Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

VIII. SANH TỬ LÀ VỌNG TƯỞNG NĂM ẤM MÀ CÓ, LÝ TUY ĐỐN NGỘ, SỰ PHẢI TIỆM TRỪ.

Kinh : Ông Anan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nghe Phật dạy bảo, đảnh lễ kính vâng, ghi nhớ không sót, ở trong đại chúng lại bạch Phật rằng : “Như lời Phật dạy, trong Tướng Ngũ Ấm có năm thứ hư vọng làm cái tâm tưởng cội gốc. Chúng tôi bình thường chưa được nhờ Đức Như Lai khai thị tỉ mỉ. Lại năm Ấm ấy là tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp mà hết ? Năm lớp như vậy đến đâu là giới hạn ? Xin nguyện Đức Như Lai phát rộng đại từ làm cho con mắt Tâm của đại chúng này được trong sáng để làm đạo nhãn tương lai cho tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp”.

Phật bảo Ông Anan : “Tánh Tinh Chân thì Diệu Minh, tánh Bản Giác là Viên Tịnh, chẳng có vết tích của sanh tử và các trần cấu, cho đến hư không cũng đều nhân vọng tưởng mà có ra. Tất cả cái ấy nguyên là Bản Giác diệu minh chân tinh vọng phát sanh ra các khí thế gian, như chàng Diễn Nhã Đa mê cái đầu mà nhận bóng trong gương. Vọng vốn không có nhân, mà ở trong vọng tưởng lập ra tánh Nhân Duyên. Mê lầm Nhân Duyên thì gọi đó là Tự Nhiên. Cái tánh của hư không kia còn thật là huyễn hóa sanh ra huống là Nhân Duyên hay Tự Nhiên đều là sự so tính của vọng tâm chúng sanh.

“Anan, biết là hư vọng khởi ra mà nói nhân duyên hư vọng. Như hư vọng gốc vốn không có thì cái nhân duyên hư vọng đó không chỗ có, huống gì là không biết mà suy rằng Tự Nhiên.

Thông rằng : Chỗ hỏi của Ông Anan : “Tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp mà hết ?”, là chọn lựa dứt khoát hai pháp môn Đốn, Tiệm để làm con mắt Đạo cho hàng trời, người tương lai. Đức Thế Tôn trước hết dùng một đường tối thượng, nương Ngộ mà tiêu trừ hết một lượt để khai thị cho. Độc chỉ tại ngộ, Thể nhập Tánh Tinh Chân diệu minh của Bản Giác viên tịnh. Cái Thấy này chẳng dung chứa vọng nghiệp sanh tử và các vọng duyên trần cấu nào. Cho đến cả hư không chẳng phải Nghiệp, chẳng phải Duyên. Thể Tánh ấy như biển lớn chẳng chứa thây ma, tức là các tướng hư không, tử sanh, trần cấu cũng không có chỗ nào mà dính bám. Thấy rõ được tánh Diệu Minh vốn tự tinh chân như thế thì còn có vọng gì ? Tánh Bản Giác hằng nhiên tự toàn vẹn trong sạch, có dơ nhiễm nào đâu ? 

Cho nên sự trôi lăn sanh tử của thế gian đều thuộc nơi Thọ, Tưởng và Hành Ấm, trần cấu vẩn đục thuộc Sắc Ấm. Nương hư không mà khởi lập thuộc nơi Thức Ấm. Tất cả đều do Vọng Tưởng sanh khởi. Đã là Bản Giác diệu minh chân tinh thì nhân đâu mà khởi vọng để phát sanh các khí thế gian, Kiến Phần, Tướng Phần v.v... ? Vọng vốn không có nhân, như ở trước đã nói “Chàng Diễn Nhã Đa mê cái đầu mà nhận bóng”. Ai ai cũng biết là Vọng, thì cái Vọng ấy từ đâu mà khởi ra ? 

Cho là nhân duyên thì chẳng phải là nhân duyên, cho là tự nhiên thì chẳng phải là tự nhiên. Chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên thì không phải là tánh hư không ư ? Cũng chẳng phải là tánh hư không vậy. Tánh hư không kia như một bọt nước phát ra trong biển. Trong tánh Đại Giác mà xem thì rõ ràng là Huyễn, huống gì các thứ sanh tử trần cấu nương nơi hư không mà khởi lập, há chẳng phải là Huyễn ở trong Huyễn ư ? Thế nên, nói tánh nhân duyên, nói tánh tự nhiên đều là sự so tính của Vọng Tâm, vốn nào thật có. Đã chẳng phải Nhân Duyên, Tự Nhiên thì cái Vọng của năm Ấm nguyên không có Tự Tánh. Đã không có Tự Tánh thì vốn chẳng sanh. Vọng vốn chẳng sanh, chốn nào tìm Vọng ? Cho nên biết chỗ khởi của Vọng mới có thể nói Nhân Duyên của Vọng. Cái Vọng này làm sao mà sanh, rồi phải làm sao mà dứt ? 

Nghĩ thế mới có chuyện năm Ấm tiêu diệt theo thứ lớp. Bằng như Vọng vốn không có thì từ đâu mà gọi là Nhân Duyên, lại từ đâu mà suy tính là Tự Nhiên ? Như mắt không có bệnh nhặm, độc chỉ thấy một mặt trăng. Vốn làm gì có mặt trăng thứ hai, thì chốn nào lại tìm mặt trăng thứ hai để luận nhân duyên với tự nhiên ?

Cái chỗ nương Ngộ mà tiêu hết một lượt đây là pháp môn Viên Đốn Tối Thượng. Bởi thế mà chẳng luận làm sao tiêu trừ mà chẳng chưa từng không tiêu trừ hết một lượt ! Chỉ việc ngộ nhập Bổn Giác tinh chân diệu minh viên tịnh thì chẳng còn chuyện gì khác.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa Cảnh Sầm rằng : “Con người bổn lai thành Phật phải chăng ?”
Tổ Sa nói : “Ông nói Thiên Tử nước Đại Đường trở lại cắt cỏ, cắt tranh sao ?”

Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Trùng trùng khí tía thẳm điện rêu
Sao phân ngôi vị trị Càn Khôn
Kim Luân(26) chẳng ngự Diêm Phù cảnh
Há với chư hầu bảo ấn tôn”.

Lại có nhà sư hỏi thiền sư Cửu Phụng Mãn : “Ai ai cũng nói “Xin dạy nghĩa”, chưa rõ Thầy có cứu giúp không ?”

Tổ Mãn nói : “Ông nói núi lớn kia lại thiếu tấc đất nào ư ?”
Hỏi : “Bốn biển tìm cầu là vì chuyện gì thế ?”
Tổ Mãn nói : “Diễn Nhã mê đầu, tâm tự cuồng”.
Hỏi rằng : “Lại có người (hoặc : Cái) chẳng điên không ?”
Tổ Mãn nói : “Có”.
Hỏi rằng : “Thế nào là người chẳng điên ?”
Tổ Mãn nói : “Hốt nhiên hiểu giữa đường, mắt chẳng mở”.
Đây là trong Giác Minh mà làm ra lỗi, rồi lìa dứt Vọng Căn. Thế nên, chàng Diễn Nhã mê cuồng, đâu có từ đâu mà khởi. Chẳng phải là người thật thấy Bản Lai Diện Mục, dễ gì thấu rõ chỗ này. 

Kinh : “Thế nên Như Lai phát minh cho các ông rằng bản nhân của năm Ấm đồng là Vọng Tưởng. Thân thể của ông trước hết nhân cái Tưởng của cha mẹ mà sanh. Tâm của ông nếu chẳng phải là Tưởng thì đâu có đến trong Tưởng mà gá mạng. Như Ta đã nói ở trước, Tâm tưởng đến vị chua thì trong miệng chảy nước bọt. Tâm tưởng việc lên cao, trong lòng bàn chân thấy ghê ghê. Dốc cao không có, vật chua chưa tới, thân thể của ông nếu chẳng cùng loài hư vọng thì cớ sao nghe nói tới chua thì nước miếng chảy ra ? 
“Thế nên, phải biết Sắc Thân hiện giờ của ông chính là Vọng Tưởng kiên cố Thứ Nhất.

Thông rằng : Tưởng sanh ra ở đâu ? Sanh ở nơi Thức vậy. Chỗ Thức vừa bắt đầu động, đó là nguồn gốc cái Tưởng. Thức là Mệnh Căn, nương Tưởng mà truyền. Thức động ắt Tưởng sanh, Tưởng sanh thì Mạng lập, Mạng lập thì bốn Đại đầy đủ, đó là chỗ nói “Ba thứ Mệnh, Tưởng, Thức hòa hợp mà thành người” vậy. Bởi thế, cái Tưởng của mình hợp với Tưởng của cha mẹ thì phước đức tốt xấu tùy theo chỗ nguyện mà cái Sắc Thân kiên cố ở đó hiện ra vậy. Trước khi chưa sanh thì chỉ có Tưởng. Trước khi chưa có Tưởng thì chỉ có Thức. Cái Thức Thần chẳng chết gọi là Mệnh Căn. Mệnh Căn muốn sự kiên cố trường cửu, nên đã hiện ra Sắc Thân thì chỉ sợ tiêu mất. Đây là chứng cớ rõ ràng của Vọng Tưởng kiên cố.

Nếu cho rằng nương cái khí Âm Dương trời đất mà thật có thân này, chứ chẳng phải hư vọng mà lập ra, thì nghe nói đến me hẳn không sanh nước miếng, nghe nói đến bờ vực không cảm thấy ghê ghê, không theo vọng mà trôi lăn được. Đàng này trong miệng thì nước miếng chảy ra, dưới chân thấy rợn rợn; chưa hẳn là cảnh thật, chỉ nhân Tưởng mà sanh ra thì quả thân này rõ ràng thuộc cùng loại Vọng Tưởng, nên cùng với Vọng Hoặc tương ứng. Thế thì còn lạ gì thân này chẳng do cái Tưởng của cha mẹ mà sanh ra ư ? Chỉ có Tưởng theo với Tưởng, như tưởng me sanh ra thì có nước miếng, tưởng vực thì ghê chân. Cái Sắc Thân hiện có đây rõ ràng là một Vọng Tưởng kiên cố. Thế nên nói đến Sắc Ấm thì gốc là Vọng Tưởng kiên cố. Nếu biết rõ cái Tưởng này chẳng phải nhân duyên sanh, chẳng phải tự nhiên sanh, toàn là hư vọng, ngay đó là tịch diệt, vốn tự không có Sắc, thì có cái gì đan dệt mà làm ra Kiếp Trược ư ? Bởi thế mà hóa Không cái Kiếp Trược vậy.

Huệ Trung Quốc Sư thượng đường rằng : “Cây thanh la bám nương lên trên đỉnh cây tòng khô. Mây trắng lững lờ tụ tán trong Thái Hư. Muôn pháp vốn nhàn mà người tự náo !”

Tổ Vân Môn thượng đường : “Này quí Thượng Tọa, chớ có vọng tưởng ! Trời là trời, đất là đất, núi là núi, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục !”

Im lặng giây lát, rồi nói : “Cùng ta đem đặt vững ngọn núi lại đây !”

Có nhà sư bèn hỏi : “Kẻ học nhơn thấy núi là núi, nước là nước thì thế nào ?”
Tổ Môn nói : “Ba cửa để làm gì mà lại cỡi Phật điện từ trong ấy đi qua ?”
Hỏi rằng : “Như vậy thì đừng có vọng tưởng vậy”.
Tổ Môn nói : “Trả lại thoại đầu của ta đây !”
Phàm kẻ học nhơn rõ biết muôn pháp vốn nhàn, Sắc Ấm chẳng có, biết rõ Vọng Tưởng là hư vọng, ăn nhằm gì đến ta thì có gì mà chẳng “Không” cái Sắc Ấm. Chỉ vì chưa rõ thoại đầu của Vân Môn. Tham đi. 

