Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

7. Ắt thành Chánh Giác:

 Trước đức Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Pháp Tạng tỳ kheo nói bốn mươi tám nguyện xong lại đối trước Phật nói kệ tụng để nhắc lại các nguyện ấy và thỉnh Phật chứng minh. Do đại nguyện của ngài chơn thành, sâu rộng nên ngay khi ấy cảm được trời mưa hoa, đất chấn động. Trên không trung có tiếng khen rằng ‘nhất định thành Phật’. Ðấy là nội dung của phẩm thứ bảy này.

 Chánh kinh:

Ðức Phật bảo A Nan: ‘Khi ấy, Pháp Tạng tỳ kheo nói lời nguyện ấy xong, dùng kệ tụng rằng:

Con lập chí siêu thế

Ắt đạt vô thượng đạo

Chẳng trọn vẹn nguyện ấy

Thề chẳng thành Ðẳng Giác

Lại làm đại thí chủ

Phổ tế các cùng khổ

Khiến các quần sanh ấy

Ðêm dài chẳng ưu não

Xuất sanh các thiện căn

Thành tựu Bồ Ðề quả

Nếu con thành Chánh Giác

Lấy hiệu: Vô Lượng Thọ

Chúng sanh nghe hiệu ấy

Ðều sanh trong nước con

Thân sắc vàng như Phật,

Diệu tướng đều viên mãn

Cũng dùng tâm đại bi

Lợi ích các quần phẩm

Ly dục, chánh niệm sâu

Tịnh huệ tu phạm hạnh  

Giải: Chữ ‘chí siêu thế’ được các nhà giải thích kinh hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘Những nguyện đã phát trong đời trước: nguyện đắc Pháp Thân, cầu sanh Tịnh Ðộ gọi là nguyện siêu thế’.

Ngài Tịnh Ảnh gọi các nguyện quang minh vô lượng, thọ mạng và chư Phật khen ngợi ghi trong bản Ngụy dịch là những nguyện thuộc về Pháp Thân; nguyện cõi nước thanh tịnh và nguyện cõi nước trang nghiêm là Tịnh Ðộ nguyện. Ngài Tịnh Ảnh chỉ coi năm nguyện ấy là siêu xuất thế gian, ngài Cảnh Hưng cũng nghĩ như vậy. Các vị Nghĩa Tịch, Vọng Tây lại cho rằng cả 48 nguyện đều là nguyện siêu thế. Thuyết sau rất đúng.

Sách Bình Giải nhận xét: ‘Sư tổ chúng ta (ngài Thiện Ðạo) bảo bốn mươi tám nguyện chẳng thể nghĩ bàn, cũng gọi là thệ nguyện vô ngại. Người đời cho rằng bốn mươi tám nguyện ấy mỗi nguyện riêng rẽ giống như những trái lật và trái hồng đặt cạnh nhau, đấy đều là những kiến giải hạn hẹp chẳng dung thông mà thôi! Chẳng phải như vậy! Ví như một bức gấm Tứ Xuyên khéo dệt thành hoa, quả, cành, lá giống như là có rễ, thân, cành, lá sai khác nhưng thật sự chỉ là một bức gấm mà thôi. Phật nguyện cũng vậy, tuy có đến 48 nguyện, nhưng chỉ là do một trí Chánh Giác thiện xảo trang nghiêm nên gọi là thệ nguyện vô ngại. 48 nguyện còn được gọi là nguyện chẳng thể nghĩ bàn vì mỗi nguyện trong 48 nguyện đều đầy đủ công đức chẳng thể nghĩ bàn. Các nguyện dung nhập lẫn nhau, không bị chướng cách nên gọi là vô ngại’. Do đây ta thấy được rằng 48 nguyện dung nhập lẫn nhau, nguyện nào cũng đều là nguyện siêu thế cả.

Trong quyển Pháp Sự Tán, tổ Thiện Ðạo còn bảo: ‘Tuy hoằng thệ nhiều đến bốn mươi tám nguyện, nhưng chỉ để nói lên Niệm Phật là việc thiết yếu nhất’, nghĩa là: nguyện nào cũng vì niệm Phật cả. Vãng Sanh Luận bảo ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú, một pháp cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Ðại nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng bao gồm cả ba thứ trang nghiêm, viên mãn một cách rốt ráo, hoàn toàn nhập vào một pháp cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân.

Vả lại, ‘tiếng, chữ đều là Thật Tướng’ nên một câu danh hiệu ‘Nam Mô A Di Ðà Phật’ chính là bổn thể của Pháp Thân, chính là viên viên quả hải. Bốn mươi tám nguyện chỉ là để hiển thị danh hiệu A Di Ðà Phật nên danh hiệu A Di Ðà có đủ hết thảy các công đức diệu dụng của Di Ðà bổn nguyện. Danh hiệu ấy là bản thể của tánh đức, do tu đức viên thành, nhiếp trọn cả tánh đức và tu đức không sót.

Bốn mươi tám nguyện chỉ là để đề cao Niệm Phật. Nguyện nào cũng bao hàm quả đức của Phật, nguyện nào cũng phơi bày trọn vẹn vô vi Pháp Thân nên ta có thể nói nguyện nào cũng là nguyện Pháp Thân cả. Các nguyện dung nhập lẫn nhau không bị cách ngại; nguyện nào cũng chứa đựng vô lượng nguyện thù thắng vô thượng chẳng thể nghĩ bàn, chẳng hề có hạn lượng. Nói cách khác, cái được gọi là bốn mươi tám nguyện ở đây cũng chỉ là giả danh nhằm để tùy thuận chúng sanh, chứ thật ra bổn nguyện vô lượng. Hơn nữa, bổn nguyện tuy vô lượng nhưng rốt ráo chỉ là một pháp cú mà thôi.

Ngay cả chữ ‘siêu thế’ cũng được các vị chú giải kinh giải thích mỗi người một khác. Ngài Nghĩa Tịch giảng ‘siêu thế’ là không còn ở trong những địa vị thuộc thế gian nhưng chưa chứng Sơ Ðịa, nên gọi là “siêu thế”. Ngài Cảnh Hưng bảo ‘siêu thế’ là đã viên mãn địa vị Thập Hướng. Cả hai thuyết này đều bảo ngài Pháp Tạng khi ấy vẫn còn chưa chứng Sơ Ðịa.

Các vị Thiện Ðạo, Ðàm Loan… lại có kiến giải khác hẳn. Ðại sư Ðàm Loan bảo: ‘Pháp Tạng Bồ Tát ở nơi đức Thế Tự Tại Vương Phật ngộ được Vô Sanh Pháp Nhẫn, địa vị của ngài ngay khi ấy là thánh chủng tánh (theo kinh Anh Lạc, thánh chủng tánh là loại thứ bốn trong sáu chủng tánh. Thánh chủng tánh là Thập Ðịa Bồ Tát). Từ trong tánh ấy phát ra bốn mươi tám nguyện’.

Thiện Ðạo đại sư cũng cho rằng ngài Pháp Tạng khi phát tâm đã thuộc hàng Thập Ðịa Bồ Tát. Như vậy, ‘siêu thế’ là vượt khỏi địa vị địa tiền (quan điểm này coi những giai vị trước khi chứng được Sơ Ðịa đều thuộc về thế gian cả).

