Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

14. Cây báu khắp cõi nước

 

Phẩm này lại tường thuật về y báo trang nghiêm của cõi Cõi Lạc: cây bằng bảy báu thành hàng khắp cả cõi nước. Các cây báu đó hoặc chỉ do một thứ báu tạo thành, hoặc do nhiều thứ báu hợp thành. Cây nào cũng chỉnh tề trang nghiêm, quang sắc đẹp đẽ lạ lùng, gió lay liền tấu nhạc, âm điệu hòa nhã. Ðấy chính là nguyện thứ mười bảy ‘cây vô lượng sắc’ được thành tựu.

 Chánh kinh: Cõi đức Như Lai ấy có nhiều cây báu: hoặc cây thuần bằng vàng, cây thuần bằng bạc, cây lưu ly, cây thủy tinh, cây hổ phách, cây mỹ ngọc, cây mã não, cây lưu ly, chỉ do một thứ báu tạo thành chẳng lẫn các thứ báu khác.

Hoặc có cây bằng hai báu, ba báu cho đến bảy báu lần lượt hợp thành. Rễ, thân, cành, nhánh do các thứ báu ấy hợp thành. Hoa, lá, quả, hạt do các thứ báu khác hóa thành. Hoặc có cây báu vàng ròng làm rễ, bạch ngân làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả. Các cây báu khác cũng bằng các thứ bảy báu lần lượt hợp thành rễ, cành, lá, hoa, quả.

 Giải: ‘Thủy tinh’ tiếng Phạn là “pha lê”, còn gọi lẫn lộn là lưu ly, thường được dịch là thủy tinh. Pha lê có bốn màu: tía, hồng, trắng, biếc.

‘Lưu ly’ là tiếng Phạn, Tàu dịch là ‘thanh sắc bảo’. Loại bảo thạch này màu xanh dương, các thứ báu khác chẳng phá bể nó nổi. Lưu ly cứng chắc, màu sắc rạng rỡ, hiếm có trong đời nên được coi là quý báu.

Hổ phách, mã não đều là thứ quý báu trong thế gian.

Nói chung, bảy báu kể trên đều là miễn cưỡng tạm dùng tên các chất báu trong thế gian này để so sánh, chứ thật ra hết thảy vạn vật trong cõi Cực Lạc đều lạ lùng kỳ diệu, đẹp đẽ vượt xa mười phương, đâu có thật sự giống như những vật báu phàm tục trong cõi đời ô trược này!

Theo Vãng Sanh Luận, những cây báu đó hiển thị các sự công đức trang nghiêm thành tựu trong cõi ấy. Luận ghi: ‘Mượn tánh chất các thứ trân bảo để trang nghiêm khéo léo viên mãn’. Hiểu nông cạn thì câu ‘mượn tánh chất các thứ trân bảo’ diễn tả cây do diệu bảo tạo thành. Hiểu sâu sắc hơn, câu ấy diễn tả tánh đức của Phật Di Ðà. Tánh đức của Phật Di Ðà vốn sẵn hết thảy diệu bảo, trong mỗi thứ trân bảo đều đầy đủ diệu đức của hết thảy trân bảo. Hiểu một cách nông cạn thì ‘trang nghiêm khéo léo viên mãn’ chính là những điều như ‘màu sắc rạng rỡ, ánh sáng chói ngời’‘phát ra tiếng ngũ âm’ sẽ được nói trong đoạn kế. Hiểu sâu hơn, câu ấy có nghĩa là mỗi một cây báu đều viên minh cụ đức.

 Chánh kinh: Ðều mọc thành hàng khác biệt, hàng hàng thẳng lối, thân cây ngang nhau, cành lá hướng vào nhau, hoa quả tương đương, màu sắc rạng rỡ, ánh sáng chói ngời chẳng thể thấy trọn.

 Giải: Ðoạn này diễn tả đặc tính của các báu: cây mọc thành hàng theo trật tự, quang sắc sáng ngời, đẹp đẽ. Ðấy chính là môn ‘trang nghiêm thành tựu mặt đất’ trong Vãng Sanh Luận. Kệ ghi: ‘Các cây màu sắc, ánh sáng khác nhau’. Trong cõi Cực Lạc, mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay, cây báu nhiều màu mọc khắp cõi nước, bên trên phủ lưới báu, phía dưới dựng lan can báu. Những điều như vậy đều là để trang nghiêm mặt đất.