Kinh : “Ngay nơi cái tâm tưởng tượng lên cao vừa nói đó mà có thể khiến thân ông thật thọ sự ghê rợn. Do các Thọ sanh ra mà có thể giao động Sắc Thân. 
“Vậy hiện nay hai thứ Thuận Ích và Trái Tổn đang giong ruổi nơi ông chính là Vọng Tưởng hư minh Thứ Hai.

Thông rằng : Tưởng ở tâm mà Thân thấy ghê rợn, thì ắt là có Thọ rồi sau mới làm giao động Sắc Thân. Có Tưởng tức có Thọ, có Thọ tức có Hiện Hành. Bởi thế, Thọ vui là Thuận, là Ích. Thọ khổ là Trái, là Tổn. Bởi thế, hai thứ hiện hành đắp đổi, giong ruổi chẳng ngừng. Cái gì là Thọ ? Hễ Hư thì Thọ, hễ Minh thì Lãnh Nạp. Cái Hư Minh Vọng Tưởng này thuộc năm Thức trước, tức là Kiến Phần. Kiến Phần và Tướng Phần lẫn lộn nên gọi là Kiến Trược. Nếu biết cái Thọ này chẳng phải nhân duyên sanh, chẳng phải tự nhiên sanh nên là hư vọng; tuy hư minh nhưng vốn không có Tự Thể. Đã không có Tự Thể thì vốn tự chẳng sanh. Đã vốn chẳng sanh thì cái gì là Thọ, cái gì là Kiến Phần ? Thế nên, có thể phá tan Kiến Trược vậy.

Tổ Triệu Châu thượng đường rằng : “Bồ Đề Niết Bàn, Chân Như Phật Tánh đều là y phục dính nơi thân, cũng gọi là phiền não. Chỗ Thật Tế Lý Địa có gì mà bám níu ? Một tâm chẳng sanh, vạn pháp không lỗi. Ông chỉ tham cứu cho suốt, ngồi xét xem hai, ba mươi năm, nếu chẳng hội cứ chặt đầu lão tăng đi. Mộng huyễn, Không hoa uổng công nắm bắt ! Tâm mà chẳng khác, vạn pháp nhất như. Đã không từ ngoài mà được thì còn nắm giữ làm gì ? Tương tự như con dê, tóm lung tung thứ bỏ vào miệng. Lão tăng nghe Hòa Thượng Dược Sơn nói : “Có người hỏi đó, chỉ bảo : “Ngậm mõm chó lại !” Lão tăng cũng dạy : “Ngậm mõm chó lại !” Giữ lấy cái Ta là dơ, chẳng giữ cái Ta là sạch. Thật như con chó săn chuyên muốn có được vật gì để ăn. Phật Pháp ở tại chốn nào ? Ngàn người, vạn người đều là những tên tìm Phật, trong đó tìm một đạo nhân cũng không có. Nếu cùng Không Vương làm đệ tử, chớ bảo tâm bệnh nan y !”

Lại có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn : “Mỗi mỗi siêng chùi lau(27)”, vì sao chẳng được y bát ?”
Tổ Sơn nói : “Dù cho nói “Xưa nay không một vật” cũng chẳng được y bát kia !”
Hỏi rằng : “Chưa rõ người nào thì được ?”
Tổ Sơn nói : “Kẻ chẳng nhập môn”.
Hỏi rằng : “Chỉ như kẻ chẳng nhập môn lại có đắc không ?”
Tổ Sơn nói : “Tuy vậy, chẳng được thì chẳng trao kia”.
Lại nói tiếp : “Dù cho nói “Bổn lại vô nhất vật” vẫn còn chẳng được y bát. Hãy nói người như sao thì hợp được ? Trong ấy hợp được, hạ một chuyển ngữ, hãy nói hạ được lời gì ?”
Một vị Thượng Tọa hạ chín mươi sáu chuyển ngữ mà chẳng khế hợp, sau cùng nói : “Giả sử có đem lại đi nữa, kia cũng chẳng lãnh thọ”.

Tổ Sơn rất chịu.

Ngài Tuyết Đậu nói : “Kia đã không nhận là có mắt, đem đến thì ắt hẳn là mù”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Trường Lư(28) thì không thế ! Cần nên đem lại, nếu chẳng đem lại, làm sao biết chẳng thọ ? Cần nên chẳng thọ, nếu chẳng có chẳng thọ làm sao khỏi đem lại ? Đem lại hẳn nhiên là mắt, chẳng thọ đích thật là mù. Có hiểu chăng ? 

“Chiếu khắp, thể không nương
Thông thân hợp Đại Đạo”.

Đây là từ hai chỗ thua rớt của Tỳ Kheo Trường Trảo(29) mà giáo hóa hàng vị lai. Cần phải ngay cái “Chẳng thọ” cũng chẳng thọ nhận, mới có thể siêu khỏi Kiến Trược. 

Kinh : “Do những niệm lự sai khiến Sắc Thân của ông, nếu Sắc Thân chẳng phải cùng loại với Niệm thì cớ sao thân ông lại theo Niệm mà bị sai sử, mỗi mỗi nhận lấy hình tượng, tâm khởi nắm giữ hình tượng tương ứng với Niệm ? Thức là tưởng Tâm, ngủ làm chiêm bao. 
“Vậy Vọng Tình, Tưởng Niệm giao động của ông chính là Vọng Tưởng dung thông Thứ Ba.

