Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

44. Thọ ký Bồ Ðề

Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú, trưởng lão Từ Châu pháp sư thuộc chùa Tịnh Liên ở Bắc Kinh đã cho rằng nội dung của phẩm này là ‘pháp sư bất thối, được thọ ký để khuyến tín’. Ý nói: người có thể diễn thuyết bản kinh này, tín hạnh bất thối thì liền được thọ ký; Phật dùng điều này để phổ khuyến các pháp sư và đại chúng.

Lời phán định của lão pháp sư rất khế hợp với ý chỉ của kinh. Trong phẩm này, trước hết là nói đến việc thuyết pháp được lợi ích; tiếp đó nói: do chẳng nghe nên bị thối chuyển và khuyên nên giảng thuyết cho người khác. Cuối cùng là thọ ký Bồ Ðề.

Chánh kinh: Nếu trong đời tương lai cho đến lúc chánh pháp diệt mà có chúng sanh trồng các cội lành, từng cúng dường vô lượng chư Phật, do được các đức Như Lai ấy gia hộ oai lực thì mới được pháp môn quảng đại như vậy nhiếp thủ, thọ trì, sẽ đạt trí Nhất Thiết Trí quảng đại. Ðối với pháp ấy mà hiểu biết lớn lao, thù thắng thì được đại hoan hỷ, rộng vì người khác nói, thường thích tu hành. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân nếu có thể đối với pháp này mà đã cầu, đang cầu, sẽ cầu thì đều được thiện lợi.

Các ông nên an trụ vào vô nghi, trồng các cội lành, nên thường tu tập, khiến cho không bị ngại trệ, chẳng vào hết thảy các thứ lao ngục bằng trân bảo.

 Giải: ‘Lúc chánh pháp diệt’: một đời giáo hóa của đức Phật trải qua ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.

Trong Pháp Hoa Nghĩa Sớ, quyển 5, ngài Gia Tường đã viết: ‘Phật tuy đã nhập diệt, nhưng pháp nghi chưa bị biến đổi thì gọi là thời Chánh pháp. Phật nhập diệt đã lâu, giáo pháp sai lạc dần thì gọi là thời Tượng pháp. Dần dần chuyển thành càng kém hơn nữa thì gọi là thời Mạt pháp’.

Chánh pháp còn gọi là Chứng, Tượng pháp là Tương Tự, Mạt pháp là Suy Vi.

Quyển ba bản sớ giải kinh Nhân Vương Hộ Quốc của ngài Thanh Long cũng có câu: ‘Có giáo, có hạnh, có người chứng quả thì gọi là Chánh pháp. Có giáo, có hạnh, không người chứng quả thì gọi là Tượng pháp. Chỉ có giáo, không hạnh, không người chứng thì gọi là Mạt pháp’.

Về thời gian của các thời Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp, các kinh cũng nói sai khác. Ða số các vị cổ đức chấp nhận thuyết: Chánh pháp là năm trăm năm, Tượng pháp lâu một ngàn năm, Mạt pháp là một vạn năm (thuyết Mạt pháp lâu đến một vạn năm là như trong kinh Ðại Bi nói). Như vậy, ta có thể ước chừng rằng Phật pháp tồn tại khoảng chín ngàn năm nữa.

Chữ ‘lúc chánh pháp diệt’ chỉ cả hai thời Tượng pháp và Mạt pháp. Hiện tại là thời Mạt pháp, chúng sanh trong lúc này thiện căn kém xa thời trước, nhưng có kẻ trong quá khứ tu nhiều công đức, kiếp trước từng cúng Phật, niệm Phật nên bảo là ‘trồng các căn lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật’.

Theo Di Ðà Yếu Giải: từ bậc Ðẳng Giác trở xuống đều gọi là ‘chúng sanh’. Như vậy là trong các chúng sanh đó: trên thì có thể đến tận bậc Ðẳng Giác đại sĩ, dưới là hàng phàm phu trong sáu đường; chúng ta thuộc về loại này. Những chúng sanh như thế do quá khứ đã từng cúng dường nhiều đức Phật, niệm Phật, tu thiện nên được oai thần của các đức Như Lai ấy gia bị cho nên ‘đời này mới được pháp môn quảng đại như vậy’.

Bởi thế, chúng ta gặp được pháp môn này phải nên mừng rỡ sâu xa, chớ có coi thường, phải nên chăm chăm ‘nhiếp thủ, thọ trì’ thì mới ‘sẽ đạt trí Nhất Thiết Trí quảng đại’.

