Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Lời Nói Đầu

Lần đầu tiên tôi gặp dịch giả của tập sách này trở về với năm 1947. Chúng tôi gặp nhau ở Darjeeling, một thị trấn nhiều người tới lui nằm dưới chân vùng đồi của Hy-mã-lạp-sơn. Ông ta vừa từ Tây Tạng trở về, dù không cách xa Darjeeling lắm, một quãng đường dài, phải đo số ngày du hành bằng ngựa và bò yak. Tây Tạng lúc bấy giờ là một huyền bí lớn và là suối nguồn của sự tò mò đối với đa số người; một xứ sở vẫn còn khép kín đối với những người nước ngoài và chỉ một vài người châu Âu đến đó. Tuy nhiên, cái rào cản ít nghiêm ngặt hơn ở bên phía Trung quốc. Với thuận lợi này, Ông Chang đã rời Trung hoa sang Tây Tạng vào những năm sau của thập niên 1930 để cầu tìm Pháp và Giác ngộ. Ông đã du hành rộng khắp ở vùng Kham của Tây Tạng và nghiên cứu Phật giáo tại nhiều tu viện khác nhau hơn tám năm. Những cuộc phiêu lưu hấp dẫn và đầy hứng khởi của ông ở “phần bên trong sâu nhất của Tây Tạng” là đề tài của một tập sách khác. Bởi vì những năm dài nghiên cứu, tu tập và kinh nghiệm trực tiếp với đời sống của người dân Tây Tạng, ông có đủ tư cách nhất để dịch tác phẩm cổ điển vĩ đại này của Tây Tạng, “Trăm Ngàn Bài Ca của Milarepa,” mà cho đến hiện tại, chưa xuất hiện một bản dịch đầy đủ trong bất cứ một ngôn ngữ phương Tây nào.

Nhưng tập sách này đóng góp được gì cho một người hiện đại, không có thì giờ để đọc, đã bị ngập lầy trong cơn lụt sách? Để trả lời câu hỏi này, trước hết nên xem lại một vài sự kiện liên quan.

Nếu hỏi một người trung bình thời hiện đại y sống vì cái gì, mục đích mà y đang nỗ lực là gì, có lẽ y sẽ bảo bạn, với chút ít bối rối nào đó, rằng y sống “để hưởng thụ đời sống,” “để trợ cấp gia đình,” “để vui,” “để kiếm tiền,” hay “để đạt một cái gì có ý nghĩa và xứng đáng.” Nhưng thực tế, chúng ta tất cả đều biết rằng dường như không ai biết một cách chính xác mình đang sống vì cái . Nếu y suy tư về những sự việc quanh y và loại thế giới trong đó y đang sống, y sẽ sớm hoài nghi về sự liên hệ của việc nêu lên những câu hỏi này. Y chỉ có thể còn hỏi một cách lương thiện, “Chúng ta thực có thể biết được những câu trả lời đúng hay không, chúng ta có sự lựa chọn nào trong các vấn đề này không, và sau cùng, nó sẽ thay đổi được gì?”

Bất chấp sự từ bỏ không thể tránh được và sự bàng hoàng mà người hiện đại cảm thấy, không sớm thì muộn, y cũng thấy mình bắt buộc phải chọn giữa hai giải pháp: y có thể chuyển hướng đến tôn giáo với niềm tin mù lòa và hy vọng, hay chuyển hướng về thế giới và “biến nó thành cái tốt nhất.” Chắc chắn người ta chọn cái trước, không phải luôn luôn vì họ được thuyết phục để tin vào chân lý của tôn giáo, nhưng vì nghi ngờ và tuyệt vọng khiến đời sống của họ không thể chịu đựng được. Mặt khác, họ chọn cái sau, với tất cả khả thể, tinh thần họ bị chủ nghĩa bi quan và sự lạnh lùng làm cho điếc đặc. Tuy nhiên, một sự kiện vẫn rõ ràng: trong cả hai trường hợp, sự lựa chọn được thực hiện dưới áp lực của đau đớn, lo âu, và tuyệt vọng.

