1. Pháp giới là biển đại bi
Nơi một Đức Phật, trí huệ và từ bi hợp nhất. Đức Phật Thích-ca, cũng tức là Phật Tỳ-lô-giá-na, là sự thành tựu của trí huệ và từ bi hợp nhất, do phát nguyện và tu hành từ thuở xưa:
Xưa với chúng sanh khởi đại bi
Tu hành bố thí ba-la-mật
Do đây thân Phật rất tốt đẹp
Chúng sanh thấy Phật đều mừng rỡ.
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Pháp giới Hoa Nghiêm được trang nghiêm bằng trí huệ, từ bi và công đức của Ba thân Phật Tỳ-lô-giá-na hay Đức Phật Thích-ca.
“Hoa tạng thế giới hải này được nghiêm tịnh là do Tỳ-lô-giá-na Như Lai, thuở xưa lúc tu Bồ-tát hạnh trải qua thế giới hải vi trần số kiếp, trong mỗi kiếp gần gũi vi trần số Phật, nơi mỗi Phật tu tập vi trần số đại nguyện thanh tịnh…
Thế Tôn thuở xưa nơi các cõi
Chỗ chư Phật ngự tu tịnh nghiệp
Nên được các thứ bửu quang minh
Hoa Tạng trang nghiêm thế giới hải.
Từ bi rộng lớn khắp tất cả
Xả thân vô lượng số vi trần
Do lực tu hành xưa nhiều kiếp
Nay thế giới này không cấu nhiễm.
Phóng đại quang minh trụ không gian
Phong luân nhiếp trì không dao động
Phật tạng ma-ni khắp nghiêm sức
Nguyện lực Như Lai khiến thanh tịnh…
Những vi trần trong Hoa Tạng giới
Trong mỗi mỗi trần thấy pháp giới
Bửu quang hiện Phật như mây nhóm
Chư Phật như vậy cõi tự tại.
Nguyện lực rộng lớn khắp pháp giới
Trong tất cả kiếp độ chúng sanh
Hạnh nguyện Phổ Hiền trí đều thành
Tất cả trang nghiêm do đây có.
(Phẩm Hoa Tạng thế giới, thứ 5)
Từ bi là bản chất của Phật Tỳ-lô-giá-na và cũng của tất cả chư Phật:
“Tất cả chư Phật dùng lực đại từ trang nghiêm thân mình, là phước điền đệ nhất, là bực thọ cúng vô thượng, thương xót tất cả chúng sanh làm cho họ đều thêm lớn vô lượng phước đức trí huệ. Đây là công đức đại từ đại bi trang nghiêm tối thắng vô thượng thứ mười của Phật” (Phẩm Phật bất tư nghì pháp, thứ 33).
“Dùng lực đại từ đại bi trang nghiêm thân mình”, mà thân mình là toàn bộ pháp giới, nên pháp giới Hoa Nghiêm chính là sự trang nghiêm bằng từ bi của Phật. Lực đại từ đại bi trang nghiêm ấy được gọi là thần thông lực:
Từ bi rộng lớn khắp chúng sanh
Dùng đây trang nghiêm các cõi nước…
Mọi cõi nước tâm phân biệt thấy
Quang minh soi chiếu mà hiện ra
Chư Phật ở trong những cõi ấy
Nơi nơi thị hiện thần thông lực.
Tất cả vi trần mọi cõi nước
Trong mỗi vi trần Phật đều nhập
Khắp vì chúng sanh hiện thần thông
Tỳ-lô-giá-na pháp như vậy.
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4)
Pháp giới là biển trí huệ, biển đại từ bi, biển công đức của Phật có trong tất cả các thế giới, thậm chí trong mỗi vi trần.
Câu nói đặc trưng của kinh Hoa Nghiêm, “Một là tất cả, tất cả là một”, riêng về mặt từ bi, cho chúng ta thấy cái “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” mà các kinh Đại thừa thường nói, và nói theo phẩm Như Lai xuất hiện thứ 37, đó là “từ bi tánh khởi”.
