Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

27. Khen ngợi Phật đức

 Chánh kinh: Phật bảo A Nan:

- Bồ Tát cõi ấy nương vào oai thần của Phật, trong khoảng một bữa ăn lại đến vô biên Tịnh Ðộ trong mười phương cúng dường chư Phật. Hoa, hương, tràng phan, vật cúng dường hễ nghĩ tới liền hiện ra, đều xuất hiện nơi tay. [Những thứ đó] trân, diệu, thù đặc, chẳng phải là vật trong đời có nổi. Dùng [những vật cúng ấy] dâng lên chư Phật và chúng Bồ Tát.

Hoa được rải lên liền ở ngay trên không hợp thành một hoa. Hoa đều hướng xuống phía dưới, tròn trịa đều đặn, hóa thành lọng hoa trăm ngàn quang sắc. Mỗi sắc có mùi thơm khác nhau, mùi hương xông khắp. Cái lọng nhỏ nhất đã chiếm trọn cả mười do tuần. Cứ lớn dần như thế cho đến che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Theo thứ tự trước sau lần lượt biến mất. Nếu không thì lại dùng hoa mới rải lên, hoa đã rải trước trọn chẳng rơi xuống. Ở trong hư không cùng tấu nhạc trời, dùng âm thanh vi diệu tán thán Phật đức.

 

Giải: Phẩm trước là mười phương Chánh Sĩ đến cõi Cực Lạc lễ bái, cúng dường, thuyết pháp. Phẩm này là Bồ Tát cõi Cực Lạc đến khắp mười phương, lễ kính, cúng dường chư Phật rồi lại trở về cõi mình nghe giảng diệu pháp. Phẩm này cũng nói về việc chư thiên cúng dường các đức Phật.

‘Cõi ấy’ là cõi Cực Lạc. ‘Nương oai thần của Phật’ là nương vào sức oai thần gia bị của Phật Di Ðà như trong phần trước, kinh đã dạy: ‘Ðấy đều là do sức oai thần, sức bổn nguyện của Phật Vô Lượng Thọ’.

Phẩm này lại bảo: ‘Trong khoảng một bữa ăn, lại qua vô biên cõi tịnh trong mười phương cúng dường chư Phật’. Ðấy chính là kết quả của nguyện ‘cúng khắp chư Phật’. ‘Vật cúng dường hễ nghĩ tới liền hiện ra’ chính là kết quả của nguyện thứ băm bảy: ‘Các thứ cúng dường hễ nghĩ tới liền hiện ra’. Câu ‘trân diệu thù đặc, chẳng phải là vật trong đời có nổi’ diễn tả các vật cúng vi diệu thù thắng, siêu thế hy hữu.

Trong các vật cúng đó, đặc biệt lấy hoa làm ví dụ. Câu ‘hợp thành một hoa’ ngụ ý vô biên công đức đều nhập vào trong một câu hồng danh; mười phương chúng sanh đồng quy Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải. Toàn thể của hết thảy trang nghiêm nơi y báo, chánh báo cõi Cực Lạc là một pháp cú.

‘Lọng hoa’ là dùng hoa để trang hoàng tàn, lọng. Sách Pháp Hoa Huyền Tán bảo: ‘Xứ Tây Vực nóng bức, đa số phải cầm dù, họ hay dùng hoa để trang hoàng nên gọi là lọng hoa’. Lọng hoa cõi Cực Lạc do vạn đức kết thành nên trong một cái lọng ấy hàm chứa vô biên đức tướng, vi diệu khó suy nghĩ nổi; kinh bảo: ‘Trăm ngàn quang sắc, mỗi sắc có mùi thơm khác nhau. Mùi hương xông khắp’. Một cái lọng có cả trăm ngàn quang sắc, trăm ngàn thứ hương.

