Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

8. Tích Công Lũy Ðức

 Trong phẩm này, Pháp Tạng Bồ Tát phát nguyện xong, từ nguyện khởi hạnh: trong vô lượng kiếp trụ chơn thật huệ, gieo các cội đức, giáo hóa vô lượng chúng sanh trụ nơi đạo vô thượng, [khiến họ] đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Chẳng thể nói hết nổi công đức như thế nên phẩm này được đặt tên là ‘Tích Công Lũy Ðức’.

 Chánh kinh: A Nan! Pháp Tạng tỳ kheo ở trước đức Thế Tự Tại Vương Như Lai và giữa đại chúng trời, người phát hoằng thệ nguyện ấy xong, trụ chơn thật huệ dũng mãnh tinh tấn, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi mầu nhiệm. Ngài tu cõi Phật bao la, rộng lớn, siêu thắng, độc diệu, kiến lập thường nhiên, chẳng suy, chẳng biến.

 Giải: Pháp Tạng Bồ Tát ở trước đức Phật và đại chúng tuyên nói ‘hoằng thệ nguyện’ như phần trên đã thuật.

‘Hoằng’ là sâu rộng. Sách Pháp Giới Thứ Ðệ giảng như sau: ‘Duyên rộng khắp thì gọi là “hoằng”. Tự chế ngự tâm mình gọi là “thệ”. Chí mong lời thề được trọn vẹn là nguyện’. Chữ ‘hoằng thệ nguyện’ thường dùng để chỉ chung tất cả những lời thệ nguyện rộng lớn của chư Phật, Bồ Tát. Ở đây, kinh dùng chữ ‘hoằng thệ nguyện ấy’ để nhằm chỉ riêng bốn mươi tám nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát. Phát khởi lên nguyện ấy xong, từ lời nguyện phát khởi vô biên diệu hạnh thù thắng.

Ngay trong câu đầu của phẩm này đã nói ngay: ‘Trụ chơn thật huệ’. Một câu ngắn gọn này chính là căn bản của hết thảy diệu hạnh, là chánh nhãn của vô lượng thiên nhân. Phẩm Ðức Tuân Phổ Hiền của kinh này từng nói: ‘Khai hóa, hiển thị Chơn Thật Tế’, phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi cũng nói: ‘Muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chơn thật’, phẩm này lại nói: ‘Trụ chơn thật huệ’. Ba câu ấy tuy sai khác nhưng thật ra ý nghĩa chẳng khác.

Chơn là Chơn Như. Thật là Thật Tướng. Kinh Quán Phật Tam Muội nói: ‘Phật địa quả đức, Chơn Như Thật Tướng, Ðệ Nhất Nghĩa Không’. Cội rễ cùng cực của Chơn Như Thật Tướng gọi là Chơn Thật Tế. Hết thảy hàm linh trong đời tương lai đều do Nhất Thừa nguyện hải của Phật Di Ðà, sáu chữ hồng danh mà được độ thoát, đó là cái lợi chơn thật. Hiển thị được Chơn Thật Tế ấy, ban cho cái lợi chơn thật ấy thì chính là chơn thật huệ.

Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 2 giảng chữ ‘huệ’ như sau: ‘Xét theo hành phương tiện thì quán sát thông suốt là Huệ, còn nếu luận theo Thật Ðế thì thể của chơn tâm sáng tỏ, tự tánh không tăm tối thì gọi là Huệ’. Như vậy, hiểu rõ bổn tâm, thấy rõ bổn tánh mới gọi là Huệ. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 2 lại giảng chữ ‘chơn thật’ như sau: ‘Pháp tuyệt các vọng chấp là chơn thật’. Như vậy, ‘chơn thật’ là cái chơn thật lìa khỏi vọng niệm sẵn có, tức là tự tánh thanh tịnh tâm.

Sách Ðại Thừa Chỉ Quán nói: ‘Tâm này chính là tự tánh thanh tịnh tâm, còn gọi là Chơn Như, hay gọi là Phật tánh, hoặc gọi là Pháp Thân, hoặc gọi là Như Lai Tạng, hoặc gọi là Pháp Giới, hoặc gọi là Pháp Tánh’.

Sách Giáo Hạnh Tín Chứng cũng bảo: ‘Vô vi Pháp Thân chính là Thật Tướng. Thật Tướng chính là Pháp Tánh. Pháp Tánh chính là Chơn Như. Chơn Như chính là Nhất Như, mà Nhất Như lại sanh từ đức Di Ðà Như Lai, thị hiện các thân: báo, ứng, hóa’. Như vậy, ‘chơn thật huệ’ chính là Chơn Như, Thật Tướng, tự tánh, Phật tánh, tự tánh thanh tịnh tâm v.v... là công dụng chiếu soi của cái sở thuyên lý thể (14).

Nói vắn tắt, ‘minh tâm kiến tánh’ là hiểu rõ được bổn thể. Thấu triệt được điều ấy thì an trụ Như Như, từ thể khởi dụng, đấy chính là ‘trụ chơn thật huệ’. Hơn nữa, Chơn Thật Tế là Pháp Thân đức; chơn thật lợi là giải thoát đức; chơn thật huệ là Bát Nhã đức. Ba điều chơn thật này cũng chính là ba đức của Niết Bàn, như ba chấm trong chữ Y, chẳng ngang chẳng dọc, chẳng tách rời, chẳng gộp lại, một tức là ba, ba tức là một.

Ngay trước phần nói về diệu hạnh, buông ngay một câu ‘trụ chơn thật huệ’ thật là một câu nói giống hệt giọt mực điểm nhãn khi vẽ rồng. Trụ chơn thật huệ là nhập một pháp cú, một pháp cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân.

‘Dũng mãnh tinh tấn’ là không gián đoạn, không tạp loạn. ‘Một dạ chuyên chí’ là tâm chí chuyên nhất. ‘Cõi mầu nhiệm’ là cõi nước tinh mỹ tuyệt luân chẳng thể nghĩ bàn. ‘Trang’ là cung kính, là chánh, là trang hoàng rực rỡ. ‘Nghiêm’ là tôn quý, nghiêm túc, trang trọng. Như vậy hai chữ ‘trang nghiêm’ có thể hiểu một cách thông tục là trang hoàng bằng các thứ tốt đẹp một cách tôn trọng, cung kính, đúng đắn, nghiêm túc nhất. Dùng diệu đức của Ðại Sĩ để trang nghiêm; cõi mầu nhiệm là cái được trang nghiêm bằng những diệu đức của đại sĩ. Ðem vạn đức dung hợp thành cõi mầu nhiệm nên bảo là ‘trang nghiêm cõi nhiệm mầu’.

Câu ‘trụ chơn thật huệ... trang nghiêm cõi nhiệm mầu’ nói đến căn cội của cõi tịnh Cực Lạc cũng như mấu chốt của diệu hạnh Phổ Hiền. Trong phẩm Lễ Cúng Thính Pháp của kinh Vô Lượng Thọ đây, Phật A Di Ðà bảo các vị Chánh Sĩ từ mười phương đến dự pháp hội rằng: ‘Thông đạt các pháp tánh, hết thảy không, vô ngã, chuyên cầu tịnh Phật độ, ắt thành tựu được cõi nước như cõi này’. Lời dạy ấy đã lột trần chánh nhân Tịnh Ðộ, thật chẳng khác chút nào với câu ‘trụ chơn thật huệ’ trong đoạn này vì: ‘Hết thảy không, vô ngã, chuyên cầu Tịnh Ðộ’ chính là chơn thật huệ; chuyên cầu Tịnh Ðộ,‘an trụ hết thảy không’ chính là chơn thật trang nghiêm cõi nước. Không thấy có chúng sanh nào để độ mới là độ sanh. Trang nghiêm cõi Phật, cõi Phật ly tướng, kiến lập đạo tràng ‘bóng trăng trong nước’, làm Phật sự trong mộng, xa lìa nhị biên, khéo khế hợp Trung Ðạo, viên tu, viên chứng, trong khoảng khảy ngón tay liền được thành tựu trọn vẹn. Vì thế, bảo rằng: ‘Trụ chơn thật huệ... trang nghiêm cõi mầu nhiệm’ là cội gốc của Di Ðà đại nguyện, là mấu chốt của Phổ Hiền đại hạnh.

Có thấu hiểu được chơn thật thể rồi thì mới có thể khởi lên chơn thật huệ. Do trụ chơn thật huệ nên có thể khai hóa, hiển thị Chơn Thật Tế như ánh sáng tỏa từ viên ngọc lại chiếu ngược lại hiển hiện toàn thể viên ngọc. Vì vậy, trong cõi Cực Lạc, nước, chim, cây cối, mỗi sắc, mỗi hương đều viên minh cụ đức, mỗi thứ đều là viên viên quả hải, đều là Chơn Thật Tế cả.

Hơn nữa, do mỗi thứ đều từ chơn tâm Ðại Giác, Quả Giác diệu đức của Phật Di Ðà hiển hiện, mỗi thứ cũng đều từ Như Lai trí huệ đức tướng sẵn có trong tự tâm của mỗi người chúng ta lưu xuất nên cái được đức Di Ðà hiển thị thật ra chính là bổn tâm của chúng ta, là của báu trong nhà của chúng ta chẳng phải từ bên ngoài mà có. Phát tâm niệm Phật giống hệt như ánh sáng của viên ngọc lại chiếu rõ thể tướng viên ngọc, thân thiết tự nhiên chẳng tốn công sức. Do đó, có khả năng rộng ban cái lợi chơn thật. Ðại ý của phẩm này là Pháp Tạng Ðại Sĩ do tu cái nhân mầu nhiệm như thế nên chứng được cái quả mầu nhiệm là pháp môn Tịnh Ðộ.

Ba câu đầu diễn tả ý chính của phẩm này, bốn câu từ chữ ‘ngài tu cõi nước’ trở đi nói đến cõi Phật được ngài Pháp Tạng nghiêm tịnh. Chữ ‘bao la’ diễn tả sự rộng lớn, mênh mông. Vãng Sanh Luận bảo: ‘Rốt ráo như hư không, rộng lớn không ngằn mé’. Ðấy chính là ý nghĩa của chữ ‘bao la rộng lớn’.

Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘Chữ “bao la” rộng lớn diễn tả cõi nước to lớn’, ngài Gia Tường bảo: ‘Chữ “bao la” mô tả khả năng dung chứa đại chúng, nghĩa là cõi Tịnh Ðộ có khả năng chứa đựng được rất nhiều chúng sanh vãng sanh về đó, rộng lớn đến vô hạn cực’, ngài Cảnh Hưng giải thích: ‘[Cõi Tịnh Ðộ] do vô lượng đức mà thành’.

Tổng hợp cả ba thuyết trên, ta thấy rằng cõi nước Cực Lạc bao la rộng lớn vì nó do vô lượng diệu đức của Ðại Sĩ Pháp Tạng hợp thành, cõi nước ấy mênh mông không có giới hạn, dung chứa được vô tận chúng sanh vãng sanh về đấy một cách vô hạn lượng.

‘Siêu thắng độc diệu’: Diệu là như sách Pháp Hoa Du Ý giảng: ‘Diệu là chữ để khen ngợi điều tinh vi, thâm viễn’. Ðại Nhật Kinh Sớ, quyển 1 lại bảo: ‘Diệu là không gì so sánh bằng được nổi, không có gì hơn được nổi’. Như vậy, ‘diệu’ là vô thượng, không gì sánh bằng.

Sách Tịnh Ảnh Sớ ghi: ‘Siêu thắng độc diệu là ý nói: cõi nước thù thắng’. Sách Hội Sớ bảo: ‘Siêu thắng độc diệu là ý nói: không những chỉ to lớn mà những sự trang nghiêm ấy như thân, cõi, chánh báo, y báo đều là bậc nhất không chi sánh bằng, vượt xa các cõi Phật khác, tinh vi hơn hết nên bảo là “siêu thắng”. Chỉ mình cõi Phật này là bất khả tư nghị bậc nhất nên bảo là “độc diệu”.

Tiếp đó, sách lại nêu ra bảy điều để chứng minh sự độc diệu của cõi Cực Lạc. Sách viết:

a. ‘Pháp, Báo, Ứng xuất hiện trong bổn quốc’. Chữ ‘bổn quốc’ chỉ Cực Lạc. Ý của câu này là cõi Cực Lạc là cõi của tam thân quả Phật: Pháp Thân Phật, báo thân Phật, ứng hóa thân Phật nên hơn hẳn các cõi hóa độ của những ứng hóa thân Phật.

b. ‘Vì thân Phật: thọ lượng, quang minh vượt xa chư Phật’. Do đức Di Ðà là bậc tôn quý nhất trong chư Phật, quang minh của ngài là vua trong các quang minh, thọ mạng của ngài vô lượng.

c. ‘Danh xưng lợi ích, độc xuất nan tư’: Thánh hiệu Di Ðà vang danh mười phương. Nếu ai nghe được chí tâm tin ưa, mười niệm ắt sẽ vãng sanh, nghe tên ngài mà tin nhận thì mau chứng Bồ Ðề. Chư Phật cùng tuyên thuyết, mười phương cùng khen ngợi nên bảo là ‘độc xuất’. Lại còn do nghe danh phát tâm, nghe danh được phước, nghe danh đắc nhẫn, do nghe danh được trụ tam ma địa, chứng bất thối chuyển, công đức vô lượng nên bảo là ‘nan tư’.

d. ‘Khiến cho ngũ thừa cùng nhập báo độ’: Ngũ thừa là nhân, thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Như Lai. Báo độ là chỗ Pháp Thân Ðại Sĩ ở. Nay Phật khiến cho phàm phu, Nhị Thừa, địa tiền Bồ Tát đều chứng được báo độ một cách trọn vẹn nên bảo là ‘độc diệu’.

e. ‘Những hạng Nhị Thừa, căn khuyết, nữ nhân nhanh chóng chuyển thành Nhất Thừa’: Một phen sanh lên cõi ấy ai nấy đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, vĩnh viễn chẳng thối chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đồng ngồi xe trâu trắng lớn ‘Như Lai Nhất Thừa’ nên bảo là nhanh chóng chuyển thành Nhất Thừa.

f. ‘Chánh nhân vãng sanh dễ tu, dễ đắc’: Phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm là chánh nhân để vãng sanh, chẳng luận nam, nữ, già trẻ, trí, ngu, bận, rảnh, ai ai cũng tu được. Thậm chí ngũ nghịch tội trọng, tướng địa ngục hiện ra, lúc lâm chung bị sự khổ bức bách, quán tưởng khó thành vẫn có thể xưng danh mà được vãng sanh nên bảo là ‘dễ tu’. Tín nguyện trì danh, mười niệm ắt vãng sanh nên bảo là ‘dễ đắc’.

g. ‘Vãng sanh rồi đắc quả thật nhanh chóng, thật cao’: Ngũ nghịch, thập ác lâm chung mười niệm liền được vãng sanh, chứng ngay bất thối nên bảo là ‘thật nhanh chóng’. Phàm phu đem theo hoặc nghiệp, sanh ngang sang cõi ấy liền thành a bệ bạt trí, địa vị ngang với bậc Bổ Xứ nên bảo là ‘thật cao’.

Quả thật, những điều như vậy khắp cả mười phương không nơi nào khác có được nên bảo là ‘độc diệu’ như sách Lễ Tán nói: ‘[Do] bốn mươi tám nguyện trang nghiêm khởi lên, siêu việt các cõi Phật, thật là tinh xảo nhất’.

‘Kiến lập thường nhiên, chẳng suy, chẳng biến’: Kiến là lúc khởi công, ‘lập’ là lúc đã hoàn thành; “thường” là không thay đổi, “nhiên” là luôn như thế; “suy” là suy vi, yếu kém; “biến” là thay đổi, sai khác.

Kiến lập thường nhiên, chẳng suy chẳng biến’ có nghĩa là một phen đã được kiến lập rồi thì luôn luôn giống như thế, chẳng có các tướng trạng bị sút kém, giảm bớt, biến hoại...

Sách Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Kiến lập thường nhiên chẳng suy chẳng biến ý nói: cõi nước thường hằng’. Ngài Gia Tường lại bảo: ‘Kiến lập thường nhiên nghĩa là cõi này (Sa Bà) có kiếp hoại, nhưng cõi kia (Cực Lạc) chẳng thay đổi, mãi mãi giống như vậy’. Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Kiến lập thường nhiên là nhân được viên mãn, quả được thành lập nên chẳng đổi khác. Chẳng suy, chẳng biến là chẳng bị tam tai phá hoại’ (Tam tai là thủy, hỏa, phong).

Trong cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Sao, ngài Vọng Tây lại dựa theo lời dạy của Thiện Ðạo đại sư mà phát huy ý nghĩa đoạn kinh này đến mức sâu xa tột bậc. Ý ngài như sau:

Theo Phật Ðịa Luận, có ba thứ ‘thường’: bổn tánh thường, bất đoạn thường và tương tục thường. Theo sách Tam Tạng Pháp Số, quyển 8 thì:

a. Bổn tánh thường tức là Pháp Thân, nghĩa là Pháp Thân bổn tánh thường trụ, không sanh, không diệt.

b. Bất đoạn thường là Báo Thân vì Báo Thân luôn nương theo Pháp Thân chẳng gián đoạn.

c. Tương tục thường là Ứng Thân vì Ứng Thân thường ở trong thập phương pháp giới đã mất đi lại hiện ra, hóa hiện vô cùng tận.

Ngoài ra, câu ‘tự tánh luôn thường trụ bất động’ của sách Hoa Nghiêm Diễn Nghĩa Sao, quyển 34 là nói về Pháp Thân. Trong sách Sự Tán, ngài Thiện Ðạo bảo: ‘Cực Lạc vô vi Niết Bàn giới’ và: ‘Chẳng suy, chẳng biến, luôn thường hằng chẳng lay động’. Như vậy, ta thấy rằng chữ ‘thường nhiên’ trong đoạn kinh trên chính là nói đến bổn tánh thường, thường hằng chẳng lay động, tức là Pháp Thân hay tự tánh vậy. Do thường hằng nên chẳng suy, chẳng biến.

Ngài Vọng Tây lại đặt ra câu hỏi như sau: ‘Ðã là cõi do tu nhân mà cảm được quả thì cõi ấy ắt phải có lúc khởi đầu, sao lại bảo là chẳng phải là nhân, chẳng phải là quả, trạm nhiên thường hằng được?’ rồi ngài tự đáp: ‘Tu nhân cảm quả là Thỉ Giác Trí. Vô vi thản nhiên, bất động chính là Bổn Giác Lý. Xét đến rốt ráo,Thỉ Giác nào khác Bổn Giác như Thích Ðại Diễn Luận bảo: “Nếu đắc Thỉ Giác thì [Thỉ Giác] lại chính là Bổn Giác”. Nếu bàn về lúc chứng đắc thì dường như có khởi đầu, nhưng nếu xét về cái được chứng thì Thỉ Giác và Bổn Giác bất nhị, vốn sẵn thường trụ’.

Nên chú ý tới những câu cuối trong lời luận trên của ngài Vọng Tây: Lúc bàn đến thời điểm chứng đắc thì dường như có cái khởi đầu, nhưng khi đã chứng đắc rồi thì ngôn ngữ dứt bặt, hết thảy bất nhị, vốn sẵn thường trụ. 

Xét trong Mật bộ, kinh Ðại Thừa Mật Nghiêm có nói: ‘Phật đã siêu việt những điều ấy, nương vào cõi Mật Nghiêm mà trụ. Cõi Cực Lạc trang nghiêm, đức Thế Tôn hiệu là Vô Lượng Thọ’. Kinh ấy còn nói: ‘Mật Nghiêm Tịnh Ðộ vượt xa các cõi Phật khác, [tánh cõi ấy] giống như tánh của vô vi, chẳng giống với vi trần... ’.

Sách Mật Nghiêm Kinh Sớ giảng: ‘Nói “giống như tánh của vô vi” vì cõi Mật Nghiêm là cõi tha thọ dụng của chư Phật. Chư Phật từ cõi pháp tánh độ, dùng bi nguyện lực kiến lập ra cõi Mật Nghiêm. Cõi Tịnh Ðộ này giống như pháp tánh độ, không có tánh vô thường nên bảo là giống như tánh của vô vi’. Sách còn nói: ‘Cõi Mật Nghiêm Tạng này chỉ từ Như Lai tạng tâm thanh tịnh hiện ra nên chẳng phải là do vi trần hợp thành’.

