Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Không thể qua thân tướng mà thấy được Như Lai.Vì sao thế? Thân tướng mà Như Lai nói đó, tức chẳng phải thân tướng.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm hể có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai.
Đây là lần đầu Kinh dùng chữ “tức chẳng phải” (tức phi), để sau này câu nói “tức chẳng phải…, đó gọi là…” sẽ được lập đi lặp lại cho đến hết Kinh. Chúng ta cần chú ý cách nói này, đó là nội dung Kinh: phi (chẳng phải), tức (đó là).
“Thân tướng mà Như Lai nói đó, tức chẳng phải thân tướng”. “Chẳng phải” là chẳng phải có tự tánh, có hiện hữu nội tại, tự mình, độc lập, tách biệt. “Chẳng phải” là vô tự tánh, do đó là vô sở hữu (không chỗ có) và bất khả đắc (chẳng thể đắc, chẳng thể được). “Chẳng phải” là tánh Không.
Thế nên bất cứ khi nào chúng ta thấy một sự vật nào, một hiện tướng nào là chẳng phải, bấy giờ chúng ta thấy ngay tánh Không. Thấy tướng là chẳng phải, thì đó là tánh Không.
“Phàm hể có tướng đều là hư vọng”, chỉ một câu này mà tận lực quan sát _ dầu theo Trung Quán hay theo Duy Thức _ bèn có thể thông đạt tánh Không, tức Pháp thân, ra khỏi sanh tử. Vì sao? Vì tất cả sanh tử đều do các tướng và tưởng hợp thành. Dục giới, sắc giới, vô sắc giới, sơ thiền đến tứ thiền, cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, đều là tướng và tưởng. Thấy tất cả tướng và tưởng đều là hư vọng, bèn là giải thoát. Như thấy những hoa đốm chẳng phải là hoa, đều là hư vọng bèn thấy ngay bầu trời rỗng rang khắp hư không mười phương.
Pháp thân Như Lai không sanh không diệt không thể thấy qua Sắc thân, gồm Báo thân và Hóa thân, có sanh có diệt được. Tất cả mọi tướng hiện ra với tâm đều có sanh có diệt, có đến có đi, nên đều là hư vọng. Như những bóng trong gương (tâm), có sanh diệt, có đến đi, thì đều là hư vọng. Còn gương sáng chứa các bóng sanh diệt đến đi thì không sanh diệt đến đi, cũng chẳng bị ô nhiễm bởi sự sanh diệt đến đi của các bóng. Gương sáng ấy là tâm Phật, là Phật tánh Như Lai, là bổn lai diện mục, vẫn hằng hiện hữu nơi chúng ta.
Thấy các bóng đều là hư vọng, thấy các tướng chẳng phải là tướng, nghĩa là chúng đều vô tự tánh, ngay lúc ấy thấy gương tâm là Phật xưa nay của mình.
Không phải chờ hết bóng mới thấy gương, người khéo nhận biết thì ngay nơi bóng là gương, ngay nơi “sắc là Không, sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc”. Tất cả bóng là tấm gương vậy.
Khi không trụ vào bóng thì thấy toàn thể tấm gương ở ngay trước mắt. Đây là tánh thấy được nói trong Kinh Lăng Nghiêm: “Khi thấy mà có các tướng thấy, cái thấy ấy không chân thật. Khi thấy mà lìa tất cả các tướng thấy, cái thấy ấy là tánh thấy siêu việt”. (Kiến kiến chi thời kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập).
Nếu lấy tấm gương tâm làm thí dụ như trên, thì: