Những Bài Ca
Milarepa tịnh hóa chính mình bằng việc xây
những cái nhà cho Marpa
Về Những Bài Ca
Toàn bộ bản văn mà những tuyển chọn này rút ra có tên là Những Câu Chuyện và những Bài Ca từ Truyền Thống Khẩu Truyền của Jetsušn Milarepa, mở đầu bằng lời nói đầu này :
Ở đây (Tây Tạng) vị thành tựu giả (siddha) vĩ đại, nổi tiếng là Milarepa, Vua của các Thiền giả, được chở đi trên con tàu của các thừa. Giữ gìn sự khiêm hạ, ngài thực hành những khổ hạnh và quen sống trong những hang động như một người đội một cái mũ. Ngài hoàn thiện sự thực hành tập trung nhất tâm và lưu xuất hai ngàn tám trăm bài ca từ kinh nghiệm và chứng ngộ. Nghe nói hai ngàn bài được các dakini giữ gìn và loài người không biết đến. Tám trăm bài khác được các thiền giả truyền tụng cho đến ngày nay và dùng cho sự thực hành của họ.
Tám trăm bài ca này được giữ gìn bằng cách viết ra thành ba tác phẩm chính. Tiểu sử của Milarepa như được kể cho đệ tử thân thiết nhất là Rechungpa được dịch ra tiếng Anh lần đầu bởi Kazi Dawa Samdup với cái tên đề Đại Thiền Giả Milarepa Tây Tạng (Evans-Wentz, n.x.b Oxford) và được dịch lại bởi Lob-sang Lhalungpa với cái tên Cuộc Đời của Milarepa (Dutton, NY, 1977 ; bản dịch tiếng Việt n.x.b Thiện Trí Thức, 2000). Bộ sưu tập lớn hơn các câu chuyện và bài ca, Một Trăm Ngàn Bài Ca, được Garma C. C. Chang dịch và in trong nhiều nhà xuất bản. Hai tác phẩm này chứa đựng những tài liệu về Milarepa quen thuộc với Đông lẫn Tây. Thêm nữa, có một hợp tuyển hiếm và ít được biết “từ truyền thống khẩu truyền” chứa đựng, với một ít ngoại lệ, một tài liệu hoàn toàn khác. Đây là Những Câu Chuyện và Bài Ca từ Truyền Thống Khẩu Truyền của Jetsušn Milarepa,(9) từ đó tài liệu cho cuốn sách này và cuốn theo sau, Hành Trình Kỳ Diệu (Lotsawa, 1986). Thêm vào, là một ít cẩm nang thực hành của Milarepa trong Kho Tàng các Lời Dạy và những nhóm chuyện và bài ca ở trong những bản in Tây Tạng ít được biết đến hơn.
Trong cố gắng khám phá ra một bức tranh về nhân cách của Milarepa, sự ca hát và phong cách chỉ dạy của ngài, tác phẩm này là có giá trị, có lẽ hơn so với hai tác phẩm tiêu chuẩn. Một Trăm Ngàn Bài Ca và cũng có thể tiểu sử, được viết ra từ những chuyển biên bằng miệng ở thời trước do “Thiền Giả Điên xứ Tsang”, Tsang Nyošn Heruka Rušs Pai rGyan. Việc ông đưa vào một số lớn sự khéo léo văn chương của ông vào bản viết có thể suy ra từ sự so sánh ít đoạn trong Những Câu Chuyện và Bài Ca. Chẳng hạn, “Sự Gặp gỡ của Mila với Phadampa Sangye” trong sách này tương đương với chương 53 của Một Trăm Ngàn Bài Ca do Chang dịch. Hai bản dịch cùng một sự việc này cho thấy những khác biệt đáng chú ý. Bản dịch trong sách này dài khoảng một nửa so với Một Trăm Ngàn Bài Ca, cả phần kể chuyện lẫn phần bài ca. Ý nghĩa hơn, phong cách thơ ít chải chuốt hơn và ít dùng những yếu tố làm đẹp và khai triển. Giọng điệu của nó tự nhiên hơn và nội dung nó trực tiếp hơn, nhất là khi đọc to tiếng. Sự so sánh như vậy cho thấy nó tùy ứng hơn là cố tình làm văn.
Chất liệu trong Những Câu Chuyện và Bài Ca ở trong một trạng thái nói thì dài hơn hai tác phẩm tiêu chuẩn ; như thế có lẽ chứa đựng một số chất liệu được thêm vào trong những cuộc nói lại giữa các thiền giả. Những đoạn loại này có thể được phân biệt với phần chính của bài bởi thơ ca kém, sự đề cập đến chủ đề dài dòng bất thường và cách nói không cảm hứng, nghèo nàn của chúng. Hầu hết không ngoại trừ, những chỗ thêm vào là những quở trách liên quan đến hậu quả của những hành động xấu, tái sanh trong các cõi thấp, những thống khổ của đời sống sanh tử, và những chủ đề căn bản khác đặc biệt thích hợp cho thính chúng không xuất gia và không có kinh nghiệm thực hành. Giọng điệu nói về sự tra tấn ở địa ngục nhắc chúng ta rằng những bài ca này được những thiền giả tụng đọc, họ giữ chúng trong trí nhớ và thường làm thế để đổi lại những đồ cúng dường lương thực từ những nông dân và người chăn cừu của miền quê Tây Tạng và Nepal.