Theo lời giảng trên, Cực Lạc chính là từ Như Lai diệu tâm hiển hiện, là do cõi mầu nhiệm pháp tánh biến hiện ra nên chẳng giống với các thế giới khác: những thế giới khác chỉ là do vi trần hợp thành. Vi trần chẳng phải là những hạt bụi nhỏ mà là những hạt cực nhỏ hợp thành vật chất. Trước đây, ta cứ tưởng điện tử là hạt nhỏ nhất, nay lại phát hiện rằng còn có những hạt nhỏ hơn cả điện tử, tạm gọi là khoa khắc (quark); nhưng hiện tại các nhà khoa học vừa khám phá rằng khoa khắc chưa phải là hạt nhỏ nhất, lại có những hạt nhỏ hơn nữa chẳng thể cùng tận (từ năm 1980 trở đi, các nhà khoa học khám phá ra hạt vi trung tử (meson), hạt này lớn bằng một phần một trăm ức của điện tử. Những hạt này đầy dẫy trong không trung, chúng có thể xuyên qua những tấm nhôm hoặc gang dày đến mười ức cây số như xuyên qua một lớp sương mỏng). Những hạt nhỏ thật nhỏ ấy chính là vi trần.

Ở đây kinh dạy: Cực Lạc và cõi Mật Nghiêm đều chẳng phải do những hạt li ti ấy hợp thành, toàn thể của chúng là Như Lai diệu tâm, là tự tánh của đương nhân nên chẳng sanh chẳng diệt, chẳng suy, chẳng biến, lặng lẽ thường trụ như ‘tánh của vô vi’.

  Chánh kinh: Trong vô lượng kiếp tích chứa, vun bồi đức hạnh, chẳng khởi các ý tưởng: tham, sân, si, dục, chẳng chấp trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chỉ thích nghĩ nhớ các thiện căn mà chư Phật quá khứ đã tu, hành tịch tĩnh hạnh, xa lìa hư vọng, nương vào Chơn Ðế môn, trồng các cội lành, chẳng nề hà các khổ, thiểu dục, tri túc, chuyên cầu bạch pháp, ban bố cái lợi cho quần sanh, chí nguyện không mỏi nhọc, thành tựu nhẫn lực.

 Giải: Ðoạn đầu của phẩm này đã nói về việc trang nghiêm Tịnh Ðộ, ba đoạn kế tiếp nói đến việc trang nghiêm tự tâm vì tâm và cõi nước chẳng hai: tâm tịnh thì cõi nước tịnh.

Câu ‘trong vô lượng kiếp tích chứa, vun bồi đức hạnh’ là câu dẫn giải đại ý của cả ba đoạn sau.

Kiếp là thời gian cực dài khó lòng thí dụ nổi. ‘Vô lượng kiếp’ nghĩa là số kiếp vô lượng, là thời gian dài lâu cực vô lượng, chẳng thể dùng cách nào để diễn tả nổi thời gian ấy, chẳng thể tính toán nổi. Kinh dùng chữ ‘vô lượng kiếp’ để diễn tả sự tu hành lâu xa vậy. Hạnh là những điều do thân, khẩu, ý tạo tác.

‘Ðức hạnh’: tạo thành điều thiện là đức, phương cách tạo ra đức là hạnh. Như vậy, ‘đức hạnh’ gồm cả công đức và hạnh nghiệp. Ðức hạnh còn chỉ những hạnh nhằm để được đầy đủ công đức, tức là ba thứ vô lậu học: giới, định, huệ và lục độ. Sách Hội Sớ lại giảng như sau: ‘Hạnh là hạnh nghiệp, là những điều do ba nghiệp tạo ra; đức là phước đức, tức là cái được chiêu cảm bởi hạnh’‘chẳng phải đạt nổi trong một sớm, một chiều nên bảo là tích chứa, vun bồi’. ‘Tích’ là tích lũy như từng giọt từng giọt nước đọng lại. Vun bồi là bồi đắp, vun vén như trồng cây non thành rừng. Trải qua một thời gian lâu chẳng thể tính kể nên bảo là ‘vô lượng kiếp’.

‘Chẳng khởi các ý tưởng: tham, sân, si dục’: Ðối duyên sanh tâm gọi là “tưởng”, như đối với các trần cảnh bèn chấp lấy các tướng sai khác: nam, nữ… thì gọi là ‘tưởng’ vì chấp vào cảnh giới sai biệt.

Tham tưởng, sân tưởng, si dục tưởng là ba ác tưởng như kinh Uất Ca La Việt Vấn nói Bồ Tát lúc hành bố thí dùng ly dục tưởng, tu từ tưởng, vô si tưởng để đối trị ba ác tưởng. Khi Bồ Tát bỏ ra vật để thí thì sanh ly dục tưởng. Do nhân duyên đã ban niềm vui cho người cầu xin, tâm sân hận bớt dần nên gọi là tu từ tưởng. Ðem công đức bố thí ấy hồi hướng về Vô Thượng Ðạo nên tâm si mỏng lần, đấy gọi là bất si tưởng. Nay Pháp Tạng Ðại Sĩ chẳng khởi ba ác tưởng nên ngài thoát khỏi các phiền não.

‘Chẳng chấp trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp’: Chẳng chấp trước là chẳng tham đắm; ‘sắc, thanh…’ là lục trần:

a. Sắc trần là hết thảy hình sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng và các hình tượng.

b. Thanh trần là hết thảy âm thanh: tiếng vui, tiếng khổ v.v…

c. Hương trần là những thứ được mũi nhận biết: thơm tho hay hôi thối...

d. Vị trần là những thứ nhận biết bởi lưỡi, tức là các vị ngon lành hay dở tệ của thức ăn..

e. Xúc trần là những thứ được thân nhận biết như mềm mại, thô tháp, nóng, lạnh, ôn hòa..

f. Pháp trần là ý căn đối với năm thứ trần nói trên phân biệt là tốt, xấu rồi khởi ra các pháp thiện, ác.

Trong lục trần, vẻ đẹp của nam nữ, tiếng nhạc đàn sáo, ca vịnh, mùi hương chiên đàn hay mùi của nam nữ, các vị ngon lành của thức ăn trân quý, cảm xúc do y phục thượng diệu hay thân thể mềm mại, mịn màng của nam nữ đều là những sự khiến chúng sanh tham đắm chẳng xuất ly nổi. Nay Pháp Tạng Bồ Tát, trong tâm không ác tưởng nên lìa khỏi cái nhân gây ra hoặc chướng, chẳng vướng vào lục trần nên lìa khỏi hoặc duyên.

Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Nội nhân đã lìa, ngoại duyên đã dứt nên bảo là chẳng chấp trước’; do không có ba ác tưởng nên không còn cái nhân gây ra hoặc nghiệp. Sáu trần là duyên, chẳng vướng vào sáu trần nên chẳng còn cái duyên phát khởi hoặc nghiệp. Ngài Cảnh Hưng bàn về nhân quả: bên trong đã lìa được cái nhân tạo ra hoặc nghiệp nên dứt bỏ được cái duyên của hoặc nghiệp. Vì vậy, trong ngoài đều lìa được cả.

‘Chỉ thích nghĩ nhớ thiện căn của chư Phật quá khứ đã tu’ (câu này trích từ bản Tống dịch): Câu này và hai câu trước nên đọc một mạch. Hai câu trên là ‘buông bỏ vạn duyên’, câu này là ‘khăng khăng một niệm’, đấy chính là cốt lõi của Tịnh nghiệp.

Kinh Hoa Nghiêm nói trong thập địa Bồ Tát, địa nào cũng chẳng bỏ niệm Phật. Phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi kinh này cũng bảo: ‘Quá khứ, vị lai, hiện tại, vị Phật đều nghĩ đến nhau’.

Kinh Quán Phật Tam Muội cũng chép: ‘Khi ấy, trong hội liền có mười phương các đại Bồ Tát số đến vô lượng, mỗi vị tự thuật bổn duyên ai ai cũng đều do Niệm Phật mà chứng đắc’ và: ‘Phật bảo A Nan: “Ông nay khéo trì cẩn thận chớ để quên mất. Quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật đều nói Niệm Phật tam muội như vậy. Ta và thập phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí”. Vì vậy, Phật Di Ðà cũng như đức Thích Ca và mười phương Như Lai từ khi mới phát tâm đều do Niệm Phật tam muội mà chứng vô thượng Bồ Ðề cho nên ‘chỉ thích ức niệm chư Phật’.

Căn lành đã tu’ là công đức của chư Phật đã tu. Nghĩ nhớ Phật đức, cảm ân mưu toan báo đáp, mong được như các ngài v.v.. đấy gọi là ‘nhớ Phật’. Trong các thiện căn của Phật, niệm Phật là tối thắng, nay muốn được như các ngài thì cũng phải nên trì danh niệm Phật. Danh hiệu Phật có đủ vạn đức, bao trùm hết thảy thiện căn nên nếu niệm Phật nhuần nhuyễn thì thật là khéo phù hợp với việc ‘nhớ nghĩ công đức của Phật’.

Sách An Lạc Tập cũng viết: ‘Hoặc là có tam muội chỉ có thể trừ được tham chẳng trừ được si và sân, hoặc là có tam muội chỉ trừ được sân, chẳng trừ được si và tham; hoặc là có tam muội chỉ trừ được si, chẳng trừ nổi tham và sân; hoặc là có tam muội chỉ trừ được chướng hiện tại, chẳng trừ được hết thảy các chướng quá khứ, vị lai. Nếu như thường tu Niệm Phật tam muội thì chẳng luận hết thảy các chướng trong hiện tại, quá khứ, hay vị lai đều trừ được hết’. Vì vậy, trong các hạnh tịnh tâm của Pháp Tạng Bồ Tát, kinh nêu hạnh ‘chỉ thích ức niệm chư Phật’ lên hàng đầu.

‘Hành tịch tĩnh hạnh’: Sách Thám Huyền Ký nói: ‘Vô Dư Niết Bàn là tịch tĩnh, tu điều ấy gọi là hạnh’. Sách Tư Trì Ký cũng bảo: ‘Tịch tĩnh chính là lý Niết Bàn’.

