5. Các căn khí được kinh này hóa độ
Phần trên đã nói kinh này rộng thâu vạn loại, phổ độ ba căn, nay sẽ giải thích rõ: trong vạn loài, loài nào là khí, trong ba căn, căn nào là đương cơ?
Căn khí có thị khí (căn khí thích hợp) và phi khí sai khác. Căn khí rò bể chẳng kham nhận nổi mưa pháp thì gọi là phi khí (chẳng phải là căn khí thích đáng). Sách Sớ Sao viết: ‘Trước hết là ba loại phi khí: kẻ không có lòng tin, kẻ không có nguyện, kẻ không hạnh. Không phải ba thứ trên thì là khí’.
Tín là tin rằng chúng sanh và Phật chẳng hai, tâm này là Phật, tâm này làm Phật, chúng sanh niệm Phật nhất định vãng sanh rốt ráo thành Phật. Nguyện là chán nhàm Sa Bà, ưa thích, hâm mộ Cực Lạc như con nhớ mẹ, quyết sẽ vãng sanh. Hạnh là từ nguyện khởi hạnh nhất hướng chuyên niệm chẳng gián đoạn.
Ba điều trên đây gọi là tư lương. Tư lương nếu khuyết khó bề tiến tới. Ba thứ: tín, nguyện, hạnh thiếu một thứ chẳng được, như ba chân của cái đỉnh: thiếu một chân, đỉnh phải đổ. Cái đỉnh thiếu một chân chẳng phải là Khí. Sách Sớ Sao lại viết:
‘Lại nữa, người đời tuy hành các điều thiện mà với cõi kia không có tín, nguyện, hạnh, cũng chẳng phải là khí. Tuy có các lầm lỗi mà với cõi kia có tín nguyện hạnh thì cũng gọi là khí’.
Luận về cơ, có đương cơ và bất đương cơ sai khác. Trong ba căn, căn nào là đương cơ thích hợp nhất? Xưa có nhiều thuyết, nay sẽ xét rõ. Năm thời thuyết pháp của đứcThế Tôn đều là tùy cơ mà thiết lập giáo pháp, theo bịnh cho thuốc. Nói chung, các vị Bồ Tát là đương cơ của kinh điển Ðại thừa, Nhị Thừa là đương cơ của kinh sách Tiểu Thừa.
Chỉ có Tịnh Ðộ kỳ đặc, thù diệu, lập riêng phong cách. Từ xưa đã có nhiều thuyết, ở đây xin nêu ba thuyết:
a. Thượng bối vãng sanh chỉ là Bồ Tát
Trong kinh này, với ba bậc vãng sanh, mỗi bậc lại chia thành ba phẩm giống như chín phẩm trong Quán kinh. Chư sư cổ đức trước thời ngài Thiện Ðạo đời Ðường cho rằng thượng thượng phẩm vãng sanh Cực Lạc là Bồ Tát từ Tứ Ðịa đến Thất Ðịa; thượng trung phẩm là Sơ Ðịa cho đến Tứ Ðịa Bồ Tát; thượng hạ phẩm là Ðại Thừa chủng tánh cho đến Sơ Ðịa Bồ Tát. Trung phẩm thượng sanh là Tiểu Thừa tam quả.
Nếu hiểu như vậy, trong chín phẩm, thượng phẩm chỉ có Bồ Tát, thánh chúng mới sanh nổi, Tiểu thánh sanh về trung thượng phẩm. Với bốn phẩm từ thượng thượng đến trung thượng, phàm phu tuyệt chẳng có phần.
b. Vốn vì phàm phu, kiêm vì thánh chúng
Thiện Ðạo đại sư trong tác phẩm Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ (Quán Kinh Nghĩa Sớ) đả phá thuyết trên như sau: ‘Như Lai nói mười sáu pháp quán này chỉ vì độ thoát chúng sanh thường chìm đắm, chẳng can hệ tới các bậc thánh Ðại thừa, Tiểu thừa’. Ý ngài cho rằng: Phật giảng chín phẩm vãng sanh trong Quán kinh chỉ là vì chúng sanh trầm luân, chẳng vì Bồ Tát, A La Hán.