‘mùi hương xông khắp’ nên ta biết được rằng các thứ quang minh, các thứ sắc cũng đều trọn khắp. Lọng lớn hay nhỏ tùy thuộc tâm lượng của mỗi người cho nên lọng lớn từ ‘mười do tuần’ cho đến ‘che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới’.

Câu ‘theo thứ tự trước, sau lần lượt biến mất’ ý nói: người đến sau rải hoa mới thì hoa của người cúng dường trước liền biến đi; rõ ràng là các vật cúng nhiệm mầu ấy biến hiện tùy tâm.

Tiếp đó, Phật bảo: ‘Ở trong hư không, cùng tấu nhạc trời’ ý nói: Các Bồ Tát lại dùng thiên nhạc để cúng Phật. Trong các tiếng nhạc trời ấy, họ ‘dùng âm thanh vi diệu tán thán Phật đức’. Như vậy, các Bồ Tát trong khi lễ bái, cúng dường còn tán thán nữa. ‘Phật đức’ là tất cả công đức của Như Lai. Câu Xá Luận nói: ‘Những người có trí suy nghĩ ba thứ đức viên mãn của Như Lai sanh lòng kính mến sâu sắc. Ba đức ấy là gì? Một là nhân viên đức, hai là quả viên đức, ba là ân viên đức’.

 Chánh kinh: Trong khoảnh khắc, trở về nước mình đều cùng nhóm hội nơi thất bảo giảng đường. Vô Lượng Thọ Phật liền vì họ rộng tuyên đại giáo, diễn xướng diệu pháp, không ai chẳng hoan hỷ, tâm giải đắc đạo.

 Giải: Ðoạn này trần thuật các Bồ Tát du hành mười phương xong trở về Cực Lạc, nghe Phật thuyết pháp. ‘Trong khoảnh khắc’: khoảnh khắc là thời gian rất ngắn tương đương với một phần 48 của một phút (theo Câu Xá Luận quyển 12). Bản Ðường dịch ghi là: ‘Sáng sớm cúng dường chư Phật các phương khác’, lại bảo: ‘Ngay trong sáng sớm, trở về nước mình’. Ðấy chính là ý nghĩa thật sự của từ ‘trong khoảnh khắc’.

Lúc ấy, đại chúng nhóm về giảng đường bằng bảy báu tạo thành, nghe Phật tuyên thuyết đại giáo diệu pháp. Theo Khởi Tín Luận, ‘đại giáo’ chính là pháp Nhất Thừa. Bồ Tát nghe xong đều đại hoan hỷ, tự tâm khai ngộ, chứng nhập Thánh đạo. ‘Ðạo’ là trí huệ đoạn hoặc chứng lý. Nguyện phát khởi trí huệ ấy nên gọi là ‘đắc đạo’.

Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, cư sĩ BànhTế Thanh đã viết:

‘Hỏi: Vô Lượng Thọ Phật thuyết pháp thì thuần nói Nhất Thừa hay nói cả ba thừa? Nếu nói thuần Nhất Thừa thì sao lại có chúng Thanh Văn? Nếu giảng cả ba thừa thì cớ sao Nhị Thừa chẳng được sanh về nước ấy?

Ðáp: Thuần giảng Nhất Thừa, hoàn toàn không nói tam thừa. Nào có phải là mình Phật ở giảng đường thất bảo dạy thuần Nhất Thừa, mà thậm chí trong mỗi một hoa, trong mỗi một quang minh, tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, các tiếng âm nhạc cũng đều thuần nói Nhất Thừa, không hề có ba thừa như Diệu Pháp Liên Hoa kinh nói: ‘Trong mười phương thế giới, còn không có hai thừa, huống hồ có đến ba?’

