Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Viên Giác là Chân Tâm thanh tịnh của chư Phật, của tất cả chúng sanh cùng toàn thể vũ trụ.

Như thế tôi nghe, một thời Phật nhập chánh định thần thông Đại Quang Minh Tạng, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như lai, đó chính là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Thân tâm tịch diệt, bình đẳng suốt ba đời, viên mãn khắp mười phương, tùy thuận bất nhị. Trong cảnh giới bất nhị này hiện các cõi nước thanh tịnh cùng với các Bồ tát mười vạn vị.

Đức Phật nhập chánh định, tức là ở trong tánh Viên Giác Đại Quang Minh Tạng mà nói kinh Viên Giác. Chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai là bản tánh Viên Giác, những ai thể nhập trọn vẹn vào đó thì gọi là Phật. Chư Phật ở trong chân tánh Đại Quang Minh Tạng đó mà nói ra kinh, cho nên kinh là từ trong chân tánh nói ra, hiển bày chân tánh, dẫn dắt chúng sanh ngộ nhập vào chân tánh.
Chánh định là cái định chân chánh, sở dĩ gọi là chánh vì định đó là tính cách thường định sẵn có của tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác thì hằng hằng thường định nên gọi là chánh định. Tánh Viên Giác là chánh định. Chánh định là tánh Viên Giác. Chánh định là tính cách kim cương chẳng thể hoại của tánh Viên Giác.
Chánh định thần thông đại quang minh tạng là Pháp thân của tất cả Như Lai, là pháp tánh thường định của tất cả vũ trụ, là bản tánh Viên Giác thanh tịnh của tất cả chúng sanh.
Như vậy, theo đoạn kinh này, Viên Giác có ba nghĩa:
1/ Chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai, tức là pháp thân, cảnh giới tự chứng của chư Phật.
2/ Viên Giác là Đại quang minh tạng. Đại quang minh tạng này là Pháp thân. Pháp thân có hai tính chất: thường định và thần thông. Pháp thân thì thường định. Năng lực của Đại quang minh tạng này được gọi là thần thông. Thần thông này là năng lực biến hóa từ Pháp thân thành Báo thân và Hóa thân. Thần thông là năng lực biến hóa như huyễn của Pháp thân.
Thần thông ở đây không phải như nghĩa chúng ta thường hiểu là của một nhân vật nào đó. Đây là thần thông của Đại quang minh tạng, sự ánh chiếu, sự ứng hiện của Đại quang minh tạng. “Ví như ngọc báu ma ni thanh tịnh ánh chiếu ra năm màu. Cũng vậy tánh Viên Giác thanh tịnh ứng hiện ra thân tâm tùy theo mỗi loại, người không biết lại cho rằng Viên Giác thanh tịnh thật có tướng thân tâm” (Chương Phổ Nhãn).
Chánh Định thể hiện nơi pháp Chỉ. Thần Thông thể hiện nơi pháp Quán như huyễn để đạt đến Như Huyễn tam muội.
3/ Giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Đây cũng là bản tánh quang minh thanh tịnh sẳn đủ nơi mỗi chúng sanh.
Tánh Viên giác đó chính là tâm của chúng ta, là “giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh” chúng ta, là trí huệ bổn nguyên của chúng ta.
Như vậy tâm chúng ta là:
1/ Chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai, tức là pháp thân của chư Phật. Pháp thân ấy thanh tịnh, vô hạn và thường trụ như hư không. Vì tâm chúng ta vốn thanh tịnh nên mọi cảnh do tâm trải nghiệm đều thanh tịnh và giải thoát.
2/ Chánh định, thường định. Vì bản tâm chúng ta vốn thường định nên tất cả các tư tưởng và các hình tướng sanh khởi từ đó có bản chất là chánh định. Như sóng khởi sanh từ biển nên có bản chất là nước biển.
Thần thông là sự biến hóa của tâm thường định này thành mọi thân tâm, thế giới như huyễn. Đây là điều Kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí huyễn của Bồ tát (phẩm Nhập pháp giới).
3/ Đại quang minh tạng. Bản tâm chúng ta là tạng ánh sáng vô biên nên tất cả tướng và tưởng chúng ta trải nghiệm đều là quang minh. Đứng trong tâm quang minh này, tất cả tướng và tưởng được thấy là như huyễn, vì chúng là ảnh hóa hiện từ và trong quang minh, như bóng trong gương sáng.
Trong tánh Viên Giác hay bản tâm chúng ta không có tướng thân tâm nên nói rằng thân tâm tịch diệt, không có phân biệt ngăn ngại nên nói rằng bình đẳng suốt ba thời, không trong không ngoài nên nói rằng tròn đầy khắp mười phương, không có hình tướng trái ngăn nên nói rằng tùy thuận bất nhị.
Trong tánh Viên Giác bất nhị này hiện hết thảy cõi nước thanh tịnh cùng các Đại Bồ Tát, như hạt châu ma ni hiện đủ các hình tướng màu sắc và con người thanh tịnh. Bất nhị nhưng lại hiện đủ các hình tướng thanh tịnh cho nên sự hiện này là như huyễn.Và như huyễn cho nên là thanh tịnh.
Cái Giác này gọi là Viên vì trùm khắp, vì ai ai cũng sẵn đủ, không có chỗ nào thiếu hụt, bất cứ không gian nào thời gian nào cũng tròn đầy hiển bày trọn vẹn, trực tiếp tức thời, không cách hở mảy may.
Trong đại quang minh tạng này, có sắc nào chẳng phải là sắc Phật, âm thanh nào chẳng phải là âm thanh Phật, có hương, vị, xúc chạm, hiện tượng nào chẳng phải là hương, vị, xúc chạm, hiện tượng Phật?
Toàn bộ kinh Viên giác là để khai thị tánh Viên Giác và cũng là tâm chúng ta và những phương pháp, phương tiện để ngộ nhập nó. Ngộ nhập là sự khai mở trọn vẹn thực tại này.
Từ bây giờ cho đến cuối kinh khi nói “ tánh Viên Giác” thì cần hiểu rằng nó là “tâm của chúng ta”. Tánh Viên Giác và tâm chúng ta đồng một nghĩa.

Xem mục lục