Ngài còn viết:
‘Lại xét văn nghĩa phần Ðịnh Thiện và ba bậc vãng sanh thượng, hạ trong Quán kinh, ta thấy đều là vì bọn ngũ trược phàm phu sau khi Phật diệt độ. Chỉ do gặp duyên sai khác mà có chín phẩm sai biệt. Vì sao?
Ba bậc thượng phẩm là phàm phu gặp duyên Ðại thừa. Ba bậc trung phẩm là phàm phu gặp duyên Tiểu thừa. Ba bậc hạ phẩm là phàm phu gặp ác duyên’.
Ngài còn viết thêm:
‘Nay với mỗi điều nêu kinh văn chứng minh rõ ràng ngõ hầu phàm phu thiện ác hiện tại cùng được hưởng chín phẩm, sanh lòng tin vô ngại, nương nguyện lực Phật đều được vãng sanh’.
Hơn nữa, trong phần Hành Quyển Kệ khai thị căn cơ của kinh Ðại Vô Lượng Thọ có viết: ‘Căn cơ kinh này là hết thảy phàm ngu thiện, ác, đại, tiểu’.
Thuyết của đại sư trên: khế hợp thánh tâm, dưới: tương hợp các căn cơ, thật có công lớn với Tịnh Ðộ. Vì vậy, phần lớn các sư Trung Hoa, Nhật Bản đề cao thuyết này như sách Hợp Tán của Nhật viết: ‘Mười phương chúng sanh, ba bậc chúng sanh trong nguyện thứ mười tám đều là cụ phược phàm phu. Bọn họ là căn cơ’.
Sách còn viết rằng: ‘Như ngài Nguyên Hiểu viết: ‘‘Bốn mươi tám đại nguyện trước hết vì phàm phu, sau kiêm vì tam thừa thánh nhân’’, cho nên tông ý của Tịnh Ðộ vốn vì phàm phu kiêm vì thánh nhân’.
Ðiểm diệu yếu của thuyết này là hiển thị trực tiếp bi nguyện độ sanh vô tận của Như Lai, quét sạch tâm khiếp lui của phàm phu, khắp làm cho họ chánh tín pháp này phát tâm niệm Phật, nương Phật nguyện lực đều được vãng sanh.
c. Chuyên tiếp thượng căn, bàng cập trung hạ
Thuyết này xét về mặt văn tự tựa hồ trái nghịch với thuyết thứ hai, tương đồng thuyết thứ nhất. Thật ra, nó tương đồng thuyết thứ hai, nhấn mạnh phàm phu chúng ta đều có thể thẳng lên chín phẩm, nên về căn bản, nó trái nghịch thuyết thứ nhất. Bảo rằng ‘chuyên tiếp thượng căn’ là sợ bọn kiến giải hời hợt trong đời thường nghĩ Tịnh tông là hạnh của lũ ông già bà cả bèn xem thường, cho nên phải lập ra thuyết này để cứu vớt họ.
Sách Di Ðà Sớ Sao nói:
‘Lại nữa, Khởi Tín Nhân Duyên Phận Sớ nói rõ bậc Sơ Tâm của Tín Vị có bốn căn cơ: dùng lễ bái, sám hối diệt tội để độ sơ cơ, dùng tu tập Chỉ Quán độ trung cơ, dùng cầu sanh Tịnh Ðộ tiếp độ thượng cơ. Sơ cơ là chúng sanh nghiệp chướng, trung cơ là phàm phu Nhị Thừa. Vì vậy, biết rằng Tịnh Ðộ là pháp tu của Ðại Thừa Bồ Tát vậy’.
Sách Di Ðà Yếu Giải còn cho rằng trì danh là ‘pháp môn thâm diệu, phá sạch hết thảy những hý luận, đoạn sạch hết thảy ý kiến, chỉ có những bậc như Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả mới triệt để gánh vác nổi’.
