Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

 

Kinh Viên Giác, nếu nói đầy đủ gọi là Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa kinh, cũng gọi là “Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh”. Ngoài những tên kinh kể trên, còn có những tên khác là “Bí Mật Tam Muội Kinh”, “Như Lai Quyết Định Cảnh Giới Kinh”, “Như Lai Tạng Tự Tính Sai Biệt Kinh”, nhưng cổ lai thường gọi tắt là Kinh Viên Giác.

Ngài Phật Đà Đa La (Buddhàtàra), người nước Kế Tân, dịch kinh Viên Giác này ở chùa Bạch Mã đất Lạc Dương, Trung Quốc, không nói rõ năm tháng dịch kinh (theo Khai Nguyên Thích Kinh Lục). Nhưng theo “Viên Giác Kinh sớ” của Đạo Thuyên, kinh này dịch ở năm Trường Thọ thứ 2 (693) thời Tắc Thiên Võ Hậu. Các loại chú sớ Kinh Viên Giác cũng đã sớm xuất hiện ở đời Đường. Như chú sở của Duy Ý chùa Báo Quốc, của Ngộ Thực chùa Tiên Thiên, của Kiên Chí chùa Tiên Phúc, gồm cả chú sớ của Đạo Thuyên thành 4 chủng loại, đều ở trước thời đại ngài Tôn Mật (780- 841). Theo Viên Giác Kinh Đại Sớ 6 quyển của Tôn Mật thiền sư trước tác, kể từ năm Trùng Khánh nguyên niên (821) đến năm Trường Khánh năm thứ 3 (823) thì hoàn thành.

Tôn Mật thiền sư, ngài xuất thân ở Hà Trạch thiền sư, thuộc Nam tôn Thiền, nên trong phần chú sớ kinh Viên Giác, ngài đều có tuyên dương về “Hà Trạch Thiền”. Mặt khác, ngài còn là học giả của Hoa Nghiêm, được liệt vào hàng Tổ thứ 5 của Hoa Nghiêm Tôn (Đỗ Thuận, Trí Nghiễm, Pháp Tạng, Thanh Lương, Tôn Mật). Ngài còn đề cao giáo lý của Đại Thừa Phật Giáo, lấy tư tưởng kinh Hoa Nghiêm làm kinh tối thượng, và kết hợp với chỗ cùng cực về thực tiễn tu hành của Thiền, với huyền ký của kinh Hoa Nghiêm là nhất chí, mà đề xướng ra thuyết “thiền Giáo Nhất Chí Luận”.

Mặt khác, đồng thời để truyền bá về Viên Giác, ngài đã trước tác các bộ “Viên giác kinh Đại sớ” 6 quyển, “Viên giác kinh đại sớ sao” 13 quyển, “Viên giác kinh lược sớ” 2 quyển, “Viên giác kinh lược sớ sao” 6 quyển. Ngoài ra ngài còn trước tác “Viên giác kinh đạo tràng Tu chúng nghĩa” 18 quyển.

Nội dung Kinh Viên Giác, theo cách chia khoa đoạn thông thường, đượ chia làm 3 đoạn” Tự phận, Chính tông và Lưu thông. Phần Chính tông chia làm 11 chương: từ chương Văn Thù đến chương Viên Giác. Sau cùng chương Hiền Thiện Thủ thuộc phần Lưu thông. Tóm tắt 3 đoạn như sau:

Tự phận
Chính Tông:
- Chương Văn Thù
- Chương Phổ Hiền
- Chương Phổ Nhãn
- Chương Kim Cương Tạng
- Chương Di Lặc
- Chương Thanh Tịnh Tuệ
- Chương Oai Đức Tự Tại
- Chương Biện Âm
- Chương Tịnh Chu Nghiệp Chướng
- Chương Phổ Giác
- Chương Viên Giác
Lưu thông:
- Chương Hiền Thiện Thủ

Ở phần Tự phân, trần thuật về “Đức Phật nhập thần thông Đại Quang Minh Tam Muội để thuyết kinh này. Đoạn này được gọi là “Thần Thông Đại Quang Minh Tạng”, để dụ phần tác dụng to lớn tuyệt đãi về thể của Viên Giác, gọi là quang minh. Quang minh là tên khác về diệu dụng của Đạo, nơi đã thể đắc được quang minh ở thân mà hoạt động thì gọi là thần thông. Thần thông là kết quả của quang minh, quang minh là nguyên động lực của thần thông. Thần thông và quang minh này là bản thể căn nguyên của Đại Đạo. Từ nơi phóng ra 2 phần này, gọi là tạng, nơi tuyệt đối của Đạo. Thần thông, quang minh và tạng này đều hợp nhất ở Đạo, đó là Tam muội. Đó tức là Tam Muội của Thần thông đại quang minh tạng, mà Đức Phật nhập Tam muội để nói ra kinh này.

