Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Đấng Chiến thắng thứ hai, ngài Gyalwang Kunga Pal Sangpo (1475–1527) là truyền nhân thứ 15 của Đức Jigten Sumgön, và thực ra chính là Đức Jigten Sumgön, được hóa thân với mục đích làm sống lại các giáo lý của Đức Phật vào một thời đại khi giáo lý suy tàn. Ngài Kunga Rinchen sinh trong cung điện Dru Trashi Teng vào năm Mộc-Mùi. Cha ngài là Chökyi Je Rinchen Chökyi Gyaltsen và mẹ ngài là Rinchen Palmo. Lúc ngài sinh ra mặt đất rung chuyển, các cầu vồng xuất hiện, một trận mưa hoa từ trên trời rơi xuống và một chiếc cầu bằng ánh sáng năm màu chiếu sáng từ linh ảnh của Đức Jigten Sumgön ở tu viện Changchub Ling tới cung điện nơi đứa bé tên là Rinchen Lhunpo sinh ra.

Suốt thời thơ ấu, Kunga Rinchen chơi đùa ở các tu viện, điện thờ, các bảo tháp và trong lúc ban giáo lý cho các trẻ em khác. Ngài cũng trì tụng Manjushrinamasamgiti.112 Năm lên bảy, ngài được vị Thầy Jyin Drak dạy đọc và viết. Khi Kunga Rinchen mười tuổi thì cha ngài mất. Ngài cố gắng an ủi mẹ, khuyên bà đừng đau buồn và chỉ dẫn bà về các buổi lễ riêng và những giới luật. Không bao lâu sau đó, Kunga Rinchen ngã bệnh và có một linh kiến về Đức Phật Dược Sư xuất hiện trong bầu trời và chiếu ra ánh sáng chữa bệnh cho ngài.

Kunga Rinchen nhận lãnh giáo huấn cốt tủy của các giáo lý Đại thừa và nhiều chủ đề khác từ Karmapa thứ bảy Chödrak Gyatso, là người xác nhận ngài là hóa thân của Đức Jigten Sumgon. Từ Pháp vương Wang Rinpoche, Kunga Rinchen thọ nhận tất cả các giáo lý viết tay và truyền khẩu của Đức Jigten Sumgön. Ngài làm việc cật lực trong việc nghiên cứu, lắng nghe các giáo lý này, suy tưởng sâu xa về ý nghĩa của chúng và nhất tâm thiền định về cốt tủy của giáo lý. Đặc biệt, ngài thành tựu chứng ngộ cuối cùng của bốn giai đoạn yoga trong sự thực hành con đường Đại Ấn sâu xa năm nhánh.

Vào thời gian của sự chứng ngộ này, Kunga Rinchen có một giấc mơ trong đó mủ và máu trào ra từ thân ngài. Ngài trình việc này cho vị Thầy, ngài Wang Rinpoche, Thầy nói: “Đây là một dấu hiệu con đã hoàn toàn tịnh hóa các nghiệp chướng, các ngăn ngại cho sự giải thoát, và các chướng ngại cho sự Toàn Giác.”

Năm 17 tuổi, Kunga Rinchen thọ các giới nguyện sa di từ Khenchen (Đại Tu viện trưởng) Kunga Lodrö; từ Lobpön (Đạo sư) Lodrö Tenpa; từ ngài Lekba Rinchen, người đã quyết định thời gian thích hợp để ngài nhận các giới nguyện; và từ những vị khác. Ngài nhận pháp danh Kunga Rinchen Chökyi Gyaltsen Pal Sangpo.

Là một Sa di, Kunga Rinchen nhận nhiều quán đảnh và các giáo huấn từ tu viện trưởng của mình, ngài Kunga Lodrö. Dưới sự dạy dỗ của Lobpön Lodrö Tenpa, ngài nghiên cứu Kinh Bổn về Giới (Luật) và các chủ đề khác. Ngài lần lượt làm hài lòng các vị Thầy với nhiều tặng vật cúng dường. Ngài nghiên cứu các giáo lý về sáu yoga của Nāropa dưới sự chỉ dạy của ngài Jamyang Palden Rinchen và thành tựu sự kiên cố thiền định của đại lạc tummo (nội hỏa), sau đó nhận được một linh kiến về tập hội những Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ. Ngài cũng nghiên cứu các Kinh điển và Tantra với nhiều vị Thầy khác.