‘Nhiếp thủ’ là như Vãng Sanh Luận đã bảo: hết thảy công đức trang nghiêm thành tựu của y báo, chánh báo cõi Cực Lạc ‘nói tóm lại là thuộc vào trong một pháp cú; một pháp cú tức là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú chính là chơn thật trí huệ vô vi pháp thân’. Sách Di Ðà Yếu Giải cũng nói: ‘Toàn thể của mỗi mỗi trang nghiêm đều là lý tánh’.

Nếu có thể hiểu rõ hết thảy sự trang nghiêm thành tựu của cõi Cực Lạc đều thuộc trong một pháp cú thì từ Sự đạt Lý, ngay nơi Sự chính là chơn, tin chắc vạn đức trang nghiêm, trực nhập một câu danh hiệu, tịnh niệm tiếp nối. Ðấy chính là ý nghĩa của chữ ‘nhiếp thủ’. Tức là danh hiệu Di Ðà chính là chơn thật trí huệ vô vi pháp thân; pháp thân công đức chẳng thể nghĩ bàn nên danh hiệu công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Trong chữ ‘thọ trì’ thì “thọ” là tin nhận, phụng hành đúng theo lời dạy; tông chỉ của kinh này là “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm”. Tông chính là con đường tu hành trọng yếu, y theo đó mà tu thì mới gọi là ‘thọ’. Trì là chấp trì danh hiệu và trì tụng kinh này.

Thập Ðịa Bồ Tát chẳng rời niệm Phật. Một câu Phật hiệu đây chỉ có Phật với Phật mới thấu hiểu tột cùng nổi. Vì thế, Ðẳng Giác đại sĩ cũng chẳng rời niệm Phật; bọn phàm phu chúng ta chỉ nên ròng rặt mà niệm.

Sách Yếu Giải viết: ‘Do trì danh nên phước đức, thiện căn đồng như  Phật’. Lời nhận định này của đại sư Linh Phong đã chỉ thẳng vào ngay tâm tủy lời dạy của mười phương Như Lai; thật phải nên đến tột đời vị lai đảnh lễ, cung kính lời dạy này. Lúc niệm Phật chính là lúc thiện căn và phước đức được bằng với Phật nên ‘sẽ đạt trí Nhất Thiết Trí quảng đại’. Bọn phàm phu đầy dẫy phiền não chúng ta cũng chẳng ngoại lệ!

‘Trí Nhất Thiết Trí’ là tên gọi khác của Phật trí. Nhất Thiết Trí có lúc chỉ Phật trí như phẩm Hóa Thành của kinh Pháp Hoa có chép: ‘Vì Nhất Thiết Trí của Phật nên phát đại tinh tấn’ hoặc như Trí Ðộ Luận nói: ‘Vì thế, Như Lai gọi là Nhất Thiết Trí’; nhưng có lúc Nhất Thiết Trí cũng chỉ trí của Thanh Văn, Duyên Giác như Trí Ðộ Luận lại chép: ‘Trong phẩm cuối, Phật nói Nhất Thiết Trí là nói đến việc của Thanh Văn, Bích Chi Phật’. Như vậy, chữ Nhất Thiết Trí trong câu trên chỉ trí của hàng Nhị Thừa. Bởi thế, chữ Nhất Thiết Trí Trí được dùng để chuyên chỉ Phật trí.

Ðại Nhật Kinh Sớ, quyển một viết: ‘Tiếng Phạn là Tát Bà Nhã Da, tức là Nhất Thiết Trí. Nay nói Nhất Thiết Trí Trí là nói đến trí bậc nhất trong các trí’ và: ‘Nhất Thiết Trí là biết rõ như thật thì gọi là Nhất Thiết Trí Trí’, hoặc:

‘Lại nói trí ấy lấy Bồ Ðề tâm làm nhân, đại bi làm căn, phương tiện làm cứu cánh. “Bồ Ðề tâm làm nhân” là hành giả như thật mà biết tự tâm. “Ðại bi làm căn” là hành giả phát bi nguyện, dẹp khổ, ban vui cho chúng sanh. “Phương tiện làm cứu cánh” là quả của Nhất Thiết Trí Trí, tức là lấy hạnh lợi tha để đặt tên vậy’.

Kinh Nhân Vương cũng dạy: ‘Tự tánh thanh tịnh gọi là Bổn Giác Tánh, tức là Nhất Thiết Trí Trí của chư Phật’.

Do những đoạn kinh trên, ta thấy được rằng nay hễ ai tin nổi pháp môn Tịnh Ðộ vi diệu này thì đều là do trong quá khứ đã từng cúng dường chư Phật, rộng làm các điều thiện, nhớ Phật, niệm Phật; do đấy bèn được oai lực của chư Phật gia bị nên nay mới ‘có thể được pháp môn quảng đại như vậy’.

