Niềm tin Ấn Độ cổ thời là, sự trong sạch có thể đạt được khi một người nhìn thấy, gặp gỡ hay thân cận một người trong sạch. Tương tự, họ tin rằng nghi lễ tôn giáo cũng có thể giúp họ trong sạch. Nghĩa là, tin sự thanh tịnh hay sức mạnh tâm linh có thể truyền trao qua việc thân cận hay nghi lễ. Đức Phật nói rằng không hề có chuyện thanh tịnh hóa đạt được bằng thế giới ngoại xứ.
Kinh này khởi đầu bằng lời người Bà La Môn hỏi rằng làm thế nào người ta có thể tự thanh tịnh hóa khi nhìn thấy một vị Thượng nhân đã Thanh tịnh, và Đức Phật trả lời rằng không thể nào có ai tự thanh tịnh khi nhìn thấy một người thanh tịnh. Cũng không thể xa lìa khổ xuyên qua kiến thức, qua nghi lễ tôn giáo, qua những gì được thấy nghe. Giải thoát chỉ tới, khi không nắm giữ gì hết, khi buông bỏ tất cả khái niệm, khi rời tất cả kiến thức, khi rời tất cả quan kiến (có/không, ưa /ghét) đối với những gì thấy nghe.
Kinh này nêu lên niềm tin thường có: Thí dụ, chúng ta diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, và nghĩ rằng sự thanh tịnh có thể lây lan qua cái được thấy. Tương tự, chúng ta muốn là trong kiếp này sẽ gặp một vị Phật hiện ra, hoặc trong khi ngồi thiền hoặc trong giờ cận tử, để chúng ta được thanh tịnh hóa nhờ hình ảnh được nhìn thấy. Kinh này nói không ai có thể thanh tịnh hóa vì được nhìn, được gặp một người đã thanh tịnh. Kế tiếp, kinh nói, cũng không ai thanh tịnh nhờ cái đã được học (kiến thức, khái niệm, giới luật, nghi lễ tôn giáo)… Đó là tư tưởng Thiền Tông Việt Nam, khi vị thầy bảo học trò hãy xé bỏ kinh sách, hãy rời chữ, hãy đọc kinh vô tự. Vì Đức Phật dạy, hãy sống cái hiện tiền. Chữ, khái niệm, kiến thức là cái của quá khứ nhồi nhét. Khi tỉnh thức với cái hiện tiền đang đi đứng nằm ngồi, đang thấy nghe hay biết, sẽ nhận ra không có chữ nào hiện lên trong tâm, và còn gọi là Vô Niệm.
Có thiền sư còn bảo học trò hãy chẻ tượng Phât làm củi. Tại sao? Bởi vì trong cái hiện tiền, nếu có hình ảnh Phật nào hiện lên trong tâm, nếu có khái niệm Phật nào được học nhân nghĩ tới, cái đó chỉ là những “khái niệm đã học về Phật” và là “cái đã biết,” mà học nhân đã gom góp, ghi nhớ trong quá khứ. Do vậy, Thiền Tông là sống với cái “tâm không biết,” vì cái hiện tiền ở khoảnh khắc này không có khái niệm về Phật hay ma.
Bài Kệ 790 nói rằng thiện và ác cũng đều xa lìa, “Thiện và ác không còn dính mắc gì nữa với người đã buông bỏ hết, không còn tạo tác gì.”
Đọc kỹ Kinh Pháp Cú, chúng ta sẽ thấy Đức Phật:
- nói trong Kệ Pháp Cú 39 rằng người đã buông bỏ cả thiện và ác thì không sợ hãi gì;
- nói trong Kệ Pháp Cú 97 rằng người đã phá hủy các nhân duyên cho mọi pháp thiện và ác là người tối thắng;
- nói trong Kệ Pháp Cú 126 rằng người không trụ vào tất cả pháp thiện và ác thì thành tựu Niết Bàn;
- nói trong Kệ Pháp Cú 267 rằng người đã ném bỏ hết mọi pháp thiện và ác thì được gọi là một vị sư;
- và nói trong Kệ Pháp Cú 412 rằng người vượt qua sự trói buộc của mọi pháp thiện và ác thì được Phật gọi là một vị Bà La Môn.
