Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Sn 5.15: MOGHARAJA-MANAVA-PUCCHA

CÁC CÂU HỎI CỦA MOGHARAJA

Kinh này rất đặc biệt: có một số trường hợp, Đức Phật để câu hỏi nêu lần thứ ba mới trả lời. Không phải vì hai lần hỏi đầu, Đức Phật không nghe, mà phải chờ câu hỏi nêu lên lần thứ ba.

Có thể hiểu như Thiền Tông rằng khi Đức Phật im lặng khi lần đầu nghe câu hỏi, chính là trả lời bằng sự thinh lặng, nhưng Mogharaja không hiểu nổi câu đáp bằng sự thinh lặng? Và lần thứ nhì cũng thế?

Trong số các kinh Đức Phật trả lời khi được thỉnh vấn lần thứ ba có Kinh Bahiya, một kinh chỉ ra phương pháp siêu xuất nằm ngoài Tứ Niệm Xứ, ngoài Lục Niệm, ngoài Thập Niệm… vì Đức Phật đã dạy ngài Bahiya rằng đối với thấy nghe hay biết “chỉ là cái được thấy, chỉ là cái được nghe…” thì tức khắc giải thoát. Nghĩa là, không có cái gì cần chú tâm quan sát, chẳng có cái gì để cần hướng niệm  tới. Mà là, Kinh Bahiya tóm tắt trong Thiền Tông là “Hồ tới hiện Hồ, Hán tới hiện Hán,” y hệt như mặt gương sáng.

Kinh Sn 5.15 gom về một lời của Đức Phật: “Hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc.”

Như thế, chính là Bát Nhã Tâm Kinh, với lời dạy “ngũ uẩn giai không.” Nơi đây, căn-trần-thức đều rỗng rang vô tướng. Chỉ cần rút cọng tranh này ra, cả bó tranh sẽ tan rã. Vì Duyên Khởi, nên tất cả đều rỗng rang không tự thể.

Câu trả lời gồm 2 phần:

-- thứ nhất, luôn luôn tỉnh thức, thấy tất cả các pháp là Không; Thiền Tông thường nói, nhất thiết pháp đương thể tức Không, là tất cả các pháp ngay thể hiện tại cũng là Không. Một số Thiền sư thường đưa cây gậy lên, nói chớ gọi là gậy hãy gọi là gì, hay chỉ vào cái bình, nói chớ gọi là bình, hãy nói là cái gì.

-- thứ nhì, thấy tự ngã bứng gốc, nghĩa là, thấy y hệt Tâm Kinh, vì mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là Không, thì còn gì là tự ngã nữa.

Như thế, Bát Nhã và Thiền Tông là từ các lời dạy rất xưa của Đức Phật, mà hai lần Đức Phật đều dạy bằng sự im lặng chỉ vào không tịch,

Như thế, bất kỳ ai cũng sẵn đủ giải thoát, vì cội gốc là không, thì không cần nương tựa gì (vô y), cũng không cần bồi đắp gì (để mà phải tu). Cũng có nghĩa là trong cái nhìn giải thoát này, Thiền Tông giải thích là sẽ thấy rằng không hề có Phật quả nào để tu, không hề có ma nào để diệt trừ, vì tất cả các pháp đều thực tướng vô tướng, đều tánh thực chính là vô tự tánh.

Thiền Tông nói rằng, Đức Phật đã dạy pháp này trước khi ngài lên tiếng. Chính lần im lặng đầu tiên, Đức Phật dạy pháp yếu rằng câu trả lời chính là tịch lặng không lời. Tương tự, im lặng lần thứ nhì cũng thế. Khi đương cơ [Mogharaja] không hiểu được, Đức Phật mới dùng lời để đáp, và đó là hãy nhìn “sắc bất dị không, không bất dị sắc…” Cũng y hệt như khi Đức Phật đưa bông hoa lên, tứ chúng thảy mịt mờ, chỉ duy ngài Ca Diếp nhận ra.

