Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

C. BỐN GIỐNG A TU LA

Kinh : “Lại nữa, Anan, trong ba cõi ấy, lại có bốn thứ A Tu La :

“Nếu từ loài Quỉ, do sức hộ pháp, nương thần thông nhập vào Không. Hạng A Tu La này từ trứng mà sanh, thuộc về loài Quỉ.

“Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa đọa thì chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng. Hạng A Tu La này từ Thai mà sanh, thuộc về loài Người.

“Có Tu La Vương nắm giữ thế giới, sức mạnh thấu triệt không phải sợ ai, có thể tranh quyền với Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương. Hạng A Tu La này do biến hóa mà có, thuộc về loài trời.

“Anan, lại có một số Tu La thấp kém, sanh trong lòng biển cả, lặn trong đáy vực, ngày dạo chơi trên không, tối về ngủ dưới nước. Hạng A Tu La này do thấp khí mà có, thuộc về loài súc sanh.

Thông rằng : Phước lực của Thần A Tu La bằng hàng trời mà không có cái Hạnh của trời, nên gọi là Phi Thiên (01). 

Kinh Thập Địa nói : “A Tu La có năm loại : Một là hạng rất nhu nhược, ở trong núi rừng của nhân gian. Trong hang sâu lớn của núi phương Tây (Ấn) có cung điện của Phi Thiên. Hai là, ở núi Diệu Cao phía Bắc, dưới biển lớn hai vạn một ngàn do tuần có cung điện của La Hầu, tay có thể che mặt trời, mặt trăng. Ba là, xuống thêm hai vạn một ngàn do tuần có cung điện của Dũng Kiên, tánh nóng giận mà chẳng phải do uống rượu. Bốn là, xuống thêm hai vạn một ngàn do tuần, có cung điện của Hoa Man, loài này nữ thì rất đẹp mà nam thì xấu. Năm là xuống thêm hai vạn một ngàn do tuần có cung điện của Tỳ Ma Chất Đa La, gọi là Tịnh Tâm, có thể làm cho sóng biển gầm vang, là quê nhà bên vợ của trời Đế Thích”.

Kinh Trường A Hàm nói : “Loài A Tu La trong một ngày một đêm chịu khổ ba lần. Chuyện khổ tự đến mà vào trong cung”. 

Bởi thế, biết rằng loài này có một phần thiện báo gọi là Người-Trời. Nếu luận về sự chịu khổ, thì quả là ở dưới loài người, nên kinh Chánh Pháp Niệm liệt vào hai loài Quỷ và Súc Sanh. Kinh Lăng Nghiêm này lấy Thai, Trứng, Thấp, Hóa cùng với bốn loại Thiên, Nhơn, Quỉ, Súc mà nói rõ tình trạng của hàng A Tu La, đại khái phù hợp với kinh Thập Địa.

Thiền sư Thanh Lâm Kiền thượng đường : “Môn hạ của Tổ Sư, đường chim huyền nhiệm, công cùng thì chuyển, chẳng thâm cứu thì khó rõ. Các ông ngay đây cần phải lìa Tâm, Ý, Thức mà tham, ra khỏi nẻo Thánh, phàm mà học mới có thể bảo nhậm. Nếu chẳng như thế, chẳng phải con cháu của ta”.

Có nhà sư hỏi : “Dựa, vác lâu rồi mà chẳng gặp thì sao ?”
Đáp : “Bảng mời của vua đời xưa !”
Hỏi : “Xin thầy đáp lời”.
Đáp : “Bàn tay Tu La ở mặt trời, mặt trăng”.
Lại có nhà sư hỏi thiền sư Phật Hải : “Tức Tâm tức Phật thì thế nào ?”
Đáp : “Đầu chia hai sừng tóc”.
Hỏi : “Chẳng phải Tâm chẳng phải Phật thì thế nào ?”
Đáp : “Tai rớt vòng đeo tai”.
Hỏi : “Chẳng là Tâm, chẳng là Phật, chẳng là vật, lại là thế nào ?”
Đáp : “Trên đỉnh trọc, Tu La hát múa”.
Lời lẽ như thế, nếu chẳng ra khỏi nẻo Thánh phàm mà học, lìa Tâm, Ý, Thức mà tham thì làm sao dò được bến bờ.

Xem mục lục