Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phải chuyên tâm trong tỉnh thức, xa lìa tham và sân. Cõi này là cõi dục, cho nên tâm tham là trận lụt, với ẩn tàng luôn luôn là sóng chuyển động. Buông xả hết Tất Cả (sáu nội xứ, sáu ngoại xứ) mới qua bờ an toàn được. Các bản Anh dịch dùng chữ người đã Biết (Know), người thấy Pháp (Dhamma, Dharma); khi đối chiếu với Thiền Tông, chúng ta có thể dùng chữ theo truyền thống Bắc Tông là người đã Ngộ, người thấy Tánh (hiểu là Y Tha Tánh Duyên Khởi) hay không? Đức Phật trong kinh này nói rằng ngài đã thấy mũi tên xuyên tâm, và khi rút mũi tên ra là sẽ qua bờ giải thoát.

Kinh Sn 4.15 nói nhiều lời dạy về tâm tịch lặng, về tâm bất động, về tâm không dao động. Đặc biệt, Kệ 949 nói rằng phải xa lìa cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (Hãy để lụi tàn những gì đã qua, hãy để mặc kệ những gì chưa tới, không dính mắc tới những gì hiện tại), như thế sẽ vào định, vào tịch tĩnh.

Trong Kinh Pháp Cú, Bài Kệ 348, sau khi nghe Đức Phật dạy hãy buông bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai, chàng Uggasena, một nghệ sĩ gánh xiếc  tài năng, đang đứng trên đầu cột cao trình diễn cho Đức Phật và dân chúng xem, tức khắc đắc quả A-la-hán và được thần thông; chính ngay khi đó, trong đám đông đang xem xiếc giữa chợ, khi Đức Phật nói xong, tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh (Theo Tích Truyện Pháp Cú, Kệ 348, do Thiền viện Viên Chiếu dịch).

Bản Anh dịch của Daw Mya Tin:

“Verse 348: Give up the past, give up the future, give up the present. Having reached the end of existences, with a mind freed from all (conditioned things), you will not again undergo birth and decay.” (Kệ 348: Hãy buông bỏ quá khứ, tương lai, hiện tại. Tới nơi tận cùng các cõi sinh tồn, với tâm xa lìa tất cả (pháp hữu vi), ngươi sẽ không lần nữa rơi vào sinh và già.”)

Cụ thể, chúng ta có thể thắc mắc: làm sao vào tịch lặng? Cụ thể, tu pháp định ra sao? Trả lời rằng, có nhiều pháp để vào định. Tại Hoa Kỳ, phổ biến khi tập định là: hoặc từ niệm hơi thở, hoặc từ niệm thọ (quét toàn thân), hoặc từ Thiền Tâm Từ, hoặc Mặc Chiếu (của Soto Zen).

Một phương pháp tập định dựa vào Kinh Lăng Nghiêm có thể thích nghi với nhiều người:

“Hoặc mở mắt lim dim hướng tới đầu chóp mũi, hoặc nhắm mắt nhẹ nhàng. Hít thở nhẹ nhàng. Không nghĩ ngợi chút gì. Sau nhiều hơi thở nhẹ nhàng, hãy bắt đầu lắng nghe, chỉ đơn giản lắng nghe cái khoảnh khắc đang trôi chảy. Không phải nghe âm thanh bên trong, không phải nghe âm thanh bên ngoài. Chỉ đơn giản lắng nghe, là lắng nghe. Có tiếng cũng mặc, không tiếng cũng mặc. Chỉ lắng nghe, không phải nghe bằng hai tai, mà là như dường nghe bằng toàn thân. Sẽ cảm thọ được sự an lạc, hạnh phúc trên toàn thân. Chỉ nghe là nghe. Lặng lẽ, tỉnh giác, lắng nghe, không để chệch một khoảnh khắc nào.”

 Tóm lược ý kinh:

Kinh này gồm các bài kệ từ 935 tới 954.

935

Sợ hãi sinh khởi từ bạo lực:

Hãy nhìn xem người ta xô xát, tranh cãi

Ta sẽ kể cho ngươi về một thời

ta đã từng rơi vào bất an, lay động

936

Nhìn thấy người ta giãy giụa

như cá trong vũng nước cạn

nhìn thấy họ tấn công lẫn nhau

ta thấy sợ hãi khởi lên trong tâm.

