Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

35. Trược thế ác khổ

 Chánh kinh: Phật bảo Di Lặc:

- Các ông nếu như có thể trong đời này đoan tâm chánh ý, chẳng làm các điều ác thì thật là đại đức. Vì sao vậy? Mười phương thế giới thiện nhiều ác ít, dễ bề khai hóa. Chỉ có thế gian ngũ ác này là khổ sở nhất. Ta nay làm Phật trong cõi này, giáo hóa quần sanh khiến bỏ năm sự ác, trừ năm sự đau, lìa năm sự đốt; hàng phục, giáo hóa tâm ý của họ, khiến họ vâng giữ năm điều lành, đạt được phước đức. Những gì là năm?

 Giải: Phẩm này giảng rõ sự ác khổ trong cõi đời ô trược này. Ác là ngũ ác, khổ là năm điều đau đớn, năm điều thiêu đốt. Phật khuyên dạy chúng sanh bỏ ác làm lành hầu lìa khổ, được vui.

Tịnh Ảnh Sớ chép: ‘Năm giới để ngăn ngừa năm sự ác là giết chóc, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Tạo năm điều ác ấy thì hiện đời bị vương pháp trị tội, thân gặp ách nạn nên bảo là năm sự đau đớn. Do năm điều ác đó trong đời vị lai sẽ chịu quả báo trong tam đồ nên gọi là năm sự đốt’. Ngũ ác là nhân của sự ác. Năm điều đau đớn là hoa báo, năm điều thiêu đốt là quả báo.

Gia Tường Sớ lại giảng năm điều ác như sau: ‘Vì sao chỉ nói đến năm điều này? Do thế nhân thích gây tạo [năm điều ấy] nên mới riêng nêu lên’.

‘Ðoan tâm chánh ý’ là tâm chơn chánh, ý chơn thành, khéo giữ gìn ý niệm của mình, xa lìa ba độc, chẳng tưởng đến việc tà ác. Ngài Nghĩa Tịch lại giảng: ‘Hướng đến Bồ Ðề là đoan tâm, chẳng cầu việc khác là chánh ý’. Hiểu như vậy là hiểu ở mức độ càng sâu hơn nữa bởi chỉ có hướng đến Bồ Ðề mới là ‘đoan tâm’, chẳng hề cầu mong điều gì khác là ‘chánh ý’. Nếu có thể đoan chánh thân tâm như vậy thì tự nhiên chẳng làm các điều ác nên bảo là ‘thật là đại đức’. ‘Ðại đức’ là đức đến cùng tột.

Ngài Gia Tường giảng câu ‘thiện nhiều, ác ít, dễ khai hóa nổi’ như sau: ‘Trong các cõi khác có nhiều duyên thù thắng, thiện báo càng mạnh mẽ, thù thắng hơn nên dễ làm lành. Cõi này chẳng có hai duyên ấy. “Khai hóa” là Phật khai ngộ, giáo hóa vậy’. Tiếp đó, ý nghĩa của cả đoạn từ câu ‘chỉ có cái thế gian’ đến ‘lìa năm sự đốt’ đã quá rõ.

Gia Tường Sớ giảng câu ‘hàng phục, giáo hóa tâm ý của họ, khiến họ vâng giữ năm điều lành’ như sau: ‘Hàng phục, giáo hóa tâm ý của họ nhằm làm cho tâm họ nhập đạo, vâng giữ năm điều lành, thuận theo lời dạy tu hành’.

Ngài Tịnh Ảnh và ngài Gia Tường đều cho rằng ‘ngũ thiện’ chính là ngũ giới. ‘Phước đức’ là phước lợi đạt được bởi thiện hạnh. Gia Tường Sớ ghi: “Ðạt được phước đức” là nêu lên cả hai quả gần và xa để thành cái hạnh’.

“Quả gần” là như Tịnh Ảnh Sớ bảo: ‘Do trì ngũ giới nên trong đời hiện tại thân yên ổn không khổ’.

“Quả xa” là được sanh về Cực Lạc, quyết định chứng Niết Bàn như Tịnh Ảnh Sớ bảo: ‘Ðời sau gặp Di Ðà, rốt cuộc chứng Niết Bàn’. Ðời này an lạc, thân sau vãng sanh nên bảo là ‘đạt được phước đức’.

 Chánh kinh: Thứ nhất là các loài chúng sanh trong thế gian muốn làm các điều ác: kẻ mạnh hiếp yếu, chế ngự, giết chóc lẫn nhau, tàn hại, sát thương, ăn nuốt lẫn nhau, chẳng biết làm lành, sau chịu ương phạt. Bởi thế có kẻ nghèo cùng, ăn mày, cô độc, điếc, mù, câm, ngọng, si ác, dặt dẹo, cuồng dại; đều là do đời trước chẳng tin đạo đức, chẳng ưng làm lành. Những kẻ tôn quý, giàu sang, hiền minh, trưởng giả, trí dũng, tài năng thông đạt đều là do đời trước từ hiếu, tu thiện, tích đức cảm thành. Thế gian có những chuyện sờ sờ trước mắt như thế.

Sau khi hết tuổi thọ, vào chốn u minh, chuyển sanh thọ thân, thay hình đổi nẻo nên mới có Nê Lê, cầm thú, các loài: ngọ nguậy, bay bổng, bò, trườn. Thí như chốn tù ngục theo pháp luật thế gian, cực hình thật khổ. Hồn thần, mạng tinh theo tội mà hướng về, chịu lấy thọ mạng hoặc dài hay ngắn, theo nhau cùng sanh để báo đền lẫn nhau. Ương ác chưa hết trọn chẳng thoát nổi.

Xoay vần trong ấy bao kiếp khó ra, khó được giải thoát, đau đớn không nói nổi! Trong vòng trời đất, tự nhiên có như thế, tuy chẳng báo ứng rầm rộ ngay lập tức mà thiện ác rồi sẽ quy kết cả.

 Giải: Trong những điều ác, trước hết, Phật dạy về cái ác sát sanh. Thái Hiền nói: ‘Ðiều thế gian sợ hãi nhất là chết, điều tổn hại người khác nhất là đoạt mạng’. Cái người ta sợ nhất là chết, cái người ta quý nhất là mạng. Bởi đó, sát hại mạng kẻ khác là điều ác lớn nhất. Chẳng phải chỉ mình Phật giáo mà các tôn giáo khác cũng cấm giết người.

Ðầu tiên, kinh văn nói đến sự ác giết chóc. Kinh chép: ‘Kẻ mạnh hiếp yếu, chế ngự, giết chóc lẫn nhau, tàn hại, sát thương, ăn nuốt lẫn nhau’. Sách Hội Sớ viết: ‘Kẻ mạnh hiếp yếu: Kẻ giết chóc là “kẻ mạnh”, kẻ bị giết là “yếu”. Người hay thú cũng thế. “Chế ngự, giết chóc lẫn nhau”: Như chim sẻ nuốt bọ ngựa, người lại giết chim nên bảo là “lẫn nhau”.

‘Tàn hại’ là hung tàn, làm thương tổn. ‘Sát thương’ là giết cho chết hay làm cho thân kẻ khác bị thương tích. Rắn nuốt cóc, cóc lại ăn giun đất nên bảo là ‘ăn nuốt lẫn nhau’. Những câu trên đây đều nói đến điều ác sát sanh.

Cả đoạn kinh từ ‘chẳng biết làm lành’ cho đến ‘chẳng ưng làm lành’ đều nói lên lỗi hại của việc tạo ác. Ðã làm đủ mọi điều ác lại còn sát hại sanh mạng nên phải chịu quả báo ‘nghèo nàn, ăn xin… cuồng dại’. ‘Ăn xin’ là kẻ ăn mày xin cơm sống qua ngày.

Sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa giảng chữ ‘cô độc’ như sau: ‘Không cha là cô, không con là độc’. Ngài Cảnh Hưng nói: ‘Cô là không cha mẹ, độc là không con cái’.

‘Ðiếc’ là tai không nghe được tiếng; ‘mù’ là mắt chẳng thấy được. ‘Câm’ là miệng chẳng phát ra tiếng được. ‘Ngọng’ là tuy phát ra tiếng, nhưng lưỡi chẳng động nên chẳng thể nói ra tiếng được. ‘Si’ là ngu si, si ngốc. ‘Ác’ là hung ác chẳng lành. ‘Dặt dẹo’ là yếu đuối, tật nguyền, choắt cheo. ‘Cuồng dại’ là điên khùng. Ðấy đều là những ‘ương phạt’ do ‘chẳng tin đạo đức, chẳng ưng làm lành’. Ương là tai họa, ‘phạt’ là tội lệ.

Tiếp đó, kinh nói những điều như giàu sang, trí dũng... để biểu thị những điều đạt được do làm lành nhằm càng làm rõ thêm những tổn thất do ác nghiệp gây ra.

‘Tôn quý, giàu sang’ là người phú quý trong thế gian. ‘Hiền minh, trí dũng, tài năng thông đạt’ là bậc hiền trí trong loài người.

Chữ ‘trưởng giả’ là tiếng gọi chung để chỉ bậc đủ cả hai thứ: tài sản và đức hạnh. ‘Trưởng giả’ cũng là tiếng để gọi bậc cao tuổi giàu có. Người hiền trí, phú quý trong đời đều do trong đời quá khứ từng từ ái, tận hiếu ‘tu thiện, tích đức’ nên đạt được như thế.

Trên đây, kinh đã nói đến nhân quả chẳng hư dối, là những điều thế gian có thể thấy được.