Ngoài ra, trong danh xưng của Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ Mâu Ni dịch ra là Tịch Tĩnh hoặc Tịch Mặc. Sách Lý Thú Thích, quyển hạ ghi: ‘Mâu Ni nghĩa là tịch tĩnh. Thân, khẩu, ý tịch tĩnh nên xưng là Mâu Ni’. Ðại Nhật Kinh Sớ cũng nói: ‘Mâu Ni nghĩa là Tịch Mặc. Cõi thường tịch vi diệu tịch tuyệt, sâu thẳm huyền viễn chẳng thể nói bàn nổi. Pháp giới đại diệt độ pháp như vậy chỉ mình đức Phật thanh tịnh trọn vẹn được nổi nên Phật hiệu là Mâu Ni’.

Ở đây, kinh nói Bồ Tát hành tịch tĩnh hạnh là nói Ðại Bồ Tát nhập vào hạnh Vô Dư Niết Bàn, tức là pháp giới đại diệt độ pháp chứ chẳng phải là hạnh tịch tĩnh của hàng Nhị Thừa.

‘Xa lìa hư vọng’: Chẳng thật là ‘hư’, trái nghịch với cái chơn thật là ‘vọng’. Hư giả chẳng thật nên bảo là hư vọng. Kinh Viên Giác dạy: ‘Tâm hư vọng hời hợt lắm xảo kiến chẳng thể thành tựu được phương tiện Viên Giác’. Kinh Niết Bàn quyển 38 cũng nói: ‘Hư vọng là gốc của hết thảy sự ác’.Vì vậy, trước hết phải xa lìa hư vọng để ngăn dứt cái ác từ ngay cội rễ. Pháp Tạng Bồ Tát trụ vào chơn thật huệ, hành hạnh thanh tịnh nên xa lìa được hết thảy hư vọng.

‘Nương vào Chơn Ðế môn, trồng các cội đức’: Ðế nghĩa là chơn thật chẳng dối. Ðạo lý thế gian hay xuất thế gian quyết định chẳng hư vọng thì gọi là Ðế. Sách Nhị Ðế Nghĩa, quyển thượng có nói: ‘Ðế nghĩa là chơn. Hữu là sự thật trong thế gian, Không là sự thật của thánh đạo. Cả hai thứ ấy đều là thật’, nghĩa là: Phàm trần cho Hữu là thật, thánh trí cho Không là thật. Do vậy, Hữu và Không đều là thật, nên lập ra Nhị Ðế (Chơn đế và Tục đế). Thuận theo pháp của hữu tình mê muội phàm tục là Tục Ðế hoặc Thế Ðế. Lý chơn thật tịch tĩnh Niết Bàn được thấy bởi thánh trí thì gọi là Chơn Ðế hoặc Thắng Nghĩa Ðế, Ðệ Nhất Nghĩa Ðế.

Trí Ðộ Luận, quyển 38 có nói: ‘Trong Phật pháp có hai đế, một là Thế Ðế, hai là Ðệ Nhất Nghĩa Ðế. Do Thế Ðế nên nói có chúng sanh; do Ðệ Nhất Nghĩa Ðế nên nói chúng sanh vô sở hữu’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 1 cũng ghi: ‘Tục là thế tục; cái thấy biết của thế tục thì gọi là Thế Ðế. Chơn là tiếng để gọi [trạng thái] dứt hết hư vọng’.

‘Môn’ là các pháp khác biệt có thể dẫn dắt người ta chứng nhập Niết Bàn nên gọi là môn.

‘Nương vào Chơn Ðế môn’ chính là lấy Ðệ Nhất Nghĩa Ðế làm ‘môn’. Nương vào thắng nghĩa của Chơn Ðế để gieo trồng căn bổn của các đức nên bảo là ‘nương vào Chơn Ðế môn, trồng các cội đức’.

Kinh Kim Cang nói: ‘Dùng vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả để tu hết thảy thiện pháp’. ‘Nương vào Chơn Ðế môn’ chính là không còn có bốn tướng: ngã, nhân... vừa nói. ‘Trồng các cội đức’ là tu hết thảy thiện pháp. ‘Trồng’ là gieo trồng, vun bồi, ‘đức’ là thiện, ‘bổn’ là cội rễ. Công đức vạn thiện hạnh chính là căn bản của Phật quả đại giác nên gọi là ‘đức bổn’ (cội đức).

Hơn nữa, căn bản của muôn đức thì gọi là “đức bổn”. Do nghĩa này, danh hiệu của Phật Di Ðà sẵn đủ vạn đức, danh hiệu ấy chiêu cảm vạn đức nên được gọi là ‘đức bổn’. Sách Giáo Hạnh Tín Chứng, quyển sáu có nói: ‘Ðức bổn là đức hiệu của Như Lai. Xưng niệm đức hiệu này một tiếng thì thành tựu được chí đức một cách viên mãn, chuyển được các họa. [Danh hiệu ấy] là gốc của mười phương đức hiệu nên gọi là đức bổn’.

Trong đoạn kinh Quán Phật Tam Muội vừa được trích dẫn ở phần trên, đức Thích Tôn nói: ‘Ta và mười phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền kiếp từ lúc sơ phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí’. Lời Phật dạy và câu nhận định của sách Giáo Hạnh Tín Chứng đều cùng nói lên một ý chỉ: trì danh niệm Phật chính là cái gốc của mười phương đức hiệu. Do đó, có hai cách giải thích câu ‘trồng các cội đức’:

a/ Bồ Tát trong lúc tu nhân, vạn đức viên mãn, từ nhân đắc quả nên bảo là ‘trồng các cội đức’.

b/ Gốc của các đức chính là niệm danh hiệu Phật.

Thật ra, hai thuyết này chẳng hề mâu thuẫn nhau vì Bồ Tát lúc tu nhân chẳng rời niệm Phật nên trong thuyết thứ nhất có thuyết thứ hai. Hơn nữa, niệm Phật trọn đủ vạn đức nên thuyết thứ hai bao hàm thuyết thứ nhất. Như vậy, hai thuyết chẳng hề mâu thuẫn nhau.

‘Chẳng nề hà các khổ, thiểu dục tri túc’: Nề hà là so đo, tính toán, ‘khổ’ là như kinh Phật Ðịa, quyển 5 nói: ‘Bức não thân tâm là khổ’. ‘Các khổ’ là nhị khổ (nội khổ, ngoại khổ), tam khổ (khổ khổ, ngoại khổ, hành khổ), tứ khổ (sanh, lão, bịnh, tử), tám khổ v.v... chia ra nhiều loại khác nhau, nói chung là có nhiều loại khổ. Bồ Tát hiểu rõ hết thảy các khổ đều là hư vọng, rốt ráo chẳng có nên có thể chịu đựng được các khổ, trụ vào bình đẳng. Vì vậy, kinh chép: ‘Chẳng nề hà các khổ’.

‘Thiểu dục’ là ít mong cầu, ‘tri túc’ là dẫu đạt được ít ỏi vẫn không buồn phiền như kinh Niết Bàn nói: ‘Thiểu dục là chẳng cầu, chẳng lấy. Tri túc là dẫu được ít vẫn chẳng buồn phiền’. Kinh Di Giáo cũng dạy:

‘Người thiểu dục thì chẳng dùng thói dua vạy để lấy lòng người khác, cũng chẳng bị các căn lôi kéo. Hành thiểu dục thì tâm thản nhiên, không sợ hãi, lo âu... Có thiểu dục ắt có Niết Bàn. Ðấy gọi là thiểu dục. Tỳ kheo các ông nếu muốn thoát khỏi các khổ não thì phải nên quán tri túc. Pháp tri túc chính là pháp để đạt giàu vui, an ổn. Người tri túc tuy nằm dưới đất vẫn an vui; kẻ chẳng tri túc dẫu ở thiên đường vẫn chẳng thỏa ý. Chẳng tri túc thì tuy giầu vẫn nghèo, người tri túc dẫu nghèo lại giầu’.

Phẩm Khuyến Phát của kinh Pháp Hoa cũng có nói: ‘Người ấy thiểu dục tri túc, có thể tu nổi hạnh Phổ Hiền’. Ngài Nghĩa Tịch còn dẫn kinh Bát Nhã như sau:

Thế nào là Bồ Tát thiểu dục? Thậm chí Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác ngài còn chẳng mong muốn huống hồ là các thứ khác. Ðấy gọi là thiểu dục.

Thế nào là Bồ Tát tri túc? Ðắc Nhất Thiết Chủng Trí thì gọi là tri túc’. Như vậy: chẳng cầu cảnh khác là thiểu dục, an trụ tự pháp là tri túc. Cảnh khác chính là ngũ dục: sắc, thanh, hương v.v... tự pháp là hiện lượng trí’.

Ý của ngài Nghĩa Tịch là: chẳng chấp lấy pháp ngoài tâm, chẳng vương vấn một pháp nào thì gọi là ‘thiểu dục’, thể hiển lộ chơn thường tịch diệt là vui, như như bất động là tri túc. Một câu ‘thiểu dục tri túc’ bao gồm những ý vi diệu thế ấy, chứng tỏ kinh Phật chứa đầy ý nghĩa thật sâu xa.

‘Chuyên cầu bạch pháp, ban bố cái lợi cho quần sanh’: Bạch pháp là bạch tịnh pháp, chỉ hết thảy pháp lành. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 7 nói: ‘Thiện pháp tươi sạch nên gọi là bạch’. Bản Ngụy dịch ghi là ‘pháp thanh bạch’. Sách Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Ý nói pháp ấy xa lìa tà kiến, phỉ báng nên bảo là thanh bạch’. Gia Tường Sớ lại giảng: ‘Là vô lậu minh nên gọi là thanh bạch’. Sách Hội Sớ giảng: ‘Pháp Ðại Thừa là pháp thanh bạch’. ‘Ban bố’ là thí cho, ‘lợi’ là làm lợi. Như vậy, câu kinh này có nghĩa là: chuyên cầu pháp vô lậu Ðại Thừa thanh tịnh để thí cho khắp các hữu tình nhằm lợi lạc quần sanh.

