Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Lúc Tổ Sư ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê thì Đại sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Nam. Bấy giờ cả hai tông hóa độ thịnh hành, người đời đều xưng là Nam Năng Bắc Tú nên mới có phân hai tông Đốn và Tiệm Nam và Bắc. Nhưng người học đạo chẳng biết tông thú.

Sư nói với đại chúng rằng: Pháp vốn có một tông, còn người thì có Nam và Bắc. Pháp là một giống mà cái thấy thì có nhanh chậm. Sao gọi đốn tiệm? Thật ra pháp không có đốn tiệm mà vì con người có sắc bén có cùn lụt, cho nên gọi là đốn tiệm.

Khi Lục Tổ ở ẩn trong rừng núi thì đại sư Thần Tú đã hoằng hóa thịnh hành ở phía Bắc, ảnh hưởng mạnh ở kinh đô ngay cả khi Lục Tổ ra hoằng hóa. Phải đến về sau, nhờ các thiền sư xuất chúng các đời sau mà đốn giáo vượt lên để thành Thiền tông Trung Hoa, truyền qua Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản cho đến ngày nay.

“Pháp vốn một tông, pháp là một giống” vì Pháp thân chỉ là một, chung cho cả chư Phật, các Bồ tát Pháp thân ở hàng Thập địa và tất cả các chúng sanh. Đốn giáo là chỉ thẳng Pháp thân ấy để cho đệ tử ngộ nhập. Pháp thân ấy vừa là nền tảng, vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh. Trong khi ấy, Tiệm giáo chú trọng nhiều đến phương tiện và quan niệm cứu cánh ở ngoài nền tảng và phương tiện.

Song các đồ chúng của đại sư Thần Tú thường chê Tổ Sư Nam tông chẳng biết một chữ, có gì hay đâu.

Đại sư Thần Tú nói rằng: Vị kia được cái trí vô sư, thâm ngộ thượng thừa, ta đây chẳng bằng vậy. Vả lại thầy ta là Ngũ Tổ đã đích thân truyền y pháp, đâu phải là việc vô cớ. Ta tiếc không thể đi xa được để thân cận người mà luống chịu ân huệ của vua. Các ông chớ trì trệ ở đây, nên qua Tào Khê mà tham học giải quyết.

Ngài Thần Tú được phong làm quốc sư, được triều đình lần đầu tiên dùng danh hiệu Thiền sư ban cho. Xem cách ngài nói về Lục Tổ, chúng ta thấy trong đạo pháp, làm gì có sự xích mích bất hòa giữa các cao tăng với nhau, như người đời thường nghĩ.

Một ngày kia Sư Thần Tú bảo đệ tử là Chí Thành rằng: Con thông minh đa trí, nên vì ta mà đến Tào Khê nghe pháp. Nếu nghe được chỗ gì hãy hết lòng nhớ lấy rồi về nói lại ta nghe. Chí Thành vâng mệnh đến Tào Khê, theo chúng tham hỏi mà chẳng nói từ đâu đến.

Khi ấy Sư nói với chúng rằng: Nay có người trộm pháp, lén ở trong hội này. Chí Thành liền bước ra làm lễ và trình bày hết sự việc.

Sư nói: Ông ở chùa Ngọc Tuyền đến, có phải để do thám? Thưa: Chẳng phải. Sư nói: Sao lại chẳng phải? Thưa rằng: Chưa nói thì phải, còn nói ra rồi thì chẳng phải.

Sư nói: Thầy ông dạy chúng thế nào?

Thưa rằng: Thầy thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm.

Sư nói: Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền. Ngồi hoài thì bó buộc cái thân, với đạo lý có ích gì đâu. Hãy nghe kệ ta:

Khi sống ngồi chẳng nằm

Chết rồi nằm chẳng ngồi

Chỉ một đống xương thúi

Sao lập được công phu

Chí Thành lại lạy và bạch: Đệ tử ở với Đại sư Thần Tú, học đạo chín năm chẳng được khế ngộ. Nay nghe một lời của Hòa thượng bèn khế hội bản tâm. Đệ tử vì sanh tử là việc lớn, xin Hòa thượng đại từ chỉ dạy cho.

Sư nói: Ta nghe nói thầy ông dạy cho người học đạo pháp giới định huệ, chưa rõ thầy của ông nói tướng hạnh của giới định huệ như thế nào, hãy nói cho ta nghe.