Kiến thức chung cho rằng một ý thức về mối nguy hiểm đang lơ lửng khuấy động khiến người ta hành động và cố gắng, rằng một tỉnh thức trước những giới hạn và sự vô vọng của con người đối diện với Vũ trụ, gợi hứng cho y theo đuổi cái “ở bên kia” và cái vĩnh cửu. Như vậy, cả trời và đất, Niết-bàn và Luân-hồi, mang nợ sự sinh ra những đau khổ và tuyệt vọng của con người. Một người có suy nghĩ phải hỏi: Sống một cuộc đời không có đau khổ thực sự có lợi thế gì? Không phải bất hạnh và buồn rầu là những điều kiện tiên quyết cho sự thức tỉnh tâm linh sao? Theo quan điểm tối hậu, có phải chúng ta, ngụy biện rằng: ‘những người thừa thãi kiến thức và sở hữu’, thực sự tốt hơn ‘những người dốt nát và thiếu thốn’ của những thời xa xưa không? Hãy nghĩ hai lần trước khi chúng ta đưa ra một câu trả lời khẳng định cho những câu hỏi này. Chúng ta cũng nên suy tư thêm một vài điều nữa: “Chẳng phải là khoa học và kỹ thuật, ở mức tốt nhất, có thể làm giảm bớt nhưng không loại bỏ được những đau khổ của con người sao? Giải phẫu thẩm mỹ, hay ‘làm đẹp bộ mặt,’ (face lift) thực sự có thể làm cho một bà già khốn khổ thành hạnh phúc được ư? Việc chúng ta có thể trì hoãn được hay không sự đi vào nấm mồ của chúng ta trong mười hay mười lăm năm vượt qua bên kia dự đoán thực sự là vấn đề lớn lắm sao?” Nhiều thiết bị kỹ xảo đã được phát minh để che dấu những sự kiện không thích thú của đời sống, và nhiều vật dụng tiểu xảo được sáng tạo để làm thỏa mãn những ham muốn không thể thỏa mãn của con người; phân tích đến kỳ cùng, còn gì nữa những mưu kế trí xảo này đem lại cho chúng ta trừ những đóng góp vào thiên đàng của kẻ ngu để người ta có thể sống trong đó? Khoa học, như một vài người khôn ngoan đã nói, “tạo những đóng góp của đa số cho các nhu cầu của thiểu số.” Tôn giáo, dù nó có đi đến đâu hay không, ít nhất nó cũng đang làm những điều thực sự quan trọng.

Bị mê hoặc bởi những thành đạt và tiện nghi vật chất, đa số con người hiện đại bị tước mất cơ hội và những đặc quyền đưa đến đời sống tinh thần phong phú như ông cha họ đã một lần có được. Chỉ đọc một vài câu chuyện của tác phẩm cổ điển Tây Tạng này, “Trăm Ngàn Bài Ca của Milarepa,” chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng mà nó dễ vô cùng cho những người Tây Tạng “lạc hậu” tiếp xúc với những chứng minh tâm linh và sống cuộc đời sùng mộ hơn là cho những kẻ đồng thời “tiên tiến” hơn. Lý do của điều đó rõ ràng: Họ có tâm đơn giản hơn nhiều và họ sống cuộc sống đơn giản hơn nhiều. Gần gũi hơn với những sự kiện thực tế của đời sống không bị những cách hóa trang và ngụy trang che đậy, họ đã có cơ hội nhiều hơn để quan sát những đau khổ và sự nhanh chóng của nó; và khi tiếp xúc gần gũi hơn với các Đạo sư và các bậc Thánh, họ đã có thể lấy được cảm hứng từ những người đó như là chứng nhân của những thành quả và phần thưởng cụ thể của đời sống sùng mộ. Nhưng đa số người hiện đại đều bị tước mất những đặc quyền này, vì họ đang sống trong một nền văn minh mà một nhà quan sát sắc bén đã định nghĩa một cách khôn ngoan là “một âm mưu to lớn chống lại đời sống tâm linh.” Và như vậy làn sóng Nghiệp tiếp tục cuộn lăn, và người ta bị cuốn theo, bất chấp sự không muốn và kinh hoàng của họ. Không ai quá ngu xuẩn đi đến nghĩ rằng thế giới sẽ tự đảo ngược và trở về với “những ngày xưa tốt đẹp ấy,” những gì đã qua thì đã qua. Tất cả những gì người ta có thể làm có lẽ là dùng những gì tốt nhất mà quá khứ đã di tặng chúng ta và áp dụng chúng cho tương lai và cho “ở đây và bây giờ.” Bất cứ người nào, thông điệp nào, hay hành động nào có thể làm bật sáng sự hứng khởi tinh thần cho những người phải sống trong thời đại thiếu sự nuôi dưỡng tâm linh này, vì thế, sẽ có giá trị cho tất cả những gì quan tâm, vì chúng là những gì chúng ta cần nhất, và những gì rất hiếm khi xuất hiện trong thời chúng ta.