Năm 20 tuổi, vào năm Mộc-Dần, Kunga Rinchen trở thành một tu sĩ thọ Cụ túc giới (Tỳ khưu), trước sự hiện diện của Tu viện trưởng và những vị Thầy khác. Cùng năm đó ngài được đăng quang ngự trên tòa Sư tử của Đức Jigten Sumgön; sự kiện được đánh dấu bởi sự xuất hiện nhiều dấu hiệu kỳ diệu.

Do nhiều hoàn cảnh, các giáo lý của Đức Jigten Sumgön đã suy tàn trong những năm trước lễ đăng quang của Kunga Rinchen, chỉ còn lại tinh túy của chúng. Với tiếng sư tử hống vô úy của Giáo Pháp trong Tăng đoàn, Kunga Rinchen đã chuyển Pháp luân những giáo lý sâu rộng của Đức Jigten Sönam và các đệ tử của ngài. Vào mùa xuân, Kunga Rinchen ban giáo lý sáu yoga của Nāropa, và tại Layel ở Drikung, ngài và hàng trăm đệ tử chỉ mặc quần áo bằng vải mỏng, đã hiển lộ sức nóng tummo. Những con sông đóng băng trong vùng đó tan ra, thời tiết trở thành giống như mùa hạ, các cầu vồng và nhiều dấu hiệu xuất hiện. Dân chúng khắp mọi miền ở Tây Tạng đem vật phẩm cúng dường đến, và để việc sử dụng chúng được lợi lạc nhất, ngài tập họp nhiều người sao chép, bảo họ chép lại toàn bộ Kagyur (bka-gyur: Kinh điển và Tantra) hai lần và toàn bộ Tangyur (bsan-gyur: Luận giải) một lần bằng mực vàng và bạc trên giấy xanh lam. Cùng một trăm nhà sư khác, ngài cử hành sự gia hộ và hiến cúng các bản văn này, và sau đó ngài làm các người sao chép hài lòng bằng nhiều tặng vật.

Được cảm hứng bởi giáo lý và mẫu mực của Kunga Rinchen, hàng trăm hành giả đã cam kết nhập thất ba năm, và một số nhập thất suốt đời. Ngài có nhiều ẩn thất xây dựng phía trên và dưới tu viện Changchub Ling và chỉ định Pháp vương của các Thành tựu Drikung Rechen Rinchen Gyatso là Đạo sư nhập thất. Đại học giả Tsultrim Gyatson được chỉ định dạy và giám sát các sadhana (drup tab – phương pháp thành tựu), việc thiết lập mạn đà la, hát tụng, và các nghiên cứu triết học. Ngài Kunga Rinchen đã đề xướng việc nghiên cứu Gong Chik của Đức Jigten Sumgön tại học viện triết học ở phía dưới Changchub Ling. Hàng ngàn nhà sư từ khắp nơi ở Tây Tạng đến Changchub Ling để nghiên cứu và thực hành.

Suốt trong triều đại của vua Rinpungpa Donyod Dorje, miền trung Tây Tạng bị một bệnh dịch và một trận hạn hán tấn công trong cùng năm. Nhà vua tới thăm Kunga Rinchen và thỉnh cầu ngài làm điều gì đó để chấm dứt nỗi đau khổ do hai tai họa này gây ra. Nhờ thấu suốt lẽ duyên-sinh và năng lực của việc ban phước, Kunga Rinchen đã làm nguôi dịu nỗi khổ của mọi người và an lập họ trong một đời sống tốt đẹp hơn.

Suốt đời ngài, Kunga Rinchen được ban các linh kiến và dấu hiệu cho thấy chứng ngộ cao siêu và năng lực vĩ đại của ngài là để làm lợi lạc cho chúng sinh. Một lần, khi ngài đang thăm viếng điện Jokhang ở Lhasa, ánh sáng phóng ra từ tim pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tan vào tim Kunga Rinchen. Ở Changchub Ling ngài có linh kiến về Đức Phật Vajradhara (Kim Cương Trì), Tilopa, Nāropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, và Phagmo Drupa. Trong linh kiến này, Đức Gampopa trao cho ngài một nắm ngọc trai và nói: “Đây là các đệ tử của ngươi.” Ý nghĩa của câu nói này là tất cả các đệ tử của ngài sẽ có tâm thức thanh tịnh và có khả năng mang lại lợi lạc lớn lao cho chúng sinh.