‘Chí nguyện không mỏi nhọc’: Mỏi nhọc là mệt mỏi, chán nản. Mỗi nguyện trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Ðại Sĩ trong kinh Hoa Nghiêm luôn được kết thúc như sau: Hư không giới hết, chúng sanh giới hết, chúng sanh nghiệp hết, phiền não của chúng sanh cùng tận, thì sự lễ kính (cho đến hồi hướng) của tôi mới hết, nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận nên sự lễ kính (cho đến hồi hướng) của tôi chẳng cùng tận, ‘niệm niệm tiếp nối chẳng gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp chẳng có nhọc mỏi’. Ðấy chính là ý nghĩa của câu ‘chí nguyện không nhọc mỏi’.

‘Thành tựu nhẫn lực’: Nhẫn lực là sức nhẫn nhục, sư Pháp Trụ giảng: ‘Nhẫn có ba thứ: một là an khổ nhẫn tức là chịu đựng được những thứ trái ý trong đời; hai là tha bất nhiêu ích nhẫn tức là chịu đựng được những điều người khác gây tổn hại cho mình; ba là pháp tư duy nhẫn tức là chẳng phân biệt các pháp’ Thành tựu được ba thứ nhẫn này nên bảo ‘thành tựu nhẫn lực’.

Sách Hội Sớ lại nói đến mười nhẫn như sau: ‘Nhẫn có những công đức mà trì giới, khổ hạnh chẳng sánh bằng nổi. Người có thể nhẫn nhục đáng gọi là bậc đại lực. Nhẫn nhục cốt là để trị sân hận, nhưng nó cũng giúp ta đoạn trừ cả tam độc.

Kinh Bảo Vân khi giảng về các pháp Bồ Tát tu tập đã nêu lên mười pháp, trong ấy có nhẫn pháp. Bồ Tát có mười pháp để an tịnh nơi nhẫn, những gì là mười? Ấy là: nội nhẫn, ngoại nhẫn, pháp nhẫn, tùy Phật giáo nhẫn, vô phương sở nhẫn, tu xứ xứ nhẫn, phi sở vi nhẫn, bất bức não nhẫn, bi tâm nhẫn, thệ nguyện nhẫn.

Thế nào là Bồ Tát nội nhẫn? Bồ Tát dẫu bị đói, khát, lạnh, nóng, lo buồn, đau đớn bức bách thân tâm vẫn tự cam chịu chẳng lấy làm khổ não. Ðấy là nội nhẫn.

Thế nào là ngoại nhẫn của Bồ Tát? Bồ Tát nghe người khác dùng lời ác mắng chửi, nhục mạ, chê bai, hoặc nhục mạ đến cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân quyến, hòa thượng, a xà lê, bạn bè đồng học, hoặc nghe kẻ khác hủy nhục Phật, Pháp, Tăng; với bao nhiêu lời hủy nhục, chê bai như vậy Bồ Tát nhẫn nhục, chẳng sanh nóng giận thì gọi là ngoại nhẫn.

Thế nào là pháp nhẫn của Bồ Tát? Với những nghĩa vi diệu đức Phật nói trong các kinh: chư pháp tịch tĩnh, chư pháp tịch diệt như tướng Niết Bàn... chẳng kinh, chẳng sợ, nghĩ như thế này: nếu ta chẳng hiểu nổi kinh này, chẳng biết được pháp này thì trọn chẳng đắc Bồ Ðề. Vì vậy Bồ Tát siêng cầu hỏi han, đọc tụng. Ðấy gọi là pháp nhẫn.

Thế nào là Bồ Tát tùy Phật giáo nhẫn? Lúc Bồ Tát khởi tâm sân não, ác độc liền suy nghĩ rằng: thân này từ đâu mà sanh, từ đâu mà diệt? Nếu từ ngã sanh thì ngã là cái gì? Nếu từ cái khác sanh ra thì cái khác đó là cái gì? Pháp tướng cũng vậy, từ nhân duyên nào sanh ra? Lúc Bồ Tát suy nghĩ như vậy chẳng thấy sanh ra từ cái gì, cũng chẳng thấy duyên khởi từ cái gì, cũng chẳng thấy từ ngã sanh, cũng chẳng thấy từ cái khác khởi, cũng chẳng thấy từ nhân duyên sanh. Suy nghĩ như vậy nên chẳng sân, cũng chẳng não, cũng chẳng độc, sức sân nộ liền giảm bớt. Ðấy gọi là tùy Phật giáo nhẫn.

Thế nào là Bồ Tát vô phương sở nhẫn? Hoặc là có lúc đêm nhẫn được, ngày không nhẫn được; hoặc có lúc ngày nhẫn nổi, đêm không nhẫn được; nhẫn được ở chỗ này, không nhẫn nổi ở nơi khác, hoặc nhẫn được bậc tri thức nhưng chẳng nhẫn được với kẻ chẳng phải là tri thức. Bồ Tát chẳng giống vậy: trong hết thảy thời, hết thảy chỗ thường sanh tâm nhẫn nên gọi là vô phương sở nhẫn.

Thế nào là Bồ Tát tu xứ xứ nhẫn? Có người nhẫn chịu được cha mẹ, sư trưởng, thê thiếp, con cái, kẻ lớn, người nhỏ, thân thuộc nội ngoại nhưng chẳng nhẫn được với kẻ khác. Lòng nhẫn của Bồ Tát chẳng như vậy, nhẫn chịu hạng chiên đà la hệt như nhẫn chịu cha mẹ. Ðấy gọi là tùy xứ xứ nhẫn.

Thế nào là Bồ Tát phi sở vi nhẫn? Chẳng vì sự mà nhẫn, chẳng vì lợi mà nhẫn, chẳng vì sợ mà nhẫn, chẳng vì chịu ơn người khác mà nhẫn, chẳng vì bạn bè thân thiết mà nhẫn, chẳng vì thẹn thùng mà nhẫn, Bồ Tát luôn tu nhẫn. Ðấy gọi là Bồ Tát phi sở vi nhẫn.

Thế nào là Bồ Tát bất bức não nhẫn? Nếu đã có nhân duyên gây sân hận nhưng phiền não chưa khởi thì chẳng gọi là nhẫn. Nếu lúc gặp phải nhân duyên gây sân hận như: dao vung, gậy đập, tay đấm, chân đá, ngoác miệng chửi bới, chính ngay lúc đó mà tâm chẳng động mới gọi là nhẫn. Ðấy gọi là Bồ Tát bất bức não nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ Tát bi tâm nhẫn? Lúc ấy, nếu Bồ Tát làm vua hoặc là bậc giống như vua có công nghiệp lớn, vì chúng sanh khổ nên làm chúa họ. Nếu lúc bọn chúng sanh ấy đến mắng chửi, xúc phạm, Bồ Tát chẳng cậy mình là chúa bọn họ mà sanh sân hận, ta phải cứu vớt những chúng sanh như thế, thường bảo vệ chúng chứ lý đâu lại sanh nóng giận? Thế nên, nay tâm ta bi mẫn thương xót chẳng sanh nóng giận. Ðấy gọi là Bồ Tát bi tâm nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ Tát thệ nguyện nhẫn? Bồ Tát nghĩ như sau: Ta trước đây từng đối trước chư Phật hiện sư tử hống phát thệ nguyện rằng: con sẽ thành Phật, ở trong đầm lầy sanh tử để cứu vớt các chúng sanh khổ sở. Mình nay muốn cứu vớt họ thì chẳng nên nóng giận làm khổ họ. Nếu mình chẳng nhẫn được thì còn chẳng độ nổi chính mình, huống là lợi lạc chúng sanh!’

Pháp Tạng Bồ Tát trọn vẹn các nhẫn nên bảo là ‘thành tựu nhẫn lực’.

 Chánh kinh: Với các hữu tình thường mang lòng từ nhẫn, hòa nhan, ái ngữ, khuyến dụ sách tấn, cung kính Tam Bảo, phụng sự sư trưởng, chẳng có tâm siểm khúc, hư ngụy.

 Giải: Ðoạn trên đã nói ‘ban bố cái lợi cho quần sanh’, đó là Từ; rồi bảo ‘thành tựu nhẫn lực’, đó là Nhẫn. Vì vậy, đối với các hữu tình thường có lòng ‘từ nhẫn’.

‘Hòa nhan’ là vẻ mặt nhu hòa, sách Hội Sớ giảng: ‘Bên trong lìa vọng nhiễm nên mặt ngoài thường ôn hòa. Vì vậy bảo là ‘hòa nhan’. Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã chép: ‘Bồ Tát hành Bát Nhã ba la mật, tùy thuận lời Phật dạy một cách thanh tịnh như thế, trông thấy các chúng sanh mặt liền tươi cười, chưa từng nhăn nhó, vì sao vậy? Tâm lìa uế trược, các căn thanh tịnh, chẳng nhiễm, ly cấu, tâm chẳng sân giận, trong tâm không kết hận’.

Ái ngữ là một trong bốn nhiếp pháp. Bốn nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Khéo tùy theo căn tánh chúng sanh để vỗ về, dẫn dụ khiến họ sanh tâm thân ái, nương theo mình học lấy giáo pháp thì gọi là ái ngữ nhiếp. Vì vậy, kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã bảo: ‘Dùng lời nhỏ nhẹ, mềm mỏng, hay đẹp để nói đẹp lòng kẻ khác’.

‘Khuyến dụ’ là khuyên dạy, vỗ về để khai tri kiến Phật cho chúng sanh, chỉ bày tri kiến Phật cho họ. ‘Sách tấn’ là thúc đẩy họ tiến bộ hơn, ta thường nói là ‘khích lệ’ ngõ hầu họ giải ngộ tri kiến Phật, chứng nhập tri kiến Phật.

‘Cung kính Tam Bảo, phụng sự sư trưởng’: tự khiêm là “cung”, tôn trọng đức hạnh của người khác là “kính”. Sớ giải kinh Pháp Hoa của ngài Gia Tường, quyển 2 có nói: ‘Khiêm tốn, kiêng nể là cung, nêu cao trí đức của người khác là kính’.

‘Tam Bảo’: hết thảy Phật Ðà là Phật bảo, giáo pháp do đức Phật Ðà giảng ra là Pháp bảo, người tuân theo giáo pháp của Phật Ðà tu hành là Tăng bảo. Sau khi Phật diệt độ, Tam Bảo tồn tại trong thế gian được gọi là trụ trì Tam Bảo. Tượng Phật gỗ, tranh Phật là Phật bảo, các câu kinh trong tam tạng là Pháp bảo, người cạo tóc, mặc y hoại sắc là Tăng bảo.

