau giờ ngọ mà đối với một số người, thì như thế cũng là phạm giới (trong các Kinh Điển đức Phật đặc biệt tuyên thuyết rằng tăng ni không được ăn các đồ ăn cứng sau giờ ngọ). Song điều này cũng có lý do của nó. Ở Ấn Độ, chư tăng đi khất thực vào buổi sáng, trở về vào buổi trưa và thiền định vào buổi chiều. Khất thực cả sáng lẫn chiều là không đúng. Bởi vì đồ ăn của tăng sĩ hoàn toàn dựa vào khất thực, nên đức Phật cấm tăng ni ăn vào buổi chiều. Tuy thế, ở Tây Tạng tăng chúng không đi khất thực nên có thể ăn vào buổi xế trưa hay là buổi chiều nếu họ vẫn còn đói để họ tu học được tinh tiến hơn. Tuy nhiên, suốt thời gian sám hối mỗi tháng hai lần và suốt thời gian an cư mùa mưa, thì đúng là phải đừng ăn chiều để tưởng nhớ đến những giáo huấn của đức Phật. Tu sĩ Tây Tạng còn ăn thịt trong khi tu sĩ Trung Hoa thì không ăn. Song ngay cả tu sĩ của Thượng Tọa Bộ cũng ăn thịt lại cũng vì khi họ đi khất thực, họ phải nhận bất cứ đồ ăn nào mà thí chủ thí cho, dù đó là thịt, cá hay rau. Bởi vì người tu có thể phải nhận thịt trong khi khất thực, nên đức Phật trong Giới Kinh (Vinaya sutra) không cấm việc ăn thịt. Tu sĩ Trung Hoa không ăn thịt song họ lại ăn đồ biển. Họ không ăn thịt bởi không ăn thịt thì hàng trăm con trùng có thể có trong thịt ấy sẽ được cứu thoát. Cũng giống vậy, ở Tây Tạng chỉ có những thịt thuộc về những con vật to lớn mới được ăn. Thế nên, chẳng hạn như, thịt của một con yak (trâu) đủ cho một vị tăng dùng trong một năm. Lại nữa, ăn rau cỏ, người ta có thể giết nhiều hữu tình hơn là ăn một con yak trong công việc trồng trọt các loại hoa mầu. Vì thế các pandita và các siddha của Tây Tạng quyết định rằng thà ăn một con yak vẫn tốt hơn là giết quá nhiều sinh vật nhỏ và như thế vẫn giữ được giới một cách thích đáng. Bằng cách chỉ ăn loài vật lớn, thì không những Ba la đề mộc xoa giới, mà cả Bồ đề tâm giới (Bồ đề tâm giới sẽ giải thích cặn kẽ ở phần sau là tâm nguyện cứu giúp tất cả hữu tình đạt đến giác ngộ) và Kim cương thừa giới (Kim cương giới cũng sẽ được giải thích chi tiết hơn trong các đoạn sau là trì giữ tất cả các tâm nguyện và thực hành) cũng đều giữ được. Tôi cũng tin rằng mình nên ngưng không ăn thịt các loại thú nhỏ nữa mà chỉ ăn thịt các con thú lớn thôi. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa rằng tu sĩ Tây Tạng là những người trì giới toàn hảo. Tu sĩ Tây tạng đắp y màu nâu sẵm trong khi tu sĩ Thượng Tọa Bộ mặc màu vàng và tu sĩ Trung Hoa mặc màu đen. Đức Phật chế các tu sĩ thọ cụ mặc các y đỏ, vàng hay xanh lơ với màu nâu sẵm không được đức Phật cho phép. Thế nên các tu sĩ Phật giáo đại thừa và Thượng Tọa Bộ không dùng y màu nâu sẵm. Tuy nhiên, các pandita và các siddha Tây Tạng bác bỏ màu xanh lơ bởi vì đó là màu của cư sĩ mặc và chọn lấy màu nâu sẵm thế vào. (Theo Khenpo Kartha, màu nâu sẵm hầu như không sẵn có ở Ấn Độ, thế nên rất đắt giá đối với việc y áo của một tu sĩ. Cũng theo Khenpo Kartha màu nâu sẵm lại có rất nhiều ở Tây Tạng và vì thế không hề đắt và dễ có được.) Vào thời đức Phật, các tu sĩ ở Ấn Độ không mặc kiểu áo ngoài như các tu sĩ Tây Tạng hiện đang mặc và để trần phần thân trên. Khi các pandita Ấn Độ đến Tây Tạng, các ngài thấy nơi đây quá lạnh nên họ phải suốt ngày đắp các chăn mền dùng khi ngồi. Thế nên kiểu áo ngoài được cóp pi