A Nan, như vậy trong mỗi mỗi loài chúng sanh cũng đều có đầy đủ mười hai thứ điên đảo. Cũng như dụi mắt thì thấy hoa đốm loạn xạ phát sanh, chân tâm viên minh tịnh diệu mà điên đảo phát sanh thì đầy đủ loạn tưởng hư vọng như vậy.
Nay ông tu chứng tam ma địa của Phật thì đối với nguyên nhân cội gốc của các loạn tưởng phải lập ra ba món thứ lớp (tiệm thứ) mới trừ diệt được. Như trong đồ đựng sạch, trừ bỏ mật độc, dùng nước nóng và chất tro, chất thơm rửa sạch đồ đựng rồi sau mới chứa đuợc nước cam lồ.
Thế nào gọi là ba món thứ lớp? Một là tu tập trừ bỏ trợ nhân; hai là tu chân, nạo sạch chính tính, ba là tăng tiến, trái lại với hiện nghiệp.
…………………………………
Chân tâm vốn viên minh tịnh diệu, điên đảo có phát sanh thì cũng chỉ tạm thời, vì vô tự tánh, như hoa đốm có loạn xạ phát sanh thì chẳng hề hấn gì hư không.
Nhưng một khi đã điên đảo loạn tưởng, chạy theo chúng đã lâu rồi, như uống rượu say mà chờ cho tỉnh thì phải có một quá trình thứ lớp. Như đồ đựng lỡ chứa thuốc độc, để làm sạch mà đựng cam lồ thì phải dùng nước sôi, tro và chất thơm rửa sạch. Nước sôi, tro và chât thơm là ba món thứ lớp để rửa sạch chất dơ là điên đảo loạn tưởng vậy.
……………………………….
A Nan, mười hai loài chúng sanh trong thế giới như thế, không thể tự chu toàn, phải nương bốn cách ăn mới sống được, đó là đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực. Thế nên Phật nói, tất cả chúng sanh đều nương vào sự ăn mà sống còn.
A Nan, tất cả chúng sanh ăn thức lành thì sống, ăn thức độc thì chết. Vậy nên chúng sanh cầu tam ma địa nên dứt bỏ năm thứ rau cay trong thế gian. Năm thứ rau cay này nếu ăn chín thì phát lòng dâm, nếu ăn sống thì thêm lòng giận. Những người ăn rau cay ấy trên thế gian dầu giảng nói được mười hai bộ kinh thì tiên thiên mười phương ghét mùi hôi ấy đều lánh xa cả. Các loài quỷ đói… nhân lúc người ấy đang ăn bèn liếm môi mép người ấy. Thường ở chung với quỷ nên phước đức ngày càng tiêu mòn, lâu dài không được ích lợi. Người ăn rau cay ấy tu Tam ma địa, Bồ tát, tiên thiên, thiện thần mười phương không đến giữ gìn, ủng hộ. Đại lực quỷ vương thừa cơ hội ấy hiện làm thân Phật đến thuyết pháp cho, chê phá cấm giới, khen dâm, nộ, si. Khi chết tự làm quyến thuộc ma vương, hưởng phước ma hết thì đọa và địa ngục vô gián.
A Nan, người tu đạo Giác ngộ thường phải đoạn hẳn năm thứ rau cay.
Đó là thứ lớp (tiệm thứ) tu hành tăng tiến thứ nhất.
……………………………………..
Đoàn thực là ăn bằng miệng, vo tròn mà ăn. Xúc thực là ăn do tiếp xúc mà no chứ không phải bằng miệng, đây là cách ăn của người chết, quỷ thần. Tư thực là ăn bằng nghĩ tưởng, như chư thiên. Thức thực, ăn bằng cái thức.
Người thường có đủ cả bốn cách ăn này_chẳng lẽ họ không có thức? _nhưng người ta chỉ biết ăn bằng miệng để sống. Ăn bằng miệng thì nên tránh năm thứ rau cay vì dâm và giận tăng thêm rồi có lúc phát ra. Thế là đi ngược với tam ma địa vì đi vào tánh định thì không có dâm và giận. Đã thế còn kêu gọi các ma tới ở chung, còn các Bồ tát, thiện thần… thì lánh xa.
Ba thứ lớp để tịnh hóa này đi từ thô đến tế, từ thân đến tâm và đến các tập khí trong tâm
………………………………..
A Nan, chúng sanh như vậy muốn vào tam ma địa trước hết cốt phải nghiêm trì giới luật thanh tịnh, đoạn hẳn lòng dâm, không dùng rượu thịt, chỉ ăn đồ sạch nấu chín, không ăn đồ sống. A Nan, người tu hành ấy nếu chẳng đoạn dâm dục và sát sanh mà muốn ra khỏi ba cõi thì không thể có việc ấy. Phải quan sát dâm dục như rắn độc, như thấy giặc thù.
Trước hết, hãy giữ gìn Tứ khí, Bát khí của giới luật Thanh Văn, giữ thân chẳng động. Sau đó hành trì luật nghi thanh tịnh của hàng Bồ tát, giữ tâm không khởi. Cấm giới đã thành tựu thì trong thế gian vĩnh viễn không còn sanh ra nhau, giết chết nhau. Không làm việc trộm cướp thì thế gian không còn mắc nợ nhau, để khỏi phải trả nợ trước.
Người thanh tịnh ấy tu tam ma địa thì ngay nơi thân xác thịt cha mẹ sanh, không cần thiên nhãn mà tự nhiên xem thấy mười phương thế giới, thấy Phật nghe pháp, vâng lãnh thánh chỉ của Phật, được đại thần thông, đi khắp mười phương thế giới, túc mạng thanh tịnh, không có những khó khăn hiểm trở.