Do một pháp Trì Danh là pháp môn vô thượng chí viên chí đốn chẳng thể dùng phân biệt suy lường để hiểu nổi nên bảo là thâm diệu. Chỉ một bề mà niệm chẳng cần đến phương tiện khác, chẳng vướng vào suy lường, trực khởi, trực dụng, tự được tâm khai, ngay khi ấy phá sạch hý luận, trừ sạch hết thảy phân biệt so đo, nên nói: pháp thâm diệu như vậy chỉ có hàng nhục thân Ðại Sĩ như Mã Minh v.v... mới trực tiếp lãnh hội được, mới triệt để gánh vác nổi.
Ðại sĩ Mã Minh người xứ Ðông Thiên Trúc, truyền Phật tâm ấn, là tổ thứ mười hai của Thiền tông, trung hưng Ðại Thừa, soạn Ðại Thừa Khởi Tín Luận. Cuối luận, khuyên chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ.
Ðại sĩ Long Thọ người Nam Thiên Trúc, là tổ mười bốn của Thiền tông, thân cận Kim Cang Tát Ðỏa, lại thành tổ của Mật giáo. Ngài vào long cung đem kinh Hoa Nghiêm về nên thành tổ của tông Hoa Nghiêm. Lại rộng tạo các luận, cực lực hoằng dương Tịnh Ðộ. Kinh Lăng Già huyền ký rằng: ngài chứng Hoan Hỷ Ðịa vãng sanh Tịnh Ðộ, cho nên là tổ của Tịnh Ðộ tông. Trung Hoa gọi ngài là tổ của tám tông vì các tông Thiên Thai, Pháp Tướng, Nam Sơn, Tam Luận cũng đều coi ngài là tổ khai tông.
Trí Giả đại sư tụng Pháp Hoa, thân tâm rỗng rang, được nhập Pháp Hoa tam muội, đích thân thấy một hội Linh sơn nghiễm nhiên chưa tan. Sau ngài trụ núi Thiên Thai, sáng lập Thiên Thai tông. Lâm chung nằm nghiêng trên hông phải, mặt hướng về tây, xưng niệm A Di Ðà Phật và Quán Thế Âm mà tịch.
Vĩnh Minh đại sư được ngài Thiều quốc sư của Thiên Thai tông phát minh tâm yếu, trở thành đích tôn của tông Pháp Nhãn. Sau đó, ngài chuyên chí nơi Tịnh tông: mỗi ngày tụng hồng danh mười vạn câu, kiêm hành nhật khóa một trăm lẻ tám việc, được Quán Âm Ðại Sĩ dùng cam lộ rưới vào miệng, diệu huệ phát khởi, viết Tông Kính Lục gồm một trăm quyển và Tâm Phú Chú, Vạn Thiện Ðồng Quy... giơ cao đuốc pháp chiếu sáng muôn đời. Năm bảy mươi hai tuổi, ngài thắp hương, giã biệt đồ chúng, ngồi mà quy Tây.
Bốn vị đại đức trên đều là nhục thân Ðại Sĩ, là pháp môn long tượng. Sách Yếu Giải bảo chỉ có những người như vậy mới có thể triệt để đảm nhiệm pháp môn Tịnh Ðộ. Những học nhân gần đây há có nên dùng cái thấy biết thế tục để coi khinh pháp môn Tịnh Ðộ hay không?
Sách Yếu Giải còn viết:
‘Vì vậy, một tiếng A Di Ðà Phật chính là pháp để đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác trong đời ác ngũ trược của Bổn Sư Thích Ca, nay ngài đem toàn thể Quả Giác trao cho chúng sanh trược ác. Cảnh giới sở hành của chư Phật chỉ có Phật với Phật mới hiểu rốt ráo, chẳng phải tự lực của cửu giới tin hiểu nổi’. Do câu này, ta thấy pháp môn Niệm Phật thật là pháp thâm diệu vô thượng, chỉ có bậc thượng căn mới có thể trực tiếp gánh vác.
Thêm nữa, phẩm Bồ Tát Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ có chép:
‘Nếu chỉ nói ra danh tự của mười phương thế giới, danh hiệu chư Phật [trong các cõi ấy] và danh hiệu của Bồ Tát [trong cõi ấy] được vãng sanh thì hết cả kiếp cũng chẳng nói hết’.