Giải thích hay nhất là, nơi đây xin trích Lâm Tế Ngữ Lục, bản dịch Thiền sư Thích Thanh Từ:

“Quí vị nếu đạt được muôn pháp không sanh, tâm huyễn hóa, lại không có một hạt bụi, một pháp. Tất cả chỗ đều thanh tịnh là Phật. Tuy nhiên Phật cùng ma là hai cảnh nhiễm tịnh. Riêng về chỗ thấy của sơn tăng thì không Phật, không chúng sanh, không xưa không nay, được thì liền được, không trải qua thời tiết, không tu, không chứng, không được không mất, trong tất cả thời không có pháp riêng. Giả sử có một pháp hơn thế nữa ta cũng nói như mộng huyễn. Sơn tăng nói tất cả đều như vậy...

Phật xuất thế chuyển đại pháp luân, rồi trở lại nhập niết bàn mà không có tướng tới lui, tìm cầu sanh tử không thể được, liền nhập vào pháp giới vô sanh mỗi nơi đều dạo chơi cõi nước, nhập vào pháp giới Hoa Tạng. Tất cả đều là tướng không của tất cả pháp nên đều không thật pháp. Chỉ có người “Đạo nhơn nghe pháp vô y” là mẹ của chư Phật, nên chư Phật từ vô y sanh, nếu ngộ vô y thì chư Phật cũng vô đắc. Nếu người thấy được như vậy là người có kiến giải chơn chánh...

Pháp thế gian và pháp xuất thế gian tất cả đều không có tự tánh, cũng là vô sanh tánh. Chỉ có tên rỗng, danh tự cũng rỗng. Quí vị sao cho cái tên rỗng kia làm thật? Lầm to rồi. Giả sử có, thì tất cả cũng đều là cảnh nương tựa biến hóa ra...

...Chư Đại đức! Sơn tăng nói hướng bên ngoài không có pháp. Người học chẳng lãnh hội liền huớng bên trong mà tìm hiểu, rồi nương vách mà ngồi, lưỡi để trên ổ gà, lặng yên bất động. Giữ như vậy cho là Phật pháp nơi cửa Tổ sư. Lầm to rồi! Nếu quí vị cho cảnh thanh tịnh bên trong là phải thì tức quí vị nhận vô minh làm ông chủ. Người xưa nói: ”Lặng lặng là hầm sâu đen ngòm” (Trạm trạm hắc ám thâm khanh). Thật đáng sợ! Còn quí vị nhận cảnh động là phải thì tất cả cỏ cây lý ưng là đạo? Vì nó đều động. Cho nên động là phong đại, chẳng động là địa đại. Động cùng chẳng động đều không có tự tánh. Quí vị nếu hướng về chỗ động để nắm bắt nó, thì nó chạy về chỗ bất động. Quí vị hướng về chỗ bất động nắm bắt nó, thì nó chạy về chỗ động. Như người lặn xuống suối mò cá, thì cá vỗ sóng tự vọt lên. Đại đức! Động cùng chẳng động là hai loại cảnh. Trái lại bậc Đạo nhân vô y thì dung cả động cùng chẳng động...”(ngưng trích)

Tuyệt vời siêu xuất. Trong lòng tôi biết ơn vô cùng tận mỗi khi nhớ lời bổn sư dạy nhiều thập niên trước, tại một ngôi chùa ở Bình Dương: “Hễ có tu, có chứng là còn trong pháp sanh diệt. Ngay từ đầu, con phải nhận lấy pháp vô sanh diệt… Vốn thật, không có gì để tu, để chứng.”

Tóm lược ý kinh: hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc.

Kinh này gồm các bài kệ từ 1116 tới 1119.

1116. [Mogharaja] Con đã hỏi hai lần, nhưng Người Có Mắt Thấu Suốt đã không trả lời con. Nhưng con được nghe rằng, những câu hỏi lần thứ ba, sẽ được bậc Đại Đạo Sư trả lời.

1117. Con không hiểu về quan kiến (view, quan điểm) của người Gotama nổi tiếng về thế giới này, về thế giới khác, về cõi Phạm Thiên, về cõi chư thiên.

1118. Do vậy, con xin hỏi vị Có Mắt Tối Thượng: Nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy mình?

1119. [Đức Phật]

Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.

Hết Các Câu Hỏi của Chàng Trai Mogharaja

Xem mục lục