Ngày 20.
Trước bình minh khá lâu, trời thật trong, đầy sao; một màn sương mỏng bồng bềnh trên sông và bờ đối diện nhìn thấy mờ mờ; con tàu hú lên trên đoạn dốc trước khi băng qua cầu; đó là chuyến tàu chở hàng hóa và thường có một kiểu cách đặc biệt thở hổn hển trên đoạn dốc, dài, chậm, nó phóng ra từng cụm khói dày đặc; ngược lại với chuyến tàu khách thở phì phò nhanh, lao đến cầu gần như tức khắc. Trong cái yên lặng bao la này, chuyến tàu hàng ồn ào chát chúa, ồn hơn bao giờ hết, nhưng không có gì có thể làm vẩn đục yên lặng này trong đó mọi chuyển động đều mất hút. Yên lặng huyền nhiệm, sáng rỡ và mạnh mẽ, gay gắt; in dấu một sự nhấn mạnh mà thời gian không thể khơi dậy. Ngôi sao mờ nhạt cách biệt rõ ràng và cây cối còn tối tăm trong giấc ngủ. Thiền định là tri giác mọi sự này và tất cả vượt khỏi thời gian. Chuyển động nằm trong thời gian là tư tưởng, và tư tưởng thì không thể vượt qua giới hạn của nó trong thời gian nên không bao giờ tự do. Bình minh hiện lên trên ngọn cây và con sông chỉ còn là một đường mờ mờ, nhưng các ngôi sao mất vẻ sáng chói, và rồi một con chim trên cội cây gần bên cất tiếng gọi ban mai. Nhưng sự yên lặng bao la này còn kéo dài nữa và sẽ ở đó mãi mãi, mặc chim muông và tiếng người ồn.
Ngày 21 .
Tiết lạnh thật là khốc liệt; hàng rào bị bỏng lạnh đã trụi hết lá; thảm cỏ một màu nâu xám, màu của đất; trừ vài đóa hoa bướm (hoa păng-xê) màu vàng và hoa hồng, khu vườn cũng trơ trụi. Thời tiết quá lạnh này khiến người nghèo khổ sở và qua đời, lúc nào cũng vậy; ở đây thặng dư dân số và người ta chết hàng loạt. Ta thấy họ run lập cập, gần như không manh vải dưới bộ áo quần rách nát và nhớp nhúa; một bà lão rét run từ đầu đến chân, co chặt hai tay sát vào người, răng đánh lập cập; ven sông đóng băng (sông Jumana) một cô gái đang giặt và xả bộ đồ tơi tả, trong khi một ông lão ho hen và bọn trẻ nô đùa trong tiếng la cười. Người ta bảo rằng mùa đông này lạnh thật là đặc biệt và số tử vong đáng ngại. Đóa hồng đỏ và hoa bướm vàng thật là sinh động một cách mạnh bạo, rực rỡ màu sắc; nhìn không biết chán và hai màu này như trải rộng và tràn đầy khu vườn hoang vắng; bà lão rét run này có mặt khắp nơi, dù có tiếng hét la của lũ trẻ con; màu vàng, màu đỏ lạ thường và cái chết không tránh được. Màu sắc là thượng đế, và cái chết thì vượt khỏi các thượng đế. Cái chết ở khắp nơi, và màu sắc cũng vậy. Cả hai đều không thể tách rời nhau, vì nếu như thế sẽ không có sự sống. Ta không có cách nào tốt hơn để tách tình yêu ra khỏi cái chết, vì chơn mỹ sẽ không ở đó nữa. Ta phân biệt mỗi màu sắc, xem là quan trọng, nhưng chỉ có màu sắc, và khi ta thấy mỗi sắc như là một màu duy nhất, chỉ lúc đó sắc này mới lột trần vẻ tuyệt diệu. Đóa hồng đỏ, hoa bướm vàng không phải là những màu khác nhau, chúng là màu sắc, tỏa vinh quang lên khu vườn trơ trụi. Nền trời xanh nhạt, màu xanh của mùa đông lạnh lẽo và không mưa, nhưng màu xanh này là màu của tất cả màu sắc. Bạn nhìn thấy và ở trong đó; tiếng ồn của thành phố không còn nghe rõ, nhưng màu sắc không phai diệt này vẫn tồn tại.