Phẩm Thọ Bồ Ðề Ký lại chép: ‘Do chẳng nghe được pháp này, có một ức Bồ Tát thối chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’.
Kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới cũng nói: ‘Bồ Tát rõ thấu chư Phật và hết thảy pháp đều duy tâm lượng, đắc tùy thuận nhẫn hoặc nhập sơ địa, bỏ thân rồi mau sanh thế giới Diệu Hỷ hay cõi Phật Cực Lạc thanh tịnh’.
Sách Di Ðà Sớ Sao ghi: ‘Nên biết niệm Phật là cha của Bồ Tát sanh ra Pháp Thân, cho đến bậc Thập Ðịa từ đầu đến cuối chẳng lìa niệm Phật. Lẽ đâu bọn Sơ Tâm tự mãn chẳng nguyện vãng sanh’. Ðủ thấy pháp môn Tịnh Ðộ thật rất khế hợp căn cơ Bồ Tát.
Do những điều trên thấy được rằng: Trì Danh Niệm Phật là pháp quả giác nhân tâm, chỉ có Phật với Phật mới hiểu tột cùng thể dụng. Pháp ấy vô thượng thâm diệu rộng sâu như biển. Tắm gội trong đó: kẻ hạ căn lội chỗ cạn gần bờ, thân vẫn ở trong biển cả, cũng hưởng cái vui tắm nước biển. Nếu muốn tột cùng đáy biển chỉ đành cậy bậc thượng căn lợi trí. Có lặn xuống nước làm việc, thâm nhập đáy biển mới biết nổi biển rộng sâu vô lượng. Vì vậy, mới bảo là chuyên tiếp thượng căn, kiêm tiếp độ trung căn, hạ căn.
Hai thuyết thứ hai và thuyết thứ ba cách hành văn tuy khác nhưng ý nghĩa tương đồng, khác nào Lô sơn: nhìn ngang thành rặng, nhìn nghiêng thành ngọn. Tướng hiện ra có sai khác, bổn thể chỉ một. Nói chung, vẫn chỉ là một núi Lô sơn. Do đó, văn tự của hai thuyết tuy khác mà thật đều xiển minh bi trí vô lượng của đạo sư hai cõi, phước huệ đều viên mãn.
Nói chuyên tiếp thượng căn chính là hiển thị Như Lai đại trí đại huệ. Pháp môn Tịnh Ðộ này là do Di Ðà trụ chơn thật huệ, từ chơn thật tế mà khai hóa hiển thị. Vì vậy, chỉ có Phật và Phật mới hiểu cùng tột.
Biển nguyện Nhất Thừa của Di Ðà, sáu chữ hồng danh, viên dung đủ các đức, siêu tình, ly kiến, toàn thể là nhất chơn pháp giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại, nên chẳng thể dùng suy lường phân biệt biết nổi, lời nói, chữ nghĩa chẳng diễn tả nổi; cho nên nói: ‘Chẳng phải tự lực của cửu giới tin hiểu nổi’. Hành nhân nếu có thể với pháp thậm thâm vô thượng vi diệu này sanh một chút tin hiểu, kẻ ấy đã là thượng căn nên nói là ‘chuyên tiếp thượng căn’.
Ðồng thời, Như Lai từ nơi chơn thật huệ khai diễn pháp môn này là muốn ban cho chúng sanh cái lợi chơn thật nên pháp môn này thật là phương tiện rốt ráo, độ cả ba căn, trọn làm cho hết thảy phàm ngu ác trược chúng sanh trong hiện tại, tương lai đều lên được bờ kia. Vì vậy, pháp thậm thâm này cũng ‘kiêm tiếp độ trung căn, hạ căn’.
Nói chuyên tiếp độ phàm phu là để hiển thị đại từ đại bi của Như Lai. Thế Tôn nghĩ thương chúng kẻ phàm ngu đời mạt chướng sâu, khổ nhiều bèn phát đại nguyện sâu rộng vô thượng. Vì vậy, gọi là nguyện vương. Cốt lõi của đại nguyện chính là nguyện thứ mười tám. Kinh chép:
‘Thập phương chúng sanh nghe danh hiệu ta, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh cõi ta, chí ít mười niệm, nếu chẳng sanh, chẳng lấy chánh giác. Chỉ trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp’.