Hơn nữa, nguyện của ngài không những chỉ vượt trội nguyện của tất cả người trong tam thừa mà còn thù thắng hơn nguyện của chư Phật. Kinh nói Pháp Tạng Bồ Tát trước khi phát tâm đã nói: ‘Tôi lập nguyện này đều thù thắng hơn vô số các cõi nước Phật’. Hậu Xuất Kinh Kệ cũng chép: ‘Phát nguyện trỗi hơn chư Phật, lời thệ gồm hăm bốn chương’, phần nói về sở nguyện thành tựu trong kinh Vô Lượng Thọ đây cũng chép: ‘Vi diệu lạ lùng, đẹp đẽ, trang nghiêm thanh tịnh vượt xa hết thảy thế giới trong mười phương’‘quang minh của A Di Ðà Phật tôn quý nhất trong các quang minh, ngài là vua trong các vị Phật’ chứng tỏ lời nguyện siêu thế của Pháp Tạng Bồ Tát cũng thù thắng hơn lời nguyện của chư Phật.

Thế giới Cực Lạc vô lượng thanh tịnh trang nghiêm, hiển lộ trọn vẹn tự tánh của đương nhân. Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, lý sự vô ngại; nước, chim, cây cối cùng tuyên dương chánh pháp; sắc, thanh, mùi hương, ánh sáng đều khiến cho đạo niệm tăng trưởng; trùng trùng vô tận, tự tại vô ngại, toàn là viên minh cụ đức chẳng thể nghĩ bàn. Toàn thể là sự sự vô ngại pháp giới. Nghe danh hiệu lại chứng được bất thối; trông thấy cây liền khế ngộ vô sanh; mười niệm ắt sanh về Tịnh Ðộ; phàm phu cũng lên được địa vị bất thối. Những sự như vậy khắp các cõi nước mười phương không nơi nào khác có nổi, chỉ mình cõi Ðồng Cư Cực Lạc riêng có nên gọi là nguyện vô thượng thù thắng siêu thế vậy.

Chữ Ðạo trong câu ‘Ắt đạt vô thượng đạo’ chỉ Bồ Ðề. Bồ Ðề là đạo được Như Lai chứng đắc. Lại do đạo ấy không có gì hơn được nổi nên gọi là vô thượng, tức là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.  Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thọ Lượng Phật nói: ‘Ta luôn suy nghĩ: nên dùng cách nào khiến chúng sanh được chứng nhập vô thượng đạo, chóng thành tựu Phật thân’. Cũng giống như vậy, Pháp Tạng Bồ Tát muốn cho chúng sanh chứng được vô thượng đạo. Vì vậy, chữ ‘ắt đạt’ có thể hiểu theo hai cách như sau:

a. ‘Ắt đạt vô thượng đạo’ là chủ thể của bổn nguyện. Trong mỗi nguyện, ngài đều dùng Chánh Giác tự thề như hai câu kệ kế tiếp có nói: ‘Chẳng trọn vẹn nguyện này, thề chẳng thành Ðẳng Giác’. Như vậy, xét về toàn thể các nguyện thì tuy mỗi nguyện sai khác nhưng các đại nguyện đều xuất phát từ một điểm căn bản: nhằm làm cho chúng sanh chứng nhập vô thượng đạo, cùng thành Chánh Giác. Vì vậy, phẩm Khuyến Trì của kinh Pháp Hoa có câu: ‘Ta chẳng quý thân mạng, chỉ tiếc vô thượng đạo’. Do đó, ‘vô thượng đạo’ là chủ thể của đại nguyện.

b. Coi vô thượng đạo là cái quả của đại nguyện. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Quyết định đắc quả nên bảo là ắt đạt vô thượng đạo’.

 ‘Lại làm đại thí chủ, phổ tế các cùng khổ’: Ðại thí chủ là người bố thí cho hết thảy mọi người, nhưng thí những gì: thí tài vật hay là thí pháp? Sư Tịnh Ảnh bảo: ‘Pháp hóa lợi ích’ nghĩa là pháp thí. Trái lại, ngài Cảnh Hưng cho rằng: ‘Muốn cứu vớt kẻ nghèo khổ ắt phải dùng tài thí’. Tông Kính Lục, quyển 95 lại viết: ‘Do chẳng có pháp tài nên gọi là bần cùng’. Như vậy, ‘phổ tế bần khổ’ là thí cho cả pháp lẫn tài vật.

Do đó, câu: ‘Luôn dùng hạnh sáu độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ để giáo hóa, an lập chúng sanh trụ nơi đạo vô thượng chánh chơn’ trong phẩm Tích Công Lũy Ðức là nói về pháp thí; còn câu: ‘Trong tay thường tuôn ra vô tận các báu, vật trang nghiêm, hết thảy các vật cần dùng tối thượng để lợi lạc hữu tình’ là nói về tài thí.

Như vậy, đại thí chủ phải tu cả hai loại pháp thí và tài thí như sách Hội Sớ bảo: ‘Dùng của cải để cứu giúp kẻ nghèo trong thế gian, dùng pháp độ khắp kẻ thiếu phước nên gọi là đại thí chủ’. Ý nói: dùng tài thí cứu vớt những kẻ bần cùng khốn khổ trong thế gian, dùng pháp thí để lợi lạc khắp tất cả những kẻ không có phước được nghe pháp nên gọi là ‘đại thí chủ’.

‘Khiến các quần sanh ấy, đêm dài không phiền não’: Chúng sanh mãi trầm luân trong sanh tử nên ví như đang ở trong ‘đêm dài’ như kinh thường nói: ‘Ðêm dài sanh tử’. Ðêm tượng trưng cho tối tăm không ánh sáng. Tâm chúng sanh bị vô minh che lấp nên hôn mê chẳng giác ngộ, chìm trong biển sanh tử, chịu mãi các khổ. Vì muốn khiến họ vĩnh viễn thoát khỏi hết thảy lo, buồn, khổ não, thoát khỏi đêm dài sanh tử nên thí cho hai thứ pháp và tài, nhưng do lòng từ bi cùng cực nên lại khiến cho họ được ‘xuất sanh các thiện căn, thành tựu Bồ Ðề quả’.

Trong hết thảy các loại bố thí, cách bố thí sau đây là tối thượng: làm cho hết thảy chúng sanh rốt ráo lìa được khổ, được cái vui rốt ráo. Nhưng muốn làm cho chúng sanh phát sanh được các thiện căn, thành tựu Bồ Ðề thì không chi hơn được pháp trì danh hiệu Phật, cầu sanh Cực Lạc. Do vậy, ngài nói tiếp rằng: ‘Nếu tôi thành Chánh Giác, lập hiệu Vô Lượng Thọ, chúng sanh nghe hiệu ấy đều sanh trong nước tôi’. Bốn câu này chính là tâm tủy của đại nguyện, là tròng mắt của toàn bộ kinh, là cánh tay mầu nhiệm độ sanh của mười phương Như Lai, là thuyền báu để hết thảy chúng sanh thoát khổ. Cả bốn mươi tám đại nguyện chỉ nhằm khai diễn ý nghĩa của bốn câu kệ trên, đúng như ngài Thiện Ðạo bảo: nguyện nào cũng là để chỉ bày pháp Niệm Phật.

A Di Ðà thánh hiệu có vô lượng nghĩa: vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng thanh tịnh, vô lượng trang nghiêm, vô lượng trí huệ, vô lượng Bồ Ðề cho đến vô lượng điều vô lượng. Vô lượng thọ biểu thị Pháp Thân thường trụ nên vô lượng thọ bao gồm hết thảy mọi thứ vô lượng. Vì vậy, danh hiệu của Như Lai vang khắp mười phương, chúng sanh được nghe danh đều sanh trong nước ngài. Do xưng danh liền có nhiều thiện căn, được sanh Tịnh Ðộ nên chắc chắn chứng Bồ Ðề. Thật là phương tiện rốt ráo thù thắng viên mãn. Di Ðà đại nguyện sở dĩ siêu thế và Phật được xưng tụng là đấng Nguyện Vương chính là do bởi những điều trên.

‘Thân sắc vàng như Phật, diệu tướng đều viên mãn’: nguyện người sanh về nước tôi, thân được giống như Phật, thân đều có sắc vàng đủ cả băm hai tướng tốt. Hai câu này nhắc lại nguyện thứ ba và thứ tư, chỉ nói thêm là thù thắng, viên mãn, ngụ ý thân chúng sanh giống hệt thân Phật.

‘Cũng dùng tâm đại bi, phổ lợi các quần phẩm’: Hai câu kệ trước nói về thân đức, hai câu kệ này nói đến tâm đức. Cần chú ý hai chữ ‘cũng dùng’ trong hai câu này. Chữ ‘cũng dùng’ ngụ ý: nguyện rằng những người đã sanh về cõi tôi cũng đều giống như tôi (Pháp Tạng) dùng tâm đại bi lợi ích khắp các loài chúng sanh. Lại nguyện rằng nhân dân cõi Cực Lạc đều giống như đức Phật: xem các chúng sanh như chính thân mình, cùng phát khởi tâm đồng thể đại bi như phẩm Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Nhân nơi chúng sanh mà khởi đại bi, do đại bi mà sanh tâm Bồ Ðề, do tâm Bồ Ðề thành Ðẳng Chánh Giác’. Vì vậy, nguyện chúng sanh sanh về cõi tôi phát tâm đại bi lợi ích khắp muôn loài. Chữ ‘phẩm’ có nghĩa là phẩm loại. ‘Phổ lợi quần phẩm’ nghĩa là làm lợi ích khắp hết thảy vô số chúng sanh muôn loài.

‘Ly dục, chánh niệm sâu; tịnh huệ, tu phạm hạnh’: Dục là tham dục. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: ‘Ly dục thanh tịnh là tối thắng’. ‘Chánh niệm’ là một trong Bát Chánh Ðạo: lìa tà phân biệt, niệm thật tánh của pháp thì gọi là chánh niệm. Quán Kinh Sớ giảng: ‘Xả Tướng nhập Thật gọi là chánh niệm’.

Sách Hội Sớ giảng chữ ‘tịnh huệ’ như sau: ‘Tịnh huệ chính là Bát Nhã ba la mật, chẳng phải là trí huệ bất tịnh của nhân, thiên, Tiểu Thừa nên gọi là tịnh huệ’.

‘Phạm hạnh’ là hạnh thanh tịnh vô dục, là một trong năm hạnh kinh Niết Bàn dạy, là hạnh lợi tha để đối trị hết thảy điều bất thiện, lìa lầm lỗi được thanh tịnh nên gọi là phạm hạnh. Vạn hạnh để chứng Niết Bàn cũng gọi là phạm hạnh.

Sách Hội Sớ nói: ‘Dục là nguyên nhân của các khổ, dùng thí độ và giới độ để xa lìa, chánh niệm để khéo gìn giữ như mặc áo giáp vào thành. Nhẫn độ, định độ để tu hành [hạnh ly dục]. Tịnh huệ là Bát Nhã độ, tinh tấn hiện diện trong cả năm độ. Ðấy là lục độ của Bồ Tát’.

Ngài Vọng Tây hiểu hơi khác, ngài coi ‘ly dục’ là thí, giới, nhẫn, ‘chánh niệm’ là thiền định. Nói chung, ly dục, chánh niệm và tịnh huệ đều là lục độ của Bồ Tát.Tu sáu độ này lìa được ba độc tham, sân, si nên bảo là ‘phạm hạnh’.

Ngài Vọng Tây lại bảo: ‘Ly dục chính là không tham, khéo chánh niệm là không sân, tịnh huệ là không si; đó gọi là phạm hạnh’.

 Chánh kinh:

Nguyện trí huệ quang tôi

Chiếu khắp mười phương cõi

Tiêu trừ tối tam cấu

Ðộ khắp các ách nạn,

Ðều bỏ tam đồ khổ

Diệt các tối phiền não

Mở được mắt trí huệ

Ðạt được thân quang minh

Bế tắc các đường ác

Thông đạt thiện thú môn

Vì chúng khai pháp tạng

Rộng thí báu công đức

 Giải: Ðoạn trước nói về vô lượng thọ, đoạn này nói về vô lượng quang. Vô lượng thọ là thể, vô lượng quang là tướng dụng. Từ công dụng của thể tướng sanh ra vô biên đức giáo hóa và lợi ích.

Trong phần Ðịnh Thiện Nghĩa của tác phẩm Quán Kinh Sớ, đại sư Thiện Ðạo đã bảo: ‘Mỗi một nguyện đều vì chúng sanh’. Bài kệ này đã thể hiện rõ cái tâm ấy. Trong hai câu: ‘Nguyện trí huệ quang của tôi chiếu khắp mười phương cõi’, chữ ‘trí huệ quang’ có hai nghĩa:

a. Một là như kinh Niết Bàn dạy: ‘Quang minh là trí huệ’. Kinh Siêu Nhật Minh Tam Muội cũng dạy: ‘Ðại trí phát ra ngoài, chiếu soi pháp giới thì gọi là quang minh’, xin xem lại lời giải thích chi tiết về chữ ‘quang minh’ ở phần trước; ở đây tôi chẳng nhắc lại.

b. Hai là như Ðàm Loan đại sư viết trong tác phẩm Tán A Di Ðà Phật Kệ: ‘Phật quang chiếu tan tăm tối vô minh nên Phật hiệu là Trí Huệ Quang’.

Câu đầu (tức là câu: Phật quang chiếu tan tăm tối vô minh) giống với thuyết trên; câu sau (tức là câu ‘nên Phật hiệu là Trí Huệ Quang’) ý nói Trí Huệ Quang là một trong những thánh hiệu của Phật A Di Ðà và cũng là một trong mười hai thứ quang minh của ngài.

Câu ‘nguyện trí huệ quang tôi’ trích trong bản Tống dịch, câu này được bản Ðường dịch ghi là ‘nguyện được Như Lai vô lượng quang’. Theo đó, Trí Huệ Quang là Vô Lượng Quang. Vả lại, đức Di Ðà tuy có 12 danh hiệu, nhưng thật ra trong mỗi danh hiệu đều gồm trọn các đức tánh quang minh khác. Vì vậy, ‘Trí Huệ Quang’ cũng là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Ðẳng Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang…. Vì vậy, trong câu kệ tiếp theo ngài nói: ‘Chiếu khắp mười phương cõi’. Vô lượng quang trọn khắp mười phương theo chiều ngang nên không cõi nào chẳng chiếu thấu.

Hơn nữa, quang minh ấy chính là trí huệ, chiếu tan tối tăm vô minh nhơ bẩn của chúng sanh nên trong những câu kệ tiếp đó, ngài bèn nhắc lại những diệu dụng của quang minh như ‘tiêu trừ tam cấu minh’ v.v...