Những thứ ương phạt như ‘nghèo cùng, ăn mày’ cho đến ‘dặt dẹo, cuồng dại’ là những loại dễ thấy trong đời, nhưng mấy ai biết rằng ‘sau khi tuổi thọ hết’, nỗi khổ sở còn nặng nề hơn nữa. Từ câu ‘vào chốn u minh’ trở đi, kinh nói thẳng vào những tội khổ.

‘U minh’ còn thường gọi là “minh đồ” (đường tăm tối), “minh giới” (cõi tối tăm) là danh từ chỉ chung cả ba đường ác, cũng là chữ để chỉ riêng quỷ giới và địa ngục; chẳng hạn như sách Hội Sớ ghi: ‘U minh tức là minh đồ, suối vàng’.

Câu ‘chuyển sanh thọ thân, đổi hình thay nẻo’ được sách Hội Sớ giảng: ‘Thoát thân người, chịu thân quỷ, súc sanh v.v… nên bảo là “chuyển sanh thọ thân”. Chuyển biến trong tứ sanh nên bảo là “đổi hình”. Sống chết trong sáu đường nên bảo là “thay nẻo”.

“Tứ sanh’ là noãn, thai, thấp, hóa, chẳng hạn như: bỏ thân chim sẻ mang thân chó nên gọi là ‘đổi hình’. Lại như bỏ thân người khoác thân chó, tức là từ nhân đạo chuyển sanh vào súc sanh đạo nên gọi là ‘thay nẻo’. Chúng sanh xoay vần trong sáu đường. ‘Nê Lê’ chính là địa ngục.

Ngài Gia Tường giảng câu: ‘Thí như chốn lao ngục theo pháp luật thế gian cực hình rất khổ’ như sau: “Ví như pháp vua” là dẫn thí dụ để so sánh: Trước là báo nhẹ, sau là khổ nặng, giống như pháp vua trị tội: trước hết là gông xiềng, sau hạ chỉ giết đi. Trước là hiện báo, sau vào địa ngục nên bảo là “cực hình”.

Ý ngài nói: Làm ác chịu báo, trước là thọ quả báo nhẹ trong hiện đời; thân sau lại chịu trọng báo giống như phép vua trừng trị tội phạm: Trước hết nhốt vào ngục, thân bị gông xiềng, chịu đựng các khổ lớn. Những điều ấy ví như chịu các khổ báo nơi thân hiện tại. Tối hậu mới dùng đến cực hình, giết mất sanh mạng. Chữ ‘cực hình’ để ví cõi địa ngục. Nỗi khổ trong địa ngục như lửa nung đốt thân. Lại sau khi chết đi, đọa vào tam đồ bèn có Nê Lê, cầm thú, côn trùng… Ðịa ngục khổ nhất nên gọi là ‘cực hình’.

Chữ ‘hồn thần, mạng tinh’ trích theo bản Hán dịch, bản Ngụy dịch ghi là ‘hồn thần tinh thức’.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng: ‘Có thuyết nói thức thứ sáu gọi là hồn thần, thức thứ tám gọi là tinh thức’. Như vậy, ở đây chữ ‘mạng tinh’ chỉ thức thứ tám, tức là A Lại Da thức.

Do nó làm vị chủ nhân đi sau đến trước (khứ hậu lai tiên tác chủ nhân) nên gọi là ‘mạng tinh’. Thức thứ tám này dường như luôn tiếp nối. Lúc xả mạng hễ chỗ nào nghiệp nặng hơn thì nó bị lôi vào đó nên bảo là ‘theo tội hướng về’: theo tội báo vào trong ác thú.

Nếu hãm vào ngục Vô Gián thì muôn kiếp khó ra nên bảo là ‘[chịu lấy thọ mạng] hoặc dài’; hoặc sanh làm loài vi khuẩn chết sống trong mỗi sát na nên gọi là ‘hoặc ngắn’. Sách Hội Sớ nói: ‘Như [sanh trong] tám đại địa ngục và loài quỷ trường thọ thì gọi là “hoặc dài”. Như các loài thiêu thân, phù du v.v… thì là “hoặc ngắn”. Trong đó, vô lượng thọ mạng sai khác đều do túc nghiệp cảm vời. Trong đường lành, coi sống lâu là phước, nơi nẻo ác coi sống lâu là họa lớn.

‘Theo nhau cùng sanh để báo đền lẫn nhau’ nghĩa là: oan oan tương báo chẳng có cùng tận. Sách Hội Sớ nói: ‘Những kẻ sát sanh đời đời cùng sanh ra cùng lúc với nhau, người này giết hại người kia để báo đền nỗi oán hận’. Chẳng hạn như: kẻ bị giết vì muốn đòi nợ mạng nên ắt theo đuổi kẻ oán đối, phải đồng thời xuất hiện trong thế gian thì mới mong báo oán nổi. Bởi thế, oan gia trái chủ ‘theo nhau cùng sanh’.

Ðời này người giết dê, tương lai người chết thành dê, dê chết thành người. Lại như mèo chết thành chuột, chuột chết thành mèo, đời đời cùng sanh với nhau, đoạt mạng để đền nợ nên kinh nói: ‘Báo đền lẫn nhau’.

Lại do kẻ đòi nợ qua thật nhiều đời báo oán, lại kết thành kẻ oán, người thân nên chẳng biết lúc nào xong. ‘Ương ác chưa tận, trọn chẳng thoát nổi’: “Ương” là họa, là tội, là hình phạt. Những ương ác đã tạo chưa đền trả hết thì ắt cứ xoay vần mãi trong đường ác chẳng có lúc ra, đau đớn không nói nổi.

Ngài Nghĩa Tịch giảng câu ‘tự nhiên có như thế’ như sau: ‘Làm ác thì dẫu chẳng muốn chịu quả khổ, quả khổ vẫn tự đến. Tu thiện dẫu chẳng mong cầu quả vui, quả vui vẫn tự đến khác nào như bóng theo hình, như tiếng vọng theo âm thanh. Nhưng kinh đây bảo là “tự nhiên” là ý nói nhân quả là pháp quyết định thế đó’.

Sách Hội Sớ cũng nói: ‘Nhân quả tất ứng nên bảo là tự nhiên’.

‘Bạo’ là mạnh gấp, đột nhiên, chữ ‘ứng’ là báo ứng. Kẻ ác làm ác ắt chịu quả báo, nhưng quả báo hoặc là chẳng ứng hiện ngay lập tức trong hiện tại nhưng nhân quả chẳng dối, ắt trong đời sau phải chịu khổ báo nên kinh dạy: ‘Thiện ác rồi sẽ quy kết cả’.

 Chánh kinh: Thứ hai là nhân dân trong thế gian chẳng thuận pháp độ, xa xỉ, dâm dật, kiêu căng, phóng túng, mặc tình thỏa ý.

Kẻ trên bất minh, kẻ có địa vị bất chánh, hãm người oan uổng, tổn hại trung lương. Lòng và miệng khác nhau, cơ mưu, trá ngụy đa đoan; khinh dối hết cả tôn, ty, trong ngoài. Nóng giận, ngu si, ham hậu đãi mình, tham muốn có nhiều. Lợi hại thắng bại, kết phẫn thành thù, phá gia vong thân, chẳng quản trước sau.

Giàu có thì keo tiếc, chẳng chịu cho ra, càng thích giữ rịt, càng tham nặng hơn. Tâm nhọc thân khổ cho đến khi chết đi, không đem theo được gì! Thiện, ác, họa, phước theo mạng mà sanh: hoặc ở chỗ vui, hoặc vào nơi khổ độc.

Lại hoặc là thấy người lành thì ghét gièm, chẳng khởi lòng hâm mộ, bắt chước. Thường ôm lòng trộm cắp, mong mỏi hưởng cái lợi của người khác để cung cấp cho mình. [Của cải ấy rồi lại] tiêu tán, lại bị [kẻ khác] lấy mất. Thần minh ghi biết.

Rốt cuộc vào trong ác đạo, tự có tam đồ vô lượng khổ não, xoay vần trong đó bao kiếp khó ra, đau đớn chẳng nói nổi.

 Giải: Ðiều thứ hai là tội ác trộm cắp. Ðối với vật có chủ, dù ít hay nhiều, nếu chẳng cho mà lấy thì đều là trộm cắp. Hạnh trộm cắp vốn bắt nguồn từ tam độc. Tham dục, keo kiết thì dễ sanh tâm trộm cắp. Các ác hỗ trợ nhau thành ra tội trộm cắp.

Từ chữ ‘chẳng thuận pháp độ’ đến ‘chẳng tính trước sau’, kinh nói đến tội lỗi trộm cắp.

Trong câu ‘chẳng thuận pháp độ’, “pháp” là khuôn phép, pháp tắc, “độ” là quy củ, những quy định thông thường.

‘Dâm dật’ là như sách Ðẳng Bất Ðẳng Quán Tạp Lục nói: ‘Trong kinh, đa phần là chữ “dâm” có liên quan đến người nữ. Chữ “dâm” chuyên chỉ việc trai gái’. Hành dâm không chừng mực nên bảo là ‘xa xỉ, dâm dật’.

‘Kiêu’ là kiêu căng, hợm mình, khinh người. Nam nữ ở chung chẳng tuân theo lễ nghĩa, tình dục phóng túng, chỉ cốt khoái ý, chẳng sợ tội lệ nên bảo là ‘mặc tình thỏa ý’.

Câu ‘kẻ trên bất minh, người có địa vị bất chánh’ ý nói: kẻ có địa vị lợi dụng quyền thế lươn lẹo, chiếm đoạt, vơ vét, tổn người lợi mình, hại nước, hại dân… tạo đủ các thứ ác nghiệp. Gia Tường Sớ nói: ‘Quan tể tướng dung túng thuộc hạ bắt muôn dân đút lót, đoạt ngang của người’. Ðấy là ‘kẻ trên bất minh’.

