Những Câu Chuyện Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm về những hành động làm nhân và những kết quả của chúng là một phương pháp để từ bỏ những khổ đau của những trạng thái khốn khổ của hiện hữu. Trong những câu chuyện này, tôi sẽ đưa ra những giải thích ngắn gọn về những đoạn trong kinh, vì chúng có thể dễ dàng hiểu đối với người thường. Ngày xưa trong thành phố Khamgya có một thương gia giàu có, mỗi năm ông giết nhiều gia súc để làm những lễ cúng. Khi ông sắp chết, trong chúc thư ông ông bảo con ông hãy nên làm như vậy và con ông vẫn làm như vậy hàng năm. Vào một dịp, khi một con bò bị dẫn đến lò mổ thịt, nó rống một tiếng lớn. Một vị A La Hán chứng kiến điều này với một vẻ buồn rầu và ngạc nhiên. Có người hỏi, “Đó là sao ?”, và vị A La Hán bình thản trả lời, “Con bò bị đem đi mổ thịt trước kia là người thương gia giàu có, mỗi năm đã giết nhiều gia súc để cúng tế và ý muốn cuối cùng của ông là việc làm ấy cần tiếp tục. Ông tái sanh làm một con bò của gia đình mình. Bây giờ là lần thứ bảy ông bị giết như vậy.” Vị tăng nói với con vật, “Việc này chính là điều mà ông đã tự khởi xướng. Cúng tế là điều ông đã tự thực hiện, vì đó mà giết nhiều gia súc. Thế nên tiếng rống nặng nề của ông đâu có làm được gì ?” Đã giết nhiều con bò, ông sanh ra làm bò của gia đình ông và bị giết trở đi trở lại. Những hậu quả của một hành động có thể chín trong những đời sau. Chẳng hạn, ngày xưa, khi người ta sống rất lâu năm, có một người con của một thuyền trưởng tên là Yajna lên đường tìm châu báu. Tuy nhiên mẹ anh phản đối và không muốn để anh đi. Đá vào đầu bà, anh ra đi. Sợ rằng không thể tránh những rắc rối từ hành vi của mình, anh nhận tám giới điều của người tại gia, và ra khơi với năm trăm người đồng hành. Nhưng họ bị đắm tàu và những người khác đều chết. Con của vị thuyền trưởng bám vào một trái cầu bằng đồng và trôi dạt trên biển. Cuối cùng anh đến một thành phố, như một nơi ở của các vị trời, với một bức vách bằng vàng, ở đó anh được bốn thiên nữ săn sóc. Nơi đây anh kinh nghiệm hạnh phúc và vui thích trong nhiều trăm và nhiều ngàn năm. Sau đó, anh bỏ đi, và trong một thành phố có một bức vách bằng bạc anh được tám thiên nữ chăm sóc và kinh nghiệm hạnh phúc trong hàng trăm và hàng ngàn năm. Rồi anh lại ra đi, và trong một thành phố có một bức vách đá da trời anh được mười sáu thiên nữ chăm sóc và anh kinh nghiệm hạnh phúc và vui thích hàng trăm và hàng ngàn năm. Anh lại ra đi, và trong một thành phố với một bức vách bằng pha lê anh được ba mươi hai thiên nữ chăm sóc và kinh nghiệm hạnh phúc và vui thích nhiều trăm nhiều ngàn năm. Sau khi rời khỏi đó, anh đến một khu rừng cây có gai với một bức vách sắt. Ở đây anh thấy một người đàn ông, đầu ông này bị rạch đứt bởi một bánh xe gắn những thanh gươm quay tròn. Người này hỏi anh, “Đây là một địa ngục nhỏ. Anh đã làm điều gì khiến phải đến đây ?” Khi anh kể cho ông nghe câu chuyện của mình, có vẻ cả hai người đã có cùng một cách cư xử. Kinh nghiệm hạnh phúc và vui thích trên đường đi đến địa ngục này là nhờ sự giữ tám điều giới của người tại gia, trong khi bị chém trên đầu bởi những cây gươm là một hình phạt vì đá vào đầu bà mẹ. “Khi vừa nghe tiếng của bạn, tội lỗi tôi đã hết. Bạn đến giường tôi và hãy nghe theo”, ông nói, rồi qua đời. Bấy giờ con vị thuyền trưởng sợ hãi, và anh thiền định về từ bi với sự quán tưởng “cho và nhận”. Anh lễ bái cha và mẹ anh và cầu nguyện rằng suốt những đời kiếp anh sẽ luôn luôn thờ phụng cha mẹ. Mẹ anh cũng thực hiện những việc đức hạnh và hồi hướng chúng cho con. Một kết quả là anh ở lại địa ngục nhỏ này ít hơn sáu mười năm một tí, với bánh xe quay ở đúng trên đầu. Rồi anh qua đời, và dù bánh xe không chạm đến đầu anh, thỉnh thoảng anh vẫn đau đầu. Có nói rằng người con thuyền trưởng này về sau chính là Đạo Sư Thích Ca Mâu Ni. Như thế, tôn kính Tam Bảo, cha mẹ, và những vị thầy là rất quan trọng. Đức Phật có nói, “Không khác gì giữa cách các con đối xử với ta và cách các con đối xử với cha mẹ, những sư trưởng và những vị thầy của các con. Những hậu quả của cách cư xử của các con không giảm sút trong đời này hay những đời sau.” Nếu bạn dâng tặng một món gì và sau đó hối tiếc, thậm chí bạn tái sanh ở nơi giàu có, về sau bạn sẽ trở nên nghèo. Ngày xưa có một chàng trai trẻ tên là Drakpa dâng cúng một con bê cho Phật Lokpa Detsen và Tăng của ngài, rồi về sau tiếc nuối đã làm như vậy. Trong tất cả các kiếp sau đó ban đầu anh giàu và về sau trở nên nghèo. Dù đời người ta có hết, nghiệp của người ta thì không. Dù người ta có đi từ một đời này qua một đời