A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Bọn chúng con ngu độn, ham thích đa văn, mà đối với các tâm hữu lậu chưa cầu ra khỏi. Nhờ lời từ bi chỉ dạy của Phật mà được sự huân tu chân chánh, thân tâm thư thái, được lợi lạc lớn.
Bạch Thế Tôn, tu chứng Tam ma địa của Phật như thế, khi chưa đến Niết bàn thì thế nào gọi là Càn huệ địa? Bốn mươi bốn tâm thứ lớp thì đến đâu được danh mục tu hành? Đến chỗ nào gọi là nhập địa? Thế nào là Bồ tát Đẳng Giác?
Thưa hỏi như vậy rồi, năm vóc gieo xuống đất, đại chúng nhất tâm chăm chú trông chờ từ ân của Phật.
Bấy giờ Thế Tôn khen ngợi A Nan rằng: Lành thay! Lành thay! Các ông mới có thể khắp vì đại chúng và tất cả chúng sanh đời mạt thế cầu Đại thừa tu tam ma địa, xin ta chỉ bày con đường chánh tu hành từ phàm phu cho đến Đại Niết bàn. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông nói.
A Nan và đại chúng chấp tay, trống tâm, im lặng thọ giáo.
……………………………………
Huân tu chân chánh là huân tu tánh giác, từ Càn huệ địa, rồi bắt đầu vào bốn mươi bốn tâm, vào Thập địa, lên đến Đẳng Giác, Diệu Giác. Đó là những danh mục, cấp bậc chính thức. Nhưng nhanh hay chậm, nhảy vọt hay từng cấp là do những thiện căn đă có từ đời trước và lòng tin, tha thiết, tinh tấn, công đức và trí huệ, từ bi trong đời này.
Công thức chung của Đại thừa là ba a tăng kỳ kiếp để thành Phật. Nhưng cần biết thời gian công thức ấy là tương đối: Chẳng hạn, theo Đại Trí Độ Luận của Bồ tát Long Thọ, “ Có kiếp Bồ tát Thích Ca đang là ngoại đạo tiên nhân lên núi hái thuốc, thấy Phật Phất Sa ngồi trong hang báu nhập Hỏa định, phóng ánh sáng. Thấy vậy, tâm hoan hỷ tin kính, đứng co một chân, chấp tay hướng Phật, nhất tâm chiêm ngưỡng, qua bảy ngày bảy đêm không chớp mắt, rồi nói một bài kệ tán thán Phật… Qua bảy ngày bảy đêm nhìn kỹ Thế Tôn, mắt chưa từng chớp mà vượt qua được chín kiếp, còn trải qua chín mươi mốt kiếp được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” .
Ba a tăng kỳ kiếp được chia làm ba giai đoạn. A tăng kỳ kiếp thứ nhất, từ Thập Tín cho đến Bốn Gia hạnh vị. A tăng kỳ kiếp thứ hai từ Sơ hoan hỷ địa đến Đệ bát địa, a tăng kỳ kiếp thứ ba từ Đệ bát địa đến thành Phật.
Cũng theo Đại Trí Độ Luận: “ Trong A tăng kỳ đầu, tâm không tự biết ta sẽ thành Phật hay không. Trong A tăng kỳ thứ hai, tâm tuy biết ta chắc chắn thành Phật, nhưng miệng không dám nói ta sẽ thành Phật. Trong A tăng kỳ thứ ba, tâm tự biết rõ sẽ thành Phật, miệng tự phát ngôn không chút sợ, ‘ta trong đời sau sẽ thành Phật’ “.
……………………………………….
Phật bảo: A Nan, phải biết Diệu Tánh tròn sáng, lìa mọi danh tướng, bổn lai không có thế giới, chúng sanh.
Nhân vọng thấy có sanh, nhân sanh thấy có diệt. Sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân. Đó gọi là hai cái chuyển y Giác ngộ vô thượng và Đại Niết bàn của Như Lai vậy.
………………………………….