Ngôn ngữ vô sở trụ, siêu vượt thiện ác, cũng được Lục Tổ Huệ Năng nói cụ thể trong Pháp Bảo Đàn Kinh -- bản Việt dịch của Minh Trực Thiền Sư, nơi phẩm Định Huệ, trích như sau:
“...Chư Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trên truyền xuống, trước hết lập Không Niệm (Vô Niệm) làm tông, Không Tướng (Vô Tướng) làm thể, Không Trụ (Vô Trụ) làm gốc. Không niệm nghĩa là trong khi niệm, lòng không động niệm. Không tướng nghĩa là đối với sắc tướng, lòng lìa sắc tướng. Không trụ có nghĩa là đối với các điều lành dữ, tốt xấu ở thế gian, cùng với kẻ thù, người thân, đối với lúc nghe các lời xúc phạm, châm chích, khinh khi, tranh đấu, Bổn tánh con người xem cả thảy như không không, chẳng nghĩ đến việc đền ơn trả oán. Trong niệm niệm lòng không nghĩ đến các cảnh mình đã gặp trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối tiếp nhau chẳng dứt, thì gọi là bị buộc ràng. Đối với các pháp, niệm niệm lòng không trụ vào đâu thì khỏi bị buộc ràng. Ấy là lấy Không Trụ làm Gốc...”
Tóm lược ý kinh: Giải thoát không tới vì cái được nhìn, được nghe, được học. Giải thoát là vô sở trụ, là người xa lìa mọi khái niệm, mọi kiến thức, mọi nghi lễ… là người không tạo tác gì, người buông bỏ hết, kể cả tâm buông bỏ.
Kinh này gồm các bài kệ từ 788 tới 795.
788
[Bà la môn nói:]
Nơi đây, tôi thấy một người thanh tịnh, bậc Thượng nhân, người xa lìa tất cả bệnh.
Tôi sẽ được thanh tịnh hóa nhờ những gì được thấy.
[Đức Phật:]
Được thuyết phục như thế và rồi xem đó là cao nhất
người ta rơi vào lưới kiến thức đó
trong khi trầm tư về sự thanh tịnh.
789
Nếu người ta được thanh tịnh hóa nhờ những gì được thấy
hay nếu có ai tin sẽ thoát khổ nhờ kiến thức
nghĩa là họ nghĩ sẽ được thanh tịnh hóa nhờ cái gì khác.
Sẽ sai lầm khi nghĩ như thế, khi tin như thế.
790
Một người phạm hạnh không nói rằng thanh tịnh sẽ có
vì dựa vào gì khác, hay vì dựa vào thấy nghe chạm xúc
hay vì dựa vào giới luật hay nghi lễ tôn giáo
Thiện và ác không còn dính mắc gì nữa với
người đã buông bỏ hết, không còn tạo tác gì.
791
Những người buông bỏ cái này lại chụp giữ cái kia,
cứ chạy mãi theo tham ái, họ không thoát nổi
Họ buông bỏ, rồi họ chụp nắm
y hệt như một con khỉ, buông cành này để chụp cành kia.
792
Ai vin vào khái niệm, gìn giữ nghi lễ tôn giáo
sẽ cứ trôi nổi thăng trầm mãi.
Ai chứng ngộ Pháp ấn [khổ, vô thường, vô ngã] với trí tuệ
sẽ không còn trôi nổi thăng trầm nữa.
793
Người trí sẽ không kình chống với những gì
được thấy, nghe, chạm xúc, cảm thọ
Thế giới này làm sao nói gì về người như thế
họ đi trong đời này, nhưng đã lìa ba cõi rồi.
794
Không đưa ra quan kiến hay lập trường nào, cũng không ưa/ghét gì
người trí cũng không cho [cái gì] là thanh tịnh tối thượng
Họ đã buông xả tâm tham ái trước giờ vẫn trói buộc
và không còn ước muốn bất cứ gì trong cõi này.
795
Với bậc Phạm hạnh đã vượt qua mọi biên giới
người đã biết và thấy -- thấy không có gì để nắm giữ
thấy không có gì để mê đắm, cũng thấy không có gì để xả ly
và thấy không có gì nơi đây để nắm giữ là tối thượng.
Hết Kinh Sn 4.4