khác trong sáu cõi sanh tử, người ta được sanh trở lại nơi người ta đã sống trước kia. Ở Sravasti có một chủ gia đình nghèo chết đi với sự bám luyến vào gia đình của mình. Ông tái sanh làm một con trùng trên cái bướu của một con bò đực thuộc về gia đình đó, và ngay khi mới sanh ra, một con quạ ăn nó. Ông tái sanh và lại bị ăn như vậy đến bảy lần. Khi đi khất thực ở Magadha, Maudgalyayana (Mục Kiền Liên) đến một người chủ nhà bồng một đứa trẻ trong lòng, đang ăn một con cá, và vứt phần còn lại cho một con chó cái màu đen. “Tôi không có đồ gì để cho ngài”, ông nói. Con cá là cha của người chủ nhà trong đời trước. Do làm một người đánh cá, cha ông tái sanh nhiều lần làm cá và bị giết để ăn. Con chó cái là mẹ ông, bà đã không có hành động bố thí nào cũng không giữ giới luật. Bám vào sự giàu có và dòng dõi gia đình, bà chết với sự bám luyến và sanh lại nhiều lần như là con chó giữ nhà cho gia đình đó. Con bà trước kia là kẻ thù của bà, kẻ đã giết cha mình vì binh vợ. Do sự bám luyến vào người đàn bà này, anh ta sanh ra trong bụng người đàn bà này. Đó là câu chuyện do Maudgalyayana kể, làm rõ ràng vòng sanh tử không có tự tánh như thế nào. Ngày xưa có một quan tòa trong triều của một vị vua, làm chứng cho những vay mượn trong vùng đó. Đứa con (của em trai của quan tòa) mượn một số tiền lớn, và đem cho vợ của quan tòa một của hối lộ để khỏi trả số tiền đã mượn. Bà vợ quan tòa thuyết phục viên chức này chấp nhận điều đó. Hai người trong cuộc gặp quan tòa, và ông nói dối, khiến người kia mất số tiền đã cho mượn. Kết quả, quan tòa trước hết sanh trong địa ngục, rồi năm trăm đời sanh làm một người to lớn vụng về, không có mắt, tai hay các giác quan khác. Ngày xưa, ba mươi hai người ăn trộm một con bò và đem nó đến nhà một người đàn bà già. Con bò biết nó sắp bị giết, nó cầu rằng, “Các người sẽ bị giết !” Con bò bị làm thịt, và cùng với người đàn bà già, những người đó ăn nó. Về sau, người đàn bà già mua hương, trộn với bơ, và cùng với ba mươi hai người đồng bọn thoa lên một cái tháp. Họ cầu nguyện rằng trong mọi lần tái sanh họ sẽ sanh ra như mẹ và những đứa con, có tuổi thọ, địa vị cao và giàu có. Đức hạnh và tội lỗi chín một cách riêng rẽ. Trong mọi đời của họ, họ được sanh như đã cầu nguyện, nhưng cả năm trăm lần họ đều bị bò giết cùng một lúc. Một thời ở Sravasti có một vị vua tên là Prasenajit có một đại thần tên là Kuranga. Người con trai út của thừa tướng có một người vợ tên là Anuradha, một người đàn bà thông minh cũng được sự chiếu cố của vua. Bà sanh ra ba mươi hai cái trứng nở thành ba mươi hai con trai khỏe mạnh và can đảm. Một đại thần khác xảo quyệt tung tin những người con trai đó sắp ám sát vua, thế nên vua gởi đến một số người mạnh mẽ giết hết tất cả họ cùng một lúc. Anuradha xuất gia làm ni với đức Phật. Nhà vua là hậu thân của con bò, người mẹ là người đàn bà già xưa, và ba mươi hai đứa con là những người trộm bò. Đó là những hậu quả của việc giết một con bò. Ngày xưa có một người giàu có không có con trai, nên ông lấy một người vợ thứ hai, bà này sanh cho ông một con trai. Bà vợ đầu đâm đứa bé và giết nó. Bà chối đã sát hại nó, và thề một lời giả dối. Một dịp nọ bà cúng dường cho một Bích Chi Phật, và khi thấy ngài bay trên trời, bà tỏ ra tôn kính và sùng mộ. Bà cầu nguyện, “Con mong ước được như ngài !” Đã giết đứa trẻ, bà tái sanh trong những trạng thái khốn khổ và kinh nghiệm khổ đau khủng khiếp. Về sau, bà sanh làm một người đàn bà đẹp ở Sravasti, lấy chồng và có hai con trai. Chồng bà bị rắn độc cắn chết, một đứa con trai bị nước cuốn trôi, và đứa kia bị sói ăn thịt. Nhà của cha mẹ bà bị cháy, và bà con bà bị thiêu trong lửa. Sau cùng bà lấy một người chồng khác và có một đứa con trai. Ông chồng này say rượu, giết đứa con và bắt bà ăn thịt nó. Đau buồn, bà bỏ đi, và gặp một người đàn ông góa vợ. Bà lấy ông này, nhưng ông chết. Theo tục lệ của vùng đó, bà bị chôn theo xác chồng. Một tên trộm đào mộ, đem bà đi và lấy bà làm vợ, nhưng luật pháp bắt người ăn trộm này và ông bị vua hành hình. Bà lại bị chôn theo xác chồng. Lúc này một con chó sói đào mộ bà, nhưng bà thoát được và gặp Phật và xuất gia. Dù về sau bà đạt đến trạng thái A La Hán, bà vẫn chịu đau đớn như bị một cái muỗng sắt nung đỏ xuyên từ đỉnh đầu đến hai bàn chân, và bà liên tục kêu lớn vì đau. Đó là nghiệp còn sót của việc đâm đứa con trai với một cái kim, và sự kiện bà chết chồng nhiều lần là do lời thề giả dối và xấu ác. Sự đạt đến quả vị A La Hán là do bà đã tôn thờ vị Bích Chi Phật, và mỗi hành động này chín trong một đời. Ngày xưa, trong thời Phật