‘Ðều mọc thành hàng khác biệt’ nghĩa là các thứ cây báu khác loại thì  loại nào mọc theo thứ ấy thành từng hàng riêng biệt. Phần Ðịnh Thiện Nghĩa trong Quán Kinh Sớ đã giảng chữ ‘hàng hàng thẳng lối’ như sau: ‘Cõi ấy cây cối tuy nhiều nhưng mọc thành hàng tề chỉnh, ngay ngắn chẳng tạp loạn’. Về chữ ‘hạt’ sách Hội Sớ giảng: ‘Hạt nghĩa là hạt của quả, quả và hạt chẳng trổ sai chỗ nên bảo là tương đương’. ‘Màu sắc rạng ngời’ nghĩa là hình sắc tươi tốt. ‘Ánh sáng chói ngời’ nghĩa là quang minh chiếu rực. ‘Chẳng thể thấy trọn’ nghĩa là mắt chẳng thể trông thấy hết được, cũng có nghĩa là năm sắc choáng lộn đến nỗi mắt chẳng thể phân biệt hết được.

Phần Ðịnh Thiện Nghĩa trong Quán Kinh Sớ cũng ghi: ‘Các rừng cây báu đều từ tâm vô lậu của đức Di Ðà biến hiện ra. Do tâm Phật là vô lậu nên những cây ấy cũng vô lậu. Thậm chí chẳng có già chết, cũng chẳng có cây non, cũng chẳng có cây mới đâm chồi rồi lớn dần dần. Hễ mọc lên thì đồng thời mọc ngay, kích thước, số lượng giống hệt nhau. Vì sao vậy? Cõi ấy là cõi vô sanh vô lậu thì há lại có sanh, tử, tăng trưởng dần dần hay sao?’

Căn cứ theo đó thì cây báu trong cõi ấy đều từ tâm vô lậu của Phật Di Ðà biến hiện nên chẳng có già, chết, cũng chẳng biến đổi. Do vậy, chẳng có cây mới mọc cùng tướng trạng tăng trưởng dần dần. Cõi ấy là cõi vô sanh nên rừng cây cũng trụ trong vô sanh tức là Vô Lượng Thọ. Hữu tình lẫn vô tình đều bình đẳng nhất vị, đều chẳng thể nghĩ bàn. Do chẳng thể nghĩ bàn nên cây sẽ tự nhiên vang ra tiếng kỳ diệu tự nhiên hòa tiếng nhau như đoạn kinh dưới đây sẽ kể.

 Chánh kinh: Gió mát đúng thời thổi, cây phát ra tiếng ngũ âm: cung, thương vi diệu tự nhiên hòa tiếng. Các cây báu ấy mọc khắp cả cõi nước.

 Giải: Sách Hội Sớ nói: ‘Gió thanh tịnh vô lậu nên bảo là thanh phong. Ðúng thời thổi qua nên bảo là ‘gió thổi đúng thời’.

‘Tiếng ngũ âm’ tức là ngũ thanh: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Năm âm thanh ấy bao gồm hết thảy các thanh âm (năm thanh ấy chính là cái gốc của nhạc luật Trung Quốc cổ đại. Sau này thêm vào hai âm Biến Cung và Biến Chủy thành ra bảy thanh. Ðấy chính là bảy notes trong nhạc lý hiện đại).

Trong câu ‘cung, thương vi diệu’, kinh dùng hai thanh Cung và Thương để nói lên hết thảy âm thanh đều vi diệu.

‘Hòa tiếng’ nghĩa là âm thanh tương ứng với nhau. Sách Hội Sớ bảo: ‘Do nguyện lực thành tựu, chẳng cần phải gõ hay thổi nên bảo là ‘tự nhiên hòa tiếng’. Cây phát ra tiếng nhịp nhàng, hiển thị một nhánh cỏ, một thân cây trong cõi Cực Lạc cũng đều là viên minh cụ đức.

Xem mục lục