Đau khổ đã trở nên đáng kính; người ta đã cho nó cả ngàn lời giải thích; từ đó người ta mở ra con đường đạo đức, con đường giác ngộ, đau khổ bị xô đuổi trong nhà thờ, nhà nhà đều cho là quan trọng và trao cho nó sự thánh thiện, nó tạo ra khắp nơi lòng lân mẫn, những giọt lệ và phép lành. Như thế, đau khổ tồn tại; mỗi quả tim đều biết đến, sống trong nó hoặc trốn chạy nó, việc này chỉ củng cố nó thêm, làm nức nở và u tối quả tim. Nhưng đau khổ là con đường làm cho mình động lòng về chính mình, với kỷ niệm khôn cùng. Đau khổ có cội rễ trong ký ức, trong những mãnh vụn của ngày hôm qua. Nhưng ngày hôm qua luôn luôn là quan trọng; đó là cơ chế cho đau khổ một ý nghĩa đối với đời sống; đó là sự phong phú của cái đã biết, của những vật sở hữu. Nguồn gốc của tư tưởng nằm trong cái đã sống ngày hôm qua, vô số ngày hôm qua cho ý nghĩa đối với sự sống đau khổ. Chính ngày hôm qua là đau khổ, nếu không thanh lọc tâm thức khỏi cái ngày hôm qua đó đau khổ sẽ tồn tại. Ta không thể thanh lọc tâm thức bằng tư tưởng, vì tư tưởng là sự tiếp nối của ngày hôm qua, biết bao quan niệm và lý tưởng thường chủ trương như thế. Đánh mất ngày hôm qua là bắt đầu sự động lòng về chính mình, nặng lòng của khổ đau. Khổ đau mài dũa tư tưởng, nhưng tư tưởng đưa đến đau khổ. Tư tưởng là ký ức. Nhận thức sáng suốt và không lựa chọn tất cả tiến trình này sẽ giải thoát tâm thức khỏi đau khổ. Nhìn sự kiện phức tạp này, không ý kiến và không phán đoán, là chấm dứt đau khổ. Cái đã biết phải chấm dứt, không nỗ lực, để phát sinh cái bất tri.
Ngày 22.
Dáng ngoài thật là cực kỳ trau chuốt; mỗi lọn, mỗi cuộn tóc đều được nghiên cứu cho đúng chỗ, từng điệu bộ và nụ cười đều hàm ý, và mọi động tác đều được nghiên cứu trước tấm gương. Bà ta có nhiều con và mái tóc muối tiêu. Chắc là giàu có, từ bà toát ra vẻ thanh lịch và một sự dè dặt nào đó. Chiếc xe cũng được chăm sóc tốt; những món đồ bằng “crôm” thật hoàn hảo sáng choang dưới ánh nắng ban mai; vỏ xe có vành trắng thật sạch, không một tỳ vết, và đệm ngồi cũng vậy. Đó là một chiếc xe tốt có thể chạy mau và quẹo rất ngọt. Tiến bộ kỳ diệu và phổ biến này đưa lại sự an toàn và tính phiến diện hào nhoáng, đau khổ và tình yêu có thể giải thích rất ư là dễ dàng, có thể kềm chế, và lúc nào cũng có nhiều thứ thuốc an thần khác nhau, nhiều thánh thần khác nhau và những chuyện hoang đường mới thay thế chuyện cũ. Một buổi mai trong sáng và tươi mát; màn sương mỏng tan hòa với ánh dương lên, không khí im lìm. Đậu xuống thảm cỏ nhỏ, những con chim mũm mĩm, chân và mỏ vàng, rất hài lòng và đúng hơn là ưa trò chuyện; chúng có cánh đen và trắng và thân màu hung khá sẫm. Chúng nhảy nhót khắp nơi, đuổi bắt nhau vui vẻ lạ thường. Rồi những con quạ cổ màu xám đến, những con chim mũm mĩm bay lên vừa phản đối ầm ĩ. Mỏ dài của chúng lấp lánh, cũng như thân đen đúa của chúng chớp sáng; chúng quan sát cử động của bạn và không bỏ sót một việc gì, chúng cũng biết là con chó to đang chạy qua hàng rào và trước khi nó nhìn thấy, chúng đã cất cánh bay vừa kêu lên, để lại tấm thảm nhỏ vắng vẻ.
Tâm thức luôn luôn bận rộn vì chuyện này hay chuyện khác, dù là trời ơi hay được cho là quan trọng. Tâm thức giống như con khỉ luôn luôn cựa quậy, chót chét, chuyền từ vật này đến vật kia, cố ở yên một cách vô vọng. Rỗng không, hoàn toàn rỗng không, không có gì phải sợ hãi; điều thiết yếu là tâm thức phải tuyệt đối không bận rộn, phải rỗng không, không có sự ép buộc, vì chỉ lúc đó nó mới thâm nhập tận những chiều sâu bất tri. Mỗi một sự bận rộn quả là phiến diện nơi người đàn bà này, cũng như nơi gọi là thánh nhân. Một tâm thức bận rộn sẽ không bao giờ thâm nhập tận chiều sâu của nó, tận những vùng ẩn tàng. Chính cái không này ban cho tâm thức khoảng không, một khoảng không trong đó thời gian không thể bước vào. Chính từ cái không này phát sinh sáng tạo, mà tình yêu là cái chết.