Vipasyin (Phật Tỳ Bà Thi), mười ngàn tăng đạt đến bốn quả vị của con đường (từ Nhập Lưu đến A La Hán). Khi họ sống trong nơi hoang dã, một số nhà buôn cúng dường các tăng ấy một viên ngọc, giao cho một vị tăng trông lo đời sống tu viện. Về sau, khi thực phẩm cạn dần, họ định bán viên ngọc, nhưng vị tăng đã nhận giữ nó cãi lại, “Cái này đã cho tôi, đâu phải cho tất cả chúng ta !” Khi người ta nói lên sự thật, vị ấy khăng khăng, “Cái này là của tôi. Các anh ăn cứt !” Ngay khi chết, ông sanh trong một địa ngục lớn, và chín mươi mốt kiếp ông sanh vào chất thải, và ông sanh vào chất thải liên miên suốt những thời của nhiều vị Phật quá khứ. Rồi ông sanh trong một hồ nhỏ làm một sinh vật lớn, như một con rắn nhưng với bốn chi và miệng và mắt như người. Hồ này thối tha, vì mọi người của thành phố lân cận trong vùng núi Linh Thứu đổ chất thải của họ vào đó. Ở đó ông bị nhiều côn trùng nhỏ, ở trên và ở dưới hồ cắn đốt. Khi chúng chuyển động, mùi hôi tỏa rộng. Nhiều vạn năm ông chết và tái sanh ở đó. Có nói rằng ông phải ở đó cho đến khi tất cả một ngàn vị Phật đến và đi. Điều này nói trong “Chương về Nhà Sư Kyunte”. (Kinh Người Thông Tuệ và Kẻ Ngu Dại, chương 52.) Vô số kiếp về trước, trong vùng Varanasi, một người đổi tất cả gia tài lấy vàng, cất trong bảy cái hũ. Sau đó, khi sắp chết, tâm ông không thể lìa khỏi kho tàng, và ông tái sanh thành một con rắn để giữ vàng. Sau nhiều năm, thành phố sụp đổ điêu tàn và trở thành một vùng đất hoang, nhưng ông vẫn tái sanh làm rắn. Một lần có một người đến gần, con rắn gọi lớn, “Tôi có vàng, hãy dùng nó làm một bữa tiệc cho Tăng đoàn ! Vào ngày anh làm việc đó, hãy mời tôi với. Nếu anh không làm được, tôi sẽ làm cho anh ân hận !” Người ấy lấy một hũ vàng và bán. Vào ngày anh ta làm trai tăng, anh lấy một cái thúng đỏ đem con rắn theo. Chư Tăng dạy Pháp cho con rắn, và nó cúng dường sáu hũ vàng, và nó vẫn sanh lại làm rắn. Có nói rằng con rắn sau này trở thành Xá Lợi Phất và người cúng vàng giúp cho nó trở thành Phật Thích Ca. Trong thời Phật Kasyapa (Phật Ca Diếp), có một vị sư già đắc quả A La Hán có giọng nói dở và một vị sư trẻ có giọng hay cùng nhau tụng kinh. Người trẻ than, “Huynh tán tụng giống như chó sủa.” “Chớ nói thế”, vị sư già trả lời, “Tôi là một A La Hán.” Người trẻ hối hận về lời nói của mình và sám hối, nhưng anh vẫn tái sanh năm trăm lần làm con chó. Sau cùng anh sanh làm một con chó ở Sravasti, nơi đó một người con trai của một nhà buôn bẻ gãy chân nó và bỏ nó trong một chỗ hoang vắng. Xá Lợi Phất cho con chó thức ăn và dạy nó Pháp ; và sau khi chết, nó sanh làm con một Bà la môn nhận giới Sa di từ Xá lợi Phất và thành một A La Hán. Những chuyện kể ở trước nói về những tai hại của sự không đức hạnh. Bây giờ tôi sẽ tổng hợp ý nghĩa của Kinh Người Thông Tuệ và Kẻ Ngu Dại về những lợi lạc của đức hạnh. Ngày xưa, vào lúc chấm dứt thời Phật Kasyapa, có hai Bà la môn thực hành bát quan trai. Một người cầu nguyện được tái sanh là một ông vua, và lời cầu nguyện của ông được thành. Người kia cầu nguyện được tái sanh là một vị trời, nhưng chiều hôm đó bà vợ ông khuyến dụ ông dùng cơm tối, và ông tái sanh làm một con rồng. Vị vua đó có một người trông coi hàng rào bao quanh vườn cây của vua. Một dịp người trông coi khám phá ra một trái lớn, ngọt ngào mọc từ một con suối và ông đưa nó cho thị vệ của vua, người này đem nó cho hoàng hậu, và rồi bà đưa lên vua. Nhà vua hỏi về trái cây và ra lệnh, “Người nào tìm ra nó hãy đem cho ta nhiều thứ này nữa ! Nếu y không làm, y sẽ bị hành hình !” Người ấy khóc và chờ đợi nơi con suối, và con rồng xuất hiện thành một người đến hỏi cớ sự. Khi câu chuyện được kể, rồng đưa cho một rổ trái cây và gởi đến nhà vua lời nhắn này : “Hỡi nhà vua, ông với tôi là bạn. Ông đã giữ sự nhịn ăn một cách thanh tịnh, nên ông được sanh làm vua, trong khi tôi không giữ được, và tôi sanh làm rồng. Hãy cho tôi bản chép tay bát quán trai. Nếu ông không làm, tôi sẽ biến vùng này thành một cái hồ và xóa sạch nó.” “Vì Phật pháp đã suy tàn, một bản văn như vậy không thể tìm ra nữa”, nhà vua trả lời, nhưng nhà vua ra lệnh cho các quan đại thần, “Hãy tìm nó. Nếu các ông không tìm ra cái nào, các ngươi sẽ bị hành hình !” Một đại thần hỏi một người già, ông trả lời, “Có một cột trụ nơi căn nhà kia thường phát ra ánh sáng, hãy tìm ở đó.” Cột trụ được mở ra, và Kinh về Duyên Sanh và một bản chép tay tám điều bát quan trai được tìm thấy trong đó. Nhà vua để chúng trong một cái hộp nhỏ bằng vàng và gởi tới cho rồng. Rồng rất sung sướng và biếu vua nhiều ngọc. Rồng và vua giữ bát quan trai và