‘Tiêu trừ tam cấu minh, độ khắp các ách nạn’: Tam cấu là tên gọi khác của ba độc tham, sân, si. ‘Minh’ (tăm tối) là vô tri. Luận Câu Xá bảo: ‘Do các thứ vô tri che lấp thật nghĩa và chướng ngại cái thấy đúng đắn nên gọi là Minh’.

Trong cụm chữ ‘minh tế’ (tạm dịch là “độ khắp”), Minh có nghĩa là sáng suốt, đầy đủ, đông nhiều, Tế là độ, là cứu. Sách Hội Sớ bảo ‘minh tế nghĩa là quảng tế’ nên ‘minh tế’ nghĩa là cứu độ một cách rộng lớn (vì vậy, tạm dịch là “độ khắp”). ‘Ách’ là chướng ngại, trói buộc, là khổ sở. ‘Nạn’ là khổ nạn, tai nạn, khốn khổ.

Vì vậy, hai câu kệ này có thể hiểu một cách thô thiển như sau: tiêu trừ ba độc tham sân si tăm tối, nhơ bẩn của chúng sanh, rộng cứu các thứ đau khổ và tai nạn. Các ách nạn nhiều đến vô số nên bảo là ‘các ách nạn’. Trí quang của Phật có thể cứu vớt khắp tất cả.

Sách Hội Sớ giảng: ‘Tam cấu là tham, sân, si. Ba cấu này làm ô nhiễm tâm tánh nên gọi là Cấu. Tam cấu khiến chúng sanh mù tối nên gọi là Minh, chúng là cái nhân làm ta lưu chuyển trong sanh tử. Các ách nạn là quả, tức là: sáu đường và bốn loài vậy.

Phật quang có đức tánh thanh tịnh, trí huệ, hoan hỷ chiếu rộng khắp, tiêu trừ sự tối tăm do ba chướng gây ra. Do Tập đã diệt (tiêu diệt được hết cái nhân khổ não của Tập Ðế) nên khổ quả bèn dứt (chấm dứt cái khổ vì lưu chuyển) nên bảo là độ khắp’.

‘Ðều bỏ tam đồ khổ, diệt các tối phiền não’ là hai câu tiếp nối ý hai câu kệ trước. Tiêu trừ ba độc thì thoát khỏi ba ác đạo. Sự khổ trong tam đồ rất nặng nề nên Ðại Thánh rủ lòng thương xót nguyện khiến chúng sanh được xa lìa. Vì vậy, trong bốn mươi tám nguyện, hai nguyện đầu tiên là trong cõi nước không có ba ác đạo và chẳng còn đọa vào ác đạo nữa. Câu ‘đều bỏ tam đồ khổ’ ở đây có cùng một ý nghĩa với hai nguyện trên.

‘Tối’ là thí dụ: Vô minh, phiền não che lấp nguồn tâm của chúng sanh khiến họ tối tăm, mù lòa không thấy được nên bảo là ‘tối’. Trí huệ quang của Phật như mặt trời, Phật trí chiếu tan vô minh, phiền não, như ánh mặt trời xua tan tăm tối nên bảo là ‘diệt các tối phiền não’.

‘Mở con mắt trí huệ, đạt được thân quang minh’: Công dụng của con mắt là để thấy nên ta thường dùng con mắt tiêu biểu cho cái Thấy. Kinh thường ví: Bát Nhã như con mắt, các độ khác như mù. Nhà Thiền thường nói: ‘Hễ tham Thiền thì phải nắm được tròng mắt của lẽ Thiền, hễ học hỏi kinh giáo thì phải nắm được con mắt của kinh giáo’ Những câu như vậy đều dùng con mắt để ví cho chánh kiến Bát Nhã.

Phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm có nói đến thập nhãn: ngoài ngũ nhãn, con mắt thứ sáu là trí nhãn vì nó thấy được các pháp. Con mắt thứ bảy là quang minh nhãn vì thấy được quang minh của Phật. Con mắt thứ tám là xuất sanh tử nhãn vì thấy được Niết Bàn. Con mắt thứ chín là vô ngại nhãn vì thấy mọi pháp vô ngại. Con mắt thứ mười là nhất thiết trí nhãn, còn gọi là phổ nhãn vì thấy được phổ môn pháp giới. ‘Mắt trí huệ’ nói trong kinh đây có thể hiểu là huệ nhãn và trí nhãn trong thập nhãn vừa nói trên, cũng có thể hiểu là ‘Như Lai trí huệ đức tướng’ mà chúng sanh  sẵn có, nghĩa là Phật nhãn.

Sách Hội Sớ viết: ‘Mắt trí huệ chính là trí huệ, nghĩa là con mắt trí huệ sẵn có trong tâm chúng sanh. Do vô minh hư huyễn che lấp nên nhận lầm là tối tăm, mê muội. Trụ trong tối tăm, mê muội nên lầm tưởng Phật nhãn ở nơi khác. Phật quang phổ chiếu khai mở con mắt sẵn có trong tâm chúng sanh, diệt tan sự tối tăm, hôn ám từ vô thủy đến nay nên bảo là ‘mở’; nghĩa là: Chúng sanh hôn ám, mù lòa, vô tri, chẳng biết mình sẵn có Phật nhãn, tự lầm nhận là mình mù tối, tưởng rằng chỉ mình Phật có Phật nhãn. Nay do Phật quang phổ chiếu mà con mắt trí huệ sẵn có trong tâm chúng sanh được mở sáng nên tiêu diệt được hôn ám, tăm tối.

Sách Tam Tạng Pháp Số, quyển 13 bảo có ba thứ ‘quang minh’ như sau:

a. Ngoại quang minh như quang minh của mặt trời, mặt trăng, châu, lửa v.v... trừ được tăm tối.

b. Pháp quang minh: diệu pháp trừ được sự tối tăm do ngu si.

c. Thân quang minh: Thân chư Phật, Bồ Tát và chư thiên có quang minh trừ được tối tăm như kinh nói: ‘Thân, đảnh đều có quang minh chói ngời’.

Nếu chỉ hiểu ‘thân quang minh’ là thân có quang minh thì chỉ là hiểu ở mức độ nông cạn. Hiểu sâu hơn, câu ‘đạt được thân quang minh’ có đến ba nghĩa:

a. Một là như kinh Thiên Thủ Ðà Ra Ni nói: ‘Nên biết kẻ ấy chính là Quang Minh Tạng vì được quang minh của hết thảy Như Lai chiếu đến’. Do Phật quang phổ chiếu nên chúng sanh cấu diệt, thiện sanh, huệ nhãn mở sáng, tịnh tâm trì niệm. Ngay khi ấy được quang minh của mười phương Như Lai chiếu soi hộ trì, tự thân của hành giả liền thành tạng quang minh.

b. Hai là như sách Vãng Sanh Luận Chú ghi: ‘Quang minh của Phật là tướng trí huệ’ nên thân quang minh và mắt trí huệ là bất nhị. Mắt trí huệ được mở sáng nên thấy tánh rõ ràng, thành tựu thân quang minh một cách nhanh chóng.

c. Ba là như kinh Tư Ích bảo: ‘Thân Như Lai chính là tạng vô lượng quang minh’, nghĩa là nguyện tất cả chúng sanh đều do chơn thật trí huệ mà chứng được Pháp Thân Như Lai vậy.