Diệu tánh tròn sáng, viên minh, ngoài nó không có cái gì khác. Do vô minh mê vọng mà thấy có thế giới có chúng sanh sanh khởi. Thấy có sanh thì thấy có diệt. Ngay đây mà thấy không có cái gì sanh không có cái gì diệt thì đây là tánh thấy thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới, bổn lai không có sanh tử thế giới chúng sanh.
‘‘Sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân’’. Thấy có sanh diệt, gọi là vọng. Cái thấy mê vọng có sanh diệt này mà hết thì gọi là chân. Nói là ‘‘diệt vọng’’ chứ thật ra vọng vốn tịch diệt, vọng chưa từng sanh. Đó là sự diệt vọng chân thật.
Vọng chưa từng sanh nên sanh diệt và diệt vọng đều nói ‘‘gọi là’’.
Hai cái gọi là chuyển y: chuyển y mê vọng, tức sở tri chướng, thành Giác ngộ vô thượng và chuyển y phiền não, tức phiền não chướng, thành Đại Niết bàn. Chuyển y xong thì tất cả chỉ là một Diệu Tánh viên minh, không mê vọng, không khổ đau.
…………………………………..
A Nan, nay ông muốn tu chân Tam ma địa, thẳng đến Đại Niết bàn Như Lai thì trước phải biết hai cái nhân điên đảo của thế giới chúng sanh này.
Điên đảo chẳng sanh, đó là Chân Tam ma địa của Như Lai.
………………………………….
Chân tam ma địa là bản tánh của tất cả các pháp không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm…, thế nên gọi là thường định. Tánh ấy, nói theo Kinh Đại Bát Nhã, chẳng phải vì Phật mới có, chẳng phải vì có chúng sanh mà không. Diệu tánh ấy vốn viên minh, chưa từng có điên đảo. Cho nên nơi chúng sanh, điên đảo chẳng sanh, thì thân tâm chúng sanh chính là diệu tánh ấy.
……………………………….
A Nan, thế nào gọi là chúng sanh là điên đảo?
A Nan, do bản tánh của tâm là minh, tánh minh viên mãn toàn khắp, nên nhân cái năng minh phát ra có tự tánh, cái có tự tánh này do vọng thấy mà sanh. Từ chỗ rốt ráo không bèn hóa thành rốt ráo có.
Cái có này thành ra có là do cái vốn chẳng có nhân làm nhân. Tướng năng trụ và tướng sở trụ rốt ráo không có cội gốc. Từ nền tảng vô trụ này mà kiến lập ra thế giới và các chúng sanh.
…………………………….
Bản tánh của tâm, của Như Lai tạng diệu chân như tánh là tánh Minh-Không. Tánh Minh-Không vốn toàn khắp, không có gì không phải là nó. Nhưng trong tánh Minh toàn khắp ấy, một niệm vô minh, bất giác, phân biệt khởi lên, trong tánh minh giả lập một cái tôi năng minh, bèn có ngay sở minh là cảnh.
Năng minh và sở minh là giả lập; giả lập là cho rằng có tự tánh. Có tự tánh là do vọng thấy mà ra. Năng minh, sở minh, có tự tánh đều do vô minh vọng lập, vọng thấy.
Tánh Không khi đã bị vọng thấy thì biến thành có tự tánh, có chỗ trụ. Tánh Minh khi đã bị vọng thấy thì biến thành có tướng. Tánh Minh-Không vốn không có nhân thành ra làm nhân cho cái có chỗ trụ là thế giới và chúng sanh.
Ngay đây mà thấy không có tướng thì đó là tánh Minh. Ngay đây mà thấy không có tự tánh thì đó là tánh Không. Đó là xoay trở lại tất cả tướng, tất cả cái có tự tánh, nghĩa là tất cả thế giới chúng sanh về thật tướng Minh Không vô trụ của chúng.
………………………………..
Mê tánh viên minh vốn sẳn này, đó là hư vọng sanh ra. Nhưng tánh của hư vọng không có tự thể, chẳng có chỗ nương y.
Vừa muốn trở lại chân tánh thì cái muốn chân đó đã chẳng phải tánh Chân Như chân thật. Nơi cái chẳng phải chân mà cầu trở lại bèn thành chẳng phải tướng mà cho là tướng, chẳng phải sanh mà cho là sanh, chẳng phải trụ mà cho là trụ, chẳng phải tâm mà cho là tâm, chẳng phải pháp mà cho là pháp.