Thông rằng : Niệm lự thì vô hình, thân thể có hình chất. Niệm động thì thân theo, do đâu lại bị sai sử ? Do cái Tưởng dung thông vậy. Tâm sanh cái Tưởng hư vọng mà thân giữ nhận vật thật, mỗi mỗi thù đáp, tương ứng với Niệm. Do cái Tưởng dung thông nên khiến tâm theo cảnh, khiến cảnh tùng tâm. Cái Vọng Tình giao động, thức ngủ không gián đoạn, đó thuôïc về gốc rễ Vọng Tưởng, sức có thể dung thông không ngăn ngại. Ấy là tác dụng của Thức Thứ Sáu, là sào huyệt của phiền não.

Nếu rõ cái Tưởng này chẳng phải nhân duyên sanh, chẳng phải tự nhiên sanh, đương thể hư vọng, tức đương thể không tịch. Tưởng vốn không sanh thì phiền não nào có ra gì nữa ?
Xưa, Ngài Ngưỡng Sơn đang chánh định trong tăng đường, nửa đêm không thấy núi sông, đất đai, chùa chiền, người vật cho đến mất luôn thân, toàn vẹn đồng như hư không. 

Sáng hôm sau Ngài kể lại với Tổ Quy Sơn.

Tổ Quy Sơn nói : “Tôi hồi ở với Tổ Bách Trượng cũng được như vậy, đó là công dụng tiêu minh cái Vọng Tưởng dung thông. Ông về sau thuyết pháp, có người vượt hơn thì không đâu có chuyện đó”.

Ngài Thiên Đồng nêu kinh Viên Giác : “Ở tất cả mọi thời, chẳng khởi vọng niệm chăng ? Ở nơi vọng tâm cũng chẳng dứt diệt chăng ? Trụ cảnh viên thông chẳng thêm sự hiểu biết chăng ? Ở chỗ không hiểu biết chẳng phải biện chân thực chăng ?” (Ở đây Tổ thêm các chữ “chăng” để thành câu hỏi).
Tụng rằng :

“Đường đường nguy nga, lỗi lỗi lạc lạc
Chỗ náo cắm đầu, chỗ ổn hạ chân
Dưới chân dây đứt, tự do thay !
Đầu mũi hết bùn, ông khỏi cạo !
Đừng động đậy, 
Giấy cũ ngàn năm đúng là thuốc !”.

Tổ Lang Nha Giác có lần hỏi một vị tăng giảng kinh : “Thế nào là ở tất cả mọi thời chẳng khởi vọng niệm ?”
Đáp rằng : “Khởi tức là bệnh”.
Lại hỏi : “Thế nào là ở nơi vọng tâm cũng chẳng dứt diệt ?”
Đáp rằng : “Dứt tức là bệnh”.
Lại hỏi : “Thế nào là trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm sự hiểu biết ?”
Đáp rằng : “Biết tức là bệnh”.
Lại hỏi : “Thế nào là ở chỗ không hiểu biết chẳng phân biện chân thực ?”
Đáp rằng : “Phân biện tức là bệnh”.
Tổ Giác cười mà rằng : “Ông biết thuốc đấy, nhưng chưa biết cái kỵ trong thuốc vậy”.
Ngài Bửu Giác làm bài kệ :

“Hoa vàng ắp ắp, trúc xanh ràng ràng
Giang Nam đất ấm, ải Bắc xuân hàn
Khách du đi rồi không tin tức
Còn lại Vân Sơn ngắm đến già !”.

Các vị tôn túc ở đây có thể nói là “Dưới chân dây đứt”, tung hoành tự do, đủ để làm quy tắc phá Tưởng Ấm. 

Kinh : “Sự chuyển hóa không dừng, xoay vần âm thầm dời đổi, móng tay dài, tóc mọc lên, khí lực tiêu, dung mạo nhăn, ngày đêm thay thế, không hề hay biết. Anan, nếu cái đó không phải là ông thì cớ sao thân ông lại thay đổi ? Còn nếu nó thật là ông, thì cớ sao ông không hay biết ? 
“Vậy các Hành Ấm của ông niệm niệm chẳng dừng chính là Vọng Tưởng u ẩn Thứ Tư.

Thông rằng : Vọng Tưởng kiên cố thì chẳng rời Sắc Trần. Vọng Tưởng hư minh còn đối đãi với Sắc Trần. Vọng Tưởng dung thông thì thuộc về Nội Trần, có hình tượng để nắm giữ, có cảnh để đắc. Đến cái Vọng Tưởng u ẩn thì không còn hình tượng để nhìn thấy, không có cảnh để bám giữ, thay đổi chẳng dừng, xoay vần âm thầm dời đổi. Về phương diện sanh thì móng tay mọc, tóc dài ra; về phương diện diệt thì khí lực suy, dung mạo nhăn, ngày đêm thay nhau biến dịch trước mắt mà ta chẳng hay biết. Nếu cho rằng chẳng phải là mình thì thân thể ngày mỗi thay đổi, nếu cho rằng tức là mình thì mình lại chẳng hay biết ! Bởi cái Vọng Tưởng rất u ẩn, niệm niệm trôi lăn không thể xác định, kẻ không biết thì chỉ quy cho sự chuyển hóa mà thôi.

Hành Ấm thuộc Thức Thứ Bảy, đã lìa các Tưởng nên không thể biết, mà sự sanh diệt trôi chuyển rất là vi tế cũng đều chẳng ra khỏi sự luân chuyển của ba cõi, nên gọi là Chúng Sanh Trược. Nếu nơi chỗ “niệm niệm chẳng dừng” mà có chỗ dừng thì chẳng chịu sự luân chuyển của chúng sanh.

Có nhà sư hỏi thiền sư Long Nha Độn : “Khi hai con chuột cắn dây leo thì sao ?”

Tổ Nha nói : “Cần có chỗ ẩn thân mới được”.
Nhà sư hỏi : “Thế nào là chỗ ẩn thân ?”
Tổ Nha nói : “Lại thấy nhà ta không nhỉ ?”
Ngài Đơn Hà tụng rằng :

“Đỉnh xa trăng lạnh trổi mơ màng
Bình Hồ muôn mẫu sáng miên man
Ngư ca đánh thức cò sông bãi
Bay khỏi Lư Hoa, dấu chẳng còn”.

