[200] Quan trọng là biết những lỗi lầm trong tham thiền để chúng ta có thể nhận biết chúng trong kinh nghiệm của chúng ta và lìa bỏ chúng. Nếu không, chúng ta có thể nghĩ chúng ta đã đến trạng thái ấy trong khi chúng ta không thực sự có nó. Thí dụ, chúng ta có thể kinh nghiệm tâm rất thư giản, thoải mái và giải thích nó là thiền quán. Đã thư giản, bầy giờ có thể kinh nghiệm những hiện tướng khác thường như hoa, những màu sắc hay ánh sáng rực rỡ, và lầm những hiện tướng ấy là bản tánh của tâm. Hay chúng ta kinh nghiệm một cảm giác tánh Không sống động – một không gian trống rỗng, rộng mở bao la, trong sáng – và nghĩ rằng đây là thiền quán. Thật ra, chẳng có cái nào là thiền quán cả.
Vậy thì cái gì là thiền quán? Thiền quán không phải là sự sáng tạo ra cái gì mới và gây xúc động, cũng không phải là tìm cái gì bị che dấu. Đúng ra, nó là một vấn đề thấu hiểu cái mà tâm chúng ta luôn luôn vẫn là, một cách tự nhiên, từ sơ thủy. Vấn đề duy nhất của chúng ta là chúng ta chưa bao giờ nhìn trực tiếp vào tâm mình và do đó không kinh nghiệm được tâm mình như nó là.
Chương này của bản văn của Tashi Namgyal, “Làm khô kiệt những phóng chiếu với cái nhìn đến nền tảng và năng lực biểu lộ”, bàn luận tiến trình cắt đứt những nghi ngờ, hay phóng chiếu về nền tảng và năng lực biểu lộ. Trong chương trước chúng ta nói về ba kỳ của việc nhìn vào tâm – nhìn vào bản thân cái tâm, nhìn những tư tưởng, và nhìn những hiện tướng bên ngoài. Ba cái này cũng áp dụng cho tiến trình từ bỏ những nghi ngờ.
Những nghi ngờ về những hiện tướng do tâm tạo
[200] Đoạn thứ nhất giải thích làm sao cắt đứt những nghi ngờ của chúng ta về những tư tưởng và những hiện tướng và xác quyết chúng không gì khác hơn là tâm. Điều này nghĩa là chuyển động của những tư tưởng và những hiện tướng của những hiện tượng không được tìm thấy ở đâu khác ngoài tâm.
Cái gì là sự khác nhau giữa nhìn vào bản tánh của tâm một mặt này và cắt đứt một cách quyết định mọi ngần ngại và ý niệm sai lầm về những tư tưởng và hiện tướng như là tâm ở mặt kia? Để xác định bản tánh của tư tưởng, bản tánh của hiện tướng, và bản tánh của chính cái tâm, chúng ta nghiên cứu truy tìm hình dạng và màu sắc của tâm, tư tưởng, hiện tướng và vân vân, và thấy rằng những tư tưởng và hiện tướng không hiện hữu trong tự tánh của chúng. Khi chúng ta cắt đứt những nghi ngờ và khám phá rằng tư tưởng và hiện tướng chính là tâm, chúng ta tìm cách thấy cội nguồn của tư tưởng và hiện tướng này. Chúng đến từ đâu? Chúng trụ ở đâu? Chúng đi đâu? Khi nghiên tầm theo cách này, chúng ta khám phá rằng tâm không tách lìa với những tư tưởng và hiện tướng.
Kỹ thuật của tư tưởng mãnh liệt
Ratma Lingpa đề xuất một phương pháp cắt đứt những nghi ngờ mà chúng ta có thể gọi là “phương pháp của tư tưởng mãnh liệt”. Chúng ta bắt đầu bằng an trụ trong tham thiền về tánh Không. Bấy giờ chúng ta khởi dẫn một tư tưởng mãnh liệt, như giận dữ. Khi tư tưởng này sanh khởi, chúng ta nhìn vào nó và hỏi: Tư tưởng này đến từ đâu? Để trả lời, chúng ta có thể nói, “Tốt, tôi bắt đầu nghĩ về ai đó tôi ghét và những sự việc kinh khủng mà người ấy đã gây ra cho tôi, và từ điều này một tư tưởng giận dữ nổi lên.” Điều ấy có vẻ như vậy, nhưng nó không trả lời câu hỏi cái gì là nguồn gốc của tư tưởng này, của sự giận dữ này, thực sự là gì. Thế nên chúng ta tìm kiếm điểm đặc biệt nơi đó tư tưởng sanh khởi. Chúng ta nhìn và nhìn. Nhưng không tìm thấy nơi nào như vậy cả.