Chí Thành bạch: Đại sư Thần Tú nói, các điều ác chớ làm, gọi là giới; các điều lành vâng làm, gọi là huệ; tự tịnh ý mình, gọi là định. Ngài dạy như vậy, chưa rõ Hòa thượng lấy pháp gì dạy người.

Sư nói: Nếu ta nói có pháp để dạy cho người, đó là dối gạt ông. Ta chỉ tùy phương tiện mở chỗ trói buộc cho người, giả danh gọi là tam muội. Như giới định huệ thầy ông nói quả là chẳng thể nghĩ bàn, nhưng cái thấy giới định huệ của ta lại khác.

Chí Thành bạch: Giới định huệ thì chỉ có một thứ, sao lại khác?

Sư nói: Giới định huệ của thầy ông để tiếp người Đại thừa, giới định huệ của ta để tiếp người tối thượng thừa, ngộ hiểu chẳng đồng, cái thấy có mau chậm.

Ông nghe ta nói có đồng với vị kia chăng? Chỗ thuyết pháp của ta không lìa tự tánh. Lìa bản thể mà thuyết pháp gọi là thuyết theo tướng, tự tánh thường mê. Phải biết tất cả muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là giới định huệ chân thật.

Hãy nghe kệ ta:

Tâm địa không lỗi, tự tánh giới,

Tâm địa không si, tự tánh huệ,

Tâm địa không loạn, tự tánh định,

Chẳng tăng chẳng giảm, tự kim cương,

Thân tới thân lui, vốn tam muội

Trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm là không tin rằng tâm mình vốn tịnh, vốn vô niệm, không niệm nào có thể làm ô nhiễm, như không một đám mây nào có thể làm biến chất bầu trời. Công phu là niệm niệm tương ưng với bầu trời tâm vô niệm ấy, bởi vì tâm vô niệm ấy không chỉ có trong khi ngồi thiền. Trụ tâm quán tịnh, ngồi hoài chẳng nằm là tu theo tướng, tướng tịnh và tướng ngồi.

Ở trong tánh thì quả là “nếu nói có pháp để dạy cho người, đó là dối gạt ông; chỉ tùy phương tiện mà mở chỗ trói buộc cho người, giả danh gọi là tam muội”. Trói buộc vào các tướng mà hết, đó là tự tánh vô niệm, vô tướng và vô trụ. Đây là trạng thái bình thường của tâm, chớ đâu phải cái gì khác lạ để được đặt tên là tam muội.

Giới định huệ không phải là tướng giới định huệ lấy tự bên ngoài, mà tự tâm, tự tánh vốn là giới định huệ. Tu hành không phải là làm theo tướng ở bên ngoài, mà là thấy tánh và hằng sống với tự tánh.

Tâm địa không lỗi, không có vọng tưởng phân biệt, đây là tự tánh vốn giới. Tâm địa không si, không mê, đây là tự tánh vốn huệ. Tâm địa không loạn, đây là tự tánh vốn định. Đời sống, cử động, nói năng, suy nghĩ của mỗi người vẫn xảy ra trên cái tâm địa tự tánh bất biến như hư không này. Nó luôn luôn hiện tiền mà chỉ bởi vì không biết khiến cho lỗi, si, loạn mà mất dấu.

Phải thấy cho được cử động, nói năng, suy nghĩ đang diễn ra trên nền tảng tâm địa tự tánh này, và không bao giờ ra khỏi nền tảng ấy, đó gọi là thấy tánh.

‘‘Phải biết tất cả muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là giới định huệ chân thật’’, thấy biết tất cả muôn pháp trước mắt là tự tánh khởi dụng, do đó muôn pháp đều thanh tịnh, viên mãn, sáng rỡ, không thiếu hụt dù chỉ bằng hạt bụi.

Chứng thực được tâm địa tánh Không không tăng không giảm, làm hay không làm đều không tăng không giảm, đây là tự mình là tánh kim cương bất hoại. Chứng thực được sự lui tới của thân đều nằm trên nền tảng tánh Không, mọi hoạt động đều không dính dáng gì đến tánh Không, thì đây là chánh định có từ vô thủy đến vô chung.

Sống trong tự kim cương, trong vốn tam muội thì sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý, cái gì chẳng phải là tự kim cương, cái gì chẳng phải là vốn tam muội ?