Chỉ vì căn tánh chúng sanh sai khác nên nghe sai khác, chứng đắc bất đồng. Cho nên trong phần trước kinh mới nói: Hoặc nghe tiếng Phật, hoặc nghe tiếng Pháp, hoặc nghe tiếng Tăng, hoặc tiếng Tịch Tĩnh, Không, Vô Ngã cho đến tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh… Những người nghe được thì hoặc chứng quả Tu Ðà Hoàn, quả Tư Ðà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, cho đến bất thối chuyển Bồ Tát, như trong các bản dịch khác có chép đủ. Ðây chính là thuận theo các cõi Phật khác mà có danh hiệu bốn quả, chứ thật ra đều quyết định thành Phật, chẳng nhận lấy Hữu Dư Niết Bàn là vì có thể hồi Tiểu hướng Ðại, là do bổn nguyện của Phật vậy’.

Thuyết này thật là tinh yếu.

 Chánh kinh: Ngay khi ấy, gió thơm thổi qua cây bảy báu, phát ra tiếng ngũ âm, vô lượng diệu hoa theo gió bay khắp bốn phía, tự nhiên cúng dường chẳng dứt như thế.

 Giải: Ðoạn này nói về các vật vô tình trong cõi Phật ấy nghe pháp cũng cúng dường một cách mầu nhiệm. “Phát ra tiếng ngũ âm” là dùng âm nhạc mầu nhiệm để cúng dường, hoa rải theo gió là diệu hoa cúng dường. Những thứ cúng dường như vậy đều do tự nhiên. Sách Hội Sớ nói: ‘Tự nhiên cúng dường, chẳng phải là pháp hữu vi’, ý nói: chẳng phải là pháp hữu vi do người tạo tác.

 Chánh kinh: Hết thảy chư thiên đều cầm trăm ngàn hoa hương, muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Phật ấy và các vị Bồ Tát, Thanh Văn. Trước, sau, qua lại, vui vẻ khoái lạc. Ðấy đều là do Vô Lượng Thọ Phật gia hộ oai thần và do thiện căn từng cúng dường Như Lai liên tục chẳng khuyết giảm, do khéo tu tập, do khéo nhiếp thủ, do khéo thành tựu vậy.

 Giải: Ðoạn này tường thuật việc chư thiên cúng dường. Chư thiên có đầy đủ các nhân duyên phước đức để cúng Phật một cách thù thắng như thế là do nhiều nguyên nhân:

a. Một là ‘do bổn nguyện của Phật Vô Lượng Thọ gia hộ oai thần’, nghĩa là do oai đức của Di Ðà bổn nguyện gia bị nên chư thiên mới có thể đến nổi cõi Cực Lạc để hưng khởi sự cúng dường lớn. Trong kinh văn nói về nguyện thứ hăm lăm ‘chư thiên kính lễ’ có câu: ‘Chư thiên, nhân dân không ai chẳng hết sức cung kính’. Chư thiên nghe được tên tuổi của hành nhân tin ưa Ðại Thừa còn lễ kính thì lẽ nào lại chẳng kính lễ đấng giáo chủ cõi Cực Lạc hay sao?

b. Hai là do ‘thiện căn từng cúng dường Như Lai liên tục chẳng khuyết giảm’. Nghĩa là chư thiên đến được cõi Cực Lạc để cúng dường đều là do trong quá khứ đã sớm trồng thiện duyên, đã từng cúng dường Như Lai, lại còn khéo giữ cho thiện căn ấy liên tục chẳng hề khuyết giảm (thiện tâm kiên cố sâu đậm chẳng thể mất được nên gọi là thiện căn) nên nay mới có những duyên thù thắng như vậy.

c. Ba là ‘do khéo tu tập, do khéo nhiếp thủ, do khéo thành tựu’ nghĩa là: đã khéo tu tập, khéo nhiếp thủ thiện căn cho đến thành tựu nên mới có thể dùng các thứ cúng dường vi diệu đến cõi Cực Lạc cúng dường Di Ðà ‘trước sau qua lại, vui vẻ khoái lạc’ khiến cho thiện căn càng thêm tăng thượng.

Xem mục lục