Xoay vần phát sanh, sanh lực phát minh, huân tập thành nghiệp. Đồng nghiệp thì cảm nhau, nhân có cảm nghiệp bèn có sự diệt nhau, sanh nhau. Do vậy mà có sự điên đảo của chúng sanh.
………………………………..
Mê tánh viên minh vốn sẳn này thì hư vọng sanh ra, ví như mê mặt trăng thật thì thấy mặt trăng thứ hai. Nhưng tánh của hư vọng không có tự thể, không có chỗ trụ. Như khi thấy hoa đốm không có, không có bèn là giải thoát khỏi cái thấy hư vọng.
Khi đã thấy có hư vọng mà muốn trở lại chân tánh thì cái chân tánh do vọng tưởng nghĩ ra và tìm cầu ấy cũng chỉ là hư vọng chồng lên lớp mê mờ trước. Như thấy có hoa đốm giữa hư không mà muốn tìm hoa thật giữa hư không, thấy lông rùa sừng thỏ rồi muốn tìm rùa thỏ thật nơi lông rùa sừng thỏ ấy. Từ chẳng phải chân bèn hiện thành những cái không thật, cái trước mắt chẳng phải tướng, chẳng phải sanh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp mà cho là có tướng, có sanh, có trụ, là tâm, là pháp.
Vọng tưởng xoay vần huân tập thành nghiệp. Nghiệp đây là nghiệp vọng tưởng của tâm thức. Chúng sanh, tức là chánh báo, đã thành.
Ngay đây trước mắt mà thấy chẳng phải tướng, chẳng phải sanh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp, thì sanh tử tiêu tan.
…………………………………….
A Nan, thế nào gọi là thế giới là điên đảo?
Cái có ấy thành năng có, sở có, chia phần, chia đoạn vọng sanh. Do đó mà không gian (giới) được kiến lập, chẳng phải nhân mà làm nhân, chẳng phải trụ mà làm trụ, do đó mà thời gian (thế) thành lập.
Ba đời, bốn phương hòa hợp xen lẫn nhau, chúng sanh biến hóa thành mười hai loài. Thế nên, thế giới nhân động mà có tiếng, nhân tiếng mà có sắc, nhân sắc mà có hương, nhân hương mà có xúc, nhân xúc mà có vị, nhân vị mà biết pháp. Sáu thứ vọng tưởng lộn loạn thành nghiệp thức nên phân chia thành mười hai loài, do đó mà xoay vần liên tục. Thế nên trong thế gian, các thứ thanh, hương, vị, xúc… biến đổi cùng tột đến mười hai lần thì xoay trở lại.
…………………………………
Khi cái rốt ráo Không vì cho là có tự tánh mà hóa thành rốt ráo có thì cái có ấy thành năng sở, chia phần chia đoạn thành ra không gian, thật ra thì không có nhân, không có tự tánh, không chỗ trụ. Đã thấy có cái giả trụ thì thấy có cái giả trôi dời chẳng trụ, đó là thời gian.
Không gian và thời gian là y báo của chánh báo chúng sanh. Có chánh báo bèn liền có y báo, có tâm bèn liền có cảnh. Chánh báo, y báo hòa hợp xen lẫn nhau thành chúng sanh và thế giới. Không có chúng sanh thì không có thế giới, không có thế giới nếu không có chúng sanh.
Xưa nay chúng ta vẫn sống trong tánh Minh-Không, chỉ vì thấy những cái chẳng phải tướng mà cho là tướng, chẳng phải sanh mà vọng thấy có sanh, chẳng phải trụ mà vọng thấy có trụ, chẳng phải tâm mà vọng thấy có tâm, chẳng phải pháp mà vọng thấy có pháp bèn lạc vào chúng sanh thế giới điên đảo.
