Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục
LXVIII. PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

04

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Do nhân duyên gì mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đến bờ rốt ráo bên kia của tất cả các pháp, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai có thể đến bờ bên kia, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa phân tích các pháp nhỏ hơn cực vi, hoàn toàn không thấy một vật nhỏ nào thật sự có thể nắm bắt được, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bao hàm chơn như, pháp giới, pháp tánh, nói rộng cho đến cảnh giới bất tư nghì, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không có pháp nhỏ nào hoặc hợp, hoặc tan, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có thấy, hoặc không thấy, hoặc hữu đối, hoặc vô đối, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng hợp, chẳng tan, không sắc, không thấy, không có một tướng đối lập nên gọi là vô tướng.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh ra tất cả thiện pháp vi diệu, có thể phát sanh tất cả trí tuệ biện tài, có thể đem đến tất cả an lạc thế gian và xuất thế gian, có thể thông đạt nghĩa lý sâu xa của tất cả các pháp cho nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có ý nghĩa chắc thật không thể lay động hư hoại. Nếu Đại Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì tất cả ác ma và quyến thuộc của ma, Thanh văn, Độc giác, ngoại đạo, Phạm-chí, bạn ác, kẻ thù đều không thể phá hoại. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói tự tướng của tất cả các pháp đều là không, các ác ma v.v... đều bất khả đắc, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát phải thật sự làm theo nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nghĩa là quán thấy tự tướng tất cả các pháp đều là không, nên tất cả ác duyên không thể lay động phá hoại.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nào muốn thực hành theo nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì phải thực hành nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, nghĩa tịch tịnh, nghĩa viễn ly. Phải thực hành nghĩa tuệ khổ, tập, diệt, đạo. Phải thực hành nghĩa trí của khổ, tập, diệt, đạo. Phải thực hành nghĩa Pháp trí, Loại trí, Tha tâm trí. Phải thực hành nghĩa Thế tục trí, Thắng nghĩa trí. Phải thực hành Nghĩa tận trí, Vô sanh trí. Phải thực hành nghĩa Tận sở hữu trí, Như sở hữu trí.

Thiện Hiện! Để thực hành theo nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ở trong nghĩa lý sâu xa vi diệu của Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nghĩa và phi nghĩa đều bất khả đắc. Vì sao để thực hành theo nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát  phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Để thực hành theo nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát phải nghĩ: Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tham, ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của sân, ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của si, ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tà kiến, ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tà định, ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tất cả kiến thủ. Vì sao? Vì chơn như thật tế của tham dục, sân hận, ngu si, tà kiến, tà định, cho đến tất cả kiến thủ không phải là nghĩa hoặc phi nghĩa đối với các pháp.

Lại nữa, Thiện Hiện! Để thực hành theo nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát phải nghĩ như vầy: Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của sắc, ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của thọ, tưởng, hành, thức. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của nhãn xứ cho đến ý xứ. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của sắc xứ cho đến pháp xứ. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của nhãn giới cho đến ý giới. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của sắc giới cho đến pháp giới. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của nhãn xúc cho đến ý xúc. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của địa giới cho đến thức giới. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của vô minh cho đến lão tử. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của năm loại mắt, sáu phép thần thông. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp. Ta không nên thực hành pháp nghĩa hoặc phi nghĩa của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Ta không nên thực hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Ta không nên thực hành nghĩa hoặc phi nghĩa của trí nhất thiết trí. Vì sao? Thiện Hiện! Vì khi đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề Như Lai tìm nghĩa và phi nghĩa của tất cả các pháp đều không thể được.

Thiện Hiện nên biết: Dù Như Lai có ra đời hay không ra đời, thì pháp tánh, pháp trụ, pháp định, pháp nhĩ của các pháp đều thường trụ, với các pháp không có pháp nào là nghĩa hoặc phi nghĩa.

Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên lìa tất cả sự chấp trước nghĩa hoặc phi nghĩa để thực hành nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Tại sao Bát-nhã ba-la-mật-đa không phải là nghĩa hoặc phi nghĩa đối với các pháp.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Vì muốn chứng đắc pháp vô vi, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không là nghĩa hoặc phi nghĩa đối với các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Há không phải tất cả Hiền Thánh đều lấy pháp vô vi làm thắng nghĩa sao?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói, tất cả Hiền Thánh đều dùng pháp vô vi làm thắng nghĩa, nhưng pháp vô vi không tăng, không giảm đối với các pháp.

Thiện Hiện! Giống như hư không, chơn như, pháp giới không tăng, không giảm đối với các pháp. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà các Đại Bồ-tát thực hành cũng không tăng, không giảm đối với các pháp. Vì thế Bát-nhã ba-la-mật-đa không là nghĩa hoặc phi nghĩa đối với các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Lẽ nào các Đại Bồ-tát không cần học Bát-nhã ba-la-mật-đa vô vi mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí sao?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Các Đại Bồ-tát cần học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, vì dùng pháp không hai làm phương tiện.

Thiện Hiện lại hỏi:

- Dùng pháp không hai chứng đắc pháp không hai phải không?

Phật bảo:

- Không phải.

Thiện Hiện lại hỏi:

- Dùng pháp không hai để chứng đắc pháp không hai phải không?

Phật bảo:

- Không phải.

Thiện Hiện thưa:

- Nếu không dùng pháp đối đãi và pháp không hai để chứng đắc pháp không hai thì các Đại Bồ-tát phải làm sao để chứng đắc trí nhất thiết trí?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Pháp đối đãi và pháp không hai đều bất khả đắc. Cho nên không thể dùng pháp đối đãi hoặc pháp không hai để chứng đắc trí nhất thiết trí. Nhưng pháp không sở đắc có thể chứng đắc không sở đắc. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và trí nhất thiết trí đều bất khả đắc.

 

Xem mục lục