Do phàm phu trong sanh tử tâm mê rong ruổi theo cảnh, trầm luân biển khổ, thoạt vào thoạt ra, nếu không có đại nguyện mười niệm ắt được sanh này, họ còn biết do đâu thoát khỏi luân hồi? Vì vậy, đức Phật vì chúng sanh lắm chướng ban riêng phương tiện, khai pháp dễ hành này; thậm chí đến lúc kinh diệt, đặc biệt lưu lại kinh này để làm thuyền bè. Do đó, bảo là ‘chuyên vì phàm phu’.
Hơn nữa, kinh Tỳ Lô Giá Na trong Mật điển chép: ‘Ðại bi làm căn, Bồ Ðề làm nhân, phương tiện làm cứu cánh’ . Câu này chỉ rõ: pháp phải có phương tiện độ sanh rốt ráo mới là Quả Giác rốt ráo của Như Lai.
Vì vậy, phương tiện rốt ráo mười niệm ắt vãng sanh thật là do phương tiện xứ tối cực thành tựu rốt ráo của đức Di Ðà, chính là ý ‘Như Lai với định huệ đã thấu suốt đến cùng cực’ trong kinh này.
Người đời nay sao nỡ vì pháp này dễ hành mà khi dễ! Ví như máy ti vi màu, máy cassette, máy tính điện tử đều phải an toàn dễ dùng. Dẫu kẻ không biết tí gì về khoa học kỹ thuật, nhấn nút một cái liền có thể hưởng thụ thành quả khoa học hiện đại nhất. Do an toàn dễ dùng, người đời liền khen là kỹ thuật tiên tiến. Cùng một lý đó, sao nỡ vì Trì Danh dễ thực hành bèn coi rẻ pháp môn này!
Nên hiểu rõ điểm chú trọng của hai thuyết trên: Thuyết thứ hai khen ngợi pháp môn Tịnh Ðộ độ khắp các căn, nhưng đặt nặng việc tế độ phàm phu. Thuyết thứ ba nêu cái thâm diệu của pháp môn Trì Danh: chỉ có bậc thượng căn mới triệt để gánh vác nổi. Nên hiểu thấu suốt như thế, đừng chấp chặt văn tự.
Pháp môn đã khéo phù hợp ba căn như sách Yếu Giải viết: ‘Thượng thượng căn chẳng vượt ải này, hạ hạ căn cũng có thể đạt đến’, gồm thâu thánh phàm, lợi, độn đều thích ứng.
Sách Di Ðà Sớ Sao cho rằng pháp môn này ‘nhiếp trọn các căn lợi, độn, đều độ thoát cả’. Lại bảo:
‘Các pháp môn khác: cao thì hạ căn tuyệt phận, thấp thì chẳng tương hợp thượng căn. Vì thế, trong hội Hoa Nghiêm như đui, ánh lửa đóm rối rắm thêm. Chỉ có một pháp này thâu cả thượng, hạ, có thể gọi là thuốc A Già trị vạn bịnh, lò đúc thành ngàn vật’.
Lại viết: ‘Chỉ niệm tên Phật ắt sanh cõi ấy thì dù cao hay thấp, hoặc thánh hoặc phàm, cho đến hoặc tin, hoặc ngờ, hoặc khen, hoặc chê, hễ biết có đức Phật ấy liền thành thiện căn. Nhiều kiếp nhiều đời đều được giải thoát’.
Còn trong hiện tại, nếu hỏi ai là kẻ đương cơ thì đáp rằng chẳng luận nam, nữ, già, trẻ, phú quý, bần tiện, thượng trí, hạ ngu, tu lâu, mới tu, túc căn lợi, độn, thiện ác sai biệt, chỉ cốt với pháp môn này sanh lòng tin thật sự, do tin phát nguyện, từ nguyện khởi hạnh, phát tâm Bồ Ðề, nhất hướng chuyên niệm, những người như vậy đúng là đương cơ