Lúc bấy giờ gần chấm dứt thời thuyết pháp, Như Lai ở nơi tòa sư tử, vịn ghế thất bảo, xoay thân tử kim sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại chúng và A Nan rằng:
Các ông là hàng Thanh Văn, Duyên Giác hữu học ngày nay hồi tâm hướng về Vô thượng Diệu Giác đại Bồ đề. Nay ta đã nói pháp tu hành chân chánh, nhưng các ông còn chưa biết những ma sự vi tế trong Xa ma tha và Tỳ bà xá na.
Nếu cảnh ma hiện ra mà các ông không thể nhận biết được thì việc tịnh hóa tâm không được đúng rồi lạc vào tà kiến. Hoặc ma ngũ ấm của ông, hoặc thiên ma, hoặc mắc quỷ thần, hoặc gặp loài ly mỵ mà trong tâm không rõ bèn nhận giặc làm con.
Lại nữa trong ấy được chút ít mà cho là đủ, như Tỳ kheo Vô Văn chứng đệ tứ thiền, vọng nói là chứng thánh, khi quả báo chư thiên hết, tướng suy hiện ra, bài báng quả A La Hán là còn phải thọ sanh bèn đọa vào địa ngục A Tỳ. Các ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ vì các ông phân biệt rành rẽ.
A Nan đứng dậy cùng hàng hữu học trong hội hoan hỷ đảnh lễ, kính nghe lời dạy từ bi của Phật.
…………………………………………
Đoạn nói về các ấm ma, các ma sự vi tế này ngài A Nan không hỏi, nhưng Đức Phật nói ra để cho đại chúng lúc ấy và chúng sanh đời sau khỏi lạc vào tà kiến mà lại nhận giặc làm con, được chút ít mà cho là đủ, uổng phí đời tu hành.
Ấm là những tập khí vọng tưởng đã tích tụ lâu ngày thành thực thể. Ấm là thủ phạm khiến cho vọng thấy, vọng biết, ‘‘không phải tướng mà cho là tướng, không phải sanh mà cho là sanh, không phải trụ mà cho là trụ, không phải tâm mà cho là tâm, không phải pháp mà cho là pháp’’.
Cho nên con đường Phật giáo là tịnh hóa năm ấm. Ở đây diễn tả con đường vượt qua năm ấm để đạt đến Niết bàn, do đó con đường được diễn đạt theo hệ thống năm ấm chứ không phải theo hệ thống Trí huệ về tánh giác, chẳng hạn như con đường nhĩ căn viên thông của Bồ tát Quán Thế Âm
……………………………………..
Phật bảo A Nan cùng cả đại chúng:
Các ông nên biết, tâm thể Bản Giác diệu minh, vốn hoàn toàn là giác của mười hai loại chúng sanh trong thế giới hữu lậu cùng mười phương chư Phật không hai không khác. Do vọng tưởng của các ông mê chân lý thành ra lỗi lầm, si ái phát sanh, sanh mê cùng khắp nên có hư không. Biến hóa ra cái mê không ngớt nên có thế giới sanh ra. Vậy thì mười phương cõi nước nhiều như vi trần, chẳng phải là vô lậu, đều là vọng tưởng mê lầm kiến lập.
Phải biết hư không sanh trong tâm ông giống như điểm mây trong bầu trời, huống chi các thế giới trong hư không ấy. Một người trong các ông phát được sự về nguồn chân thật thì hư không mười phương ấy thảy đều tiêu mất. Làm sao các cõi nước trong hư không ấy không rung động sụp đổ?
…………………………………….
Bản Giác diệu minh vốn hoàn toàn là giác của tất cả chúng sanh và chư Phật không hai không khác. Chỉ vì vọng tưởng sanh ra mê lầm càng ngày càng nhiều, càng dày đặc nặng nề mà có hư không và thế giới, như hoa đốm giữa hư không càng ngày càng có trọng lượng.
Hư không chẳng còn có, lấy đâu ra thế giới nhiều như vi trần! Cho nên phát được sự về nguồn chân thật, vẹt hết những hoa đốm hư vọng để thấy ra Bản Giác diệu minh xưa nay chưa từng che giấu thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất.