Vì sao gọi là ‘bảo’? Theo Bảo Tánh Luận, do sáu nguyên nhân: trong đời ít có, ly cấu, thế lực, trang nghiêm thế gian, tối thượng, bất biến. Phật lại có nghĩa là giác tri, Pháp là khuôn phép, Tăng là hòa hợp. ‘Cung kính Tam Bảo’ là khâm ngưỡng đức hạnh của Tam Bảo.

‘Phụng’ là tôn sùng, phụng dưỡng, ‘sự’ là hầu hạ. ‘Phụng sự’ là cung kính hầu hạ. ‘Sư’ là người dạy đạo cho ta, ‘trưởng’ nghĩa là đức hạnh, hoặc vai vế cao hơn mình, hoặc lớn tuổi hơn mình. Trong Khuyến Phát Bồ Ðề Tâm Văn, ngài Tỉnh Am đã viết: ‘Nếu chẳng có thế gian sư trưởng làm sao biết được lễ nghĩa. Nếu không có bậc xuất thế sư trưởng, chẳng hiểu nổi Phật pháp. Chẳng biết lễ nghĩa thì khác gì cầm thú, chẳng hiểu Phật pháp khác gì tục nhân’. Ân sư trưởng sâu nặng nên phải phụng sự. Mật tông còn coi cung kính Thượng Sư là căn bổn giới, thậm chí: ‘Trong hết thảy công đức cúng dường, cúng dường Thượng Sư là tối thắng’. Như vậy, ‘phụng sự sư trưởng’ thật sự là một nhiệm vụ quan trọng của việc tu hành.

Sách Hội Sớ lại giảng như sau: ‘Phụng sự sư trưởng còn bao hàm cả ý hiếu dưỡng cha mẹ. Sư là căn bổn xuất thế, cha mẹ là ruộng phước trong thế gian, Bồ Tát ắt phải cung kính, phụng trì’. Thuyết này thật rất có căn cứ vì như Quán kinh nói: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng’.

‘Chẳng có tâm siểm khúc, hư ngụy’: Hư là hư vọng chẳng thật, “ngụy” là hiện tướng dối trá, “siểm” là nịnh nọt, đón ý người để nói vuốt theo, ta thường nói là “a dua, bợ đỡ”. “Khúc” là chẳng thẳng thắn, dối trá, tà vạy. Chẳng hư ngụy, siểm ngụy, siểm khúc nên tâm đoan chánh, chất trực, không lầm lỗi. Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Chẳng có tâm hư ngụy, siểm khúc nghĩa là lìa được các lỗi nơi tâm’. Kinh Duy Ma, phẩm Phật Quốc có nói: ‘Trực tâm là Tịnh Ðộ của Bồ Tát’, ngài Tăng Triệu giảng: ‘Trực tâm là chất trực chẳng dua dối, tâm này là gốc của muôn hạnh’. Ngài Tăng Triệu coi tâm chất trực không dua dối là gốc của vạn hạnh. Lời này thật là thiết yếu, chớ nên coi thường.

Chánh kinh: Trang nghiêm các hạnh, quỹ phạm đầy đủ, quán pháp như hóa, tam muội thường tịch, khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác, khéo giữ gìn thân nghiệp chẳng mất luật nghi, thanh tịnh vô nhiễm.

 Giải: Tịnh Ảnh Sớ giảng chữ ‘trang nghiêm các hạnh’ như sau: ‘Ý nói thành tựu các hạnh’. Trang nghiêm là hai thứ trang nghiêm: phước và trí. ‘Các hạnh’ là hết thảy các hạnh như: đàn (bố thí)... Ý nói: dùng phước và trí để trang nghiêm các độ: bố thí... và vạn hạnh.

Sách Duy Thức Thuật Ký, quyển 7 nói: ‘Thiện tư lương là phước trí nhị nghiêm’. Sách Niết Bàn Ký, quyển 27 ghi: ‘Hai thứ trang nghiêm: một là trí huệ, hai là phước đức. Nếu Bồ Tát đầy đủ được hai thứ trang nghiêm ấy thì biết được Phật tánh’. Sách Thám Huyền Ký, quyển 3 cũng bảo: ‘Trang nghiêm có hai nghĩa: một là đầy đủ đức, hai là trang hoàng’.

Như vậy, ‘trang nghiêm các hạnh’ nghĩa là trong mỗi một hạnh đều từ tánh khởi tu, hoàn toàn tu nơi tự tánh nên Tịnh Ảnh Sớ cho rằng ‘trang nghiêm các hạnh’ chính là thành tựu các hạnh.

‘Quỹ phạm’ là quy tắc và khuôn phép. ‘Quỹ’ còn nghĩa là phép tắc, ‘phạm’ là pháp, là thường. Do sở hạnh đầy đủ phước trí nên nói ra, dạy ra điều gì cũng trở thành quy tắc; làm gì, chỉ bày cái gì cũng trở thành mẫu mực cho đại chúng, nên bảo là ‘quỹ phạm’; đều thành pháp chuẩn mực chẳng thể biến cải được nên bảo là ‘quỹ phạm đầy đủ’.

‘Quán pháp như hóa’ là thấy hết thảy đều như huyễn hóa. ‘Quán’ là tên khác của Trí, sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 2 nói: ‘Ý niệm ở mức độ thô là Giác, ý niệm ở mức vi tế là Quán’. Sách Du Tâm Pháp Giới Ký cũng bảo: ‘Quán là Quán Trí. Pháp này lìa các ý thức chấp trước so đo nên gọi là Quán’.

Sách Hội Sớ lại bảo: ‘Chữ Quán ở đây là tam quán. Do vì Tam Ðế (Giả đế, Không đế, Chơn Ðế) nên có tam quán. Ðấy là cốt lõi của vạn hạnh, là gan mật của Bồ Tát’ ‘một chữ Pháp chỉ chung hết thảy hữu tình, phi tình, các pháp sanh tử, Niết Bàn’.

Sách Hội Sớ giảng chữ ‘như hóa’ như sau: ‘Chẳng phải là Không, chẳng phải là Giả, nhưng dùng Không và Giả để sánh ví. Nó chính là Trung Ðế’. Ý nói: Tuy nói là như hóa nhưng nó chẳng phải tuyệt đối không có nên bảo chẳng phải là không. Nếu cho rằng có thì nó lại chỉ như huyễn hóa mà thôi nên chẳng thật có. Gọi là “như hóa” vì nó giả có; đã là huyễn hóa thì toàn thể của cái được biến hiện ra ấy chỉ là không. Vì vậy, sách Hội Sớ bảo là ‘chẳng phải là Không, chẳng phải Giả, mà dùng Không và Giả để sánh ví’ nên hiển thị Trung Ðạo. ‘Quán pháp như hóa’ là quán hết thảy pháp đều là Trung Ðạo.

‘Tam muội thường tịch’: Tam muội là chánh định, ‘thường tịch’: tướng chẳng sanh diệt của chơn thể gọi là ‘thường’, dứt hết tướng phiền não là ‘tịch’. Sách Duy Thức Thuật Ký viết: ‘Chẳng sanh chẳng diệt, tuyệt danh tướng, trụ thường tịch’. Vì vậy, Tịnh Ảnh Sớ bảo: ‘Tam muội thường tịch là Chỉ hạnh sâu’ (‘Chỉ hạnh’ là tu pháp chỉ: ngưng tâm lại một chỗ là ‘chỉ’. ‘Chỉ’ là tên gọi khác của Thiền Ðịnh). Tuyệt danh tướng, lìa phiền não, chẳng sanh, chẳng diệt, trụ trong thường tịch, tam muội đến mức như vậy nên bảo là ‘sâu’.

Do thường hành Trung Ðạo, trụ trong diệu quán hết thảy như hóa, tự nhiên nhập được chánh định bất sanh bất diệt thường tịch rất sâu. Kinh Di Giáo cũng nói: ‘Ví như người tiếc nước phải khéo be bờ, đắp đê; hành giả cũng thế, vì nước trí huệ nên khéo tu Thiền Ðịnh chẳng để nó rỉ mất’. Câu kinh này đã diễn tả nhân hạnh của Ðẳng Trì (tên khác của tam muội). Trong phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi của kinh Vô Lượng Thọ đây cũng có câu: ‘Ðịnh huệ của Như Lai đã thấu suốt đến vô cực’, đấy là Quả đức.

Sáu câu kể từ ‘khéo giữ khẩu nghiệp’ trở đi ý nói: Bồ Tát thân, khẩu, ý tam nghiệp thanh tịnh. Trong tam nghiệp, ‘khéo giữ gìn ý nghiệp’ là quan trọng nhất, đó chính là chánh hạnh ‘khéo giữ gìn ý niệm chính mình’ của Bồ Tát.

Do khế hợp sâu sa với Trung Ðạo, chánh định thường tịch, hiểu rõ nguồn gốc, xa lìa sanh diệt, tự nhiên xa lìa hết thảy các cấu nhơ phiền não nên ý nghiệp ‘thanh tịnh vô nhiễm’. Ý nghiệp đã thanh tịnh, thân nghiệp cũng thanh tịnh theo nên ‘khẩu nghiệp chẳng chê bai lỗi người khác’. ‘Chê bai’ là chê trách, nói xấu, chỉ trích lầm lỗi của người khác. Khẩu nghiệp chẳng chê lỗi người khác là do ý nghiệp chẳng thấy lỗi lầm người khác. ‘Người khác’ là hết thảy hữu tình; nói rộng hơn là hữu tình, phi tình, vạn sự, vạn vật, hết thảy pháp. Hết thảy không lầm lỗi, vốn tự vô nhiễm, vốn tự viên thành như kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Hết thảy sự rốt ráo kiên cố’, cũng như kinh Viên Giác nói: ‘Các giới, định, huệ và dâm, nộ, si đều là phạm hạnh’‘hết thảy phiền não rốt ráo là giải thoát’. Vì hết thảy bình đẳng nên còn có gì để chê trách!

‘Khéo giữ gìn thân nghiệp, chẳng mất luật nghi’: luật là giới luật, nghi là nghi tắc.

Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 10 giảng: ‘Nói về luật nghi thì pháp ngăn cấm điều ác là Luật; thực hành theo đúng giới luật nên gọi là Luật Nghi’. Ý sách nói: Trong cái được gọi là Luật Nghi thì pháp ngừa ác, chấm dứt điều sai trái gọi là Luật; hành vi theo đúng giới luật thì gọi là Luật Nghi.