Nếu ngay đây mà thấy không có tâm, không có pháp, tâm và pháp chẳng phải nhân, chẳng nhân đâu, chẳng phải trụ, chẳng phải trụ đâu, bèn thấy xưa nay tất cả đều ở trong tánh Minh Không, chưa từng có vô minh chia phần, chia đoạn. Khi ấy cái Minh ở trong thân tâm là một với cái Minh ở ngoài, tất cả là tánh Minh. Khi ấy cái Không ở trong thân tâm là một với cái Không ở ngoài, tất cả là rốt ráo Không.
Đây cũng là Tam muội Kim cương Như huyễn vốn có khắp nơi, mọi lúc vì là bản tánh của pháp giới. Kim cương là tánh Không, như huyễn là tánh Minh.
……………………………………….
Dựa theo những tướng điên đảo xoay vần đó mà có ra thế giới với những loài trứng sanh, thai sanh, ẩm ướt sanh, hóa sanh, có sắc, không sắc, có tưởng, không có tưởng, hoặc chẳng phải có sắc, hoặc chẳng phải không có sắc, hoặc chẳng phải có tưởng, hoặc chẳng phải không có tưởng.
A Nan, do nhân thế giới hư vọng luân hồi, điên đảo về động, nên hòa hợp với khí thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng bay lặn. Do vậy nên có mầm trứng trôi lăn trong cõi nước: cá, chim, rùa, rắn… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, nên hòa hợp với chất bổ thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng đi ngang đi thẳng. Do vậy nên có bào thai trôi lăn trong cõi nước: người, thú, rồng tiên… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới chấp trước luân hồi, điên đảo về thú hướng nên hòa hợp với noãn (hơi nóng) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng nghiêng ngửa. Do vậy nên có thân mềm sanh từ ẩm ướt trôi lăn trong cõi nước: lúc nhúc, ngọ nguậy… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, nên hòa hợp với xúc thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng mới, cũ. Do vậy nên có tướng hóa sanh trôi lăn trong cõi nước: lột vỏ, bay đi… các loài đầy dẫy.
…………………………………..
Khi tâm tánh Minh Không đã bị ô nhiễm bởi những điên đảo hư vọng, huân tập thành nghiệp thì có các loài, loài nào sinh sống theo cọng nghiệp của loài ấy.
Từ rốt ráo Không hóa thành rốt ráo có cũng bởi vì cái tâm tạo nên tất cả, ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức. Tâm có tới đâu thì thế giới có tới đó, tâm rộng đến đâu thì thế giới luân chuyển đến đó, tâm điên đảo đến đâu thì có tám vạn bốn ngàn loạn tưởng sanh ra các loài đến đó.
Đưa tâm trở về gốc vô nhân, vô trụ, vô sanh của nó bèn giải thoát. Dầu trước mắt có thế giới chúng sanh thì thế giới chúng sanh ấy là vô nhân, vô trụ, vô sanh, nghĩa là thế giới chúng sanh vốn tự giải thoát.
………………………………..
Do nhân thế giới lưu ngại luân hồi, điên đảo về chướng nên hòa hợp với trước (bám níu) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng tinh diệu. Do vậy nên có yết nam sắc tướng trôi lăn trong cõi nước: lưu cửu, tinh minh… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới tiêu tán luân hồi, điên đảo về hoặc, nên hòa hợp với ám thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng ẩn tối. Do vậy nên có yết nam vô sắc trôi lăn trong cõi nước: không, tán, tiêu, trầm… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới ảo ảnh luân hồi, điên đảo về ảnh, nên hòa hợp với nhớ thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng tiềm kết. Do vậy nên có yết nam có tưởng, trôi lăn trong cõi nước: thần quỷ, tinh linh… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới ngu độn luân hồi, điên đảo về si, nên hòa hợp với ngoan (ngu độn, ngoan cố) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng khô khan. Do vậy nên có yết nam không có tưởng trôi lăn trong cõi nước: các loài tinh thần hóa làm đất, cây, sắt, đá… các loài đầy dẫy.
…………………………………..
Cũng do điên đảo loạn tưởng mà có các loài có sắc, không có sắc, có tưởng, không có tưởng. Điên đảo hòa hợp với những đặc tính của thế giới khách quan bên ngoài hay bên trong mà thành loạn tưởng, dẫn dắt vào các loài.