‘‘Hư không sanh trong tâm giống như một điểm mây sanh trong bầu trời, về nguồn chân thật thì hư không mười phương ấy thảy đều tiêu mất’’, thiền định thiền quán tận cùng điều này bèn giải thoát.
………………………………………..
Các ông tu thiền, trau dồi pháp Tam ma địa thì tâm thông suốt thầm hợp với các Bồ tát và Đại A La Hán vô lậu khắp mười phương, ở chỗ nào cũng trong lặng như nhiên. Còn tất cả ma vương, quỷ thần, trời người thì thấy cung điện mình không biết vì sao đổ vỡ, đất đai rung động, những loài thủy lục bay nhảy đều kinh sợ.
Hạng phàm phu tối tăm thì không biết có sự dời đổi, còn các loài kia đều được năm thứ thần thông, chỉ trừ lậu tận thông, luyến tiếc cảnh trần lao đâu để cho ông phá hoại chỗ ở. Bởi thế các loài quỷ thần, thiên ma, vọng lượng, yêu tinh đều đến quấy phá trong khi ông tu Tam muội.
Nhưng các loài ma kia tuy có giận dữ mà họ ở trong trần lao, còn các ông ở trong Diệu Giác thì cũng như gió thổi ánh sáng, như dao chặt nước, chẳng hề hấn gì. Ông như nước sôi, họ như băng cứng, vừa gần sức nóng thì chẳng bao lâu sẽ tiêu tan. Chúng ỷ suông vào thần lực, nhưng chỉ là khách. Nếu chúng có thể phá rối được là do người chủ ngũ ấm trong tâm ông. Chủ nhân mà mê lầm thì khách mới được dịp quấy phá.
Trong thiền định, biết rõ không lầm thì các ma sự kia không làm gì ông nổi. Khi năm ấm tiêu tan vào tánh sáng thì chúng tà kia là sự tối tăm sao còn dám ở lại quấy phá sự thiền định vì tối đến gần sáng thì tự tiêu mất.
Nếu không tỏ ngộ sáng suốt, bị ngũ ấm làm mê mờ thì chính A Nan là con của ma và thành người ma. Như Ma Đăng Già còn sức yếu kém, chỉ dùng chú thuật bắt ông phá hoại luật nghi của Phật, trong tám muôn hạnh chỉ phá một giới, nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên chưa bị chìm đắm. Còn bọn ma này thì phá hoại toàn thân Bảo Giác của ông, như nhà quan tể thần bỗng bị tước hết, long đong xiêu lạc không thể giải cứu.
………………………………………..
Cái tối thì tự nhiên xung khắc, chống lại ánh sáng, các loài ma thường chống phá người tu tam muội vì ánh sáng tam muội có hại cho họ. Nhưng họ chỉ quấy phá được khi năm ấm nơi hành giả có sự hỗ trợ, tiếp ứng. Người chủ năm ấm mà mê lầm thì khách ma mới có dịp quấy phá. Nếu năm ấm tiêu tan vào tánh sáng của bản tâm thì các ma chẳng làm gì được. An trụ ông chủ thật, thì khách không còn cơ hội.
Cho nên vấn đề là an trụ nơi Bảo Giác, không nghe theo lời dụ dổ của ma. Càng an trụ trong tánh giác bao nhiêu, tánh sáng càng bày lộ bấy nhiêu, ma càng tiêu bấy nhiêu.
Năm ấm tiêu tan vào tánh sáng, sanh tử tiêu tan vào Niết bàn. Nhưng năm ấm không chịu tiêu tan, sanh tử không chịu tiêu tan, và những thế lực cả trong lẫn ngoài duy trì cho năm ấm và sanh tử cưỡng chống lại sự tiêu tan, những thế lực ấy là ma.
Trên con đường ‘‘xoay nghe, nghe tự tánh’’ này có lắm chướng ngại vừa cản trở, vừa làm lầm lạc. Người tu hành phải biết rõ để vượt qua.