cũng khuyến khích những người khác làm như vậy, kết quả họ được tái sanh thành những vị trời. Khi gặp được Thích Ca Mâu Ni, họ nghe Pháp và đắc quả Nhập Lưu. Họ không sanh lại trong những trạng thái khốn khổ, và kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của trời và người. Có tiên tri rằng cuối cùng họ sẽ giải thoát. Chuyện này rút ra từ chương ba có tựa là “Người Ăn Xin Giữ Những Điều Giới”. Vô số kiếp trước, Vua Brahmadatta và tùy tùng đến một hang động đẹp đẽ, và ở trước hang có một người đang ca hát. Nổi giận, vua bắt nhốt và chuẩn bị hành hình. Một trong những đại thần can vua không nên hành hình y mà để làm một người hầu. Cuối cùng, người ấy xuất gia và trở thành một Bích Chi Phật. Đại thần đã quy kính và cầu nguyện vị ấy, kết quả là trong mọi đời tái sanh ông vẫn sanh vào gia đình giàu có và thế lực hay một vị trời sống lâu hay là người với thân thể tốt đẹp đặc biệt. Sau cùng ông tái sanh làm con trai độc nhất của một thương gia giàu có. Cha anh không muốn con mình xuất gia. Cậu bé nghĩ, “Nếu mình sanh trong một giai cấp thấp của xã hội, mình sẽ được cho phép thành một nhà sư”, và anh phóng khỏi một mỏm núi. Nhưng anh rớt xuống an toàn. Rồi anh nhảy vào một dòng sông, nhưng anh không chết đuối ; và anh uống thuốc độc cũng chẳng có hiệu quả. Bởi vì anh phạm luật của vua, ba lần vua ra lệnh bắn anh, nhưng tên đều rơi xuống đất. Nhà vua bảo anh, “Anh phải là một vị trời hay một con quỷ !” Khi đứa trẻ giải thích tại sao nó muốn chết, vua cho phép nó xuất gia. Rồi nó thọ giới với Phật Thích Ca và thành một A La Hán. Như thế, nhờ cứu sống một cuộc đời, đại thần sanh ra chỗ nào thì không có gì có thể rút ngắn cuộc đời ông được ; và cuối cùng ông đạt đến trạng thái của một vị A La Hán. Chín mươi mốt kiếp trước, một người nghèo bán một số gỗ lấy hai đồng tiền vàng và cúng dường nó cho Phật Thích Ca và chư Tăng. Kết quả là, trong chín mươi mốt kiếp, anh sanh làm người, và bất cứ nơi đâu anh sanh ra, trong hai bàn tay anh có hai đồng tiền vàng. Anh luôn luôn giàu có và sự giàu có đó là không cùng. Cuối cùng anh sanh ở Rajagrha làm con trai của một phụ nữ chủ gia đình. Đứa bé đẹp lạ lùng, nhưng hai tay nắm lại. Khi mở nắm tay, người ta thấy nó đang nắm hai đồng tiền vàng, và dù khi lấy đi, những đồng tiền vàng lại tiếp tục xuất hiện đến độ chúng đầy cả căn phòng. Về sau, nó xuất gia với Phật, trở thành một A La Hán và được biết là nhà sư Trang Hoàng Bằng Vàng. Ngày xưa, trong thời Phật Kanakamuni (Phật Câu Ni Hàm Mâu Ni). Do niềm tin của mình có một người nghèo phục vụ cho chư Tăng như là một người trông coi nhà. Gom hoa từ một cánh đồng, anh tung chúng vào chư Tăng và dâng cúng những lời cầu nguyện. Kết quả là trong chín mươi mốt kiếp, dù sanh ra ở đâu, anh cũng có một hình tướng tốt đẹp, và anh thọ thực phẩm tuyệt hảo và tài sản phong phú. Cuối cùng anh sanh ra ở Sra-vasti như là con của một gia đình giàu có và có uy tín. Hình tướng anh hấp dẫn phi thường, và ngay khi sanh ra, một trận mưa hoa rơi từ trên trời xuống. Thế nên anh có tên là Kusumadeva, vị trời của Hoa. Về sau, anh mời Phật Thích Ca và chư Tăng đến và lễ lạy. Trong nhà anh, gối nạm ngọc và thực phẩm hiện ra chỉ bằng cách nghĩ đến chúng. Rồi anh trở thành một nhà sư và đạt đến trạng thái A La Hán. Như vậy có nói rằng người ta không nên xem thường dù chỉ một đồ tặng nhỏ, nghĩ rằng không có phước đức bao nhiêu trong đó. Ngày xưa, trong thời Phật Kanakamuni, có một chủ gia đình làm những tôn kính đối với mỗi thành viên của Tăng già. Vui sướng với điều này một người nghèo nắm một vốc tiêu trắng, nghĩ rằng chúng là ngọc, và ném chúng về phía chư Tăng khi dâng một lời cầu nguyện. Như một kết quả, trong chín mươi mốt đời anh ta tự nhiên có ngọc, thức ăn, y phục và tài sản. Rồi anh sanh ở Sravasti làm con của một chủ gia đình, và ngay khi sanh ra, một trận mưa bảy thứ báu rơi xuống, đầy nhà. Đứa bé do đó được đặt tên là Devaratna. Sau đó anh thành một nhà sư và đạt quả vị A La Hán với thời của Phật Thích Ca. Ngày xưa, khi Phật có danh hiệu là Bảo Vệ Công Đức còn ở đời, có một vị tăng đi khắp nơi khuyến khích mọi người thực hành đức hạnh. Lúc đó có một người đàn bà tên là Daniska cùng cực nghèo khổ. Chồng bà và bà chỉ có một mảnh vải để mặc cho cả hai người. Họ thay đổi cho nhau, người này đi ra thì khoác vải lên, còn người kia thì trần truồng ở nhà. Vị tăng nói cho bà nghe những lợi ích của bố thí, và với sự ưng thuận của người chồng, bà cúng dường tấm vải, và hai người trần truồng nấp trong nhà. Vị tăng dâng tấm vải cho Phật, ngài cầm tấm vải có mùi hôi trong tay, tuyên