Sách Hành Trì Sao Tư Trì Ký lại bảo: ‘Ngăn cấm, phòng ngừa chung thì gọi là Luật; tạo tác ra hình tướng là Nghi’.

Tổng hợp hai thuyết trên thì y chỉ giới luật, thể hiện ra hành vi thì gọi là Luật Nghi. Ngoài ra, Luật Nghi Giới là một trong tam tụ tịnh giới. Tam tụ tịnh giới là:

a. Nhiếp Luật Nghi Giới: thọ trì năm, tám, mười, cụ túc giới.... hết thảy giới luật.

b. Nhiếp Thiện Pháp Giới: tu hết thảy thiện pháp là giới.

c. Nhiếp Chúng Sanh Giới: còn gọi là Nhiêu Ích Hữu Tình Giới, lấy việc lợi lạc hết thảy hữu tình làm giới.

Trên đây là giới tổng quát mà bậc Ðại Thừa Bồ Tát phải thọ. Trong Nhiếp Luật Nghi Giới, tại gia Bồ Tát phải thọ năm giới và tám giới, xuất gia Bồ Tát thọ mười giới và Cụ Túc Giới.

Kinh Niết Bàn quyển 31 nói: ‘Giới là cây thang đưa đến hết thảy thiện pháp’. Kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp, quyển hạ cũng bảo: ‘Hết thảy chúng sanh lúc mới vào biển Tam Bảo thì lấy tín làm gốc; trụ trong nhà Phật lấy giới làm gốc’. Sách Ngũ Ðăng Hội Nguyên nói: ‘Pháp yếu có ba: giới, định, huệ’.

Các kinh luận vừa dẫn trên đã giảng rộng về giới đức. Kinh Phổ Siêu Tam Muội, quyển 1 dạy: ‘Mặc giáp giới đức hóa độ chúng sanh’, đấy chính là ý nghĩa chơn thật của câu ‘khéo giữ gìn thân nghiệp, chẳng mất luật nghi’. Ở đây, “áo giáp giới luật” có hai nghĩa:

a. Một là hộ trì, lấy giới đức làm giáp trụ như lính cứu hỏa mặc áo giáp bằng chất thạch miên (amiant) xông vào nhà lửa tam giới, xông vào ngọn lửa tam độc hừng hực cứu vớt chúng sanh chẳng hề sợ hãi.

b. Hai là trang nghiêm: dùng đức trì giới để tự trang nghiêm, chẳng mất luật nghi, làm khuôn phép cho trời, người khiến chúng sanh khâm ngưỡng, quy hướng, chấp nhận sự giáo hóa của mình, cung kính giới đức của mình, học theo giới hạnh của mình, tấn tu định huệ đạt đến bờ kia.

Ðem câu kinh Viên Giác vừa dẫn ở trên: ‘Các giới, định, huệ và dâm, nộ, si đều là phạm hạnh’ để đối chiếu câu ‘chẳng mất luật nghi’ trong đoạn này ta thấy rõ được diệu hạnh tu chứng trọn vẹn, giải ngộ trọn vẹn Trung Ðạo, lý sự vô ngại. Biết rõ giới, định, huệ và dâm, nộ, si là bình đẳng nên tuy nghiêm trì tịnh giới, chẳng đánh mất luật nghi, đầy đủ quỹ phạm nhưng tự tâm thường tịch, hết thảy bình đẳng, chẳng lấy bỏ cái gì, cũng chẳng yêu ghét, chẳng thấy mình phải, chẳng bảo người sai. Trì giới như vậy là trì giới một cách chơn thật; tu hành như thế là hạnh Phổ Hiền. Tri kiến như thế mới khế hợp Trung Ðạo. Kẻ nào mới nghe lõm bõm cái ý bình đẳng đã vội chê bai trì giới là chấp tướng, phỉ báng giới luật, hoặc vừa mới trì giới được một chút đã vội kiêu căng, tự khen mình, chê người, bàn soạn lỗi lầm kẻ khác thì đều là hạng lầm thuốc thành bịnh cả!

Cả ba đoạn trên đều tường thuật Pháp Tạng Ðại Sĩ trang nghiêm đức hạnh nơi tự tâm, đoạn tiếp theo đây sẽ nói về hạnh đức thành tựu chúng sanh của ngài.

 Chánh kinh: Với tất cả quốc thành, tụ lạc, quyến thuộc, trân bảo ngài đều không dính mắc, luôn dùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, hạnh lục độ để giáo hóa an lập chúng sanh trụ nơi đạo vô thượng chánh chơn.

 Giải: ‘Tụ lạc’ là thôn xóm, nay chính là chỗ làng mạc, nơi có người sanh sống. ‘Dính mắc’ là chấp trước. Có chấp trước thì khó lìa bỏ được; không chấp trước nên đều bố thí được hết.

Tiếp theo bố thí là năm độ: trì giới, nhẫn nhục... các độ đều lấy không chấp trước làm gốc. Ðấy chính là tông chỉ của kinh Kim Cang: xa lìa bốn tướng, tu hết thảy pháp lành nên chứng đắc a nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề. Lục độ chính là đại hạnh lợi ích cả mình lẫn người một cách rốt ráo đạt đến bờ kia Niết Bàn của bậc Bồ Tát. Bồ Tát tự hành pháp này và cũng dùng giáo pháp này lợi lạc chúng sanh nên kinh nói tiếp: ‘Giáo hóa, an lập chúng sanh’. Sách Hội Sớ giảng: ‘Ðem đạo này dạy cho người khác là Giáo, chuyển ác thành thiện là Hóa. Dẫn dắt chúng sanh an trụ chánh đạo, kiến lập đại tâm nên bảo là An Lập’.

Ðại sĩ dùng lục độ dạy dỗ và tiếp độ chúng sanh khiến họ chuyển ác thành thiện, phát khởi đại tâm, an trụ chánh đạo. Ðạo này nào phải là tiểu đạo nên bảo là ‘vô thượng chánh chơn’.

‘Vô thượng’ là không có gì có thể hơn được nổi. Sách Tịnh Ðộ Luận Chú nói: ‘Vô thượng: đạo này cùng lý tận tánh, không gì hơn nổi’. Sách Hoa Nghiêm Ðại Sớ Sao, quyển 13 nói: ‘Không có gì hơn được nổi nên gọi là “vô thượng”.

‘Chơn’ là chơn thật, chẳng mê, chẳng vọng.

‘Chánh’: chẳng sai lầm nơi lý là chánh; chánh còn có nghĩa là chẳng tà, chẳng cong. Sách Chánh Pháp Nhãn Tàng của nhà Thiền giảng chữ Chánh như sau: ‘Chánh là đức danh của Phật tâm. Tâm này thấy tỏ cùng tột chánh pháp nên bảo là Chánh Pháp Nhãn’.

Chữ Ðạo:

a. Một nghĩa là dẫn đến như Câu Xá Luận, quyển 25 nói: ‘Ðạo có nghĩa là gì? Là con đường Niết Bàn, đi theo con đường ấy thì đến được thành Niết Bàn’. Sách Hoa Nghiêm Ðại Sớ, quyển 18 cũng bảo: ‘Thông đến Phật quả nên gọi là Ðạo’.

b. Ðạo có nghĩa là cái thể của Niết Bàn. Bài trừ các chướng một cách vô ngại tự tại thì gọi là ‘đạo’ như sách Niết Bàn Vô Danh Luận giảng: ‘Niết Bàn gọi là Ðạo, lặng lẽ, rỗng rang, rộng lớn chẳng thể hình dung nổi, vi diệu vô tướng chẳng thể dùng hữu tâm để biết nổi’.

Như vậy, Ðạo là con đường dẫn đến Niết Bàn mà nó cũng chính là Niết Bàn. Tổng hợp ý kiến của những kinh luận vừa dẫn trên để hiểu câu ‘trụ nơi đạo vô thượng chánh chơn’ thì ‘chánh chơn’ là chơn thật chẳng sai, ‘vô thượng’ là đạo ấy cùng tánh tận lý chẳng có gì hơn được nổi. Ðại sĩ dạy chúng sanh chứng được bờ kia Niết Bàn, an trụ đạo quả Niết Bàn.

Trong đoạn dưới đây, kinh nói tiếp: do tu diệu đức thù thắng như vậy, Bồ Tát cảm được diệu quả thắng thượng.

 Chánh kinh: Do thành tựu các thiện căn như thế nên ngài sanh ở chỗ nào thì vô lượng bảo tàng tự nhiên ứng hiện. Ngài làm trưởng giả, hoặc cư sĩ, dòng họ danh giá tôn quý, hoặc làm sát lợi, quốc vương, chuyển luân thánh đế, hoặc làm Lục Dục thiên chúa cho đến Phạm vương. Ở chỗ chư Phật ngài tôn trọng cúng dường chưa từng gián đoạn. Những công đức như thế chẳng thể thuật hết nổi.

 Giải: Câu ‘các thiện căn như thế’ chỉ các thiện căn đã nói trong phẩm Tích Công Lũy Ðức. Những công đức ấy phát khởi cơ cảm, hễ cảm thì ắt có ứng, quả liền tương ứng với nhân. Vì vậy, Pháp Tạng Bồ Tát cảm được cái quả thù thắng: đời đời, kiếp kiếp sanh ở đâu cũng cảm được diệu quả như dưới đây sẽ thuật.

Trước hết là ‘vô lượng bảo tàng tự nhiên ứng hiện’. Sách Tiên Chú giảng chữ ‘bảo tạng’ như sau: ‘Kho tàng chứa đầy của cải quý giá, diệu pháp có khả năng cứu vớt chúng sanh khổ ách nên ví diệu pháp như bảo tạng’.

‘Ứng hiện’ là theo cảm ứng mà tự nhiên xuất hiện; sách Hội Sớ bảo: ‘Bồ Tát trong nhiều kiếp tích chứa công hạnh bố thí, trì giới nên tự cảm được kho tàng báu tự nhiên hiện lên để ứng với đức của ngài’.