Ăn hối lộ đã thuộc về hạnh trộm cắp, huống hồ là còn ‘hãm người oan uổng, tổn hại trung lương’.

‘Hãm’ là vu hãm, hãm hại. ‘Oan’ là oan khuất. ‘Uổng’ là tà vạy. ‘Trung’ là làm việc thận trọng, hạnh ngay thẳng, vì việc công quên việc tư. ‘Lương’ là hiền lành.

Kẻ ác như thế ganh ghét người hiền, hãm hại người trung lương. Kẻ đó ắt lời nói xảo ngụy chẳng trung, a dua cầu lợi, phỉ báng người lương thiện, vu tội cho người, tâm khẩu bất nhất nên kinh bảo: ‘Lòng, miệng khác nhau, cơ mưu, xảo ngụy đa đoan’. Ngài Nghĩa Tịch bảo: ‘Cơ là huyễn hoặc, ngụy là dối trá’. Ngài Cảnh Hưng nói: ‘Cơ là mưu mô, tức là khéo nói cho đẹp lòng nhằm lung lạc ý vua để làm chuyện mưu mô gian dối’. ‘Cơ’ còn có nghĩa là tâm cơ, ‘ngụy’ là gian dối. Lọc lừa, dối trá có nhiều thứ như thế nên bảo là ‘cơ mưu, xảo ngụy đa đoan’.

Kẻ ác như thế nào cần biết đến tôn ty, thượng, hạ, nội, ngoại, thân, sơ; đối với ai nó cũng đều dối trá, lừa lọc cả nên mới bảo: ‘Khinh dối hết cả tôn, ty, trong, ngoài’. 

‘Nóng giận, ngu si, ham hậu đãi mình’: Hai độc sân và si khiến tâm tham càng thêm tăng trưởng. Sách Hội Sớ viết: ‘Ba ác hỗ trợ nhau khiến tà dục lừng lẫy, ham hố tài vật của người khác chỉ muốn tom góp về cho mình nên bảo là “ham hậu đãi mình”.

‘Ham muốn’ là tham dục, sân ác. Kinh Duy Ma dạy: ‘Chấp thân là gốc, tham dục là gốc’.

Sách Hội Sớ lại nói: ‘Biển dục sâu rộng chẳng biết chán đủ. Dẫu tôn quý hay thấp hèn, dầu nghèo hay giàu, không ai lại chẳng mong tom góp, chộn rộn, bôn ba nên gọi là tham dục’.

Muốn chiếm hữu nhiều nên bảo là ‘tham muốn có nhiều’. Do tranh nhau lợi hại, tổn người ích mình nên bảo là “lợi hại, thắng bại”.

Bởi thế ‘kết phẫn thành thù’. ‘Thù’ là căm hận, thậm chí nhà tan, mạng mất, chẳng nề hà gì hết nên kinh bảo: ‘Phá gia vong thân, chẳng quản trước sau’.

‘Trước sau’ chính là nhân trước, quả sau. Sách Hội Sớ lại giảng: ‘Trước chẳng nề hà là đúng hay sai; sau chẳng quan tâm lời chê trách. Cũng nghĩa là trước đã chẳng hề xem xét tường tận, suy nghĩ cẩn thận; sau cũng chẳng ngại quỷ thần ngầm ghi chép. Hoặc cũng có thể hiểu là trước chẳng quan tâm đến tội nghiệp, sau chẳng tính đến quả báo trong tương lai’. Chỉ mong tranh thắng, chẳng sợ “lưỡng bại câu thương” (cả hai cùng thua thiệt, tổn thương). Chỉ cốt khoái ý, chẳng sợ tội báo đời tương lai. Chẳng quản ngại hết thảy, cứ tạo đủ các chuyện ác.

Từ câu ‘giàu có keo tiếc’ trở đi, kinh nói đến cái tội keo kiệt. Dẫu là kẻ giàu có nhưng keo kiệt đã thành tánh nên ‘chẳng chịu cho ra’. ‘Cho ra’ là bố thí. Chẳng chịu đem tài vật thí cho người khác chính là do ái dục kiên cố nên bảo là ‘càng thích giữ rịt’. Tâm tham sâu nặng nên bảo là ‘càng tham nặng hơn’.

‘Tâm nhọc thân khổ cho đến khi chết’ là trọn đời khổ sở, nhọc nhằn; cho đến khi chết đi rồi cũng chỉ là một mình mình đến, một mình mình đi ‘chẳng mang theo được gì!’. Gia Tường Sớ giảng: “Không mang theo được gì” là chỉ mình thần thức ra đi, của cải bỏ lại cõi trần’, nghĩa là: mọi thứ đều chẳng theo đi, chỉ có mỗi cái nghiệp tùy thân.

Những nghiệp thiện ác đã tạo lúc sống và cái quả phước hay họa do nghiệp cảm thành chẳng hề lìa bỏ mình nên bảo là ‘theo mạng mà sanh’. Ngài Nghĩa Tịch bảo: ‘Nghĩa là cái nhân thiện ác và cái quả họa phước đều đi theo mạng căn đến chỗ mình sẽ được sanh về’. ‘Theo’ là đi theo, theo đuổi. Bởi thế nên đời sau ‘hoặc ở chỗ vui, hoặc vào nơi khổ độc’. ‘Chỗ vui’ là ba đường lành; ‘nơi khổ độc’ là ba ác đạo. ‘Khổ’ là đau khổ, ‘độc’ là độc họa. Ðau khổ cùng cực nên bảo là ‘khổ độc’.

Tiếp đó, Phật nói đến cái tội trộm cắp. ‘Thấy người lành thì ghét gièm, chẳng khởi lòng hâm mộ, bắt chước’. ‘Ghét’ là ghét bỏ, ‘gièm’ là phỉ báng. Thấy điều lành của người chẳng những tâm không kính mộ; trái lại còn sanh tâm ghét bỏ, đơm đặt phỉ báng. Hạng người như vậy chẳng có thiện niệm lẫn thiện hạnh, trong bụng toàn ôm ấp ý nghĩ xâm đoạt. ‘Mong mỏi’ là hy vọng; chỉ nghĩ cách tổn người lợi mình nên kinh nói: ‘Mong mỏi hưởng cái lợi của người khác để cung cấp cho mình’.

Của bất nghĩa dễ dàng đạt được nên cứ mặc tình tiêu xài hoang đàng cho nên nhanh chóng ‘tiêu tán’, lại bị kẻ khác cướp đoạt mất nên bảo là ‘tiêu tán, lại bị lấy mất’. Bởi vậy, ‘thần minh ghi biết. Rốt cuộc vào trong ác đạo’.

‘Thần minh’ là như bản kinh Hoa Nghiêm dịch vào đời Tấn đã nói: ‘Người ta sanh ra, có hai vị trời thường theo sát hai bên. Một vị tên là Ðồng Sanh, vị kia tên là Ðồng Danh. Hai vị trời ấy thường thấy người đó nhưng người đó chẳng thấy được trời’. Hai vị thần như thế sanh chung với người nên gọi là ‘Câu Sanh thần’.

Kinh Dược Sư dạy: ‘Có Câu Sanh thần, chép đủ tội phước trao cho vua Diêm La’.

Sách Gia Tường Sớ cũng viết: ‘Hết thảy chúng sanh đều có thần: một tên là Ðồng Sanh, hai tên là Ðồng Danh. Ðồng Sanh Nữ ở bên vai phải chép điều ác đã tạo. Ðồng Danh Nam ở bên vai trái chép điều thiện đã làm’.

Kinh Ngũ Giới cũng dạy: ‘Tam phú, bát giáo, nhất nguyệt lục tấu’.

“Tam phú” là tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín. “Bát giáo” là tám ngày: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Ðông, Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Ðông Chí.

“Lục tấu” là sáu ngày ăn chay: mồng tám, mười bốn, rằm, hăm ba, hăm chín, ba mươi.

Nghĩa là: trong một năm, có ba tháng trình bẩm báo lên trên, có tám ngày báo cáo lên trên (‘giáo’ là bẩm cáo). Trong một tháng có sáu ngày tấu rõ.

Căn cứ vào kinh Ngũ Giới, ngài Vọng Tây bảo: ‘Trong những ngày như thế, thiên thần ghi chép điều thiện ác của chúng sanh’, ý nói: Những điều được thần minh bẩm báo đều là những điều thiện ác.

‘Ghi biết’ (nguyên văn là ‘khắc thức’): ‘Khắc’ là ghi khắc, chữ ‘thức’ có nhiều cách giải thích:

a. Một là theo như các sách Gia Tường Sớ, Tịnh Ảnh Sớ…thì ‘thức’ là ghi chép. Sách Hội Sớ nói: ‘Trong chốn u huyền có thiên thần ghi chép từng điều, không sai một mảy nên bảo là “khắc thức”. Chữ “thức” đọc cùng âm với chữ “chí” (theo âm Quan Thoại), có nghĩa là ghi chép’. Thuyết này giống với thuyết của ngài Gia Tường: có thần minh ghi chép điều thiện ác của mỗi người nên báo ứng chẳng trật.

b. Chữ Thức ở đây chính là thức thứ tám. Chẳng hạn như ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Do công năng chẳng quên của chủng tử thức nên gọi là khắc thức’.