bố, “Đây là hành động bố thí thanh tịnh rốt ráo duy nhất.” Nhà vua và hoàng hậu cởi bỏ y phục và những đồ trang sức gởi đến cho cặp vợ chồng nghèo. Người đàn ông và vợ đến đức Phật nghe Pháp. Rồi trong chín mươi mốt kiếp, dù sanh ở đâu, họ cũng sanh ra với quần áo và rất giàu có. Cuối cùng bà sanh ở Sravasti làm một cô gái xinh đẹp phi thường của một chủ gia đình. Bởi vì khi sanh ra đã mặc một áo dài trắng mềm mại, cô được đặt tên là Suci. Khi lớn lên áo của cô cũng lớn lên theo cho vừa tầm cỡ, và cô không mặc áo nào khác. Cuối cùng cô thọ giới làm ni với đức Thích Ca, và y phục của cô chuyển thành y phục của một vị ni Phật giáo. Sau đó cô đạt được quả vị A La Hán. Ngày xưa trong xứ Apadeva có một chủ gia đình rất giàu nhưng keo kiệt và không thương người. Ông có một bà người hầu già làm việc cả đời mà thiếu áo quần che thân, và bà không đủ đồ ăn. Một lần khi bà đi xách nước, bà khóc to và nghĩ, “Bây giờ ta không có thực phẩm hay áo quần. Ta đã quá già, nhưng ta phải còn làm việc, không thể chết !” Lúc đó Thánh Katyayana đến và hỏi, “Bà có bán cho tôi sự nghèo khó và khốn khổ của bà không ?” “Làm sao tôi có thể làm như vậy ?” bà hỏi. “Hãy tắm rửa và cúng dường cho tôi một bát đầy nước”, ngài trả lời và bà làm theo. Ngài có một cầu nguyện hồi hướng cho sự cúng dường này, cho bà một giáo huấn duy nhất về thực hành tâm linh, và nói bà trì tụng danh hiệu Phật. Sau cùng bà chết và tái sanh làm một thiên nữ trong cõi trời Thứ Ba Mươi Ba. Rồi thiên nữ ấy cùng với một đoàn tùy tùng năm trăm người đến cúng dường ở chỗ chôn xác bà lão. Người trong vùng ấy chứng kiến việc này và hỏi tại sao như vậy. Họ kể câu chuyện về bà lão. Những vị trời này nhận giáo pháp từ Phật Katya-yana, và người nào cũng đắc quả. Ngày xưa, sau khi Phật Vipasyin nhập niết bàn, một số chủ gia đình tôn kính nhiều vị sư Phật giáo. Một người nghèo và vợ khóc vì không có gì để cúng dường. Bà vợ nói, “Chúng ta hãy tìm quanh trong phòng kho, nếu có thứ gì nhỏ nhất ở đó, chúng ta hãy cúng dường nó.” Tìm chung quanh, họ thấy chỉ có một đồng tiền vàng và bỏ nó vào trong một cái bình. Rồi họ đổ đầy bình với nước sạch, đậy tấm gương lên, và cúng dường nó. Nhờ đức hạnh ấy cả hai người sanh làm các vị trời ở cõi Trời Thứ Ba Mươi Ba ; và trong chín mươi mốt kiếp, dù sanh ra nơi nào, họ cũng đều có màu vàng và đẹp đẽ phi thường, và họ sung túc lạ lùng. Sau cùng một người sanh ở Sravasti làm một đứa con trai có màu da vàng ròng của một chủ gia đình giàu có, và người kia làm một cô gái đẹp đẽ tương tự trong vùng Campa. Ngay khi vừa sanh ra, những con suối bắt đầu chảy trong nhà họ, và múc nước lên, nó biến thành ngọc, thực phẩm và y phục theo ý muốn của lòng họ. Sau đó hai người cưới nhau, mời đức Phật đến và nghe Pháp. Rồi cả hai xuất gia và trở thành A La Hán. Ông là sư Suvarnadeva và bà là ni Suvarnaprabha. Đó là công đức của một hành động bố thí nhỏ của những người nghèo. Trong thời đại của Phật Vipasyin, có một chủ gia đình cúng dường một đồng tiền vàng cho đức Phật, đã nhận được ba câu kệ giáo huấn thực hành, và không làm những hành động không đức hạnh như giết, trộm... Như một kết quả, trong chín mươi mốt kiếp ông rất giàu và thọ. Sau cùng ông sanh ra ở Sravasti làm con trai của một người vợ của một chủ gia đình giàu có. Một hôm còn bé nó rơi từ lòng mẹ xuống sông và bị một con cá lớn nuốt. Con cá bị một người đánh cá bắt được ở hạ lưu sông, và đứa trẻ được tìm thấy còn sống từ trong bụng cá. Nó được một thương gia giàu nhận nuôi vì ông không có con trai. Người chủ gia đình nghe câu chuyện này và nói với ông, “Đây là con trai của tôi. Hãy trả nó cho tôi !” Thương gia kia trả lời, “Tôi đã cúng dường chư thiên, và chư thiên ban đứa bé cho tôi từ bụng một con cá.” Họ không dàn xếp được với nhau, nên đến gặp nhà vua, vua nói với họ, “Hãy chia đứa bé cho cả hai người.” Cả hai đều giàu có, nên đứa bé lớn lên trong xa hoa phú quý. Khi đến tuổi trưởng thành, nó nói với hai người cha rằng nó muốn thành một ông sư. Cả hai người cha đều yêu quý nó đến độ họ không thể từ chối, thế nên nó thọ giới với Phật Thích Ca. Nó trở thành một A La Hán có tên là Hai Gia Đình. Nhờ cúng dường vàng, trong mọi đời ông ấy được giàu có, và nhờ không giết hại, dù rơi xuống sông và bị cá nuốt, ông không chết. Và nhờ những thệ nguyện quy y, ông trở thành một A La Hán. Ngày xưa, sau khi Phật Kasyapa nhập niết bàn, có một chủ gia đình dựng một cái tháp, xây một phòng họp cho Tăng, và cung cấp nuôi sống chư Tăng một thời gian dài. Sau cùng tháp và phòng họp sụp đổ và sự cung cấp thực phẩm cho chư Tăng chấm