Pháp môn Tịnh Ðộ đây thâu trọn vạn pháp, độ khắp các loài nên bảo là ‘quảng đại’. Nếu có thể tin nhận, phụng hành pháp môn này thì sẽ đắc Nhất Thiết Trí Trí, tức là đắc Phật trí, biết rõ một cách chơn thật rằng tự tâm vốn sẵn thanh tịnh.

  ‘Ðối với pháp ấy mà hiểu biết rộng lớn, thù thắng thì được đại hoan hỷ, rộng vì người khác nói, thường thích tu hành’ (đoạn này trích yếu từ bản Ðường dịch), ý nói: nếu ai có thể đối với diệu pháp Tịnh tông mà hiểu biết một cách rộng lớn, hiểu thấu trọn vẹn ý chỉ viên dung ‘tâm này làm Phật, tâm này là Phật; tâm, Phật chẳng hai’, niệm Phật tức là Phật của Tịnh tông thì ắt sẽ hoan hỷ tin nhận, thường thích tu tập; lại đem pháp này khuyên dạy nhiều người khác.

‘Rộng vì người khác nói’: phần dưới cũng nói: ‘Vì người khác diễn nói’ và cuối phẩm này có câu: ‘Chuyên tâm tin nhận, trì tụng, nói, hành’; những câu như vậy đều là lời phổ khuyến diễn nói, hoằng dương kinh này và pháp môn Tịnh Ðộ.

Phần này chính là phần Lưu Thông nên trong phẩm này, Phật khuyên ta nên diễn nói để kinh này được lưu truyền rộng khắp. Như trong phẩm Nguyện Lực Hoằng Thâm đã nói: ‘Lần lượt dạy bảo lẫn nhau, lần lượt độ thoát lẫn nhau. Xoay vần như thế chẳng thể tính nổi’. Vì vậy, thích vì người khác diễn giảng, khuyên dạy hết thảy chúng sanh cùng nhập biển nguyện Nhất Thừa của Phật Di Ðà thì mới là chánh hạnh biết ân, báo ân. Diệu pháp có được lưu truyền thì mới phù hợp với bổn nguyện chư Phật. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp Sư có chép:

‘Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với kinh Pháp Hoa dẫu chỉ thọ trì một câu, phúng tụng, giải nói, biên chép, cúng dường kinh quyển các thứ thì hết thảy thế gian phải nên chiêm ngưỡng, kính phụng người ấy, nên dùng các cách cúng dường Như Lai để cúng dường người ấy. Nên biết là người ấy là đại Bồ Tát thành tựu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’.

Kinh còn dạy: ‘Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân sau khi ta diệt độ có thể riêng vì một người nói kinh Pháp Hoa, dẫu chỉ một câu thì nên biết là người ấy là sứ giả của Như Lai, được Như Lai sai hành Như Lai sự; huống hồ [là người có thể] ở trong đại chúng rộng vì người khác mà nói’.

Kinh còn chép: ‘Nên biết rằng sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể biên chép, đọc tụng, cúng dường, vì người khác giảng nói thì Như Lai liền dùng y che cho người đó. Người ấy lại được chư Phật các phương khác hộ niệm. Người ấy có đại tín lực và chí nguyện lực, các thiện căn lực. Nên biết là người ấy cùng ở chung với Như Lai, được Như Lai dùng tay xoa đầu’.

Do những đoạn kinh trên ta thấy được rằng diễn nói kinh Pháp Hoa công đức vô tận, nhưng kinh đây lại chính là ‘bí tủy của kinh Pháp Hoa’ như sách Di Ðà Yếu Giải đã bảo:

‘Ðời mai sau kinh pháp diệt hết, chỉ riêng lưu lại kinh này tồn tại trong đời trăm năm để rộng độ hàm thức. Thuốc A Già Ðà trị chung muôn bịnh, dứt tuyệt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Áo tạng Hoa Nghiêm, bí tủy Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra ngoài kinh này vậy’.

Bởi thế, diễn thuyết kinh này công đức vô tận, ắt cũng được chư Phật hộ niệm.

Tiếp đó, kinh nói: ‘Thường thích tu hành’, ý nói: người thuyết pháp miệng và tâm phải tương ứng như một, ngôn hạnh nhất trí, tự mình chẳng tu tập thì làm sao khuyên nổi người khác tu tập?