Bấy giờ chúng ta có thể nghỉ rằng tư tưởng sanh khởi từ tâm. Chúng ta hỏi, nếu như thế, cách nó sanh khởi từ tâm là gì? Có phải một tư tưởng sanh khởi từ tâm theo cách một đứa bé sanh ra từ mẹ nó, trở thành tách biệt và có thể tự hiện hữu? Hay bản thân tâm trở thành tư tưởng, trước tiên nó là tâm, và rồi chuyển hóa và trở thành tư tưởng? Nếu chúng ta nhìn cẩn thận, chúng ta thấy rằng chẳng có tiến trình nào diễn tả sát với sự thực cả. Chúng ta thấy rằng, thật vậy, tư tưởng là vô sanh.
Rồi chúng ta tìm xem nơi nào và thế nào tư tưởng an trụ. Chúng ta có khuynh hướng nhìn giận dữ như rất mãnh liệt. Nó có vẻ rất thật, và chúng ta bám vào nó như là thật. Tuy nhiên khi bắt đầu nhìn vào nó, chúng ta tìm thấy rằng cho dù nó rất mãnh liệt, nhiều năng lượng, nó không thể được nhận diện như một vật thể gì cả. Không có cách gì để nắm được nó hay nhận diện nó chính xác là gì.
Khi một tư tưởng mãnh liệt sanh khởi chúng ta cũng nhìn xem nó đi về đâu. Chúng ta tìm kiếm và tìm kiếm điểm biến mất của nó, và chúng ta không tìm thấy. Điều đó có hai khả năng: tư tưởng chấm dứt và trở thành không có, hay tư tưởng bình lặng và tịnh hóa một cách tự nhiên.
Chúng ta làm sự nghiên tầm này với những tư tưởng mạnh mẽ và những tư tưởng nhỏ nhiệm. Chúng sanh khởi từ đâu? Chúng trụ ở đâu? Chúng đi đâu?
Chúng ta cũng có thể đem tới cho tâm những tư tưởng mâu thuẫn, như cảm thức một vật thì thích thú vật khác thì đau khổ. Chúng ta nhìn vào những tư tưởng này, cái này sau cái kia. Thực sự đâu là sự khác biệt giữa chúng? Chúng có vẻ khác nhau, nhưng khi nhìn, chúng ta không thể tìm thấy chỗ nào nơi một cảm thức vui sướng sanh khởi hay một cảm thức khổ đau sanh khởi. Cũng thế, chúng ta không thể tìm thấy nơi nào chúng ở hay chúng đi.
Chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là điểm then chốt của tất cả cái thấy này nếu chúng ta không thể tìm thấy cái gì cả? Điểm then chốt là chúng ta có những ý niệm rất cố định về những cái ấy, đặc biệt về điều chúng ta nghĩ là thích thú và điều chúng ta nghĩ là khổ đau. Chúng ta nghĩ chúng hoàn toàn tách biệt nhau. Chúng ta cũng có thể nghĩ tâm là ở trong và những tư tưởng xuất hiện là ở ngoài. Nhưng khi chúng ta cẩn thận nghiên tầm kinh nghiệm của mình, những quan niệm như vậy tan rả từng mảnh. Chúng ta thấy rằng tâm và những tư tưởng đều cùng một bản tánh và không thể tách biệt. Chúng ta nhận biết và kinh nghiệm chúng như vậy. Kinh nghiệm tâm và tư tưởng là không thể tách biệt là điểm then chốt của tất cả cái thấy này.