Ngài Nghĩa Tịch và ngài Vọng Tây cùng chấp nhận cả hai cách giải thích này. Ngài Nghĩa Tịch nói: ‘Ðiều thiện ác đã làm chẳng những huân tập trong cái thức của mình mà còn được thiên thần ở ngoài ghi chép. Ghi ở cả hai nơi thì sai chạy nổi sao?’. ‘Hai nơi’ là nội thức và thần minh bên ngoài. Trong các thuyết trên, thuyết của Nghĩa Tịch ổn thỏa nhất bởi Duy Thức nào trở ngại việc thần minh ghi chép; thần minh ghi chép cũng nào trở ngại “duy thức sở hiện”. Bởi đó, thuyết “trong ngoài cùng ghi” là thích hợp nhất.

Do tội báo theo mãi nên xoay vần trong tam đồ ‘bao kiếp khó ra, đau đớn chẳng nói nổi’. ‘Bao kiếp’ là nhiều kiếp.

 Chánh kinh: Thứ ba là nhân dân trong thế gian nương theo các nhân mà sanh, thọ mạng được mấy?

Kẻ bất lương thân tâm bất chánh, thường ôm lòng tà ác, thường nghĩ chuyện dâm dật, phiền đầy ắp bụng, phong thái tà vạy, vẻ ngoài lả lơi. Tốn phí của nhà làm điều phi pháp. Việc đáng nên cầu thì chẳng chịu làm; lại còn kết giao, tụ hội, hưng binh đánh nhau, công hãm, cướp đoạt, giết chóc, đâm chém, cưỡng đoạt, bức hiếp để đem về cấp cho vợ con. Lấy cực thân làm điều vui. Mọi người ghét bỏ, gặp tai nạn mới khổ.

[Do] những điều ác như thế [nên] mắc vòng [trừng phạt] của người [lẫn] quỷ. Thần minh ghi biết, tự vào tam đồ, vô lượng khổ não. Xoay vần trong ấy, bao kiếp khó ra, đau đớn chẳng nói nổi.

 Giải: Thứ ba là nói về sự dâm ác và do cái nhân dâm ác dẫn khởi những cái ác: tham, sân, si…

‘Nương theo các nhân mà sanh’: “Nương” là nhờ vào, phụ thuộc vào. Cả câu này ý nói: Chúng sanh do các nghiệp nhân hợp lại mà sanh ra trong thế gian này. Sách Hội Sớ nói: ‘Thế giới an lập: Chỉ mình Dương thì chẳng thành, riêng Âm thì cũng chẳng lập. Chồng vợ làm nhân tạo thành. Lại cha con cũng do nhân tạo thành; vua tôi giúp nhau. Phàm trong vòng trời đất, nào có nghĩa độc lập nên bảo là ‘nương theo các nhân mà sanh’.

Ấy là vì chúng sanh đều có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Do người này, kẻ kia cùng có chung nghiệp báo nên sanh ra cùng một thời kỳ trong cùng một thế giới. Lại do biệt nghiệp của mỗi người đều khác, mỗi người đều có cái duyên túc nghiệp sai khác nên hoặc làm quyến thuộc, hoặc trở thành cừu địch, cùng sanh một chỗ để đền ân báo oán nên bảo là ‘nương theo các nhân mà sanh’.

‘Thọ mạng được mấy?’: trăm năm ngắn ngủi như chốc lát, vô thường vùn vụt. Mạng người trong hơi thở, nháy mắt liền hết; nhưng thế nhân điên đảo, chẳng biết khổ, không, vô thường, chỉ cầu cái vui huyễn vọng như con thiêu thân đâm đầu vào lửa tự đốt thân mình.

Bởi thế, ‘kẻ bất lương thân tâm bất chánh, thường ôm lòng tà ác, thường nghĩ chuyện dâm dật’. “Tà” là tà vạy, bất chánh. “Ác” là ác độc, bất thiện. Sách Hội Sớ nói: ‘Tà là tà vạy, ác là tội ác’. ‘Dật’ là phóng túng (theo Trung Hoa Ðại Tự Ðiển). ‘Dâm’ là phóng đãng, tham sắc, chẳng kể lễ nghĩa. Dâm chính là một trong mười điều ác. Dâm là gông cùm trói buộc chúng sanh. Dâm là cội nguồn tội lỗi sanh ra các nạn. Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà bị sanh tử nên bảo là: ‘Căn bản của sanh tử thì dục là bậc nhất’.

Các kinh luận được dẫn chứng dưới đây đều nói lên cái hại của dâm dục.

Luật Di Sa Tắc nói: ‘Trong năm giới của kẻ tại gia, chỉ cấm tà dâm. Mười giới xuất gia đoạn hẳn dâm dục. Chỉ phạm vào hết thảy chuyện trai gái trong đời đều gọi là phá giới. Thậm chí, hết thảy người đời do dục mà mất mạng tan nhà. Bỏ tục làm Tăng lẽ đâu còn phạm. Căn bản của sanh tử thì dục là bậc nhất. Vì thế, kinh dạy: “Sống dâm dục chẳng bằng chết trinh khiết”.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao cũng nói: ‘Dâm dục chính là cội nguồn lưu chuyển sanh tử, là nhân duyên khiến xa lìa giải thoát, như bậc đại hiền bảo: “Trong lao ngục sanh tử, dâm làm gông cùm trói chặt hữu tình, là nạn khó thoát”. Lại như Trí Ðộ Luận chép: “Dâm dục tuy chẳng não chúng sanh nhưng vì nó trói buộc chúng sanh nên coi là đại tội”. Luận Du Già nói: “Trong các thứ ái, dục là nặng nhất. Nếu đối trị được nó, tự nhiên điều phục được các thứ khác; như chế ngự được kẻ mạnh mẽ thì những kẻ yếu hơn tự khuất phục. Mà dục pháp này có đến ba tội lỗi: Khổ mà tưởng như vui; chút ít ngọt ngào nhưng lắm tai hại; bất tịnh mà tưởng như là tịnh”.

Sách còn viết thêm: ‘Lẽ đâu tham đắm cái vui trong sát na để chịu đại khổ trong bao kiếp?”

Kinh Ha Dục (quở trách dục vọng) cũng dạy: ‘Nữ sắc là gông cùm trong thế gian. Phàm phu tham luyến chẳng thể dứt bỏ nổi. Nữ sắc là tai họa lớn trong thế gian bởi phàm phu cho đến chết chẳng thoát nổi nữ sắc. Nữ sắc là suy họa của thế gian. Phàm phu gặp phải thì không tai nạn nào lại không xảy đến!’.

Sách Hội Sớ giảng câu ‘phiền đầy ắp bụng’ như sau: ‘Lửa dục nung nấu bên trong khiến bụng dạ nóng nảy, tâm cuồng loạn’.

‘Phong thái tà vạy, vẻ ngoài lả lơi’ là tánh cách dâm tà, phóng đãng, buông tuồng thể hiện rõ ra ngoài.

‘Tốn phí của nhà’: ‘Phí’ là hao tốn, ‘tổn’ là giảm.

‘Làm điều phi pháp’: việc làm đều chẳng hợp với pháp luật, đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật.

‘Việc đáng nên cầu thì chẳng chịu làm’ là chẳng cầu tự lập, chẳng chăm làm việc chánh đáng, chẳng cầu xuất ly, chẳng biết cầu phước, cầu huệ, cầu sanh Tịnh Ðộ.

Tịnh Ảnh Sớ giảng câu ‘lại còn kết giao, tụ hội’ như sau: ‘Từ chữ “kết giao, tụ hội” trở đi là nói về việc tạo lỗi ác. Vì dâm nên gây tạo những chuyện: giết hại, trộm cắp… Ðó là tội lỗi!’. Ðoạn kinh tiếp theo đó nêu rõ vì dâm nên con người tạo đủ các tội trộm cắp, giết hại…

‘Kết giao’ là cấu kết, ‘tụ hội’ là tụ tập bọn tà. ‘Công hãm, cướp đoạt, giết chóc, đâm chém’ (công kiếp sát lục): Hễ dùng vật gì nhỏ, nhọn để đâm thì gọi là ‘lục’. Ở đây, chữ ‘lục’ chỉ các thứ binh khí như: thương, mâu v.v... để giết người.

Ngài Cảnh Hưng giảng chữ ‘cưỡng đoạt’‘công nhiên cướp lấy’. ‘Bức hiếp’ là dùng oai lực để đe dọa, tức là cướp đoạt bằng oai thế. Ðấy là tội trộm cắp.

Làm đủ những việc trộm cắp, giết hại như thế chỉ vì ‘để đem về cấp cho vợ con’: Chỉ cốt vui lòng một ả đàn bà nên dẫu cực thân vẫn lấy làm vui. Ngài Vọng Tây giảng chữ ‘cực thân’ như sau: ‘Cực là mệt nhọc’. Như vậy, ‘cực thân’ là làm cái thân khổ nhọc, mỏi mệt .

‘[Do] những điều ác như thế nên mắc vòng [trừng phạt] của người [lẫn] quỷ’: ‘Mắc vòng’ là chiêu cảm, dính vào. Ngài Nghĩa Tịch giảng: ‘Làm điều ác công khai thì bị vướng vào [sự trừng phạt] của người. Làm điều ác kín đáo thì bị vướng vào [sự trừng phạt] của quỷ’.

Sách Hội Sớ cũng bảo: ‘Người là nhân gian, quan quyền hình phạt. Quỷ là quỷ thần, quan cõi âm soi xét’. Thần minh âm thầm ghi chép, chư thiên cũng ghi chép thì kẻ tạo ác mong chi thoát khỏi. Bởi thế, ‘tự vào tam đồ’. ‘Tự’ là tự nhiên, có nghĩa là quyết định.