Ngày 23.
Cây cối trần trụi, từng chiếc lá rơi rụng, ngay những cành nhỏ và mảnh cũng gãy; tiết lạnh quá khắc nghiệt đối với chúng, đã làm chúng kiệt quệ; những cây khác còn giữ được lá, nhưng cây không còn xanh nữa, có một số ngả sang màu nâu. Đây là một mùa đông rét đặc biệt; những cụm núi nằm ngang dãy Hi-mã-lạp-sơn đều phủ nhiều thước tuyết, và cái lạnh dữ dội truyền rộng xuống đồng bằng, đến cả trăm cây số; mặt đất đóng băng và bông hoa câm nín, thảm cỏ đều trụi; chỉ còn vài đóa hồng và hoa bướm vàng màu sắc choáng ngợp cả khu vườn nhỏ. Nhưng trên đường phố và nơi công cộng, những người nghèo, cuộn mình trong tấm giẻ nhơ bẩn và rách nát, bước đi chân trần, đầu trùm kín, chỉ hơi để lộ khuôn mặt tối tăm; những người đàn bà mặc đủ thứ mảnh vải vụn nhớp nhúa và muôn màu, đeo ở cổ tay vòng bạc hay món trang sức khác; họ bước đi thoải mái, dễ dàng, với một dáng đẹp nào đó, và rất giữ tư cách. Đa số đàn bà là công nhân, nhưng chiều đến, trên đường về nhà, đúng hơn là về chòi, họ cười đùa, chọc ghẹo lẫn nhau và những người trẻ, có bậc đàn anh đi trước, nói to, đùa giỡn giữa đường. Bây giờ là cuối một ngày lao động vất vả; họ rất chóng già và không bao giờ được ở cũng như làm việc trong những căn nhà mà họ đã xây dựng. Tất cả những người có địa vị qua lại nơi đó, ngồi trên xe hơi, và những kẻ khốn khổ này cũng không hơi đâu nhìn họ. Mặt trời lặn sau một tòa nhà đã được sửa sang, trong màn sương mỏng kéo dài cả ngày. Mặt trời không màu sắc, không sức nóng, và quốc kỳ nhiều nước rũ mềm xuống. Cờ cũng mệt mỏi, đó chỉ là những mảnh giẻ có màu sắc, nhưng lại quan trọng biết bao! Vài con quạ uống nước trên mặt vũng và những con khác bay đến chia phần. Bầu trời nhạt đang chuẩn bị vào đêm.
Mỗi tư tưởng, mỗi cảm thức đều bay mất, trí óc tuyệt đối bất động, đã hơn nửa khuya, trời lạnh, và ánh trăng rọi vào cửa sổ, phóng chiếu hình ảnh trên tường. Trí óc rất tỉnh thức, quan sát không phản ứng, không kinh nghiệm; nơi nó không một chuyển động, nhưng nó chẳng trơ lì cũng chẳng đờ đẫn bởi ký ức. Và bỗng chốc, cái vô lượng vô biên bất tri, không riêng ở trong phòng và ngoài kia, mà tận chiều sâu, trong uẩn khúc sâu kín nhất của tâm thức trước kia. Tư tưởng có biên cương do từng kiểu phản ứng tạo nên, và mỗi động cơ, cũng như mỗi cảm thức, đều ban cho tư tưởng hình tướng; mọi kinh nghiệm đều đến từ quá khứ và tất cả mọi sự ta nhận biết được thuộc lãnh vực của cái đã biết. Nhưng cái vô lượng vô biên không để lại dấu vết, nó ở đó, sáng rỡ, mạnh mẽ, huyền nhiệm, không tiếp cận được, cường lực của nó là ngọn lửa không để lại tro tàn. Với nó, niềm vui cũng không để lại kỷ niệm, bởi vì không có ai để kinh nghiệm. Nó chỉ ở đó, thật là giản dị, đến rồi đi, không đuổi bắt cũng chẳng khơi dậy.
Quá khứ và cái bất tri không thể nào gặp nhau; không một hành vi nào, dù như thế nào đi nữa, lại có thể tụ họp cả hai; không một nhịp cầu nào nối liền cả hai, không có con đường nào dẫn đến đó. Cả hai chưa bao giờ gặp nhau và sẽ không bao giờ gặp nhau. Quá khứ phải dừng bặt để cái bất tri này, cái bao la vô lượng vô biên này có thể hiển bày.
Hết.
Nguyên tác: The Krishnamurti’s Notebook
Dịch theo bản Pháp ngữ: Carnets de Krishnamurti của Marie Bertrande Maroger.