Chí Thành nghe kệ, cảm hối tạ ơn, rồi trình một bài kệ:

Năm uẩn huyễn thân

Huyễn đâu cứu cánh

Xoay hướng Chân Như

Pháp lại chẳng tịnh

Sư khen là phải, lại nói với Chí Thành rằng: Giới định huệ của thầy ông là để khuyên người căn trí nhỏ, giới định huệ của ta để khuyên người căn trí lớn.

Nếu ngộ tự tánh thì cũng chẳng lập Bồ đề Niết bàn, cũng chẳng lập giải thoát tri kiến. Không có một pháp có thể đắc mới có thể kiến lập vạn pháp, nếu rõ ý này, cũng gọi là Phật thân, cũng gọi là Bồ đề Niết bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến.

Người thấy tánh thì lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngưng không ngại, ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp, hiện khắp Hóa thân mà chẳng lìa tự tánh, tức là được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tánh.

Người thấy tánh khi nhìn ra ngoài chỉ thấy tánh Không, đúng hơn, sự hóa hiện của tánh Không, ‘‘như mộng huyễn, bọt, ảnh, như sương, như điện chớp’’. Nhìn vào trong cũng là tánh Không, chẳng xoay hướng đến Chân Như, Bồ đề Niết bàn… những danh tự giả lập (Vô nguyện).

Nhìn tất cả các tướng sanh tử, chúng sanh mà nói rằng ‘‘lập cũng được, không lập cũng được’’, thì đây là tự do, tự do với cả sanh tử và Niết bàn.

Theo lời Lục Tổ, thấy tánh là thấy và sống thuần thục tánh Không tánh Như. Tánh Không là không một pháp có thể đắc, trên nền tảng này lập ra các pháp phương tiện để độ người. Phương tiện hóa hiện từ tánh Không, nên vô sở hữu, bất khả đắc. Tánh Như thì có đâu sanh tử và chúng sanh vì có cái gì không phải là tánh Như. ‘‘Lập cũng được, không lập cũng được’’, vì đâu cũng là tánh Không tánh Như, cái gì cũng là tánh Không tánh Như.

Sống trong tánh Không thì lập cũng là không lập, không lập mà tất cả hiện hữu sẳn trong tánh Không. Đến là đến trong tánh Không, đi là đi trong tánh Không, không ngưng không ngại. Ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp vì làm việc gì cũng chẳng dính đến thân tâm, nói lời nào cũng chẳng dính đến môi miệng. Hiện khắp Hóa thân vì tướng nào cũng là sự hóa hiện của tánh Không. Làm tất cả hạnh Bồ tát mà chẳng lìa tánh Không, đó gọi là tự tại thần thông, du hý tam muội.

Chí Thành lại bạch với Sư rằng: Thế nào là nghĩa chẳng lập?

Sư nói: Tánh mình không quấy, không si, không loạn, niệm niệm trí huệ Bát nhã quán chiếu, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang đều được, thì có cái gì lập được? Tự tánh tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, cũng không thứ lớp, cho nên chẳng lập tất cả pháp. Các pháp vốn tịch diệt, thì có thứ lớp nào?

Chí Thành lễ bái, nguyện theo hầu hạ sớm tối chẳng bê trễ.

Không quấy, không si, không loạn, đó là tự tánh. Không tịch như vậy mà thường chiếu soi, đó là tự tánh. Trong tánh, tướng các pháp đều vốn lìa, đều bất khả đắc, như hoa giữa hư không. Thanh tịnh như vậy thì vọng lập cái gì đều là vô ích, có khi thành bệnh. Đây là sự tự do tự tại của tánh Không, dọc ngang đều được vì có tướng nào đâu.

Tánh Không được Lục Tổ diễn tả rõ ràng cụ thể như vậy, nhưng không chứng ngộ được nó thì dù có diễn tả qua nhiều đời cũng vô ích. Chứng ngộ được nó thì mới biết tự do của tánh Không là gì. Không có trời để đội, không có đất để đạp, không có sanh tử để bỏ, không có Niết bàn để lấy, không có cái gì có thể lập được, đó là tự do.

Có lập ra tướng thì có thứ lớp, trong tánh Không không có tướng nào lập được nên tánh Không thì không có thứ lớp, trước sau, cao thấp, mau chậm. Các pháp vốn tịch diệt, trong cái tịch diệt toàn khắp này, làm gì có tướng nào để lập nên thứ lớp? “Tự tánh tự ngộ, đốn ngộ đốn tu”, hai chữ “tự” và “đốn” này, chỉ có người ngộ tánh Không mới biết, vì nói có tu có chứng là sai vì chấp thường mà nói không tu không chứng thì càng hỏng vì chấp đoạn.