937

Nhìn thấy thế giới này rỗng rang

lay động, chuyển biến khắp chỗ

một thời ta muốn tìm nơi an cư

nhưng mọi chỗ đều bất an [với già, chết].

938

Ta nhìn thấy mọi chỗ không vui

nơi nơi người người đều xô xát

Rồi ta thấy mũi tên nơi đây

rất khó thấy, mũi tên ghim vào tim.

939

Vì bị mũi tên này xuyên tim

người ta chạy lạc khắp mọi hướng

nhưng khi rút được mũi tên ra

người ta không chạy nữa, không chìm nữa.

940

Nơi đây, pháp tu được tụng đọc như sau:

Đừng chạy theo bất cứ

ràng buộc nào trong thế giới này.

Trước giờ đã đắm chìm trong ái dục

bây giờ hãy tu học để đạt Niết Bàn.

941

Sống chân thực. Không kiêu căng, lừa dối.

Không giả hình, không nói lời kích bác.

Không sân hận, không tham muốn gì

Bậc trí tuệ sẽ vượt thắng như thế.

942

Đừng lười biếng, ham ngủ, lừ đừ

Luôn luôn tinh tấn, chuyên tâm

Chớ kiêu căng, ngã mạn

Giữ tâm như thế mới hướng về Niết Bàn.

943

Chớ để bị lôi kéo vào lời sai trái

chớ ưa thích ngoại hình sắc tướng

Hãy hiểu tận tường ngã chấp

Xa lìa tranh cãi, xô xát, bạo lực.

944

Chớ tìm ưa thích những gì đã qua

cũng chớ thích ưa những gì mới tới

Chớ buồn phiền về những gì đã mất

cũng chớ dính mắc những gì quyến rũ.

945

Tâm tham, ta gọi là trận lụt lớn

trong đó, sắc dục là sóng triều cao

tàng ẩn trong thức là sóng chuyển động

ái dục thật khó vượt qua.

946

Bậc trí đứng trên bờ đất cao

tịch lặng, không bước rời sự thật

Khi đã buông xả hết Tất Cả

người đó được gọi là bình an.

947

Người trí tuệ khi đã biết xong

sẽ thấy Pháp, sẽ không nương dựa gì nữa

sẽ dạo chơi tuyệt vời trong thế giới này

sẽ không còn muốn bất cứ gì nơi đây.

948

Người vượt qua ham muốn ái dục là

đã cắt bỏ trói buộc khó gỡ ở cõi này

đã bứt dây trói, đã cắt dòng chảy xong

không còn sầu khổ hay mong đợi gì nữa.

949

Hãy để lụi tàn những gì đã qua

hãy để mặc kệ những gì chưa tới

không dính mắc tới những gì hiện tại

ngươi sẽ sống trong an tĩnh hòa bình.

950

Không chút nào thấy “cái của tôi” trong

mọi thứ ‘tâm và thân’ hay ‘danh và sắc’

không sầu muộn vì những gì không hiện hữu

sẽ không thấy gì để mất trong cõi này.

951

Với người không hề thấy “này là cái của tôi”

cũng không hề thấy “kia là cái của người khác”

cũng không hề thấy bất cứ gì là “cái của tôi”

cũng sẽ không sầu khổ suy nghĩ “tôi không có gì hết.”

952

Khi được hỏi về người bất động tâm

ta gọi đó là điều tốt đẹp vì

người đó tâm bình lặng ở mọi nơi:

không tham, không cay đắng, không xung động. 

953

Với người đã biết, người không còn dao động

sẽ không còn cất chứa nghiệp lực nữa.

Xa lìa mọi hành nghiệp,

người đó thấy nơi nào cũng an lành.

954

Người trí tuệ không còn nói rằng họ

cao hơn, kém hơn, hay bằng người khác.

Tịch lặng, không còn chút tham nào

người này không nhận cũng không bỏ.

Hết Kinh Sn 4.15

Xem mục lục