Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan cúi đầu đảnh lễ, mà bạch Phật rằng: Con nghe lời Phật dạy như thế, mới rõ tâm con thật ở ngoài thân. Tại sao như thế? Ví như có ngọn đèn thắp trong nhà, trước hết phải chiếu trong nhà, sau mới theo cửa mới chiếu ra ngoài sân. Tất cả chúng sanh không thấy bên trong thân mà chỉ thấy bên ngoài, cũng như ngọn đèn để ngoài nhà, không thể chiếu sáng trong nhà.
Phật bảo A Nan: vừa rồi các tỳ kheo theo Ta đi khất thực trong thành Thất La Phiệt, nay đã về rừng Kỳ Đà. Ta đã thọ trai rồi, ông xem các tỳ kheo, khi một người ăn các người khác có no không?

A Nan trả lời: Bạch Thế Tôn, không. Tại sao thế? Các vị tỳ kheo tuy là A La Hán nhưng thân mạng không đồng, làm sao một người ăn mà tất cả đều no được?
Phật bảo A Nan: Nếu tâm thấy biết rõ ràng của ông thật ở ngoài thân thì thân tâm ngoài nhau, chẳng liên can gì nhau. Thế thì cái gì tâm biết, thân không thể hay; cái gì thân hay tâm không thể biết. Nay Ta đưa tay nhu nhuyễn lên cho ông xem, khi mắt ông thấy thì tâm có phân biệt không?
A Nan trả lời: Bạch Thế Tôn, có.
Phật bảo A Nan: Nếu thân và tâm cùng biết thì tại sao nói tâm ở ngoài thân. Thế nên phải biết, ông nói cái tâm thấy biết rõ ràng trụ ở ngoài thân, điều ấy không thể có.

……………………..

Ngài A Nan thị hiện trả lời đủ cách để phá tan mọi nghi lầm của chúng sanh đời sau là chúng ta, hầu có thề đưa chúng ta bước vào trực tâm. Cho tâm ở trong thân hay ở ngoài thân đều là do chưa thoát khỏi thân, chưa thoát khỏi thân kiến. Khi thấy thân làm điểm quy chiếu duy nhất thì có trên dưới, trước sau, bên phải bên trái, cao thấp…. Tất cả mọi định lượng về không gian đều lấy thân làm điểm quy chiếu. Còn cái tâm bị giới hạn trong thân thì tạo ra mọi định lượng về thời gian, hôm qua, ngày mai, quá khứ, hiện tại, tương lai. Cái thân tâm hữu hạn nhận lầm ấy đã tạo ra sanh tử trói buộc chúng sanh.

Cho nên, hết chấp vào thân tâm sanh tử thì đó là Như Lai Tạng suốt khắp một vị giải thoát. Tánh Giác diệu minh không ngăn che chúng ta, chỉ có chúng ta tự vọng tưởng ra thân tâm ngăn ngại và giới hạn để tự ngăn che mình.

Đức Phật chỉ thẳng tâm cho ngài A Nan bảy lần là để phá bảy cái chấp của chúng sanh khiến chân tâm hiển bày. Không cần gì đến bảy chỗ mà chỗ nào cái chấp nơi ấy rơi rụng thì đó là chính Chân Tâm.

Xem mục lục