 Chánh kinh: Thứ tư là nhân dân trong thế gian chẳng nghĩ tu thiện. Nói đôi chiều, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt, ganh ghét người lành, bại hoại bậc hiền minh. Chẳng hiếu cha mẹ, khinh mạn sư trưởng. Với bằng hữu chẳng thủ tín, khó mà thành thật. Tự đại tôn quý, bảo là mình có đạo, hoành hành oai thế, xâm tổn người khác. Muốn người kính sợ mình, chẳng tự thẹn hổ, khó bề giáo hóa. Thường ôm lòng kiêu mạn, ỷ vào phước đức đời trước giữ gìn cho mình.

Ðời này làm ác, phước đức tận diệt. Thọ mạng hết rồi, các ác vây lấy. Tên tuổi người ấy lại được ghi nơi thần minh, vạ ương dẫn dắt, không cách nào bỏ lìa được. Chỉ do việc làm trước mà vào trong vạc lửa, thân tâm tan nát, tinh thần, thân mình khổ cực. Ngay trong lúc ấy dẫu hối kịp chăng?

 Giải: Thứ tư là tội vọng ngữ.

Trí Ðộ Luận giảng về ‘vọng ngữ’ như sau: ‘Vọng ngữ là tâm bất tịnh muốn dối gạt người. Che giấu sự thật, nói ra chuyện khác, tạo thành khẩu nghiệp. Ðấy gọi là vọng ngữ’.

Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương cũng giảng: ‘Lời nói chẳng đúng sự thật nên gọi là “vọng”. Nói ra điều sai vạy nên bảo là “vọng ngữ”. Như vậy, mang lòng khi dối, miệng thốt ra lời chẳng thật thì gọi là vọng ngữ.

Thêm nữa, miệng có bốn lỗi, tức là bốn điều ác nơi khẩu nghiệp trong Thập Ác là: nói đôi chiều, ác khẩu, nói dối và nói thêu dệt. Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Bốn lỗi của miệng chẳng đúng với pháp, được gọi chung là vọng ngữ’. Nay kinh này giảng về năm sự ác nên dùng chữ ‘vọng ngữ’ để gộp cả ba lỗi kia của khẩu nghiệp, tính thành một điều ác. Nhưng kinh này hàm ý răn dạy cả Thập Ác nên lại nêu ra cả ba điều ác nơi miệng; bởi thế, trong phần nói tóm lược, lại có phần giải thích rộng ra.

Chữ ‘lưỡng thiệt’ (nói đôi chiều) được các nhà dịch kinh theo trường phái Tân Dịch dịch là ‘ly gián ngữ’. Tứ Phần Luật chép: ‘Người này, kẻ kia đấu loạn khiến người bị tổn hoại’. Ngài Thiên Thai nói: ‘Khích bác người này, kẻ kia, phá sự hòa hợp’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương lại giảng: ‘Nói khiến bên này, bên kia trái nghịch nhau nên gọi là “lưỡng”. Ðều do cái lưỡi để nói với cả hai bên nên bảo là lưỡng thiệt’. Nghĩa là: khích động ly gián, hý lộng thị phi.

Chữ ‘ác khẩu’ dịch theo lối tân dịch là ‘thô ác ngữ’. Sách Pháp Giới Thứ Ðệ viết: ‘Dùng lời ác dồn ép kẻ khác khiến họ phải đau khổ thì gọi là ác khẩu’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển thứ bảy cũng chép: ‘Lời lẽ thô tháp thì gọi là “ác”. Ác từ miệng sanh nên gọi là ác khẩu’. Như vậy, khiến người khác buồn, thốt ra lời thô ác khiến người khác đau khổ thì gọi là ác khẩu.

‘Vọng ngôn’ tức là vọng ngữ, dịch theo lối Tân dịch là ‘hư cuống ngữ’, xin xem lại lời giải thích ở phần trên. Vọng ngữ lại như kinh Phạm Võng đã bảo: ‘Chẳng thấy dám nói thấy, thấy nói chẳng thấy’. Những lời lẽ nghịch tâm, chẳng thật ấy chính là vọng ngữ.

‘Nói thêu dệt’ (ỷ ngữ), dịch theo lối Tân dịch là ‘tạp uế ngữ’. Câu Xá Luận nói: ‘Hết thảy các lời nói xuất phát từ cái tâm nhiễm tạp thì gọi là tạp uế ngữ’. Ðại Thừa Nghĩa Chương lại giảng: ‘Tà ngôn bất chánh giống như là các sắc [pha trộn] bóng bảy. Dùng thí dụ để đặt tên nên gọi là nói thêu dệt’.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú cũng bảo: ‘Ỷ ngữ là hết thảy ngôn từ bất chánh, chứa đựng ý dâm. Khách tao nhân đời sau quen thói ưa ví von mỹ nhân như cỏ thơm. Phàm những thứ lời lẽ ấy xâm nhập vào chốn khuê các thì đều gọi là ỷ ngữ’.

Sách Thập Thiện Nghiệp Ðạo Chương cũng nói: ‘Ngôn từ diễn tả những điều nhiễm tạp thì gọi là “tạp uế ngữ”. Nếu là những văn từ bóng bảy chẳng khiến tâm tạp nhiễm, ca ngợi thật đức thì chẳng gọi là lời bất thiện vậy’.

Ngài Vọng Tây nói: ‘Với vọng ngữ này thế nhân thường thích phạm, chẳng đoái hoài quả báo mai sau. Như ngài Nam Sơn nói: “Với giới này người ta hay thích phạm. Ấy là bởi vọng nghiệp chất chứa sâu nặng, hạt giống [vọng nghiệp] trong tạng thức rất nhiều nên cứ gặp trần cảnh là liền phát động, tạo nên lời dối trá”.

Ngài còn nói: ‘Hành Cơ Bồ Tát lại nói: “Con cọp lỗ miệng hại người, gươm lưỡi đoạt mạng. Nếu cái miệng giữ được như cái mũi thì chết đi chẳng lo tai vạ gì!”. Người giữ được cái miệng im lặng như lỗ mũi thì mới khỏi sanh ra các họa hại.

Trí Ðộ Luận nói: ‘Như đức Phật đã nói, vọng ngữ có mười tội. Những gì là mười?

Một là hơi miệng hôi thối; hai là thiện thần tránh xa, phi nhân được dịp làm hại; ba là tuy có nói thật người khác chẳng tin nhận; bốn là khi người trí bàn soạn chẳng tham dự được; năm là thường bị phỉ báng, tiếng xấu xa đồn khắp thiên hạ; sáu là người khác chẳng kính, tuy có dạy dỗ, ra lệnh người khác chẳng tuân theo; bảy là thường hay ưu sầu; tám là tạo thành nhân duyên của nghiệp phỉ báng; chín là khi thân hoại mạng chung sẽ đọa địa ngục; mười nếu được thoát ra [khỏi địa ngục] sanh làm người thường bị phỉ báng’.

Ta thấy ác nghiệp vọng ngữ sanh ra lắm thứ ương họa như thế, chết đọa địa ngục, phải dè chừng chớ khinh thường!

‘Ganh ghét người lành’: Ghét là chán ghét, ganh là ganh tỵ. Ðối với cả tám câu từ câu ‘ganh ghét người lành’ cho đến câu ‘tự đại tôn quý’, các cổ đức có hai lối giải thích khác nhau:

a. Một là như ngài Gia Tường giảng: “Ganh ghét người lành” là ác khẩu. “Bại hoại hiền minh” là vọng ngữ. “Chẳng hiếu song thân” (bản Ngụy dịch chép là “nhị thân”) là kẻ tạo ác tạo nghịch. “Với bằng hữu chẳng thủ tín” là bất trung, thành tội vọng ngữ bậc thượng. “Tự đại tôn quý” thành ra ác khẩu. “Bảo là mình có đạo” là nói đôi chiều’.

b. Hai là theo ngài Vọng Tây thì ‘ganh ghét người lành’ chính là tội lưỡng thiệt, ‘chẳng hiếu song thân, khinh mạn sư trưởng’ là tội ác khẩu. ‘Với bằng hữu chẳng thủ tín, khó mà thành thật’ chính là lỗi vọng ngữ. ‘Tự đại tôn quý, bảo là mình có đạo’ chính là tội nói thêu dệt.

Hai thuyết hơi khác nhau, nhưng lời nói đã chẳng thành thật thì từ một khẩu nghiệp sẽ có đủ các tội lỗi, khó bề phân giải tường tận. Thêm nữa, ‘bảo là mình có đạo’ là nếu mình chưa đắc thánh đạo mà bảo ta đã đắc thánh đạo là đã phạm đại vọng ngữ giới, sẽ phải chịu lấy tội báo nặng hơn các khẩu nghiệp khác.

‘Hoành hành oai thế, xâm tổn người khác’ là hoành hành bá đạo, cậy thế khinh người. ‘Muốn người khác kính sợ’ là muốn đại chúng coi mình là người cầm đầu, nghe theo lệnh mình, chỉ biết phục tùng mình. Kiêu căng, ngã mạn, chẳng biết thẹn hổ, chẳng tự răn dè, kiêng nể, khó bề giáo hóa, hàng phục. Bởi thế, kinh nói: ‘Chẳng tự thẹn hổ, khó bề hàng phục, giáo hóa, thường ôm lòng kiêu mạn’. Cái tội mạn nếu đem kết hợp với ba độc thì có tham mạn, sân mạn, si mạn, đều thuộc về tư hoặc.