Các chương, từ chương Văn Thù trở xuống đều lấy tên của người đối cơ mà đặt tên. Chương Văn Thù thứ nất, nói về nhân hạnh căn bản quả tướng của Như Lai. Nhân hạnh, nhân của Như Lai là bản thể của Như Lai là bản thể của Viên Giác sẵn có. Quả tướng là nói về phần khai hiển của Viên Giác sẵn có đó. Phật không phải là sự việc mới thành, mà chỉ là sự hoàn nguyên ở Viên Giác sẵn có. Đó là biểu thị về lý “thủy bản bất nhị”, đó cũng là then chốt yếu ước của phẩm này.

Ở chương Phổ Hiền, từ nơi Viên Giác sẵn có, không nói sự tu hành thành Phật nhưng vì kẻ ngộ giải “bản lai Phật” lại nói Phật từ nơi tu hành mà thành tựu được Vì kẻ ngộ giải ấy mà nói nguyên lý chân tu hành mới thành tựu được Phật quả.

Chương Phổ Nhãn căn cứ ở nguyên lý chân tu hành trước mà chỉ bày về phương pháp thực tu. Pháp thực tu này nói tu từ Sa ma tha, quán về lý huyễn tướng của thân tâm, nên biết được hết thảy đều là huyễn, thì bản tính của Viên Giác xuất hiện.

Chương Kim Cương Tạng, Phật trả lời câu hỏi của Kim Cương Tạng, vô minh có tái khởi hay không? Phật trả lời, hết thảy chư pháp đều biến hóa luân hồi, đi lại không trụ, đó gọi là luân hồi. Nếu đem con mắt của luân hồi mà thấy thì Viên Giác cũng luân hồi theo, nếu chủ quan xa lìa được luân hồi thì thể của Viên Giác thường trụ bất diệt. Trong nơi bản giác của thường trụ bất biến, thì không có sự kiện vô minh tái khởi, cũng như vàng từ quặng mà nấu thành, vàng không thể trở lại thành quặng.

Chương Di Lặc nói về căn bản của luân hồi là tham ái, nên hành giả tu hành trước tiên phải đoạn trừ tham ái.

Chương Thanh Tịnh Tuệ, nếu chứng được Viên Giác thì không có mê ngộ ở tính của Bồ Đề. Vì có mê ở nơi không mê ngộ nên lập ra giai vị tu chứng, mở ra con đường tu hành, tức là tùy thuận giác tính; người đã vào ngôi địa tùy thuận giác tính, và Như Lai tùy thuận giác tính. Phàm phu là ngô tín, chưa vào ngôi địa là Địa Tiền, đã vào ngôi địa là Địa Thượng, tới ngôi cực địa sau cùng là Diệu Giác, tức là Phật .

Chương Oai Đức Tự Tại nói về căn tính của chúng sinh có 3 thứ, theo 3 thứ quán môn ở trước, lại chia nhỏ thành 25 thứ “thanh tịnh định luân” để phối hợp với 3 thứ quán môn, chỉ dẫn cho việc thích nghi tu hành.

Chương Tịnh Chư Nghiệp Chướng chỉ rõ căn bản phiền não, nó làm mờ lý bản lai Viên Giác. Đó là 4 thứ điên đảo: “ngã”, “nhân”, “chúng sinh”, “thọ mệnh”, vọng chấp nơi tồn tại của chúng. Do 4 thứ căn bản phiền não ấy mà mê tưởng là thực ngã.

Ở chương Phổ Giác, chỉ dẫn phải tỏ rõ về đạo, chọn thầy để tu, tìm bậc chính kiến thiện tri thức, phải dụng tâm, đừng lừa dối thân giáo. Vì tính Viên Giác không ở nơi phát minh của nhân lực mà lại nương ở thứ thứ tu hành để cần cầu Viên Giác, thì đó gọi là “tác bệnh”. Lại chân lý, gọi là không đọa sinh tử, không cầu Niết bàn, cũng không cần tu hành, tự nhiên phóng nhậm, đó gọi là “nhậm bệnh”. Hoặc lại ngăn chặn hết thẩy mối nghĩ, trở về không tịch, bảo đó là Niết bàn, gọi là “chỉ bệnh”. Nói thân tâm không tịch gọi là Viên Giác, chấp trước ở một tướng không tịch, đó gọi là “diệt bệnh”. Nếu muốn không bị giam hãm ở 4 thứ bệnh Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt này thì phải giữ luật nghi. Đó là căn yếu của chương này.

Cuối cùng, chương Viên Giác, chỉ bày phương pháp an cư của người tu hành, gồm có 3 thứ: trường kỳ, trung kỳ, đoản kỳ. Trường kỳ và đoản kỳ để lần lượt tiến tu 3 thứ quán. Môn tu trong đạo tràng an cư này, đó là Sa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na.

Chương Hiền Thiện Thủ là chương thuộc phần lưu thông, thuyết minh về công đức phụng trì, tu tập và bảo hộ kinh này.



Ngày 10 tháng 8 năm Ất Hợi (1995)
Dịch giả:

Sa môn Thích Thanh Kiểm
Cẩn chí

Xem mục lục