Đó gọi là thứ lớp tu hành tăng tiến thứ hai.
…………………………………….
‘‘Nạo sạch chính tính’’ là tịnh hóa hai nghiệp căn bản của con người là dâm dục và sát sanh. Không dâm dục và sát sanh thì không còn nghiệp căn bản để làm chúng sanh người.
Ban đầu giữ giới Thanh Văn, chủ yếu là giữ giới thân. Sau giữ giới Bồ tát, chủ yếu là giữ giới tâm. Thân tâm không sản sanh nghiệp thì được thanh tịnh. Từ đây bước vào cõi giới thanh tịnh của Phật: xem thấy mười phương thế giới, thấy Phật nghe pháp, đi khắp mười phương…
Chúng ta có thể thắc mắc, tại sao ngài A Nan ngộ rồi mà Đức Phật lại giảng những điều tưởng như các pháp bắt đầu như trì chú và giữ giới? Thật ra có ngộ tâm rồi mới trì chú đúng, giữ giới đúng, vì được làm trên nền tảng chân tâm đã rõ ràng. Đúng ở đây là nghĩa chữ ‘chánh’, chữ ‘chân’ trong những câu kinh ở trước, ‘chánh tu hành lộ’, ‘chân tu tam ma địa’, ‘chân viên thông’…. Trên nền tảng chân tâm này mới diệt trừ tập khí bằng ba món tiệm thứ.
Với người đã ngộ, đã nhận biết chân tâm, thì trì chú, giữ gìn tâm không dấy khởi đến không còn tập khí là sự tiệm tu, là bảo nhậm, là nhập, là niệm niệm tương ưng với chân tâm.
…………………………………..
A Nan, người trì giới thanh tịnh như vậy, tâm không tham dâm, không hay rong ruổi theo các trần trôi nổi ở ngoài. Nhân không rong ruổi nên tự xoay về tánh bản nguyên.
Trần đã chẳng duyên theo, căn không chỗ dính hợp, ngược dòng toàn nhất, sáu cái dụng chẳng vận hành. Cõi nước mười phương sáng trưng thanh tịnh, như ngọc lưu ly có treo mặt trăng sáng ở trong.
Thân tâm rỗng khoái, bình đẳng với tánh diệu viên, được đại an ổn, mật viên tịnh diệu của tất cả Như Lai đều hiện trong đó. Người ấy liền được Vô sanh pháp nhẫn. Từ như vậy tiệm tu, tùy chỗ phát hạnh mà an lập thánh vị.
Đó gọi là thứ lớp tu hành tăng tiến thứ ba.
…………………………………
Giữ được giới ‘‘tu chân, giữ thân chẳng động, giữ tâm không khởi’’ khiến cho thân tâm thanh tịnh thì tâm không tham dâm, không chạy theo các trần lăng xăng bên ngoài. Không rong ruổi theo thì tự nhiên xoay trở về tánh bổn nguyên, hợp nhất hoàn toàn với tánh bổn nguyên, nên gọi là ngược dòng toàn nhất.
Căn không chỗ dính, căn vừa ngược dòng thì ngay đó là cái Toàn Nhất. Bởi vì các căn có xuôi dòng hay ngược dòng thì bao giờ cũng nằm trên và trong cái Toàn Nhất. Sáu căn, sáu dụng không hoạt động theo vô minh nữa thì ngay đó là tánh viên thông rỗng rang toàn khắp. Bấy giờ các căn rỗng rang thông suốt với cõi nước mười phương sáng trưng thanh tịnh. Tâm vốn thanh tịnh nên khi gặp tâm thì thấy tâm như ngọc lưu ly bên trong treo mặt trăng sáng. Nói theo Kinh Hoa Nghiêm, ‘‘tâm, Phật, chúng sanh; cả ba không sai khác’’, toàn cả pháp giới là cái Toàn Nhất tròn sáng này. Thật được như vậy là Vô sanh pháp nhẫn.
Như vậy ‘‘trái lại với hiện nghiệp’’ là trái với sanh tử hiện có trước mắt, để nó tự chuyển thành Niết bàn trước mắt, ‘‘ngược dòng toàn nhất’’.
Con đường Phật giáo là con đường tịnh hóa hay diệt trừ tập khí. Ba món thứ lớp này còn phải vận dụng những Phật pháp khác để tăng thêm hiệu lực như Chỉ, Quán, Thiền, Hạnh….
Tập khí là cái đã nhiễm ô sâu và còn đọng lại nơi thân tâm. Chẳng hạn như một cái cối gỗ đã dùng để giã tỏi lâu ngày, mùi hôi đã được xông ướp tích tập (huân tập) thấm sâu vào gỗ. Muốn trừ bỏ tập khí là mùi hôi ấy thì trước phải ‘‘trừ bỏ trợ nhân’’, không chứa tỏi nữa, và dùng nước nóng rửa sạch. Thứ hai là ‘‘nạo sạch chính tính’’, dùng tro để hòa trộn với lớp gỗ mỏng đã tẩm mùi hôi không thể ra được và nạo sạch lớp gỗ ấy. Thứ ba, ‘‘trái với hiện nghiệp’’ là dùng chất thơm trái với mùi hôi mà rửa, xông ướp để có mùi thơm mới.
Ba thứ lớp tu hành tăng tiến này đi từ thô đến tế, cho đến khi tịnh hóa được hoàn toàn, đắc Vô sanh pháp nhẫn.