‘Ỷ vào phước đức đời trước giữ gìn cho mình’: Những kẻ ác có thể hoành hành nhất thời như trên đều là do phước đức đời trước giúp cho họ, nhưng ‘đời này làm ác, phước đức tận diệt’. Ngài Vọng Tây bảo: ‘Nghiệp lành đời trước diệt sạch, thiện thần bỏ đi nên đời này gặp nạn, đấy là điều đau khổ vậy’. Ngài Tịnh Ảnh nói: ‘Nghiệp lành đời trước diệt hết, thiện thần xa lìa, thân không nơi nương dựa, gặp nhiều nạn ác là nỗi đau khổ vậy’.

‘Tên tuổi người ấy lại được ghi nơi thần minh’: ‘Danh tịch’ (tạm dịch là ‘tên tuổi’): Danh là tên họ, Tịch là sổ sách ghi tội; ‘được ghi nơi thần minh’: thần minh đem tội lỗi của kẻ ác ghi vào trong sổ ghi án.

Sách Hội Sớ giảng câu ‘vạ ương dẫn dắt’ như sau: ‘Chẳng ai lôi kéo được mình, chỉ có nghiệp của chính mình ràng buộc mà lọt vào đường ác’. ‘Vào trong vạc lửa’ là tự vào trong lửa cháy và vạc nước sôi nơi địa ngục.

‘Thần hình’ là tinh thần và hình thể. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Do ác nghiệp lôi kéo, quỷ thần chộp nắm, nên vào trong ác đạo chịu khổ, bị nung đốt’. Bởi thế bảo là ‘rất khổ’. Ngay lúc đó, dẫu có hối hận cũng chẳng làm gì được nên bảo là ‘dẫu hối kịp chăng?’

 Chánh kinh: Thứ năm là nhân dân trong thế gian chần chừ, lười biếng, chẳng chịu làm lành, trị thân, tu nghiệp. Cha mẹ răn dạy thì chống đối, hỗn hào, trái nghịch hệt như oan gia, chẳng bằng không con. Phụ ân trái nghĩa, chưa từng đáp đền. Phóng túng chơi bời, lang thang, ham rượu, mê vị ngon, thô lỗ, khoác lác, càn quấy, chẳng hiểu nhân tình. Vô nghĩa, vô lễ, chẳng thể khuyên can, giảng giải. Lục thân, quyến thuộc dù no đủ hay thiếu thốn, chẳng thèm lo nghĩ. Chẳng nghĩ ơn cha mẹ, chẳng kể nghĩa thầy bạn.

Ý niệm, thân, khẩu chưa hề có một điểm lành. Chẳng tin kinh pháp của chư Phật, chẳng tin sanh tử, thiện ác, muốn hại Chơn Nhân, đấu loạn tăng chúng. Ngu si mông muội, tự cậy trí huệ, chẳng biết sanh từ đâu đến, chết đi về đâu. Chẳng nhân, chẳng thuận lại hy vọng trường sanh. Từ tâm răn dạy mà chẳng chịu tin. Rát miệng bảo ban [cũng] chẳng ích gì cho kẻ đó. Cõi lòng bế tắc, ý chẳng khai giải. Mạng lớn sắp hết, hối, sợ rối bời, chẳng tu thiện sẵn, đến lúc ấy mới hối. Dẫu hối hận vào lúc cuối cùng cũng nào ích chi!

 Giải: ‘Thứ năm là’: Ðây là điều thứ năm [trong ngũ khổ, ngũ thống, ngũ thiêu]. Với điều này, cổ đức có hai cách giải thích:

a. Một là giống như những điều trên, điều này giảng về tội lỗi của việc uống rượu. Các vị Tịnh Ảnh, Gia Tường theo quan điểm này. Phần kinh văn trên có câu: ‘Ham rượu, mê vị ngon’, tiếp đó lại nêu lên các điều ác khác để nói rõ tai hại của rượu.

b. Quan điểm thứ hai là năm điều ác này thật ra bao gồm cả mười điều ác như ngài Nghĩa Tịch nói: ‘Ba nghiệp ác nơi thân là ba điều đầu (trong ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu). Bốn nghiệp ác nơi miệng gộp thành điều thứ bốn. Ba nghiệp ác nơi ý hợp thành điều thứ năm’. Nghĩa là: ba nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm là điều ác thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Bốn nghiệp ác nơi miệng là điều ác thứ tư. Cho đến đây, hai thuyết vẫn giống nhau. Nhưng riêng với điều ác thứ năm, các vị như Tịnh Ảnh… cho là tội uống rượu, còn ngài Nghĩa Tịch lại cho là chỉ chung cả ba nghiệp ác nơi ý, tức là tham, sân, si.

Ông Bành Tế Thanh đời Thanh cũng có cùng quan niệm này. Trong cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, ông viết: ‘Ðối với ý nghĩa của năm ác thì đặc biệt chuẩn theo các kinh khác mà phối hợp với Thập Ác. Ðiều ác thứ nhất thuộc về sát nghiệp. Ðiều ác thứ hai thuộc về tham, trộm. Ðiều ác thứ ba thuộc về dâm nghiệp. Ðiều ác thứ tư thuộc về nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt. Ðiều ác thứ năm thuộc sân hận, tà kiến. Trái ngược với chúng là năm điều lành, cũng gọi là Thập Thiện’. So với thuyết của ngài Nghĩa Tịch, thuyết của ông Bành chỉ khác một ít vì tà kiến là từ si sanh ra.

Ở đây, tôi giải thích kinh văn dựa theo cả hai thuyết cho nên bảo điều ác thứ năm là lỗi uống rượu; lại vì rộng khuyên Thập Thiện nên dùng kèm cả thuyết sau. Hai thuyết trên thoạt nhìn khác nhau, nhưng thật sự chẳng trái nghịch nhau. Bởi vì ham mê chè chén chính là tham ác. Say rồi dễ nóng, đó là sân độc. Rượu khiến cho thần trí hôn ám, uống quá độ thậm chí bất tỉnh nhân sự chính là si độc. Ðủ thấy một cái lỗi uống rượu thường có đủ cả ba độc.

Sách Tư Trì Ký bảo uống rượu có mười cái hại. Sách viết: ‘Một là vẻ mặt xấu ác, hai là yếu sức, ba là mắt nhìn chẳng rõ, bốn là hiện ra vẻ nóng giận (sân độc), năm là tổn hoại nghề nghiệp mưu sinh, sáu là tăng tật bịnh, bảy là tăng thêm tranh chấp, cãi cọ (sân độc), tám là không còn tiếng tăm, chín là trí huệ kém (si độc), mười là khi mạng chung sẽ đọa trong ba ác đạo’. Trong những điều trên, điều thứ tư, điều thứ bảy là sân, điều thứ chín là si. Ðời cũng có câu: ‘Rượu vào loạn tánh’ nghĩa là rượu có khả năng làm cho tâm ý và bổn tánh lương thiện của con người bị mê loạn khiến cho con người tạo ác.

Nay kinh đây bảo: ‘Ham rượu mê vị ngon’ thì chính là cả hai độc tham và si. Bởi thế một tội uống rượu thật sự gồm cả ba điều ác nơi ý nghiệp. Bởi thế, hai thuyết trên đây chỉ là do nói tách ra hay gộp lại mà thành ra sai khác mà thôi.

Tiếp đó, kinh nói chi tiết về những tai hại, ương họa của việc uống rượu. ‘Chần chừ, lười biếng’: ‘Chần chừ’ là do dự, ‘lười biếng’ là biếng nhác. Ý nói: trong tâm do dự, phóng dật, biếng nhác, chỉ cốt được an nhàn tấm thân chẳng thể tu thân, làm lành. Bởi thế, tiếp đó, kinh nói: ‘Chẳng chịu làm lành, trị thân, tu nghiệp’. ‘Nghiệp’ là chánh nghiệp. Câu này ý nói: Người ác chẳng chịu tu sửa thân mình, chẳng siêng tu chánh nghiệp.

Kẻ ấy đối với lời răn dạy của cha mẹ liền ‘chống đối, hỗn hào, trái nghịch’. ‘Chống đối’ là kháng cự lại. ‘Hỗn hào’ là hung bạo, hỗn ác. ‘Chống đối, hỗn hào’ có nghĩa là chống chọi, láo xược. ‘Trái nghịch’ là ngỗ nghịch, bất hiếu. Cha mẹ có con mà hệt như có oan gia nên bảo là ‘chẳng bằng không con’.

Ðứa con ác như thế bội bạc từ ân nên bảo là ‘phụ ân’, trái nghịch lễ nghĩa nên bảo là ‘trái nghĩa’. ‘Chưa từng đáp đền’ nghĩa là đối với ân đức của cha mẹ hoàn toàn chẳng báo đáp. ‘Phóng túng’ là phóng đãng, tự tung tự tác. ‘Ham rượu’ là ưa say sưa, chè chén. ‘Mê vị ngon’ là ham thích ăn đồ mỹ vị. ‘Ham’ còn có nghĩa theo đuổi cái vui quá độ. ‘Mê’ là tham lam chẳng chán. Câu này ý nói mặc tình chè chén, ăn uống, tham ăn vô độ, đấy chính là lỗi ác của việc rượu chè.