theo đó và sau đó kiểu áo được thay đổi để biểu tượng cho sáu Ba la mật (paramita). Rồi kiểu áo này trở thành đồng phục của tu sĩ Tây Tạng. Giờ đây chúng ta ở đất Mỹ, và các tăng ni thọ cụ túc đang đông đảo dần. Tôi tin rằng trong xã hội hiện đại, đi ra ngoài khất thực không thích hợp nữa, nhưng ăn uống theo lề lối của tu sĩ Tây Tạng sẽ thích hợp hơn, như ăn đồ ăn vào chiều tối. Hỏi : Rinpoche, ở phương Tây, chúng tôi thường có quan niệm rằng một con vật như con chó hay con bò thì quý hơn là một con sâu hay con kiến. Rinpoche : Theo truyền thống Phật giáo, bất cứ gì có sự sống là có cảm giác. Thế nên chẳng có gì khác biệt dù đó là vật nhỏ hay lớn. Tuy nhiên, giết một con người bị coi là một nghiệp rất ác, bởi vì con người có thể đạt đến một cứu cánh cao cả hơn và có ích lợi cho những hữu tình khác. Song không có gì khác biệt giữa chó, sâu và bò. Hỏi : Một trong những mâu thuẫn mà chúng tôi gặp phải đối với các bạn bè không phải Phật giáo, đó là họ nói rằng chúng ta không giết nhưng chúng ta ăn thịt. Chúng tôi trả lời phải, nhưng đó là qua đến "tay thứ ba" rồi. Nhưng nói thế vẫn không giúp họ hiểu nổi. Ngài có thể nói đôi chút về việc thịt mà đã qua đến "ba tay" rồi chăng ? Rinpoche : Đức Phật chế định rằng chúng ta có thể ăn thịt nếu chúng ta tránh khỏi ba trường hợp ý thức như sau, rằng (a) mình không trực tiếp giết con vật ấy để ăn, (b) mình không bảo người khác giết con vật ấy cho mình ăn, và (c) con vật ấy hoàn toàn không phải là bị người khác giết để cho mình ăn. Nếu chúng ta không hề ở trong ba trường hợp nhận thức như vậy, thì thịt ấy ăn được. Hỏi : Ở vùng này có nhiều người đánh cá vốn dân địa phương, họ đánh cá để sinh sống và đưa cá lại cho chúng tôi, có khi do chúng tôi đặt mà cũng có khi như quà cáp cho chúng tôi. Tôi không biết làm sao để đả thông được các trường hợp này. Rinpoche : Đừng có nói, "Làm ơn đem cá lại cho tôi" nữa. Nhưng nếu họ đem cá đến để biếu tặng, thì điều đó đâu có sao. Hỏi : Chúng ta có nên mua cá ở ngoài bến hay không ? Rinpoche : Được, vì lúc ấy mình mua một con cá chết mà. Khi cá đã chết rồi, thì hoặc mình mua hay họ tặng mình, cũng giống nhau thôi. Hỏi : Nếu mọi người không ai mua cá nữa, họ sẽ không giết cá nữa. Rinpoche : Cho dù Phật tử chúng ta không ăn cá nữa, thì vẫn có khối người khác vẫn cứ ăn cá. Hỏi : Nhưng với giới không sát thì sao ? Rinpoche : Ăn thịt và giữ giới không sát hoàn toàn khác hẳn nhau bởi vì chúng ta không tự tay giết cá, chúng ta mua nó từ nơi người khác. Nếu chúng ta ngưng không giết thú vật để ăn nữa, thì đó là một việc làm ích lợi cho loài vật. Tuy nhiên, nếu có một con vật đã bị giết rồi, thì không ăn nó cũng chẳng giúp gì cho con vật chết ấy và thịt ấy sẽ thối rữa mà thôi. Hỏi : Nhưng nó vẫn luôn đưa đến ý nghĩ rằng con vật sẽ bị giết. Thực ra, đó là hành động ác được đưa sang cho người khác để mình được thanh tịnh. Nếu chúng ta là một bodhisattva tốt, chúng ta nên chính mình nhận lãnh lấy thay vì là đưa sang cho người khác. Rinpoche : Chúng ta phải gánh chịu lấy karma của chính mình. Điều quan trọng nhất là ngăn chặn mình đừng làm các ác nghiệp. Điều càng tốt nữa là mình khuyên người khác đừng làm ác. Nhưng phần nhiều đều tùy thuộc vào cá nhân. Chẳng hạn, tôi có lần đã phạm một lỗi lầm giống vậy. Tôi thấy có màng