Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Diệu-Hạnh

THỨ NĂM 

1.– Tổ dạy chúng rằng : “Pháp-môn tọa thiền nầy, gốc chẳng bạ ở nơi tâm, cũng chẳng bạ ở nơi tịnh, và cũng chẳng phải là chẳng động. – Nếu nói : bạ ở nơi tâm, thì tâm gốc là vọng ; biết tâm như tuồng giả-mỵ cho nên không chỗ bạ. – Còn nếu nói bạ ở nơi tịnh, tánh người gốc tịnh, chỉ vì vọng-niệm che lấp bản-tánh chơn như ; hễ không vọng tưởng, thì tánh mình gốc sẵn thanh tịnh. – Nếu khởi tâm bạ vào cái tịnh, thì lại sanh ra tịnh-vọng, mà vọng vốn không xứ-sở, hễ bạ vào tức là vọng, huống chi tịnh vốn không có hình-tướng mà lại lập ra cái tướng tịnh, rồi nói vậy là công-phu, thì chỗ thấy biết như thế đó, là mình tự che lấp bổn-tánh mình, rồi trở lại bị cái tịnh ấy trói buộc.

2.– “Thiện-tri-thức ! – Nếu tu pháp “chẳng động”, thì trong khi mình thấy hết thảy mọi người mà mình chẳng thấy những điều : phải, quấy, lành, dữ, và sự tội lỗi của người, tức là tự-tánh “chẳng động”.

3.– “Thiện-tri-thức ! – Kẻ mê, thân tuy chẳng động, mà mở miệng nói ra thì nói những sự : phải, quấy, hay, dở, tốt, xấu của người ; ấy là trái hẳn với đạo. – Cho nên, nếu bạ ở nơi tâm, hay bạ ở nơi tịnh, thì tức là làm ngăn che cho đạo.”

4.– Tổ dạy chúng rằng : “Thiện-tri-thức ! – Sao gọi là : Tọa Thiền ? – Trong pháp-môn nầy không ngăn không ngại, đối với hết thảy cảnh-giới lành, dữ ở ngoài mà tâm-niệm chẳng dấy-tưởng, kêu là “Tọa” ; trong thấy tự-tánh mình chẳng động, kêu là “Thiền”.

5.– “Thiện-tri-thức ! – Sao gọi là : “Thiền Định ?” – Ngoài lìa tướng là “Thiền” ; trong chẳng loạn là “Định”. – Nếu ngoài còn trước-tướng, thì trong tâm ắt loạn ; bằng ngoài lìa tướng, thì trong tâm ắt chẳng loạn, bổn-tánh mình tự-tịnh tự-định, chỉ vì thấy cảnh tưởng cảnh mà thành loạn động. – Ví bằng thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn động, thì mới thiệt là : “Chơn Định”.

6.– “Nầy Thiện-tri-thức ! – Ngoài lìa tướng tức là : “Thiền” ; trong chẳng loạn tức là : “Định” ; ngoài Thiền trong Định, ấy là : “Thiền-Định”. – Trong kinh Bồ-Tát-Giới nói : “Bổn tánh ta vốn nó thanh tịnh sẵn.”

7.– “Thiện-tri-thức ! – Ở trong niệm-niệm, mình tự thấy bổn-tánh thanh tịnh mà mình tự tu tự hành, tự thành Phật-đạo.”

 

Xem mục lục