Kế đấy, kinh lại khuyên khắp tất cả nên đoạn nghi sanh tín. Nếu muốn thuyết pháp lợi người thì tự mình trước hết phải đoạn sạch mối nghi. Kinh dạy: hễ cầu pháp này ‘đều được thiện lợi’; vì thế phải nên ‘an trụ vào không nghi’, trì niệm chắc thật, tinh ròng, chớ sanh nghi hoặc, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm. Ấy là cội rễ của các điều thiện. Phải nên vâng giữ cương tông ấy, an trụ trong pháp như thế ‘thường tu tập khiến cho không bị ngại trệ’. Ấy là vì nếu nghi căn chưa đoạn thì thành tội căn. Muốn đoạn nghi căn phải biết phương tiện. Nghi hoặc chẳng đoạn chỉ là do huệ tâm chưa sáng tỏ. Huệ tâm chưa sáng tỏ chỉ vì tam cấu chướng sâu.

Theo An Lạc Tập, Niệm Phật Tam Muội trừ được hết thảy các chướng tham, sân, si trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Cấu hết thì sáng sanh nên không bị ngăn ngại, trì trệ. Như thế sẽ chẳng đọa vào cảnh giới chư thiên, Nhị Thừa, Giải Mạn Quốc, biên địa, nghi thành, ‘hết thảy các thứ loại lao ngục do thất bảo hợp thành’. Trân bảo ví cho các sự vui trong những cảnh giới ấy, ‘lao ngục’ ví với chưa được giải thoát rốt ráo, chẳng được tự tại.

Sách An Lạc Tập còn nói: ‘Xưng danh cũng vậy, chỉ cần chuyên chí liên tục chẳng đoạn thì quyết định sanh về trước Phật. Nay khuyên những kẻ học Phật đời sau nếu muốn lãnh hội Nhị Ðế thì chỉ cần biết: “Niệm niệm chẳng thể được” chính là Trí Huệ Môn và “hệ niệm liên tục chẳng đoạn” chính là Công Ðức Môn. Vì thế kinh dạy: “Bồ Tát Ma Ha Tát luôn dùng công đức trí huệ để tu tâm mình”. Nếu người mới học chưa phá nổi tướng, cứ nương theo tướng mà chuyên chí thì không ai chẳng được vãng sanh, còn ngờ vực gì’.

Lời dạy này của đại sư Ðạo Xước đã xẻ toang bí tạng của chư Phật, phơi bày trực tiếp tâm tủy của Tịnh tông: Chỉ cần tin nhận, phụng hành, nương theo tướng mà chuyên chí, chắc thật, ròng rặt mà niệm thì dẫu chưa ly tướng vẫn quyết định sanh về Tịnh Ðộ. Nương theo tướng để chuyên chí là điều phàm phu có thể làm nổi, còn ly tướng chính là cảnh giới của Bồ Tát. Kinh Kim Cang dạy: ‘Lìa hết thảy tướng thì gọi là chư Phật’. Ðấy chẳng phải là điều mà tâm sanh diệt của phàm phu có thể lãnh hội nổi. Diệu pháp Tịnh tông thật là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện.

 Chánh kinh: Này A Dật Ða! Các bậc đại oai đức như thế có thể sanh khởi những pháp môn quảng đại khác trong Phật pháp, mà do chẳng được nghe pháp này nên có một ức Bồ Tát thối chuyển a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Ðối với kinh điển này, nếu có chúng sanh biên chép, cúng dường, thọ trì, đọc tụng, trong khoảnh khắc vì người khác diễn nói, khuyên người khác lắng nghe, chẳng sanh ưu não, cho đến suốt ngày đêm tư duy cõi ấy và công đức của đức Phật thì đối với vô thượng đạo trọn chẳng thối chuyển.

 Giải: Thế Tôn lại nêu lên trường hợp các bậc đại oai đức Bồ Tát vì không được nghe các pháp mà bị thối chuyển Bồ Ðề nhằm chỉ rõ tầm quan trọng của việc phải lưu truyền kinh này.

Chữ ‘các bậc đại oai đức’ chỉ những vị đại sĩ có thể phát khởi các pháp môn quảng đại khác. Chữ ‘pháp môn khác’ là do đối với ‘pháp này’ ở phần dưới mà nói. ‘Pháp này’ chính là pháp môn Tịnh Ðộ. ‘Pháp môn khác’ là tất cả những pháp môn ngoại trừ Tịnh Ðộ ra. Kinh dạy: ‘Niết Bàn không hai nẻo, phương tiện có nhiều môn’.