Bởi thế mà biết chỗ ẩn thân kia quỷ thần nhìn ngó cũng chẳng ra, nên Hành Ấm đâu còn có thể mê hoặc. Bởi vì sự sanh diệt vi tế, tức là hai cảnh sáng tối, ngày đêm thay nhau mà hình thể đổi dời, như hai con chuột cắn dây, ngày càng tiêu diệt. Chỗ này thuộc về Vọng Tưởng u ẩn, nhưng cái chỗ ẩn thân không tung tích thì đủ để phá đi vậy. 

Kinh : “Lại chỗ tinh minh đứng lặng không giao động của ông mà gọi là thường hằng thì nơi thân ông chẳng ra ngoài những sự Thấy, Nghe, Hay, Biết. Nếu nó thật là tính tinh chân thì chẳng chứa nhóm hư vọng, vì sao các ông trong năm xưa đã từng thấy một vật lạ, trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến, về sau bỗng nhiên thấy vật lạ đó thì nhớ lại rõ ràng, không hề sót mất. Vậy trong cái tinh minh đứng lặng không lay động này, niệm niệm chịu sự huân tập không thể tính toán hết được.

“Anan, nên biết cái trong lặng này chẳng phải chân thật, như dòng nước chảy xiết, trông như đứng yên, vì chảy nhanh nên không thấy chứ chẳng phải không chảy. Nếu chẳng phải là nguồn Tưởng thì đâu chịu tập khí hư vọng. Nếu sáu Căn của ông chưa được chia hợp, dùng thay lẫn nhau thì cái Vọng Tưởng đó không khi nào diệt được. Vậy nên hiện nay cái tập khí tập hợp quán xuyến những sự Thấy, Nghe, Hay, Biết của ông là cái Tưởng tinh vi tế nhiệm, điên đảo, ảo tượng rỗng không Thứ Năm trong tánh trong lặng thấu suốt của ông.

“Anan, năm cái Thọ Ấm đó do năm Vọng Tưởng tạo thành.

Thông rằng : Sự sanh diệt của Hành Ấm, niệm niệm chẳng dừng, chỉ là u ẩn không thể thấy. Còn đến chỗ lặng trong chẳng giao động là đã diệt sự sanh diệt, vì sao còn gọi là Vọng Tưởng ? Vì còn cái Thức Thể tinh minh vậy. Cái Thức Thể tinh minh này, thiện ác chẳng manh động, Ý Thức đều mất, trong lặng thường ngưng, tương tự cùng loại với Bản Giác tinh chân nhưng thật chẳng phải là Bản Giác tinh chân. Cái Bản Giác tinh chân chẳng rơi vào Thấy, Nghe, Hay, Biết nên không chịu sự huân tập. Nay cái chỗ lặng trong chẳng giao động, cái biết không còn, lạc vào chỗ vô ký. Tánh của vô ký thông với Hiện Lượng, chẳng ra ngoài cảnh giới Thấy, Nghe, Hay, Biết của năm Thức trước. Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết này tuy không suy nghĩ so tính, nhưng có thể lãnh nạp, chịu sự huân tập. Bởi thế hễ thấy vật lạ, dầu không nghĩ đến, nhưng một lần thấy lại là nhớ rõ ràng. Thật giống như con cá bị băng giá ép, gặp cảnh bèn nhảy ra, thì sự Sanh Diệt chưa từng mất hết vậy. Thế nên biết rằng cái trong lặng này chẳng phải chân thật, niệm niệm chịu sự huân tập, quán xuyến tập hợp các tập khí, tinh vi tế nhiệm thường huân tập chẳng ngừng, giống như xâu chuỗi kết nhau vậy.

Có cái Tinh Minh này tức là có cái Thấy, Nghe, Hay, Biết này. Có cái Thấy, Nghe, Hay biết này tức là chẳng lìa căn trần thì hay quấy loạn cảnh mà chịu huân tập, dung chứa kết tập vọng nghiệp, nên chẳng phải là tánh trong lặng chân thật. hẳn phải ngược dòng toàn nhất, tiêu tan sáu cửa, thoát suốt căn trần, sáu căn dùng lẫn nhau. Chỉ một cái Tinh Chân, nương căn phát sáng, đóng mở tự do, tập khí hư vọng không có chỗ nương tựa. Bởi thế, miệng như lỗ mũi, mắt tựa lông mày ! Lấy tai xem sắc, sắc chẳng động lay. Lấy mắt nghe thanh, thanh không níu kéo. Như thế mới là Diệu Trạm Tổng Trì, vọng tưởng không do đâu mà vào được.

Năm Thức trước chưa hợp vào tư duy thì cái thể gần với Thức Thứ Tám. Cho nên Thức Thứ Sáu và Thức Thứ Bảy chuyển ở trên nhân thì Thức Thứ Tám và năm Thức trước mới viên mãn ở trên quả. Nếu chẳng có Hậu Đắc Trí thì không thể chuyển năm Thức trước. Cho đến khi chuyển Thức thành Trí, đắc cái trong lặng chân thật thì sau đó mới tin Thức Thứ Tám là chủng tử vi tế sanh diệt, chảy nhanh nên không thấy, chứ không phải không chảy, tuy giống như lặng yên, không thể gọi là trong lặng chân thật. Trong Tánh trong lặng thấu suốt cái Tưởng tinh vi tế nhiệm, ảo tượng rỗng không, hình như có hình như không, nhưng chưa từng không có cái Tưởng. Cho nên cũng gọi đó là Vọng Tưởng vậy. Thức Thứ Tám nương nơi cái Chẳng Sanh Chẳng Diệt hòa hợp với cái Sanh Diệt mà thành. Bằng như ngược Trần hợp Giác, y vào cái Chẳng Sanh Diệt thì gọi là Chánh Trí. Nếu ngược Giác hợp Trần y vào nơi Sanh Diệt thì gọi là Điên Đảo. Cội nguồn Tưởng tức là cái chỗ động ban sơ của Thức, năm thứ Vọng Tưởng đều do đây mà khởi. Do một niệm mê lầm hư vọng, nhận lấy nó, giữ lấy nó mà tự che khuất. Thế nên mới gọi là năm Thọ Ấm, hay năm Thủ Ấm đều do Vọng Tưởng làm gốc vậy.

