Chương 4: Kim Cương Tạng
Lúc đó, Bồ tát Kim Cương Tạng ở trong đại chúng từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu phía bên hữu 3 vòng, quỳ dài chắp tay, mà bạch Phật rằng: Đại bi Thế Tôn! Xin Ngài vì hết thảy chư Bồ tát chúng, tuyên dương phép tu phương tiện lần lượt và nhân địa pháp hạnh, Đại Đà la ni, Viên Giác thanh tịnh của Như Lai, vì mọi chúng sinh khai phát chỗ mông muội, cho phép chúng trong hội này nương lời từ huấn của Phật, gột sạch mọi huyễn ế, để mặt trời tuệ được trong sáng. Bạch Thế Tôn! Nếu mọi chúng sinh bản lại thành Phật, tại sao lại có hết thảy vô minh? Nếu chúng sinh sẵn có mọi vô minh, vì nhân duyên gì Như Lai lại nói bản lai thành Phật? Loài dị sinh ở 10 phương, vốn thành Phật đạo, nếu sau lại khởi vô minh, vậy hết thảy Như Lai, khi nào lại sinh các thứ phiền não? Kính xin Thế Tôn, rủ lòng đại từ vô giá, vì chư Bồ tát, mở tạng bí mật, và vì hết thảy chúng sinh đời sau, được nghe pháp môn liễu nghĩa, Tu đa la giáo như thế, để đoạn trừ vĩnh viễn mọi ngờ vực, ăn năn.
Nói thế rồi, 5 vóc gieo xuống đất. Thỉnh cầu như thế trước sau 3 lần.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Kim Cương Tạng Bồ tát rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các ông mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, hỏi về những phương tiện cứu cành bí mật thậm thâm của Như Lai. Đó là dại thừa liễu nghĩa giáo bối tối thượng của chư Bồ tát, hay khiến các Bồ tát tu học ở 10 phương và hết thảy mọi chúng sinh đời sau, đoạn diệt vĩnh viễn mọi ngờ vực, ăn năn, được lòng tin quyết định. Ông nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông nói.
Lúc đó, Bồ tát Kim Cương Tạng vui mừng, vâng nghe lời chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử!! Hết thảy thế giới, thủy, chung; sinh, diệt; trước, sau; có, không; tụ, tán; khởi, ngưng; niệm niệm nối tiếp, vòng quanh đi lại, thứ thứ lấy bỏ, thì đó đều là luân hồi. Nếu chưa ra khỏi luân hồi mà bàn tới Viên Giác thì tính Viên Giác kia, tức cùng lưu chuyển theo. Nếu thoát khỏi luân hồi, thời không có lẽ đó. Ví như mắt chớp hay động nước lắng yên; lại như mắt lắng nhìn thấy đốm lửa quay chuyển; mây bay nhanh thấy vầng trăng vận hành; thuyền lướt mạnh thấy bờ đê rời đổi; cũng lại như thế. Thiện nam tử! Mọi lưu chuyển chưa chấm dứt, các vật kia trụ ở trước còn không thể thấy được, nữa là lấu tâm nhơ nhớp, sinh tử luân hồi, chưa từng thanh tịnh mà quan sát Viên Giác của Như Lai; há lại chẳng quay chuyển vậy ư? Vì thế nên các ông mới nẩy ra 3 điều nghi ngờ.
Thiện nam tử! Ví như huyễn ế vọng thấy không hoa. Huyễn ế nếu trừ, không thể nói rằng: huyễn ế này đã diệt rồi, tới khi nào lại dấy ra mọi huyễn ế khác. Bởi cớ gì? Vì bệnh mắt và không hoa hai pháp, đều không phải là pháp đối đãi, cũng như không hoa khi đã diệt ở hư không, không nên nói rằng, tới khi nào hư không lại dấy ra không hoa. Bởi cớ gì? Vì hư không vốn không có hoa, nên không có khởi và diệt, còn diệu giác thì viên chiếu, lìa cả không hoa và bệnh mắt. Thiện nam tử! Nên biết hư không, không phảo là tạm thời có, cũng không phải là tạm thời không, huống chi Viên Giác tùy thuận của Như Lai, lại là bản tính bình đẳng của hư không vậy ư! Thiện nam tử! Ví như nấu quặng vàng, vàng không phải nấu mới có. Một khi đã thành vàng vẫn chẳng hoại, không nên nói rằng, vốn chẳng phảo thành tựu. Viên Giác của Như Lai cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Hết thảy tâm diệu giác của Như Lai, vốn dĩ không có Bồ đề và Niết bàn, cũng không có thành Phật và không thành Phật, không có vọng cảnh luân hồi và chẳng phải luân hồi. Thiện nam tử! Ngay đến cảnh giới viên mãn của chư Thanh văn, thân tâm ngôn ngữ, đều đoạn diệt hết, cũng không còn có thể đạt đến chỗ hiện Niết bàn thân chứng kia, huống chi lại có thể đem cái tâm có tư duy mà trắc lượng cảnh giới Viên Giác của Như Lai được ư! Cũng như lấy lửa của đoạn đóm mà đốt núi Tu di là việc không thể làm được. Lấy tâm luân hồi, sinh cái thấy luân hồi mà vào bể đại tịch diệt của Như Lai, trọn không thể đến được. Vì thế ta nói, hết thảy Bồ tát và chúng sinh đời sau, trước hết phải chấm dứt cái căn bản vô thủy luân hồi.
Thiện nam tử! Phần tư duy có tạo tác, từ nơi hữu tâm mà khởi ra, đều là duyên khí của lục trần vọng tưởng, không phải là thể của thật tâm. Nếu đã như không hoa, mà dùng phần tư duy này để bàn tới cảnh giới Phật, cũng như không hoa lại kết thành không quả, đều là vọng tưởng với nhau, tất không có lẽ đó. Thiện nam tử! Tâm nông cạn hư vọng có nhiều xảo kiến, nên không thể thành tựu được phần phương tiện của Viên Giác.
Những gì ông ngờ vực phân biệt như thế, đều không phải là lời hỏi chính xác.
Khi bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ:
Kim Cương Tạng nên biết
Tính tịch diệt Như Lai
Chưa từng có trước sau
Nếu lấy tâm luân hồi
Tư duy tức lưu chuyển
Cho đến luân hồi mãi
Không thể vào biển Phật
Ví như vàng nấu quặng
Vàng không nấu vẫn có
Dẫu rằng vàng bản lai
Vẫn do nấu thành tựu
Khi thành thể vàng y
Không thể trở lại quặng
Sinh tử cùng Niết Bàn
Phàm phu và Chư Phật
Cùng là tướng không hoa
Tư duy còn huyễn hóa
Nữa là mọi hư vọng
Nếu tỏ được tâm này
Sau mới cầu Viên Giác.