‘Bế tắc các đường ác’: Ðường ác là như kinh Ðịa Trì nói: ‘Ði theo hạnh ác nên gọi là ác đạo’, tức là thực hành hạnh ác sẽ sa vào con đường này, còn gọi là “ác thú”, tức là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngoài ba ác thú vừa kể trên, cũng có kinh tính cả a tu la là ác thú nên gọi là tứ ác thú. ‘Bế’ là đóng chặt, cũng có nghĩa là ngăn lấp khiến cho chúng sanh khỏi bị sa vào ác nạn ba đường ác hoặc bốn đường ác. Ðấy là cách giải thích thô thiển ý nghĩa câu ‘bế tắc các đường ác’.

Sách Hội Sớ giải thích câu này ở mức độ sâu sắc hơn như sau: lục đạo đều là ác đạo. Sách viết: ‘Lục đạo đều bị lưu chuyển nên gọi là ác đạo’. Thuyết của Hội Sớ quả thật có kinh văn làm chứng, bản Ngụy dịch kinh này ghi: ‘Vượt ngang năm đường ác’. Do tính gộp Tu La vào trong các đường khác nên chỉ còn năm đường. Kinh bảo ‘năm đường ác’ là đúng như Hội Sớ đã hiểu: lục đạo đều là ác đạo. Vì vậy, ‘bế tắc các đường ác’ là đoạn trừ nẻo luân hồi của chúng sanh, khiến họ thoát biển sanh tử. Phẩm 32 trong hội bản cũng bảo: ‘Vượt ngang khỏi năm đường, ác đạo tự bế tắc’ (câu này tổng hợp từ hai bản Hán dịch và Ngụy dịch).

‘Thông đạt thiện thú môn’: “Thông đạt” là thông suốt, không úng tắc. ‘Môn’ có hai nghĩa: một là sai biệt, hai là tiến nhập. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 1 giảng: ‘Phân định thành từng loại sai biệt nên gọi là Môn. Lại vì có thể nhập vào, tiến vào nên cũng gọi là Môn’. Pháp có nhiều thứ sai biệt, tức là có nhiều môn giúp chúng sanh chứng nhập Niết Bàn. Ðấy là ý nghĩa của chữ ‘môn’. Do vậy, pháp được giảng trong mỗi kinh được gọi là môn hay pháp môn. Sách Tứ Giáo Nghi, quyển 1 chép: ‘Môn có nghĩa là thông suốt. Bốn cú pháp chơn chánh (khổ, không, vô thường, vô ngã hoặc thường, lạc, ngã, tịnh) trong giáo pháp của đức Phật đã dạy đều khiến cho hành nhân lãnh hội lý Thật Tướng chơn tánh nên gọi là Môn’. Chữ ‘môn’ trong kinh này nên được hiểu theo nghĩa nói trong Tứ Giáo Nghi. 

Nói chung, chữ ‘thiện thú’ chỉ ba đường lành trong sáu đường, nhưng trong kinh này, không thể hiểu chữ ‘thiện thú’ như vậy được. Như trong phần trên, chúng ta đã thấy cả sáu đường đều là ác đạo, nên thiên đạo, nhân đạo cũng chẳng được coi là ‘thiện thú’. Như vậy, ‘thiện thú’ chẳng phải là con đường hướng đến cõi trời, cõi người, mà là con đường quy hướng đến điều lành bậc nhất như sách Hội Sớ giảng: ‘Bồ Ðề là chỗ quy hướng của sự lành bậc nhất nên gọi là thiện thú môn’.

Như vậy, pháp môn giúp ta chứng nhập được Bồ Ðề diệu giác mới gọi là ‘thiện thú môn’. Môn này chỉ những bậc thượng thiện nhân đã phát tâm Bồ Ðề mới chứng nhập nổi, mới hiểu biết một cách thông suốt nên gọi là ‘thông đạt thiện thú môn’. Tu pháp nào để thông đạt? Chỉ có mình pháp môn Tịnh Ðộ phổ độ quần sanh thành tựu tịnh quốc mà thôi.

‘Vì chúng khai pháp tạng’ là câu tiếp nối ý những câu trên. ‘Bế tắc các đường ác’ là khiến chúng sanh đều thoát khỏi biển sanh tử, ‘thông đạt thiện thú môn’ là đều lên được bờ Niết Bàn. Ðể thực hiện được lời nguyện ấy, trước hết phải khai thị tri kiến Phật nên bảo ‘vì chúng khai pháp tạng’.

Diễn rộng diệu pháp khiến cho đại chúng được ngộ nhập, dẫn về Cực Lạc cứu cánh Bồ Ðề nên bảo là ‘rộng thí báu công đức’. Chữ ‘chúng’ chỉ cửu giới chúng sanh gồm: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn và hết thảy chúng sanh trong lục đạo.

‘Khai’ là khai Phật tri kiến, ý nghĩa như chữ ‘khai thị’ thường dùng.

‘Pháp tạng’ còn gọi là Phật pháp tạng chính là lý thể của pháp tánh, cũng chính là Như Lai tạng tánh sẵn có của người nghe pháp. Pháp tánh hàm tàng vô lượng tánh đức nên bảo là ‘pháp tạng’. Pháp tạng còn là giáo pháp của đức Phật dạy. Giáo pháp hàm tàng nhiều nghĩa nên gọi là ‘pháp tạng’; nhiều pháp tích tụ lại nên gọi là ‘pháp tạng’, có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn. Phẩm Bảo Tháp kinh Pháp Hoa ghi: ‘Trì tám vạn bốn ngàn pháp tạng vì người khác diễn thuyết’.

Luận Câu Xá cũng bảo: ‘Tất cả hữu tình có tám vạn bốn ngàn phiền não: tham, sân, si v.v... nên để đối trị, đức Thế Tôn nói ra tám vạn pháp uẩn’. Do vậy, Phật nguyện vì vô lượng chúng sanh khai hiển pháp tánh chơn thật, lại giảng ra tám vạn bốn ngàn diệu pháp để đối trị phiền não của chúng sanh. Trong tám vạn bốn ngàn pháp ấy, chỉ có mỗi diệu pháp Tịnh Ðộ có thể ban cho chúng ta cái lợi chơn thật, khiến cho khắp hết thảy hàm linh đều được độ thoát. Như vậy, giáo thuyết chủ yếu trong ‘pháp tạng’ chính là kinh này.

‘Rộng thí’ là cấp cho, ban cho khắp tất cả mọi loài, lợi lạc khắp hết thảy chúng sanh nên bảo là ‘rộng thí’. Vật dùng để thí là báu công đức.