Nếu chúng ta không tham thiền cách này và khám phá rằng tư tưởng là không thể tách lìa với bản thân cái tâm, bấy giờ tư tưởng sẽ là một chướng ngại cho tham thiền. Chúng ta bằng lòng với tham thiền về bản thân cái tâm, nhưng khi những tư tưởng sanh khởi, chúng sẽ hủy hoại sự tham thiền của chúng ta. Mặc khác, nếu chúng ta đã truy tìm bản tánh của tư tưởng và thấy nó không sanh khởi từ đâu cả, không trụ ở đâu cả, không biến mất đến đâu cả, chúng ta sẽ hiểu rằng tâm được kinh nghiệm trong tham thiền và tư tưởng là đồng nhất. Bấy giờ, chúng ta kinh nghiệm tư tưởng chỉ là một sự biểu lộ khác của thật tánh của tâm, và những tư tưởng không đặt ra một chướng ngại cho tham thiền.
Những nghi ngờ về tâm tĩnh lặng và tâm chuyển động
[203] Đoạn tiếp theo giải thích làm sao cắt đứt những nghi ngờ về những hiện tướng và xác quyết những hiện tướng là tâm.
Như trước, chúng ta an trụ trong tham thiền. Những hiện tướng, như những hình ảnh, sẽ sanh khởi. Chúng ta tìm kiếm điểm sanh khởi, điểm trụ và điểm tiêu tan của những hình ảnh này. Khi một hình ảnh xuất hiện, tâm nắm hiểu nó. Chúng ta nghiên tầm cái tâm nắm hiểu hiện tướng. Từ đâu tâm ấy sanh khởi? Nó trụ ở đâu? Nó đi đâu? Đâu là mối tương quan giữa hình ảnh được thấy và cái tâm thấy nó? Khi nhìn, chúng ta tìm thấy rằng chúng ta không thể chia tách hiện tướng và tâm và chúng, thật ra, không khác nhau.
Khi chúng ta truy tìm, đặc biệt sẽ có ích khi nhìn vào tâm thấy sắc tướng đẹp và tâm thấy sắc tướng xấu, hay tâm nghe âm thanh thích và tâm nghe âm thanh không thích. Giữa hai tâm ấy có sự khác biệt gì? Lại nữa, chúng ta tìm xem nơi tâm bắt đầu, nơi nó dừng trụ và nơi nó đi.
Về bản thân cái tâm, có ích lợi nếu nhận diện hai kỳ khác nhau: tâm ở yên và tâm chuyển động. Khi tâm ở yên, có ít tư tưởng – nó bình an, phẳng lặng. Khi tâm chuyển động, nhiều tư tưởng khác nhau tự nhiên sanh khởi. Chúng ta nghiên tầm sự khác biệt giữa tâm ở yên và tâm chuyển động. Khi tâm ở yên, tâm ấy đến từ đâu? Nó trụ ở đâu? Nó đi đến đâu? Khi tâm chuyển động, nó đến từ đâu, trụ ở đâu, đi đến đâu? Đâu là sự khác biệt thực sự giữa tâm lặng và tâm động? Ban đầu có vẻ chúng có bản chất khác nhau: có vẻ tâm lặng thì bình an, thoát khỏi tư tưởng, phẳng bằng, và tâm động thì khác.
Để nghiên tầm điều này, chúng ta trụ trong một trạng thái tham thiền sâu. Từ trong trạng thái đó, hãy nhìn vào cái tâm lặng. Chúng ta thấy rằng nó trống không, vô tự tánh, nó không khác gì khác hơn là quang minh và tánh Không. Bấy giờ chúng ta nhìn vào cái tâm động. Những tư tưởng sanh khởi và giải thoát về phần chúng. Khi chúng ta nhìn vào tâm lặng và tâm động với kỹ thuật này, chúng ta khám phá rằng chúng không khác bản tánh; cả hai đều trống không, vô tự tánh. Từ quan điểm này, tâm lặng và tâm động không thể khác biệt. Bản tánh của chúng là tánh Không.