Tất cả các pháp là Không, các pháp vốn tịch diệt, hãy Nghe (Văn), Tư duy (Tư), Tham thiền (Tu) điều đó cho đến lúc trực tiếp thấy biết thì mới hiểu “tự tánh tự ngộ, đốn ngộ đốn tu” là gì. Người tham thiền phải nhắm vào cái ‘‘lập cũng được không lập cũng được’’ để thấu hiểu thực tại ấy mà thoát khỏi sanh tử.

Vị tăng pháp danh Chí Triệt, họ Trương, tên Hạnh Xương, người ở Giang Tây, lúc trẻ là một hiệp sĩ.

Từ khi bắc nam phân chia việc hóa độ, hai vị tông chủ tuy không có tâm ta người, nhưng các môn đồ lại cạnh tranh sanh lòng yêu ghét.

Bấy giờ môn nhân bên Bắc tông tôn Sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng còn e chuyện Tổ sư truyền y khiến thiên hạ đều nghe, nên sai Hành Xương đến thích khách Đại Sư.

Đại sư là bậc tâm thông, biết trước việc ấy, lấy mười lượng vàng để sẳn nơi chỗ ngồi. Đêm khuya Hành Xương vào thất của Tổ, toan muốn làm hại. Sư đưa cổ ra, Hành Xương quơ đao chém ba lần mà không hề hấn gì.

Sư nói: Gươm chánh chẳng dùng vào việc tà, gươm tà chẳng hại được người chánh. Ta chỉ nợ ngươi vàng, chớ chẳng nợ ngươi mạng. Hành Xương kinh hãi té xỉu, hồi lâu mới tỉnh lại, cầu khấn ăn năn tội lỗi và xin xuất gia. Sư lấy vàng cho và nói: Ngươi hãy đi, e đồ chúng trở lại hại ngươi. Ngày sau hãy thay đổi hình dáng rồi đến đây ta sẽ nạp thọ. Hành Xương vâng theo ý dạy, trốn liền trong đêm ấy, sau xuất gia làm tăng.

Một ngày nọ nhớ lời Sư dạy, từ xa đến đảnh lễ ra mắt ngài. Sư nói: Ta nhớ ông đã lâu, sao ông đến muộn vậy.

Bạch: Ngày trước nhờ ơn Hòa thượng xá tội, nay tuy xuất gia khổ hạnh, nhưng sau này khó báo đáp ân đức này, chỉ mong Tổ truyền pháp độ sanh mà thôi.

Đệ tử thường xem kinh Niết bàn mà chưa rõ nghĩa thường và vô thường, xin Hòa thượng từ bi giải nói sơ lược cho.

Sư nói: Vô thường tức là Phật tánh vậy. Hữu thường là tất cả các pháp thiện ác do tâm phân biệt vậy.

Bạch: Lời Hòa thượng nói rất trái với kinh văn.

Sư nói: Ta truyền tâm ấn của Phật, đâu dám trái với kinh Phật.

Bạch: Kinh nói Phật tánh là thường, Hòa thượng lại nói là vô thường. Các pháp thiện ác cho đến tâm Bồ đề đều là vô thường, Hòa thượng lại nói là thường. Trái nhau như thế khiến kẻ học này càng thêm nghi hoặc.

Sư nói: Kinh Niết Bàn ngày trước ta đã nghe Ni Vô Tận Tạng đọc tụng một lần, bèn giảng nói cho, không có một chữ một nghĩa nào chẳng hợp với kinh văn, cho đến bây giờ nói cho ông thì rốt cuộc cũng không nói thành hai.

Bạch: Chỗ hiểu của kẻ học đạo này còn cạn cợt mờ tối, cin Hòa thượng cặn kẻ khai thị.

Sư nói: Ông biết chăng, Phật tánh nếu thường thì làm sao nói có các pháp thiện ác, cho đến cùng kiếp cũng không có một người phát tâm Bồ đề, thế nên ta nói vô thường, chính là đạo chân thường Đức Phật nói.