Sách Nhân Vương Kinh Sớ của tông Thiên Thai giảng chữ ‘công đức’ như sau: ‘Thí vật là công, quy về mình là đức’. Sách Thắng Man Bảo Quật lại giảng: ‘Ác hết là công, viên mãn điều lành là đức. Ðức lại có nghĩa là có được, do tu công mà đạt được nên gọi là công đức’. Tổng hợp hai thuyết trên thì lợi lạc chúng sanh và diệt ác là ‘công’, cái quả của công ấy gọi là ‘đức’. Ðức còn có nghĩa là đạt được, do tu công nên đạt được quả ấy. Bên chữ công đức thêm chữ ‘báu’ chính là điểm ta cần phải hết sức lưu ý. Chữ ‘báu’ này khác nào như vẽ rồng xong bèn điểm tròng mắt cho rồng. Cái được ngài Pháp Tạng khai hiển chính là của ‘báu’. Cái ta dùng để ‘rộng thí’ cho chúng sanh cũng chính là của ‘báu’ ấy. Chữ ‘báu’ này có ba nghĩa:

a. Một là mỹ hiệu để tôn xưng, như xưng tụng Phật là Bảo Vương Như Lai, ca tụng Niệm Phật tam muội là Bảo Vương tam muội, tôn xưng ấn khế của chư Phật, Bồ Tát là bảo ấn v.v...

b. Báu (bảo) là dịch nghĩa của chữ Phạn ‘ma ni’. Nhân Vương Kinh Lương Phận Sớ giảng: ‘Tiếng Phạn gọi là Ma Ni, Tàu dịch là Bảo, nếu dịch theo ý nghĩa thì là Như Ý Bảo Châu do nó thỏa mãn bất cứ điều mong cầu nào’. Trong quyển 9 kinh Niết Bàn còn bảo: ‘Châu ma ni bỏ trong nước đục, nước liền trong’. Sách Di Ðà Sớ Sao cũng viết: ‘Minh châu gieo vào nước đục, nước đục chẳng thể chẳng trong. Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật’. Ðây cũng là đem bảo châu ví với danh hiệu Phật.

c. Ba là như Trí Ðộ Luận, quyển 47 nói: ‘Trong các pháp, pháp bảo là của báu chơn thật làm lợi ích cho đời này, đời sau cho đến khi chứng được Niết Bàn’.

Chữ ‘báu’ trong kinh này có đủ những nghĩa như trên vừa thuật. Pháp được giảng là pháp bảo chơn thật, pháp này mầu nhiệm đến cùng tột không chi hơn nổi nên gọi là ‘báu’. Pháp này mãn nguyện chúng sanh nên được ví với báu như ý.

Nói đích xác, báu ấy chính là pháp Trì Danh Niệm Phật. Tâm ấn của pháp niệm Phật kiên cố chẳng hoại khác nào kim cang nên được xưng tụng là ‘báu’. Kinh Quán Phật Tam Muội Hải có nói:

‘Ví như có kẻ nghèo cùng dựa dẫm kẻ giàu có để kiếm cái ăn, cái mặc. Khi ấy, có một vương tử ra ngoài chơi, mang theo bình báu lớn, trong bình đựng ấn báu của vua. Kẻ nghèo vờ đến thân cận, cướp bình bỏ chạy. Vương tử biết được, sai sáu tên lính khỏe mạnh cỡi sáu con voi đen đuổi theo. Kẻ nghèo ôm bình chạy vào chốn đầm lầy hoang vắng, rắn độc từ bốn phía bổ tới toan mổ gã ôm bình khiến hắn hoảng sợ chạy rảo Ðông, Tây.

 Thấy trong đồng hoang có một cây to um tùm, hắn đầu đội bình báu, vin cành leo lên. Khi ấy, sáu tên lính vùn vụt đuổi đến dưới gốc. Gã nghèo thấy vậy liền nuốt ấn vua, dùng tay bưng mặt. Sáu con voi đen dùng vòi cuốn cây quật xuống. Gã nghèo té xuống đất, thân thể nát nhừ, chỉ còn ấn vàng trong bình báu tỏa sáng. Rắn độc thấy ánh sáng chạy tứ tán. Phật bảo: Người trụ vào niệm Phật thì tâm ấn chẳng hoại cũng giống như thế’

(Trong quyển 95 sách Tông Kính Lục có chú giải đoạn kinh này tường tận, chẳng dẫn ra đây).

Nay chỉ bàn về câu cuối trong đoạn kinh trên. ‘Phật bảo A Nan: Trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại, cũng giống như thế’: rõ ràng, pháp môn Niệm Phật là pháp bảo chơn thật chẳng hoại. Diệu pháp niệm Phật ‘tâm này là Phật, tâm này làm Phật’ toàn từ tánh khởi tu, hoàn toàn tu nơi tự tánh, tự tâm khởi niệm để niệm trở lại tự tâm, dùng Quả Giác của Phật làm cái nhân tâm của chúng ta nên cái nhân tâm ấy mau chóng đồng nhất với Quả Giác.

‘Trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại’: báu công đức chính là tâm này nên cái tâm ấn này được gọi là bảo ấn. Ðại nguyện của Phật Di Ðà là nguyện phổ độ chúng sanh thành Phật. Ðể thực hiện nguyện ấy nên mở toang pháp tạng, rộng thí báu vô thượng trang nghiêm bằng vô tận công đức. Báu ấy chính là pháp bảo chơn thật: tín, nguyện, trì danh. Câu ‘trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại’ đúng là tròng mắt của cả một Ðại Tạng giáo vậy.

Lúc trì danh niệm Phật chính là lúc tâm ấn phóng quang nên: ‘Một tiếng niệm Phật là một tiếng tâm’. Do vậy, kinh Ðại Tập dạy: ‘Người nếu chỉ niệm đức A Di Ðà thì đó chính là vô thượng thâm diệu thiền’. Nếu có thể tin nhận được lời nói này thì chính là hưởng được thâm ân của Phật, được ngài mở con mắt trí huệ, đắc thân quang minh. Tâm ấn vừa nói đó chính là tâm ấn của các Như Lai, chính là cái gọi là ‘dĩ tâm truyền tâm’ của chư Tổ. Ðược nghe ấn báu này nát thân khó báo đền nổi.

 Chánh kinh:

Như Phật vô ngại trí

Sở hành từ mẫn hạnh

Thường làm thầy trời người

Làm đấng Tam Giới Hùng

Thuyết pháp sư tử hống

Rộng độ các hữu tình

Viên mãn nguyện xưa kia

Hết thảy đều thành Phật

 Giải: Hai bài kệ này diễn tả ý nguyện cầu thành tựu Phật đức, nguyện phước huệ của mình được như đấng Như Lai.

Câu đầu tiên ‘như Phật vô ngại trí’ là nguyện trí huệ của mình được như đức Phật vậy. ‘Vô ngại trí’ chính là Phật trí thông đạt không úng trệ, tự tại, dung thông. Kinh Niết Bàn, quyển 8 nói: ‘Như Lai chẳng như vậy, ngài đều biết rõ tự địa và tha địa (xin xem lại phần trên đã giải thích về chữ tự địa và tha địa). Do vậy, Như Lai được gọi là vô ngại trí’. Kinh Ðại Tập, quyển 1 dạy: ‘Trí huệ vô ngại chẳng có bờ mé, khéo hiểu tam nghiệp của chúng sanh’. Kinh Vô Lượng Thọ bản Ngụy dịch, quyển hạ có câu: ‘Phật nhãn viên mãn thấy rõ pháp tánh, dùng trí vô ngại vì người khác diễn thuyết’. Như vậy, ngài Pháp Tạng phát nguyện cầu được trí vô ngại này chính là để vì cửu giới chúng sanh diễn thuyết diệu pháp khế lý, khế cơ hết thảy vô ngại.

‘Sở hành từ mẫn hạnh’: nguyện cầu hạnh của mình cũng được như hạnh từ mẫn của đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn do vô duyên đại từ thương xót chúng sanh đều như con một nên cứu vớt, gánh vác khiến họ đều lên bờ kia. Do vậy, Pháp Tạng nguyện thực hành được hạnh của Phật hành.

Như vậy, câu kệ trước là cầu Phật trí huệ, câu này cầu đạt lòng từ bi của Phật; trí, bi song hành, khế hợp trọn vẹn với Bồ Ðề. Bi và trí như hai cánh chim, chẳng thể thiếu một được.