Thiền sư Vĩnh Gia nói : “Biết rõ trong một Niệm đủ cả năm Ấm : Rành mạch phân minh tức là Thức Ấm. Thu lãnh nơi Tâm tức là Thọ Ấm. Tâm duyên theo lý ấy tức là Tưởng Ấm. Hành dụng lý ấy tức là Hành Ấm. Làm dơ Chân Tánh tức là Sắc Ấm. Năm Ấm này toàn thể là một Niệm. Một Niệm khởi lên toàn là năm Ấm. Rõ ràng thấy trong một Niệm không có gì là chủ tể, tức là Huệ Nhân Không. Thấy như huyễn hóa tức là Huệ Pháp Không”.

Hẳn như chỗ Tổ Vĩnh Gia nói : “Nhân Pháp đều Không thì Thức Ấm mới hết rồi sau mới có thể siêu vượt Mệnh Trược vậy”.

Ngài Triệu Châu hỏi Tổ Đầu Tử : “Khi người chết sống lại thì sao ?”

Tổ Đầu Tử nói : “Chẳng được đi đêm, đến trong chỗ sáng”.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Trong “sống” có mắt lại như “chết”
Thuốc kỵ khỏi cần khám “tác gia”
Phật xưa còn nói “chưa từng đến”
Chẳng biết ai đây thoát trần sa”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Thành (hạt) cải kiếp đá diệu tột sơ
Mắt “sống” “trong Không chiếu rỗng hư
Chẳng được đi đêm, về ngày sáng
Tin nhà chưa khứng phó chim, sò”.

Cái Diệu này tuyệt hết “Nguồn Tưởng”, không dung chứa tập khí hư vọng. Ấy là Thật Tế Lý Địa, không động bước mà tới, rõ ràng cái cách chuyển Thức thành Trí vậy. 

Kinh : “Ông nay muốn biết nhân do và giới hạn sâu cạn, thì Sắc và Không là biên giới của Sắc Ấm; Xúc và Lìa là biên giới của Thọ Ấm; Nhớ và Quên là biên giới của Tưởng Ấm ; Diệt và Sanh là biên giới của Hành Ấm ; lặng trong nhập hợp với lặng trong là biên giới của Thức Ấm.

Thông rằng : Ở trước, Ông Anan hỏi rằng “Năm lớp như vậy đến đâu là giới hạn ?” Ở đây trả lời rõ ràng, có nguyên nhân, có giới hạn từ cạn đến sâu. Sắc không tự nó là Sắc, nhân Không mà hiển Sắc. Biên giới của Sắc và Không là Sắc Giới vậy. Thọ chẳng tự nó là Thọ, nhân Xúc Chạm mà có Thọ, thì biên giới của Xúc và Lìa là Thọ Giới. Tưởng chẳng tự nó là Tưởng, nhân Nhớ mà gọi là Tưởng, thì biên giới của Nhớ và Quên là Tưởng Giới. Hành không tự nó là Hành, nhân Sanh Diệt chẳng ngừng mà gọi là Hành, biên giới ấy của Sanh Diệt là Hành Giới. Thức gọi là trong lặng thấu suốt đã diệt sự Sanh Diệt, tánh nó nhập với nguồn tánh bất động mà hợp với lặng trong. Mà có nhập, có hợp tức là có biên giới, đó là Thức Giới vậy. Vì cái “Trong lặng nhập vào” là Thức Ấm, còn tánh “Trong lặng chân thường” là Tánh Thức Minh Tri. Minh Tri là Trí. Giữa Thức và Trí còn có biên giới vậy.

Chân Tánh không gọi là “Trong lặng nhập vào” vì toàn khắp pháp giới không hề có ra vào. Cái trong lặng mà xuất ra là Hành, cái trong lặng mà nhập vào là Thức. Suốt cả bên trong lặng sáng, nhập không-chỗ-nhập, tức là địa chẳng sanh diệt. Đây là lần lần vào chỗ tinh diệu. Từ năm Trần, năm Thức trước, Thức Thứ Sáu, Thức Thứ Bảy cho đến Thức Thứ Tám là giới hạn cạn sâu của năm Ấm vậy. Đã hợp cùng tánh lặng trong rồi, được Vô Sanh Pháp Nhẫn thì còn có biên giới nào để xem xét nữa ư ? Đã không biên giới, tức không năm Ấm, năm Ấm đều Không, tức siêu năm Trược. Ở trước, nói “Các ông phân Diệu Giác Minh Tâm trong lặng toàn vẹn của mình làm ra cái Thấy, cái Nghe, cái Hay, cái Biết từ đầu đến cuối thành năm lớp vẫn đục”. Đến đây thì đồng quy về tánh trong lặng vậy.

Sách Hoàn Nguyên Quán nói “Do nơi Trần Tướng mà niệm niệm dời đổi, đó là Sanh Tử. Do quán Trần Tướng mà tướng sanh diệt dứt hết, rỗng không, không có thật, đó là Niết Bàn”. 
Cuốn Trí Chứng Truyện viết : “Nơi sắc thanh các pháp niệm niệâm phân biệt, gọi là Dời Đổi. Quán sắc thanh các pháp ấy không từ đâu khởi lên, không từ đâu diệt mất, ngay đây Giải Thoát”.
Cuốn Tiên Quán Kỹ Nhãn viết : “Thật vậy, con mắt không thể tự thấy cái Thể của nó. Tự Thể còn chẳng thể thấy, làm sao thấy gì khác ?”