Khi viết ra tài liệu chứa trong Những Câu Chuyện và Bài Ca, người sưu tập vô danh trong trung tâm tu viện lớn Trashi Gyi ở Amdo, Tây Tạng không chủ ý viết ra theo thể văn chương bóng bẩy. Một số bài ca hay câu chuyện chỉ là những đoạn phác họa ; tuy nhiên những cái khác là những đoạn đặc biệt và có thể bị bỏ khỏi Trăm Ngàn Bài Ca bởi chúng không nói đến một sự việc nổi tiếng hay một cuộc gặp gỡ đầu tiên với một đệ tử chính, hay có lẽ vì chúng không được người sưu tập trước biết đến. Việc chúng là đích thực chính thống có thể phán định từ tính chất và phong cách của chúng, đồng thời hiểu rằng, trong truyền thống khẩu truyền còn tiếp tục đến ngày nay, có nhiều truyền bản có dị biệt của cùng những bài ca.
Một tính cách có ý nghĩa của tài liệu trong Những Câu Chuyện và Bài Ca là nó ít cố gắng thần tượng hóa nhân cách và thái độ đối xử của Mila hơn là trong Một Trăm Ngài Bài Ca hoặc làm cho chúng dễ đọc hơn với độc giả. Ở đây những hành động của ngài tức thời hơn, ít lịch sự hơn, tính khôi hài và trí huệ của ngài xuyên phá cắt đứt hơn, và những phản ứng của ngài nghịch lý hơn. Những bất ngờ và mâu thuẫn có ở đây – có một con người thực sự, rất người, đàng sau những dòng chữ. Cũng có những tư cách mới, có lẽ bởi vì chúng không bị làm biến chất bởi những tình cảm của người chuyển đọc, chỉ ra, chẳng hạn, rằng Mila không ít học như phần đông tin tưởng và ngài dạy sự quan trọng của học hỏi, nghiên cứu trước khi thực hành thiền định dũng mãnh.
Những lời chỉ dạy tốt đẹp luôn luôn thay đổi chủ đề và phong cách theo người nghe, và những bài ca của Mila được hát lên cho nhiều loại thính chúng. Với những nông dân ngài gặp qua lời nguyện khất thực của mình chỉ ở “cánh cổng đầu tiên” mỗi ngày và với những người chăn cừu du mục, thô ráp ngài gặp trong những cuộc lang thang, ngài hát về sanh và chết, liên hệ nhân quả của hành động, vô thường và hạnh kiểm trong một cách thức đơn giản và trực tiếp, dùng những sự vật và kinh nghiệm hàng ngày làm ví dụ. Với các đệ tử ngài hát những giáo huấn chính xác và đúng chỗ để khai mở tâm thức họ với sự thực hành và để dạy và sửa chữa họ. Với những đệ tử của những vị thầy khác, những thiền giả lang thang tìm kiếm ngài để hỏi và những học giả khao khát gặp một người thành tựu thực sự, ngài là một đạo sư đánh giá mức độ và những nhu cầu của một người. Với họ ngài tạo ra những bài ca làm sững sờ với những phát lộ thấu suốt. Trong thính chúng có những quỷ ma không phải là người, với chúng ngài hát lên những thách thức và những cảnh cáo, và với những dakini ngài hát sự bí mật nhất và những tỏ ngộ cá nhân. Đôi khi ngài gặp những đạo sư có chứng đắc có thể so sánh với nhau được. Họ trao đổi những giáo lý và những thách thức, phép thuật và những phát giác, vinh danh cho những chứng đắc tâm linh của tâm thức thiền định đầy năng lực của họ.
Hầu hết những đoạn được hát lên để trả lời một câu hỏi, một thách thức, hay một đòi hỏi phải hát để có bữa xúp, Milarepa đáp ứng không chỉ đối với những câu hỏi mà với những động cơ đàng sau chúng và bối cảnh trong đó chúng được hỏi. Những bài ca không thay đổi lúc mở đầu với một dòng hay một câu cầu nguyện đến Marpa, lama của Mila, cầu xin sự hướng dẫn và những ban phước. Đối với Mila và các người theo ngài đó là vị có thần lực làm phát triển và gây cảm hứng cho sự thực hành của họ. Thỉnh thoảng Mila “cầu khấn van xin” chư Phật và chư lama nhân danh những người nghe để hướng dẫn họ vào Pháp hay giúp đỡ họ trong thực hành. Khi ban cho một giáo lý, ngài thường bao bọc nó với một chuỗi thúc dục cổ vũ súc tích gọi là những lời khuyên dạy. Hầu hết những bài ca đóng lại với một sự hồi hướng hay ban phước, chia xẻ công đức của sự thực hành của ngài với tất cả chúng sanh và đặc biệt để hồi trả cho những thí chủ đã yêu cầu bài ca với một sự cúng dường. Về nội dung và hình thức của những bài ca được dịch trong cuốn sách này có những giới thiệu ngắn ở đầu mỗi đoạn.
Hãy để chương đầu này như một giới thiệu về chính Milarepa. Ở đây ngài đang ở trong tình huống thường xuyên đi khất thực từ một số dân làng nóng nảy và tình huống đó cũng dễ gây nổi giận : ngài sắp bỏ đi mà không ban cho một hồi hướng công đức như thông lệ thì sự phê bình của một nhà sư thúc đẩy ngài phải giải thích cách hồi hướng theo lối thiền đặc biệt của ngài và một số lịch sử riêng tư. Kỳ lạ vì người đi xin hùng biện khác thường này, họ hỏi danh tánh ngài. Mila trả lời với một phác lược cuộc đời trước kia của ngài, sự tu hành, những kinh nghiệm, những chứng ngộ và rồi dạy cho họ về thân phận sanh tử và cho những khuyên nhủ cho sự thực hành của họ. Câu chuyện này cũng kể lại sự gặp gỡ với Wangchuk Dorje, người đã trở thành một trong những đệ tử thường xuyên của Mila.