Trong câu: ‘Thường làm thầy trời người’, ‘Thầy trời người’ (thiên nhân sư) là một trong mười hiệu của Như Lai. Chữ ‘Tam Giới Hùng’ trong câu ‘Làm đấng Tam Giới Hùng’ cũng là một đức hiệu của Phật. Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Phẩm Phương Tiện kinh Pháp Hoa có câu: ‘Thế Hùng bất khả lượng’. Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘Thế Hùng là danh xưng khác của Phật’. Phật đoạn sạch hết thảy phiền não nên là bậc Ðại Hùng trong tam giới. Nói chung, đoạn kinh này để tổng kết đại nguyện.

Trước hết nói đến ‘vô ngại trí’ là cầu trí huệ, từ chữ ‘từ mẫn hạnh’ trở đi bày tỏ thệ nguyện. Sách Hội Sớ bảo: ‘Nguyện là hướng đạo của muôn hạnh, huệ là con mắt của Phật đạo. Nguyện để dẫn dắt nhân hạnh, huệ để chiếu soi Phật đạo. Nguyện huệ viên mãn thì gọi là Như Lai nên nói là ‘làm đấng Tam Giới Hùng’. Trí huệ và thệ nguyện là nhân để thành Chánh Giác, viên mãn được cả hai thứ ấy thì từ nhân mà đắc quả nên làm bậc Ðại Hùng trong tam giới.

‘Thuyết pháp sư tử hống’: Nguyện mình thuyết pháp giống như đức Thế Tôn, ở giữa đại chúng làm ‘sư tử hống’. Sư tử hống là thí dụ. Sư tử rống lên một tiếng, muôn thú đều run rẩy. Vì vậy, lời thuyết pháp vô úy quyết định của đức Thế Tôn được xưng tụng là ‘sư tử hống’. Kinh Niết Bàn, quyển 25 có câu: ‘Sư tử hống là nói một cách quyết định’. Trong kinh Duy Ma, phẩm Phật Quốc cũng có câu: ‘Diễn pháp vô úy ví như sư tử rống’. Ngài Tăng Triệu giảng rằng: ‘Sư tử hống là tiếng vô úy. Lời nói nào [của đức Phật] cũng chẳng e sợ quần tà, dị học, ví như sư tử rống lên, muôn thú đều nép phục’. Có thuyết pháp được như thế mới có thể ‘rộng độ các hữu tình’. Vả lại, ‘rộng độ hữu tình’ chính là căn bản của các đại nguyện của ngài Pháp Tạng nên nói: bốn mươi tám đại nguyện, nguyện nào cũng vì chúng sanh.

‘Viên mãn nguyện xưa kia’: Bảo là ‘xưa kia’ là vì Pháp Tạng Bồ Tát trong năm kiếp siêng năng tu tập, chọn lọc tạo nên bốn mươi tám đại nguyện. Mỗi lời thệ đã phát đều được công viên quả mãn nên bảo là ‘viên mãn nguyện xưa kia’. Lạ lùng thay câu nói ‘hết thảy đều thành Phật’, nát thân khắp hư không khó đáp đền! Câu này chính là bổn thể của bốn mươi tám đại nguyện. Từ một câu này biến thành bốn mươi tám đại nguyện, mỗi một nguyện cũng chỉ nhằm thể hiện câu này. Vãng Sanh Luận bảo ba thứ trang nghiêm (cõi Phật, Phật và Bồ Tát) ‘vào trong một pháp cú. Một pháp cú là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Nên biết rằng sự thanh tịnh ấy có hai loại, những gì là hai loại? Một là khí thế gian (13) thanh tịnh, hai là chúng sanh thế gian thanh tịnh’. Câu ‘hết thảy đều thành Phật’ này đã chỉ rõ rành rành hai thứ trang nghiêm ấy.

Phẩm Thủy Trì Công Ðức trong kinh Vô Lượng Thọ đây có nói: ‘Nước ấy thuận ý của mỗi chúng sanh.... Sóng vang ra vô lượng âm thanh vi diệu, nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng hoặc tiếng ba la mật...  tiếng cam lộ quán đảnh nhận lãnh địa vị... Ðược nghe các âm thanh như thế xong, tâm thanh tịnh không có các phân biệt, chánh chơn, bình đẳng, thành tựu thiện căn. Nghe được pháp nào cũng tương ứng với pháp. Muốn nghe pháp nào tai liền nghe thấy. Pháp chẳng muốn nghe, trọn chẳng nghe thấy, vĩnh viễn chẳng thối chuyển tâm a nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề’.

Nước là vật chất vô tình, sao lại có được vô lượng diệu dụng đến thế, tùy nghi thích ứng căn cơ: muốn nghe liền được nghe. Nước lại có đầy đủ công đức chẳng thể nghĩ bàn như vầy: khiến cho người nghe trọn chẳng bị thối chuyển! Rõ ràng là nhất chơn pháp giới: một hạt bụi, một mảy lông không thứ nào chẳng viên minh cụ đức, một thứ là chơn thì hết thảy thứ là chơn. Một mảy trần, một sợi lông không thứ nào chẳng là viên viên quả hải.

Theo Hiển Mật Viên Thông, viên viên quả hải chính là biển thánh giác quả đức vô thượng viên mãn. Chúng sanh thế gian và khí thế gian đều thanh tịnh. Hữu tình, vô tình đều cùng thành Phật nên bảo: ‘Hết thảy đều thành Phật’. Một câu nói này bóc trần tâm tủy của tam tạng và mười hai bộ kinh, mở toang huyền chỉ của một ngàn bảy trăm công án trong nhà Thiền, bộc lộ thẳng thừng mật ý đại viên thắng huệ, đại viên mãn của Mật tông. Câu này chính là một pháp cú, chính là thanh tịnh cú, cũng có thể gọi theo nhà Thiền là mạt hậu cú (câu sau cùng hết), vạn đức cùng được phô bày, một pháp chẳng lập, nói năng, suy nghĩ đều chẳng nhằm, chỉ đành lặng im lãnh hội.

 Chánh kinh:

Nguyện ấy nếu ắt thành,

Ðại thiên nên cảm động

Các thiên thần trên không

Nên mưa hoa trân diệu.

 Giải: Sách Hội Sớ giảng chữ ‘khắc quả’ (tạm dịch là ắt thành) như sau: ‘Khắc là khắc thành, tức là chắc chắn đạt được’. Thay vì nói ‘khắc quả’ ta thường nói là ‘quyết định thành tựu’. ‘Cảm’ là cảm ứng. Cảm thuộc về chúng sanh, ứng thuộc nơi Phật, Bồ Tát.

Ý của đoạn kệ này là: nếu bổn nguyện của tôi chắc chắn được thành tựu thì hết thảy thánh chúng trong đại thiên thế giới nên cảm động, hiện ra các điềm lành; từ trên hư không, Phạm thiên, Ðế Thích và các thiên thần trên trời nên mưa xuống các hoa trời quý báu, lạ lùng, đẹp đẽ để chứng minh. Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘Bài kệ này cầu thỉnh chứng minh bằng cách hiện điềm lành. Nếu tôi quyết định thành tựu, cõi đại thiên nên rúng động, trời mưa xuống hoa nhiệm mầu’.

 Chánh kinh: Phật bảo A Nan:

- Pháp Tạng tỳ kheo nói bài tụng ấy xong, ngay khi ấy khắp cõi đất chấn động sáu cách, trời mưa diệu hoa rải lên trên thân ngài, trên không trung tự nhiên [có tiếng] âm nhạc khen ngợi: “Quyết định ắt thành vô thượng Chánh Giác”.