Lại nếu tất cả các pháp là vô thường, tức là vật gì đều có tự tánh chứa đựng sanh tử, thì tánh chân thường có chỗ chẳng khắp, cho nên ta nói thường, chính là nghĩa vô thường Đức Phật nói.

Ngày xưa Phật vì phàm phu ngoại đạo chấp nơi tà thường và các bậc nhị thừa nơi thường mà cho là vô thường, cọng thành tám điều đảo ngược, thế nên trong kinh giáo liễu nghĩa Niết Bàn phá những cái thấy thiên lệch mà nói rõ nghĩa chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh.

Nay ông y theo lời mà trái với nghĩa, lấy cái vô thường đoạn diệt và xác định cái thường chết cứng mà lầm hiểu lời viên diệu tối hậu của Phật thì dù có xem kinh điển đến ngàn lần cũng có ích gì ?

Những bậc tu hành chân chánh thì không còn tâm ta người, như ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú, lấy gì cạnh tranh mà sanh yêu ghét, hơn thua.

Hành Xương ám hại Lục Tổ, nhưng ngài là một biển trí huệ và đại bi, cho nên xá tội và còn hẹn sau này đến sẽ dạy. ‘‘Ta nhớ ông đã lâu, sao ông đến muộn vậy’’, tánh Không thì tràn đầy từ bi.

Sư Hành Xương tuy thường đọc kinh Niết Bàn, nhưng không có thầy chỉ dạy trực tiếp nên lạc vào kiến giải của phàm phu ngoại đạo và các người nhị thừa, tức là Thanh Văn thừa và Độc Giác thừa. Sư Hành Xương khi nghe nói vô thường bèn có cái thấy thiên lệch, cho vô thường chỉ là vô thường, và trong đó không có cái thường nào cả. Lấy một bài kinh ngắn như Bát nhã Tâm kinh, thì “sắc tức là Không”, sắc là vô thường, nhưng tức là Không, tức là tánh Không, “không chỗ nào chẳng khắp”, mà không chỗ nào chẳng khắp tức là thường.

Người đời và các tôn giáo đều có cái thấy phân hai, thế gian là vô thường còn bên kia, cái siêu việt, cái toàn thể vô biên thì thường. Tục đế hay thế đế là vô thường, chân đế thì thường.

Với Đại thừa ở mức rốt ráo, như trong Kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn thì không có sự phân hai này. Không phải tướng thì vô thường, có sanh có diệt, còn tánh là thường, không sanh không diệt. Mà tướng hay sanh tử chưa từng sanh nên cũng chưa từng diệt, tướng cũng không sanh không diệt nên là thường. Tướng chính là tánh, tánh tướng không hai.

Chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh thì “khắp tất cả chỗ”, đó cũng là Vô trụ xứ Niết bàn của hàng Bồ tát.

Thấy tất cả pháp thiện ác, các tâm niệm sanh diệt trước mắt là chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh, đó là cái Thấy, Thiền định và Hạnh của Thiền giả.

Hành Xương hốt nhiên đại ngộ, nói kệ rằng:

Bởi giữ tâm vô thường

Phật nói tánh hữu thường

Chẳng biết lời phương tiện

Như ao xuân lượm ngói.

Con nay chẳng ra công

Mà Phật tánh hiện tiền

Chẳng phải Thầy trao cho

Con cũng không chỗ đắc

Sư nói: Nay ông đã thông suốt (triệt) nên đặt tên là Chí Triệt.

Chí Triệt lễ tạ rồi lui ra.

Tự tánh hay cái “không chỗ đắc”, cái trí vô sư không hề ngăn che chướng ngại ai cả. Chỉ có mình tự che chướng mình, có khi tu thì càng thêm phiền não ta người, càng thêm tà kiến, biên kiến…. vì hiểu kinh theo ý của mình, rồi có được và chẳng được, sâu cạn…

Sư Hành Xương là một thí dụ. Phiền não chướng là nghe lời đi ám hại một bậc cao tăng chứng ngộ. Sở tri chướng là tự hiểu kinh theo ý mình, không có người chỉ dạy. Hai cái ấy không khéo thì tích tập ngày càng dày mà tự mình che chướng mình với cái luôn luôn hiện tiền trước mắt.