dứt. Người chủ nhà ấy có một người con trai trở thành một nhà sư, và ông đã dựng lại cái gì đã sụp đổ và cung cấp cho chư Tăng như trước. Như một kết quả của những cầu nguyện của ông, về sau ông sanh làm vua Mahakapina trong Xứ Vàng. Trong nước ông có tám mươi bốn ngàn thái ấp dưới sự trị vì của ông, và ông rất uy quyền. Khi ông chuẩn bị hàng phục Vua Prasenajit của miền trung Ấn Độ, đức Phật hiển lộ như một chuyển luân thánh vương và chinh phục ông. Vị này bèn xuất gia và thành một vị A La Hán. Như vậy, như một kết quả của công đức tạo dựng, ông được sanh ra làm một ông vua quyền lực và đắc quả. Ngày xưa, một người đến cung kính tháp của Phật Kasyapa, trong đó có một tượng voi cỡ nhỏ mà Bồ tát đã cưỡi khi xuống từ Đâu Suất (vào trong bụng mẹ). Người ấy sửa lại tượng voi, vẽ và thoa dầu. Như một kết quả, trong mọi đời người này hưởng sự sống lâu, sang quý và giàu có không cùng. Về sau ông sanh tại Sravasti làm con của một chủ gia đình, và khi mới sanh ra, một con voi bé bằng vàng tự nhiên xuất hiện trong phòng kho. Khi cậu bé lớn lên, con voi cũng lớn, và nước tiểu và phân của nó bằng vàng. Chàng thanh niên thường cưỡi nó, và khi Vua Ajatasatru đánh cắp nó, nó cũng không ở với vua mà trở về với chàng thanh niên. Sau cùng chàng xuất gia với Phật và được biết như là nhà sư Cứu Giúp Voi. Vì có nhiều người đến xem voi, nó không được cho phép ở lại với nhà sư. Thế nên nhà sư nói với nó ba lần, “Ngươi không được cần đến nữa.” Và nó biến mất vào trong đất. Ngày xưa, vào lúc chấm dứt thời đại của Phật Vipa-syin, năm trăm nhà sư đi ẩn cư để tìm thấy tính chất như hình phản chiếu của những hiện tượng. Vào lúc đó, một nhà sư cung cấp thực phẩm cho họ bằng cách đi khất thực. Trong số các sư, có bốn vị đắc quả, và họ cầu nguyện cho người đã cung cấp thực phẩm cho họ suốt cuộc ẩn cư. Trong sáu mươi mốt kiếp, người đã đi khất thực sanh vào cõi trời hay người giàu có. Sau cùng ông sanh vào một chủ gia đình ở Kosala, và ông có một ngôi nhà bảy tầng làm bằng bảy báu. Ông sung túc giống như chư thiên, vì ông có một tùy tùng gồm nhiều vị thiên và thiên nữ. Về sau ông xuất gia với Phật và thành A La Hán. Vô số kiếp về trước, có hai ngàn nhà tu trên một ngọn núi. Nghe rằng trời không mưa mười hai năm, một chủ gia đình giàu có hứa sẽ làm thí chủ cho họ trong thời gian đó. Ông chỉ định năm trăm người lo cung cấp cho các sư, nhưng họ mệt mỏi và than, “Sự phiền toái liên miên này là vì những người ăn xin kia.” Lúc đó có một người gọi các nhà tu đến dùng bữa, và anh có một con chó đi theo. Một hôm anh quên gọi, nhưng con chó chạy đến và sủa, và các nhà tu đến. Sau mười hai năm, các nhà tu nói, “Mưa sắp rơi xuống, thế nên hãy trồng trọt”, và anh chuẩn bị ruộng đồng. Chỉ có cây táo ta là lớn, và trái rất nhiều đến độ đầy cả những nhà kho của anh. Rồi năm trăm người kia bắt đầu tin, họ sám hối những lời thô lỗ trước kia. Bởi vì họ gọi các nhà tu là ăn xin, họ tái sanh năm trăm lần làm ăn xin. Sau cùng họ trở thành năm trăm người ăn xin ở Sravasti, nơi đó họ xuất gia và thành A La Hán. Đó là lợi ích của sự sám hối của họ. Một nhà vua và các đại thần thỉnh mời Phật Thích Ca và chư Tăng đến, nhưng họ nói, “Chớ mời những nhà sư trước kia là người ăn xin.” Thế nên theo lời của Phật Thích Ca, mỗi người (trước kia là người ăn xin) mang theo một bình bát đầy trái cây của mùa màng không cần trồng của Bắc Cu Lô Châu. Họ có bữa ăn cùng với Phật, và mọi người đều đầy lòng tin. Sau đó tất cả họ được mời chung. Người chủ gia đình là đức Phật, người giữ kho là Thái Tử Chiến Thắng, người gọi các thầy tu là Vua Upana, và con chó trở thành một chủ gia đình tên là Tốt Giọng, luôn luôn có một giọng nói hay trong tất cả mọi đời. Ở Sravasti có một người đàn bà tên là Nyen-gamo, bà rất nghèo túng. Do đi ăn xin, bà có được ít dầu, làm một cây đèn dầu nhỏ và dâng cúng Phật. Sáng hôm sau bấc của cây đèn không tắt, và Mục Kiền Liên, nghĩ rằng cây đèn không cần thắp ban ngày nên ngài làm cho tắt, nhưng không làm được. Bấy giờ đức Phật tiên tri rằng sau hai vô số kiếp người đàn bà sẽ thành Phật hiệu là Ánh Sáng Ngọn Đèn. Ngày xưa, Phật Kasyapa và tăng chúng được một người đàn bà giàu và một người đàn bà nghèo mời đồng thời, và các ngài trước tiên đến chỗ ngưòi đàn bà nghèo. Với một cảm giác tự tôn và kiêu căng vì giàu, người đàn bà kia than, “Các ngài không đến ta trước, mà đến cái bà ăn xin kia !” Như một kết quả, bà năm trăm lần sanh ra làm ăn xin. Ngày hôm sau với lòng tin và sùng mộ, bà gặp Phật và nhận lời tiên tri của ngài về sự giác ngộ của bà, và mọi người cúng dường vô số đèn dầu