Để tháo mở các nút này, phải tháo mở sự hòa hợp giả tạo của chúng, nghĩa là thấy chúng là vô tự tánh, vô nhân, vô trụ. Sanh tử là giả hòa hợp, vốn vô tự tánh, vô nhân, vô trụ, quán sát lâu ngày các nút thắt sẽ mở thoát.
……………………………………
Do nhân thế giới đối đãi nhau luân hồi, điên đảo về ngụy, nên hòa hợp với nhiễm thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng nhân nương vào. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng có sắc tướng mà thành sắc’ trôi lăn trong cõi nước: các loài sứa lấy con tôm làm mắt… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới tương dẫn luân hồi, điên đảo về tánh nên hòa hợp với chú thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng hô triệu. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng phải không có sắc tướng mà không sắc’ trôi lăn trong cõi nước: chú trớ, yểm sanh… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới hợp vọng luân hồi, điên đảo về ảo, nên hòa hợp với khác thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng hồi hỗ. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng phải tướng có tưởng mà thành tưởng’ trôi lăn trong cõi nước: các giống tò vò lấy chất khác mà thành… các loài đầy dẫy.
Do nhân thế giới oán hại luân hồi, điên đảo về giết nên hòa hợp với quái thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng ăn thịt cha mẹ. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng phải tướng không có tưởng mà không có tưởng’ trôi lăn trong cõi nước: như con thổ kiêu ấp đất cục làm con, chim phá kính ấp quả độc làm con, khi lớn lên lại ăn thịt cha mẹ… các loài đầy dẫy.
Đó gọi là mười hai chủng loại chúng sanh.
……………………………………
Tất cả chúng sanh dù cao dù thấp, dù lớn dù nhỏ, dù thường thấy hay kỳ dị đều có điên đảo loạn tưởng mà chịu nghiệp báo sanh vào các loài. Hiện giờ đây nếu chúng ta không biết điên đảo loạn tưởng thì chúng ta cũng đang trôi lăn trong các loài ấy.
Con đường đi ngược lại, xoay vọng tưởng trở lại nguồn tánh, chúng ta đã nói nhiều. Ở đây, khi nhìn vào mười hai loại chúng sanh dầu nhỏ nhất, dầu vì vọng tưởng điên đảo do chính mình tạo vi tế khó thấy nhất, mà đang trôi lăn luân chuyển trong sanh tử luân hồi không có ngày ra, tự nhiên lòng bi khởi lên trùm khắp, từ sinh vật lớn nhất cho đến sinh vật nhỏ nhất. Loạn tưởng điên đảo càng vi tế, càng kỳ dị thì lòng bi càng sâu thẳm; loạn tưởng điên đảo càng rộng lớn thì lòng bi càng bao la. Và chúng ta thấy rằng chỉ có hoàn toàn trở về nguồn tánh với động lực là lòng bi để có được Trí Bi ngàn mắt ngàn tay của Quán Thế Âm thì mới có thể cứu thoát tất cả chúng sanh được.
Khi nào nhìn và nghĩ chỗ nào cũng có chúng sanh, chúng ta mới bắt đầu tương ưng với đại bi của Quán Thế Âm ‘‘dưới hợp với tất cả lục đạo chúng sanh trong mười phương, cùng với tất cả chúng sanh đồng một bi ngưỡng’’.
Nhưng có phải tất cả điên đảo loạn tưởng khiến sanh ra mười hai loài chúng sanh đều sanh khởi, hiện hữu và diệt mất trong Nhất Tâm? Thế nên khi hoàn toàn xoay về để là Nhất Tâm, nơi tánh Không và đại bi là một, thì tất cả chúng sanh là mình, tất cả điên đảo loạn tưởng của chúng sanh là mình, mà kỳ diệu thay, mình chẳng bị nhiễm ô, biến đổi khác bởi vì chúng sanh và điên đảo loạn tưởng của chúng sanh cũng là như hoa đốm giữa hư không.
Hết Quyển VII