Cuốn Thứ Quán Tiền Cảnh viết : “Nếu cái thấy là cây thì đâu còn cây ?”

Cuốn Thứ Quán Tam Tế viết : “Nếu hiện tại là có thì quá khứ, vị lai đáng lẽ cũng có. Nếu quá khứ, vị lai là không có thì hiện tại đáng lẽ cũng không”.

Đây là yếu chỉ về nguồn vậy.

Tổ Quy Sơn thượng đường : “Phàm cái tâm của đạo nhân thì thẳng ngay không giả dối, không sau, không trước, không dối trá hư vọng. Trong hết mọi thời, thấy nghe bình thường, không quanh co khuất lấp, cũng chẳng bịt mắt bưng tai. Chỉ là tình chẳng dựa vật, thì thật như Chư Thánh xưa nay chỉ nói cái lầm hại bên phía dơ uế. Như không có các thứ tưởng tập, biết bậy, tình kiến bèn như nước Thu trong lặng, thanh tịnh vô vi, trong ngần không ngại. Gọi đó là đạo nhân, cũng gọi là người vô sự”.

Đôi lời của Tổ Quy Sơn chỉ thẳng cái tin tức của Lặng trong nhập hợp lặng trong. Chỉ việc tiêu hết Thức Ấm thì đâu còn chuyện gì nữa ? 

Kinh : “Năm Ấm ấy vốn trùng điệp sanh khởi. Sanh thì nhân Thức mà có, diệt thì từ Sắc mà trừ. Lý ắt đốn ngộ, nương Ngộ tiêu sạch. Sự chẳng phải đốn trừ, theo thứ lớp dứt hết.
“Ta đã chỉ cho ông về cái nút khăn Kiếp Ba La, có chỗ nào chẳng suốt tỏ, mà phải hỏi lại như vậy. Ông nên dùng cái tâm được khai thông về căn nguyên Vọng Tưởng này, truyền dạy cho tương lai những người tu hành trong đời mạt pháp, khiến cho họ rõ hư vọng, tự sanh nhàm chán sâu xa, biết có Niết Bàn, chẳng luyến mê ba cõi.

Thông rằng : Ở trước, Ông Anan hỏi là tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp mà hết ? Trước hết, đáp ngay rằng “Một đường hướng thượng, độc chỉ ở chỗ ngộ nhập Tánh Tinh Chân Diệu Minh, Bản Giác Viên Tịnh, thì chẳng còn Vọng Tưởng nào để trừ, không còn thứ lớp nào để chỉ bày”. Ấy là chỗ nói “Nương ngộ tiêu sạch”. 

Ở đây trả lời rằng “Sự chẳng phải đốn trừ, theo thứ lớp dứt hết”, là do lòng từ bi, lắc rắc chút mưa phùn, chỗ gọi là Đốn mà chẳng sót Viên vậy.

Căn nguyên này của năm Ấm trùng điệp sanh khởi, đã sanh thì có nguyên nhân. Cái Sở Nhân là Nguồn Tưởng của Thức Thứ Tám, sanh khởi ra Kiến Phần và Tướng Phần. Do trong tạo ngoài, từ tế đến thô. Nay muốn diệt năm Ấm này, sự diệt phải lần lần. Trước hết từ Sắc Ấm tiêu trừ, do ngoài vào trong, từ thô vào tế, không phải là không có thứ lớp.

Nếu luận cái lý Chân Như thì một Ngộ liền đến Phật Địa, có đâu tầng bậc giai cấp ? Rõ Ấm không có tự thể, đương thể toàn Không, nên nương Ngộ tiêu sạch một lượt, ngay đây vô sự. Thế nhưng tập khí từ vô thủy huân tập ô nhiễm lâu ngày, cái vô minh đang hiện hành, năm lớp buộc ràng đâu thể nhổ sạch một sớm một chiều. Bởi thế, phải đào thải dần dần, theo thứ lớp mà hết sạch. Giống như cái nút của khăn Kiếp Ba, khăn vốn không khác mà nút phải mở tháo lần lượt. Trước được Nhân Không, kế đắc Pháp Không, sau nữa là đắc Không Không, bèn được Vô Sanh Pháp Nhẫn, tịch diệt hiện tiền.

Cho nên, chẳng rõ căn nguyên hư vọng thì tâm đuổi theo Thức mà chuyển, chẳng thể khai thông. Nay biết rõ ràng là Vọng, Vọng vốn không có nguyên nhân, ngay ấy tâm khai, chứng cái vui Niết Bàn. Đã chứng Niết Bàn, vào chỗ chẳng sanh diệt, thấy năm Ấm kia là hư vọng, không nhân tự sanh, nguyên không tự tánh, quả đáng nhàm chán sâu xa vậy. Nếu năm Ấm chẳng diệt thì lưu chuyển ba cõi, sanh tử xoay vần, có gì mà vui để mê luyến chẳng bỏ ư ? Sự Giác Ngộ căn nguyên hư vọng này, xa lìa năm mươi thứ Ma Sự lại là phương tiện ban đầu : các pháp Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na vi diệu của Phật Thế Tôn xưa trước, phải theo thứ lớp mà tu, đều đủ để làm lời minh huấn cho đời mạt pháp, nên Thế Tôn dặn dò khiến cho lưu thông.

Thiền sư Khuê Phong trả lời mười câu hỏi của Ông Sử Sơn Nhân :

Câu hỏi Một : Thế nào là Đạo ? Thế nào là Tu ? Phải Tu mới thành hay chẳng cần mượn công dụng ?

Đáp : Vô Ngại là Đạo. Biết Vọng là Tu. Đạo tuy vốn tròn đầy mà vọng khởi thành vướng mắc. Vọng niệm hết ráo tức là Tu thành.

Câu hỏi Hai : Đạo nếu do Tu mà thành, tức là tạo tác, thì giống pháp thế gian, giả dối chẳng thật, thành rồi lại hoại, sao gọi là xuất thế được ?