2. Hạnh Bồ-tát là tương ưng với từ bi có sẵn của pháp giới
Ngay từ ban đầu, hành giả thực hành tâm từ bi trong đời sống hàng ngày. Từ bi ấy đi liền với trí huệ:
“Nếu Bồ-tát khéo dụng tâm thì được tất cả công đức thắng diệu, được tâm vô ngại nơi Phật pháp, được trụ nơi đạo của chư Phật ba đời, thuận với chúng sanh hằng không rời bỏ, đều có thể thông đạt các pháp tướng, dứt tất cả điều ác, đầy đủ tất cả điều lành, sẽ được hình sắc đệ nhất như Phổ Hiền, đầy đủ tất cả hạnh nguyện, với tất cả pháp đều được tự tại, sẽ là đạo sư thứ hai của chúng sanh” (Phẩm Tịnh hạnh, thứ 11)
Sự thực hành từ bi bằng cách nghĩ đến chúng sanh trong mọi hành động; ở đây trích ra một ít câu trong hơn ngàn câu:
“Bồ-tát ở nhà nên nguyện chúng sanh biết nhà tánh Không, khỏi sự bức ngặt. Hiếu thờ cha mẹ nên nguyện chúng sanh kính thờ chư Phật hộ dưỡng tất cả. Vợ con hội họp nên nguyện chúng sanh oán thân bình đẳng, lìa hẳn tham bám. Kỹ nhạc tụ hội nên nguyện chúng sanh vui nơi chánh pháp rõ nhạc chẳng thật… Nếu trải giường tòa nên nguyện chúng sanh trải mở pháp lành, thấy tướng chân thật. Lúc để chân đứng yên nên nguyện chúng sanh tâm được giải thoát an trụ bất động. Lúc dở chân lên nên nguyện chúng sanh khỏi biển sanh tử đủ các pháp hành. Lúc đại tiểu tiện nên nguyện chúng sanh bỏ tham sân si dẹp trừ tội lỗi” (Phẩm Tịnh hạnh, thứ 11)
Chúng ta thấy người tu Bồ-tát làm gì cũng nguyện, thấy gì cũng nguyện, gặp gì cũng nguyện. Nguyện mọi lúc mọi nơi cho đến khi tương ưng được với pháp giới là biển đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền và cũng là của tất cả chư Phật.
Cho đến vào các địa thì vẫn “lấy đại bi làm đầu”, “lập chí quảng đại phát sanh trí biết rộng lớn, lòng từ bi luôn hiện tiền, vì cầu Phật trí… vì được Phật pháp bình đẳng, vì cứu tất cả thế gian”. (Sơ địa, trong phẩm Thập địa, thứ 26).
Cho đến địa thứ 9, để vào địa thứ 10: “…dùng vô lượng trí huệ quán sát giác liễu như vậy rồi, khéo tư duy tu tập, khéo đầy đủ thiện pháp, nhóm vô biên pháp trợ đạo, thêm lớn đại phước đức trí huệ, rộng thi hành đại bi, biết thế giới sai biệt, nhập cảnh giới Như Lai, tùy thuận hạnh tịch diệt của Như Lai, gọi là được thọ chức vị Nhất thiết chủng trí”. (Phẩm Thập địa, thứ 26)
Đại bi không bao giờ thiếu trong tất cả các địa, và từ bi càng rộng lớn sâu thẳm bao nhiêu thì càng nhiếp và nhập pháp giới rộng sâu bấy nhiêu.
Người tu Bồ-tát hạnh để nhập pháp giới thì “phát tâm đại từ vì cứu hộ tất cả chúng sanh, phát tâm đại bi vì chịu khổ thay cho tất cả chúng sanh” (Phẩm Ly thế gian, thứ 38)
“Đại Bồ-tát dùng mười pháp quán chúng sanh mà khởi đại bi:
Quán sát chúng sanh không có nơi nương tựa mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh tâm chẳng điều thuận mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh nghèo khó không căn lành mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh mãi ngủ mê mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh làm pháp bất thiện mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh bị dục trói buộc mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh chìm trong biển sanh tử mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh mãi mang bệnh khổ mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh không muốn pháp lành mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sanh mất những Phật pháp mà khởi đại bi.
Bồ-tát hằng dùng tâm này quán sát chúng sanh”.
(Phẩm Ly thế gian, thứ 38)
Nhờ trí huệ soi thấu bản tánh của tất cả các pháp và từ bi ôm trùm tất cả chúng sanh mà tâm Bồ-tát sâu rộng cùng khắp, thể nhập pháp giới cùng khắp.
“Đại Bồ-tát có mười tâm cùng khắp:
Tâm cùng khắp tất cả hư không, vì phát tâm rộng lớn.
Tâm cùng khắp tất cả pháp giới, vì thâm nhập cái vô biên.
Tâm cùng khắp tất cả ba đời, vì một niệm đều biết rõ.
Tâm cùng khắp tất cả sự biểu lộ của chư Phật vì biết rõ sự nhập thai, sanh ra, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn.
Tâm cùng khắp tất cả chúng sanh, vì biết rõ căn dục tập khí.
Tâm cùng khắp tất cả trí huệ, vì tùy thuận biết rõ pháp giới.