lưới nhện trong phòng tắm và nghĩ rằng con nhện sẽ giết nhiều loại côn trùng khác. Thế nên tôi lấy ngón tay gỡ màng nhện đi để con nhện khỏi có được đồ ăn. Đúng ra ý của tôi là bào vệ cho các côn trùng nhỏ mà con nhện sẽ giết để ăn, nhưng ngược lại con nhện lại bị tổn hại vì nó không có được đồ ăn và thành chết đói. Hỏi : Chogyam Trungpa Rinpoche đề nghị rằng chúng tôi hãy cố là những người ăn chay đúng nghĩa ở Gampo Abbey này, có nghĩa là chúng tôi cần phải có một khu vườn. Thế nên chúng tôi phải giết sâu bọ nếu chúng tôi muốn có được cà rốt cùng tỏi và khoai tây. Rinpoche : Điều quan trọng nhất là ý định trong tâm. Vì chúng ta có ý định trong tâm là không giết hại hữu tình, nên dù chúng ta có đào đất trồng rau, thì điều ấy cũng không có hại gì. Điều quan trọng theo như Vinaya là không cố ý giết. Hỏi : Giả như ở Boulder, Colorado có một ngàn Phật tử và mỗi người mỗi tuần ăn một con gà: thì con số sẽ là 52.000 con gà trong một năm. Và vì mọi thứ đều được điện toán hóa, các nhà sản xuất biết ngay là họ sẽ phải nuôi thêm 52.000 con gà vì họ biết là người ta sẽ ăn chúng. Nếu người Phật tử không ăn gà, họ sẽ không nuôi số gà ấy. Rinpoche : Nếu hôm nay ta mua khoảng tám trăm con cá ở chợ, ngày mai sẽ có tám trăm con cá mới được thế vào. Hành động nào cũng là karma của họ, không phải của chúng ta. Nhưng từ quan điểm của riêng của mình thì có thể có cái nền tảng ấy, nhưng không hề cố ý hay có ý định trong tâm như thế. Như thế mình có thể có ý ăn thịt, nhưng mình không hề có ý giết con vật. Bởi vì cả bốn duyên sát đều không hội đủ, nên đó không phải là phạm giới. Hỏi : Còn như cái ý định thiết thực cố cản người không sát thì sao ? Nếu 1.000 người Phật tử không ăn gà nữa, thì họ sẽ thực sự có được cơ hội để cản những người nuôi gà khỏi phải giết. Họ không kiếm ra tiền, nên họ không giết chúng làm chi. Rinpoche : Ở cõi này chúng ta không thể bảo kẻ khác đừng giết. Chẳng hạn, trong các đại dương biết bao loại cá nhỏ bị cá lớn giết hại? Điều quan trọng với chính chúng ta là đừng giết, và bằng cách đó chúng ta có thể ngưng sát sinh. Nhưng không thể bảo người khác được. Hỏi : Tại Gampo Abbey mọi người thọ năm giới mỗi ngày. Nếu như chúng ta thọ giới không sát này theo như nghi thức trong khi biết rằng lát nữa trong ngày ấy chúng ta sẽ nhấn một cái xẻng vào rất nhiều con sâu hoặc bất cứ con gì. Vậy thì có khác gì chăng nếu tâm nguyện của chúng ta ở đây chỉ là để có được đồ ăn ? Và có khác gì chăng nếu như giới ấy được thọ nhận hay không nhận theo như nghi thức ? Rinpoche : Rất nên thọ nhận lấy giới này ngay dù chúng ta có thể giết côn trùng trong lúc làm việc. Bởi vì do chúng ta có ý định trong tâm là không giết chúng, thế nên chúng ta sẽ không hề giết một cách cố ý. Hỏi : Chúng ta thường hay phải quyết định rằng trường hợp nào có lợi hơn. Trong xã hội hiện đại người ta thường quyết định giết một số thú vật để đưa lại những lợi ích lớn hơn, chẳng hạn, sự chặn đứng bệnh sốt rét mà vốn do muỗi truyền đi. Cách thức duy nhất để chặn đứng căn bệnh sốt rét này là giết muỗi. Rinpoche : Tôi cho rằng nếu chúng ta có một tâm nguyện thanh tịnh vì lợi ích cho những người khác thì có giết côn trùng cũng không sao. Nếu chúng ta do tham danh tham tiền mà đi giết muỗi với tâm ý ấy, thì, dĩ nhiên, đó là điều ác.