Các vị Bồ Tát ấy tuy có thể đối với Phật pháp, khai hiển các phương tiện pháp môn khác với Tịnh Ðộ, nhưng vì do chưa được nghe pháp này nên ‘có một vạn ức Bồ Tát thối chuyển a nậu đa la tam miệu tam bồ đề’. Vì sao vậy?

Vì Niệm Phật Tam Muội chính là vua của các tam muội. Nếu chẳng được nghe biết, chẳng tu tập thì khó lòng tự giác rốt ráo.

Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật thích ứng khắp cả ba căn, là đường tắt nhất trong các đường tắt. Nếu chẳng nghe biết pháp này thì khó bề phổ độ hữu tình mau thoát sanh tử hòng viên mãn hạnh lợi tha. Tự thân họ lại phải dò dẫm trên con đường hiểm trở, khó khăn, dẫn dắt chúng sanh sa vào con đường hầm bẫy, chẳng khế hợp với phương tiện của đức Như Lai nên khó nhập được Nhất Thừa nguyện hải. Vì thế mới có một ức Bồ Tát do chẳng nghe pháp này nên bị thối chuyển nơi vô thượng Bồ Ðề!

Ðức Thế Tôn muốn khiến cho hết thảy phàm thánh đều được nghe kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác này nên khuyên mọi người phải biên chép, cúng dường, đọc tụng, tin nhận, phụng hành, lại còn phải lưu truyền nữa. Tuy chỉ trong khoảnh khắc ‘vì người khác nói’, khuyên người nên nghe kinh này khiến cho ‘chẳng sanh ưu não’. Thuyết pháp như thế cho đến chí tâm tinh tấn ‘ngày đêm tư duy cõi ấy và công đức của đức Phật’ thì người như thế ‘đối với vô thượng đạo, trọn chẳng thối chuyển’.

 Chánh kinh: Khi người ấy lâm chung giả sử tam thiên đại thiên thế giới đầy ắp đại hỏa cũng có thể vượt qua sanh về cõi kia. Người ấy đã từng gặp gỡ các đức Phật quá khứ, được thọ ký Bồ Ðề, được hết thảy Như Lai cùng khen ngợi. Vì thế, phải nên chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu tập.

 Giải: Chữ ‘người ấy’ chỉ người ‘đối với kinh điển này mà có thể biên chép… vì người khác diễn nói’.

Câu ‘tam thiên đại thiên thế giới đầy ắp đại hỏa’ chỉ kiếp hỏa. Sau thành kiếp là trụ kiếp, sau trụ kiếp là hoại kiếp. Cuối hoại kiếp có tam tai: phong tai, hỏa tai, thủy tai.

Hỏa tai còn gọi là kiếp hỏa, kinh Nhân Vương nói: ‘Kiếp hỏa hừng hực, trăm ngàn thứ đều tan nát hết’. Luận Câu Xá cũng nói: ‘Gió thổi ngọn lửa cháy bừng bừng, cháy đến tận cung trời; ngay cả trời Phạm thiên cũng cháy tan thành tro’.

Phật huyền ký người ấy vào lúc lâm chung, dẫu cho cả tam thiên đại thiên thế giới này đều bị kiếp hỏa nung đốt thì người ấy vẫn vượt qua được để vãng sanh về cõi Cực Lạc. Do sức công đức trì tụng, giảng nói kinh này và được sức oai thần của thập phương Như Lai gia bị nên dầu cả thế giới kiếp hỏa đang cháy rừng rực, trăm ngàn thứ đều tiêu tan hết, người ấy vẫn an ổn, tự tại, thong dong vãng sanh như trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện [của kinh Hoa Nghiêm] đã nói:

‘Chỉ có mỗi nguyện vương này chẳng hề bỏ lìa. Trong hết thảy thời nó thường dẫn đường đằng trước. Trong khoảng sát na, liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới’.

Phật lại thọ ký rằng: ‘Người ấy đã từng gặp gỡ các đức Phật quá khứ, được thọ ký Bồ Ðề’. Phật ấn chứng những người như thế đều là người trong quá khứ đã từng ở trước chư Phật được thọ ký Bồ Ðề, đều sẽ thành Phật, lại còn được ‘hết thảy Như Lai cùng khen ngợi’.

Cuối cùng, Phật khuyên khắp đại chúng nên ‘chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu tập’. Sách Tiên Chú viết: ‘Chuyên tâm là tâm chuyên nhất, chẳng tạp các niệm khác’. Trì tụng là thọ trì, đọc tụng. Giảng nói, tu tập là đúng như kinh mà nói, tuân theo đúng lời dạy mà thực hành.

Xem mục lục