Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

1 Muốn tìm được ba loại hạnh phúc – được ngưỡng mộ, sở hữu bảo vật, và sinh lên cõi an lạc – phải giữ giới.

2 Người trí giữ giới phải nghiêm túc để có phẩm hạnh bậc thánh, mắt tuệ toàn hảo và tịch lặng trong đời. 

3 Giới hạnh đưa tới hạnh phúc; thân xa lìa đau đớn; đêm ngủ sẽ bình yên, và khi thức sẽ vẫn an lạc.

4 Người từ ái bố thí và giữ giới sẽ hưởng hạnh phúc vô tận nhờ quả phước bố thí trong cõi này và cõi sau.

5 Hạnh phúc cho người giữ giới ngay cả trong tuổi già, và người giữ tín tâm: trí tuệ là kho tàng lớn nhất của con người; không tên trộm nào trộm được phước hạnh. 

6-7 Người xuất gia giữ giới bổn, phòng hộ các căn, ăn chừng mực, không ngủ nhiều – tinh tấn như thế ngày và đêm, tất nhiên sẽ tới gần Niết bàn.

8 Giữ giới bổn, với tâm và tuệ nhiệt tâm trong thiền định, người xuất gia như thế sẽ phá hủy sầu khổ.

9 Từ đó, người cẩn trọng giữ giới hạnh và thiền định sẽ đạt mắt nhìn siêu thế và biện biệt với trí tuệ.

10 Xa lìa mọi dính mắc, tâm không vướng gì, cách biệt tất cả với trí tuệ, người đó vượt vô lượng sầu khổ.

11 Người toàn tâm vào ba pháp học – giới, định và huệ -- rồi sẽ tới thanh tịnh toàn hảo, dứt khổ, hết tái sinh.

12 Người dứt mọi tham đắm, rời thân này với trí tuệ, sẽ vượt qua cõi Ma vương, và sẽ rực sáng như mặt trời.

13 Người xuất gia nào kiêu hãnh, bất tịnh trong và ngoài, sẽ không toàn hảo được giới, định và huệ.

14 Mưa rơi từ bầu trời có mây, không rơi từ bầu trời sáng; do vậy hãy bạt mây che tâm, và mưa sẽ không rơi.

15 Người luôn luôn tỉnh thức và giữ giới bổn trên đường tới Niết bàn sẽ mau chóng tới thanh tịnh toàn hảo.

16 (54) Hương các loại hoa thơm không bay ngược chiều gió; nhưng hương bậc thánh không bị gió thổi bạt, và hương này bay đi khắp phương trời.

17 (55) Hoa chiên đàn, già la, hoa sen, hoa vũ quý -- Giữa các hương hoa ấy, Giới hương là vô thượng.

18 (56) Ít giá trị hương này: hương già la, chiên đàn; chỉ hương người đức hạnh, ngát thơm tận cõi trời.

19 (57) Người giới hạnh, an trú không phóng dật, chánh trí, chơn giải thoát, sẽ không gặp đường ma.

20 Đây là con đường an lạc chân thực; người đã vào con đường thanh tịnh toàn hảo này sẽ lìa mọi lưới ma.

Hết Phẩm 6, về Giới

Ghi nhận: Giới hạnh là Śīla, tức là một trong ba chi để giải thoát – Giới, Định, Huệ. Giới cũng là chi thứ nhì trong Sáu Ba La Mật. Có bài kệ trong phẩm này sẽ giữ theo văn phong của Hòa Thượng Thích Minh Châu. Tuy phẩm này nói về giới, nhưng bài kệ số 4 cũng nhấn mạnh về bố thí phước thiện, một phương diện của tâm từ ái.

Trong phẩm này, bài kệ số 13 (ký số theo Rockhill và Iyer, nhưng là số 11 trong bản Sparham) nói về “kiêu hãnh, bất tịnh trong và ngoài” có ý muốn nói ngã chấp, vướng cái thấy “có tôi” và “có tham ái” trong 6 nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và 6 ngoại xứ (cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được chạm xúc, cái được nghĩ ngợi tư lường). Như thế, giới còn có nghĩa là phòng hộ các căn.

Trong một số kinh, Đức Phật nói rằng khi giữ giới cả trong và ngoài (12 xứ) như thế là giải thoát. Như trong Trung Bộ, Kinh MN 138, bản tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.”

Giữ giới như thế, sẽ không cần tu gì nữa. Kinh AN 10.2 và Kinh AN 11.2 ghi lời Đức Phật dạy rằng đối với người giới đức thanh tịnh, không cần phải khởi tâm làm gì nữa, vì sẽ tự động không hối tiếc, sẽ tự động có hỷ lạc, sẽ tự động có khinh an, sẽ tự động đắc định, sẽ tự động thấy và biết như thật, sẽ tự động ly tham, sẽ tự động có giải thoát tri kiến, và là đắc quả A La Hán.

Xem mục lục