Cho nên, như Lục Tổ nói với sư Chí Thành, “Ta chỉ tùy phương tiện mở chỗ trói buộc cho người, giả danh gọi là tam muội”, khi ngài mở sự trói buộc của phiền não chướng và sở tri chướng của Hành Xương thì sư hốt nhiên đại ngộ. Đại ngộ là đích thân thấy biết cái tam muội xưa nay vẫn ở trước mặt mình, xưa nay mình vẫn ở trong đó. Đâu cần phải “ra công”, đâu cần lặn hụp nơi “ao xuân” (Kinh Niết Bàn) chỉ làm thêm nước đục, mà chỉ lượm được gạch đá.

Đoạn này, tuy đọc chỉ mất năm phút, nhưng phải thấy đó là tâm lực của cả một đời người, tâm lực ăn năn hối lỗi và tâm lực tìm hiểu cái chân thường. Với tâm lực như vậy mới mong phá sập được phiền não chướng và sở tri chướng mà ai cũng có để Phật tánh hiện tiền.

Có một đồng tử, tên là Thần Hội, con nhà họ Cao ở Tương Dương, mười ba tuổi, từ chùa Ngọc Tuyền đến tham lễ.

Sư nói: Người tri thức khó nhọc đi từ xa đến, có đem theo được cái gốc chăng? Nếu có gốc thì phải biết ông chủ, nói thử xem.

Hội bạch: Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Sư nói: Sa di kia sao lại bắt chước lời nói của người.

Thần Hội bèn thưa: Hòa thượng ngồi thiền, thấy hay chẳng thấy?

Sư lấy gậy đánh ba cái, nói: Ta đánh người đau hay chẳng đau?

Thần Hội bạch: Cũng đau cũng chẳng đau

Sư nói: Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.

Thần Hội hỏi: Sao là cũng thấy cũng chẳng thấy?

Sư nói: Ta thấy là thường thấy lỗi trong tự tâm, chẳng thấy những phải trái, tốt xấu của người, đó là cũng thấy cũng chẳng thấy.

Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào? Ngươi nếu chẳng đau thì đồng với gỗ đá, còn đau thì đồng với phàm phu, liền sanh giận hờn. Trước ngươi hỏi thấy hay chẳng thấy, đó là hai bên, cũng đau cũng chẳng đau, đó là sanh diệt. Tự tánh của ngươi, ngươi còn chẳng thấy, sao dám đùa cợt người?

Thần Hội lạy tạ hối lỗi.

Sư lại nói: Nếu ngươi tâm mê chẳng thấy, thì hỏi thiện tri thức tìm ra con đường. Còn nếu ngươi tâm ngộ, tức là tự thấy tánh, thì y pháp tu hành. Ngươi tự mê chẳng thấy tự tâm, lại hỏi ta thấy hay chẳng thấy. Ta thấy thì tự biết, đợi gì cái mê của ngươi? Ngươi nếu tự thấy cũng chẳng dính dáng gì cái mê của ta. Sao chẳng tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy.

Thần Hội làm lễ hơn trăm lạy, xin tha tội lỗi, rồi chuyên cần hầu hạ bên Tổ, chẳng khi nào rời.

Thần Hội có trí nên đối đáp nhanh lẹ, có phần giống, nhưng chỉ bắt chước lời người khác, chỉ vì tu còn ít, chưa đủ định để giữ gìn cái thấy hiểu chân chánh, chưa đủ ánh sáng của huệ để thấy biết thật. Từ đó mà sanh lỗi lầm, cách ứng xử có phần kiêu mạn. Với người ưa nói lý này, Tổ đưa vào thế giới của sự. Sự có thông thì lý mới thật.

Tổ nói, “ta thấy là thường thấy lỗi trong tự tâm, chẳng thấy những trái phải, tốt xấu của người”, đây là sự tu hành chân chánh trong tự tánh. Đây là đã thấy cái vốn sạch của tự tâm rồi, mới y trên sự vốn sạch ấy mà thấy để giải tan các vết dơ đã nhiễm.

Còn cứ thấy người khác – thấy có pháp ngoài tâm đã là lỗi rồi – lại thấy chuyện phải trái, tốt xấu của người thì càng thêm nhiễm ô, càng thêm tội chướng. Phân biệt ta người đã là lỗi, thấy lỗi người, thấy cái xấu của người (và do đó ta thì tốt) thì lỗi lầm phân biệt càng thêm nặng, sự che chướng càng thêm nhiều, tự tâm càng thêm tối tăm. Tu như vậy thì càng tu càng tự che chướng, càng tu càng xa, vì là tu nhân ngã chứ chẳng phải tu Phật.