Đáp : Tạo tác là kết nghiệp, gọi là “Thế gian giả dối”. Vô Tác là tu hành, tức xuất thế chân thật.
Câu hỏi Ba : Sự Tu đó là Đốn hay Tiệm ? Tiệm thì quên trước, mất sau, làm sao tập hợp mà thành tựu. Đốn thì vạn hạnh đa phương, làm sao một lúc mà viên mãn được ? 

Đáp : Chân Lý thì Ngộ mà Đốn Viên. Vọng tình dứt mà hết lần lần. Đốn Viên như trẻ nhỏ sơ sanh, trong một ngày mà cơ thể đã đầy đủ. Tiệm Tu như nuôi lớn thành người, nhiều năm thì chí khí mới lập.

Ba câu trả lời này có thể chú giải cho đoạn kinh văn này.

Lại nữa, thiền sư Khuê Phong trả lời cho quan Thượng Thư Ôn Tháo : “Chân lý tuy là đốn đạt, vọng tình ấy khó trừ ngay. Như gió tạm ngừng, sóng mòi tạm lặng, đâu có thể chỗ tu một đời bèn đồng với cái Dụng của Phật. Chỉ khá lấy Không Tịch làm tự thể, chớ nhận sắc thân; lấy Chân Như làm Tự Tâm, chớ nhận vọng niệm. Vọng niệm khởi lên đều trọn chẳng theo. Như vậy thì khi mệnh chung tự nhiên nghiệp không thể ràng buộc”.

Tổ Hoàng Long Hối Đường đáp lời hỏi của quan Thị Lang Hàn Tông Cổ rằng : “Như thế, ngoài Tâm không có pháp gì nữa. Chẳng biết phiền não, tập khí là gì mà muốn dứt hết đi, thì nếu khởi cái tâm như vậy bèn thành ra nhận giặc làm con. Từ xưa đến nay chỉ có lời nói, ấy là tùy bệnh cho thuốc. Nếu có tập khí phiền não mà chỉ cần dùng Tri Kiến Như Lai để đối trị, đó đều là lời nói dẫn dụ, phương tiện thiện xảo quyền biến. Nếu thật có tập khí để trị, bèn là ngoài tâm có pháp để dứt diệt, giống như con linh quy kéo lê cái đuôi trên đường, quét dấu mà dấu sanh ! Có thể nói rằng “Lấy tâm dùng tâm, càng thấy bệnh nặng !” Bằng như rõ suốt ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, tâm pháp đã Không lại còn muốn dạy ai chóng hết đây ?”

Cứ theo chỗ Thấy của Tổ Hối Đường thì “Xưa nay không một vật. Chỗ nào nhuốm bụi trần”. Cứ vào chỗ đáp của Tổ Khuê Phong thì “Thường thường siêng lau sạch. Chớ để nhuốm bụi trần”. Hối Đường chủ về Đốn, ví như người nằm mộng thấy bị xiềng xích, tỉnh dậy lại phải cởi thoát xiềng xích ư ? Hiển nhiên không có chuyện đó vậy. Khuê Phong chủ về Tiệm, ví như nước kết thành băng, không dùng tắm rửa được, phải gần ánh mặt trời mới thấy lưu thông.

Tông Cảnh Lục nói : “Vào Tông ta, trước tiên cần biết có. Sau đó giữ gìn. Lại đầu đuôi cần phải tương xứng, không thể Lý, Hạnh có chỗ thiếu sót, tâm miệng trái nhau. Nếu vào Tông Cảnh, Lý Hạnh đều tròn vẹn”.

Căn cứ theo sự quyết đoán của bộ Tông Cảnh thì Ngài Đại Giám (Huệ Năng) chỉ đủ một con mắt lẻ, Ngài Đại Thông (Thần Tú) thì hai mắt tròn sáng. Sao thế ? Ngài Đại Giám đầy đủ Lý mà không có Hạnh, vì “Xưa ngay thường thanh tịnh, chẳng mượn lau chùi”. Ngài Đại Thông, “Đã ngộ cần phải tu, lau bụi thì gương sáng”. Bởi thế mà nói “Chánh tuy Chánh lại Thiên, Thiên tuy Thiên lại Viên”. Chẳng tham dự lâu ngày cái Tông tỏ suốt thì chưa dễ bàn luận chỗ này.

------------------------

01 Chịu. 
02 Ngọc mắt. 
03 Bốn cách suy tính này lồng vào bốn Ấm : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành. 
04 Chuyện Tổ Đạt Ma sau khi tịch. 
05 Cái làm ra, cái tạo ra. 
06 Đại Tự Tại Thiên. 
07 Cao nhất cõi Sắc Giới. 
08 Danh từ Thiền chỉ lúc chưa ngộ. 
09 Nương cái nhân. 
10 Suy lầm. 
11 Biết Ngược. 
12 Thuộc Đạo Gia. 
13 Vân Môn có tam cú. 
14 Quá khứ, hiện tại, vị lai. 
15 Kéo dài sự hư vọng. 
16 Lỗ thông trời. 
17 Nắm tay quý báu. 
18 Ngàn năm. 
19 Nghĩ Bậy. 
20 Trần Cảnh Lẫy Lừng. 
21 Đường huyền. 
22 Đơn, Trùng, Giao, Chiết dùng để chỉ các hào trong quẻ bói Dịch. Đơn : hào dương, Trùng : hào dương động. Giao : hào âm động. Chiết : hào âm.
23 Thức Ấm. 
24 Giai cấp. 
25 Hay : “Đuổi chẳng ra”. 
26 Phật. 
27 Bài kệ của Thần Tú. 
28 Tự xưng. 
29  Cậu của Ông Xá Lợi Phất tên là Kausthila. Ông nói với Phật : “Này Thầy Cù Đàm, ta đây chẳng lãnh thọ các pháp” ...

Xem mục lục