Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

 LXXIX. PHẨM VÔ KHUYẾT

01

 

 

 

Bấy giời cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Như Đại Bồ-tát tuy tinh tấn tu hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; an trụ nội Không cho đến vô tính tự tính Không; an trụ chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; tu hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ; tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; tu hành tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; tu hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát; tu hành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Nhưng nếu đạo Bồ-đề tu chưa được viên mãn thì chẳng thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.

Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nên tu đạo Bồ-đề như thế nào để được viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đầy đủ phương tiện thiện xảo thù thắng, do lực phương tiện thiện xảo này, nên khi tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng thấy có sự bồ thí, chẳng thấy người thí, chẳng thấy người thọ thí, cũng chẳng lìa các pháp như vậy mà hành bồ thí Ba-la-mật-đa. Khi Đại Bồ-tát ấy bố thí như vậy, thì có khả năng chiếu sáng ba đạo Bồ-đề, tu đạo Bồ-đề sớm được thành tựu.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo tu đạo Bồ-đề làm cho viên mãn, thì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề .

Như vậy, Thiện Hiện! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đầy đủ phương tiện thiện xảo thù thắng, do lực phương tiện thiện xảo này, nên tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến tu tất cả hạnh Đại Bồ-tát và Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đều nên nói rộng tùy theo sở thích của vị ấy.

Bấy giờ, cụ thọ Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dũng mãnh, chuyên cần chơn chánh tu đạo Bồ-đề?

Phật bảo:

- Này Xá-lợi Tử! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo, chẳng hòa hợp sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng lìa xa sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng hòa hợp nhãn xứ cho đến ý xứ; chẳng lìa xa nhãn xứ cho đến ý xứ. Chẳng hòa hợp sắc xứ cho đến pháp xứ; chẳng lìa xa sắc xứ cho đến pháp xứ. Chẳng hòa hợp nhãn giới cho đến ý giới; chẳng lìa xa nhãn giới cho đến ý giới. Chẳng hòa hợp sắc giới cho đến pháp giới; chẳng lìa xa sắc giới cho đến pháp giới. Chẳng hòa hợp nhãn thức giới cho đến ý thức giới; chẳng lìa xa nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Chẳng hòa hợp nhãn xúc cho đến ý xúc; chẳng lìa xa nhãn xúc cho đến ý xúc. Chẳng hòa hợp nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ; chẳng lìa xa nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Chẳng hòa hợp địa giới cho đến thức giới; chẳng lìa xa địa giới cho đến thức giới. Chẳng hòa hợp nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; chẳng lìa xa nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Chẳng hòa hợp các pháp từ duyên sanh ra; chẳng lìa xa các pháp từ duyên sanh ra. Chẳng hòa hợp vô minh cho đến lão tử; chẳng lìa xa vô minh cho đến lão tử. Vì sao vậy? Vì các pháp như vậy đều không có tự tánh để hợp, để lìa.

Này Xá-lợi Tử! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo, chẳng hòa hợp bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng lìa xa bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hòa hợp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; chẳng lìa xa nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Chẳng hòa hợp chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; chẳng lìa xa chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng hòa hợp Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; chẳng lìa xa Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Chẳng hòa hợp bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; chẳng lìa xa bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Chẳng hòa hợp bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chẳng lìa xa bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Chẳng hòa hợp tám giải thoát cho đến mười biến xứ; chẳng lìa xa tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Chẳng hòa hợp pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; chẳng lìa xa pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Chẳng hòa hợp Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; chẳng lìa xa Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Chẳng hòa hợp Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; chẳng lìa xa Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Chẳng hòa hợp tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; chẳng lìa xa tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Chẳng hòa hợp năm loại mắt, sáu phép thần thông; chẳng lìa xa năm loại mắt, sáu phép thần thông. Chẳng hòa hợp mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng lìa xa mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Chẳng hòa hợp ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; chẳng lìa xa ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Chẳng hòa hợp pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; chẳng lìa xa pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Chẳng hòa hợp trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng lìa xa trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Chẳng hòa hợp quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề; chẳng lìa xa quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Chẳng hòa hợp tất cả hạnh Đại Bồ-tát; chẳng lìa xa tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Chẳng hòa hợp Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; chẳng lìa xa Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. vì sao vậy? Vì các pháp như vậy đều không có tự tánh để hợp, để lìa.

Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì dũng mãnh, chuyên cần chơn chánh tu đạo Bồ-đề như vậy.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều không có tự tánh để hợp, để lìa thì tại sao Đại Bồ-tát hướng đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu học? Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát không học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không bao giờ đắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.

Phật bảo:

- Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu Đại Bồ-tát không học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không bao giờ đắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề phải có phương tiện thiện xảo thì mới chứng được, chẳng phải không có phương tiện thiện xảo mà có thể chứng được.

Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu thấy có tự tánh của pháp để đắc thì nên chấp giữ; còn chẳng thấy có tự tánh của pháp để đắc thì chấp giữ cái gì? Nghĩa là chẳng chấp thủ đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa. Đây là sắc cho đến thức. Đây là nhãn xứ cho đến ý xứ. Đây là sắc xứ cho đến pháp xứ. Đây là nhãn giới cho đế ý giới. Đây là sắc giới cho đến pháp giới. Đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Đây là nhãn xúc cho đến ý xúc. Đây là nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Đây là địa giới cho đến thức giới. Đây là nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Đây là các pháp từ duyên sanh ra. Đây là vô minh cho đến lão tử. Đây là nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Đây là chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Đây là Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Đây là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Đây là bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đây là tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Đây là pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Đây là Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Đây là Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Đây là tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Đây là năm loại mắt, sáu phép thần thông. Đây là mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Đây là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Đây là pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Đây là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đây là quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Đây là tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Đây là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đây là Dị sanh. Đây là Thanh văn. Đây là Độc giác. Đây là Bồ-tát. Đây là Như Lai.

                                

Xem mục lục