“Tự thấy tánh mình, y theo pháp mà tu hành” thì có dính dáng gì đến cái mê cái ngộ của người khác? Tánh như vậy mới thật là không nhiễm ô, giải thoát, tự do.

Một ngày kia Sư bảo chúng rằng: Ta có một vật không đầu không đuôi, không danh không tự, không lưng không mặt, các ông có biết chăng?

Thần Hội bước ra bạch rằng: Ấy là cái bổn nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Sư nói: Ta đã nói với ông là không danh không tự, mà ông lại nói là bổn nguyên, Phật tánh. Ông đi đâu cũng có nắm tranh che đầu, chỉ thành một tông đồ tri giải mà thôi.

Sau khi Tổ tịch rồi, Thần Hội vào thành Lạc Dương truyền bá rộng rãi đốn giáo của Tào Khê, trước tác sách Hiển Tông ký thịnh hành ở đời, được xưng là Hà Trạch Thiền sư.

Sư Thần Hội vào lúc này tuy đã phần nào thấy tánh, nhưng chưa hoàn toàn nên còn vướng vào ý thức và chữ nghĩa, nghĩa là đã đạt đến trí nhưng còn chưa nhổ neo xa lìa khỏi thức. Tự tâm còn phải dựa vào ngôn ngữ văn tự ý niệm nên chưa thể tự do, “tâm thông và thuyết thông”,‘‘không có một pháp có thể đắc mới có thể kiến lập vạn pháp, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngưng không ngại, ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp, khắp hiện Hóa thân mà chẳng lìa tự tánh, tức là được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tánh”.

Sau khi Tổ viên tịch, lúc Thần Hội đã tròn vẹn sự tu học, ngài vào kinh thành Lạc Dương, truyền bá rộng rãi Đốn giáo của Tào Khê. Danh tự ngôn ngữ ngày trước là một chướng ngại, một nắm tranh che đầu, thì bây giờ là một phương tiện hữu hiệu để hoằng pháp. Nhờ sư Thần Hội mà phái Thiền phía Nam lấn lướt làm cho phái Bắc tiệm dần dần mai một.

Sư khi thấy các môn đồ các tông nạn vấn lẫn nhau, đều khởi ác ý, số đông tập hợp dưới pháp tòa, thương xót mà bảo rằng: Người học đạo thì phải trừ hết tất cả các niệm thiện niệm ác. Không có danh gì có thể gọi, gọi là tự tánh, cái tánh không hai gọi là thật tánh. Trên thật tánh này lập ra tất cả giáo môn. Vậy ngay dưới lời này liền phải tự thấy.

Mọi người nghe nói, thảy đều làm lễ, xin thờ Đại sư làm thầy.

Pháp hay Pháp thân hay thật tánh không hai thì đứng trên cả Tăng đoàn trong Tam Bảo. Và tăng dù thánh hay phàm đều có nhiệm vụ phụng sự Pháp. Pháp hay Pháp thân thì không có ranh giới nên phân biệt các tông phái theo hình tướng một cách chết cứng là một sai lầm. Sai lầm hơn nữa là đứng trong tông phái “của ta” mà sanh ác ý với các tông phái “của người”.

Pháp môn hay phương tiện tu hành đều được lập ra trên nền tảng Pháp hay thật tánh không hai này, và đưa đến quả cũng chính là nền tảng đã được khai mở trọn vẹn. Pháp môn nào không lập ra trên nền tảng này và nhắm đến cùng một mục đích là Pháp hay Pháp thân hay thật tánh không hai thì không phải là Phật pháp. Tất cả các pháp môn đều được lập ra trên cùng một nền tảng, đi trên và trong cùng một nền tảng và chứng quả cũng chính là nền tảng ấy được kinh nghiệm trọn vẹn.

Nền tảng ấy của Phật giáo là Pháp thân vô ngã và vô pháp. Nếu tu mà càng thêm lớn chấp ngã và chấp pháp thì trái ngược với Phật pháp. Chúng ta có thể kiểm chứng sự tu hành đúng hay sai, nhanh hay chậm khi quan sát sự chứng ngộ vô ngã vô pháp của chúng ta đến đâu, tức là tự tánh hiển lộ đến đâu.

‘‘Không có danh gì có thể gọi, gọi là tự tánh; cái tánh không hai gọi là thật tánh’’, thấy hay chẳng thấy?

Xem mục lục