Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Sách này là bản dịch Kinh Pháp Cú Tây Tạng.

Trong các bản Kinh Pháp Cú, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú Nam Truyền, tức là Kinh Pháp Cú dịch theo Tạng Pali. Phổ biến nhiều thứ nhì là Kinh Pháp Cú Hán Tạng. Duy ít nghe tới là Kinh Pháp CúTây Tạng (Tibetan Dharmapada), còn tên khác là Udanavarga; hiện chưa có bản Việt dịch nào.

Kinh Pháp Cú Nam Truyền, từ Tạng Pali, gồm 26 phẩm, 423 bài kệ -- đã nhiều bản Việt dịch, trong đó bản phổ biến nhất là của Hòa Thượng Thích Minh Châu.

Kinh Pháp Cú Bắc Truyền, còn gọi là Kinh Pháp Cú Hán Tạng, gồm 39 phẩm, 759 bài kệ. Bản do Thiền sư Nhất Hạnh dịch còn lấy tên là “Kết một tràng hoa.” Bản Việt dịch gần nhất được xuất bản năm 2019, của hai dịch giả Thích Nguyên Hùng và Thích Đồng Ngộ.

Kinh Pháp Cú Tây Tạng, thường gọi là Kinh Udanavarga, gồm 33 phẩm, 1,100 bài kệ. Bản gốc từ tiếng Sanskrit, được dịch sang tiếng Tây Tạng, và hiện nay có ba bản Anh dịch. Chưa có bản Việt dịch nào trước đây.

Bản Việt dịch nơi dây sẽ dựa vào ba bản Anh dịch sau.

– Udanavarga: A Collection of Verses from the Buddhist Canon (ấn bản 1883). Dịch giả là William Woodville Rockhill (1854-1914). Bản này có thể đọc ở mạng: https://suttacentral.net/uv-kg . Rockhill là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ, cũng là người Mỹ đầu tiên học tiếng Tây Tạng.

-- The Tibetan Dhammapada (ấn bản 1983). Dịch giả là Gareth Sparham, có  Lời Giới Thiệu của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14. Sparham sinh tại Anh quốc, xuất gia và tu học khoảng 20 năm theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng tại Dharamsala, Ấn Độ. Sparham đã được vào học tại Phật học viện nổi tiếngtrong cộng đồng người Tây Tạng lưu vong là Institute of Buddhist Dialectics từ 1974 tới 1982. Sparham tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1989 từ đại học University of British Columbia ở Canada. Ông về hưu với cương vị giảng viên tại đại học University of Michigan năm 2009.

--  The Dhammapada with the Udananvarga (ấn bản 1986). Dịch giả là Raghavan Iyer (1930-1995). Iyer sinh tại Ấn Độ, tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1962, dạy tại University of California, Santa Barbara từ 1965 cho tới khi về hưu năm 1986. Iyer từ trần ở Santa Barbara năm 1995.

Theo ngài Long Thọ (https://en.wikipedia.org/wiki/Udanavarga) sách Udanavarga (tức là Pháp Cú Tây Tạng) do các tu sĩ kết tập ngay khi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Như thế, các Kinh Pháp Cú thuộc các nhóm kinh kết tập xưa cổ nhất, tính kể từ khi Đức Phật nhập diệt, và khi các nhóm tu sĩ đi phân tán ra các hướng khác nhau, dần dà mới có dị biệt. Học giả Geoffrey Parrinder trong tác phẩm The Wisdom of the Early Buddhists, và GS Arthur C. Dechene của Austin Community College cũng ghi nhận tương tự về việc kết tập đó.

Theo truyền thuyết, Kinh Pháp Cú Tây Tạng do Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn, kết tập; nhiều học giả ngờ vực rằng có thể có nhiều vị kết tập qua nhiều thời kỳ.

Bản Việt dịch này được thực hiện với nhiều đối chiếu. Khi thấy các bản Anh dịch có một số câu dị biệt, tất cả các dị biệt đó đều được dịch ra đầy đủ, không dám bỏ sót ý nào.

Thí dụ: Hai bài kệ 13 và 14 trong bản Anh dịch của Sparham (hình ảnh thoi dệt, và hình ảnh tử tội) khác với bài kệ 13, 14 trong bản Anh dịch của Iyer và Rockhill (hình ảnh lưới nhện), nhưng đều nói ý nghĩa vô thường. Cả hai dị bản đều sẽ dịch đầy đủ nơi bản Việt dịch.

Các bài kệ trong Udanavarga tương đồng với bản Pháp Cú Pali sẽ được ghi thêm ký số bài kệ Pali trong ngoặc đơn (Pali) để độc giả có thế đối chiếu. Một số bài kệ tương đương sẽ ghi theo bản của Hòa Thượng Thích Minh Châu vì độc giả Việt Nam đã quen thuộc.

Nhìn chung, Pháp Cú Tây Tạng khuyến tấn nhận ra Tứ Diệu Đế, sống ly tham,  trì giới, quán vô thường, biết đủ, giữ hạnh cô tịch, phòng hộ sáu căn, hành thiền, dạy tránh danh vọng, khuyên chớ coi thườngnhững người học kém, vì vẫn có nhiều người học kém nhưng kiên tâm trì giới, sống theo chánh pháp đã đắc được Tam Minh. Và rất nhiều lời dạy quan trọng khác.

Đặc biệt, tư tưởng Thiền Tông, hay Thiền Đốn Ngộ (tại Việt Nam là Thiền Trúc Lâm) lập đi lập lại ở nhiều bài kệ. Nơi đó, tâm sẽ tức khắc không thấy tham, sân, si là khi:

-- Tâm vô sở trụ, không dính mắc, không chấp thủ, dù là dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

-- Tâm buông bỏ những gì ở quá khứ, chớ mơ tưởng gì nơi tương lai, và không tơ vương gì với hiện tại.

-- Tâm để cái được thấy nghe hay biết chỉ là cái được thấy nghe hay biết, và sống với các pháp như thị.

-- Tâm đón nhận vô thường trôi chảy, nơi đó là rỗng rang, không lời, không gì để thêm, không gì để bớt.

-- Tâm xa lìa cả bờ này và bờ kia, xa lìa cả thiện và ác.

-- Tâm lắng nghe cái tịch lặng, nơi ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt – nơi lời nói dứt bặt, tâm bất động như núi.

-- Tâm thấy tất cả các pháp đều là như huyễn, đều là rỗng rang không tự tánh.

Nơi các lời đó, khi tâm ly tham sân si, là tức khắc Niết bàn.

Tất cả những dòng chữ nơi đây được trân trọng viết để cúng dường Tam Bảo và phụng sự chúng sinh. Tất cả các bất toàn, người biên dịch xin chân thành sám hối.

Xem mục lục