Với cái nhìn này trong tâm, ông Chang đã bỏ ra nhiều năm để chuẩn bị bản dịch tiếng Anh của tác phẩm cổ điển tâm linh vĩ đại của Tây Tạng, Mila Grubum, hay “Trăm Ngàn Bài Ca của Milarepa,” với hy vọng làm nó khả dụng cho người phương Tây.

Mila Grubum là loại sách gì? Khó mà đưa ra một câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này. Chắc chắn, nó là một trong những tác phẩm cổ điển tôn giáo vĩ đại nhất, ngang hàng với Mahābhārata [một thiên trường ca anh hùng của Ấn độ giáo], Avatamsaka Sūtra [Kinh Hoa Nghiêm], The Bible [Kinh Thánh Cựu và Tân Ước], và những sách tương tự. Nhưng đồng thời, còn nhiều hơn thế nữa – nó là một loại sách khác trong quyền riêng của nó, người ta không thể tìm thấy một sách khác nào thực sự sánh đôi với nó trong lãnh vực văn học. Bởi vì bút pháp độc nhất vô nhị của nó, kết cấu bất thường, và nội dung bao quát, Mila Grubum là một quyển sách khó để dẫn nhập và ca ngợi theo nghĩa thông thường. Vì thế, câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi, “Mila Grubum là loại sách gì?” sẽ là do chính mỗi cá nhân độc giả cống hiến qua sự hiểu và thâm cảm của mình.

Có lẽ bây giờ tôi có thể tự nói lên cho chính mình lý do tại sao, trong nhiều tác phẩm cổ điển tôn giáo vĩ đại, Mila Grubum tác phẩm ưa thích cá nhân của tôi. Xin nêu lên một vài lý do, trước hết, tôi có thể nói rằng tôi thấy sách này là một nguồn suối hứng khởi vô tận, một kho tàng mênh mông của những lời dạy tâm linh, một kho tàng chứa những chỉ dẫn về yoga, một dẫn dắt trên Đường Bồ-đề, và trên hết, một người bạn luôn luôn có thể tin cậy được của người sùng mộ chân thành. Thứ nhì, nó cung cấp tin tức nội bộ về đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng – cư sĩ, hành giả yoga, cũng như tăng nhân – trưng bày một bức tranh sống động về các vấn đề tinh thần, những cố gắng, và những thành tựu của họ. Trong tập sách này, những ý kiến và lời dạy sâu xa nhất của Phật giáo được tiết lộ trong sáu mươi mốt câu chuyện hấp dẫn trình bày qua ngôn ngữ đơn giản. Vì thế, đọc nó thì cực kỳ thích thú và lợi ích. Bởi vì mỗi câu chuyện là một trương mục về kinh nghiệm cá nhân của Milarepa trong một hoàn cảnh đặc biệt, những thông điệp và chỉ dẫn cống hiến trong đó, tự nhiên mang sức thuyết phục và lôi cuốn phi thường, thực sự đưa người ta đến một niềm tin quyết to lớn hơn, sự an ủi rộng rãi hơn, và nội kiến thâm sâu hơn. Thêm vào đó, Grubum còn chứa những miêu tả rõ ràng và đánh giá minh bạch về các kinh nghiệm yoga trọng yếu, kể cả những kinh nghiệm của các giai đoạn cao nhất, cho đến bấy giờ, chưa được tiết lộ trong các kinh sách khác.

Nếu đánh giá Mila Grubum là khó, thì ca tụng nó còn khó hơn. Sau cùng, lời nói có thể không phải là một phương tiện tốt để ca ngợi một quyển sách thuộc loại này. Tôi thành thật hy vọng rằng độc giả có thể chia sẻ với tôi, trong im lặng và hân hoan, một kinh nghiệm có phần thưởng nhiều nhất trong khi đọc quyển sách được yêu mến này của Tây Tạng như hàng triệu người Tây Tạng đã có lần chia sẻ, trong quá khứ gần đây và xa xưa.

 Peter Gruber

Cơ Sở Nghiên Cứu Đông Phương New York; Tháng Chín, 1962

Xem mục lục