Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

29. Nguyện lực hoằng thâm

 Phẩm này chỉ rõ tất cả các vị Bồ Tát trong cõi ấy đều có nguyện lực rộng sâu, quyết định nhất sanh bổ xứ. Nếu vị nào có bổn nguyện vì cứu độ chúng sanh nên tuy sanh trong cõi Cực Lạc nhưng chẳng bỏ rơi hữu tình trong đời ác thì vào trong sanh tử cứu độ quần sanh, muốn cho hết thảy chúng sanh trong mười phương đều được vãng sanh, đều sẽ thành Phật, lần lượt cứu độ lẫn nhau chẳng có cùng tận. Cuối phẩm này lại tán thán Phật Vô Lượng Thọ ân đức vô cực.

 Chánh kinh: Lại này A Nan! Trong cõi Phật ấy, tất cả hết thảy hiện tại, vị lai Bồ Tát đều sẽ rốt ráo là nhất sanh bổ xứ. Chỉ trừ người có đại nguyện vào trong cõi sanh tử để độ quần sanh, hiện sư tử hống, khoác đại giáp trụ, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm. Tuy sanh trong đời ác ngũ trược, thị hiện giống như những chúng sanh ấy, nhưng cho đến khi thành Phật chẳng sa vào ác đạo. Sanh ở chỗ nào cũng thường biết túc mạng.

 Giải: Những điều nói trong phẩm này chính là kết quả của nguyện băm lăm ‘nhất sanh bổ xứ’ và nguyện băm sáu ‘giáo hóa tùy ý’.

Lời nguyện thứ băm lăm là: ‘Sanh trong nước ta rốt ráo ắt đạt đến nhất sanh bổ xứ. Trừ những người do bổn nguyện độ sanh nên mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa hết thảy hữu tình khiến họ đều phát tín tâm, hành đạo Phổ Hiền. Tuy sanh trong thế giới phương khác nhưng vĩnh viễn thoát khỏi đường ác’.

Phàm người sanh về Cực Lạc nếu chẳng lìa cõi An Dưỡng thì ắt đều đạt đến bậc nhất sanh bổ xứ. Chỉ có những Bồ Tát phát đại nguyện thù thắng, nguyện sanh vào cõi sanh tử để giáo hóa hữu tình. Bồ Tát cõi ấy tận tai nghe Phật Di Ðà thuyết pháp, liền đem những pháp mình được nghe dạy lại chúng sanh. Vì vậy, pháp họ thuyết ra giống như đức Như Lai đích thân thuyết ra nên cũng giống như là Bồ Tát hiện sư tử hống.

‘Khoác’ là thân mặc lấy, đeo giáp trụ vào. Giáp trụ là thứ áo để chiến sĩ mặc hộ thân trong thời cổ, nhằm tránh tên, đá đâm trúng thân thể. Ở đây, kinh ví von hành nhân chí nguyện Ðại thừa đối địch sanh tử, dùng thệ nguyện làm giáp trụ để hộ vệ huệ mạng của bản thân. Quán kinh cũng nói: ‘Mặc đại giáp trụ, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm’ thật giống ý đoạn kinh trong phẩm này.

Người từ Cực Lạc sanh trở lại cõi này tuy sống trong đời ác ngũ trược, thị hiện giống như phàm phu, cũng có sanh tử, nhưng thẳng đến khi thành Phật trọn chẳng đọa ác đạo. Hơn nữa, đời đời, kiếp kiếp thường nhớ túc mạng, chẳng mê muội bổn tâm. Trong câu ‘thị hiện giống những chúng sanh ấy’, chữ ‘những chúng sanh ấy’ chỉ chúng sanh trong uế độ.

 Chánh kinh: Vô Lượng Thọ Phật ý muốn độ thoát các loài chúng sanh trong mười phương thế giới đều được sanh về cõi ấy, đều khiến cho họ được đạo Nê Hoàn. Kẻ đã là Bồ Tát thì khiến được thành Phật, người đã thành Phật sẽ lại tiếp nối dạy dỗ, độ thoát người khác. Xoay vần như thế chẳng thể tính nổi. Chẳng thể tính nổi số Thanh Văn, Bồ Tát, các loài chúng sanh trong mười phương thế giới sanh về cõi Phật ấy đắc đạo Nê Hoàn, sẽ thành Phật.