Tâm cùng khắp tất cả vô biên, vì biết những sai biệt của lưới huyễn.
Tâm cùng khắp tất cả vô sanh, vì các pháp tự tánh bất khả đắc.
Tâm cùng khắp tất cả vô ngại, vì chẳng trụ tự tâm tha tâm.
Tâm cùng khắp tất cả vì một niệm khắp hiện thành Phật”.
(Phẩm Ly thế gian, thứ 38).
Với tâm mở rộng cùng khắp do trí huệ và từ bi, Bồ-tát ngộ nhập pháp giới Hoa Nghiêm vốn là trí bi đã thành tựu của Phật Tỳ-lô-giá-na. Trí huệ và từ bi của Bồ-tát mở rộng cùng khắp, ngộ nhập pháp giới, tức là ngộ nhập “tâm, Phật, chúng sanh; cả ba không sai khác” (phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20), sự đồng nhất đã làm nên pháp giới.
3. Thế giới là từ bi
Kinh Hoa Nghiêm nói Lý Sự vô ngại. Lý là đồng thể từ bi của Phật Tỳ-lô-giá-na, rộng khắp pháp giới mà kinh thường nói là biển đại bi, biển đại hạnh, biển đại nguyện. Sự là thế giới sự vật chúng ta đang kinh nghiệm, hữu hạn và vô thường. Lý Sự vô ngại là biển đại từ bi của Phật Tỳ-lô-giá-na thấm nhập khắp trong tất cả và mỗi một sự vật.
Sự vật nào cũng được trang nghiêm bằng trí huệ và từ bi của Phật:
Tất cả Như Lai ở ba đời
Thần thông hiện khắp biển thế giới
Trong mỗi sự có tất cả Phật
Hãy ngắm nhìn sự trang nghiêm ấy.
Kiếp quá khứ vị lai hiện tại
Mười phương tất cả các cõi nước
Mọi sự trang nghiêm ở trong đó
Đều thấy trong mỗi một cõi nước.
Vô lượng Phật trong tất cả sự
Số đồng chúng sanh khắp thế gian
Vì chỉ dạy họ hiện thần thông
Dùng đây trang nghiêm biển thế giới.
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).
Chúng sanh chúng ta đang sống trong từ bi của Phật. Từ bi ấy biểu lộ, thị hiện thành thế giới:
Từ bi thanh tịnh số vi trần
Cộng sanh một tướng của Như Lai
Mỗi mỗi tướng hảo đều như vậy
Do đây nhìn Phật không nhàm đủ.
Phật trong tất cả mười phương cõi
Vắng lặng bất động không đến đi
Đều khiến chúng sanh thấy thân Phật
Như Lai cảnh giới vô biên lượng.
Thế Tôn quang minh không cùng tận
Chiếu khắp pháp giới chẳng nghĩ bàn
Phật xưa tu tập môn đại bi
Tâm Phật rộng khắp đồng chúng sanh
Giống như mây lớn hiện thế gian
Tất cả mười phương các cõi nước.
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Từ bi “hiện khắp biển thế giới” hiện diện trong mỗi sự, “trong mỗi sự có tất cả Phật”. Thế giới này là sự biểu lộ tâm từ bi của chư Phật, đây là sự “chỉ dạy cho chúng sanh nên hiện thần thông”.
“Hãy ngắm nhìn sự trang nghiêm ấy”, thấy được sự trang nghiêm của mỗi sự vật là thấy được từ bi của chư Phật, và do đó hòa tan vào biển Trí Bi của chư Phật, hay Tỳ-lô-giá-na.
Sự vật là từ bi. Trật tự của sự vật là từ bi. Sự trang nghiêm thanh tịnh của sự vật và của thế giới là từ bi. Nếu chúng ta học được sự “chỉ dạy của Phật” là tâm từ bi đang hiển bày khắp tất cả thế giới này, chúng ta bèn đi vào pháp giới Hoa Nghiêm của chư Phật.
Ở đây chúng ta hiểu thêm một nghĩa nữa, trong rất nhiều nghĩa, của từ Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là trang nghiêm bằng hoa. Trang nghiêm sự vật và thế giới bằng hoa, hoa ấy chính là đại từ đại bi của chư Phật.
“Hãy ngắm nhìn sự trang nghiêm ấy”. Ngắm nhìn tức là thiền định và thiền quán trực tiếp. Bằng ngắm nhìn hay thiền định thiền quán trực tiếp thế giới này chúng ta có thể thấy ra pháp giới Hoa Nghiêm là đại từ đại bi của chư Phật.