Một mùa đông, trong một giấc mơ Kunga Richen thấy nhiều cây đèn bơ tràn ngập miền Drikung. Khi ngài thắp một ngọn, tất cả các ngọn đèn bắt đầu cháy sáng rực. Đây là một dấu hiệu cho biết tất cả các đệ tử của ngài sẽ thành tựu đại thiện xảo trong pháp tummo. Một đêm khác ngài mơ thấy ngài mặc một Pháp y tinh khiết và viếng thăm một cánh đồng lớn với nhiều loại hoa, một số đang nở, những bông khác sắp nở. Đây là dấu hiệu các đệ tử ngài đang thành tựu các phẩm tính của sự chứng ngộ. Khi Kunga Richen ban giáo lý, các Daka và Dakini kéo đến trong hình dạng các con chim để nghe Pháp.

Các hoạt động của Kunga Rinchen lan ra khỏi vùng lân cận của Drikung. Ngài phái các đệ tử đi thiền định ở các ngọn núi linh thiêng – Kailas, Lachi, và Tsari – những nơi Đức Milarepa, Gampopa, Đức Jigten Sumgön, và những hành giả vĩ đại khác đã gởi các đệ tử tới trong quá khứ. Ngài đã chỉ định Gonbo Gyaltsen - một hóa thân của Mahakala - để tổ chức và điều hành các dự án như xây cất và giữ gìn các tu viện.

Kunga Rinchen gặp Samarpa Rinpoche thứ tư và đã trao đổi các vật cúng dường và giáo lý. Vào một dịp khác, một yogi là hóa thân của Padmasambhava đến gặp Kunga Rinchen và trao cho ngài các giáo lý Nyingma rồi biến mất.

Một buổi sáng, trong khóa thiền định đầu tiên trong ngày, Kunga Rinchen được một nhà bảo trợ giàu có của tu viện Samye đến thăm. Ông ta nói với ngài rằng Samye vừa được trùng tu và mời ngài đến để cử hành lễ hiến cúng. Kunga Rinchen đáp lại là ngài không tới được, nhưng sẽ cử hành lễ hiến cúng từ nơi ngài ở; và nhờ các năng lực thiền định ngài đã làm như vậy. Một lúc khác, Drikung bị những người dân đố kỵ ở miền khác tấn công, nhưng nhờ sự kháng cự của dân địa phương và sự trợ giúp của các Hộ Pháp mà cuộc tấn công bị đẩy lui.

Năm 45 tuổi, Kunga Rinchen nhận lời mời viếng thăm Dechen, Yangbachen, Lung, Dang, Chonggye, Trarong, và nhiều địa điểm khác, ban các giáo lý và quán đảnh theo nhu cầu của những người khẩn cầu, và an lập họ trên con đường giác ngộ.

Vào cuối những năm 50 tuổi, Kunga Rinchen ủy thác việc xây dựng tháp (stupa) Trashi Gomang (nhiều cánh cửa kỳ diệu), giao trách nhiệm cho nghệ nhân Dorje Gyaltsen, một Bồ tát Hóa thân. Tháp này có sáu tầng, tô điểm nhiều viên ngọc quý và chứa đựng hơn 3.200 hình ảnh các Đạo sư, Bổn Tôn, chư Phật, Bồ tát, và các Hộ Pháp. Phù hợp với giáo lý của các bản văn Mật thừa cao cấp, Kunga Rinchen cử hành sự ban phước và hiến cúng bảo tháp cùng với 50 vị sư khác; sau đó ngài ban thưởng cho các nghệ nhân những món quà mà ngay cả Vaishravana (Nam-say: Bổn Tôn bảo vệ phương Bắc) không thể làm hơn được. Mọi người dân địa phương đều tham dự buổi lễ với những tiết mục múa, hát, âm nhạc, và các cầu vồng, những trận mưa hoa và nhiều dấu hiệu kỳ diệu khác đã xuất hiện.