 Giải: Nói kệ vừa xong, lập tức có điềm lành ứng hiện nên bảo là ‘ngay khi ấy’. Ðại địa chấn động là tướng lành ứng hiện nơi khí thế gian. Trời đổ mưa hoa, tấu nhạc, khen ngợi là điềm lành ứng hiện nơi hữu tình thế gian nhằm chứng minh đại nguyện của ngài Pháp Tạng nhất định thành tựu. Chữ ‘khắp cõi đất’ chỉ đại địa trong toàn thế giới.

Về ‘sáu thứ chấn động’ (lục chủng chấn động) có ba cách giải thích:

a. Chấn động trong sáu thời điểm nên gọi là ‘lục động’: khi Phật nhập thai, khi Phật xuất thai, khi Phật thành đạo, khi Phật chuyển pháp luân, khi thiên ma khuyến thỉnh Phật nên xả mạng, khi Phật nhập Niết Bàn.

b. Do chấn động cả sáu phương nên gọi là lục động. Kinh Ðại Phẩm Bát Nhã, quyển 1 chép: ‘Lúc bấy giờ đức Thế Tôn vẫn ở trên tòa sư tử, nhập Sư Tử Du Hí tam muội dùng sức thần thông làm cho các cõi nước trong tam thiên đại thiên sáu thứ chấn động: Ðông vọt lên, Tây chìm xuống; Tây vọt lên, Ðông chìm xuống; Nam vọt lên Bắc chìm xuống; Bắc vọt lên, Nam chìm xuống; khắp chung quanh nổi lên, chính giữa chìm xuống; chính giữa nổi lên, chung quanh chìm xuống. Cả mặt đất đều nhu nhuyễn khiến chúng sanh vui thích’. Như vậy, sáu phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc, chính giữa và chung quanh bị chấn động nên gọi là lục động.

c. Ba là có sáu tướng chấn động. Do chấn động sáu cách nên gọi là lục động. Bản dịch kinh Hoa Nghiêm đời Tấn bảo động, khởi, dũng, chấn, hống, giác là lục động. Ðộng là lắc lư; khởi là nhô lên cao; dũng là hũng xuống, trồi lên; chấn là vang ra tiếng; hống là tiếng vang rền; giác là khiến người khác biết, khiến chúng sanh giác ngộ.

Trong ba thuyết trên, thuyết thứ nhất nói về thời điểm chấn động; hai thuyết sau nói đến tướng trạng chấn động.

Theo quyển 8 Trí Ðộ Luận, nhân duyên khiến khắp cõi đất chấn động như sau: ‘Vì sao Phật chấn động tam thiên đại thiên thế giới? Ðáp: Vì muốn cho chúng sanh biết rằng hết thảy đều là không, vô thường. Hơn nữa, giống như người muốn nhuộm áo, trước hết phải rũ bỏ bụi đất, đức Phật cũng giống như thế: trước hết khiến cho chúng sanh trong tam thiên đại thiên thấy được thần lực của Phật sanh tâm kính trọng, nhu thuận; sau đấy, Phật mới thuyết pháp. Vì vậy, Phật chấn động cõi đất sáu cách’.

Ở đây, khắp cõi đất chấn động sáu cách để ứng với lời thề ‘đại thiên nên cảm động’ của Pháp Tạng đại sĩ, đồng thời biểu thị: nay Ðại Sĩ phát nguyện, tương lai sẽ chuyển vô thượng đại pháp luân.

Bản Ðường dịch ghi các ý ‘trời mưa diệu hoa’, ‘tự nhiên âm nhạc’ như sau: ‘Hoa trời, âm nhạc đầy dẫy hư không’. Ngài Gia Tường giảng: ‘Ðất động biểu thị hạnh nhân, mưa hoa biểu thị ắt được chứng quả. Tự nhiên có âm nhạc chứng tỏ sẽ đắc cõi vui mầu nhiệm, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh’. Ý nói: Trong các điềm lành hiển hiện, đất chấn động biểu thị hạnh nguyện là cái nhân để đắc quả; mưa hoa: có hoa thì ắt có quả. Dùng ngay hình ảnh ấy để biểu thị đại nguyện ắt sẽ đắc quả. ‘Tự nhiên có âm nhạc’ là ắt được hưởng cõi vui mầu nhiệm và tuyên dương diệu pháp một cách rộng rãi, giáo hóa chúng sanh vô tận.

Sách Hội Sớ giảng câu ‘khen ngợi rằng quyết định ắt thành vô thượng Chánh Giác’ như sau: ‘Chắc chắn đắc quả không còn nghi ngờ gì nữa nên nói là quyết định. Bởi đấy là sự khẳng định chắc chắn nhất trong những lời đoan chắc nên bảo là “ắt thành”. Vô thượng Chánh Giác là Phật quả, không gì hơn nổi Phật quả nên bảo là vô thượng’.

Vì sao ngay khi Pháp Tạng Ðại Sĩ vừa phát nguyện xong, trên không trung liền có tiếng khen rằng: “Quyết định ắt thành vô thượng Chánh Giác?” Sách Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận giảng điều này rất là tinh xác, ở đây tôi chỉ lược nêu đại ý như sau: hết thảy cõi Phật chẳng thể được thành lập riêng ngoài một niệm trong cái tâm thanh tịnh của chúng sanh. Pháp Tạng Ðại Sĩ phát ra thệ nguyện rộng sâu như vậy chỉ nhằm phá trừ vọng chấp của chúng sanh, khai hiển tâm lượng vốn có của đương cơ khiến họ biết được rằng Tịnh Ðộ chính là pháp tánh vốn sẵn như vậy, chẳng phải từ cái nào khác mà được.

Vì sao vậy? Tự tánh không tịch, lìa khỏi các đường ác; tự tánh diệu viên có đủ các tướng hảo; tự tánh vô ngại hiện sáu thần thông; tự tánh vô trụ chẳng thể đoạn diệt; tự tánh vô tác chẳng có hạn lượng; tự tánh chẳng phải ngoài: như gió thổi khắp nơi; tự tánh chẳng ở trong: như gương soi khắp tất cả; tự tánh quang minh như mặt trời chiếu khắp nơi; tự tánh bình đẳng như hương xông khắp mọi chốn. Bồ Tát tùy thuận tâm không tịch, tâm diệu viên, tâm vô ngại, tâm vô trụ, tâm vô tác, tâm không ngoài, tâm không trong, tâm quang minh, tâm bình đẳng sẵn có trong tự tánh của chúng sanh để trang nghiêm cõi Phật.

Vì vậy, bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng chính là cái tâm sẵn có của chúng sanh. Dùng tự tâm để trang nghiêm tự tâm như nước xuôi về biển, như âm vang ứng theo tiếng. Tâm và cõi chẳng hai, nhân quả đồng thời nên Pháp Tạng phát nguyện xong trên không trung liền có tiếng khen ngợi ‘quyết định ắt thành vô thượng Chánh Giác’: do cái nhân chẳng thể nghĩ bàn phát khởi cái quả chẳng thể nghĩ bàn. Cái nhân chẳng thể nghĩ bàn lại chính là cái quả chẳng thể nghĩ bàn. Ai chuyên chí nơi Tịnh Ðộ phải nên tin nhận điều này. Chúng ta rất nên nghiền ngẫm lời luận ấy.

Xem mục lục