Kinh Văn:
Hán Văn: Phật ngôn: "Nhân tòng ái dục sanh ưu, tòng ưu sanh bố. Nhược ly ư ái, hà ưu hà bố ?"
Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người ta vì ái dục mà sanh lo, vì lo mà sanh sợ. Nếu xa lìa được ái dục thì còn gì để lo, còn gì để sợ?"
Lược giảng:
Đây là chương thứ ba mươi hai; đại ý giải thích tại sao con người có cảm giác lo âu và sợ hãi. Chính vì có lòng tham ái và tham dục nên chúng ta mới sanh ra lo buồn và sợ sệt. Nếu cắt đứt được ái dục thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy lo âu và sợ hãi nữa.
Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, chúng ta vì nhận lầm tứ đại làm tướng của thân mình và lầm tưởng "lục trần duyên ảnh" (bóng dáng của sáu trần cảnh) là tướng của tâm mình, nên sanh ra chấp trước, tham luyến, không muốn buông bỏ chúng. Chính vì thế mà nảy sanh biết bao sự rắc rối, phiền phức. Một khi rắc rối, phiền phức nảy sanh, thì vô số lo âu và phiền não sẽ dấy khởi, và mọi nỗi sợ hãi cũng nổi dậy.
Quán xét tứ-đại, quý vị sẽ nhận thức được rằng thân này là do tứ-đại hợp lại mà thành, chứ vốn không có một cái "ngã" hay cái "tôi"nào cả. Nếu lại quán sát "lục trần duyên ảnh", quý vị sẽ thấy rằng đó cũng là không, chẳng hề hiện hữu. Một khi quý vị biết được cái tâm này là vô thường và có thể cắt đứt lòng ái dục, thì mọi nối lo âu, sợ hãi của quý vị sẽ tự nhiên tiêu tan.
Đức Phật dạy: "Người ta vì ái dục mà sanh lo, vì lo mà sanh sợ." Vì có ái tình và dục vọng cho nên quý vị mới có điều để lo nghĩ - có lo âu, có phiền não. Từ những lo âu và phiền não ấy sẽ nảy sanh sự sợ hãi.
Cho nên, "nếu xa lìa được ái dục thì còn gì để lo, còn gì để sợ?" Nếu quý vị có thể cắt đứt hoặc chuyển hóa được ái tình và dục niệm, thì có gì khiến quý vị phải nơm nớp, phập phồng nữa chứ? Tuyệt nhiên không còn gì cả! Con người sở dĩ có lo âu và sợ hãi là chỉ vì họ còn mê chấp và không chịu buông bỏ mà thôi !