 Trong sách Thuật Ký, ngài Nghĩa Tịch giảng chữ ‘thô lỗ, khoác lác’ như sau: ‘Thô lỗ là lỗ mãng, đần độn, chẳng hay biết gì. Khoác lác là huênh hoang, mặc sức tự đại’. ‘Càn quấy’ là ngu cuồng, luôn làm càn, chẳng hiểu việc gì, nhưng không việc gì lại không làm. Sách Phụ Hành ghi: ‘Thô lỗ, khoác lác… là dáng vẻ chẳng biết xấu hổ, bất thuận’. Bởi thế, ‘chẳng hiểu nhân tình, vô nghĩa, vô lễ’. ‘Nghĩa’ là “nghi” (thích đáng), tức là những gì quy định khiến cho mọi sự được thích đáng, đúng đắn. Chữ ‘lễ’ được sách Lễ Ký giảng như sau: ‘Thuận nhân tình là Lễ’. Sách Hội Sớ lại bảo: ‘Quyết đoán đúng sai, thấy cái nào thích đáng thì làm theo, đó là Nghĩa. Phân biện tôn ty, chẳng trái với chuẩn mực, pháp tắc thì là Lễ’. Nghĩa là: Phân biệt được đúng, sai, việc làm đúng đắn là nghĩa. Biết tôn, ty, lớn, nhỏ, chẳng trái phạm quy ước đạo đức xã hội chính là Lễ. Vì trái nghịch với lễ nghĩa nên bảo là ‘vô nghĩa, vô lễ’.

‘Chẳng thể khuyên can, giảng giải’: Khuyên can là dùng đạo để chỉnh người khác, nghĩa là khuyên ngăn để kẻ ấy hành xử đúng đắn. Giảng giải là khuyên bảo, dùng lời lẽ dạy dỗ người khác. ‘Lục thân’ là cha, mẹ, anh, em, vợ, con. Hiển Dương Ðại Giới Luận có câu: ‘Lục thân là ba đời trên của mình, tức là: cha mẹ, ông bà, ông cố, bà cố và ba đời dưới mình: con cái, cháu và chắt’. Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng chữ ‘quyến thuộc’ là: ‘Ngoài lục thân thì gọi là quyến thuộc’.

‘Tư dụng’ là những vật dùng để sanh sống như tiền bạc, lúa gạo v.v… Kẻ ác như vậy đối với những vật cần thiết để duy trì cuộc sống của lục thân, quyến thuộc hoàn toàn chẳng thèm quan tâm đến nên kinh nói: ‘Dù no đủ hay thiếu thốn, chẳng thèm lo nghĩ’. Ðối với ơn cha mẹ, nghĩa thầy bạn, hoàn toàn chẳng nghĩ tới, thản nhiên như không nên kinh bảo: ‘Chẳng nghĩ ơn cha mẹ, chẳng kể nghĩa thầy bạn’.

Câu ‘ý niệm, thân, khẩu chưa hề có một điểm lành’ được bản Ngụy dịch ghi là: ‘Tâm thường nghĩ điều ác, miệng thường nói điều ác, thân thường làm ác, chưa từng có một điều lành nào!’. Rõ ràng là ba nghiệp thân, khẩu, ý thường làm nghiệp ác, chưa từng làm được việc lành gì. Câu này đủ chứng minh thuyết của ngài Nghĩa Tịch thật quả có căn cứ.

Câu ‘chẳng tin kinh pháp của chư Phật, chẳng tin sanh tử, thiện ác’ là nói về si họa. Chẳng tin Phật pháp, bác không nhân quả thì chính là nhất xiển đề.

Câu ‘muốn hại Chơn Nhân’ được bản Ngụy dịch ghi là ‘muốn giết Chơn Nhân’, bản Hán dịch ghi là ‘muốn hại La Hán’. Sách Huyền Ứng Âm Nghĩa giảng: ‘Chơn Nhân là A La Hán’. Sách Pháp Hoa Sớ Ký lại bảo: ‘Chơn là sự chứng đắc. Do [A La Hán] là bậc chứng đắc chơn thật nên gọi là Chơn Nhân’. Giết A La Hán chính là ngũ nghịch trọng tội.

‘Ðấu’ là đấu tranh, ‘loạn’ là lầm lạc, trái nghịch. Do vậy, ‘đấu loạn Tăng chúng’ chính là tội ‘phá hòa hợp Tăng’ trong ngũ nghịch. Ðối với Tăng chúng hòa hợp tu hành đúng theo Phật pháp lại dùng thủ đoạn để ly gián, khiến họ tranh chấp, rối loạn, khiến pháp sự bị phế bỏ thì gọi là ‘phá hòa hợp Tăng’.

Kinh A Xà Thế Vương Vấn Ngũ Nghịch dạy: ‘Có năm tội nghịch nếu tộc tánh tử, tộc tánh nữ phạm những tội này thì không thể cứu được, ắt nhập địa ngục, chẳng còn nghi gì nữa. Những gì là năm? Tức là giết cha, giết mẹ, hại A La Hán, đấu loạn Tăng chúng, khởi ác ý đối với đức Như Lai’. Năm thứ ấy chính là ngũ vô gián nghiệp, chiêu cảm khổ quả trong địa ngục Vô Gián. Trên đây là nói về lỗi ác của sân và si.

Từ chữ ‘ngu si mông muội’ trở đi là nói về những sự đau khổ phát sanh từ si ác. ‘Mông muội’ là vô tri. Ngu si, vô tri lại ‘tự cậy trí huệ’, tự cho mình là đúng thì thật là ngu si đến cùng cực!

Lại do vì ngu si nên chẳng tin nhân quả ba đời; thế nên chẳng biết đời này sanh từ đâu đến, cũng chẳng biết chết đi sẽ sanh về đâu? Chẳng hiểu rõ nhân quả, chẳng tin luân hồi, chẳng biết lợi tha, chỉ toan tự lợi nên đối xử với người khác toàn là ‘bất nhân, chẳng thuận’ (Trang Tử nói: “Yêu người, làm lợi cho người là Nhân”. ‘Thuận’ là hòa thuận). Do chỉ biết tự lợi nên ‘hy vọng trường sanh’. Con người thế ấy tâm ngu, hạnh kém, tuy ‘từ tâm răn dạy mà chẳng chịu tin, rát miệng bảo ban vẫn chẳng ích gì cho người đó’. Bởi vì kẻ si như thế tấm lòng đóng chặt, dẫu nghe lời hay cũng chẳng thể lãnh hội, hiểu nổi. Rõ ràng là do si độc chiêu cảm nỗi đau khổ. Vì thế, Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Hiện có ngu si, ám chướng che lấp cái tâm, chẳng hiểu biết gì. Bởi vậy, đó là đau khổ’. Nghĩa là: do ngu si che lấp cái tâm nên vô tri, mông muội; đấy thật là nỗi đau lớn lao của kiếp người.

Ngài Nghĩa Tịch giảng chữ ‘đại mạng’ trong câu ‘đại mạng sắp dứt, hối, sợ rối bời’ như sau: ‘Sanh tử là đại mạng, cùng quẫn là tiểu mạng’. Ngài Vọng Tây giảng chữ ‘hối, sợ’ như sau: ‘Hối sợ là lúc mạng sắp dứt, lửa địa ngục hiện tiền. Lúc thấy tướng ấy, sanh lòng hoảng sợ, hối hận. Hối hận chen lẫn hoảng sợ nên bảo là “rối bời”. Lửa địa ngục bức bách thân là thiêu. Người ta nếu chẳng nhân lúc còn sống tu sẵn việc lành từ trước, để đến lúc lâm chung mới hối hận thì đã trễ; hối hận cũng chẳng làm gì được!

 Chánh kinh: Trong vòng trời đất, ngũ đạo phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước tiếp nối, thân phải tự lãnh, chẳng ai thế cho. Người lành làm lành từ vui vào vui, từ chỗ sáng vào chỗ sáng. Kẻ ác làm ác từ khổ vào khổ, từ tối vào nơi tối. Ai biết được thế? Chỉ Phật biết nổi mà thôi! Dạy bảo khai thị, kẻ tin hành theo thì ít. Sanh tử chẳng ngơi, ác đạo bất tuyệt. Thế nhân như vậy khó thể hết sạch. Bởi vậy, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó đời đời kiếp kiếp, chẳng có kỳ ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng nói nổi!

 Giải: Ðoạn này tổng kết năm sự ác, năm sự đau đớn, năm sự đốt.

Sách Hội Sớ giảng câu ‘trong vòng trời đất, ngũ đạo phân minh’ như sau: ‘Trời đất là sở y thế giới khí thế gian, [chữ trời đất] chỉ chung cả ba cõi. Ngũ đạo là năng y hữu tình, chỉ chung cả đường lành lẫn nẻo ác. Nhân quả khổ vui ai cũng thường thấy nên bảo là phân minh’.

Ngài Nghĩa Tịch lại nói: ‘Trong vòng trời đất, sanh tử trong năm đường, nhân quả phân minh’, ý nói: Hễ có nhân ắt có quả. Nghiệp nhân như thế thì quả báo như thế, chẳng sai một mảy.

‘Thiện ác báo ứng’: Sách Tiên Chú giảng chữ ‘báo ứng’ như sau: ‘Có làm ắt có báo, có cảm ắt có ứng’. Như vậy, họa phước gặp phải trong hiện tại đều là báo ứng của túc nhân.

Sách Hội Sớ nói: ‘Thiện ác thuộc về nhân; họa phước thuộc về quả. Nhân có thiện ác, quả cảm khổ vui. Bóng theo hình, tiếng vọng theo âm thanh, chẳng sai tơ tóc’. Bóng ắt theo hình, tiếng vọng vang ra từ âm thanh không sai mảy may; nghiệp nhân, quả báo cũng giống như thế.

‘Họa phước tiếp nối’: Nghiệp nhân đời trước có thiện ác lẫn lộn nên đời sau thọ báo thì hoặc là trước vui sau khổ, hoặc là trước khổ sau vui. Khổ vui tiếp nối, họa phước thay phiên nhau nên bảo là ‘họa phước tiếp nối’. Làm lành được phước, tạo ác mắc họa, đều là tự mình làm tự mình chịu nên bảo là ‘thân phải tự lãnh, chẳng ai thế cho’.