‘Trưởng giả’ là tiếng gọi chung những vị tuổi tác hay giàu có, đức hạnh tại Ấn Ðộ trong thời cổ. Sách Pháp Hoa Huyền Tán nói: ‘Tâm bình đẳng, tánh ngay thẳng, lời nói chơn thật, hạnh đoan chánh, tuổi tác cao, giàu có thì gọi là “trưởng giả”.

‘Cư sĩ’ là tiếng gọi chung hàng tại gia tu Phật, sách Pháp Hoa Huyền Tán, quyển 10 giảng: ‘Giữ đạo, điềm tĩnh, ít ham muốn, đức dày thì gọi là cư sĩ’.

Sách Hội Sớ lại bảo: ‘Dòng họ cao quí, địa vị cao, giàu có lớn, tuổi tác cao thì gọi là trưởng giả. Tích chứa nhiều của cải, quy ngưỡng Phật thừa một cách sâu xa, nhà cửa giàu có thì gọi là cư sĩ’.

Chữ ‘dòng họ danh giá’ (hào tánh) chỉ danh môn, vọng tộc, dòng họ lớn, nhà quý hiển (như nhà quý hiển trong làng được gọi là hương gia). ‘Tôn quý’ chỉ dòng họ quan lại lớn, vinh hiển.

‘Sát lợi’ là tiếng Phạn, là chủng tánh thứ hai trong bốn loại chủng tánh ở Ấn Ðộ, nói đủ là sát đế lợi. Theo Tây Vực Ký, sát-đế-lợi nghĩa là dòng dõi nhà vua như ngày nay ta nói vương gia, quý tộc. Theo Trí Ðộ Luận, quyển 32: ‘Sát lợi là vua và đại thần’. Hai thuyết này hơi mâu thuẫn nhau, có thể thời cổ đa phần đại thần là quý tộc chăng?

‘Quốc vương’ là chúa một nước. ‘Chuyển luân thánh đế’ còn gọi là chuyển luân vương, chuyển vương, thân đủ băm hai tướng, khi lên ngôi thì liền cảm được luân báu từ trời hiện xuống. Luân có bốn loại: vàng, bạc, đồng, sắt. Theo thứ tự trên, vua chuyển luân sẽ thống trị bốn, ba, hai, một đại châu, như Kim Luân Vương thống lãnh bốn châu. Số đại châu  thống lãnh bởi các vua khác giảm dần theo thứ tự trên. Sách Hội Sớ nói: ‘Chuyển luân vương là vua cả bốn châu; do luân xoay chuyển nên oai thế nhiếp phục khắp hết thảy’.

‘Lục Dục thiên chúa’ chính là vua tầng trời thứ sáu trong Dục giới. Sáu tầng trời là: Tứ Thiên Vương thiên, Ðao Lợi, Dạ Ma, Ðâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại.

‘Phạm vương’ là danh xưng khác của Ðại Phạm thiên vương. Chữ ‘Phạm thiên’ chỉ chung chư thiên trong Sắc giới.

Ðoạn kinh này ý nói: Bồ Tát do sức thiện căn cảm được quả đời đời sanh nhà tôn quý, đức cao trọng vọng, giàu có dư dật; thậm chí là vua nhân gian, hoặc làm thiên đế, thượng hoằng hạ hóa, thỏa mãn sở nguyện. Lại do sức thiện căn, do sức đại nguyện nên sẽ được gặp Phật ‘ở chỗ chư Phật tôn trọng cúng dường chưa từng gián đoạn’. Công đức ngài đã làm thật vô lượng vô biên ‘chẳng thể thuật hết nổi’.

 Chánh kinh: Thân, miệng thường tỏa vô lượng diệu hương giống như chiên đàn, ưu bát la hoa. Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới. Sanh ở chỗ nào sắc tướng cũng đoan nghiêm: ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ thảy đều đầy đủ. Trong tay thường hiện ra vô tận các báu, vật trang nghiêm, hết thảy vật cần dùng tối thượng để lợi lạc hữu tình.

 Giải: Ðại sĩ tu chẳng thể nghĩ bàn đức hạnh của Phổ Hiền Ðại Sĩ một cách rộng lớn nên cảm được quả thù thắng cũng chẳng thể nghĩ bàn.

Trước hết là ‘thân, miệng thường tỏa vô lượng diệu hương’.

Chiên đàn (sandal) là tên một loài cây có mùi thơm ở Ấn Ðộ, ở Tàu không có. Chiên đàn dịch là Dữ Lạc (ban cho niềm vui). Theo sách Huệ Uyển Âm Nghĩa, cây này có hai loại đỏ và trắng: bạch đàn trị được chứng bịnh nóng, xích đàn trị được chứng phong thũng. Vì vậy, gọi là Dữ Lạc.

Ưu Bát La (utpala) dịch ra là hoa sen xanh hoặc hoa sen hồng. Loại hoa này hương thơm ngào ngạt, sách Huệ Uyển Âm Nghĩa bảo: ‘Ưu bát la là tên một loài hoa, lá nó hẹp mà dài. Hoa phía dưới hơi tròn, càng lên cao càng nhỏ dần trông như mắt Phật, kinh hay dùng hoa này làm thí dụ’.

Thân và miệng của Ðại Sĩ thường tỏa ra mùi hương vi diệu, đấy là do giới đức cảm thành. Kinh Quán Phật Tam Muội nói: ‘Thường dùng Ðịnh hương làm chuỗi anh lạc nơi thân’. Kinh Giới Hương lại bảo: ‘Tất cả các hương hoa trong thế gian, dẫu cho trầm, chiên đàn, long não, xạ hương... các thứ hương như vậy chẳng thể tỏa mùi khắp nơi, chỉ mình Giới hương nơi đâu cũng ngửi thấy’. Kinh này chép: ‘Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới’ thì rõ ràng phải là Ðịnh hương.

‘Ðoan’: đoan chánh, bản Ngụy dịch chép: ‘Dung sắc đoan chánh’. ‘Nghiêm’ là trang nghiêm.

‘Ba mươi hai tướng’: nói về ứng thân một trượng sáu của Phật thì có ba mươi hai tướng. Nếu nói về báo thân ắt có tám vạn bốn ngàn tướng.

‘Tám mươi vẻ đẹp phụ’ là chỉ tám mươi thứ tùy hình hảo, cũng chỉ là nói theo ứng thân. Nếu bàn về báo thân ắt có sáu mươi bốn ức một ngàn sáu trăm vạn tùy hình hảo. Quán Kinh nói: ‘Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo’.

Sách Pháp Giới Thứ Ðệ, quyển hạ cũng chép: ‘Tướng và [tùy hình] hảo đều là sắc pháp, đều để trang nghiêm rạng rỡ thân Phật; nhưng tướng là tổng quát, tùy hình hảo là chuyên biệt. Nếu một tướng mà không có tùy hình hảo thì chẳng viên mãn. Chuyển Luân, Ðế Thích, Phạm Vương cũng có băm hai tướng nhưng không có tùy hình hảo nên thân họ chẳng vi diệu’.

Trí Ðộ Luận cũng bảo: ‘Tướng thô nhưng tùy hình hảo lại tế. Chúng sanh thấy Phật liền thấy ngay được tướng, nhưng khó thấy được tùy hình hảo. Tướng thì người khác cũng có, nhưng tùy hình hảo thì không phải ai cũng có. Do vậy, phải nói riêng tướng và tùy hình hảo’.

Như vậy, tướng là thô, là đặc điểm chung, rành rành dễ thấy; ‘hảo’ thì nhỏ nhiệm, chẳng phải ai cũng có, vi diệu khó thấy. Pháp Tạng Bồ Tát khi tu nhân ‘thảy đều đầy đủ’ ba mươi hai tướng lẫn tám mươi tùy hình hảo, không điểm nào khuyết thiếu.

‘Trong tay thường hiện ra vô tận của báu, vật trang nghiêm, hết thảy vật cần dùng tối thượng’: Trong tay hiện ra các báu là giống như hai vị Bồ Tát Bảo Thủ và Diệu Tý trong kinh Duy Ma. La Thập đại sư nói: Bảo Thủ là nơi tay thường hiện ra vô lượng trân bảo. Ngài lại bảo: ‘Do quả báo của bố thí nên trong tay thường tuôn ra vô tận bảo vật như năm con sông tuôn chảy. Vì vậy, gọi là Diệu Tý’. Ngài Nghĩa Tịch cho rằng đây là hạnh của Thập Ðịa Bồ Tát, do trí độ (Bát Nhã ba la mật) cảm thành. Diệu trí dung thông nên tùy ý vô ngại. Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘Tay hiện ra các vật cúng để cúng dường chư Phật’. Ngài Nghĩa Tịch nói: ‘Thí các hữu tình, cúng dường Tam Bảo’. Như vậy, ‘trong tay xuất hiện vô tận của báu, vật trang nghiêm, vật cần dùng tối thượng’ chính là để dâng cúng chư Phật và thí cho chúng sanh như bản Ðường dịch ghi: ‘Các hương hoa báu, tràng phan, lọng lụa, y phục thượng diệu, thức ăn, thuốc men, và các kho tàng, vật trân ngoạn, đồ cần dùng đều tự nhiên xuất hiện từ tay Bồ Tát’ thí khắp chúng sanh ‘lợi lạc hữu tình’. Trong một tay đã xuất hiện vô lượng vô biên các vật tối thượng như thế thì chính là đã hiển thị huyền môn cụ đức viên minh, một tức là nhiều, nhiều tức là một.

 Chánh kinh: Do nhân duyên ấy khiến cho vô lượng chúng sanh đều phát A-nậu-đa-la tam-miệu Tam Bồ Ðề tâm.

 Giải: Câu ‘do nhân duyên ấy’ chỉ chung các nhân duyên thù thắng đã nói ở phần trên. Những nhân duyên ấy khiến cho chúng sanh được ngài hóa độ đều phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Ðoạn này thật đã diễn tả sâu xa rằng Pháp Tạng Ðại Sĩ dùng vô lượng tâm phát vô lượng nguyện, khởi vô lượng hạnh, điều nào cũng tương xứng với Chơn Như pháp giới. Vì vậy, chẳng uổng sức phát nguyện, chẳng phí uổng công sức mà ‘có thể khiến cho vô lượng chúng sanh’ cũng được tương ứng với pháp giới ‘đều phát A-nậu-đa la tam-miệu Tam Bồ Ðề tâm’. Tâm này chính là Chơn Như bổn tâm.

Xem mục lục