Rất dễ nghỉ rằng tâm lặng và tâm động có những bản chất khác nhau và rằng khi tâm động, sự tĩnh lặng mất. Một số học trò nghĩ rằng họ phải dẹp sạch cái động trước khi tâm có thể tĩnh lặng. Họ tin rằng có một mâu thuẫn giữa tâm tĩnh lặng và tâm chuyển động. Thật ra, cả hai thứ, tâm tĩnh lặng và tâm chuyển động đều là sự thống nhất giữa quang minh và tánh Không. Chúng ta thấy những khác biệt là do mê mờ của chúng ta. Tĩnh lặng không ngăn ngại chuyển động và chuyển động không chướng ngại tĩnh lặng; Chúng chỉ là một thực thể không thể tách lìa.
Những nghi ngờ về những hiện tướng là vô sanh
[205] Đoạn thứ ba gọi là “Cắt đứt và xác quyết rằng mọi sự xuất hiện là vô sanh”. Một lần nữa chúng ta an trụ trong sự thống nhất của quang minh và tánh Không. Từ trong trạng thái này, tâm nhìn vào chính nó. Chúng ta tìm xem từ đâu tâm sanh khởi, cái gì làm cho nó sanh khởi, nó trụ ở đâu, và nó đi đâu khi nó lìa đi. Chúng ta không tìm thấy điểm gốc nào của tâm, chỗ nào nó trụ, điểm nào nó dứt. Khi chứng nghiệm điều này, chúng ta thấu hiểu rằng tâm không được thiết lập bằng tự tánh của nó. Cuối cùng chúng ta xác nhận rằng mọi sự xuất hiện và vô sanh và tâm chỉ là một cái tên. Chúng ta đã nhận diện tâm này là vô tự tánh.
Những tính cách của nội quán khởi lên
[208] Đoạn này nói về mức độ chúng ta có làm phát sanh thiền quán hay không. Thật vậy, sức mạnh của tâm tĩnh lặng, hay thiền chỉ, ngăn chúng ta chứng ngộ bản tánh của tâm, hay thiền quán. Do sức mạnh của tâm tĩnh lặng, chúng ta không thể làm sanh khởi sự chắc chắn, niềm tin, và chứng ngộ của thiền quán.
Từ trong thiền chỉ, những kinh nghiệm ly kỳ hấp dẫn sanh khởi. Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đã kinh nghiệm cái gì đó thật sự và sâu xa. Chúng ta có thể nghĩ mình đã kinh nghiệm tánh Không của tâm khi chúng ta chưa có. Bản thân thiền chỉ ngăn chặn sự chứng ngộ của chúng ta. Để hoàn thành chứng ngộ thật sự Phật tánh của tâm, chúng ta cần thư giản hơn, tách khỏi những kinh nghiệm thoáng qua, và tham thiền về nội quán.
Có những loại rắc rối học trò có thể trải nghiệm. Một số với tâm tối tăm bị nghiệp che chướng, hay những dấu in của những hành động quá khứ. Bất kể họ phân tích nhiều bao nhiêu, họ không thể thấy tự tâm. Với những học trò ấy cần làm những thực hành khác một lúc, đặc biệt thực hành tích tập trí huệ và công đức và tịnh hóa những che chướng đã tích tập trong quá khứ. Khi họ đã làm như vậy, họ có thể làm phát sanh thiền chỉ với một bờ viền sắc và giòn. Qua duy trì thiền chỉ ấy, cuối cùng họ có thể làm phát sanh nội quán của thiền quán, sự chứng ngộ thực tánh của tâm.
Rắc rối cho những học trò khác là họ quá trí thức. Con đường lý luận của họ đã trở nên quá mạnh đến độ nó xâm nhập vào con đường làm phát sanh thực sự kinh nghiệm chân thực. Những học trò này cần tự thực hành tham thiền nhiều hơn, bỏ một bên cái trí thức, và chỉ rất đơn giản nhìn vào điểm nguồn gốc của tâm, chỗ trụ, và điểm tan biến cho đến khi sự tham thiền của họ có một số kết quả.
Thiền quán này và những loại thiền quán khác
[209] Trong đoạn này, Tashi Namgyal phân tích những hình thức thiền quán được nói đến trong những bản văn Phật giáo khác để thấy chúng có khác hay không với thiền quán đại ấn. Ngài chỉ ra rằng thực hành thiền quán đại ấn nghiên cứu tìm tòi cách thế hiện hữu của tâm, thì căn bản giống như mọi loại thiền quán khác.