Tổng hợp ý kiến của ngài Nghĩa Tịch và tác giả sách Hội Sớ, các câu từ chữ ‘người lành làm lành’ đến ‘từ chỗ tối vào chỗ tối’ được hiểu như sau:

Người lành là người gieo cái nhân lành; đời sau sanh trong nhà tôn quý, thân hình đoan chánh, duyên cảnh hòa mỹ, thân tâm sướng vui; đó là ‘vui’. Người ấy lại còn sáng suốt, thông đạt, ưa điều thiện, thích bố thí; ấy là ‘minh’. Nếu người ấy lại làm nhiều thiện nghiệp, siêng tu phước huệ thì được sanh lên trời. Hay hơn nữa là niệm Phật cầu sanh Tây phương v.v… Ấy là ‘từ chỗ sáng vào chỗ sáng’.

Còn kẻ ác tạo ác nghiệp, gieo nhân ác, chịu quả ác. Vì thế sanh trong nhà ty tiện, hình dung khô kháo, cả đói lẫn rách bức não thân tâm; ấy là khổ. Lại còn ngu muội, vô tri, chẳng tin chánh pháp, chẳng làm việc lành; ấy là ‘tối’. Thảng hoặc còn làm nhiều ác nghiệp, chết đọa ác đạo, nên bảo: ‘Từ khổ vào khổ, từ tối vào nơi tối’.

Tiếp đó, kinh dạy rõ lý nhân quả sanh tử trong sáu đường như thế rất u huyền; cả chín mươi lăm phái ngoại đạo chẳng thể biết được nổi, chỉ mình đức Thế Tôn ta biết được căn nguyên nên nói: ‘Chỉ Phật biết nổi mà thôi!’ Phật rủ lòng giáo hóa, mở bày sự chơn thật, nhưng chúng sanh ngu si, chẳng tin theo, chẳng hành theo. Bởi vậy, Phật nói: ‘Kẻ tin, hành theo thì ít’. Do đó, thế gian ‘sanh tử chẳng ngơi, ác đạo bất tuyệt’. Thế nhân chẳng tin lời Phật dạy răn cứ làm ác không thôi. Các câu tiếp đó như: ‘Bởi vậy, tự nhiên có tam đồ…’ nghĩa đã quá rõ.

 Chánh kinh: Năm điều ác, năm sự đau đớn, năm sự đốt như thế ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Nếu có thể tự ở trong ấy nhất tâm chế ý, đoan thân chánh niệm, lời nói phù hợp với việc làm, việc làm chí thành, chỉ làm các điều thiện, chẳng làm các điều ác,  thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, đạt được cái đạo Nê Hoàn trường thọ thì là năm điều đại thiện vậy.

 Giải: Ðoạn cuối của phẩm kinh này khuyên chuyển đổi năm điều ác thành năm điều thiện.

Câu ‘ví như lửa lớn thiêu đốt thân người’ là dùng lửa lớn ví cho năm điều ác. Nếu ai có thể trong năm thứ đau đớn, năm thứ thiêu đốt ấy mà chuyên nhất tâm mình, chế ngự, ngăn dứt ba điều ác trong ý nghiệp, đoan thân chánh tâm, lời nói đi đôi với việc làm, thành thật chẳng dối, chẳng làm các điều ác thì sẽ được các phước, thoát khỏi sanh tử. Sách Hội Sớ nói: ‘Khởi hạnh đúng với lời nói, dùng hạnh để thực hiện lời nói thì gọi là “lời nói phù hợp với việc làm”.

‘Trường thọ’ là trường sanh. Thế gian nào có sự trường sanh, chỉ có chứng được đạo vô thượng thì mới bất sanh bất diệt. Vì vậy, lìa được sự sanh tử của thế gian mới đúng là trường sanh thật sự. ‘Nê Hoàn’ chính là Niết Bàn, là quả của sự chứng ngộ trọn vẹn ba đức. Nói riêng trong Tịnh tông thì Niết Bàn chính là Cứu Cánh Tịch Quang. Sự lành như thế gọi là ‘đại thiện’.

Phẩm này giảng rộng về nhân quả thiện ác. Phước ‘tin sâu nhân quả’ trong ba thứ phước được giảng trong Quán kinh cũng chỉ giống như lời khuyên ở đây mà thôi. Thế nhân ngu si, chẳng trọng nhân quả, hoặc có kẻ còn vọng ngôn bài bác không có nhân quả, chống báng lời Phật răn dạy.

Bản Ngô dịch còn viết: ‘Những người muốn được sanh về cõi Phật A Di Ðà nếu chẳng thể đại tinh tấn, thiền định, trì kinh giới thì phải dũng mãnh làm lành’. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói: ‘Thập Thiện vốn là nghiệp để sanh cõi trời, nay do nhân duyên niệm Phật hồi hướng Cực Lạc, tức là chuyển nghiệp sanh cõi trời thành Tịnh nghiệp. Vì sao vậy? Người niệm Phật còn chuyển được nghiệp ác, lẽ nào chẳng chuyển được nghiệp sanh cõi trời?’ Vì thế, người tu Tịnh nghiệp phải tận hết sức mình hành thêm các điều thiện.

Như ta thường nghe nói ‘đới nghiệp vãng sanh’ thì cái nghiệp ấy chính là túc nghiệp. Những ác nghiệp trong những đời trước chưa tiêu hết hoàn toàn, nhưng do bổn nguyện của Phật và diệu đức của việc trì danh nên được đới nghiệp vãng sanh, chẳng lọt vào đường ác nữa (nguyện thứ hai của Phật A Di Ðà là: ‘Sanh vào cõi ta, được ta giáo hóa… chẳng đọa vào trong đường ác nữa’). Như vậy, cái nghiệp được nói trong ‘đới nghiệp’ chính là túc nghiệp, chứ quyết chẳng phải là cái nghiệp hiện hành. Như trong kinh Niết Bàn có nói: người đồ tể tên Quảng Ngạch buông con dao mổ xuống thì ngay lập tức thành Phật; ta thấy rằng để thành Phật thì phải buông bỏ được con dao mổ. Nếu kẻ tu Tịnh Ðộ một mặt niệm Phật, mặt khác lại làm ác; cứ tu Tịnh kiểu đó thì quyết định chẳng vãng sanh nổi!

Lại có kẻ cho rằng làm lành là thuộc về Nhân Thiên thừa nên coi thường. Ðời Ðường, ngài Ô Sào thiền sư dùng cách thổi sợi lông trên vải để dạy đệ tử là Hội Thông, đệ tử liền ngộ nhập. Ngài dùng bài kệ ‘Ðừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành’ để dạy ông Bạch Cư Dị. Ông Bạch bảo: ‘Hai câu ấy thì đứa nhỏ ba tuổi cũng nói được’. Ngài Ô Sào bảo: ‘Ông lão tám mươi làm điều đó còn chẳng xong’.

Ông Bạch Cư Dị nghĩ hai câu ấy là cạn cợt, coi việc thổi lông trên tấm vải mới là sâu xa. Ô Sào thiền sư coi hai việc ấy bình đẳng như nhau. Một kẻ mê, một người ngộ, xa cách nhau một trời một vực. Nếu là người căn cơ viên đốn thì pháp nào cũng viên cả. Nhân thiên thừa chính là Nhất Phật thừa, lẽ đâu coi thường ư?

Ðiểm mầu nhiệm của Tịnh tông là ở chỗ chiếu chơn đạt tục. Nếu rộng hành các điều lành thì chẳng những tạo phước cho xã hội hiện tại mà còn là trợ hạnh cho Tịnh nghiệp nữa. Lại thêm tín nguyện sâu chắc, trì danh hiệu Phật thì kiêm cả tự lợi lẫn lợi tha, thường vui sướng vô cực.

Hơn nữa, phẩm này giảng rộng về đời trược ác khổ, tuy chỉ giảng bày về mặt sự tướng, nhưng thật đã hiển bày trọn vẹn Nhất Tâm. Tâm nhơ uế ắt cõi nhơ uế, tâm ác ắt sanh trong đường ác. Không thứ nào chẳng do tự tâm biến hiện. Kinh đã giảng rõ hai cõi tịnh uế để ta biết mà ưa thích hay chán nhàm. Sách Di Ðà Yếu Giải viết:

‘Sa Bà chính là do cái nhơ bẩn trong tâm mình cảm thành, lý ưng phải chán lìa những cái nhơ uế trong tâm mình; Cực Lạc chính là những cái thanh tịnh trong tâm mình cảm thành, lý ưng phải vui cầu những cái thanh tịnh trong tâm mình. Ðã chán uế thì phải bỏ đến rốt ráo không còn gì để bỏ nữa; ưa tịnh thì phải lấy cho đến rốt ráo không còn gì để lấy được nữa.

Sách Diệu Tông nói: “Lấy và bỏ nếu đạt đến cùng cực thì cũng hoàn toàn chẳng khác gì với không lấy bỏ”. Giả sử chẳng từ Sự để lấy bỏ, lại toan chẳng lấy, chẳng bỏ thì chính là chấp Lý phế Sự. Ðã bỏ Sự thì Lý cũng chẳng trọn vẹn. Nếu thấu hiểu toàn Sự là chơn thì lấy cũng là Lý mà bỏ cũng là Lý. Một lấy, một bỏ không gì chẳng phải là pháp giới’.

Thuyết của sách Yếu Giải sự lý viên dung, khế hợp khéo léo với Trung Ðạo.

Xem mục lục