Giải: Các vị Ðại Sĩ cõi Cực Lạc phát khởi những thệ nguyện sâu thẳm đến thế ấy là do Di Ðà bổn nguyện gia oai cũng như bản thân họ khéo học theo hạnh của Phật.

Bản ý của Phật Di Ðà là nguyện chúng sanh được vãng sanh cõi ấy, đắc đạo Nê Hoàn (Niết Bàn), thảy đều thành Phật. Vị Phật mới thành lại độ chúng sanh. Chúng sanh được độ lại sẽ đều thành Phật lại độ sanh tiếp. Vì vậy kinh nói: ‘Tiếp nối dạy dỗ, độ thoát người khác. Xoay vần như thế chẳng thể tính nổi’. Do lần lượt độ thoát nhau như thế nên các Bồ Tát, Nhị Thừa, các loài chúng sanh trong tứ sanh, lục đạo trong mười phương được vãng sanh Cực Lạc, chứng đạo thành Phật ‘chẳng thể tính nổi số’. Ðó là vì số người được vãng sanh đã chẳng thể tính đếm nổi.

 Chánh kinh: Trong cõi Phật ấy thường như nhất pháp, chẳng tăng thêm nhiều. Vì sao vậy? Ví như biển cả là vua trong các dòng nước. Các dòng nước chảy đều đổ vào biển mà nước biển cả chẳng hề tăng, giảm.

 Giải: Nếu có kẻ ngờ rằng mười phương phàm, thánh đều sanh về Cực Lạc thì một cõi như vậy làm sao chứa đựng hết nổi? Chẳng phải như vậy. Cõi nước Cực Lạc ‘thường như nhất pháp, chẳng tăng thêm nhiều’.

Chữ ‘nhất pháp’ Phật nói đó ý nghĩa rất sâu, chúng sanh khó lãnh hội nổi nên Phật dùng biển cả làm thí dụ để giảng nghĩa ấy. Biển cả ví như Cực Lạc, các dòng nước ví như chúng sanh trong mười phương. Các dòng nước đổ vào biển, biển cả chẳng tăng thêm. Cũng thế, chúng sanh trong mười phương vãng sanh Cực Lạc nhưng số người nơi Cực Lạc cũng chẳng tăng thêm.

Hơn nữa, con số các vị Ðại Sĩ cõi ấy lại trở vào uế độ cứu độ quần sanh là vô lượng nhưng thánh chúng cõi Cực Lạc vẫn chẳng tăng, giảm.

Tôi tạm dùng toán học của thế gian để biện giải ý nghĩa này. Trong toán học có khái niệm ‘lớn vô cực’ hoặc ‘lớn vô hạn’, thường được ký hiệu là ¥, nghĩa là con số rất lớn vượt khỏi mọi hạn lượng nên gọi là ‘lớn vô hạn’.

Nếu cộng thêm bất cứ con số hữu hạn vào ¥ thì nó vẫn là ¥ vì ¥ đã biểu thị con số lớn vô lượng nên nếu cộng vào ¥ mà được con số lớn hơn ¥ thì ¥ chẳng còn là số lớn vô hạn nữa! Hơn nữa, dù có trừ bớt ¥ bất cứ con số hữu hạn nào thì nó vẫn bằng ¥ vì nếu ¥ bị giảm nhỏ đi thì chẳng còn là con số lớn vô hạn nữa! Vì vậy, ¥ ‘thường như nhất pháp… nào có tăng giảm’.

Cõi Cực Lạc là lớn vô hạn nhất trong những thứ lớn vô hạn nên vượt ngoài hết thảy số lượng của thế gian vậy.

Hơn nữa, kinh này hiển thị cảnh giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn, thù thắng vi diệu. Cực Lạc chính là Hoa Tạng nên rộng hẹp tự tại, một chính là nhiều, nhiều chính là một, dung thông nhiếp thủ lẫn nhau, không thể dùng ngôn ngữ, tư duy thấu triệt nổi!

 Chánh kinh: Tám phương, trên, dưới có vô số cõi Phật. Cõi Phật A Di Ðà trường cửu, rộng lớn, sáng, đẹp, khoái lạc, thù thắng độc nhất. Ấy vốn là do sở nguyện cầu đạo, công đức tích tập lúc Phật tu Bồ Tát đạo tạo thành. Vô Lượng Thọ Phật bố thí ân đức cả tám phương, thượng, hạ một cách vô cùng vô cực, rộng sâu vô lượng chẳng thể nói nổi.

 Giải: ‘Tám phương, thượng, hạ’ là tám phương kể thêm phương trên, phương dưới thành ra mười phương.

Trong vô số cõi Phật ở mười phương, không cõi nào sánh nổi cõi Cực Lạc về mặt ‘trường cửu, rộng lớn, sáng, đẹp, khoái lạc’ nên kinh bảo ‘thật là thù thắng độc nhất’.

‘Trường cửu’ chính là thường trụ như kinh nói: ‘Kiến lập thường nhiên, chẳng suy chẳng biến’. Chữ ‘rộng lớn’ nên hiểu như trong ví dụ về biển cả vừa đề cập ở trên. ‘Sáng’ là thanh tịnh, quang minh. ‘Ðẹp’ là tướng tốt trang nghiêm. ‘Khoái lạc’ là như kinh Tiểu Bổn ghi: ‘Chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui’.

Cực Lạc sở dĩ ‘thật là thù thắng độc nhất’ toàn là do Phật Di Ðà lúc còn tu nhân đã cầu được đại nguyện, trong vô lượng kiếp tích công trữ đức nên mới được thành tựu như thế. Phật Di Ðà đem ân đức vô thượng ấy thí khắp mười phương chẳng có cùng tận. Ân đức của Phật Di Ðà rộng lớn sâu xa khó lòng diễn tả nổi. Dẫu cho thân có trăm miệng, mỗi miệng có trăm lưỡi nói suốt cả kiếp cũng chẳng trình bày hết nổi nên bảo ‘chẳng thể nói nổi’.

Ðức Phật ấy trụ chơn thật huệ nên có thể ban bố cái lợi chơn thật khiến cho khắp hết thảy chúng sanh cùng nhập chơn thật tế nên ân đức của ngài chẳng hề cùng tận.

 

Chú giải Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác kinh, quyển ba hết

(Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa kính dịch xong ngày 27 tháng 04 năm 2002)

 

 

(1) Ý nói: lời cốt yếu nhất trong những lời cốt yếu. “Hồng tâm của hồng tâm” chính là điểm chính giữa của cái gọi là hồng tâm trong tấm bia để bắn tên.

(2) Tâm sở: tác dụng của tâm, thường gồm 46 vị như: thọ, tưởng, tư, xúc…

(3) Ngôn thuyên: dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt nghĩa lý.

(4) Tứ cú là bốn câu có, không, cũng có cũng không, chẳng phải có chẳng phải không.

(5) Phúng: đọc tụng với giọng ngân nga. Xưa thường phân biệt phúng là đọc dựa theo văn bản, còn tụng là đọc thuộc lòng.

(6) Tất đàn: nói đủ là tứ tất đàn (siddhānta), tức là bốn phương diện Phật dùng để hóa độ chúng sanh, gồm: thế giới tất đàn (tùy thuận pháp thế gian mà nói nghĩa nhân duyên hòa hợp để thuyết minh chơn lý duyên khởi); nhân tất đàn (tùy theo căn cơ và năng lực của từng chúng sanh mà nói pháp xuất thế khiến họ sanh khởi thiện căn); đối trị tất đàn (tùy bệnh cho pháp dược để đối trị phiền não); đệ nhất nghĩa tất đàn (trực tiếp dùng Ðệ Nhất Nghĩa để sáng tỏ lý Thật Tướng của các pháp). Trong đoạn này là bốn lợi ích tất đàn của pháp tu Tịnh Ðộ.

(7) Hiếp sĩ: Hiếp là cái hông, vì hai vị này thường theo hầu sát hai bên Phật nên gọi là hiếp sĩ.

(*) Thọ giả: cá thể có sanh mạng, thông thường người ta cho rằng thọ giả là linh hồn hoặc chủ thể của nhân cách; nhưng trong Phật giáo không chấp nhận quan điểm này. Ngài Cát Tạng viết trong Kim Cang Bát Nhã Sớ quyển 3 rằng: ‘Ngoại đạo chấp có thần ngã, chết đây sanh kia, trải qua sáu đường, nên gọi là thọ giả’. Trong Kim Cang Bát Nhã Kinh Tán Thuật, quyển thượng, ngài Khuy Cơ giảng: ‘Mạng căn đoạn diệt ở quá khứ, đời sau sanh trong sáu đường, gọi là thọ giả tướng’. Kinh Ðại Phẩm Bát Nhã quyển 2 cho rằng thọ giả là 1 trong 16 tên khác nhau của Ngã.

Xem mục lục