lên đức Phật. – Ở Tây Tạng, thời gian trước, có một người rất giàu cúng dường rộng rãi cho mọi cộng đồng tu viện ở Lhasa, trong đó có ba đại học tăng, với hai mươi lăm vị tăng. Bố thí rộng rãi như vậy, ông nghĩ mình là một nhà từ thiện vĩ đại, và sự kiêu ngạo của ông lớn lên. Trong khi đó, một bà già ăn xin, thấy ông là một thí chủ cho những tu viện đó, thành thực tùy hỷ với sự rộng lượng của ông. Nhiều niềm tin, bà tùy hỷ, vui theo công đức và đức hạnh của ông, nhưng vì quá nghèo bà chỉ có thể làm một ngọn đèn bơ bằng cách đổ mỡ thú vật vào một móng chân ngựa. Cây đèn này bà cúng dường chung với hàng ngàn cây đèn bơ của thí chủ giàu có. Khi chúng đang cháy, một ngọn gió nổi lên thổi tắt tất cả những ngọn đèn trừ ngọn đèn của bà. Một thành tựu giả chứng kiến sự việc này bình luận rằng dù nhà từ thiện cúng dường rất nhiều, động cơ của ông bị dơ nhiễm vì sự tự phụ. Ngược lại, bà lão chỉ có một món cúng dường khiêm tốn nhất, đã làm với tin tưởng và khiêm hạ thuần khiết thanh tịnh. Khi cúng dường, động cơ phải là sự tin tưởng thanh tịnh và từ lòng bi, không nghĩ đến cái gì bạn sẽ được đền đáp. Lúc đó hành động bố thí của bạn thực sự là một đức hạnh và sẽ có những hậu quả tốt đẹp. Nhưng nếu hành động bố thí có động cơ là tự phụ, chút tốt đẹp cũng không đến từ đó. – Ngày xưa, một nhà sư tên là Aryamitra quyết định đi khất thực để cúng dường đèn dầu trong ba tháng lên đức Phật Rinchen Tsukpu. Một người con gái của vua cho nhà sư một lượng dầu lớn, thế nên không cần đi xin, ông có đèn dầu để cúng dường trong ba tháng. Trong một vô số kiếp, cả hai người hưởng thọ hoan hỷ và hạnh phúc của trời và người, và thân thể đẹp đẽ phi thường. Cuối cùng nhà sư đó thành Phật Dipamïkara (Nhiên Đăng), và cô gái thành Phật Thích Ca. Có nói rằng dù sau khi thành Phật, nhiều người cúng dường hai vị đèn dầu. Trong thời Phật Kasyapa, một nhà sư mới vào chế giễu một vị khác khi nhảy qua một cái mương, nói rằng, “Huynh nhảy như một con khỉ !” Nhà sư đáp : “Tôi là một A La Hán, thế nên chớ nói những lời vu vơ như thế.” Dù nhà sư đã sám hối, ông sanh năm trăm lần làm khỉ. Nhờ sự sám hối, khi còn làm khỉ ông gặp Phật Thích Ca và cúng dường mật cho ngài. Ông chết, và ngay sau đó tái sanh làm người, nhà ông đầy mật. Sau cùng, ông xuất gia và thành một A La Hán, làm một vị tăng có tên Mật Tuyệt Hảo. Như thế, có nói rằng cần giữ gìn không nói lời bậy bạ. Ngày xưa, một trong nhiều tháp của Phật Visvabhuj sụp đổ, và một bà lão tìm mười người để giúp bà trùng tu lại. Như một kết quả của sự cầu nguyện của họ, trong chín mươi mốt kiếp họ cùng tái sanh làm trời và người, với thân thể đẹp đẽ, hấp dẫn, và mọi người tôn kính, không bao giờ rơi xuống địa ngục. Cuối cùng bà trở thành Sumana, con gái của chủ gia đình Anathapindika. Đẹp đẽ, một hoàng tử cưới cô, và cô sanh mười cái trứng nở thành mười con trai. Những người con trai về sau xuất gia và trở thành A La Hán. Người đàn bà già xưa đã trở thành cô gái, và mười người đàn ông từng giúp bà thành A La Hán. Một lần, đức Phật đang dạy Pháp, năm trăm con thiên nga bay đến và nghe ngài nói. Thích thú, chúng muốn đậu xuống, nhưng một người thợ săn đặt bẫy và giết chúng. Lập tức chúng tái sanh trong Trời Thứ Ba Mươi Ba. Nhớ lại những đời trước của mình, họ đến gặp Phật và đạt Nhập Lưu. Có nói rằng phát sanh một thái độ ác tâm đối với những nhà sư mặc y vàng là phát sanh một ác tâm với tất cả những bậc thánh của ba thời ; thế nên đây là một tội lỗi vô lượng ; trong khi nếu người ta phát sanh lòng tin, đó là công đức lớn. Có kể rằng một con sư tử tên là Tâm Kiên Cố bày tỏ sự kính trọng đối với một thợ săn mặc y phục vàng nghệ, và như một kết quả, một trăm ngàn kiếp nó trở thành chuyển luân thánh vương, và cuối cùng thành Phật. Trên là những chuyện kể từ các kinh. Đến đây kết thúc chương bổ sung về những hành động và những hậu quả của chúng. – Những chuyện trên chứng minh rằng nhiều động cơ phát sanh từ những trạng thái tâm thức khác nhau ảnh hưởng đến những hành động của chúng ta, và những chúng sanh khác nhau tri giác một vật duy nhất trong nhiều cách khác nhau. Chư thiên thấy nước là cam lồ, ngạ quỷ thấy nó như mủ máu, và chúng sanh địa ngục như dung nham núi lửa. Một vật được thấy khác nhau là do nghiệp của từng cá nhân. Thực tại có thể được thấy theo những cách khác nhau. Như chẳng hạn đức Dalai Lama được nhiều người xem là sự hiện thân đích thực của Quán Thế Âm. Một số nghĩ ngài là tốt cùng cực, một số suy nghĩ ngài là xấu. Trong thế giới này nhiều sự nói xấu được lan truyền, và tất cả chúng đều sanh ra từ nghiệp của người ta – từ những hành động và những kết quả của chúng – với gốc rễ là tâm thức của họ. Mọi sự thay đổi, vui, buồn, sướng khổ, thương, ghét... đều do tâm thức. Mọi quan điểm đều vô thường và một cách nền tảng, chỉ là những xuất hiện của tâm thức. Thế nên, chớ chú trọng đến chúng quá nhiều. Cần chú trọng nhiều là chính tâm thức của bạn ! Trong truyền thống Đại Toàn Thiện, Guhyagarbhatantra nói rằng tinh túy không gốc rễ của mọi sự chính là tâm. Mặt khác tâm là nền tảng, hay gốc rễ, của tất cả những hiện tượng, nhưng bản thân tâm thì không có gốc rễ, hay tinh túy. Khi nói rằng toàn thể sanh tử và niết bàn có tâm làm gốc rễ của chúng, chúng ta có thể hỏi, “Tâm là của ai ? Có phải là tâm của một cá nhân không ?” Câu trả lời là không ; tâm của tất cả chúng sanh. Sự liên hệ của sanh tử và niết bàn với tâm của Phật không phải là liên hệ với tâm của một vị Phật mà là với tất cả chư Phật. Những tạo tác ý niệm vô số của tâm phát triển, và do chạy theo những cái ấy, chúng ta kéo dài mãi sự hiện hữu của chúng ta trong sáu cõi sanh tử, và cũng kéo dài ba độc của tâm. Một cách cơ bản, chúng ta kéo dài sanh tử của chúng ta bằng cách bám níu vào cái không có hiện hữu đích thật mà cho là thật. Vì lý do này, đức Phật dạy Bốn Thánh Đế, hai vô ngã, tức là nhân vô ngã và pháp vô ngã, và cái thấy tánh Không. Do khuynh hướng bám chấp vào cái không hiện hữu cho là thực có, chúng ta bám vào những hiện tượng như là kiên cố và thường hằng, đó là chấp thường. Nhìn vào các thân Phật, thì Pháp thân là bản tánh đích thực của tâm. Bốn hoạt động của Báo thân – bình an, mở rộng, thần lực và dữ tợn – chỉ là những phô diễn của tâm. Tiếp theo là cấp độ Báo thân, bao gồm tất cả cõi tịnh độ, những cung điện, những phô diễn của trí huệ bổn nguyên, và mọi phẩm tính của chư Phật, chúng chỉ là thuộc bản tánh của tâm. Rồi chúng ta có thể nhìn các cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc của sanh tử. Tất cả các cõi này, cùng với những tương liên tương thuộc của những hành động và những hậu quả của chúng, nảy sanh từ tâm. Mọi hạnh phúc và đau buồn người ta kinh nghiệm sanh ra chỉ từ tâm. Hãy nhớ trong tâm mười thí dụ mà đức Phật đã nói về mọi hiện tượng, tuyên bố rằng chúng như tiếng vang, như ảnh phản chiếu, như ảo ảnh v.v... Người ta chỉ bám chấp vào cái không thật cho là thật. Hãy nhớ mười thứ tương tự này trong tâm ; chúng thực sự là những đối tượng rất thích hợp để thiền định. Nhưng trong lúc đó, quan trọng là chúng ta không phát triển một thái độ tự xem là đặc biệt. Không có ai trong chúng ta là đặc biệt. Nếu bạn muốn trở nên đặc biệt, thì hãy nhận biết bản tánh của cái tỉnh giác của bạn. Nếu bạn muốn là đặc biệt, hãy gỡ thoát khỏi mạng lưới sanh tử này. Nếu bạn không làm được điều này, bạn không là đặc biệt. Khi tôi nói về sự không thực của kinh nghiệm của chúng ta, bạn có thể nghĩ có lẽ nghiệp thực ra cũng không có sự thật nào như những kinh nghiệm của bạn, nhưng đây là một kết luận sai lầm. Hãy xem những đại sư quá khứ của dòng Kagyu. Họ thường tụng một câu nguyện, “Nguyện tôi chứng biết những tinh tế của những hành động và những hậu quả của chúng.” Chỉ khi người ta đã có được một chứng ngộ rất cao gọi là “một vị của tất cả những hiện tượng”, thì người ta mới có thể thực sự thâm nhập vào những mối tương quan tinh vi này, những mối kết lẫn nhau tinh tế này của những hành động và những hậu quả của chúng. Có sự chứng biết đầy đủ này những tinh tế của nghiệp có nghĩa là bạn đã có được hai loại hiểu biết (hai trí) : về bản thể và về hiện tượng (căn bản trí và hậu đắc trí). Trí huệ về bản thể (căn bản trí) là sự chứng ngộ tánh không, nó là bản tánh của tất cả hiện tượng. Trí huệ về hiện tượng (hậu đắc trí hay sai biệt trí) của một vị Phật là sự thấu hiểu thâm nhập phạm vi trọn bộ của những hiện tượng, đặc biệt về những hành động và những hậu quả của chúng. Những tương quan này thì vi tế không thể nghĩ bàn. Hiểu biết về bản thể và về hiện tượng có thể ví như thân của một cái cây, và quả là tám vạn bốn ngàn bộ giáo lý của Phật. Thế nên, chớ nghĩ rằng những giáo lý về nghiệp là một cái gì phải để lại sau hay trở nên vụn vặt một khi người ta đã đạt chứng ngộ rất cao.
về những Hành Động và Hậu Quả của chúng
Cuối cùng anh sanh ở Rajagrha (thành Vương Xá), và ngay khi vừa sanh ra, mẹ anh chết. Người ta nói anh sanh nhằm một ngôi sao xấu, và anh bị đem đi bỏ với những xác chết trong nghĩa địa. Như một kết quả của việc cúng dường con bê, sữa chảy ra từ vú của một xác chết và anh không chết. Về sau, anh xuất gia với Phật Thích Ca và đạt đến giải thoát.
Kính lễ đức Quán Thế Âm !