Năm 50 tuổi, Kunga Rinchen đi tới Terdrom để nhập thất. Ở đó ngài có một linh kiến Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh) chiếu sáng năm màu, cầm một cái móc và sợi dây thừng. Guru Rinpoche ban cho Kunga Rinchen một xâu chuỗi có hột bằng số năm trong đời ngài. Khi Kunga Rinchen cầu khẩn lần nữa, Guru Rinpoche lại xuất hiện, lần này thì ở trong một cung điện ánh sáng với vị phối ngẫu của Ngài. Trên đường trở về Drikung, Kunga Rinchen tắm trong một cái hồ, nó biến thành màu vàng nghệ, trong khi toàn thể khu vực ngập mùi hương trầm. Ngài nhận ra đây là một lễ cúng dường ngài của các Dakini.

Một thời gian sau sự kiện này, tâm ngài hướng về các cõi Phật, và trong mùa hè và mùa đông năm đó, ngài ban giáo lý không chút dè dặt, không giữ lại điều gì. Đối với đệ tử của ngài là Gyalwang Ratna, đối với Tu viện trưởng, đối với Lobpön, đối với người giữ giới nguyện của Drikung, và đối với nhiều đệ tử khác ngài ban cho họ các giáo lý cốt tủy và các giáo huấn tinh túy, cũng như các giáo lý về sự vô thường và sự từ bỏ. Ngài nhấn mạnh rằng cốt tủy giáo lý của Đức Phật là sự thực hành. Động lực của các đệ tử ngài chuyển từ sự vui hưởng cuộc đời này sang việc sử dụng nó để thành tựu sự Giác ngộ cao nhất, và đồng thời lòng sùng mộ của họ tăng trưởng.

Không chút đau đớn hay bệnh tật, thân thể ngài yếu dần và ít thèm ăn. Trong khi tắm, ngài nhìn chăm chăm lên bầu trời và hát tụng Thần chú Sáu Âm của Đức Quán Thế Âm và các bài Đạo ca khác. Ngài du hành tới Tseu Kha, và ngài yếu hơn vì ăn quá ít. Ngài tiếp tục thiền định theo thời biểu đều đặn của ngài. Ngài chỉ dẫn cho Gönbo Gyaltsen xây dựng càng sớm càng tốt 12 pho tượng bằng gỗ đàn hương tượng trưng cho 12 sự kiện trong cuộc đời Đức Phật, sửa chữa mái điện Serkhang là nơi bức tượng của Đức Jigten Sumgön được giữ gìn, làm một tòa sen cho hình tượng này, và hoàn tất mọi chương trình đã được bắt đầu.

Kunga Rinchen tịch ở tuổi 53, vào buổi sáng ngày 26 tháng 9 năm Hỏa-Hợi. Trong vùng xuất hiện một trận mưa hoa, các cầu vồng năm màu ở mọi hướng, và các dấu hiệu kỳ diệu như thế cũng như nhiều hiện thể – một số không có hình tướng và một số có hình tướng các con thỏ và v.v..  xuất hiện và cử hành việc lễ lạy và đi nhiễu.

Các đệ tử chứng ngộ cao cấp của ngài nhìn thấy chính Pháp vương Kunga Rinchen đi lên giữa các cầu vồng trong bầu trời và các Daka, Dakini cúng dường cho ngài. Hàng trăm nhà sư cử hành các lễ cúng dường theo các mạn đà la của các Bổn Tôn của đại dương các Tantra. Tu viện Drikung gửi vật cúng dường tới tất cả các tu viện khác khắp xứ Tây Tạng, không phân biệt bộ phái hay dòng truyền thừa. Một đài kỷ niệm được xây dựng tại Núi Kailas, và các lễ cúng dường được thực hiện cho ba ngọn núi linh thiêng là Kailas, Lachi và Tsari. Di thể Kunga Rinchen được đặt trong một tháp bạc có tô điểm nhiều viên ngọc. Sau khi ngài thị tịch, có nhiều biểu hiện kỳ diệu xuất hiện, như một vỏ ốc xà cừ xoắn về bên phải và các viên thuốc thật quý giá. Trong nhiều phương tiện này, ngài Gyalwang Kunga Rinchen đã làm cho Phật Pháp phát triển, và ngài đã đào tạo được nhiều đại đệ tử.

Những ai muốn hiểu thêm về ngài Gyalwang Kunga Rinchen, các đệ tử, giáo lý của ngài và các bản văn hết sức quý báu do ngài sáng tác có thể tham khảo Chuỗi Hạt Vàng, Ghi chép về Dòng Truyền thừa của Vị Bảo hộ, Dòng Drikung Kagyu Vĩ đại.

Xem mục lục